đây, chúng ta lại thấy truyện ngắn sử dụng kĩ thuật này như một cách để nới rộng dung lượng phản ánh, một cách để vươn đến tầm vóc tiểu thuyết. Bích Thu đặc biệt lưu ý đến vấn đề này khi tổng kết thành tựu của truyện ngắn sau 1975: "Từ sau 1975 xuất hiện khá nhiều kiểu cốt truyện theo xu hướng lắp ghép "liên văn bản", là nghệ thuật kể chuyện vượt ra ngoài phạm vi, giới hạn của thể loại" [367, tr.69]. Đặc tính lắp ghép liên văn bản như một sự "cầu viện" hết sức khôn ngoan của truyện ngắn để tạo nên sự tổng hợp, sự cộng hưởng thể loại. Bằng cách đó, nhiều truyện ngắn đã tạo nên hơi hướng tiểu thuyết, tạo nên sự đồ sộ của dung lượng.
Sự lắp ghép liên văn bản được thể hiện bởi những phương thức khá đa dạng. Đó là sự sắp xếp cạnh nhau các truyện cùng chủ đề, cùng nhân vật tạo nên một kiểu truyện ngắn có tên gọi là truyện ngắn liên hoàn. Đó là sự xâu chuỗi các sự kiện một cách khá logic bằng việc để nhân vật trung tâm tái xuất hiện, sống với nhiều đời sống qua các truyện ngắn. Đó còn là việc kết hợp của văn bản xưa và cái nhìn nay trong việc tạo ra các song đề truyền thống - hiện đại ở các truyện ngắn huyền thoại,…
Nguyễn Minh Châu tạo nên tính toàn vẹn, tính đầy đặn của cuộc đời lão Khúng khi để nhân vật đi từ Khách ở quê ra đến Phiên chợ Giát. Phạm Thị Hoài thường sử dụng các hình thức sắp đặt, pha trộn, lai ghép thể loại. Truyện ngắn Phạm Thị Hoài vừa tìm cách nhại thể loại vừa tìm cách dung hợp chúng. Nguyễn Bình Phương tạo nên Thế giới của Kim bằng việc tái xuất hiện nhân vật này qua nhiều truyện ngắn. Tập truyện Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm của Vò Thị Hảo có 14 truyện thì đã có tám truyện là những liên văn bản của Giàn thiêu, trong đó sự hóa kiếp luân hồi của Từ Lộ và vẻ đẹp thiên tính nữ nơi cung nữ Ngạn La là mạch truyện kết nối chạy dọc suốt chiều dài tám truyện ngắn này. Đặc biệt, có thể thấy "tham vọng" đó trong tập truyện ngắn Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu. Tập truyện có thể đọc một cách độc lập từng truyện theo nghĩa một tập truyện ngắn thông thường, nhưng thú vị và giàu ý nghĩa hơn nhiều khi chúng ta đọc trong tính liên kết, đọc trong sự liên hệ - kết nối với logic của các truyện khác trong tập truyện này. Có lẽ Nhật Chiêu muốn gửi gắm những ý vị nhân sinh sâu thẳm qua sự kết hợp
"tổng lực" của nhiều truyện ngắn chứ không phải bằng từng truyện. Do vậy, có nhiều biểu tượng vốn hết sức đa nghĩa lại cứ tái xuất hiện trong suốt tập truyện tạo nên những ám gợi lớn đối với người đọc.
Sự kết hợp giữa những mẫu cổ, những biểu tượng đạt đến mức bão hòa về độ hàm nghĩa với những sáng tạo trên tinh thần của triết mĩ đương đại là một sự lắp ghép liên văn bản mang lại nhiều giá trị như đã được chứng minh ở mục truyện ngắn huyền thoại.
Đặc biệt, lắp ghép liên văn bản đã trở thành một biểu hiện hết sức tập trung trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ở Nguyễn Huy Thiệp có nhiều truyện ngắn liên hoàn. Con gái thủy thần kết cấu từ ba truyện, Chút thoáng Xuân Hương cũng kết cấu từ ba truyện, Những ngọn gió Hua Tát được tạo nên từ "Mười truyện trong bản nhỏ",... Trong Con gái thủy thần, hành trình đi tìm Mẹ Cả của nhân vật tôi xuyên suốt cả ba truyện. Nhân vật tôi đi từ nông thôn ra thành thị, từ thành thị ra đến biển, đi mãi mà không gặp được thủy thần. Cả ba truyện đều lặp lại một giai điệu: "Tôi đã đi, đi mãi… Tôi chưa biết biển. Mà tôi sống nửa cuộc đời rồi đấy. Chỉ vài năm nữa là đến năm 2000". Cả ba truyện đều kết thúc bằng sự dằn vặt, bằng những trăn trở thao thức: "Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi…". Bên cạnh Chuyện ông Móng đã chất chứa bao vấn đề, Nguyễn Huy Thiệp lại lắp ghép thêm để gia tăng phạm vi cuộc sống bằng Chuyện bà Móng.
Từ lợi thế trong việc mở rộng sức chứa của truyện ngắn liên hoàn, Bùi Việt Thắng nói về triển vọng của loại truyện này: "Nếu có dự báo văn học thế kỉ XXI, dự báo riêng cho truyện ngắn thì chính kiểu truyện ngắn - liên hoàn sẽ có cơ phát triển vì ngắn nhưng vẫn là một bức tranh xã hội thu nhỏ, ngắn mà vẫn chứa cùng lúc nhiều câu chuyện thú vị vì nó liên hoàn nhân vật - chủ đề và thậm chí cả tình tiết đặc sắc" [77]. Ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn có nhiều kiểu liên văn bản khác. Nguyễn Huy Thiệp như muốn mở rộng khuôn khổ thể loại khi kết nối nhân vật Gia Long và Nguyễn Huệ bằng sự tái xuất hiện của nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa trong bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết. Bên cạnh đó,
Có thể bạn quan tâm!
- Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 14
- Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 15
- Truyện Ngắn Mang Tầm Vóc, Dung Lượng Tiểu Thuyết
- Tương Tác Thể Loại Và Sự Vận Động, Phát Triển Mạnh Mẽ Của Thể Loại
- Tương Tác Thể Loại Và Sự Vận Động, Phát Triển Của Truyện Ngắn
- Tương Tác Thể Loại Và Sự Mở Rộng Trường Phản Ánh Về Hiện Thực
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Nguyễn Huy Thiệp cũng thường xuyên lắp ghép liên văn bản bằng việc tạo ra các song chiếu huyền thoại - hiện đại: Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Tội ác và trừng phạt, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Trương Chi, Nguyễn Thị Lộ, Những tiếng lòng líu la líu lo,… Bằng sự thể hiện đa dạng đó, tầm vóc và dung lượng tiểu thuyết là một tố chất luôn tiềm tàng trong truyện ngắn của cây bút này.
2.3.2. Truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết
Trở lại với cái nghịch lý tưởng như oái oăm trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu: những sáng tác mang tiêu đề như “tiểu thuyết” thì chung một số phận với những sản phẩm tiểu thuyết đại trà: “...chúng thiếu những yếu tố bên trong, những “ghen” vô hình làm nên thể loại tiểu thuyết”; trong khi: “Nhưng những mầm mống tiểu thuyết thực thụ lại nảy nở trong một số truyện ngắn Nguyễn Minh Châu - Bức tranh, Sắm vai, Đứa ăn cắp, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam và đặc biệt Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát” [276, tr.297-298]. Phạm Vĩnh Cư đề nghị “Hãy tạm gọi những yếu tố ấy là tư duy tiểu thuyết”. Quả vậy, nói như M. Bakhtin: về bản chất, tiểu thuyết là một thể loại không quy phạm. Do vậy, lí luận văn học bất lực hoàn toàn trước thể loại này. Thế nhưng, M. Bakhtin cũng đã "cố gắng tìm ra những đặc điểm cấu trúc cơ bản nhất của cái thể loại mềm mại nhất này". Chúng tôi gọi những đặc điểm "tính cách" riêng ấy là "tư duy tiểu thuyết". Tư duy tiểu thuyết, cái mà Phạm Vĩnh Cư gọi là những "ghen vô hình làm nên thể loại tiểu thuyết", "những mầm mống tiểu thuyết thực thụ" trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu cũng nảy nở khá mạnh mẽ trong truyện ngắn giai đoạn này. Vũ Tuấn Anh cũng gọi những dấu hiệu đó là tư duy tiểu thuyết khi nói về Đời sống thể loại trong quá trình văn học đương đại: "Tư duy tiểu thuyết thâm nhập vào những thể loại nhỏ và vừa này tạo ra cho chúng một sức chứa lớn hơn nhiều so với bản thân chúng và mở rộng khả năng thể loại đến độ ngạc nhiên" [408]. Tư duy tiểu thuyết biểu hiện khá sinh động trong truyện ngắn: đó là việc tiếp cận hình tượng con người ở phương diện đời tư, ở cái thì hiện tại còn dang dở, chưa hoàn thành; đó là sự "lây nhiễm" tính tự do; sự lỏng lẻo, uyển chuyển bất tận; sự mạnh mẽ "phá rào",… của tiểu thuyết.
2.3.2.1. Góc nhìn đời tư ở thì hiện tại chưa hoàn thành
Nếu truyện ngắn 1945 - 1975 tiếp cận cuộc sống bằng một khoảng cách sử thi xa vời vợi thì truyện ngắn sau đổi mới nhìn cuộc sống từ góc độ thế sự đời tư, cái đời tư được đặt ở thì hiện tại còn dang dở, chưa hoàn thành. Đó là cuộc sống hiện tại với những con người đang nói, đang cười, đang suy tư, đang khao khát,… Đời tư trở thành tiêu điểm của truyện ngắn hôm nay. Chính Nguyễn Minh Châu đã đọc "Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa", ông tình thực: "Trước đây đôi khi chúng ta vẽ họ như một siêu nhân khiến người đọc chán ngán" thì nay: "Họ cần sống trong cuộc đời thường như mọi người bình thường" [46]. Sự tiểu thuyết hóa đã kéo con người trở về, đặt con người giữa cuộc sống hiện tại với biết bao ngổn ngang, bề bộn của nó. Ở giữa đời thường, con người trở nên không hoàn bị. Con người được nhìn nhận trong sự gần gũi hóa, thân mật hóa, thậm chí suồng sã hóa,... Không còn được thần thánh hóa, con người bước ra giữa trần tục với cái yêu ghét, tị nạnh, với cái quần cọc và đôi bàn tay luôn dấp dính mồ hôi. Đành rằng, việc tiếp cận cuộc sống ở góc nhìn thế sự đời tư, ở thì hiện tại còn dang dở chưa xong xuôi không hẳn chỉ là độc quyền của tiểu thuyết; truyện ngắn cũng có thể tham gia "cạnh tranh" ở phương diện này. Thế nhưng, chính ngay trong những đặc điểm để định danh tiểu thuyết, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: "yếu tố đời tư càng phát triển thì chất tiểu thuyết càng tăng, ngược lại, yếu tố lịch sử dân tộc càng phát triển thì chất sử thi càng đậm đà" [96, tr.329]. Trên cơ sở đặc điểm đó, có thể nói: nếu truyện ngắn 1945 - 1975 đậm chất sử thi thì ở truyện ngắn giai đoạn này, chất tiểu thuyết nổi rò. Vương Trí Nhàn nói đến "dấu hiệu một cái gì dang dở chưa hoàn thành" trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Chính Nguyễn Minh Châu cũng tự giác trong việc hướng ngòi bút của mình về thực tại cuộc sống đa sự, con người đa đoan. Người ta nói đến một hiện thực cay xè của tiểu thuyết trong Bức tranh, Bến Quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa,… Nguyễn Huy Thiệp tiếp cận ông tướng ở thời điểm về hưu với biết bao suy tư giữa môi trường cuộc sống đời thường. Những điều nhỏ nhặt, đôi khi tuế toái của đời thường; những điều trước kia bị coi là tủn mủn, vụn vặn của cuộc sống, không bao giờ được
đưa vào "tầm ngắm" của văn chương, thì bây giờ được xới lên một cách xót xa, nhức nhối: Ăn kêu - Hòa Vang, Hoa cỏ may, Một giọt nắng nhạt, Sống giữa đám đông - Nguyễn Khải, Tình Guột, Chờ nhật thực - Đoàn Lê,...
2.3.2.2. Quan điểm tiếp cận và cách kể
Hoàng Ngọc Hiến trong Năm bài giảng về thể loại đã nói về đặc trưng của tiểu thuyết ở quan điểm tiếp cận và cách kể. Theo đó, trong tiểu thuyết tác giả và nhân vật xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách sử thi để tạo lập một mối quan hệ thân mật, gần gũi, thậm chí suồng sã. Cách kể của tiểu thuyết là tác giả hòa vào các nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật: "trao ngòi bút cho nhân vật, để nhân vật tự viết lấy với giọng điệu riêng của nó"; trong khi đó, với truyện ngắn, tác giả tách ra khỏi nhân vật và kể về nó. Các tác giả truyện ngắn giai đoạn này thực sự đã trao ngòi bút cho nhân vật: trong nhiều trường hợp, nhà văn đứng cùng với nhân vật, trở thành nhân vật trong văn bản hoặc nhà văn đặt mình vào tình huống của nhân vật để cùng suy tư, trăn trở. Do vậy mà Thúy Vân không còn vô tư đến vô tâm, không còn mờ nhạt đến thiếu cá tính, trái lại, tác giả cùng day dứt với những ẩn ức sâu kín của nhân vật. Kết thúc tác phẩm không phải bằng cái sự "trong ấm ngoài êm" mà bằng những cơn bão tố tâm lí trong lòng Thúy Vân những lúc trái gió trở trời. Có lẽ, chỉ trong những lúc "lên cơn lẩn thẩn" Thúy Vân mới nguôi quên được cảnh trạng sống đắng chát đó. Cũng bằng quan điểm tiếp cận và cách kể này, Hòa Vang đã hé mở cho chúng ta câu chuyện bên trong về "tâm tình Thủy Tinh"; Lê Minh Hà đến với bao thổn thức của Gióng, Mẹ Gióng, những dòng tâm trạng ẩn giấu "đằng sau bộ quần áo xã hội",… Chỉ với cách nhìn đậm chất tiểu thuyết, truyện ngắn mới viết những câu "cận nhân tình" thế này: mẹ Gióng thương cho đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình "ngày ra trận không có lấy một bóng gái làng bíu giậu cúc tần bối rối để qua nhìn", Trương Chi đến giây phút rốt đời cũng "văng tục trước lẽ đời vừa tàn nhẫn vừa phi lí", Kim Thân La Hán xin đấng chí tôn: "Xin người cho con được phế bỏ toàn bộ công lực của một La Hán, hạ sơn, độc cô hành về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sóng nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấp một
ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà thương mình, lấy vợ, sinh con…"
Tư duy tiểu thuyết đạt đến cao điểm trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hoàng Ngọc Hiến đánh giá rất cao tố chất này trong bộ ba truyện ngắn lịch sử: "Ba truyện ngắn lịch sử Kiếm Sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết bộc lộ một phương diện của tài năng Nguyễn Huy Thiệp: tư duy tiểu thuyết" [283, tr.356]. Tư duy tiểu thuyết thể hiện rò trong quan điểm tiếp cận nhân vật, đặc biệt là nhân vật huyền thoại, nhân vật anh hùng của Nguyễn Huy Thiệp. Những phản đề, những "huyền thoại lộn trái" tiềm tàng trong truyện ngắn của tác giả này. Ông thân mật hoá, suồng sã hoá, giễu nhại hóa không từ một đối tượng nào. Ông lôi tuột xuống cuộc sống trần tục, đôi khi phàm tục với cái thời hiện tại đang dang dở của nó tất cả các nhân vật lịch sử: từ bậc đế vương đến các tướng lĩnh, từ anh hùng dân tộc đến các thi nhân... Với tài năng và sự khéo léo trong kỹ thuật này, Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên được những chân dung con người thật hơn, đầy đặn hơn, đậm chất muối mặn của đời thường hơn: Trương Chi, Chút thoáng Xuân Hương, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát, Mưa Nhã Nam, Nguyễn Thị Lộ, Thương cho cả đời bạc, Bài học tiếng Việt, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết,...
2.3.2.3. Sự mềm dẻo, uyển chuyển bất tận của tư duy tiểu thuyết
2.3.2.3.1. Tiểu thuyết, về bản chất là một thể loại không quy phạm, đó là hiện thân của tính mềm dẻo, uyển chuyển hàng đầu. M. Bakhtin coi đó là một đặc tính quan trọng của tiểu thuyết. Do vậy, ông khẳng định: tiểu thuyết hóa các thể loại khác không có nghĩa là bắt chúng phục tùng những quy phạm thể loại xa lạ với chúng; ngược lại, tiểu thuyết hóa các thể loại chính là giải phóng chúng ra khỏi những gì ước lệ, khô cứng và thiếu sức sống đang kìm hãm sự phát triển của bản thân chúng. Những biến thể vừa mới mẻ vừa đa dạng của truyện ngắn sau đổi mới chính là kết quả của việc được giải phóng để trở nên hết sức tự do về quy phạm thể loại. So sánh với truyện ngắn truyền thống chúng ta sẽ thấy những hình thể truyện ngắn rất tân kì. Đối với các cây bút truyện ngắn sau đổi mới, đặc biệt là các nhà văn
trẻ; những khuôn thước cũ đã tỏ ra quá chật chội. Phạm Thị Hoài cũng được sự tự do của tiểu thuyết mở đường: "Nhà văn đã không bị câu thúc bởi bất cứ điều gì thì cũng chẳng xem thể loại là quan trọng… Ước mơ của tôi khi viết truyện ngắn là: không nhất thiết trông giống một truyện ngắn, sở dĩ mang tiếng ngắn vì biểu hiện một điểm dừng chân trên cả cuộc đi dài, và là chạy gấp đến một cái đích chưa đánh dấu…" [77].
Quan điểm thể loại ấy đã được các tác giả cụ thể hóa một cách sinh động trong sáng tác. Đó là tính mở trong việc thể hiện cái tôi tác giả - cái tôi sáng tạo của người nghệ sĩ, đó là sự tự do về kết cấu, tự do về cốt truyện, tự do về nhân vật, thậm chí tự do về văn phong và cả sự tự do về ranh giới thể loại,…
2.3.2.3.2. Tính chất tự do, tính mở của tiểu thuyết trước hết được thể hiện ở sự tự do bất tận của cái tôi tác giả. Nếu trong truyện ngắn trước đây, cái tôi "biết tuốt" của tác giả thường đứng ở một khoảng cách khá xa để trần thuật khách quan và hết sức "giữ ý"; thì ở truyện ngắn giai đoạn này, xuất hiện thêm một hình tượng nhân vật khá đặc biệt - cái tôi tác giả. Cái tôi tác giả, ngụy tạo hay thành thực cũng đều nói lên một đặc tính về khoảng tự do sáng tạo hết sức rộng rãi của người nghệ sĩ. Cái tôi ấy nhiều lần công khai trao đổi, trò chuyện với người đọc bằng việc thường xuyên có những nhắc nhở, ghi chú,… Người đọc nhìn thấy cái tôi tác giả nhiều khi can dự một cách "thô bạo" vào câu chuyện, và không ít khi cái tôi ấy "nhảy xổ lên văn bản". Đây là đặc điểm được biểu hiện khá phổ biến trong truyện ngắn nhiều tác giả: Hòa Vang, Tạ Duy Anh, Nguyễn Khải, Hồ Anh Thái, Tô Hải Vân, Đoàn Lê, Nguyễn Đình Tú, Trần Chiến, Phan Đức Nam, Đỗ Trí Dũng, đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp. Một điều thật lạ là, càng đọc truyện ngắn giai đoạn này càng thấy hiện diện những đặc điểm mà M. Bakhtin đã nêu ra cho tiểu thuyết: “Người viết tiểu thuyết thiên về tất cả những gì chưa xong xuôi. Anh ta có thể xuất hiện trong trường miêu tả ở bất cứ tư thế tác giả nào, có thể mô tả những sự việc có thật trong đời mình hoặc nói ám chỉ đến chúng, có thể can thiệp vào cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, có thể bút chiến công khai với các địch thủ văn học của mình...” [27].
2.3.2.3.3. Bên cạnh cái tôi tự do của người nghệ sĩ, truyện ngắn hôm nay cũng "phá rào" trong tính mở, trong sự lỏng lẻo, uyển chuyển của kết cấu, cốt truyện,… Với tính chất "như một bức tranh khắc gỗ", truyện ngắn không được có yếu tố "thừa": "Mọi yếu tố tác phẩm được tổ chức sát với sự vận động của cốt truyện và tính cách, hầu như không có gì "thừa", tất cả nằm trọn trong các liên hệ nhân quả" [209, tr.392]. Trong lúc, đó là đặc quyền của tiểu thuyết: "Tiểu thuyết thì không thế. Nó chứa bao nhiêu cái "thừa" so với truyện vừa và truyện ngắn trung cổ". Đúng là với sự tác động của tiểu thuyết, truyện ngắn hôm nay đã "lây nhiễm" các "vỉa tiểu thuyết". Truyện ngắn bung ra, vượt lên trên những giới hạn thể loại chật hẹp đó. Nhiều truyện ngắn có các chi tiết "thừa"; thậm chí nếu nhìn khắt khe, nhiều truyện, yếu tố "thừa" chiếm dung lượng lớn. Có nhà nghiên cứu đã ví: nếu tiểu thuyết là một toà lâu đài thì truyện ngắn là căn phòng cầu nguyện. Thế mà, đọc truyện ngắn giai đoạn này lại thấy tác giả như người bộ hành thong dong trên các lối hành lang của tòa lâu đài ấy. Nếu quan niệm chặt chẽ về kết cấu, cốt truyện, ranh giới thể loại,… thì có thể nói như M. Bakhtin đã nói về tiểu thuyết: đối với truyện ngắn hôm nay, lí thuyết thể loại đòi hỏi phải xây dựng lại từ đầu. Bảo Ninh Lan man trong lúc kẹt xe, Hồ Anh Thái Sắp đặt và Diễn, Bốn lối vào nhà cười, Tạ duy Anh với Những giấc mơ của tôi, Nguyễn Vĩnh Nguyên có Hai truyện nhỏ không biết gắn vào đâu,…
Về lí thuyết thể loại, truyện ngắn quan tâm đến điểm, chủ yếu tạo ra những tình huống có ý nghĩa lớn; thế nhưng, truyện ngắn giai đoạn này lại rất "thiếu tập trung" về kết cấu, cốt truyện. Trong Cả một dây theo nhau đi, Hồ Anh thái không tập trung ở điểm mà lan man trên một diện khá rộng. Tác giả dẫn người đọc đi từ chuyện này đến chuyện khác bằng một kết cấu hết sức tự do: tác giả "rẽ ngang một chút", rồi lại đưa người đọc tiếp tục lang thang với những vấn đề thời sự khác bằng những cách chuyển rất tự do: "lại chuyển sang thời trang mũ", rồi hứa hẹn "dành cho một lần hầu chuyện khác",… Với kết cấu mở, người đọc không còn trông chờ vào một truyện ngắn có mở đầu, có khai triển và kết thúc. Như đã trình bày ở trên, nhiều truyện ngắn không thể nào nói về một cốt truyện, không thể kể về một nhân