Cơ Sở Cho Việc Tham Gia Vào Mạng Sản Xuất Ô Tô Toàn Cầu

công nghệ lắp ráp thuộc khâu “hạ nguồn”, nó không mang tính sản xuất, chế tạo, và không thúc đẩy được ngành công nghiệp phát triển.

Thứ tư, tham gia mạng sản xuất ô tô toàn cầu tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển công nghiệp ô tô có hiệu quả và tăng trưởng bền vững. Ngày nay lao động giá rẻ không còn sức hấp dẫn nhiều trong thu hút đầu tư nước ngoài bởi tỷ lệ chi phí cho lao động thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, nên một nước dù có ưu thế về lao động nhưng nếu ngành công nghiệp hỗ trợ của nước đấy không phát triển cũng sẽ làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn, khó thu hút FDI. Nếu chỉ đơn thuần lắp ráp ô tô từ linh kiện nhập khẩu nhằm tận dụng lao động giá rẻ, thì đến một mức độ nào đó khi các công ty xuyên quốc gia không thấy cơ hội nữa họ sẽ rời bỏ đi, chuyển sang nước khác có lao động rẻ hơn. Hiện nay, các công ty đa quốc gia chú trọng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm linh kiện, phụ kiện phục vụ cho dây chuyền sản xuất. Do vốn đầu tư được rải ra cho nhiều doanh nghiệp nên phân đoạn, hạn chế được rủi ro, khủng hoảng nếu có. Hơn nữa, các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển có quy mô nhỏ, nên họ có thể linh hoạt trong việc thay đổi mẫu mã, đổi mới công nghệ, ứng phó nhanh nhạy với biến động của thị trường.

Thứ năm, tham gia vào mạng sản xuất góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhằm tham gia vào mạng sản xuất, các doanh nghiệp trong công nghiệp ô tô phát triển sẽ ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ chất lượng cao, nhờ đó lao động có cơ hội được tiếp xúc, học hỏi để nâng cao tay nghề. Do tập trung chuyên môn hóa sản xuất, nên lao động trong công nghiệp ô tô có cơ hội nghiên cứu, tích cực đổi mới, sáng tạo cho sản phẩm của mình. Trong khi đó, hoạt động lắp ráp chỉ là những công việc đơn thuần, lặp đi lặp lại, trình độ tay nghề của công nhân không có cơ hội được nâng cao, tiếp cận với tiến bộ khoa học và công nghệ.

Thứ sáu, tham gia mạng sản xuất còn có vai trò quan trọng trong đóng góp vào các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế nhập siêu, theo đó sẽ có tác động tăng nguồn thu ngoại

tệ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Công nghiệp hỗ trợ trong công nghiệp ô tô phát triển sẽ làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, khi công nghiệp ô tô phát triển sẽ tạo ra hiệu ứng kéo các ngành công nghiệp khác phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, giảm nhập siêu và mở rộng quy mô thị trường. Hơn nữa, tham gia mạng sản xuất ô tô toàn cầu là điều kiện thuận lợi cho mở rộng các cụm liên kết ngành, một công cụ rất hữu hiệu giúp nâng cao sức năng suất lao động và sức cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế vùng, tạo lập mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc gia [32].

2.4. Nội dung tham gia mạng sản xuất ô tô toàn cầu

2.4.1. Cơ sở cho việc tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu

Thứ nhất là tái cơ cấu tổ chức sản xuất của công nghiệp ô tô


Từ thập niên 1990, công nghiệp ô tô thế giới đã chuyển đổi cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng phân đoạn sản xuất. Chia nhỏ các công đoạn từ các nước có công nghiệp ô tô phát triển sang các nước khác nhau, rồi từ sản xuất hàng loạt sang sản xuất theo thị hiếu người tiêu dùng phục vụ từng thị trường hoặc khu vực của các hãng sản xuất ô tô lớn tại ba trung tâm đầu ngành thế giới là Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự dịch chuyển này đã tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp cần nhiều vốn và công nghệ cao này. Thông qua tiếp nhận công nghệ và vốn từ các công ty lớn nói trên, các nước đang phát triển có thể tham gia sản xuất linh, phụ kiện theo thiết kế, lắp ráp ô tô hoặc một vài công đoạn khác phù hợp với năng lực cũng như lợi thế của nước mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

Thứ hai là sự chuyển hướng của thị trường ô tô thế giới sang các nước đang phát triển và mới nổi

Từ năm 1990, ba khu vực sản xuất ô tô lớn nhất thế giới gồm Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản có sự chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ xe ô tô sang các nước đang phát triển và mới nổi. Trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1997, sản lượng xe được sản xuất ra tại ba trung tâm lớn này là 1,7 triệu xe và tiêu thụ là 230.000 xe, trong khi đó

Sự tham gia của Thái Lan vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam - 7

tại khu vực các nước đang phát triển và mới nổi sản xuất là 5,1 triệu xe và tiêu thụ là 3,8 triệu xe. Đối lập với các quốc gia phát triển, trong khi lượng xe bán ra tại các thị trường mới nổi tăng với tốc độ gần 9%/năm trong 7 năm tính đến 1997, lượng bán ra của ba khu vực kinh tế lớn chỉ tăng chưa đầy 0,1%/ năm. Thực tế này đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch sản xuất từ các trung tâm sản xuất ô tô sang các thị trường đang lên, do đó các nước đang phát triển và mới nổi có cơ hội tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu.

Thứ ba là hội nhập vùng trong ngành ô tô tạo điều kiện tham gia mạng sản xuất toàn cầu

Nhờ quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa, các nước đang phát triển ở một số khu vực có cơ hội tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu. Điển hình là tại các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.

Tại Bắc Mỹ, hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ tạo ra cơ sở cho việc hội nhập vùng sâu hơn, thậm chí ngay cả trước khi xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập khẩu và thuế quan năm 2003-2004, hiệp định này đã giảm thuế quan cho xe ô tô nguyên chiếc và các linh kiện, bộ phận được nhập vào Mêxicô. Không những thế, hiệp định này còn cho phép các công ty xuất khẩu từ Mêxicô được nhập khẩu linh kiện, máy móc với những điều kiện ưu đãi nhất định. Điều này đã khuyến khích quá trình phân công lại lao động giữa các nhà máy tại Mêxicô và các nhà máy tại Mỹ và Canada. Mêxicô đã chứng tỏ đây là địa điểm hấp dẫn cho việc lắp ráp xe và sản xuất linh kiện, phụ kiện và bộ phận cần nhiều lao động. Tại Bắc Mỹ, Mêxicô nổi lên như một nhà lắp ráp xe ô tô, trở thành một địa điểm quan trọng trong mạng sản xuất ô tô toàn cầu với lực lượng lao động giá rẻ, có năng lực xuất khẩu động cơ sang các quốc gia khác.

Tại Châu Âu (EU), trong những năm 1990, sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ đã buộc các chính phủ Trung Âu chuyển hướng sang hợp tác với EU nhằm duy trì sự phát triển kinh tế thông qua thu hút nguồn vốn FDI. Nhờ đó, công nghiệp ô tô của họ có cơ hội gia nhập mạng sản xuất khu vực. Cụ thể, ba nhà sản xuất xe chính trong khu vực là Skoda tại Tiệp Khắc cũ, FSM và FSO tại Ba Lan, đã được bán lại cho nước ngoài vào năm 1995. Quá trình tự do hóa thương mại ngành ô tô

giữa EU và các nước Trung Âu được tăng cường vào năm 2001-2002. Các quy định thương mại đối với hàng nhập khẩu vào EU cũng được thay đổi để tạo ra một thị trường chung của khu vực. Theo đó, tất cả các xe sản xuất ở Trung Âu với hàm lượng nội địa là 60%, có thể được nhập khẩu miễn thuế vào Tây Âu. Và đây là cơ hội tốt cho việc tham gia của các nhà sản xuất ô tô trung Âu vào thị trường EU.

Tại Châu Mỹ Latinh, hiệp định Mercosur và những thay đổi trong chính sách đối với ngành ô tô của Achentina và Braxil đã tác động đến quá trình tham gia hội nhập ngành ô tô của khu vực này. Năm 1990, mạng sản xuất ô tô đã chính thức hình thành trong Mercosur, dựa trên phân công lao động trong sản xuất ô tô và linh kiện giữa Argentina và Brazil. Trong vòng sáu năm từ 1990 đến 1996, tổng giá trị trao đổi trong công nghiệp ô tô giữa hai nước tăng từ dưới 18 triệu USD lên tới hơn 1 tỷ USD, trong đó, linh kiện, phụ kiện tăng từ 9,5 triệu USD lên hơn 800 triệu USD. Năm 1996, hầu như tất cả xe xuất khẩu từ Argentina đều hướng sang thị trường Brazil. Đến năm 2000, các hãng lắp ráp ô tô nổi tiếng đều có kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ở cả hai quốc gia này, tuy nhiên, thương mại nội vùng vẫn còn bị quản lý nghiêm ngặt, và ngành CN ô tô là một trong những ngành chính được miễn giảm thuế quani cũng như thực hiện thương mại tự do giữa các nước theo hiệp định Mercosur.

Đối với khu vực ASEAN, mạng sản xuất ô tô toàn cầu cũng đã hình thành và phát triển trong khu vực. Khởi đầu là hàng loạt các hiệp định khu vực cho công nghiệp ô tô bao gồm: Chương trình Hợp tác công nghiệp ASEAN (AIC) vào năm 1981; Đề án Bổ trợ Thương hiệu (BBC) năm 1988; và Đề án AICO (Tổ chức Hợp tác công nghiệp ASEAN) năm 1996. Tuy có những khởi đầu thuận lợi nhưng các Đề án này phần lớn đều thất bại trong việc thúc đẩy phân công lao động khu vực. Hội nhập trong khu vực ASEAN vẫn còn hạn chế vì hai lý do quan trọng: (1) Thứ nhất, bốn nhà sản xuất xe chính trong khu vực cố gắng phát triển ngành CN ô tô của quốc gia riêng của họ. Riêng Malaysia và Indonesia đã thông qua chính sách thúc đẩy ngành CN ô tô quốc gia bằng mức độ sở hữu nội địa; (2) Thứ hai, ưu đãi quốc gia cho các loại xe vẫn còn khác biệt đáng kể giữa các nước ASEAN, điều này hạn chế phân công lao động hiệu quả. Đối với mỗi nước trong ASEAN-4, năm 1995, chỉ có một phần nhỏ

của tổng số linh kiện xuất khẩu được xuất trực tiếp sang một nước ASEAN để lắp ráp ô tô, ngoại trừ Singapore. Số lượng lớn hàng xuất khẩu sang Singapore có thể được tái xuất. Ví dụ, năm 1996, khoảng 85% xe ô tô và linh kiện, phụ kiện nhập khẩu vào Thái Lan là từ Nhật Bản và Đức. Các công ty Nhật Bản đã sử dụng ít đề án BBC, tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997, vấn đề hội nhập khu vực đặc biệt trong công nghiệp ô tô đã được đặt trở lại trong chương trình nghị sự trong ASEAN, nhưng chỉ có Thái Lan là có thể gia tăng sự tham gia của mình vào hệ thống phân công lao động rộng hơn trên khu vực và toàn cầu. Một trong những cách đối phó với khủng hoảng tài chính năm 1997 của các nhà lắp ráp tại Thái Lan là tăng xuất khẩu các loại xe, đặc biệt là xe bán tải, sang các thị trường bên ngoài khu vực ASEAN, và Thái Lan trở thành một nguồn cung cấp xe bán tải cho thị trường toàn cầu.

2.4.2. Một số nhân tố tác động tới khả năng tham gia mạng sản xuất ô tô toàn cầu


Do đặc thù của công nghiệp ô tô là tích hợp của các ngành sản xuất từ phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh là ô tô, do đó, để tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới bốn nhân tố sau: Chất lượng sản phẩm, giá xuất xưởng, thị phần và mức độ nội địa hóa sản phẩm, tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng.

Về chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chất lượng sản phẩm trong công nghiệp ô tô thường được nhìn nhận cả theo hướng công nghệ và theo hướng khách hàng. Tiếp cận theo hướng công nghệ, chất lượng sản phẩm là tập hợp các đặc tính kỹ thuật, công nghệ và vận hành sản phẩm, có thể đo được hoặc so sánh được, nó phản ánh giá trị sử dụng và chức năng của sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm. Tiếp cận theo hướng khách hàng, chất lượng sản phẩm còn là các đặc tính của sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng và có khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ. Do nhu cầu của người tiêu dùng về một sản phẩm ngày càng tăng lên và trong điều kiện cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, nên chất lượng sản phẩm của một doanh nghiệp hay một ngành của quốc gia cũng phải không ngừng được tăng lên. Lợi ích thu được từ chất lượng sản phẩm một ngành công nghiệp quốc gia nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với những chi phí lao động xã hội cần thiết

để sản xuất sản phẩm tại quốc gia đó. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, chất lượng sản phẩm còn gắn liền với các yếu tố giá cả và dịch vụ sau khi bán hàng. Việc giao hàng đúng lúc, đúng thời hạn, thanh toán thuận tiện cũng là một yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm. Đối với công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô của một nước, chất lượng sản phẩm có thể được xem xét dựa vào tính chuẩn mực và tính vượt trội. Tính chuẩn mực là chất lượng đương nhiên phải có đối với mỗi sản phẩm; nó phải tuân thủ nghiêm ngặt các đặc tính kỹ thuật, công nghệ và vận hành sản phẩm ở trình độ chung hiện có. Còn tính vượt trội tức là sản phẩm luôn được đổi mới để tạo ra sự khác biệt, hơn hẳn so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Giá xuất xưởng là giá được xác định tại thời điểm người sản xuất giao hàng cho người mua tại địa điểm chỉ định như xưởng, nhà máy, kho... Giá xuất xưởng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong cạnh tranh của sản phẩm cũng như của doanh nghiệp khi tham gia hội nhập quốc tế. Nếu giá xuất xưởng của cùng một loại sản phẩm ở các cơ sở sản xuất có sự chênh lệch khác nhau, trong khi các yếu tố khác là như nhau, thì lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp có giá xuất xưởng thấp hơn. Sự chênh lệch giá xuất xưởng còn làm gia tăng sự lựa chọn của khách hàng. Chênh lệch về giá sẽ khiến khách hàng đưa ra các quyết định khác nhau khi mua sản phẩm. Thông thường, khách hàng sẽ chọn những sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng, các dịch vụ khách hàng được cung cấp như nhau, nhưng nước nào có giá rẻ hơn thì sẽ thu hút được khách hàng nhiều hơn. Trong điều kiện sản xuất linh kiện, phụ kiện công nghiệp ô tô nhằm cung cấp cho lắp ráp sản phẩm nội địa, khi có các điều kiện nêu trên, nhưng giao hàng đúng lúc, đúng thời hạn, chi phí vận chuyển thấp và thời gian vận chuyển ngắn, thì cũng sẽ có lợi thế hơn so với việc sản xuất nó từ ở nước ngoài. Giá xuất xưởng của linh kiện, phụ kiện cũng được các nhà lắp ráp sản phẩm cuối cùng cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định mua hay không nếu môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ở nơi sản xuất có nhiều biến động hoặc bất ổn. Nếu các môi trường ở trong nước là ổn định thì các hãng ô tô sẽ quyết định di dời các nhà lắp ráp của mình sang nước đấy, và các doanh nghiệp nội địa có cơ hội tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu nhiều hơn.

Thị phần và mức độ nội địa hóa sản phẩm, thị phần là phần thị trường tiêu thụ sản phẩm mà một doanh nghiệp hay một ngành kinh tế quốc gia chiếm lĩnh. Nó phản ánh phần sản phẩm tiêu thụ của riêng một doanh nghiệp hay một ngành kinh tế quốc gia so với tổng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Để giành giật mục tiêu thị phần trước đối thủ, doanh nghiệp phải có chính sách giá phù hợp thông qua mức giảm giá cần thiết, nhất là khi bắt đầu thâm nhập thị trường mới. Đối với công nghiệp ô tô, nếu tỷ lệ giữa doanh số bán sản phẩm của doanh nghiệp trong nước với tổng doanh số thị trường bán ra về loại sản phẩm đó trên thị trường trong nước, thì mức độ nội địa hóa sản phẩm cuối cùng ngành sản xuất ô tô càng cao. Thị phần công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô cũng nói lên năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất ô tô trong nước so với các đối thủ nước ngoài. Tiêu chí thị phần phản ánh chính xác sức mạnh của mỗi sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường ô tô trong điều kiện tự do hóa thương mại. Mức độ nội địa hóa sản phẩm được đo lường bằng tỷ lệ tính theo phần trăm về doanh số mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước bán ra so với tổng doanh số cũng loại sản phẩm đó tiêu thụ trên thị trường của một nước hay tỷ lệ giữa doanh số bán sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước so với tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường của nước đó. Cách tính toán có thể theo hai công thức trên, nhưng mức độ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tính theo từng sản phẩm và người ta thường tính theo giá trị sản phẩm cuối cùng là ô tô. Thông qua tỷ lệ đó, người ta có thể biết được một chiếc ô tô được sản xuất trong nước có bao nhiêu phần trăm về giá trị được tạo ra bởi các doanh nghiệp sản xuất trong nước và bao nhiêu phần trăm giá trị được tạo ra từ các doanh nghiệp sản xuất ở nước ngoài. Trong mức độ nội địa hóa sản phẩm ô tô của một quốc gia cũng cần phải xem xét cả tỷ lệ nội địa hóa do các doanh nghiệp sản xuất của quốc gia đó tạo ra với các doanh nghiệp FDI cũng ứng. Nếu tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm do các cơ sở của quốc gia cung ứng càng cao thì càng thể hiện tính chủ động của sản xuất trong nước. Tiêu chí này không chỉ để đánh giá thành tựu của ngành sản xuất ô tô quốc gia theo thời gian, mà còn cung cấp cứ liệu để điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Mức độ nội địa hóa sản phẩm là một tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá

sự phát triển của một ngành kinh tế nói chung, ngành sản xuất ô tô trong nước nói riêng.

Tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng, tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của giá trị hay quy mô sản lượng của một đơn vị sản xuất, một ngành và một quốc gia theo thời gian, thường tính trong một năm. Có nhiều cách xác định tiêu chí tăng trưởng kinh tế, như tăng trưởng tuyệt đối, tăng trưởng tương đối hoặc tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong một giai đoạn. Mức tăng trưởng tuyệt đối là mức chênh lệch quy mô kinh tế giữa hai kỳ cần so sánh. Mức tăng trưởng tương đối là một chỉ số được tính bằng cách lấy chênh lệch giữa quy mô kinh tế kỳ hiện tại so với quy mô kinh tế kỳ liền kề trước chia cho quy mô kinh tế kỳ liền kề trước. Chỉ số tương đối được sử dụng phổ biến để đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nó cũng được sử dụng khi đánh giá thành tựu của công nghiệp ô tô quốc gia. Thông thường, mức tăng trưởng kinh tế được đo lường theo giá thực tế chứ không dùng các chỉ tiêu danh nghĩa. Tức là về bản chất, đây là sự tăng trưởng sản lượng, chứ không phải tăng trưởng do có sự thay đổi của chỉ số giá cả hay nền kinh tế có lạm phát.

Giá trị gia tăng, trong kinh tế, được hiểu là là sự chênh lệch giữa giá của sản phẩm hoặc dịch vụ và chi phí sản xuất ra sản phẩm của doanh nghiệp đó. Giá trị gia tăng có thể tính theo từng đơn vị sản phẩm. Nó là số còn lại của giá bán sản phẩm sau khi đã trừ đi chi phí trung gian để có sản phẩm đó. Để sản xuất một loại sản phẩm, các doanh nghiệp cần có vốn và lao động. Giá trị gia tăng của một ngành sản xuất hoặc của một quốc gia được tạo ra nhờ việc sử dụng vốn và lao động hay các nguồn lực trong nước. Cách tính năng giá trị gia tăng này là điều kiện làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp hay của ngành kinh tế quốc gia với các doanh nghiệp hay ngành sản xuất của quốc gia khác. Giá trị gia tăng phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và của ngành kinh tế quốc gia. Đối với công nghiệp ô tô của một nước, việc kết hợp các tiêu chí tăng trưởng kinh tế, mức độ nội địa hóa sản phẩm và giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp quốc gia sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về xu hướng phát triển của công nghiệp ô tô của nước đó trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu các chí tiêu này đều tăng lên thì công nghiệp ô tô của một nước là phát triển.

Xem tất cả 202 trang.

Ngày đăng: 23/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí