Quy Trình Lựa Chọn Nhà Cung Cấp Của Các Hãng Ô Tô

Ngược lại, những tỷ lệ trên là nhỏ thì không thể nói rằng nước đó đã chủ động về sản xuất loại sản phẩm này.

Với bốn tiêu chí về chất lượng sản phẩm, giá xuất xưởng, thị phần và mức độ nội địa hóa sản phẩm, tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng nêu trên nếu có sự tăng lên, tức là cho thấy khía cạnh kinh tế về phát triển bền vững sản phẩm của công nghiệp ô tô. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu và từng bước nâng cấp lên những bước cao hơn [32].

2.4.3. Quy trình lựa chọn nhà cung cấp của các hãng ô tô


Để sản xuất một chiếc xe ô tô, cần khoảng 3.000 linh kiện, phụ tùng ô từ nhiều nhà cung ứng khác nhau, đây chính là lý do giải thích tại sao các hãng sản xuất xe lại có những chuỗi cung cấp nhiều tầng, mỗi tầng gồm nhiều nhà cung cấp khác nhau. Để tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh khốc liệt, đối với các nhà sản xuất ô tô, điều quan trọng là phát triển và quản lý mạng lưới nhà cung cấp của họ một cách hiệu quả. Quá trình lựa chọn nhà cung cấp của họ thông thường, bao gồm các bước theo trình tự sau đây [27]:

Tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng: Các nhà lắp ráp ô tô hoặc các nhà cung cấp cấp 1 (sau đây gọi là người mua) thường tiến hành định kỳ tìm kiếm nhà cung cấp mới thông qua các cơ sở dữ liệu do các công ty tư vấn hoặc các tổ chức công xây dựng, các hội chợ thương mại, hoặc thông qua sự giới thiệu của các nhà cung cấp hiện tại hoặc từ chính nhân viên trong công ty.

Sàng lọc hồ sơ: Khi xác định được một nhà cung cấp tiềm năng, người mua sẽ xem xét hồ sơ doanh nghiệp để thu thập thông tin cần thiết về các sản phẩm chính, quy mô doanh nghiệp, năm thành lập, khách hàng chính, thiết bị và công nghệ đang sử dụng, tình trạng tài chính, v.v… Nếu tất cả các điều kiện này được thỏa mãn, người mua sẽ liên lạc với nhà cung cấp đặt lịch hẹn khảo sát nhà máy.

Khảo sát lần đầu: Mục đích của việc khảo sát lần đầu là để xác nhận các thông tin đã được thu thập từ vòng sàng lọc hồ sơ, đánh giá nhanh khả năng đáp ứng các yêu cầu về an toàn, hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng, v.v… Trong lần khảo sát

này, người mua có thể đưa ra một số khuyến nghị về cải tiến cho nhà máy, chẳng hạn như việc sắp xếp bố trí lại máy móc, các biện pháp quản lý chất lượng v.v… Thông thường, người mua sẽ sử dụng một bảng liệt kê các các nội dung cần đánh giá do chính người mua xây dựng.

Yêu cầu báo giá: Sau khảo sát lần đầu, nếu thấy có cơ hội hợp tác, người mua sẽ liên lạc để yêu cầu nhà cung cấp gửi báo giá cho các sản phẩm mà họ đặt hàng. Sau khi nhận được báo giá, nếu người mua thấy hợp lý, họ sẽ gửi yêu cầu đề nghị nhà cung cấp sản xuất sản phẩm mẫu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

Yêu cầu sản xuất sản phẩm mẫu: Có nhiều cách để yêu cầu sản xuất hàng mẫu. Người mua có thể gửi bản thiết kế chi tiết để các nhà cung cấp tiềm năng dựa vào đó sản xuất khuôn mẫu và làm sản phẩm mẫu. Người mua cũng có thể gửi sản phẩm mẫu, và các nhà cung cấp tiềm năng phải tự đo đạc sản phẩm mẫu để vẽ lại bản thiết kế, chế tạo khuôn mẫu và sau đó sản xuất một sản phẩm mẫu tương tự. Trong một số trường hợp, người mua cung cấp khuôn mẫu và yêu cầu các nhà cung cấp tiềm năng sử dụng những khuôn mẫu này để sản xuất các sản phẩm mẫu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật mà họ yêu cầu. Tóm lại dù bằng bất cứ cách nào, người mua kỳ vọng nhận được một sản phẩm mẫu đáp ứng tất cả các yêu cầu của họ về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, dung sai...

Khảo sát lần hai: Nếu các sản phẩm mẫu đáp ứng được yêu cầu của người mua, người mua sẽ đề xuất lần khảo sát thứ hai. Mục đích của lần khảo sát này chủ yếu để xác nhận những cải tiến mà họ đã khuyến nghị trong lần khảo sát thứ nhất đã được thực hiện hay chưa, sự sẵn sàng của các nhà cung cấp tiềm năng để trở thành nhà cung cấp của họ, cũng như sự nhiệt tình và đam mê nghề nghiệp của chủ doanh nghiệp.

Sự tham gia của Thái Lan vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam - 8

Đặt hàng sản xuất hàng loạt: Nếu lần khảo sát thứ hai đạt kết quả tích cực, người mua sẽ xem xét đặt đơn hàng sản xuất hàng loạt đầu tiên. Thường mất khoảng 1,5-2 năm tính từ thời điểm này cho đến ngày ra mắt chiếc xe đầu tiên được lắp ráp từ những sản phẩm do nhà cung cấp mới sản xuất. Trong suốt khoảng thời gian này,

khách hàng và nhà cung cấp vẫn phải thường xuyên hỗ trợ và làm việc với nhau để đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.

Trên đây là những bước cơ bản của một quá trình lựa chọn nhà cung cấp. Trình tự các bước và nội dung của từng bước có thể khác nhau tùy vào người mua. Nói chung, quá trình lựa chọn nhà cung cấp thường kéo dài từ 2 đến 3 năm hoặc ngắn hơn nếu nhà cung cấp tiềm năng đáp ứng hầu hết các tiêu chí của người mua. Như vậy, từ bước sàng lọc hồ sơ cho đến khi chiếc xe thành phẩm ra đời, phải mất tổng cộng khoảng 3-5 năm cho việc lựa chọn một nhà cung cấp đủ điều kiện, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và nhiệt tình của chủ doanh nghiệp, các kỹ sư và công nhân của nhà cung cấp.

Mỗi người mua sẽ có bộ tiêu chí của riêng mình để đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp. Thông thường, các tiêu chí có liên quan đến bốn yếu tố chính, được gọi là SQCD (viết tắt của các từ an toàn, chất lượng, chi phí và giao hàng). Khi xem xét yếu tố đảm bảo an toàn lao động của nhà cung cấp, người mua thường quan tâm đến các tiêu chí như nhà cung cấp đã có chứng chỉ ISO14000 hay chưa, các biện pháp áp dụng để đảm bảo an toàn lao động, điều kiện làm việc và môi trường xung quanh. Về yếu tố chất lượng, các tiêu chí được sử dụng phổ biến là các chứng chỉ quốc tế về chất lượng (ISO9000 hoặc TS16949), tỷ lệ phần trăm hàng hỏng, hệ thống quản lý chất lượng và cam kết đảm bảo chất lượng. Về yếu tố chi phí, tiêu chí đặt ra của người mua đối với nhà cung cấp bao gồm giá cả cạnh tranh toàn cầu, cam kết giảm chi phí hàng năm, điều khoản thanh toán v.v… Cuối cùng, liên quan đến yếu tố giao hàng, người mua sẽ kiểm tra xem nhà cung cấp tiềm năng có thể đáp ứng các điều kiện giao hàng của mình hay không, ví dụ như tiêu chí đúng hạn, kho ký gửi, yêu cầu về vận chuyển, giao dịch điện tử v.v…

Trong tình trạng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển, chỉ có rất ít doanh nghiệp trong nước đã được cấp chứng chỉ TS16949, do đó chứng chỉ này không phải là tiêu chí bắt buộc để trở thành một nhà cung cấp cho các nhà lắp ráp hoặc các nhà cung cấp cấp 1 trong công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất phụ tùng thay thế, nếu muốn xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc sở hữu chứng chỉ TS16949 được coi như là giấy thông hành để gia nhập vào thị

trường thương mại phụ tùng ô tô. Vì vậy, trong dài hạn, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô cũng nên hướng tới việc nâng cao năng lực quản lý và sản xuất để có thể đạt được chứng chỉ này.

2.4.4. Yêu cầu và điều kiện đảm bảo để quốc gia, doanh nghiệp tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu

Đối với quốc gia, các nước đang phát triển cần phải xem xét chiến lược cho công nghiệp ô tô trong bối cảnh xu hướng thị trường toàn cầu. Điều này không có nghĩa là sẽ có một chiến lược nào đó có thể thích hợp với tất cả các nước đang phát triển. Để có thể tham gia các mạng sản xuất toàn cầu và qua đó phát triển công nghiệp ô tô, cần thực hiện đồng bộ các chính sách sau đây [10]:

Trước tiên, phải thu hút được các phân đoạn sản xuất của các công ty xuyên quốc gia bằng cách giúp họ giảm chi phí. Giảm chi phí để các phân đoạn này có thể kết nối với các phân đoạn khác của mạng. Các chính sách giúp giảm chi phí như vậy cũng có lợi đối với sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu. Hệ thống các chính sách như vậy bao gồm: (i) Tạo thuận lợi, thúc đẩy đầu tư bằng cách tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp;

(ii) Tạo thuận lợi cho kết nối về mặt thể chế (giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại ưu đãi song phương và khu vực); (iii) Tạo thuận lợi cho kết nối bằng công trình (đường xá, kho tàng, cảng, thông tin liên lạc); (iv) Tự do hóa đối với công nghiệp hỗ trợ, bao gồm cả tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; (v) Tự do hóa đầu tư; (vi) Nâng cấp dịch vụ hạ tầng (điện, nước, thông tin liên lạc, internet, khu công nghiệp); (vii) Xúc tiến tiếp xúc giữa công ty xuyên quốc gia với doanh nghiệp địa phương; (viii) Giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế; (ix) Hài hòa hóa các thể chế kinh tế và hệ thống pháp luật trong nước với quốc tế;

(x) Đẩy mạnh hiệu ứng hội tụ ngành (cụm liên kết ngành); (xi) Giúp giảm chi phí lao động bằng cách tăng lượng cung lao động ở tất cả các mức kỹ năng lao động; (xii) Giúp tăng hiệu quả logistics bằng cách phát triển trước hết là các hành lang giao thông, sau đó đến hành lang logistics và hướng tới xây dựng các hành lang kinh tế.

Điều này đòi hỏi phải phát triển đường xá, kho tàng, cảng (hàng hải, hàng không), khu thương mại tự do, trạm bốc dỡ hàng container, khu logistics miễn thuế, tăng cường trao đổi dữ liệu điện tử và các phần mềm, hệ thống cần thiết cho hải quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tham gia các hiệp định quốc tế về vận tải hàng hóa.

Thứ hai, phải tìm cách nhận được sự chuyển giao công nghệ và bí quyết của các công ty xuyên quốc gia. Các chính sách như vậy bao gồm:

- Phải thúc đẩy các công ty xuyên quốc gia tiến hành tản quyền theo chiều dọc, thuê ngoài đối với các doanh nghiệp địa phương. Trong điều kiện những quy định hành chính kiểu tỷ lệ nội địa hóa trở nên kém hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, thì phát triển các cụm liên kết ngành là một biện pháp mang tính chất thị trường. Hình thức hợp tác, liên doanh cũng là một cách.

- Phải xây dựng một môi trường và cơ chế để công ty xuyên quốc gia sẵn sàng chuyển giao công nghệ và bí quyết. Đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ là một biện pháp giúp đạt được điều này.

- Tăng cường năng lực học hỏi của doanh nghiệp trong nước và của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên, quản lý trong nước. Năng lực học hỏi lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiến thức thực chất (không phải kiến thức danh nghĩa theo bằng cấp chứng chỉ) cơ bản và chuyên ngành, ham muốn học hỏi (học để có kiến thức, không phải học để lấy bằng cấp), truyền thống học và thực hành, v.v...

- Tăng cơ hội học hỏi cho doanh nghiệp trong nước. Bất kỳ biện pháp nào giúp tăng tiếp xúc giữa công ty xuyên quốc gia và doanh nghiệp trong nước đều có ích đối với cơ hội học hỏi. Cụm liên kết ngành là nơi tập trung số đông doanh nghiệp trong một khu vực địa lý xác định, nên cơ hội tiếp xúc giữa các doanh nghiệp trong cụm cao hơn, bao gồm cả tiếp xúc giữa công ty xuyên quốc gia và công ty trong nước.

Thứ ba, phải tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và doanh nghiệp thông qua việc xây dựng mô hình mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu, trường đại học. Việc xây dựng mô hình này đúng hướng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp thích ứng nhanh với công nghệ mới cũng

như đổi mới sáng tạo công nghệ, yếu tố chính quyết định năng lực cạnh tranh cũng như là yếu tố tạo ra các giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, để có thể tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu thành công, các nước đang phát triển cần nâng cấp công nghiệp ô tô của mình tuần tự theo các bước sau [57]:

Bước thứ nhất, thành lập các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (nhập khẩu CBU);

Bước thứ hai, các doanh nghiệp nhập khẩu bắt đầu chuyển thành doanh nghiệp lắp ráp dạng SKD (semi knocked down) hoặc CKD (completely knocked down) tức là linh kiện nhập khẩu toàn bộ thành cụm hoặc rời hoàn toàn;

Bước thứ ba, chuyển sang lắp ráp dạng IKD (incompletely knocked down), tức là từ một phần linh kiện nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa được kỳ vọng ngày một tăng;

Bước thứ tư, sản xuất toàn bộ xe trong nước, đầu tiên để tiêu thụ tại thị trường trong nước, sau đó hướng tới xuất khẩu.

Trong đó, các bước thứ ba và bước thứ tư đòi hỏi phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ, tức là các nhà cung ứng linh kiện, thêm vào đó, đòi hỏi phải phát triển được năng lực mở rộng thị trường và năng lực công nghệ [10].

Có ba bước mà các công ty nội địa của các quốc gia đang phát triển có thể tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu: (1) Thứ nhất, thành lập các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cấp hai hoạt động trong mạng sản xuất cung cấp cho các nhà lắp ráp tại thị trường trong nước; (2) Thứ hai, thành lập các doanh nghiệp liên doanh với các công ty xuyên quốc gia và cung cấp sản phẩm chuyên biệt cho thị trường toàn cầu;

(3) Thứ ba, thành lập các doanh nghiệp sản xuất các linh kiện, phụ kiện cho thị trường theo sau trong nước và quốc tế. Khả năng cạnh tranh các công ty thuộc sở hữu của địa phương tại mỗi thị trường có thể chịu ảnh hưởng của hỗ trợ của các tổ chức địa phương và quốc gia. Vai trò của các cơ quan ban ngành và tổ chức nhà nước trong việc thúc đẩy sự tiếp cận của các nhà sản xuất trong nước tới mạng sản xuất ô tô được thể hiện trong bốn lĩnh vực hỗ trợ chính để đạt được các tiềm năng trên.

Về tiêu chuẩn, tham gia mạng sản xuất ô tô toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào các tiêu chuẩn các giấy chứng nhận trong ngành. Đối với các nhà sản xuất linh kiện cấp hai, chứng nhận ISO 9000 và chứng nhận QS 9000 là cần thiết đối với doanh nghiệp khi gia nhập mạng sản xuất ô tô toàn cầu.

Về kỹ năng lao động, các công ty cung ứng trong mạng sản xuất ô tô toàn cầu cần lao động có tay nghề cao và năng lực kỹ thuật. Các hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước như các trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề... cần chú trọng đào tạo lao động bài bản và có kỹ năng nhằm đón được các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

Về thử nghiệm và các phương tiện đo lường, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí các trang thiết bị thử nghiệm và đo lường có thể là cao. Các chính phủ địa phương và quốc gia có thể cung cấp các dịch vụ phòng thí nghiệm chuyên gia và tạo ra một khuôn khổ quốc gia bền vững cho công việc đo lường.

2.5. Tiểu kết chương 2

Chương 2 đã góp phần đưa ra được khung cơ sở lý luận về tham gia mạng sản xuất ô tô toàn cầu. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, khái niệm khác nhau về mạng sản xuất ô tô toàn cầu, tuy nhiên theo quan điểm của tác giả Luận án cách tiếp cận mạng sản xuất ô tô toàn cầu sẽ theo hướng “Mô hình phát triển cao của tổ chức sản xuất hiện đại, trong đó gồm một công ty đứng đầu có năng lực quản lý, công nghệ và chuỗi các nhà cung ứng phân bổ tại nhiều quốc gia. Công ty đứng đầu có vai trò chi phối mạng với cơ chế quản trị khác nhau như đề ra các chuẩn mực để tham gia chuỗi cung ứng. Một công ty cung ứng có thể nằm đồng thời trong nhiều mạng sản xuất”.

Từ giữa thập niên 1980, thế giới rộ lên một làn sóng áp dụng mô hình sản xuất mới trong công nghiệp ô tô. Do áp lực cạnh tranh về thị trường, các công ty buộc phải đưa ra một mô hình sản xuất đơn giản, tiết kiệm chi phí mà hiệu quả sản xuất vẫn phải được đáp ứng. Đầu tiên, chuỗi giá trị trong công nghiệp ô tô được chia tách ra nhiều phần để thuê các nhà cung cấp và các nhà thầu phụ thực hiện. Một chuỗi sản xuất ô tô cơ bản bao gồm có 3 khâu sản xuất chính trước khi lắp ráp một chiếc xe hoàn chỉnh: sản xuất thân xe; sản xuất các linh kiện, phụ tùng; và sản xuất động cơ

và hộp số của xe. Để thực hiện các khâu sản xuất phụ kiện này cần có các khâu sản xuất linh kiện, vật liệu phụ trợ khác. Như vậy để sản xuất ra một chiếc xe, cần có sự tham gia của rất nhiều loại doanh nghiệp: doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng, doanh nghiệp thiết kế… Tuy nhiên để tham gia vào mạng sản xuất ô tô toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển cần có đủ năng lực để sản xuất linh kiện phụ tùng đạt chất lượng, đúng thời hạn yêu cầu…

Mạng sản xuất mang lại những cơ hội tuy nhiên nó cũng chứa nhiều rủi ro. Các công ty xuyên quốc gia không bao giờ sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao công nghệ, mà chủ yếu tận dụng thị trường lao động rẻ của các nước đang phát triển. Điểm mấu chốt của chiến lược tham gia mạng sản xuất khu vực và toàn cầu chính là tạo dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các công ty xuyên quốc gia, xây dựng năng lực công nghệ phù hợp với đội ngũ lao động có tay nghề cao nhằm đón các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các công ty xuyên quốc gia.

Xem tất cả 202 trang.

Ngày đăng: 23/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí