Đặc Điểm Chung Của Mạng Lưới Sản Xuất Toàn Cầu


Nguồn Fukunari Kimura and Mitsuyo Ando 2004 The Economic Analysis of International 1


Nguồn: Fukunari Kimura and Mitsuyo Ando (2004), The Economic Analysis of International Production/ Distribution Networks in East Asia and Latin America: The Implication of Regional Trade Arrangements, Keyio University.

Do sự chia tách chuỗi giá trị ra như vậy các công ty phải đưa ra quyết định ở phạm vi trong nước và quốc tế trong cùng một thời gian, họ phải xem xét hoạt động nào được thực hiện trong nước, hoạt động nào thực hiện ở nước ngoài. Việc ra quyết định này có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp tập trung các nguồn lực vào lĩnh vực, vào vùng mà doanh nghiệp đã có cơ sở vật chất, năng lực cạnh tranh. Hình 4 miêu tả một ví dụ đơn giản của việc ra quyết định này. Một chuỗi sản xuất thông thường bao gồm nhiều hoạt động sản xuất trải rộng từ: sản xuất các phụ tùng đơn giản, sản xuất các module, lắp ráp và cuối cùng là khâu bán lẻ. Với từng công đoạn sản xuất này, doanh nghiệp phải dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình mà quyết định thực hiện công đoạn sản xuất nào tại nhà máy của mình, đồng thời cũng phải xem xét các yếu tố bên ngoài về địa lý, môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ở những khu vực khác để tìm được địa điểm đặt những công đoạn sản xuất khác sao cho hợp lý. Nếu các quyết định này là đúng đắn, đã được suy xét kĩ


càng thì sẽ tiết kiệm được chi phí giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo cơ hội tiếp cận với nhiều đối tác kinh doanh tiềm năng khác nhau.

2.4. Mô hình đàn nhạn bay (Flying-geese pattern)

Mô hình đàn nhạn bay được đề cập đến rất nhiều khi tranh luận về sự phát triển Đông Á. Khái niệm “đàn nhạn bay” lần đầu tiên được nhà kinh tế Nhật Bản Akamastu đưa ra năm 1932. Ban đầu ông mô tả mô hình công nghiệp của một nước phát triển, sau đó mở rộng phạm vi áp dụng cho mô hình công nghiệp hóa, phát triển mạng lưới sản xuất và hợp tác trong khu vực.

Akamatsu biểu diễn ba bước của quá trình thương mại quốc tế là: nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu trên một trục tọa độ để thấy được trình độ phát triển kinh tế của một nước công nghiệp. Trục hoành là thời gian, trục tung là sản lượng. Khi biểu diễn như vậy ông thấy có 3 đường cong hình chữ V ngược giống như đàn nhạn đang bay với con nhạn đầu đàn ở điểm đổi chiều của chứ V ngược. Ông cho rằng các nước đang phát triển có thể công nghiệp hóa theo mô hình đàn nhạn bay này. Ban đầu các nước nên tập trung phát triển những ngành công nghiệp sơ khai hay ngành hạ nguồn rồi mới phát triển các ngành công nghiệp phức tạp. Trước tiên, họ nên bắt đầu với các ngành hàng tiêu dùng không lâu bền, sau đó phát triển sang hàng tiêu dùng lâu bền, rồi đến tư liệu sản xuất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Phiên bản nhiều nước của mô hình đàn nhạn bay đã miêu tả sự bắt kịp của các nước khu vực Đông Á với các nước phát triển trong khu vực đặc biệt là Nhật Bản. Ban đầu, khi Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm này thì các quốc gia đang phát triển khác nhập khẩu chúng. Đến khi hoạt động sản xuất sản phẩm đó tại Nhật Bản đạt giai đoạn tăng trưởng rồi bão hòa thì xuất khẩu giảm sút, khi đó các nước đang phát triển khác bắt đầu sản xuất thay thế nhập khẩu. Khi Nhật Bản mất hẳn lợi thế cạnh tranh và không sản xuất sản phẩm đó nữa, các nước đang phát triển đó sẽ xuất khẩu vào Nhật Bản.

Sự hợp tác giữa các quốc gia dựa trên ba nhóm chính: Nhật Bản đứng thứ nhất là con nhạn đầu đàn, thứ hai là các nền kinh tế công nghiệp mới Đông Á


(Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông), và cuối cùng là các nước công nghiệp mới (ASEAN-4: Malaysia, Indonesia, Philipine và Thái Lan). Sự chuyển biến giữa các quốc gia cũng như sự chuyển biến từ ngành này sang ngành khác dựa trên lợi thế so sánh. Các ngành công nghiệp được phát triển từ các ngành sử dụng nhiều lao động trình độ thấp đến các ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn, rồi đến các ngành chứa hàm lượng tri thức cao. Chính vì thế FDI của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng hình thành nên PNs tại khu vực Đông Á.‌

III. Đặc điểm chung của mạng lưới sản xuất toàn cầu

3.1. Các thành phần tham gia mạng lưới

Một GPNs tiêu biểu bao gồm nhiều cấp bậc từ các công ty đầu tàu đóng vai trò chi phối toàn bộ mạng lưới sản xuất đến các công ty nhỏ như là các nhà cung cấp địa phương. Tính đa dạng của các thành viên tham gia mạng lưới khác nhau ở phương thức tham gia và vị trí quan trọng của nó trong mạng lưới.

3.1.1. Các công ty đầu tàu

Trước tiên trong GPNs có sự liên kết giữa các công ty đầu tàu. Có hai loại công ty đầu tàu đóng vai trò chi phối toàn bộ hoạt động của mạng lưới sản xuất toàn cầu. Loại đầu tiên là những doanh nghiệp tạo ra thương hiệu (BLs) như là Cisco, GE, IBM, Compad hay Dell. Loại thức hai là các nhà sản xuất theo hợp đồng (CMs) như Solectron, Flextronics, với mục đích tạo ra các liên kết để cung cấp chuỗi dịch vụ cho các nhà tạo ra thương hiệu toàn cầu.

Cisco (Hoa Kỳ) là một thí dụ điển hình của mạng lưới các nhà tạo thương hiệu toàn cầu, hãng này có 32 nhà máy trên toàn thế giới [30]. Các nhà máy hoạt động độc lập nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi các tiêu chuẩn chất lượng của Cisco. Sự trả rộng của các nhà máy như vậy giúp Cisco giảm được chi phí sản xuất, rút ngắn được thời gian chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến với thị trường. Hơn nữa về mặt tài chính thì việc không sản xuất các khâu thấp trong chuỗi giá trị giúp cho các nhà tạo thương hiệu tăng được lợi nhuận. Vì thế mà lơi nhuận của Cisco không ngừng tăng lên.


Vai trò của các nhà sản xuất theo hợp đồng trang mạng lưới được thể hiện rõ nét qua hoạt động của Solectron – công ty sản xuất thiết bị điện tử dân dụng tại Nhật Bản. Chỉ trong vài năm công ty này đã chuyển mình từ một công ty nhỏ sang một công ty lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp điện tử. Solectron duy trì nhịp độ tăng trưởng 43% một năm trong suốt giai đoạn 2001-2005. Năm 1996, Solectron chỉ có 10 nhà máy sản xuất trên toàn thế giới thì đến năm 2001 con số này tăng lên gấp 5 lần [11]. Solectron tự định vị mình là công ty tạo ra sự thuận tiện cho GSCs. Các BLs có thể đặt Solectron ở bất cứ khâu nào trong VCs của họ hay ở bất cứ đâu trên thế giới mà vẫn đạt được chất lượng tốt nhất, giải pháp tốt nhất để hỗ trợ cho SCs hiện tại của họ.

Các hãng đầu tàu là hạt nhân của GPNs, họ cung cấp chiến lược nguồn lực và cách thức tổ chức quản lý, tri thức và công nghệ mới cho các nhà sản xuất. Vì vậy, chiến lược của các công ty đầu tàu ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng, phương hướng hoạt động và vị trí của các thành phần thấp hơn trong GPNs. Thông thường các hãng đầu tàu chỉ tâp trung vào việc thiết kế, phát triển sản phẩm, marketing là những việc mà họ có lợi thế rồi mở rộng các hoạt động sản xuất, và dịch vụ khác ra bên ngoài. Tuy nhiên một số công ty đầu tàu lại thuê ngoài cả những hoạt động sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ cao và hàm lượng tri thức lớn như: khâu thử nghiệm, chạy thử, kiểm tra, thay đổi sản phẩm cho phù hợp với người mua, quản trị SCs, và có thể bao gồm cả thiết kế và phát triển sản phẩm.

3.1.2. Các nhà cung cấp địa phương

Trong một mạng lưới sản xuất toàn cầu số lượng các nhà cung cấp địa phương là rất lớn, họ đóng vai trò làm vệ tinh của các công ty đầu tàu. Hệ thống các nhà cung cấp địa phương được chia thành hai loại chủ yếu: nhà cung cấp bậc cao và các nhà cung cấp bậc thấp.

Các nhà cung cấp bậc cao (ví dụ Acer - Đài Loan), làm nhiệm vụ liên kết giữa các công ty đầu tàu với các nhà cung cấp địa phương. Họ trực tiếp làm việc


với các BLs và các CMs; đồng thời các nhà cung cấp bậc cao cũng phát triển một mạng lưới sản xuất nhỏ của họ nằm trong GPNs. Mạng lưới cấp dưới này cũng có thể được thiết lập trên quy mô toàn cầu. Các chiến lược nghiên cứu phát triển, chiến lược marketing vẫn do các công ty đầu tàu hoạch định, còn các nhà cung cấp bậc cao đảm nhiệm toàn bộ các khâu khác trong VCs, thí dụ phối hợp các chức năng cần thiết của SCs. Để làm được nhiệm vụ đó các nhà cung cấp bậc cao phải tạo ra nhiều liên kết giữa các cơ sở phân tán tại nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, mặt khác họ cũng phải hòa nhập vào các mạng lưới sản xuất nhỏ.

Vai trò của các nhà cung cấp bậc thấp trong GPNs là không đáng kể và thiếu vững chắc. Lợi thế cạnh tranh chủ yếu của các nhà cung cấp bậc thấp là chi phí thấp, khả năng phân phối nhanh chóng và linh hoạt. Hơn thế, họ thương bị hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, kỹ năng và khả năng tiếp cận thị trường mới.Vì vậy, các nhà cung cấp bậc thấp hiếm khi tạo được liên kết trực tiếp với các hãng đầu tàu mà phải thông qua vai trò trung gian của cá nhà cung cấp bậc cao. Điều này khiến cho vị trí của các nhà cung cấp bậc thấp dễ bị lung lay, bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị loại ra khỏi hệ thống. Trong hệ thống các nhà cung cấp bậc thấp này có sự phân chia nhỏ hơn xuống các cấp tiếp theo người ta gọi là nhà cung cấp bậc 2, nhà cung cấp bậc 3, thậm chí có cả những nhà cung cấp bậc 4.

Hầu như các nhà cung cấp bậc cao đều được hưởng lợi từ quá trình lan tỏa tri thức, còn các nhà cung cấp bậc thấp hiếm khi có được những lợi ích này trừ khi chính quyền địa phương có các chính sách hỗ trợ hiệu quả đối với các nhà cung cấp bậc thấp.

3.2. Kết hợp giữa tính phi tập trung và tập trung hóa sản xuất

GPNs là một mô hình bao hàm cả sự phân tán về địa lý và sự tập trung về mặt không gian. Các cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ được phân bố ở nhiều địa điểm cách xa nhau về vị trí địa lý, trong đó có một số khu vực tập trung công nghiệp (cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tổ hợp công nghiệp) hoạt động chuyên biệt đủ mạnh đóng vai trò đầu tàu trong mạng lưới. Các khu vực chuyên môn hóa sản xuất ngày nay được hình thành ở cả ba khu vực chính: Châu Á, Châu


Âu và Châu Mỹ La-tinh. Tại Châu Á có các cụm công nghiệp ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ. Tại Châu Âu cũng có các cụm công nghiệp ở Ireland, Trung và Đông Âu. Ngoài ra Brazil, Mexico và Argentina, vài khu vực ở Carribe (Costa Rica) ở Châu Mỹ La-tinh cũng chuyên môn hóa sản xuất. Sự phân tán VCs thông qua GPNs không ngừng tập trung vào một vài khu vực phát triển của thế giới. Với mỗi khu vực khác nhau thì mỗi MNCs lại có những cách thức thâm nhập thị trường khác nhau, chiến lược đầu tư khác nhau, để tạo ra những nét riêng cho GPNs của họ.

Thí dụ trong ngành công nghiệp điện tử các bước sản xuất được chia nhỏ và đặt ở nhiều khu vực khác nhau. Các hãng đầu tàu thuê các công ty khác sản xuất bàn phím, chuột, bộ cấp điện đến từ cả Châu Á, Mexico và ngoại vi Châu Âu trong đó chủ yếu là Đài Loan. Việc chia tách VCs ngày càng phức tạp hơn. Những bộ phận đòi hỏi độ chính xác về công nghệ và nguồn vốn lớn như thiết bị lưu trữ, màn hình được sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore (trung tâm của tam giác kinh tế khu vực Đông Nam Á). Còn các bộ phận khác yêu cầu thấp hơn về trình độ khoa học công nghệ được sản xuất tại các nước kém phát triển hơn như Malaysia, Thái Lan…

Trong ngành công nghiệp sản xuất ổ cứng máy tính, Châu Á tiếp nhận hầu hết các hoạt động lắp ráp và sản xuất các linh kiện đòi hỏi trình độ bậc trung và bậc thấp. Việc sản xuất các linh kiện tinh xảo và hoạt động nghiên cứu phát triển vẫn do một vài khu vực chuyên môn hóa cao đảm nhiệm như Bloomington và Minneapolis (ở Minnesota) và California. GPNs của Seagate ở Hoa Kỳ (một công ty sản xuất ổ cứng máy tính hàng đầu thế giới) có 22 nhà máy trên toàn thế giới, trong đó có tới 14 nhà máy tại khu vực Châu Á. Sản lượng do các nhà máy tại Châu Á đóng góp vào sản lượng chung của mạng lưới tăng lên nhanh chóng từ 35% vào năm 1990 lên tới 61% vào năm 1995 [29].

Mức độ phân tán sản xuất ra bên ngoài đang được mở rộng, nhưng để được tham gia vào GPNs các nhà cung cấp địa phương, các CMs phải tuân thủ các tiêu


chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm và thời gian thực hiện hợp đồng. Ví dụ, trong ngành công nghiệp máy tính thì những nhà sản xuất tại Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia Châu Âu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn kĩ thuật mà các hãng đầu tàu Mỹ đưa ra cho các bộ phận, linh kiện máy tính như ổ đĩa cứng, nguồn, bàn phím, bộ nhớ động.

Tuy sản xuất bị chia tách ra, phân tán tại các khu vực cách xa nhau nhưng sự tập trung sản xuất trong khu vực luôn luôn tồn tại. Các doanh nghiệp đặt một số khâu trong chuỗi giá trị tại các nước khác, nhưng vẫn còn vài bước khác vẫn tiếp tục được tiến hành trong nội địa. Hơn nữa các hoạt động sản xuất đưa ra nước ngoài chỉ được tập trung ở một số nhóm công ty nước ngoài. Lại là ví dụ về Seagate, hãng này có hơn 92% sản lượng được tạo ra ở Châu Á chủ yếu là do 3 khu vực sản xuất là: Bangkok (gần 32%), Penang (trên 30%), và Singapore (30%) [26].

3.3. Lan tỏa tri thức trong mạng lưới sản xuất toàn cầu

Trong PNs mức độ phân tán giữa các khâu sản xuất là rất lớn, vì thế để cả một mạng lưới hoạt động tốt, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các công ty trong mạng lưới. VCs trong GPNs được chia nhỏ ra với nhiều chức năng cụ thể đặt tại các khu vực khác nhau để có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các nguồn lực và thâm nhập thị trường. Để có thể huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài các MNCs buộc phải di chuyển một phần nguồn lực của mình đến các nút mạng khác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Vì vậy, GPNs là một nhân tố đem lại tri thức và công nghệ cho các nhà cung cấp địa phương.

Rõ ràng trong GPNs vị trí của các nhà cung cấp bậc thấp và bậc cao nói ở trên là phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các yêu cầu kĩ thuật do công ty đầu tàu đưa ra. Một công ty muốn cho chỗ đứng trong GPNs cần phải có trình độ, khả năng nhất định. Tuy nhiên, các công ty đầu tầu cũng cần phải chuyển giao công nghệ và kĩ năng quản lý tới các nhà cung cấp địa phương, giúp họ đáp ứng đầy đủ, chính xác các yêu cầu từ phía mình đưa ra. Mục đích cuối cùng cũng là tạo ra một bộ máy sản xuất hiệu quả, tiết kiệm được chi phí. Do yêu cầu cạnh tranh gay gắt


của thị trường, thị hiếu cũng nhanh chóng thay đổi, ngày một cao hơn nên các công ty đầu tàu không ngừng gây áp lực cắt giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và thời gian giao sản phẩm. Vì thế, một khi trình độ kĩ thuật, công nghệ của các nhà cung cấp địa phương đã được nâng cao thì các công ty đầu tàu lại phải truyền bá những kiến thức phức tạp hơn, công nghệ hiện đại hơn.

Thí dụ, trước đây các sản phẩm điện tử thường có vòng đời từ 5 đến 6 năm, nhưng bây giờ do khoa học phát triển, vòng đời sản phẩm chỉ còn khoảng 6 tháng, thậm chí còn ngắn hơn. Do đó, ngay sau khi sản phẩm mới được tung ra ở trong nước thì một thời gian ngắn sau đó nó đã được đưa ra sản xuất tại nước ngoài. Một sản phẩm có thể đưa ra nước ngoài nhanh đến như vậy là do công ty đầu tàu đã chia sẻ các thông tin quan trọng liên quan đến sản phẩm (ví dụ về thiết kế, tính năng, lắp ráp…) với các nhà cung cấp ở địa phương.

Đương nhiên việc chuyển giao tri thức và công nghệ chưa phải là điều kiện đủ cho quá trình lan tỏa tri thức. Quá trình lan tỏa tri thức chỉ hoàn thiện khi tri thức được chuyển giao trên phạm vi quốc tế, đồng thời những tri thức được chuyển giao đó phải tạo ra được năng lực sản xuất mới cho các nhà cung cấp địa phương. Tri thức lan tỏa dưới dạng hiện hoặc dạng ẩn. Tri thức hiện là những kiến thức đã được hệ thống hóa, được mã hóa, thể hiện rõ ràng và truyền tải dưới dạng con số hay ngôn ngữ. Do sự phát triển của công nghệ thông tin đặc biệt là Internet các loại kiến thức phổ thông này dễ dàng được tiếp cận với chi phí thấp vì thế nó sẽ được truyền bá nhanh chóng. Điều này làm thay đổi nhanh chóng cách sống, cách làm việc và cách thức hoạt động của các công ty. Ngược lại tri thức ẩn là loại tri thức không thể hiện bằng lời nói, mang tính trực giác cao, không rõ ràng. Tri thức ẩn phụ thuộc rất lớn vào ngữ cảnh mà nó tồn tại, đồng thời phụ thuộc vào cá nhân cụ thể do vậy khó được chính thức hóa và truyền đạt. Tri thức ẩn chỉ có thể tiếp thu bằng cách tự trải nghiệm trong từng hoàn cảnh cụ thể, đầu tiên là quan sát, bắt chước rồi thực hành và đúc rút ra cho bản thân. Sự lan tỏa tri thức ẩn cần phải có quá trình huấn luyện và tiếp xúc thực tế. Tri thức ẩn và tri thức hiện phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cũng không tồn tại một biên giới rõ ràng giữa hai loại tri thức

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/05/2022