Người Dân Tham Gia Giám Sát, Quản Lý, Duy Tu, Bảo Dưỡng Các Công Trình


Xã Phước Mỹ là xã miền núi của thành phố Quy Nhơn, có diện tích gieo trồng lúa hàng năm là 357 ha, đất nông nghiệp có độ phì thấp, tập quán canh tác của người dân vẫn còn theo thói quen, kinh nghiệm là chính, hệ thống thủy lợi chưa được hoàn thiện,... Từ năm 2009 đến nay, diện tích sản xuất lúa lai của xã Phước Mỹ tăng dần qua từng năm, từ 17 ha ban đầu đến nay 100% diện tích sản xuất lúa của địa phương đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất lúa lai. Nếu so sánh số liệu của năm bắt đầu thực hiện chương trình sản xuất lúa lai là năm 2009 với kết quả của năm 2015 cho thấy: năng suất lúa bình quân của xã trước đây chỉ khoảng 47 tạ/ha, nay đã tăng lên 70,4 ta/ha, tăng 49,8%, đây có thể xem là bước đột phá về năng suất lúa của xã; sản lượng lúa hàng năm từ 1.504 tấn, tăng lên 2.513 tấn, tăng 40,2%. Bên cạnh đó, người dân cũng đã biết lựa chọn đưa vào sản xuất các giống lúa lai có chất lượng gạo ngon nên giá bán cũng có lợi hơn cho người nông dân. Thu nhập của người dân sản xuất lúa đã tăng lên đáng kể, từ 25,9 triệu đồng/ha (năm 2009) đã tăng lên 44,3 triệu đồng/ha (năm 2015), người dân phấn khởi yên tâm sản xuất, đời sống ngày càng được nâng cao. (Đặng Thị Tuyết Nhung, Phó chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, tháng 06/2016).


4.2.5 Người dân tham gia giám sát, quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình

Kiểm tra, giám sát là mức độ cao nhất trong thang bậc đánh giá về sự tham gia của người dân trong các chương trình, dự án phát triển. Mục đích của Chương trình xây dựng NTM là để từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân và cộng đồng và chính người dân được hưởng lợi từ những thành quả của chương trình mang lại. Vì vậy, trong quá trình triển khai cũng như khi đi vào hoạt động, người dân có quyền tham gia giám sát, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, gọi chung là giám sát các công trình đó. Người dân là người thụ hưởng những thành quả trong xây dựng NTM nên chỉ có họ mới là người hiểu rõ nhất nhu cầu của mình. Từ những nhu cầu đó, người dân biết cần phải làm gì, làm như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra. Khi người dân tham gia


vào các hoạt động giám sát, quản lý các công trình NTM, tùy mức độ tham gia sẽ tác động đến đời sống cộng đồng ở nhiều mức độ khác nhau.

Khi bắt đầu triển khai Chương trình, Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Quy Nhơn đã triển khai tập huấn cho Ban thanh tra nhân dân các xã Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Phước Mỹ, Ủy ban Mặt trận TQ VN các xã việc lập kế hoạch, trình tự, kỹ thuật thực hiện giám sát đối với các công trình xây dựng do địa phương đầu tư xây dựng hay các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, những công trình công cộng của cộng đồng.

Tuy nhiên, qua điều tra về hoạt động giám sát thì có đến 85,7% người được hỏi trả lời rằng họ chưa từng tham gia vào bất kỳ hoạt động giám sát nào. Chỉ có khoảng 14,3% đã từng tham gia giám sát, nhưng hầu hết, đó là những người có làm việc trong các ban, ngành, hội đoàn thể ở địa phương hoặc có người nhà làm trong khu vực này, nên họ thường được trao đổi về vấn đề giám sát trong xây dựng NTM. Hơn nữa, các hoạt động giám sát chủ yếu mà người dân tham gia là ở các công trình có sự tham gia đóng góp của người dân và có liên quan trực tiếp đến quyền lợi hàng ngày của họ như đường giao thông, đê kè biển, kênh mương thủy lợi, còn các công trình mà sử dụng phần lớn nguồn ngân sách của Nhà nước như Nhà văn hóa, Trường học, Trạm y tế,… thì người dân không thực sự quan tâm nhiều lắm, mặc dù các công trình này đều mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Khi hỏi những hộ được khảo sát thì họ cho rằng việc giám sát đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm, trong khi đó, họ đa phần là nông ngư dân, trình độ thấp, không có hiểu biết nhiều về vấn đề xây dựng. Theo kết quả khảo sát, có 38,9% người dân cho rằng ở địa phương đã hình thành Ban giám sát cộng đồng và chỉ những người trong Ban giám sát mới được tham gia việc giám sát xây dựng. Bên cạnh đó kết quả khảo sát cũng cho thấy có 27,4% người được hỏi cho rằng người dân cũng có quyền tham gia giám sát. Điều này cho thấy vẫn có một bộ phận nhân dân

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.


rất quan tâm đến việc xây dựng các công trình ở nông thôn và mong muốn tham gia cùng chính quyền để giám sát xây dựng các công trình này.

Sự tham gia của người dân trong việc xây dựng NTM tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - 9

Theo quy định, chính quyền thường thuê các đơn vị tư vấn giám sát có chuyên môn để giám sát độc lập việc xây dựng các công trình ở địa phương đồng thời họ là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng của công trình. Bên cạnh đó, ở địa phương cũng có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, họ thường gồm những người là đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ các hội đoàn thể, cán bộ quân dân chính các thôn cũng tham gia trong việc giám sát xây dựng. Nhưng trong thực tế, các thành viên này thường do xã giới thiệu tham gia và chỉ làm kiêm nhiệm nên hiệu quả giám sát rất thấp.

Khi được hỏi về phương thức giám sát hiệu quả nhất thì có 39,4% người dân cho rằng người dân tự tham gia giám sát là cách làm tốt nhất, có 33,7% người dân trả lời chính quyền xã nên thành lập Ban giám sát và 13,7% có ý kiến là nên thuê các đơn vị chuyên môn. Ngoài ra, điều đáng quan tâm là còn có 13,1% người dân trả lời không biết, không quan tâm đến việc giám sát ở địa phương.

Như vậy, có thể thấy hoạt động kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của người dân còn chưa thể hiện rõ nét và người dân còn thờ ơ trong việc kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng NTM ở xã mình. Thông qua khảo sát và trao đổi với một số người dân, tác giả nhận thấy những công trình có mức đầu tư cao và do cấp thành phố quản lý thì người dân rất ít được tham gia giám sát. Ngoài ra, nếu có tham gia, người dân chỉ được tham gia giám sát các công trình do xã quản lý và có mức đầu tư thấp. Việc giám sát các công trình này vẫn còn mang tính áp đặt, theo chỉ đạo của chính quyền từ trên xuống. Tình trạng này làm cho người dân thiếu sự tin tưởng vào các hoạt động giám sát và chất lượng công trình NTM.

Như vậy, qua khảo sát thực trạng về sự tham gia của người dân tại 04 xã xây dựng NTM của thành phố Quy Nhơn và phân tích cho thấy rằng, đa số người dân đã


được tiếp cận và nắm bắt thông tin về chương trình NTM qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuy nhiên, trong việc tham gia bàn bạc, ý kiến trong xây dựng NTM vẫn còn khá lớn một bộ phận người dân chưa cảm nhận hết vai trò của mình, luôn trông chờ vào chính quyền địa phương để hoạch định các kế hoạch hoạt động xây dựng NTM ở địa phương; hoạt động kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của người dân còn chưa thể hiện rõ nét và người dân còn thờ ơ trong việc kiểm tra, giám sát, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng NTM ở xã mình.



5.1 Kết luận‌

CHƯƠNG 5

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại thành phố Quy Nhơn từ khi triển khai đến nay đã có những thành công nhất định trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, huy động nguồn tài chính lớn cho xây dựng và phát triển nông thôn, góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn thành phố Quy Nhơn, rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng và tính bền vững của Chương trình. Một trong yếu tố quan trọng của Chương trình chính là sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động xây dựng NTM.

Qua nghiên cứu thực trạng về sự tham gia của người dân tại thành phố Quy Nhơn cho thấy vẫn còn một số hạn chế. Trước tiên, trong việc tiếp cận các thông tin về Chương trình MTQG xây dựng NTM, người dân đã nắm bắt được nội dung của chương trình thông qua các kênh thông tin đa dạng và qua đó, người dân đã hiểu được mục đích ý nghĩa của chương trình. Về tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, mặc dù người dân đều biết họ được quyền tham gia nhưng người dân chưa thực sự phát huy tính chủ động của mình. Việc đóng góp ý kiến chỉ dừng lại ở việc cần phải được mời và thông báo, còn việc được quyền quyết định thì ý kiến chọn của người dân chiếm tỷ lệ thấp. Hầu hết các công việc, chính quyền đưa ra các quyết định và triển khai thực hiện nên người dân ít biết đến các quyền của mình đối với chương trình, trong khi các nghĩa vụ của họ thì được thông tin nhiều hơn. Mức độ tham gia của người dân theo thang đo “biết, bàn, làm, kiểm tra” có chiều hướng giảm dần, chỉ những hoạt động liên quan tới đời sống người dân và chi phí đóng góp để xây dựng các công trình liên quan trực tiếp đến quyền lợi cộng đồng thì mới có sự tham gia của người dân. Đối với việc trực tiếp tham gia vào Chương trình xây dựng NTM ở địa phương, do đặc thù địa bàn nghiên cứu là các xã đảo, bán đảo, miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người


dân chủ yếu là tham gia hiến đất và đóng góp sức lao động, việc đóng góp bằng tiền còn nhiều khó khăn do thu nhập của người dân ở các xã miền núi, xã đảo, bán đảo chưa cao. Hoạt động giám sát, vận hành, duy tu, bảo dưỡng chủ yếu là do chính quyền thuê các đơn vị tư vấn có chuyên môn thực hiện, sự tham gia của người dân trong hoạt động này còn khá mờ nhạt, hoạt động giám sát của người dân có xu hướng giảm đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là chủ yếu. Đối với công việc như làm đường giao thông nông thôn, làm kênh mương nội đồng, vệ sinh môi trường,... thì sự đóng góp, và tham gia của người dân cao hơn.

Mặc dù, sự tham gia của người dân là chưa thực sự tích cực, song từ kết quả thành công của Chương trình xây dựng NTM của thành phố Quy Nhơn thời gian qua có thể khẳng định đến rất nhiều từ sự chủ động của người dân. Nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của người dân nông thôn, Chương trình có thể sẽ gặp một số khó khăn, trở ngại để có được kết quả như hôm nay. Bên cạnh sự chủ động tham gia tích cực của người dân thì sự hỗ trợ của chính quyền các cấp cũng đưa đến thành công của Chương trình. Tại 04 xã thực hiện Chương trình, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, nguồn lực tài chính khó khăn, nhất là đối với xã mang tính chất đặc thù là xã miền núi, xã đảo và bán đảo, nếu không có sự hướng dẫn, định hướng của Nhà nước cùng các chính sách, cơ chế hỗ trợ và giải pháp đi kèm thì chắc chắn rằng nội lực cộng đồng sẽ không thể phát huy một cách hiệu quả và đem lại thành công.

5.2 Khuyến nghị

Từ nghiên cứu thực tế ở 04 xã của thành phố Quy Nhơn, để cải thiện và nâng cao vai trò của người dân trong quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo, tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải thực hiện tốt công tác dân vận. Các cấp chính quyền cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích phát triển nông thôn


toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của chính dân cư nông thôn. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân vừa là người làm vừa là người thụ hưởng. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng cần chú ý tuyên truyền cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật,… còn vai trò chính vẫn là mỗi người dân. Khi người dân hiểu thấu đáo vấn đề này, sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Thứ hai, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình, đây là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Cần tăng cường phát huy dân chủ ở địa phương, người dân phải được tham gia vào quá trình ra quyết định. Bên cạnh đó, người dân cần được phát huy tối đa tiếng nói của mình, chính quyền cần phải tôn trọng và phát huy ý kiến của người dân. Người dân đưa ra các vấn đề, công việc trong quá trình xây dựng, đưa ra các giải pháp thực hiện, và cũng chính người dân là những người thực hiện, sử dụng và khai thác các công trình xây dựng ở địa phương. Một yếu tố không thể thiếu đó chính là người dân chính là những người giám sát tất cả các quá trình trên.

Thứ ba, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ ở nông thôn làm nòng cốt cho Chương trình xây dựng NTM. Ngoài việc đào tạo tại chỗ bằng cách tuyên truyền, tập huấn, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, cần có các cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương về công tác xây dựng NTM, xây dựng một đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực, có trình độ và nhiệt huyết với công tác. Bên cạnh đó, phải biết kết hợp sức mạnh và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện Chương trình, phối hợp với các cấp chính quyền về tổ chức thực hiện và vận động nhân dân trong xây dựng NTM.

Thứ tư, minh bạch hóa các hoạt động xây dựng NTM từ việc lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện và thu chi tài chính của các hoạt động, như vậy sẽ khuyến


khích người dân tham gia vào các hoạt động này. Khi các hoạt động xây dựng NTM được công khai, rõ ràng, minh bạch người dân sẽ có sự tin tưởng vào chính sách và các quyết định của chính quyền, khi đó họ sẽ chủ động tham gia vào mọi hoạt động và khẳng định vai trò chủ thể của mình.


5.3. Hạn chế của đề tài

Vì điều kiện nghiên cứu còn hạn chế về thời gian, tài liệu nghiên cứu, kinh nghiệm nên tác giả chỉ thu thập những thông tin, dữ liệu thông qua nghiên cứu các văn bản, báo cáo của các cơ quan liên quan và khảo sát thực tế tại địa phương là chính. Việc tiếp cận các tài liệu và các công trình nghiên cứu của các tác giả khác về chủ đề có liên quan chưa được nhiều. Phiếu khảo sát được thực hiện theo cách thuận tiện và chưa thể tiến hành khảo sát trên diện rộng nên còn thiếu tính đại diện cho khu vực khảo sát./.

Xem tất cả 94 trang.

Ngày đăng: 07/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí