Hình 4.7 Đề xuất của người dân về mức độ tham gia.
Kết quả khảo sát tiếp theo cho thấy có đến 68,5% số người được hỏi nhận thấy nhu cầu và nguyện vọng của người dân là yếu tố quyết định đến việc lập kế hoạch các hoạt động xây dựng NTM. Như vậy người dân đã cảm nhận được vai trò của mình trong việc lập kế hoạch các hoạt động xây dựng NTM.
Tuy nhiên, ta thấy tỷ lệ người dân cho rẳng ý kiến của chính quyền các cấp mới là yếu tố quyết định thì chiếm tỷ lệ lên tới 31,5%. Tình trạng này phần nào phản ánh thực tế xây dựng NTM đang diễn ra tại các xã của thành phố Quy Nhơn là đa phần người dân đều hiểu và có nhu cầu đóng góp ý kiến, nguyện vọng trong xây dựng NTM, tuy nhiên vẫn luôn trông chờ vào chính quyền tham gia hoạch định các kế hoạch cho mọi hoạt động của địa phương.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Nghiên Cứu Về Sự Tham Gia Của Người Dân Vào Các Lĩnh Vực
- Kết Quả Thực Hiện 19 Tiêu Chí Xây Dựng Ntm Thành Phố Quy Nhơn
- Tỷ Lệ Người Dân Biết Một Số Thông Tin Về Chương Trình Ntm
- Người Dân Tham Gia Giám Sát, Quản Lý, Duy Tu, Bảo Dưỡng Các Công Trình
- Sự tham gia của người dân trong việc xây dựng NTM tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - 10
- Sự tham gia của người dân trong việc xây dựng NTM tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - 11
Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.
Hình 4.8 Tỷ lệ khảo sát các yếu tố quyết định cho việc lập kế hoạch cho các hoạt động xây dựng NTM
Một điều đáng mừng là qua khảo sát có đến 54,9% người dân được hỏi đã có được mời tham gia họp bàn, lấy ý kiến về các vấn đề liên quan đến xây dựng NTM. Điều này thể hiện chính quyền địa phương đã có nhiều tích cực trong việc tạo điều kiện để cùng bàn bạc với nhân dân và tiếp thu tích cực ý kiến đóng góp hợp lý của người dân trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có 35,4% người dân không được mời tham gia các cuộc họp và 9,7% người dân không quan tâm đến việc này. Nguyên nhân chính của vấn đề là có đến 52,6% người được hỏi cho rằng là họ không có thời gian. Qua phỏng vấn sâu cho thấy, với đặc thù của người dân ở các xã đảo, bán đảo, người đàn ông là chủ hộ trong gia đình thường xuyên đi làm biển vắng nhà vào ban đêm, nên không có điều kiện tham gia họp để bàn bạc về các vấn đề liên quan đến xây dựng NTM. Điều này chính quyền cấp xã cũng cần đáng quan tâm để có phương pháp
và thời gian tham vấn ý kiến của người dân ở các xã miền biển phù hợp hơn, tạo điều kiện cho người dân đóng góp ý kiến và nguyện vọng của mình.
Hình 4.9 Tỷ lệ người dân được mời tham gia các hoạt động liên quan đến xây dựng NTM.
Qua phỏng vấn một số hộ dân, cho thấy thực tế là sự tham gia ngay từ đầu của người dân trong công tác lập quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM hoặc lấy ý kiến cộng đồng cho quy hoạch NTM được chính quyền các xã thực hiện khá tốt, nhưng khi cần lấy ý kiến của nhân dân về việc nên xây dựng công trình nào trước, mức đóng góp tiền bạc, vật chất của người dân cho việc xây dựng các công trình ở địa phương ra sao,… thì chưa được các địa phương chú trọng.
Một số liệu đáng lưu ý là có 16,8% người dân được hỏi cho rằng mình không quan tâm đến việc tham gia vào việc lập kế hoạch phát triển nông thôn tại địa phương. Ngoài nguyên nhân như đã nêu ở trên, còn có một nguyên nhân chủ quan khác là người dân ở tại địa phương chỉ quan tâm đến những công việc, quyền lợi hay những công
trình xây dựng có liên quan trực tiếp và thiết thực đến đời sống hàng ngày của họ, còn các công việc theo họ mô tả là ở tầm “vĩ mô”, mang tính chất kỹ thuật chuyên môn thì phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân không thể tham gia được. Với nhận thức chưa sâu sắc này của người dân, chính quyền địa phương càng phải thấy rõ trách nhiệm của mình phải có những giải pháp, cách làm phù hợp hơn, để trước mắt cũng như lâu dài việc xây dựng NTM ở địa phương phải thực sự có sự tham gia đóng góp của người dân, chính sự tham gia và vai trò làm chủ của cộng đồng người dân nông thôn trong tiến trình xây dựng NTM là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm phát triển nông thôn bền vững.
Như vậy, trong việc tham gia bàn bạc, ý kiến trong xây dựng NTM, vẫn còn khá lớn một bộ phận người dân chưa cảm nhận hết vai trò của mình, luôn trông chờ vào chính quyền địa phương để hoạch định các kế hoạch hoạt động xây dựng NTM ở địa phương, họ chỉ quan tâm đến những công việc, quyền lợi hay những công trình xây dựng có liên quan trực tiếp và thiết thực đến đời sống hàng ngày của họ. Các hoạt động theo quy định cần có sự tham gia của người dân như: nên xây dựng công trình nào trước; mức đóng góp tiền bạc, vật chất của người dân cho việc xây dựng các công trình ở địa phương ra sao,… rất ít được chính quyền tham vấn ý kiến của người dân, người dân hầu như chỉ biết khi bắt đầu xây dựng hoặc đưa xuống các cuộc họp dân, khi cần kêu gọi sự đóng góp. Mức độ tham gia của người dân theo thang đo “biết, bàn, làm, kiểm tra” có chiều hướng giảm dần, chỉ những hoạt động liên quan trực tiếp tới đời sống người dân và khi cần phải đóng góp chi phí để xây dựng các công trình liên quan trực tiếp đến cộng đồng thì mới có sự tham gia của người dân.
4.2.4 Người dân tham gia trực tiếp trong xây dựng NTM
Theo báo cáo của UBND thành phố Quy Nhơn, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM trong 5 năm qua trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 là 156.633 triệu đồng, trong đó người dân tham gia đóng góp là 17.348 triệu đồng, chiếm 11,1%. (Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai
đoạn 2011-2015, và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, UBND TP. Quy Nhơn, 2016) Nếu tính cả phần đóng góp của người dân như: diện tích đất hiến tặng là 76.282 m2, tham gia trên 8.200 ngày công lao động trong các công trình xây dựng ở địa phương, tự đầu tư kinh phí trong quá trình phát triển sản xuất, tự cải tạo sửa chữa hàng rào, cổng ngõ, nhà vệ sinh,… thì có thể nói việc đóng góp của người dân khi tham gia vào việc xây dựng NTM chiếm một phần rất quan trọng.
Các hình thức đóng góp của người dân cũng rất đa dạng, từ việc đóng góp tiền bạc, hiến đất đến ngày công lao động. Có 42,6% hộ dân tham gia đóng góp ngày công lao động, 25,4% hộ dân hiến đất, có 15,6% hộ dân đóng góp tiền bạc, có 9,8% hộ tham gia bằng các hiện vật. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì người dân ở khu vực nông thôn với thu nhập thấp nên việc đóng góp tiền bạc còn hạn chế. Mặt khác, đây là các xã thuần nông, thuần ngư với đa số lao động làm nông ngư nghiệp nên việc tham gia ngày công lao động sẽ phù hợp với khả năng để xây dựng các công trình chung ở địa phương.
Hình 4.10 Hình thức đóng góp của người dân
* Một số mô hình tiêu biểu về sự tham gia trực tiếp của người dân Mô hình xây dựng đường giao thông nông thôn
Một trong những công trình cơ sở hạ tầng ở 04 xã điều tra được chính quyền và nhân dân quan tâm chọn thực hiện ưu tiên trước để thực hiện là việc nhựa hóa, bêtông hóa các trục đường giao thông. Điều này rất được nhân dân quan tâm và hăng hái tham gia các buổi họp do xã tổ chức khi lấy ý kiến của cộng đồng về việc xây dựng đường giao thông ở địa phương. Qua 05 năm thực hiện, 04 xã xây dựng NTM của thành phố Quy Nhơn đã xây dựng được 21,41 km đường trục xã, 26,27 km đường trục thôn, 30,81 km đường ngõ xóm, 10,93 km đường nội đồng, hệ thống đường giao thông đến trụ sở UBND xã và các trục đường chính của xã, thôn, xóm đã được xây dựng và hoàn thiện cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt. Tính đến tháng 12 năm 2015, cả 04 xã đều đạt tiêu chí về giao thông.
Trong xây dựng đường giao thông nông thôn, chính quyền các xã đã huy động sức dân từ việc hiến đất của bà con nhân dân để làm đường giao thông nông thôn. Qua báo cáo của UBND thành phố Quy Nhơn, đã có 476 lượt hộ hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và một số công trình an sinh xã hội với tổng diện tích 76.282 m2, trị giá hơn 1.947 triệu đồng (theo giá nhà nước). (Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020).
Một điều thành công nổi bật đáng ghi nhận về cách làm hay của chính quyền các xã là đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tuyên truyền vận động người dân tham gia làm đường giao thông. Các xã đã tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của người dân về đoạn đường nào cần thi công trước, lộ giới mở rộng bao nhiêu, người dân tham gia đóng góp ra sao, nhắc nhở nhau việc tự tháo dỡ hàng rào, cùng tham gia trong quá trình thi công,…Vì vậy chi phí cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi thi công là không đáng kể, người dân tự giác tháo dỡ hàng rào, thu dọn
cây cối, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng, tham gia ngày công lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị thi công. Sau khi hoàn thành, một số tuyến đường chính được giao cho các hội đoàn thể tại xã phụ trách với hình thức “Con đường tự quản”, phối hợp với các chi hội tại các thôn để thường xuyên thực hiện việc phát cỏ lề đường, giữ gìn vệ sinh, xử lý trám vá những hư hỏng nhỏ. Vì vậy, đến nay khi hỏi ý kiến người dân ở 04 xã hài lòng nhất khi thực hiện chương trình xây dựng NTM chính là việc làm đường giao thông nông thôn.
Mô hình sản xuất lúa lai
Trong các tiêu chí đánh giá NTM, tiêu chí về thu nhập là một trong những tiêu chí được các các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát. Ngay từ đầu, tỉnh đã có chủ trương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa vào đặc thù và lợi thế của từng địa phương để hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ban hành các chính sách hỗ trợ giá giống, ưu đãi cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật,... Nhờ vậy, nhiều địa phương đã năng động áp dụng vào thực tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp và đặc biệt là sự tích cực chủ động của người dân, vì vậy tiêu chí thu nhập đã sớm đạt được ở các địa phương.
Một trong những chương trình được đánh giá là thành công và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn là chương trình sản xuất lúa lai được thực hiện tại xã Phước Mỹ. Từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chương trình sản xuất lúa lai được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, đây được xem là một trong các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thâm canh, tăng năng suất, sản lượng lúa, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một ha canh tác, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai xuống các địa phương, chương trình đã vấp phải sự phản ứng của nhiều bà con nông dân bởi các lý do sau: người dân không có kinh nghiệm sản xuất lúa lai; lượng giống lúa lai khi gieo sạ quá ít chỉ có 2 – 2,5 kg/sào (500m2) trong khi lúa thuần lâu nay sạ 6 – 8 kg/sào, làm sao đủ giống để sạ, nếu
bị ảnh hưởng mưa lụt, chuột ăn thì không có lúa để cắt; sản xuất lúa lai phải đầu tư thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, chi phí tăng cao,…
Để người dân tin tưởng vào chương trình, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thành phố đã bàn bạc, thống nhất với xã Phước Mỹ chọn mỗi thôn khoảng 2 – 4 sào ruộng và chọn chủ ruộng phải là người tiên tiến, tích cực để xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa lai. Cán bộ kỹ thuật của Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thành phố đã xuống tận các thôn, xóm để tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho chủ ruộng, tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp theo cách “cầm tay chỉ việc” cho các chủ ruộng thực hiện các khâu trong quá trình sản xuất. Kết quả của các mô hình trình diễn thành công ngoài mong đợi: năng suất lúa lai bình quân đạt 72 – 78 tạ/ha (lúa thuần trước đây ở xã chỉ đạt 45 – 50 tạ/ha), lúa ít bị sâu bệnh hại, chi phí mua phân, thuốc không cao hơn nhiều so với sản xuất lúa thuần, gạo lúa lai ăn ngon hơn, giá bán lúa lai cao hơn lúa thuần từ 600 – 800 đ/kg tùy theo thời điểm,…
Từ kết quả ban đầu của các mô hình trình diễn, chính quyền địa phương đã phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ ngay tại ruộng của chủ mô hình, mời tất cả nông dân trong vùng sản xuất đến tham quan thực tế và đánh giá kết quả sản xuất lúa lai. Một cách làm hay là người báo cáo kết quả và quá trình thực hiện mô hình là chủ ruộng trực tiếp sản xuất lúa lai đứng ra giới thiệu và báo cáo, không phải cán bộ kỹ thuật. Những thắc mắc của người dân được chủ ruộng giải thích rõ ràng, dễ hiểu, thực tế vì vậy nông dân đến tham quan đã thực sự bị thuyết phục về các ưu thế của giống lúa lai. Tại buổi hội thảo đầu bờ và tại các cuộc họp ở thôn, xóm sau này khi bàn triển khai nhân rộng sản xuất lúa lai, chính những người dân đã được tham quan thực tế và các chủ ruộng mô hình đã đứng lên có ý kiến đồng thuận rất cao về áp dụng sản xuất giống lúa lai, giải thích cho các nông dân khác khi có ý kiến chưa đồng thuận với chương trình, và hầu hết các buổi họp kết thúc với kết quả là đa số người dân quyết định sẽ áp dụng sản xuất giống lúa lai trong các vụ sản xuất tới.