dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng đối với việc khôi phục, tái tạo quá khứ lịch sử. Khi học lịch sử, HS không thể trực tiếp quan sát các sự kiện, hiện tượng đã xảy ra trong xã hội loài người và trình bày miệng dù có chi tiết đến đâu cũng không thể đem lại một hình ảnh cụ thể, đầy đủ về quá khứ.. Bởi vậy, sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội giúp HS nhận thức được hiện thực lịch sử “thông qua hệ thống tín hiệu thứ nhất” hay nói cách khác là “trực quan sinh động với quá khứ”. Nó là nguồn sử liệu vật chất quý hiếm, có khả năng cung cấp nhiều kiến thức lịch sử cụ thể, chính xác. Làm việc với DTLSQGĐB tại Hà Nội, HS đã thực sự “làm việc” với một nguồn sử liệu có giá trị khoa học. Các em phải giải quyết nhiều vấn đề, huy động các k năng, vận dụng nhiều kiến thức có liên quan đến DTLSQGĐB tại Hà Nội để nhận thức sâu sắc các sự kiện lịch sử hơn. Vì vậy, thông qua việc tiếp xúc với DTLSQGĐB tại Hà Nội, các hiện vật, tranh ảnh về di tích… sẽ làm cho HS nhanh chóng tiếp thu được kiến thức cơ bản của bài học, tạo được biểu tượng lịch sử chân xác, làm cơ sở cho việc hình thành khái niệm, hiểu được bản chất của LS.
Ví dụ: Khi dạy bài 17 “Quá trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến (từ thế kỉ X đến thế kỉ XV)”, phần II.1. “Tổ chức bộ máy nhà nước”, GV hướng dẫn HS tìm hiểu sự kiện năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội) thông qua khai thác nội dung tư liệu viết về khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. “Mùa thu năm Canh Tuất (1010), vua Lý Công Uẩn khi lên ngôi đã hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Kể từ đó, Thăng Long trở thành kinh đô được xây dựng và phát triển phồn thịnh qua nhiều thế kỉ. Toàn bộ dấu ấn về diện mạo kinh đô Thăng Long thuở đó dường như không còn trên mặt đất. Các nhà khảo cổ học đã dày công đi tìm quá khứ của kinh đô dưới lòng đất và công cuộc tìm kiếm ấy đã diễn ra từ vài thập kỷ trước.
Công cuộc khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long đã cho phép rút ra những nhận định khoa học quan trọng. Trong nhiều hố khai quật đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý – Trần – Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Tống Bình – Đại La (thế kỉ VII – IX). Điều đó minh chứng rất rõ lời của vua Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long.” [146, tr.36]
Việc sử dụng đoạn tư liệu trên không chỉ giúp HS nhận thức được sự kiện năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La – Thăng Long (Hà Nội), mà còn hiểu được giá trị to lớn của Khu DTLSQGĐB Hoàng Thành Thăng Long – một minh chứng quý giá về một thời kì phát triển hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê sơ. Qua đó, hiểu sâu sắc thêm kiến thức trong SGK, khơi dậy tự hào về Thủ đô Hà Nội – Trái tim của cả nước và tự hào về nền văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Việt. Đồng thời, phát triển kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú và khả năng liên hệ với thực tiễn của HS.
* Rèn luyện kỹ năng
Kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tiễn. Trong quá trình DHLS ở trường THPT, việc khai thác hiệu
quả DTLSQGĐB tại Hà Nội không chỉ giúp HS hiểu được sâu sắc kiến thức LS, làm phong phú kho tàng tri thức của người học, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển óc quan sát, trí tưởng tượng và khả năng tư duy tái tạo, tư duy lô gic cũng như phát triển ngôn ngữ cho HS. Khi GV cho HS quan sát một bức tranh nào về các di tích, hay hướng dẫn HS học tập tại DTLSQGĐB tại Hà Nội thì không những HS được phát triển kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú, hình dung quá khứ lịch sử, cụ thể bức tranh xã hội đã qua, mà còn có khả năng nhận xét, phán đoán, đánh giá quá khứ LS một cách chính xác. Từ đó, rèn luyện khả năng diễn đạt nói, phát triển ngôn ngữ và kĩ năng tư duy LS cho HS. Sử dụng tranh ảnh, hiện vật về DTLSQGĐB tại Hà Nội còn có tác dụng giúp HS biết đọc kênh hình, biết phân tích sự kiện lịch sử. Qua đó, rèn luyện cho các em thói quen và khả năng quan sát một cách khoa học, có mục đích, đi đến phân tích, so sánh, khái quát, rút ra kết luận lịch sử. Nhờ vậy, mà các thao tác tư duy được rèn luyện và phát triển.
Ví dụ, khi dạy học về thành tựu văn hóa Đại Việt (thế kỉ X – XV), trong SGK Lịch sử lớp 10 hiện hành, GV cho HS quan sát một số hình ảnh và phim tư liệu về DTLSQGĐB Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đặc biệt là tư liệu và hình ảnh về những tấm bia Tiến sĩ. Đối với những trường có điều kiện gần khu di tích, GV có thể tổ chức cho HS đến học tập và trải nghiệm tại khu di tích. Trên cơ sở HS đọc tư liệu và quan sát các hiện vật được trưng bày, HS không chỉ nhận thức được quá trình phát triển của giáo dục Đại Việt thời phong kiến, hiểu được những nguyên tắc trong thi cử, bản chất của kì thi Hương, thi Hội, thi Đình, giá trị của những tấm bia Tiến sĩ, mà còn phát triển kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú, đặc biệt là kĩ năng tư duy LS, khả năng liên hệ giáo dục thời phong kiến với tình hình giáo dục hiện nay. Đồng thời, khơi dạy niềm tự hào và tạo động lực học tập cho HS.
* Định hướng thái độ
Lịch sử là bức tranh phản ánh hiện thực của xã hội, gắn liền với người thực, việc thực nên có giá trị giáo dục đạo đức, tư tưởng HS sâu sắc. Sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông không chỉ giúp HS nhận thức sâu sắc về kiến thức LS, mà còn có tác dụng to lớn trong việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách tốt đẹp cho HS.
Di tích lịch sử là một phương tiện có ưu thế trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm cho HS. Truyền thống yêu nước của dân tộc ta đã trở thành di sản văn hóa tinh thần quý báu, được truyền từ đời này sang đời khác, biến thành sức mạnh vật chất, để vượt qua gian nan, thử thách như Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước” [83, tr.38].
DTLSQGĐB tại Hà Nội là nơi lưu giữ, nơi trưng bày cụ thể, sinh động về lịch sử quá khứ, truyền thống dân tộc. Nó phản ánh những giá trị, những sự kiện lịch sử trọng đại, minh chứng cho truyền thống yêu nước của dân tộc ta từ ngàn xưa. Thông
qua việc quan sát các DTLSQGĐB tại Hà Nội, những “dấu vết”, “mảnh vụn” của quá khứ, các em sẽ thấy như đang được sống trong thời kỳ lịch sử đã qua, như đang được chứng kiến các sự kiện lịch sử đã xảy ra tại DTLSQGĐB tại Hà Nội. Từ đó, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của HS làm cho các em cảm thấy màu sắc của thời đại, sống lại những cảm giác đặc biệt của ngày xưa xa xôi, bồi dưỡng cho HS lòng yêu quê hương, đất nước, nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ những thành quả mà cha ông ta đem lại. Khi tham quan các DTLSQGĐB tại Hà Nội, HS sẽ hiểu sâu sắc hơn những bài học về truyền thống yêu nước, lòng nhân ái, thái độ trung thực hay ý thức trách nhiệm ….
Ví dụ, khi dạy học về nhà nước Âu Lạc trong bài 14 Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam (SGK lớp 10 - chương trình hiện hành) hoặc dạy chuyên đề Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước 1858), Cộng đồng các dân tộc Việt Nam (chương trình mới), GV có thể tổ chức cho HS tham quan ngoại tại Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học Cổ Loa. Khi tiếp cận với khu di tích không chỉ giúp HS hiểu được một thời kì lịch sử oai hùng của dân tộc gắn liền với vị vua An Dương Vương, mà quan trọng hơn là giáo dục HS về lòng yêu nước, giá trị của tinh thần đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là rút ra bài học về tinh thần cảnh giác trước âm mưu thâm độc của kẻ thù. Từ đó, bồi dưỡng cho HS những phẩm chất của con người Việt Nam là lòng yêu nước, tinh thân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, lòng trung thực và ý thức giữ gìn, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Như vậy, ý nghĩa giáo dục của việc sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường THPT là phát huy ưu thế, sở trường của bộ môn trong việc góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống đạo đức, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
* Định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS
Trọng tâm đổi mới Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam hiện nay là chuyển từ mục tiêu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học. Theo đó, tất cả các môn học ở trường phổ thông, trong đó có môn LS cũng phải hướng vào mục tiêu chung đó. Việc sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội trong dạy học lịch sử góp phần quan trọng vào việc phát triển năng lực chung cho HS (tự học, tự chủ; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo), cũng như năng lực riêng của bộ môn Lịch sử (năng lực tìm hiểu LS; năng lực nhận thức và tư duy LS; năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng). Đồng thời, bồi dưỡng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của HS (yêu nước; nhân ái; trung thực; trách nhiệm; chăm chỉ …).
Ví dụ, khi dạy học về vai trò của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam (lớp 12), GV tổ chức cho HS tham quan ngoại khóa tại Di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở HS được quan sát các hiện vật gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng và cuộc sống đời thường của Bác, qua đó không chỉ giúp HS nhận thức sâu sắc được công lao to lớn của Người đối với dân tộc, mà còn bồi dưỡng HS lòng kính trọng, biết ơn, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần giáo dục HS về những phẩm chất tốt đẹp của Người như đức tính giản dị, khiêm nhường,
lòng yêu thương, trách nhiệm đối với cộng đồng …Việc HS được tiếp xúc với nguồn tư liệu gốc đa dạng, phong phú sẽ phát triển kĩ năng sưu tầm, xử lí thông tin kĩ năng quan sát cũng như trí tưởng tượng phong phú. Khi HS tìm hiểu về khu di tích, các em sẽ nảy sinh nhiều thắc mắc, suy nghĩ và chủ động đi tìm lời giải đáp. Vì vậy, phát triển kĩ năng tư duy lịch sử (phân tích, giải thích, đánh giá, giải thích, xác định mối liên hệ logic giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử). Từ những gì thu thập được sau khi học tập tại di tích, HS rèn luyện năng lực trình bày, tái hiện sự kiện lịch sử, năng lực sử dụng ngôn ngữ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Với tất cả ý nghĩa trên, sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội nói sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lịch sử ở trường phổ thông, gây hứng thú cho HS với việc tìm hiểu quá khứ lịch sử của dân tộc. Những hình ảnh trực quan do DTLSQGĐB tại Hà Nội mang lại đưa HS xích lại gần với quá khứ, làm cho các em dễ hiểu, gợi trí tò mò và óc tưởng tượng cần thiết cho sự tìm hiểu lịch sử của tuổi trẻ. Có thể nói, DTLSQGĐB tại Hà Nội là “cầu nối” giữa hiện thực khách quan quá khứ với những con người hiện tại. Nó làm cho HS hiểu biết sâu sắc hơn về quá khứ. Do đó, các em sẽ suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ của hiện tại và tương lai.
2.2. Cơ sở thực tiễn của việc sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
2.2.1. Thực trạng việc sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
2.2.1.1. Sơ lược về hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trên cả nước
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Trên khắp đất nước Việt Nam, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị. Tính đến hết năm 2018, trên cả nước có 106 DTQGĐB, trong đó, Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều DTQGĐB nhất (16). Từ 106 DTQGĐB trên cả nước, dựa vào yếu tố lịch sử và giá trị, chúng tôi lựa chọn ra các DTLSQGĐB ở các địa phương, cụ thể như sau:
Tỉnh/ Thành phố | Số lượng DTQGĐB | Số lượng DTLSQGĐB | Tên di tích LSQGĐB | |
1 | Quảng Ninh | 5 | 4 | Đền Cửa Ông, khu lăng mộ nhà Trần tại Đông Triều, khu di tích Yên Tử, Bãi cọc Bạch Đằng. |
2 | Cao Bằng | 3 | 3 | Khu di tích Pắc Bó, rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm chiến thắng Biên Giới |
3 | Lạng Sơn | 2 | 2 | Ải Chi Lăng, Khởi nghĩa Bắc Sơn |
4 | Bắc Kạn | 2 | 2 | Hồ Ba Bể (Vườn quốc gia VN 1992, Di sản ASEAN 2004, khu Ramsar thế giới 2011), ATK Chợ Đồn |
5 | Thái Nguyên | 1 | 1 | ATK Định Hóa |
6 | Tuyên Quang | 3 | 1 | Khu di tích Tân Trào, địa điểm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Vĩnh Quang, Chiêm Hóa) |
7 | Điện Biên | 1 | 1 | Chiến trường Điện Biên Phủ |
8 | Sơn La | 1 | 1 | Nhà tù Sơn La |
Có thể bạn quan tâm!
- Các Công Trình Nghiên Cứu Về Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Nói Chung, Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Nói Riêng Trong Dạy Học Lịch Sử Ở
- Quan Niệm Về Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Giá Trị Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Nhận Thức Của Gv Về Khái Niệm Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt
- Hình Thức Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Theo Đánh Giá Của Hs
- Nội Dung Lịch Sử Việt Nam Cấp Trung Học Phổ Thông Cần Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
Xem toàn bộ 234 trang tài liệu này.
Phú Thọ | 1 | 1 | Đền Hùng | |
10 | Bắc Giang | 4 | 4 | Khu di tích Yên Thế, Địa điểm chiến thắng Xương Giang, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà |
11 | Vĩnh Phúc | 2 | 1 | Tây Thiên – Tam Đảo |
12 | Hà Nội | 16 | 10 | Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Cổ Loa; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Đền Phù Đổng; Đền Hai Bà Trưng; Đền Hát Môn; Chùa Thầy và khu núi đá Sài Sơn; Gò Đống Đa. |
13 | Bắc Ninh | 4 | 4 | Đền Đô, Chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích |
14 | Hải Dương | 4 | 4 | Khu di tích Kiếp Bạc - Côn Sơn, Văn Miếu Mao Điền, Chùa Xưa – Đền Giám – Chùa Bia, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương |
15 | Hải Phòng | 2 | 1 | Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, |
16 | Hưng Yên | 2 | 1 | Phố Hiến |
17 | Thái Bình | 2 | 1 | Khu lăng mộ các vị vua nhà Trần (huyện Hưng Hà) |
18 | Nam Định | 2 | 2 | Đền Trần, Chùa Phổ Minh |
19 | Hà Nam | 2 | 2 | Chùa Đọi Sơn, đền Trần Thương |
20 | Thanh Hoá | 5 | 4 | Thành nhà Hồ, khu di tích Bà Triệu, khu di tích Lam Kinh, hang Con Moong |
21 | Ninh Bình | 2 | 1 | Cố đô Hoa Lư |
22 | Hà Tĩnh | 2 | 1 | Khu lưu niệm Nguyễn Du |
23 | Nghệ An | 4 | 2 | Khu di tích lịch sử Kim Liên, khu lưu niệm Phan Bội Châu, |
24 | Quảng Bình | 2 | 1 | Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng |
25 | Quảng Trị | 4 | 4 | Khu vực đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, Những địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu 81 ngày đêm tại Quảng Trị, đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh |
26 | Thừa Thiên- Huế | 2 | 2 | Quần thể Cố đô Huế, đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh |
27 | Đà Nẵng | 2 | 1 | Thành Điện Hải |
28 | Quảng Nam | 4 | 4 | Phật viện Đồng Dương, đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mĩ Sơn, đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh |
29 | Quảng Ngãi | 1 | 1 | Những địa điểm về cuộc KN Ba Tơ |
30 | Gia Lai | 1 | 0 | |
31 | Kon Tum | 2 | 2 | Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, chiến thắng Đắc Tô – Tân Cảnh |
32 | Bình Định | 2 | 1 | Khu di tích Tây Sơn Tam Kiệt |
33 | Đăk Lăk | 1 | 1 | Nhà tù Buôn Ma Thuột |
34 | Đăk Nông | 1 | 1 | Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh |
35 | Lâm Đồng | 2 | 1 | Thánh địa Cát Tiên |
36 | Bình Phước | 3 | 2 | Điểm cuối đường ống xăng dầu VK96 |
(thuộc đường Trường Sơn), căn cứ bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam VN (huyện Lộc Ninh) | ||||
37 | Ninh Thuận | 2 | 2 | Tháp Po Klong Garai, Tháp Hòa Lai |
38 | Tây Ninh | 1 | 1 | Căn cứ Trung ương cục miền Nam |
39 | Đồng Nai | 2 | 1 | Mộ cự thạch Hàng Gòn |
40 | TP Hồ Chí Minh | 2 | 2 | Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi. |
41 | Bà Rịa – Vũng Tàu | 1 | 1 | Nhà tù Côn Đảo |
42 | Đồng Tháp | 1 | 1 | Di tích Gò Tháp |
43 | Tiền Giang | 1 | 1 | Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút |
44 | An Giang | 3 | 3 | Óc Eo – Ba Thê, Gò Tháp, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng |
45 | Bến Tre | 2 | 2 | Đồng khởi Bến Tre, Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. |
46 | Kiên Giang | 1 | 1 | Nhà tù Phú Quốc |
47 | Hậu Giang | 1 | 1 | Chiến thắng Chương Thiện |
Nhìn vào bảng tổng hợp chúng tôi nhận thấy, Hà Nội chiếm gần 20% số DTLSQGĐB của cả nước. Điều đó phản ánh những thành tựu tiêu biểu của Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử, là sản phẩm sáng tạo của con người nơi đây và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là nguồn sử liệu quá giá cần khai thác và sử dụng hiệu quả trong quá trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học hiện nay và giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
2.2.1.2. Thực tiễn việc sử dụng DTLSQGĐB ở trường THPT cả nước
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của DSVH (trong đó có DTLSQGDB tại Hà Nội). Bộ GD& ĐT đã có công văn 276/BGD&ĐT- GDTrH (ngày 11/01/2013) về việc triệu tập lớp tập huấn “Sử dụng DS trong DH ở trường phổ thông”. Ngày 16/01/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chỉ đạo bằng Công văn liên ngành số 73- HD BGDĐT-BVHTTDL về “Hướng dẫn sử dụng DSVH trong DH ở trường phổ thông, TTGDTX”. Ngoài việc nêu rõ mục đích, yêu cầu, Công văn đã xác định rõ các loại hình DS có thể sử dụng, phương thức, hình thức tổ chức DH... Nhằm thực hiện thí điểm chương trình, ngày 08/04/2013 Bộ GD và ĐT tiếp tục có Công văn số 2305/BGD&ĐT-GDTrH về việc triển khai thí điểm sử dụng DSVH trong DH ở trường phổ thông trong 07 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Huế và Quảng Nam.
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục & Đào tạo đã tập huấn cho đội ngũ GV cốt cán của tỉnh chủ trương trên vào tháng 11/2013. Sau đợt tập huấn, đa số GV đã nhận thức thấu đáo về giá trị và sự cần thiết sử dụng DSVH trong DH nói chung. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi thì việc lựa chọn và sử dụng DSVH với đa số GV còn rất lúng túng, chưa hiệu quả. DSVH nói chung, đặc biệt di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội chưa phát huy được vai trò tích cực trong DH cũng như giá trị to lớn của nó.
Bắt đầu từ học kỳ II năm học 2012-2013, việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông chính thức được thí điểm tại bảy tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong bảy tỉnh, thành phố tham gia thí điểm đợt đầu. TP HCM là địa phương có nhiều di sản quan trọng. Đội ngũ GV rất tâm huyết và tích cực trong việc soạn giảng, sưu tầm tư liệu để phục vụ cho việc giảng dạy tích hợp, sử dụng di sản, tạo cho hoạt động bộ môn thêm phong phú, sinh động. Sở Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM đã “đưa di sản vào giảng dạy lồng ghép thí điểm tại một số trường như THCS Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), THCS Nguyễn Du (Gò Vấp), THPT chuyên TDTT Nguyễn Thị Định (quận 8), THPT Trần Phú (Tân Phú), THPT Trần Quang Khải (quận 11)” (Báo Giáo dục TP HCM online, Thứ ba, 20/8/2013).
Tại Thanh Hóa, tác giả Nguyễn Thị Vân đã công bố số liệu khảo sát về việc sử dụng DSVH tại Thanh Hóa: “67% GV bộ môn được khảo sát đã nhận thức sâu sắc vấn đề, 19% GV cho là sử dụng ở mức độ bình thường, chỉ có 14% (9/64 phiếu) cho rằng ở mức độ tốt và rất tốt. Thực tế, có 11% số phiếu trả lời thường xuyên sử dụng, 44 % (28/64 phiếu) GV rất ít sử dụng, 36% (23/64 phiếu) thỉnh thoảng sử dụng DSVH tại địa phương trong DHLS. Thậm chí, có 9% (6/64 phiếu) chưa từng sử dụng.” [145, tr 66]. Theo tác giả, việc sử dụng chủ yếu mang tính kinh nghiệm cá nhân GV, nhỏ lẻ, tự phát, hoạc khi tổ chức lễ kỉ niệm, tổ chức lễ hội chứ chưa khai thác và sử dụng các DTLSQGĐB thường xuyên, hiệu quả như đúng với tầm vóc và giá trị của di tích. Do đó, rất cần thiết phải nghiên cứu, tìm hiểu, đề ra các nguyên tắc, hình thức, biện pháp, quy trình khai thác và sử dụng hệ thống DTLSQGĐB có hiệu quả, nâng cao chất lượng bộ môn. Ông Lê Thành Đồng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa cho biết: Những năm qua, TP Thanh Hóa đã xây dựng đề án “Du lịch giáo dục” với định hướng các trường học cho HS tham quan trải nghiệm các di tích, điểm đến như Bảo tàng tỉnh, làng cổ Đông Sơn... đề án bắt đầu được triển khai từ năm học 2017 – 2018. Theo đó, các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh, đặc biệt là những trường đóng trên địa bàn có di tích đã chuyển biến tích cực nhưng cũng chưa thực sự phát huy được hết vai trò, ý nghĩa của DSVH trong quá trình DH.
Theo Điện Biên TV, Tỉnh Đoàn Điện Biên có 16 đơn vị trực thuộc tỉnh, 484 đoàn cơ sở và 2.047 chi đoàn cơ sở. Thanh niên Điện Biên có trên 150.000 người, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, đây là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn đã làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ thông qua quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ. Quần thể với 45 di tích thành phần nay là một trong số 106 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước cũng đã được GV lịch sử của tỉnh tích cực khai thác, sử dụng trong dạy học bộ môn nhưng với hình thức chủ yếu là tham quan ngoại khóa. HS có những trải nghiệm thú vị, củng cố và khắc sâu nhiều kiến thức lịch sử từ những chứng tích, hiện vật “biết nói” vì “có đi mới thấy, có thấy mới hiểu”. Từ đó HS có hứng thú học tập với bộ môn Lịch sử hơn, có những hoạt động chăm sóc, trồng cây xanh, quảng bá di tích và bảo vệ di tích tốt hơn nữa. (Điện Biên TV. Ngày 14/01/2014).
Nhìn chung, từ thực trạng đã bộc lộ nhiều khó khăn của việc đưa di sản nói chung, đưa DTLSQGĐB nói riêng vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Những khó khăn trong nhận thức và sử dụng di sản trong dạy học ở một số cán bộ quản lý, GV còn chưa thống nhất; một số GV chưa vận dụng thành thục tiến trình sư phạm của bài giảng sử dụng di sản trong dạy học dẫn đến việc áp dụng khiên cưỡng, thiếu hiệu quả. Ở một số cơ sở giáo dục, vẫn còn có những cán bộ quản lý chưa thật quan tâm thường xuyên đến vấn đề này, giao khoán cho toàn bộ GV; một số GV còn thụ động trong việc nghiên cứu, thiết kế nội dung và tiến trình sử dụng di sản trong dạy học, chưa thật chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, tranh ảnh về di sản để sử dụng trong dạy học. Việc xây dựng nguồn tài liệu giới thiệu về các di sản còn thiếu do đó GV gặp khó khăn về nội dung các di sản có liên quan đến bài học. Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT, các trường THPT, THCS thực hiện thí điểm còn gặp một số khó khăn nữa liên quan đến vấn đề kinh phí và thời gian. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, bản thân các GV chưa có điều kiện đến tìm hiểu ngay tại các di sản (cấp quốc gia và thế giới) nên khó đạt chất lượng giáo dục tốt nhất. HS ít đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu, học tập bộ môn (bộ môn khoa học xã hội) do lối sống thực dụng như hiện nay, do áp lực thi cử, áp lực từ phía gia đình. Yêu cầu đặt ra cho các cấp quản lí bao gồm Bộ GD và các Sở GD là cần chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, biên soạn mới tài liệu sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, xây dựng và cung cấp đĩa hình dạy minh họa để cán bộ quản lý, GV có thể tham khảo.
2.2.2. Khảo sát thực trạng sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông
2.2.2.1. Mục đích, đối tượng, địa bàn, phương pháp khảo sát
Việc điều tra, khảo sát với mục đích làm rõ thực trạng DHLS ở trường THPT nói chung, tình hình sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội trong DHLS nói riêng. Từ đó, rút ra những kết luận cần thiết làm cơ sở để đề xuất các hình thức, biện pháp sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội trong DHLS góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Đối tượng điều tra, khảo sát là 90 GV môn LS và 2050 HS đại diện cho một số trường THPT trên địa bàn cả nước. Đồng thời, chúng tôi còn gặp gỡ trao đổi với cán bộ quản lí trong ngành giáo dục và quản lý DTLSQGĐB tại Hà Nội để phục vụ cho quá trình khảo sát.
Để đảm bảo tính khách quan, trong điều kiện có hạn chúng tôi tiến hành điều tra, khảo sát tại một số trường THPT ở địa bàn các tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Quy Nhơn, Bình Định, Đắc Lắc, Trà Vinh, Cần Thơ.
Trong các trường THPT, bao gồm các trường ở các địa bàn kinh tế - xã hội khác nhau: Nhóm trường đại diện cho vùng trung tâm Hà Nội là trường THPT Việt Đức, THPT Trần Phú, THPT Phan Đình Phùng, THPT Thăng Long, THPT Trần Nhân Tông, THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng.
Đại diện các trường vùng nông thôn, ngoại thành: Trường THPT Kim Anh, Hà Nội. THPT Tứ Kì, Hải Dương.