Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
CỦA VIỆC SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TẠI HÀ NỘI TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Trong phạm vi nghiên cứu của chương này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu bản chất của khái niệm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; phân loại di tích lịch sử; khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử; khảo sát thực tiễn việc sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường THPT làm cơ sở cho việc xác định nội dung, hình thức, biện pháp khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn di tích lịch sử này vào dạy học lịch sử ở trường THPT.
2.1. Cơ sở lí luận
2.1.1. Quan niệm về di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội
- Di tích
Theo Từ điển Hán Việt Từ Nguyên, “Di” là “để lại”; “Tích” là “Dấu vết”; “ di tích” là “Dấu vết xưa còn để lại”[60, tr433]. Theo Từ điển tiếng Việt, “ di tích” là “Dấu vết của người hoặc sự việc thời xưa hoặc thời trước đây còn để lại” [102, tr 410]. Từ đó, có thể hiểu, di tích là những dấu vết còn lại của quá khứ do con người tạo nên. Các di tích phản ánh bức tranh sinh động những hoạt động của quá khứ, do con người tạo nên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (lao động sản xuất, đấu tranh chống ngoại xâm, thiên tai; hoạt động cộng đồng về kinh tế, văn hóa và sáng tác nghệ thuật…). Như vậy, Di tích là sản phẩm lao động của con người tạo ra trong quá khứ, nên nó có giá trị lịch sử sâu sắc.
Có thể bạn quan tâm!
- Sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông - 2
- Các Công Trình Nghiên Cứu Về Sử Dụng Di Tích Trong Dạy Học Nói Chung, Di Tích Lịch Sử Trong Dạy Học Lịch Sử Nói Riêng Ở Trường Phổ Thông
- Các Công Trình Nghiên Cứu Về Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Nói Chung, Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Nói Riêng Trong Dạy Học Lịch Sử Ở
- Giá Trị Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội
- Cơ Sở Thực Tiễn Của Việc Sử Dụng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Tại Hà Nội Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Trung Học Phổ Thông
- Nhận Thức Của Gv Về Khái Niệm Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt
Xem toàn bộ 234 trang tài liệu này.
Theo Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu di tích và Di chỉ (1964), Đại hội Quốc tế lần thứ hai các Kiến trúc sư và K thuật gia về di tích lịch sử, Venice, 1964, được ICOMOS chấp nhận năm 1965 coi các DTLS như là những chứng nhân sống của những truyền thống lâu đời cổ xưa và coi các di tích cổ như là một di sản chung. Hiến chương đã nhận định, DTLS không chỉ là một công trình kiến trúc đơn chiếc, mà bao gồm cả khung cảnh đô thị hoặc nông thôn có chứng tích của một nền văn minh riêng, phản ánh một sự kiện lịch sử nhất định. Với tuyên bố của Hiến chương Quốc tế là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu bản chất của DTLS và giá trị của nó đối với nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng.
Tại Hội nghị Quốc tế các khoa học lịch sử lần thứ XVII ở Madrit (Tây Ban Nha) từ ngày 26/8 đến 2/9/1990 có báo cáo về vấn đề "Các nhà sử học và việc gìn giữ các di sản văn hóa của nhân loại". Hội nghị đã khẳng định "Di tích lịch sử - văn hóa là những di sản văn hóa quý hiếm của nhân loại, cần được bảo vệ và sử dụng đúng đắn. Di tích lịch sử đã và đang trải qua những hiểm họa đó là thời gian ngày càng lùi xa, thiên nhiên khắc nghiệt và cả sự vô ý thức của con người". Hội nghị đã nhấn mạnh khả năng sử dụng các di tích lịch sử thể hiện trình độ văn minh của xã hội đương thời. Có thể thấy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản được thế giới rất quan tâm.
“Di tích” khác với “Di sản”. Theo Từ điển Hán Việt Từ Nguyên, “Di” là “Để lại”; “Sản” là “Của cải”; “Di sản” là “Của cải giá trị của người chết, của đời trước để lại” [60, tr 433]. Di sản là “Tài sản của người chết để lại”; là “Tài sản tinh thần hoặc tài sản vật chất do lịch sử để lại hoặc do thiên nhiên tạo ra” [102, tr 410]. Như vậy, “Di sản” và “ di tích” giống nhau ở chỗ, đều là sản phẩm do đời trước để lại, nhưng “Di sản” là khái niệm rộng hơn, bao hàm cả “ di tích”. Di sản gồm cả tài sản tinh thần hoặc vật chất do con người sáng tạo nên hoặc do thiên nhiên tạo hóa, có thể là tài sản của cá nhân hoặc tập thể để lại. “ di tích” là những dấu vết còn lại của quá khứ do con người tạo nên, chủ yếu mang tính tập thể và là tài sản chủ yếu về vật chất. Trong phạm vi của đề tài luận án, chúng tôi tập trung nghiên cứu về“ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt” nói chung, “ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội” nói riêng, là một phần quan trọng, tiêu biểu nhất của di tích và di tích lịch sử trên đất nước Việt Nam.
- Di tích lịch sử
Di tích lịch sử là “dấu vết còn lại của một thời kì lịch sử đã qua. di tích lịch sử là đối tượng nghiên cứu của sử học, khảo cổ học” [75, tr.138]. di tích lịch sử là một biểu hiện cụ thể của di tích, là một khái niệm có nội hàm hẹp hơn di tích. Có nghĩa là, bất cứ DTLS nào trước hết phải là một di tích, nhưng không phải di tích nào cũng trở thành DTLS, mà nó chỉ trở thành DTLS khi di tích đó gắn liền sự kiện, nhân vật gắn liền với từng thời kì lịch sử, phản ánh tập trung, rõ nét bức tranh của quá khứ trong thời điểm đó. Theo đó, di tích lịch sử là nguồn tư liệu gốc quý giá, phản ánh khách quan, chân thực bức tranh của quá khứ qua các thời kì phát triển của lịch sử nhân loại và dân tộc. Vì vậy, DTLS không chỉ là là đối tượng nghiên cứu của Sử học và Khảo cổ học, mà còn là đối tượng nghiên cứu của Giáo dục lịch sử với tư cách là nguồn sử liệu khoa học phục vụ cho quá trình giảng dạy bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Luật Di sản văn hóa được kỳ họp thứ 9, QH khóa X thông qua gồm 7 chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2002. Trong đó chương IV mục 1 điều 28 quy định “ di tích lịch sử - văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau đây: a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước; b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước; c) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến; d) Ðịa điểm có giá trị tiêu biểu về khảo cổ; đ) Quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.
Điều 30 quy định Thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích “Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới.” Như vậy, DTLS là một phần của di sản văn hóa vật thể. Bởi vì, di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đây là một loại hình di sản văn hóa được thể hiện dưới hình thức vật chất, khác với di sản văn hóa phi vật thể. DTLS có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, DTLS là những sản phẩm văn hoá tồn tại hữu hình, được biểu hiện dưới dạng vật chất, là những minh chứng phản ánh trung thực lịch sử và thể hiện sự sáng tạo của con người, nên rất gần gũi và gắn bó với cuộc sống của con người.
Thứ hai, DTLS mang tính lịch sử sâu sắc. Bởi vì, mỗi DTLS đều gắn với thời gian, không gian, sự kiện, nhân vật lịch sử nhất định, nằm trong bối cảnh lịch sử cụ thể. DTLS là sự phản ánh chân thực của đời sống xã hội trong từng thời điểm nhất định. Vì vậy, nó có giá trị lịch sử sâu sắc, là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu và học tập lịch sử. Qua đó, góp phần tái hiện bức tranh sinh động của quá khứ.
Thứ ba, DTLS có tính cố định. Tức là, mỗi DTLS đều gắn với một địa danh nhất định, gắn liền với một địa phương nào đó. Nó được tạo dựng bởi con người tại thời điểm nhất định. Tính cố định của DTLS phản ánh giá trị khoa học của nó, có nghĩa là mỗi DTLS đều phản ánh một sự thực lịch sử nhất định gắn liền với con người và địa phương nào đó. Vì vậy, trong quá trình khai thác và sử dụng DTLS cần chú ý tính nguyên trạng của nó để đảm bảo tính khoa học, tránh tình trạng hiện đại hoá LS.
Thứ tư, DTLS có tính giá trị to lớn. Bởi lẽ, mỗi DTLS gắn liền với từng địa phương, mỗi dân tộc, trong những thời điểm cụ thể của lịch sử, nên hệ thống DTLS phản ánh bức tranh toàn diện các lĩnh vực khác nhau của con người về lịch sử, văn hoá, khoa học. Đó là nguồn sử liệu quý giá phản ánh quá trình phát triển của lịch sử dân tộc qua những thời kỳ khác nhau.
Tóm lại, DTLS là những sản phẩm văn hoá tồn tại hữu hình, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học còn tồn tại đến ngày nay và là niềm tự hào của dân tộc.
- Di tích lịch sử quốc gia
Từ khái niệm “di tích lịch sử” có thể hiểu, “di tích lịch sử quốc gia” là những di tích lịch sử có giá trị tiêu biểu của quốc gia. DTLS là sản phẩm vật chất do con người tạo nên, nó tồn tại ở khắp các địa phương trong cả nước, nhưng chỉ có DTLS phản ánh những sự kiện, hiện tượng, nhân vật tiêu biểu, nổi bật gắn liền với tiến trình phát triển của dân tộc trong từng thời kì lịch sử mới trở thành “DTLSQG”.
- Di tích quốc gia đặc biệt
Điều 29 Luật Di sản, năm 2002 ghi rõ: “Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia”. Di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ kí quyết định công nhận trên cơ sở lựa chọn từ các di tích quan trọng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia. Tính đến giữa năm 2019, qua 9 đợt xếp hạng, Việt Nam có tổng số 106 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó Hà Nội là địa phương sở hữu 16 di tích quốc gia đặc biệt và được chia thành các hạng mục như: Di tích lịch sử; Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật; Di tích kiến trúc nghệ thuật. Những hạng mục này được gọi chung là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Trong phạm vi của luận án chúng tôi chỉ tập trung đi sâu nghiên cứu về những di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử cụ thể, tiêu biểu trong những thời điểm, những giai đoạn lịch sử nhất định và có giá trị to lớn trong quá trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT hiện nay.
- Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Từ khái niệm về di tích, di tích lịch sử, di tích lịch sử quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt chúng tôi cho rằng, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (DTLSQGĐB) là di tích quốc gia đặc biệt có giá trị tiêu biểu trên lĩnh vực lịch sử. DTLSQGĐB trước hết phải là những di tích quốc gia đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng trên cơ sở lựa chọn các di tích quan trọng, tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng. DTLSQGĐB phản ánh đầy đủ các tiêu chí của một DTLSQG nhưng phải tiêu biểu, nổi bật, phản ánh rõ nét, khách quan, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc. Vì vậy, DTLSQGĐB là niềm tự hào của dân tộc và là nguồn sử liệu quý giá, là môi trường dạy học lý tưởng, là công cụ đa phương tiện cho quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu những DTLSQGĐB tại Hà Nội và khả năng vận dụng trong quá trình dạy học lịch sử ở trường THPT.
- Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội
Di tích quốc gia đặc biệt tại mỗi địa phương là một bộ phận của DSVH dân tộc, phản ánh những giá trị lịch sử - văn hoá của dân tộc. Từ bản chất của khái niệm DTQGĐB, chúng tôi cho rằng, DTLSQGĐB tại Hà Nội là những DTLS tiêu biểu của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định trên cơ sở lựa chọn các di tích quan trọng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia. DTLSQGĐB tại Hà Nội không chỉ phản ánh đặc trưng riêng gắn liền với không gian địa lí, con người và lịch sử phát triển của Hà Nội qua các thời kì, mà còn phản ánh những sự kiện, hiện tượng, các nhân vật tiêu biểu gắn liền với các giai đoạn, thời kì phát triển của quốc gia nói chung. DTLSQGĐB tại Hà Nội đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, tiêu chí của một DTQGĐB và nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vì vậy, DTLSQGĐB tại Hà Nội vừa mang nét riêng của địa phương, vừa chứa đựng những giá trị chung của dân tộc, phản ánh những nét tiêu biểu, điển hình của lịch sử dân tộc, quốc gia qua các thời kì. Đây là khái niệm được chúng tôi sử dụng xuyên suốt, chi phối quá trình nghiên cứu và hoàn thiện luận án.
2.1.2. Quan niệm về sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông
Từ bản chất các khái niệm “DTLS”, “DTLSQGĐB”, chúng tôi cho rằng, sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội là quá trình GV tổ chức, hướng dẫn, điều khiển HS tích cực, chủ động, độc lập, sáng tạo tìm hiểu, khám phá và chiếm lĩnh kiến thức lịch sử thông qua khai thác, sử dụng hợp lí các DTLSGQĐB tại Hà Nội trong DHLS ở trường THPT. Việc khai thác và sử dụng DTLSGQĐB tại Hà Nội có thể như một nguồn kiến thức và loại phương tiện trực quan đặc biệt, trong quá trình học tập, hoặc khai thác với tư cách là nguồn sử liệu về DTLSQGĐB tại Hà Nội trong quá trình dạy học, hoặc xem đó như môi trường dạy học lý tưởng qua đó thực hiện mục tiêu của bộ môn về kiến thức, kĩ năng, thái độ và phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của HS.
Việc sử dụng di tích lịch sử trong quá trình dạy học nói chung và di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội nói riêng có những đặc trưng cơ bản sau:
Một là, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt được coi là một nguồn kiến thức khoa học, nó phản ánh trung thực, khách quan và toàn diện quá khứ lịch sử trong những thời điểm, giai đoạn nhất định. Vì vậy, khai thác, sử dụng hiệu quả DTLSQGĐB tại Hà Nội giúp HS hiểu sâu sắc nội dung kiến thức lịch sử trong SGK.
Hai là, việc sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội không tách rời quá trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT, mà chúng liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng bổ sung cho nhau. Bởi vì, kiến thức lịch sử cơ bản được chọn lọc trong SGK là cơ sở quan trọng để GV lựa chọn DTLSQGĐB tại Hà Nội và hướng dẫn HS khai thác, sử dụng. Qua đó, làm phong phú tri thức của bản thân HS về lịch sử.
Ba là, di tích lịch sử nói chung, DTLSQGĐB tại Hà Nội nói riêng có ở xung quanh chúng ta. Do đó, trong quá trình DHLS, tùy thuộc vào nội dung, điều kiện của địa phương, khả năng nhận thức của HS, mà GV sử dụng linh hoạt nguồn tư liệu quý giá về DTLSQGĐB tại Hà Nội để tổ chức dạy học ở những mức độ khác nhau.
Bốn là, dạy học và DHLS là những hoạt động có tính mục đích rõ ràng, chủ thể của quá trình dạy học là HS. Vì vậy, việc sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội phải hướng tới sự phát triển toàn diện của người học, phải đảm bảo mục tiêu dạy học và đối tượng học. DTLSQGĐB tại Hà Nội được khai thác và sử dụng như phương tiện đặc biệt hỗ trợ hoạt động DHLS ở trường THPT. Bởi vì, các DTLSQGĐB tại Hà Nội là bằng chứng chân thực về sự phát triển của lịch sử trong từng thời kì nhất định nên khai thác và sử dụng hợp lí nguồn sử liệu này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng DHLS ở trường phổ thông.
Năm là, quá trình dạy học nói chung, DHLS ở trường THPT nói riêng là quá trình phức tạp gồm nhiều yếu tố: mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, hình thức dạy học, PPDH, phương tiện dạy học, chương trình, SGK, hoạt động dạy của GV, hoạt động học của HS, điều kiện dạy học, môi trường dạy học, kiểm tra, đánh giá… Mỗi yếu tố trên có một vai trò nhất định đối với quá trình dạy học ở trường phổ thông và chúng có mối quan hệ biện chứng, cùng tác động trực tiếp và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên tính toàn diện, hệ thống và phát triển của quá trình dạy học. Vì vậy, sử dụng DTLSQGĐB tại Hà Nội trong DHLS phải chú ý sự tác động của tất cả những yếu tố trên. Ví dụ, sử dụng DTLSQGĐB để dạy học không thể tuỳ ý lựa chọn nội dung DTLS, mà phải căn cứ vào chương trình, SGK; điều kiện đáp ứng về phương tiện và điều kiện dạy học; phải căn cứ thời lượng của mỗi bài học để lựa chọn nội dung, hình thức và cách thức tiến hành cho phù hợp.
Sáu là, dạy học là một quá trình nhận thức đặc thù, là sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò, trong đó GV đóng vai trò chủ đạo của quá trình dạy học, là người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, trọng tài, cố vấn, là người bạn của HS trong quá trình dạy học; HS đóng vai trò vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của quá trình nhận thức. Dưới sự hướng dẫn của GV, HS tích cực, chủ động, độc lập và sáng tạo trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong DHLS
không thể là quá trình làm việc đơn lẻ của thầy hoặc trò với DTLS, kể cả những hoạt động tự học của HS, mà quan trọng là GV phải định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ HS chủ động chiếm lĩnh kiến thức lịch sử qua khai thác nguồn tư liệu của DTLSQGĐB một cách hiệu quả. Từ đó, phát triển k năng bộ môn, giáo dục đạo đức, tư tưởng HS và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở trường phổ thông.
Như vậy, người GV cần nắm vững những đặc trưng trên để khai thác, sử dụng đúng hướng tài sản văn hoá quan trọng này nhằm đạt mục tiêu giáo dục và mục tiêu dạy học bộ môn. Hà Nội là thủ đô của cả nước, là không gian sống gần gũi đối với HS, bởi vậy, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội vốn là những giá trị rất quen thuộc với các em. Sử dụng những giá trị này không chỉ đảm bảo tính khoa học, mà còn đảm bảo nguyên tắc sử dụng cái “cụ thể” để hiểu cái “trừu tượng”, cái gần gũi để hiểu cái khái quát, gắn lý thuyết với thực tế... Qua đó góp phần quan trọng vào việc phát triển năng lực và bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho HS.
2.1.3. Các loại di tích quốc gia đặc biệt tại Hà Nội
Việc phân loại di tích nói chung, DTQGĐB tại Hà Nội nói riêng có vai trò quan trọng trong quá trình DHLS ở trường THPT. Bởi lẽ, dựa vào các cách phân loại giúp GV hiểu được đặc điểm, giá trị của từng loại di tích. Từ đó, là cơ sở để GV lựa chọn loại hình di tích, xác định, nội dung và định hướng về hình thức, biện pháp khai thác, sử dụng hiệu quả. Việc phân loại di tích lịch theo các tiêu chí được quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, có những loại di tích sau:
- Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân):
+ Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc.
+ Di tích kiến trúc nghệ thuật: Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam.
- Di tích khảo cổ: Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới.
- Danh lam thắng cảnh: Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Việc xếp hạng di tích được quy định tại Điều 29 Luật Di sản văn hóa (ban hành 2012, sửa đổi và bổ sung năm 2009). Theo đó, di tích được xếp làm 3 hạng:
- Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương
- Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia.
- Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia. Điều 30 của Luật Di sản quy định, thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích như sau:
a) Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh;
b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định xếp hạng di tích quốc gia.
c) Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng DTQGĐB; quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc xem xét đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới.
Như vậy, việc xếp hạng các loại di tích các cấp được quy định rất rõ. Mỗi di tích khi xếp hạng phải dựa trên những tiêu chí chung mang tính nguyên tắc và qua nhiều lần xem xét và cuối cùng là các cấp có thẩm quyền ra quyết định. Qua 10 đợt xếp hạng, cả nước có tổng số 106 DTQGĐB được xếp hạng, trong đó Hà Nội là địa phương sở hữu 16 DTQGĐB.
Trong khuôn khổ Luận án, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu, tìm hiểu 10 di tích thuộc hạng mục di tích lịch sử; di tích lịch sử và khảo cổ; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Còn 06 di tích quốc gia đặc biệt thuộc hạng mục di tích kiến trúc nghệ thuật (Đình Tường Phiêu, Đình Chèm, Đình làng So, Đình Kim Liên, Đền Sóc, Chùa Tây Phương) chúng tôi không chọn đưa vào khảo cứu để dạy học lịch sử ở trường THPT. Nhóm 10 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội mà luận án đi sâu nghiên cứu và vận dụng trong quá trình dạy học lịch sử ở trường THPT bao gồm:
1. Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa
2. Khu di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long
3. Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng
4. Di tích lịch sử Đền Hát Môn
5. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn
6. Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám
7. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy
8. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phù Đổng
9. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
10. Di tích lịch sử Gò Đống Đa.
Hệ thống DTLSGQĐB là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Đó là những di tích gắn liền với những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, phản ánh toàn diện bức tranh quá khứ Hà Nội trên các lĩnh vực lịch sử - văn hóa – chính trị - nghệ thuật, phản ánh tài năng của con người nơi đây. Sở dĩ chúng tôi chỉ chọn 10 DTLSQGĐB tại Hà Nội để đi sâu nghiên cứu vì trước hết những di tích này đã được các cơ quan có thẩm quyền, chức năng là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xếp hạng mục “di tích lịch sử”, hơn nữa, những di tích này gắn liền với những sự kiện tiêu biểu của lịch sử Hà Nội và dân tộc, cần thiết đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông, gồm cả chương trình hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018. Bởi mỗi di tích trên là nguồn sử liệu quý giá cần được khai thác và sử dụng hiệu quả trong quá trình dạy học lịch sử ở trường phổ thông, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
2.1.4. Đặc điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội
Hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội là một phần di sản vật thể quốc gia bao gồm di tích, di vật và môi trường cảnh quan xung quanh. DTLSQGĐB tại Hà Nội mang đày đủ đặc điểm của di tích lịch sử, đồng thời phản ánh những nét đặc trưng, riêng biệt của DTLS của thủ đô Hà Nội:
- Tính khoa học
Mỗi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội là nguồn tư liệu lịch sử sống động, mang tính khách quan bởi tính hữu hình và vật chất của nó. Tính khoa học, tính xác thực có thể hiểu là dấu ấn lịch sử hay yếu tố lịch sử được chứa đựng trong mỗi di tích. Các yếu tố nguyên gốc chứa đựng trong các cổ vật, bảo vật, di vật như gạch ngói xây dựng, mộ táng, đồ dùng, vũ khí, đồ thờ tự, bia kí, gốm sứ… là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, những minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước dài lâu của cha ông và đó cũng là nguồn sử liệu khoa học, chính xác, quan trọng giúp cho các nhà khoa học cũng như các nhà giáo dục lịch sử trong quá trình nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử từ thời sơ sử tới các thời kỳ lịch sử sau này.
Mỗi DTLSQGĐB tại Hà Nội đều liên quan mật thiết tới một hoặc những sự kiện trọng đại, nhân vật lịch sử điển hình có những đóng góp, ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển và tiến bộ của thủ đô Hà Nội nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Từ Hùng Vương, đến Thục Phán, Hai Bà Trưng, Lý Công Uẩn, đến Lê Lợi và đến Hồ Chí Minh…. Người GV lịch sử chỉ có thể giúp HS tạo biểu tượng tốt nhất, trung thực nhất về những con người, những sự kiện lịch sử tiêu biểu đó trong không gian, bối cảnh di tích chân thực. Từ đó, giúp HS hiểu sâu sắc cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá của đất nước và tác động tới việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại.
Đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội Việt Nam phong kiến với nền kinh tế tiểu nông phản ánh rõ nét lên các DTLSQGĐB tại Hà Nội. Mỗi di tích lịch sử còn ghi dấu lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo của cộng đồng nơi có di tích đồng thời phản ánh kết quả của quá trình tiếp biến có chọn lọc các yếu tố văn hóa từ bên ngoài để tạo nên những giá trị văn hóa nội sinh. Ngoài ra, DTLSQGĐB tại Hà Nội còn cho thấy những đặc điểm khác như bản sắc người Hà Nội, phong cách phương Đông, tâm hồn và lối sống Việt Nam.
- Tính điển hình
Các DTLSQGĐB tại Hà Nội đều nằm rài rác trên các địa bàn thuộc nội và ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Mỗi DT không chỉ có giá trị của riêng địa phương Hà Nội, mà mang tính tiêu biểu của quốc gia dân tộc. Tất cả các DTLSQGĐB tại Hà Nội đều phản ánh những sự kiện, hiện tượng, nhân vật tiêu biểu của lịch sử dân tộc qua các thời kì của lịch sử. Vì vậy, nó mang điển hình.
Các DTLSQGĐB tại Hà Nội là một bức tranh phản chiếu chân thực những dấu mốc trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa – nơi lưu giữ dấu ấn thời kì hình thành và phát triển đầu