Việc vận dụng đúng và linh hoạt các bước xử lý sở hữu chéo theo lộ trình nêu trên sẽ từng bước hạn chế những tác động tiêu cực của sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do đó, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp kinh tế với việc điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật mới thực sự mang lại hiệu quả. Quan điểm xử lý sở hữu chéo của NHNN phải thật thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD với giải pháp xử lý phải toàn diện, bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể.
3.2.2. Tiến hành rà soát các tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để có cơ sở đưa ra giải pháp khống chế tỷ lệ sở hữu chéo
Biện pháp này nhằm kiểm soát vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng nhà nước cần thành lập cơ quan chuyên thanh tra, giám sát hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống nhằm nắm bắt được tình hình sở hữu hiện tại. Do hiện nay chưa có một văn bản chính thức quy định cụ thể, đầy đủ về vấn đề sở hữu chéo nên việc xác định các tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các TCTD như một bước đi đầu tiên cần phải thực hiện. Trước hết, cần rà soát, đối chiếu các tỷ lệ sở hữu hiện hành với các quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010. Cụ thể:
- Rà soát về vấn đề sở hữu lẫn nhau của các TCTD: Khoản 5 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:
TCTD không được góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó”. Hàm ý của quy định này nhằm: (i) không cho phép các TCTD sở hữu trực tiếp lẫn nhau, (ii) không cho phép các TCTD góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã là cổ đông của TCTD [15, Điều 129].
Trong cả hai trường hợp này, vì NHNN chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể theo khoản 5 điều 161 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 đối với các mối quan hệ sở hữu trước thời điểm ban hành nên khi tiến hành rà soát khả năng xuất hiện các mối
quan hệ vi phạm quy định này sẽ cao. Trong trường hợp này, NHNN cần hướng dẫn một trong hai TCTD thoái vốn khỏi TCTD còn lại bằng các biện pháp như chuyển nhượng cho bên thứ ba hoặc TCTD bị thoái vốn mua lại cổ phần của chính TCTD đó từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ. Yêu cầu của NHNN cần dựa trên khả năng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn của TCTD [15, Điều 161].
- Rà soát các tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông cá nhân và cổ đông tổ chức tại các tổ chức tín dụng. Theo Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của TCTD, một cổ đông tổ chức không sở hữu quá 15% và các cổ đông có liên quan không được sở hữu quá 20%. Đối với các cổ đông là thành viên hoặc có người đại diện trong hội đồng quản trị, hoặc tổng giám đốc, ban kiểm soát, Điều 56 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định họ phải nắm giữ cổ phần của TCTD trong thời gian đảm nhiệm chức vụ. Trong tình huống này, NHNN cần yêu cầu các cổ đông giảm bớt tỷ lệ sở hữu của họ xuống mức cho phép thông qua:
(i) nhượng bán lại cổ phần cho các thành viên khác trong hội đồng quản trị đang có sở hữu cổ phần ít hơn mức quy định; hoặc (ii) nhượng bán cho các cổ đông khác của TCTD; hoặc (iii) chuyển nhượng cho cổ đông nước ngoài nếu TCTD đó đang có cổ đông tổ chức nước ngoài nắm cổ phần [15, Điều 55].
Đối với trường hợp, cổ đông cá nhân tuy chỉ sở hữu một lượng cổ phần tuân thủ Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 nhưng nếu tính cả các bên liên quan của họ như vợ/chồng, gia đình của vợ/chồng có thể sẽ làm cho tỷ lệ sở hữu cao hơn mức quy định. Trong Luật hiện nay chỉ quy định cổ đông và các bên liên quan bao gồm gia quyến của chính cổ đông đó mà chưa bao gồm gia quyến của gia đình vợ/chồng của cổ đông đó. Do đó, NHNN cần mở rộng đối tượng về các bên liên quan trong Luật các các tổ chức tín dụng 2010.
Có thể bạn quan tâm!
- Cấu Trúc Sở Hữu Các Doanh Nghiệp Tại Đức Tính Theo Khối Lượng Cổ Phiếu Lớn (Có Quyền Biểu Quyết Lớn)
- Quan Hệ Sở Hữu Chéo Tại Các Ngân Hàng Liên Doanh
- Một Số Định Hướng Hoàn Thiện Pháp Luật Về Sở Hữu Chéo Trong Lĩnh Vực Ngân Hàng Ở Việt Nam
- Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng theo pháp luật Việt Nam hiện nay - 13
- Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng theo pháp luật Việt Nam hiện nay - 14
Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.
- Rà soát các cổ đông cá nhân, cổ đông là tổ chức đang có sở hữu tại các TCTD hiện đang có dư nợ tại chính các TCTD đó và các TCTD khác. Một trong những hậu quả của sở hữu chéo là việc người cho vay và người đi vay là một. Tức
là các TCTD huy động vốn rồi cho chính các cổ đông của họ vay tiền để thực hiện các dự án phục vụ lợi ích cá nhân. Do đó, việc kiểm tra, rà soát vấn đề các cổ đông vừa có sở hữu tại các TCTD vừa có dư nợ tại các TCTD là điều cần thiết. Cụ thể, trong ngắn hạn, cơ quan thanh tra cần thực hiện rà soát tính tuân thủ đối với những điều khoản hạn chế cấp tín dụng của các TCTD trong Điều 126, 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010. Trong dài hạn, cần có sự tách bạch giữa Hội đồng quản trị và bộ phận điều hành của TCTD nhằm hạn chế trường hợp vừa huy động tiền gửi vừa cho vay chính các cổ đông của các TCTD.
- Rà soát mối quan hệ sở hữu giữa các công ty con, công ty liên kết của TCTD (TCTD đóng vai trò là công ty kiểm soát đối với hai công ty trên). Việc chính các công ty con và công ty liên kết của cùng một TCTD kiểm soát sở hữu lẫn nhau tạo điều kiện cho vốn chạy lòng vòng giữa các tổ chức, qua đó, khó kiểm soát và lượng vốn có thể chạy ra bên ngoài vào các dự án phục vụ lợi ích cá nhân. Căn cứ vào Điều 135 Luật các tổ chức tín dụng 2010, cơ quan thanh tra cần xác định rõ có sự vi phạm trong việc thực hiện quy định này hay không.
3.2.3. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các quy định về kế toán, an toàn trong lĩnh vực ngân hàng đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế
Một trong các giải pháp bao gồm việc nghiên cứu, ban hành các chuẩn mực kế toán quốc tế cho thị trường vốn, trong đó có cả chuẩn mực về xác định giá trị hợp lý của các tài sản tài chính và các chuẩn mực về trình bày, thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu các chuẩn mực này được ban hành, thông tin về tình hình sở hữu chéo của các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn chuẩn mực nào để ban hành, mức độ áp dụng như thế nào thì cần phải được cân nhắc kỹ, bảo đảm thực hiện theo một lộ trình hợp lý, không gây sốc cho các ngân hàng. Đồng thời, để loại trừ tính nhiễu của sở hữu chéo trong vốn tự có như đã đề cập ở trên, khoản đầu tư của TCTD này vào TCTD khác phải được xác định rõ và loại trừ khỏi vốn cấp 1 của tổ chức được góp vốn khi tính hệ số an toàn vốn (CAR) của tổ chức này, tránh tình trạng vốn chảy lòng vòng trong hệ thống dẫn tới viêc tăng vốn không thực chất. Đặc biệt, các quy định về phòng chống rửa tiền
cũng phải được thực thi một cách nghiêm túc. Ví dụ, các cổ đông đi vay tiền hoặc các nguồn tiền để góp vốn thành lập ngân hàng không minh bạch thì phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ bằng con số tuyệt đối thì việc quy định các tỷ lệ an toàn vốn cũng là một nội dung quan trọng. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì Thông tư 13/2010 đối với việc đảm bảo các hệ số an toàn vốn. Tuy nhiên, thông tư này cần sửa đổi và dần hướng theo tiêu chuẩn vốn quốc tế như quy định trong Basel III. Các nội dung về đánh giá tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II đã bộc lộ nhiều bất cập như đánh giá không chính xác mức độ rủi ro của các TCTD khi nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái. Do đó, việc nghiên cứu, cập nhật và ứng dụng theo tiêu chuẩn Basel III là việc cần được thực hiện sớm.
Ngoài ra, công tác giám sát an toàn vốn cũng là một nội dung quan trọng trong bộ khung về quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm ngăn chặn những rủi ro từ việc không đảm bảo các quy định về vốn của các ngân hàng. Theo đó, cơ quan giám sát có trách nhiệm phân chia ngân hàng thành các nhóm như thừa tiêu chuẩn về vốn, đủ tiêu chuẩn về vốn, chưa đủ tiêu chuẩn về vốn và chưa đủ tiêu chuẩn về vốn một cách trầm trọng. Đối với những ngân hàng chưa đủ tiêu chuẩn về vốn, cần có biện pháp yêu cầu các ngân hàng này lập kế hoạch để cải thiện tiêu chuẩn vốn, đối với các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng không đáp ứng được tiêu chuẩn vốn nghiêm trọng, chính phủ mà đại diện ở đây chính là NHNN cần cân nhắc đến việc đóng cửa tổ chức đó nhằm tạo tín hiệu cảnh báo các tổ chức khác.
3.2.4. Bổ sung quy định người có liên quan, người sở hữu cuối cùng và hoàn thiện các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần
Theo Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD; Cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5%, tổ chức không quá 15% vốn điều lệ của TCTD; Các tỷ lệ sở hữu trên bao gồm cả phần vốn ủy thác cho các tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về người có liên quan của cổ đông chưa bao trùm hết, dù có mở rộng đối tượng phải công bố thông tin sở hữu thì sự nhập nhằng trong các mối quan hệ liên quan vẫn tạo cơ hội cho sở hữu
chéo được che giấu, không xác định được ai là người sở hữu cuối cùng. Thông qua những pháp nhân và thể nhân khác nhau, một cá nhân có thể sở hữu vượt những quy định trên. Do vậy để khắc phục khó khăn trong quản lý, giám sát sở hữu, đầu tư chéo, cần hoàn thiện quy định hiện hành về xác định rõ "người liên quan", bổ sung quy định về "người sở hữu cuối cùng" và trao cho các Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng quyền xác định “người sở hữu cuối cùng” dựa trên kết quả thanh tra hồ sơ của những đối tượng góp vốn, mua cổ phần vào TCTD nhằm xác định được nguồn lực tài chính của các cổ đông theo các nguyên tắc luật định. Việc này sẽ giúp xác định được đâu là người sở hữu cuối cùng của những cổ phần đó. Khi đã xác định được mối quan hệ sở hữu chéo, NHNN cần thanh tra, giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của cổ đông tại các TCTD nhằm ngăn chặn và phát hiện các sai phạm về hạn chế cho vay, đồng thời NHNN cần phối hợp với Ủy ban chứng khoán theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán. Từ đó, xây dựng cơ chế pháp lý kết hợp với các giải pháp về tài chính để quản lý và hạn chế những tác động tiêu cực của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra qui định hạn chế tỷ lệ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau cũng như yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các tổ chức tài chính, tín dụng nhưng dường như NHNN vẫn chưa động chạm gì được nhiều đến mối quan hệ giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế, một cá nhân hoặc một doanh nghiệp có thể có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thông qua các công ty con của mình. Do vậy, việc khống chế tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính tín dụng bởi cá nhân cũng như doanh nghiệp cần phải tính đến cả những sở hữu gián tiếp này. NHNN cần rà soát kỹ lưỡng hơn để đảm bảo giới hạn về tỷ lệ sở hữu theo Ðiều 55 của Luật các TCTD. Theo đó, cần bổ sung quy định mỗi cá nhân không được dùng những người được ủy quyền để mua hay khống chế cổ phần tại ngân hàng và một người đã là nhân viên hoặc thuộc ban quản lý của ngân hàng này, thì không được đóng vai trò ở một ngân hàng khác vì như vậy sẽ tạo ra mâu thuẫn trong lợi ích cá nhân. Nếu điều này có xảy ra, cũng phải được tiến hành minh bạch và được giám
sát chặt chẽ. Đặc biệt, cần nghiêm cấm việc các công ty và tập đoàn kinh tế đầu tư hoặc sở hữu ngân hàng, rồi lại dùng ngân hàng đó để đầu tư vốn cho các dự án của mình không qua giám định hiệu quả kinh doanh.
3.2.5. Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong nội bộ của các ngân hàng thương mại
Các quy định pháp luật phải được xây dựng trên tinh thần yêu cầu ban kiểm soát phải thực sự độc lập với Hội đồng quản trị và có quyền phủ quyết các quyết định có ảnh hưởng tiêu cực hoặc rủi ro cao đối với quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ; phải can thiệp, ngăn chặn, phát hiện, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp Hội đồng quản trị có những quyết định trái pháp luật. Bên cạnh đó, vai trò của thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị phải thực sự độc lập, có tiếng nói, ngăn chặn, thể hiện quan điểm của mình trong trường hợp những quyết định của Hội đồng quản trị gây bất lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ hoặc phục vụ cho lợi ích nhóm. Đồng thời, cần tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, theo đó không cho phép thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng kiêm nhiệm chức vụ trong ban điều hành. Trên thực tế, tại Việt Nam, theo khoản 1, điều 48, luật Các tổ chức tín dụng cho phép Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty cổ phần, công ty TNHH được quyền bổ nhiệm một trong số các thành viên của mình làm Tổng giám đốc/Giám đốc. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này có thể dẫn đến việc xung đột về lợi ích khi Tổng giám đốc (là một trong những chủ sở hữu) đưa ra những quyết định phục vụ cho một nhóm lợi ích mà không quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ.
Đối với các quy định về thành phần của ban quản trị và ban điều hành, NHNN cần quy định số lượng thành viên ban quản trị của NHTM trong trường hợp điều lệ của của NHTM không có quy định. Theo thông lệ quốc tế, ban quản trị phải có tối thiểu 5 thành viên và tối đa 11 thành viên; đồng thời, phải có xấp xỉ 1/3 số thành viên là các thành viên độc lập và không thuộc ban điều hành của ngân hàng (IFC, 2011). Sau cuộc khủng hoảng 1997, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc đã buộc các công ty muốn niêm yết phải có tối thiểu là 1/4 thành viên của ban quản trị
là các thành viên độc lập từ bên ngoài. Thành viên độc lập phải có những tiêu chí khắt khe như là cá nhân không đang làm việc cho ngân hàng, hoặc công ty trực thuộc ngân hàng, hoặc đã làm việc cho ngân hàng hoặc công ty trực thuộc ngân hàng trong một thời gian nhất định; không có mối quan hệ với những người có liên quan mà người đó sở hữu một lượng cổ phần nhất định của ngân hàng… Các thành viên độc lập có vai trò đưa ra các quyết định có tính khách quan và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ đông nhỏ lẻ do các cổ đông lớn, cổ đông có quyền kiểm soát NHTM thông qua sở hữu chéo gây ra.
Hơn nữa, cần xác định rõ một pháp nhân không thể là thành viên ban quản trị cho dù một cá nhân đại diện cho pháp nhân đó có thể được bầu vào ban quản trị. Như vậy, cá nhân được bầu vào ban quản trị của NHTM chỉ có thể hành động với tư cách là một thành viên ban quản trị chứ không phải với tư cách là đại diện của pháp nhân, tức là cá nhân đó phải hành động vì lợi ích của tất cả các cổ đông chứ không phải chỉ vì riêng lợi ích của pháp nhân được cá nhân đó đại diện.
Tương tự, NHNN cũng cần có quy định về ban điều hành của NHTM nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo có thể xảy ra như tổng giám đốc/giám đốc không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc) của một doanh nghiệp khác. Theo thông lệ quốc tế, tổng giám đốc (giám đốc) không nên tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào ngoài những việc liên quan tới vai trò quản lý, điều hành doanh nghiệp và việc quản trị các công ty con của ngân hàng.
3.2.6. Bổ sung thêm các chế tài theo hướng xử lý hình sự để xử lý các hành vi vi phạm các quy định liên quan đến sở hữu chéo
Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có chức năng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật cần xây dựng các quy định mang tính cụ thể để cấm hiện tượng tình trạng đầu tư “lòng vòng” giữa các ngân hàng với nhau (theo kiểu ngân hàng A đầu tư vào ngân hàng B, ngân hàng B đầu tư vào ngân hàng C và ngân hàng C lại quay lại đầu tư vào ngân hàng A), nghiêm cấm các hành vi lợi dụng sở hữu chéo để vượt qua các quy định về tỷ lệ sở hữu, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; các quy định về hạn chế cho vay, giới hạn tín dụng cũng như phân loại, trích lập dự
phòng rủi ro...Các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên giám sát, yêu cầu các TCTD tuân thủ nghiêm Điều 55 của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 về quy định giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân, cổ đông pháp nhân và những người có liên quan, bao gồm cả phần cổ phần ủy thác cho cá nhân, tổ chức khác đứng tên. Với những sai phạm bị phát hiện, cần có cơ chế xử phạt thật nghiêm bao gồm nâng các mức phạt hành chính thậm chí các cá nhân và người đứng đầu tổ chức phải bị xử lý theo luật hình sự nhằm gia tăng mức độ răn đe đối với các TCTD khác. Do đó, cần bổ sung các chế tài theo hướng hình sự vào Bộ luật hình sự đối với nhóm tội phạm liên quan đến sở hữu chéo.
Ngoài ra, một yêu cầu nữa đặt ra trong thực trạng hiện nay là phải ngày càng hoàn thiện luật thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt trong vấn đề kê khai thuế và tăng mạnh cũng như hình sự hóa chế tài phạt các vi phạm trốn thuế thu nhập cá nhân. Thực hiện được điều này sẽ giảm thiểu vấn đề các cá nhân sử dụng tên của người khác hoặc tổ chức khác để từ đó sở hữu và chi phối nhiều ngân hàng. Vì xét cho cùng, các cá nhân đầu tư sẽ phải tìm mọi cách đưa lợi ích về cho mình và với một mức thuế cao đánh chính xác vào những thu nhập “thực” của họ, các cá nhân trên sẽ tự điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích của chính mình, từ đó tạo lợi ích cho toàn thị trường.
3.2.7. Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật đối với hoạt động công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu cổ phần
Yêu cầu về công bố thông tin đối với các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng rất quan trọng bởi vì người gửi tiền không có động lực và không có năng lực để giám sát hoạt động của ngân hàng. Một khi thông tin về rủi ro và chất lượng tài sản của ngân hàng được công bố rộng rãi ra công chúng, người gửi tiền sẽ có thể đánh giá và kiểm tra các ngân hàng, điều này, hạn chế việc các ngân hàng tham gia vào các hoạt động rủi ro. Hơn nữa, chất lượng thông tin được cải thiện sẽ khiến cho các quyết định đầu tư chính xác hơn, giảm thiểu tình trạng thông tin bất cân xứng. Yêu cầu về công bố thông tin cũng được đặc biệt quan tâm trong Basel II khi một trong ba trụ cột tập trung vào việc nâng cao kỷ luật thị trường, yêu cầu các ngân hàng công bố mức độ rủi ro tín dụng, lượng dự trữ và vốn.