Trạng Thái Thanh Khoản Ròng Của Ngân Hàng Thương Mại

định. Ngân hàng bảo đảm khả năng thanh khoản của mình khi dòng tiền vào luôn đủ bù đắp dòng tiền ra ở mọi thời điểm trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, khả năng thanh khoản quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một ngân hàng vì khi ngân hàng đảm bảo thanh khoản là nền tảng để tạo dựng lòng tin trên thị trường. Một ngân hàng có khả năng thanh khoản tốt không chỉ luôn đáp ứng nhu cầu rút tiền đầy đủ cho khách hàng mà phải có một nguồn dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu giải ngân các khoản vay sinh lời của ngân hàng. Tuy nhiên, thanh khoản của ngân hàng phải đánh đổi bằng lợi nhuận vì để duy trì hoặc tăng tính thanh khoản thông thường ngân hàng phải duy trì những tài sản có thanh khoản tốt, là những tài sản không có khả năng sinh lời hoặc sinh lời thấp.

1.1.2.2. Trạng thái thanh khoản ròng của ngân hàng thương mại

Trạng thái thanh khoản ròng (còn gọi là khe hở thanh khoản - Net Liquidity Position, viết tắt là NLP) là chênh lệch giữa tổng cung và tổng cầu thanh khoản tại một thời điểm. Cụ thể:

Trạng thái thanh

khoản ròng (NLP)

=

∑Cung thanh khoản

-

∑Cầu thanh khoản

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

Quản trị thanh khoản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - 5

a. Cung thanh khoản (còn được hiểu là luồng tiền vào của ngân hàng): là số tiền sẵn có hoặc có thể có trong một thời gian ngắn để ngân hàng có thể sử dụng. Cung thanh khoản chính là nguồn để đáp ứng nhu cầu chi trả của ngân hàng. Bao gồm:

- Tiền mặt.

- Tiền gửi tại NHTW và tại TCTD khác.

- Tiền gửi của khách hàng.

- Phát hành giấy tờ có giá.

- Doanh thu từ việc cung ứng dịch vụ.

- Tiền trả nợ vay của khách hàng.

- Tiền thu từ bán chứng khoán.

- Tiền thu từ bán, thanh lý tài sản của NH.

- Tiền vay các TCTD khác hoặc vay NHTW.

Mỗi nguồn cung thanh khoản có những đặc điểm riêng, sự biến động của nó do nhiều yếu tố tác động. Các ngân hàng đều duy trì một lượng tiền mặt và chứng

khoán có tính khoản cao để đảm bảo khả năng chi trả. Tùy từng điều kiện cụ thể ngân hàng có thể duy trì tiền mặt, tiền gửi tại NHTW, chứng khoán thanh khoản cao ở một mức phù hợp vì việc duy trì các nguồn này cao sẽ giảm khả năng sinh lời của ngân hàng. Trong điều kiện kinh doanh ổn định, tiền trả nợ vay và thu từ cung ứng dịch vụ cũng là một nguồn quan trọng, tạo ra dòng tiền ổn định cho việc đáp ứng các nhu cầu chi trả của ngân hàng. Trong điều kiện thiếu khả năng chi trả tạm thời, ngân hàng có thể vay TCTD khác, vay NHTW. Nhìn chung, khi nền kinh tế biến động, hoạt động của ngân hàng trở nên nhạy cảm, các nguồn cung thanh khoản biến động mạnh, khó dự tính. Ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc chi trả nếu cung thanh khoản giảm mạnh.

b. Cầu thanh khoản (còn được hiểu là dòng tiền ra): là số tiền ngân hàng có nhu cầu chi trả ngay lập tức hoặc trong một thời gian ngắn. Cầu thanh khoản chính là các nghĩa vụ chi trả ngân hàng phải đáp ứng. Bao gồm:

- Nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng.

- Trả nợ các khoản vay đến hạn hoặc thanh toán các giấy tờ có giá đến hạn do ngân hàng phát hành trước đây.

- Chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh.

- Trả lãi tiền gửi, tiền vay.

- Thanh toán cổ tức cho các cổ đông.

- Giải ngân các khoản tín dụng mà ngân hàng đã cam kết.

Trong các nhu cầu thanh khoản, cầu mang tính thường xuyên và có thể biến động bất thường do các nguyên nhân khách quan, do tính thời vụ là nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân tín dụng. Trong bất kỳ trường hợp nào, ngân hàng cũng phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng theo thỏa thuận, vì nếu nhu cầu này không được đáp ứng đầy đủ, ngân hàng sẽ giảm/mất uy tín, từ đó gây ra các hệ lụy như hiện tượng rút tiền ồ ạt, mất khả năng thanh khoản, tồi tệ hơn có thể dẫn đến phá sản. Trong điều kiện bình thường, nhu cầu rút tiền gửi ngân hàng có thể ước lượng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, nhu cầu rút tiền có thể tăng đột biến, từ đó có thể gây áp lực thanh khoản cho ngân hàng. Ngoài ra, là một đơn vị với hoạt động chủ yếu là nhận tiền gửi và cho vay, việc giải ngân các khoản tín

dụng cũng là một yêu cầu thường trực, ngân hàng luôn phải đáp ứng tốt để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Các nhu cầu khác như chi tiêu thường xuyên, thanh toán cổ tức… trong chừng mực nhất định ngân hàng có thể điều chỉnh theo điều kiện thực tế, vì vậy áp lực đối với ngân hàng không quá lớn như nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân các khoản cho vay.

Như vậy, NLP có thể xảy ra 3 trường hợp: NLP > 0 (thặng dư thanh khoản); NLP < 0 (thiếu hụt thanh khoản) hoặc NLP = 0. Trong đó, NLP = 0 là trạng thái hiếm gặp. Cả hai trạng thái thặng dư thanh khoản và thiếu hụt thanh khoản đều có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

- Thặng dư thanh khoản (NLP > 0)

Ngân hàng gặp trạng thái thặng dư thanh khoản, có thể do dự trữ thanh khoản quá nhiều hoặc do nhu cầu cho vay, đầu tư bị suy giảm hoặc do ngân hàng tăng vốn quá nhanh trong khi chưa có phương án sử dụng vốn hiệu quả và đều tác động xấu đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cần làm rõ nguyên nhân để khắc phục, tránh tình trạng tỷ trọng tài sản không sinh lời quá lớn làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngân hàng có thể sử dụng nguồn thanh khoản thừa để đầu tư kiếm lời cho đến khi nó được sử dụng để đáp ứng cầu thanh khoản trong tương lai, thông qua các hình thức như: mua các chứng khoán dự trữ thứ cấp đã bán trước đó; cho vay trên thị trường tiền tệ; gửi tiền tại TCTD khác…

- Thiếu hụt thanh khoản (NLP < 0)

Thiếu hụt thanh khoản do cung thanh khoản không đủ để đáp ứng cầu thanh khoản, ngân hàng phải đối mặt với áp lực thanh khoản. Để giải quyết áp lực này, NH có thể sử dụng các biện pháp để tăng cung như thu hút thêm tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá, bán chứng khoán thanh khoản, bán tài sản, hoặc vay TCTD khác, vay NHNN…Nếu thiếu hụt thanh khoản quá lớn, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong đáp ứng cầu thanh khoản như: không tìm được nguồn bù đắp hoặc phải bỏ thêm nhiều chi phí để có nguồn bù đắp. Trường hợp này ngân hàng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, có thể gây thiệt hại nặng nề về tài chính, mất uy tín hoặc phá sản ngân hàng.

Nhìn chung, thanh khoản mang tính thời điểm rất lớn, do đó hiếm khi cung và cầu thanh khoản cân bằng tại một thời điểm bất kỳ. Điều này có nghĩa, NHTM

phải thường xuyên, liên tục xử lý các trạng thái thiếu hụt và thặng dư thanh khoản. Trong quá trình xử lý đó, luôn chứa đựng sự đánh đổi giữa thanh khoản và khả năng sinh lời của ngân hàng.

1.1.2.3. Rủi ro thanh khoản

a. Khái niệm rủi ro thanh khoản

Theo tác giả Benton E.Gup [64]: “RRTK là rủi ro về tổn thất phát sinh từ trạng thái thiếu hụt tiền mặt hoặc tài sản tương đương tiền, hay đặc biệt hơn là rủi ro về tổn thất phát sinh từ trạng thái thiếu khả năng thu xếp được nguồn tài trợ với mức độ hợp lý về chi phí bán hay thu xếp một tài sản với mức giá hợp lý, nhằm trang trải một nghĩa vụ đã được dự định hoặc bất định”.

Theo tác giả Rudolf Duttweiler [40]: “RRTK là rủi ro khi NHTM không có khả năng thanh toán tại một thời điểm nào đó, hoặc phải huy động các nguồn vốn với chi phí cao để đáp ứng nhu cầu thanh toán; hoặc do các nguyên nhân chủ quan khác làm mất khả năng thanh toán của NHTM, theo đó nó sẽ kéo theo những hậu quả không mong muốn”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dờn [31]: “RRTK là loại rủi ro khi ngân hàng không có khả năng cung ứng đầy đủ lượng tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản tức thời; hoặc cung ứng đủ thanh khoản nhưng với chi phí cao hoặc quá cao”.

Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng [35]: “RRTK là loại rủi ro xuất hiện trong trường hợp ngân hàng thiếu khả năng chi trả, không chuyển đổi kịp các loại tài sản ra tiền hoăc không có khả năng vay mượn để đáp ứng yêu cầu của các hợp đồng thanh toán”.

Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hà [33]: “RRTK là tổn thất xảy ra cho ngân hàng khi nhu cầu thanh khoản thực tế vượt quả khả năng thanh khoản dự kiến”.

Có thể thấy, RRTK được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau nhưng đều tập trung ở vấn đề cơ bản là: RRTK xảy ra khi ngân hàng không thể tìm kiếm đủ nguồn tiền để chi trả hoặc tìm kiếm được nhưng mất chi phí cao. Nhìn từ góc độ quản trị NHTM, có thể hiểu: “RRTK phát sinh từ trạng thái mà NHTM không đủ cung thanh khoản để đáp ứng cầu thanh khoản, trạng thái này tác động xấ u đến uy tín, thu nhập và khả năng thanh toán cuối cùng của NHTM”.

Khi trạng thái thanh khoản ròng của ngân hàng bị thiếu hụt (NPL < 0) ngân hàng đối mặt với áp lực thanh khoản. RRTK xuất hiện khi áp lực thanh khoản không thể xử lý hoặc để xử lý ngân hàng bị tổn thất về mặt tài chính. Cũng có thể hiểu RRTK phát sinh gây tổn thất về tài chính do cung thanh khoản không đủ đáp ứng cầu thanh khoản. Về lâu dài, nếu vấn đề thanh khoản không xử lý hiệu quả ngân hàng không chỉ tổn thất tài chính mà còn mất uy tín, mất thị phần, khó duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Vì vậy vấn đề thanh khoản và RRTK của ngân hàng luôn là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý ngân hàng hiện đại.

b. Nguồn gây ra rủi ro thanh khoản

RRTK phát sinh từ bản chất của hoạt động kinh doanh ngân hàng, bao gồm nguồn bên trong và nguồn bên ngoài ngân hàng.

* Nguồn bên trong ngân hàng

- Chiến lược QTTK không phù hợp

Thanh khoản của ngân hàng chịu sự chi phối trực tiếp từ chiến lược QTTK do ngân hàng xây dựng trong từng thời kỳ. Các ngân hàng xây dựng chiến lược QTTK trên nguyên tắc phù hợp với khẩu vị RRTK, vị thế của ngân hàng trên thị trường khi tiếp cận với các nguồn cung thanh khoản để đảm bảo thanh khoản của ngân hàng được quản lý hiệu quả, giảm thiểu các tổn thất về tài chính cho ngân hàng. Vì vậy, chiến lược QTTK sẽ chi phối trực tiếp đến năng lực thanh khoản của ngân hàng. Chiến lược QTTK nếu không phù hợp với bản chất và năng lực kinh doanh của ngân hàng có thể gây nên các hiện tượng như: dự trữ tiền mặt quá ít, khả năng tiếp cận cung thanh khoản trên thị trường tài chính của ngân hàng gặp nhiều trở ngại… đều có thể gây nên RRTK.

- Dự đoán thiếu chính xác về cung, cầu thanh khoản

Ngân hàng chỉ đảm bảo thanh khoản, tránh RRTK khi cung thanh khoản đáp ứng đủ cầu thanh khoản. Vì vậy, nếu ngân hàng đánh giá, dự đoán sai về dòng tiền vào, dòng tiền ra có thể là nguồn gốc gây nên RRTK. Sự đánh giá sai có thể do thiếu thông tin, thiếu năng lực trong ước lượng, dự báo dòng tiền, do quá lạc quan với điều kiện kinh doanh. Ví dụ như các cú sốc của nền kinh tế, các thông tin gây bất lợi cho uy tín của ngân hàng, các yêu cầu rút tiền có tính chất mùa vụ nằm ngoài

phán đoán, dự tính của ngân hàng… có thể tạo nên hiện tượng rút tiền ồ ạt mà ngân hàng không thể đáp ứng được, gây nên RRTK.

- Gia tăng chi phí hoạt động

Để duy trì hoạt động kinh doanh, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động kinh doanh, trả lương cho người lao động, cho nhà quản lý… Trong nhiều trường hợp, chi phí cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị gia tăng (có thể do mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, do nợ xấu tăng cao, do quản lý kinh doanh yếu kém…), đặc biệt là chi phí bằng tiền, đòi hỏi các ngân hàng phải có thêm tiền mặt để trang trải chi phí. Nếu ngân hàng không kiểm soát được việc gia tăng chi phí dẫn đến không đủ tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả sẽ là nguồn gốc gây nên RRTK. Mặt khác, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng có thể kéo theo sự suy giảm lợi nhuận, điều này cũng có thể gây áp lực thanh khoản và RRTK.

- Sự gia tăng rủi ro trong hoạt động kinh doanh của NHTM

Hoạt động kinh doanh của NHTM luôn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn như: RRTD, RRLS, rủi ro hối đoái... Điều này xuất phát từ đặc điểm về đối tượng kinh doanh và về tính hệ thống của NHTM. Khi có rủi ro nào đó phát sinh tại NHTM thì đều có thể là nguồn gốc gây nên RRTK do sự suy giảm uy tín, gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận...của ngân hàng.

* Nguồn bên ngoài ngân hàng

- Biến động bất lợi của môi trường kinh doanh

Ngân hàng luôn hoạt động trong một môi trường kinh doanh nhất định và chiụ sự tác động từ các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh như môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý… Sự suy thoái kinh tế, thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự bất ổn của chính trị, xã hội đều tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế, đến thu nhập, hành vi tiêu dùng, tiết kiệm của người dân. Nếu có sự tác động tiêu cực như gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, của doanh nghiệp, giảm thu nhập của người dân, mất lòng tin của công chúng đối với chính sách nhà nước, giảm kỳ vọng đối với sự tăng trưởng kinh tế… có thể gây nên các hậu quả như gia tăng nợ xấu, giảm quy mô tín dụng,

giảm quy mô tiền gửi, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận thị trường tài chính… những hậu quả này trực tiếp tác động tiêu cực đến cung thanh khoản của ngân hàng, từ đó gây ra RRTK. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nền kinh tế bất ổn, suy thoái có thể làm tăng các khoản vay của Chính Phủ tại các ngân hàng. Điều này cũng có thể gây nên áp lực tài chính với các ngân hàng vì chi phí tài trợ cho khoản cho vay này luôn thấp hơn thị trường. Nếu quy mô cho vay Chính Phủ quá lớn có thể làm thay đổi thành phần danh mục đầu tư tài sản đó của ngân hàng làm RRTK của ngân hàng tăng đáng kể. Sự mất cân bằng tài khoản vãng lai hoặc tài khoản vốn một cách liên tục, tỷ lệ làm phát cao… đều có thể dẫn đến rủi ro tương tự.

- Sự bất ổn của thị trường tài chính

Thị trường tài chính là kênh quan trọng tạo ra cung thanh khoản cho NHTM, thể hiện ở: NHTM bán chứng khoán khi có nhu cầu thanh khoản, đầu tư chứng khoán thanh khoản cao, phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn. Do đó, khi thị trường chứng khoán biến động theo chiều hướng tiêu cực, như thanh khoản thị trường giảm, lòng tin nhà đầu tư giảm, giá chứng khoán giảm... có thể tác động đến NHTM trên 2 khía cạnh: (i) NHTM khó phát hành chứng khoán để huy động vốn,

(ii) bán chứng khoán với giá thấp/ không bán được. Cả 2 khía canh này đều tác động giảm cung thanh khoản của NHTM cả về bên nguồn và bên tài sản, gây khó khăn cho NHTM trong việc việc trả và có thể gây RRTK.

c. Tác động tiêu cực của rủi ro thanh khoản

* Tác động đến NHTM

Khi có RRTK ngân hàng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực:

Thứ nhất, ngân hàng sẽ chịu tổn thất về tài chính: làm tăng chi phí hoạt động (do vay vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao hoặc tăng lãi suất huy động vốn) hoặc làm giảm thu nhập (do bán tài sản để bù đắp thanh khoản) và có thể ngân hàng sẽ thua lỗ.

Thứ hai, vốn tự có là tấm đệm phòng ngừa rủi ro. Do đó, khi RRTK tăng thì ngân hàng có thể phải tăng vốn để bù đắp rủi ro, gây nên áp lực tăng vốn tự có của ngân hàng.

Thứ ba, RRTK xảy ra và ngân hàng thua lỗ trong hoạt động kinh doanh luôn có ảnh hưởng bất lợi đến uy tín, khả năng cạnh tranh của ngân hàng và niềm tin của công chúng.

Thứ tư, RRTK có thể làm giảm khả năng mở rộng quy mô kinh doanh. Vì khi NHTM có RRTK tăng, để giảm tác động tiêu cực, NHTW thường tăng cường giám sát, kiểm soát/ thu hẹp phạm vi hoạt động kinh doanh của NHTM.

Thứ năm, các tác động tiêu cực đã nêu ở trên đều có thể dẫn đến việc đổ bể tài chính hoặc phá sản của ngân hàng. Như vậy, RRTK làm tăng nguy cơ phá sản của ngân hàng.

* Tác động đến nền kinh tế

RRTK tác động tiêu cực đến nền kinh tế trên các phương diện:

Thứ nhất, RRTK có thể gây rối loạn thị trường tài chính. Vì để có nguồn cung thanh khoản, các NHTM có thể tăng lãi suất, huy động vốn bằng mọi giá gây rối loạn thị trường, cạnh tranh thiếu lành mạnh và mất lòng tin của công chúng vào thị trường.

Thứ hai, RRTK có thể gây ra những bất ổn đối với hệ thống tài chính ngân hàng. Nếu một hoặc một số NHTM lớn mất thanh khoản, phá sản có thể tạo ra sự nghi ngờ của công chúng về sự ổn định và khả năng thanh toán của cả hệ thống ngân hàng gây tác động xấu đến tình hình tài chính của các ngân hàng khác, kéo theo phản ứng dây truyền có thể dẫn tới sự suy thoái, sụp đổ hệ thống tài chính ngân hàng của một quốc gia.

Thứ ba, RRTK có thể làm tăng chi tiêu Ngân sách Nhà nước: để giảm tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính ngân hàng, Nhà nước thường có sự trợ giúp về tài chính đối với các NHTM có thanh khoản yếu kém, đặc biệt là các NHTM lớn như bơm vốn để tăng vốn tự có, giảm nghĩa vụ với ngân sách, mua lại…

Thứ tư, RRTK có thể tác động tiêu cực đến an sinh xã hội: do lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất tín dụng cũng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gây nên tình trạng giảm thu nhập của người lao động hoặc gia tăng thất nghiệp, giá cả tăng (lạm phát tăng) ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

1.2. Quản trị thanh khoản của ngân hàng thương mại

1.2.1. Khái niệm quản trị thanh khoản

Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng [35]: “QTTK là việc quản lý có hiệu quả cấu trúc tính thanh khoản (tính lỏng) của tài sản và cấu trúc danh mục của nguồn vốn”.

Xem tất cả 206 trang.

Ngày đăng: 24/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí