Thứ hai: Cơ chế, chính sách tín dụng tại Agribank được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản trị RRTD trong toàn hệ thống. Đặc biệt các chính sách liên quan đến phân loại nợ, xử lý RRTD đã kịp thời ban hành trên cơ sở qui định của NHNN, đảm bảo việc tiến hành phân loại nợ, trích dự phòng RRTD và xử lý RRTD được thực hiện theo đúng qui định của NHNN và tiếp cận dần với chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ (phân loại nợ theo phương pháp định tính, căn cứ vào kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ).
Thứ ba: Bộ máy quản trị RRTD tại Agribank đã thiết lập được các chức năng quản trị RRTD: tại TSC đã thiết lập được chức năng kinh doanh, chức năng quản lý RRTD, chức năng KT-KSNB và chức năng KToNB. Trong đó mạng lưới KT-KSNB từ TSC đến Chi nhánh loại 1, loại 2 hoạt động độc lập theo sự điều hành từ TSC. Hệ thống cũng đã phân định được bộ phận chuyên nghiên cứu và ứng phó với RRTD. Vì vậy công tác nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phòng ngừa và xử lý rủi ro đã được chuyên biệt hóa, hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ tư: Việc nhận diện, đo lường, kiểm soát và giám sát RRTD tại Agribank đã được thực hiện đối với từng khoản tín dụng và danh mục tín dụng. Mỗi giai đoạn của quá trình quản trị RRTD được chuẩn hóa thông qua hệ thống các điều kiện, giới hạn, qui trình và thủ tục quản trị RRTD thống nhất trong toàn hệ thống. Nhận diện RRTD tại Agribank được thực hiện thường xuyên trên cơ sở tiến hành ngay khi tiếp nhận nhu cầu tín dụng và thực hiện thường xuyên đối với các khoản nợ chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đã giúp Agribank nhận diện và hiểu rõ hơn RRTD.
Thứ năm: Agribank đã xây dựng được hệ thống XHTDNB với các bộ chỉ tiêu chấm điểm riêng cho 3 nhóm khách hàng: các nhân/hộ, Doanh nghiệp và định chế tài chính. Về nội dung và phương pháp, hệ thống đã tiếp cận được với
thông lệ quốc tế: bộ tiêu chí chấm điểm đã chi tiết hóa theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, qui mô vốn và loại hình sở hữu doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đã tính đến các yếu tố tài chính và phi tài chính, trong đó tầm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ được phân biệt theo trọng số khi tính điểm; Số lượng hạng khách hàng và sự phận biệt giữa các hạng về cơ bản phù hợp với các phân hạng của các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế có uy tín như: Moody’s, S&P’s, Fitch’s…. Trước mắt hệ thống chấm điểm và xếp hạng đã hỗ trợ kịp thời cho toàn hệ thống Agribank xác định và đánh giá RRTD, áp dụng phân loại nợ theo phương pháp định tính, khắc phục những hạn chế của việc đánh giá RRTD dựa vào chỉ tiêu định lượng.
Thứ sáu: Đối với danh mục tín dụng, việc nhận diện, đánh giá và kiểm soát tại Agribank được thực hiện thông qua đánh giá mức độ tập trung tín dụng theo nhiều tiêu thức đã phần nào giúp Agribank hạn chế mức độ tập trung tín dụng, từ đó giảm bớt rủi ro toàn danh mục.
2.3.1.2 Hạn chế
Công tác quản trị RRTD đã đã được cải thiện đáng kể qua từng năm. Tuy nhiên xét một cách tổng thể, hệ thống quản trị RRTD tại Agribank còn nhiều hạn chế. Cụ thể:
Có thể bạn quan tâm!
- Bộ Máy Quản Trị Rrtd Tại Trụ Sở Chính Của Agribank
- Phân Loại Nợ Theo Tiêu Thức Định Tính Tại Agribank
- Tình Hình Xử Lý Nợ Xấu Từ Tsbđ Và Dự Phòng Rrtd (Đơn Vị: Tỷ Đồng)
- Định Hướng Triển Khai Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Theo Basel 2 Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam
- Định Hướng Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Theo Hiệp Ước Basel 2 Tại Agribank
- Đề Xuất Mô Hình Tổ Chức Bộ Máy Quản Trị Rrtd Tại Agribank Tổng Giám Đốc: Chịu Sự Chỉ Đạo, Điều Hành Trực Tiếp Từ Hđtv Trong
Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.
Thứ nhất: Tổ chức bộ máy quản trị RRTD tại Agribank chưa đảm bảo sự phân tách các chức năng quản trị RRTD: Tại TSC, các Ban tín dụng vừa thực hiện chức năng kinh doanh (nghiên cứu phát triển thị trường tín dụng), vừa thực hiện chức năng quản lý RRTD (thiết lập chiến lược, khẩu vị và chính sách RRTD). Tại các Chi nhánh loại 1, loại 2 CBTD vừa ra quyết định cấp tín dụng vừa quản lý rủi ro và chưa thiết lập chức năng KToNB. Tại các Chi nhánh loại 3, CBTD kiêm nhiệm kinh doanh và quản lý RRTD, chưa thiết lập chức năng KT-KSNB và KtoNB. Xét trên toàn hệ thống, chức năng bán hàng, quản lý RRTD và KToNB chưa đảm bảo tính độc lập (kiểm toán nội bộ chỉ có
ở TSC, không thiết lập tại các Chi nhánh), KT-KSNB chưa được đặt đúng vai trò trong hệ thống quản trị RRTD. Mô hình này dẫn đến việc quản trị RRTD thiếu sự đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Sự phân tách trách nhiệm chưa rõ ràng dẫn đến xung đột lợi ích giữa các bộ phận. Bên cạnh đó kỹ năng quản lý RRTD còn hạn chế, các chức năng hỗ trợ tín dụng chưa được chú trọng nên việc nhận diện, đánh giá, xử lý RRTD còn nhiều bất cập, dễ xảy ra các hiện tượng sai phạm, gian lận trong hoạt động tín dụng và quản lý RRTD từ đó làm phát sinh và nguy cơ gia tăng RRTD.
Thứ hai: Việc nhận diện RRTD của từng khoản tín dụng và danh mục tín dụng tại Agribank còn nặng tính chủ quan của CBTD, thiếu thông tin và các công cụ hỗ trợ để đảm bảo việc nhận diện RRTD chính xác.
Thứ ba: Tại Agribank, đo lường rủi ro từng khoản tín dụng riêng lẻ chưa lượng hóa được khả năng không trả nợ của khách hàng và tổn thất. Vì vậy việc xác định vốn bù đắp cho RRTD, dự phòng RRTD còn thiếu cơ sở khoa học và độ tin cậy. Điều này dẫn tới hậu quả là Agribank không đủ nguồn bù đắp cho tổn thất tín dụng khi có phát sinh RRTD. Việc đo lường rủi ro danh mục tín dụng chỉ mới dừng lại ở việc đánh giá mức độ tập trung tín dụng nên nặng tính chủ quan, thiếu chính xác.
Thứ tư: Kiểm soát RRTD tại Agribank còn kém hiệu quả: đặc biệt tại các Chi nhánh vẫn còn tình trạng phê duyệt cho những khoản vay có RRTD vượt quá mức cho phép của ngân hàng, hậu quả là phát sinh rủi ro và tổn thất tín dụng. Các kỹ thuật giảm rủi ro còn nghèo nàn, sử dụng kém hiệu quả, chưa đánh giá đúng tác dụng giảm rủi ro. Việc xử lý RRTD còn chậm, thụ động, các quyết định xử lý RRTD chưa quan tâm một cách thích đáng đến đặc thù của khoản vay và rủi ro của khoản vay. Vì vậy, vẫn còn tình trạng không xử lý triệt để RRTD đối với từng khoản nợ có vấn đề, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý gây mất thời gian, chi phí, thậm chí còn để lại nguy cơ RRTD và tổn
thất cho ngân hàng: các khoản nợ được cơ cấu lại chưa phải là những khoản nợ có khả năng phục hồi khả năng trả nợ cao, nợ xử lý bằng dự phòng còn hạn chế, các biện pháp bán nợ chưa chuyển giao hoàn toàn RRTD cho bên mua…
Thứ năm: Giám sát RRTD tại Agribank kém hiệu quả do chưa có phân tách chức năng giữa bộ phận giao dịch, bộ phận thẩm định và đánh giá lại tín dụng trong khi hiệu quả giám sát của bộ phận KT-KSNB còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát của NCS tại một số Chi nhánh của Agribank, đánh giá lại tín dụng tại các Chi nhánh được giao cho CBTD phụ trách khoản vay từ khi tiếp nhận nhu cầu tín dụng (phụ lục 2.2). KT-KSNB chỉ tập trung vào giám sát tuân thủ qui chế nội bộ và Hạn mức tín dụng, khả năng phát hiện và cảnh báo rủi ro gần như chưa được thực hiện.
Thứ sáu: Hệ thống thông tin quản lý của Agribank còn bất cập: Agribank chưa tận dụng được hết lợi thế về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát khách hàng. Trong một số trường hợp đã ảnh hưởng xấu đến quản trị RRTD khi chưa khai thác hết lợi ích của hệ thống IPCAS trong việc chiết xuất các dữ liệu hàng ngày để phân tích, đánh giá RRTD thường xuyên, liên tục mà thường đánh giá theo định kỳ hàng tháng/quí.
Thứ bảy: Năng lực tài chính của Agribank còn hạn chế: Hiện tại hệ số CAR của Agribank đã đạt 9% theo qui định hiện hành của NHNN. Tuy nhiên, so với mức bình quân toàn ngành và Khối NHTMNN hệ số CAR của Agribank còn thấp. Bên cạnh đó do tập trung nguồn lực cho xử lý nợ xấu nên tỷ suất sinh lời của Agribank những năm gần đây suy giảm, còn thấp so với khối NHTMNN.
2.3.1.3 Nguyên nhân các hạn chế
a. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất: Khung pháp lý qui định về quản trị RRTD cho NHTM tại Việt nam còn nhiều bất cập, gây trở ngại cho công tác quản trị RRTD tại các NHTM Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng. Một số văn bản gần đây đã được sửa đổi, bổ sung song để thực hiện cần có các hướng dẫn cụ thể hơn (qui định bán nợ cho VAMC, qui định đảm bảo an toàn…). Hiện nay còn thiếu các văn bản hướng dẫn liên quan đến xây dựng và vận hành hệ thống XHTDNB, cảnh báo RRTD, vẫn còn hiện tượng cùng một khách hàng nhưng xếp hạng rất khác nhau, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống NHTM.
Thứ hai: Hệ thống giám sát rủi ro bên ngoài ngân hàng bao gồm cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, ủy ban giám sát tài chính quốc gia, các tổ chức kiểm toán… hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được các yêu cầu về giám sát và kiểm soát RRTD tại NHTM. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu để giám sát từ xa và thanh tra trên cơ sở rủi ro hiệu quả, việc giám sát chủ yếu dừng lại ở giám sát tuân thủ. Trong khi đó, việc thu thập thông tin trong quá trình thanh tra, giám sát các NHTM chưa được quản lý bằng một hệ thống thông tin xuyên suốt, do đó việc tổng hợp dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi không kịp thời. Công tác kiểm soát rủi ro của Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia chỉ mới dừng lại ở một số nghiên cứu và dự báo chung đối với thị trường tài chính. Các đơn vị kiểm toán hiện nay chủ yếu thực hiện theo chỉ định hoặc lựa chọn của Agribank với mục đích chủ yếu là kiểm toán tuân thủ các báo cáo tài chính của Agribank, khả năng đánh giá, kiểm soát, dự báo rủi ro còn thấp.
Thứ ba: Thiếu các tổ chức xếp hạng tín dụng độc lập. Thực tế cho thấy, hoạt động của các tổ chức xếp hạng độc lập sẽ tác động tích cực đến chất lượng XHTDNB của các NHTM. Với kinh nghiệm và chất lượng xếp hạng của các
tổ chức độc lập đã được thừa nhận, hệ thống chỉ tiêu và kết quả xếp hạng độc lập là cơ sở quan trọng để các NHTM thực hiện XHTDNB cũng như có các điều chỉnh cách thức, nội dung, phương pháp xếp hạng đảm bảo tính chính xác. Do đó, việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng độc lập sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng XHTDNB của các NHTM.
Thứ tư: NHNN chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm RRTD cho các NHTM để hỗ trợ việc nhận diện, xác định sớm RRTD.
b. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất: Hệ thống thông tin tín dụng hỗ trợ cho việc nhận diện, đo lường, kiểm soát và giám sát RRTD tại Agribank còn yếu cả về chất và lượng. Hiện nay Agribank thiết lập hệ thống thông tin tín dụng theo mô hình vừa tập trung, vừa phân tán. Theo đó tại các Chi nhánh có trung tâm thông tin thực hiện chức năng thu thập, quản lý và sử dụng trong phạm vi chi nhánh. Tại Trung tâm điều hành đặt tại TSC thực hiện quản lý thông tin khách hàng tập trung trong toàn hệ thống. Tại Chi nhánh: CBTD có trách nhiệm thu thập, lưu trữ các thông tin liên quan theo qui định (bao gồm thông tin ban đầu khi thiết lập quan hệ tín dụng và cập nhật định kỳ 3 tháng/lần) gửi về trung tâm thông tin tại Chi nhánh. Trung tâm thông tin tại các chi nhánh có trách nhiệm tập hợp, lưu trữ thông tin khách hàng trong phạm vi chi nhánh và gửi về trung tâm điều hành. Tại Trung tâm điều hành: Thu nhận thông tin từ các trung tâm cơ sở gửi về. Các trung tâm cơ sở phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin tại chi nhánh mình khi chuyển về trung tâm điều hành. Tại trung tâm điều hành quản lý, lưu trữ thông tin của toàn bộ khách hàng trong hệ thống Agribank. Việc sử dụng thông tin thực hiện thông qua việc cấp mã truy cập cho người có thẩm quyền. Theo đó, các bộ phận liên quan tại các chi nhánh có thể khai thác thông tin từ chính trung tâm thông tin của chi nhánh, thông tin tại trung tâm điều hành hoặc có thể trực tiếp trao đổi thông tin với các
trung tâm của các chi nhánh khác trong cùng hệ thống. Như vậy có thể thấy, việc quản lý và sử dụng thông tin được trao quyền cho từng chi nhánh mà không tập trung tại TSC. Do đó, chất lượng thông tin được sử dụng cho quá trình quản trị RRTD phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng quản lý của từng chi nhánh, khả năng kiểm soát chất lượng thông tin từ TSC thấp. Chính đặc điểm này dẫn đến tình trạng việc đánh giá chất lượng thông tin cũng như sử dụng thông tin cho quá trình quản trị RRTD trong toàn hệ thống thiếu sự đồng bộ, thống nhất, tác động không nhỏ đến hiệu quả nhận diện, đo lường, kiểm soát và giám sát RRTD.
Thứ hai: XHTDNB tại Agribank thực hiện phương pháp chuyên gia, kết quả xếp hạng còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của các chuyên gia. Bên cạnh đó công tác xếp hạng hiện nay tại Agribank được thực hiện trực tiếp tại các Chi nhánh nên việc quản lý, kiểm soát kết quả xếp hạng còn thiếu chặt chẽ. Vì vậy việc đo lường, đánh giá RRTD, phân loại nợ còn nhiều bất cập.
Thứ ba: Qui định quyền phán quyết tín dụng trong hệ thống Agribank được trao cho các Chi nhánh quá lớn trong khi hoạt động KT-KSNB còn kém hiệu quả: Hiện nay quyền phán quyết tín dụng cao nhất cho Phòng giao dịch là 2 tỷ, chi nhánh loại 3 là 30 tỷ, chi nhánh loại 1,2 lên đến hàng trăm tỷ. Trong khi đó, KT-KSNB tính độc lập trong xử lý nghiệp vụ chưa cao, trình độ đội ngũ KSNB còn nhiều bất cập, các khâu kiểm soát còn nặng về hình thức, chưa thiết lập KT-KSNB tại Chi nhánh loại 3 nên RRTD phát sinh do sai phạm, gian lận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của CBTD, cán bộ quản lý ngân hàng còn xảy ra khá phổ biến.
Thứ tư: Công nghệ hỗ trợ quản trị RRTD tại Agribank còn hạn chế. Hiện nay, tại Agribank chưa áp dụng các công nghệ hiện đại hỗ trợ cho việc quản trị RRTD. Đặc biệt là công nghệ hỗ trợ phân tích, lượng hóa RRTD và đo lường
vốn. Vì vậy việc nhận diện, đo lường, kiểm soát và giám sát RRTD còn thiếu chính xác, kém hiệu quả.
Thứ năm: Trình độ và nhận thức về quản trị RRTD của CBTD tại Agribank còn nhiều bất cập. So với các NHTM khác trong hệ thống NHTM Việt nam, đội ngũ CBTD khá lớn. Song do mạng lưới hoạt động rộng, các chi nhánh bao phủ đến tận các huyện, xã, vùng sâu, vùng xa…CBTD tại các địa bàn xã, vùng sâu, vùng xa có trình độ chuyên môn thấp, nhận thức về tuân thủ qui chế nội bộ và quản trị RRTD còn nhiều bất cập. Trong khi đó công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho CBTD chưa được chú trọng đúng mức. Theo kết quả khảo sát của NCS, phần lớn việc đào tạo chỉ thực hiện theo hình thức tập trung khi có các qui định mới liên quan đến qui trình nghiệp vụ. Các hình thức đào tạo online, tự đào tạo, kèm cặp chưa trở thành chủ trương trong toàn hệ thống, nếu có chỉ là nhu cầu tự phát của một số cá nhân. Giác ngộ ý thức, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho CBTD chưa thực sự được chú trọng.
Thứ sáu: Việc minh bạch trong quản trị RRTD tại Agribank còn thấp. Nhận diện, đo lường, kiểm soát và giám sát RRTD tại Agribank trong chừng mực nhất định chưa thực sự phản ánh đúng thực trạng RRTD trong toàn hệ thống Agribank. Đặc biệt việc xử lý RRTD còn bị chi phối bởi tư tưởng muốn che dấu nợ xấu, giảm nợ xấu bằng mọi cách. Kết quả là việc xử lý RRTD chưa có cái nhìn dài hạn, chưa phân tích, đánh giá một cách đầy đủ các rủi ro, tác động tiêu cực từ mỗi biện pháp xử lý. Việc xử lý RRTD chưa triệt để, còn để lại nhiều tác động tiêu cực, nguy cơ tái phát sinh RRTD còn cao.
2.3.2 Đánh giá mức độ đáp ứng các chuẩn mực Basel 2 về quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam