Sơ Đồ Các Bộ Phận Của Rủi Ro Tín Dụng Theo Gup (2007)


Luận án đã hệ thống hơn và trình bày đầy đủ lý luận về RRTD và QTRRTD trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng áp lực cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Trên cơ sở phân tích thực trạng, luận án đã chỉ ra những điểm chưa được, cần sửa đổi trong QTRRTD tại NHTMCP Công Thương Việt Nam. Đặc biệt, luận án đã đưa ra các mô hình có thể áp dụng để QTRRTD của NHTM theo tiêu chuẩn của hiệp ước Basel II - các nguyên tắc chung và các luật NH của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng… Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của luận án này là toàn bộ hệ thống của ngân hàng Vietinbank và thời gian nghiên cứu của luận án là trong các năm từ trước năm 2012.

Luận án tiến sĩ kinh tế của tác giả Dương Ngọc Hào (2015) “Giải pháp cơ bản hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam”, đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Luận án nghiên cứu dựa trên thực trạng hoạt động tín dụng và QTRRTD tại các NHTM lớn, điển hình và có tổng quy mô dư nợ chiếm tỷ trọng cao của hệ thống NHTM Việt Nam nói riêng và theo nhóm quy mô ngân hàng nói chung. Luận án đã làm rõ những cơ sở lý luận về RRTD và QTRRTD của các NHTM Việt Nam. Trên cơ sở phân tích thực trạng QTRRTD của các NHTM theo các bước hoạch định, tổ chức thực hiện, giám sát, điều chỉnh sau giám sát, tác giả đã đánh giá những kết quả đạt được tại các NHTM Việt Nam: hầu hết các ngân hàng đã xây dựng chiến lược, chính sách định hướng cho công tác QTRRTD; mô hình tổ chức theo hướng tập trung cho QTRR bước đầu được hình thành; một số NHTM đã xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ (HTXHTDNB). Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu ra những hạn chế trong QTRRTD tại các NHTM Việt Nam hiện nay như chưa có hệ thống đo lường RRTD phù hợp với thông lệ quốc tế; việc thực hiện quy trình tín dụng còn nhiều sai sót dẫn đến tỷ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng vượt mức cho phép… rồi từ đó tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện QTRRTD. Hạn chế trong nghiên cứu này là được thực hiện trong điều kiện, thời gian, khả năng nghiên cứu của cá nhân là có hạn, trong khi lĩnh vực QTRRTD rất rộng lớn, phức tạp và liên quan đến nhiều ngân hàng, văn bản pháp luật của Nhà nước, do đó khó có thể bao quát hết từng khía cạnh chi tiết trong


QTRRTD của từng ngân hàng. Để có được một nghiên cứu tổng hợp, logic cho các NHTM trong cả nước đòi hỏi cần phải có một nghiên cứu rộng hơn, sâu hơn và đặc biệt là cần thời gian dài với lực lượng nghiên cứu lớn hơn.

Trong bài nghiên cứu “Tăng cường Quản trị rủi ro tín dụng theo chuẩn mực Basel II nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các Ngân hàng thương mại Việt Nam” các tác giả Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Thu Nga (2017) đã chứng minh rủi ro tín dụng thực sự có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng thông qua hai mô hình đo lường tuyến tính với số liệu của 30 ngân hàng trong 7 năm từ 2009 - 2015. Đồng thời các tác giả cũng đề cập tới một số giải pháp đẩy mạnh quản trị rủi ro tín dụng, tuy nhiên, trong phạm vi bài nghiên cứu, các tác giả chủ yếu đề cập tới yếu tố kiểm soát chi phí dự phòng rủi ro cho vay.

Luận văn của tác giả Lê Minh Trung (2016), “Quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Long An”, đại học Quốc tế Hồng Bàng. Trong đề tài của mình, tác giả đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về RRTD tại NHTM. Tác giả đã nêu được những khái niệm về RRTD, khái niệm về hạn chế RRTD; những chỉ tiêu đánh giá hạn chế RRTD của NHTM. Về các giải pháp thì ngoài các giải pháp cơ bản đã đề cập đến việc xây dựng và áp dụng các công cụ cảnh báo, đo lường RRTD theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế của đề tài là tác giả đi sâu vào quy trình tín dụng và phân tích RRTD, chưa đánh giá chi tiết các nguyên nhân khác tác động đến RRTD như: đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý khách hàng (CBQLKH), chất lượng chuyên môn của cán bộ quản lý khách hàng, sự mất cân đối trong cung cấp thông tin của khách hàng vay.

Mặc dù có khá nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài QTRRTD và hiệu quả QTRRTD, tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chủ yếu đánh giá hiệu quả của công tác QTRRTDBL thông qua các tiêu chí định lượng mà chưa thực sự đi sâu vào các tiêu chí định tính. Đồng thời, hiện nay cũng chưa có công trình nghiên cứu nào về hiệu quả của công tác quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ tại BIDV Chi nhánh Nam Thái Nguyên.


1.2. Lý luận về rủi ro tín dụng bán lẻ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

1.2.1 Khái niệm rủi ro tín dụng bán lẻ

Khái niệm về rủi ro tín dụng:

NHTM là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động kinh doanh tiền tệ, do đó, hoạt động kinh doanh của NHTM luôn tiềm ẩn nhiều loại rủi ro.

Khái niệm “rủi ro” đã được nhiều nhà kinh tế học đề cập tới, mặc dù còn chưa thống nhất về mặt định nghĩa, song tựu chung lại các định nghĩa đều đề cập tới hai đặc điểm cơ bản của rủi ro đó là: sự không chắc chắn và khả năng xảy ra kết quả không mong muốn.

Rủi ro trong hoạt động kinh doanh của NHTM là khả năng xảy ra tổn thất cho ngân hàng. Trong các loại rủi ro của NHTM thì rủi ro tín dụng là hình thức rủi ro phổ biến nhất và gây hậu quả nặng nề nhất vì các khoản tín dụng thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của Ngân hàng và tạo ra thu nhập chính cho ngân hàng. Các khái niệm về RRTD có thể đề cập tới bao gồm:

Hai nhà kinh tế Gestel, Baesens (2009, trang 24) cho rằng “Rủi ro tín dụng là rủi ro mà bên đi vay không trả được và không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ. Nó có thể xảy ra khi đối tác không thể trả hoặc không thể trả đúng thời hạn”.

Theo quan niệm của Ủy ban Basel (1994, trang 10 - 11) thì “Rủi ro tín dụng là khả năng khách hàng vay hoặc bên đối tác của ngân hàng không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận”. Theo khái niệm này thì thì RRTD có phạm vi khá rộng, không chỉ trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng mà trong cả các hoạt động khác như đầu tư, phái sinh mà ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, luận văn chỉ nghiên cứu RRTD trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, vì vậy RRTD có thể hiểu đơn giản là sự vi phạm không hoàn trả nợ từ phía khách hàng vay.

Tại Việt Nam, “Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết” (NHNN, 2013, trang 3).

Khái niệm rủi ro tín dụng bán lẻ:

Trước tiên phải khẳng định rủi ro tín dụng bán lẻ là một phần trong rủi ro tín dụng ngân hàng. Một cách khác có thể hiểu rủi ro tín dụng bán lẻ đơn giản là tổn


thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng (ở đây là khách hàng cá nhân, hộ gia đình, một nhóm người…) không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết.

1.2.2 Phân loại rủi ro tín dụng bán lẻ

Có nhiều cách phân loại RRTDBL tuỳ thuộc vào mục đích nghiên cứu, phân tích.

a) Căn cứ vào tính chất của rủi ro, RRTDBL được phân ra thành rủi ro giao dịch và rủi ro danh mục

- Rủi ro giao dịch: là rủi ro mà nguyên nhân phát sinh là do những hạn chế trong quá trình giao dịch và xét duyệt cho vay, đánh giá khách hàng gây ra. Rủi ro giao dịch có 3 bộ phận: Rủi ro lựa chọn, rủi ro bảo đảm và rủi ro nghiệp vụ.

+ Rủi ro lựa chọn là rủi ro liên quan đến quá trình thẩm định, phân tích tín dụng khi NH lựa chọn những phương án vay vốn có hiệu quả để ra quyết định cho vay.

+ Rủi ro bảo đảm là rủi ro xuất phát từ các tiêu chuẩn bảo đảm như điều kiện bảo đảm trong hợp đồng tín dụng, các loại tài sản bảo đảm, chủ thể bảo đảm, các thực bảo đảm và mức cho vay trên giá trị của tài sản bảo đảm.

+ Rủi ro nghiệp vụ là rủi ro liên quan đến công tác quản lý khoản vay và hoạt động cho vay, bao gồm cả việc sử dụng hệ thống xếp hạng rủi ro và kỹ thuật xử lý các khoản vay có vấn đề.

- Rủi ro danh mục: là rủi ro mà nguyên nhân phát sinh do những hạn chế trong quản lý danh mục cho vay của ngân hàng, được chia thành 02 loại: rủi ro nội tại và rủi ro tập trung.

+ Rủi ro nội tại xuất phát từ các yếu tố mang tính riêng có của mỗi chủ thể đi vay hoặc ngành, lĩnh vực kinh tế. Nó xuất phát từ đặc điểm hoạt động và đặc điểm sử dụng vốn của khách hàng vay vốn. Vì gắn liền với chủ thể/đối tượng được cấp tín dụng nên rủi ro nội tại là yếu tố không thể triệt tiêu được.

+ Rủi ro tập trung xuất phát từ việc cho vay quá nhiều cho một số ít khách hàng, một số ngành kinh tế hẹp, một số loại hình cho vay hoặc một khu vực địa lý, đi ngược lại với nguyên tắc đa dạng hóa để phân tán rủi ro.


Hình 1 1 Sơ đồ các bộ phận của rủi ro tín dụng theo Gup 2007 b Căn cứ theo 1


Hình 1.1. Sơ đồ các bộ phận của rủi ro tín dụng theo Gup (2007)


b) Căn cứ theo mức độ tổn thất, RRTDBL chia làm hai nhóm

- Rủi ro đọng vốn: là rủi ro xảy ra trong trường hợp đến thời hạn mà NH vẫn chưa thu hồi vốn vay, dẫn đến các khoản vốn bị ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng vốn của NH và gặp khó khăn trong việc thanh toán cho KH.

- Rủi ro mất vốn: là rủi ro khi người vay không trả được nợ theo hợp đồng đã thỏa thuận, bao gồm gốc hoặc lãi vay, NH chỉ trông chờ vào giá trị thanh lý tài sản bảo đảm. Rủi ro mất vốn sẽ làm tăng chi phí do nợ khó đòi tăng, chi phí quản lí, chi phí giám sát; làm giảm lợi nhuận do các khoản dự phòng gia tăng bù đắp cho những khoản vốn mất đi.

c) Căn cứ vào giai đoạn phát sinh rủi ro, RRTDBL chia làm ba nhóm

- Rủi ro trước khi cho vay: rủi ro xảy ra khi NH phân tích, đánh giá sai về KH dẫn đến cho vay các KH không đủ điều kiện đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai.

- Rủi ro trong khi cho vay: Rủi ro này xảy ra trong quy trình cấp tín dụng, các nguyên nhân dẫn đến rủi ro này bao gồm: giải ngân không đúng tiến độ; không cập nhật thông tin KH thường xuyên và không dự báo được rủi ro tiềm tàng.

- Rủi ro sau khi cho vay: Rủi ro này xảy ra khi mà CBQLKH không giám sát được tình hình sử dụng vốn vay, khả năng tài chính tương lai của KH.


1.2.3 Nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng bán lẻ

Trong quan hệ tín dụng bán lẻ có hai đối tượng tham gia là ngân hàng cho vay và người đi vay. Nhưng người đi vay sử dụng tiền vay trong một thời gian, không gian cụ thể, tuân theo sự chi phối của những điều kiện cụ thể nhất định mà ta gọi là môi trường kinh doanh, và đây là đối tượng thứ ba có mặt trong quan hệ tín dụng. Rủi ro tín dụng xuất phát từ môi trường kinh doanh gọi là rủi ro do yếu tố khách quan. Rủi ro xuất phát từ người vay và ngân hàng cho vay gọi là rủi ro do yếu tố chủ quan.

1.2.3.1. Những nguyên nhân từ môi trường kinh doanh

Sự thay đổi của môi trường tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh, bão lụt gây tổn thất tài chính cho khách hàng vay vốn kinh doanh. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ khoản vay.

Sự biến động quá nhanh và không dự đoán được của thị trường trong nước và thế giới, điều này làm cho khách hàng vay vốn rơi vào thế bị động, không có sự ứng phó kịp thời với sự thay đổi của thị trường. Trường hợp sự biến động của thị trường theo chiều hướng tốt thì khách hàng không đạt được mức lợi nhuận tối đa, còn trường hợp sự biến động có chiều hướng xấu thì khách hàng bị tổn thất tài chính nặng nề và ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ khoản vay.

Cạnh tranh giữa các TCTD chưa thực sự lành mạnh, việc chạy theo quy mô, bỏ qua các tiêu chuẩn, điều kiện trong cho vay. Thiếu quan tâm đến chất lượng khoản vay

Thay đổi về lãi suất, tỷ giá hối đoái, lạm phát, chỉ số giá cả tăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của khách hàng, khó khăn tài chính dẫn đến không có khả năng trả nợ.

Sự thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả của NHNN; Hệ thống thông tin hỗ trợ tín dụng còn bất cập; Rủi ro do môi trường pháp lý chưa thuận lợi và sự kém hiệu quả của cơ quan pháp luật cấp địa phương.

Tất cả nguyên nhân trên đều làm ảnh hưởng không tốt đến quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ và tất yếu là tăng rủi ro tín dụng tín dụng bán lẻ tại ngân hàng.

1.2.3.2. Những nguyên nhân từ phía người vay

Sử dụng vốn sai mục đích so với phương án kinh doanh khi giải ngân. Dẫn đến việc không kiểm soát được dòng vốn


Năng lực kinh doanh kém, đầu tư nhiều lĩnh vực vượt quá khả năng quản lý.

Ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của khách hàng.

Khách hàng vay vốn tại nhiều TCTD dưới một danh nghĩa hay nhiều thực thể khác nhau nên thiếu sự phân tích trên tổng thể, khó theo dõi được dòng tiền dẫn đến việc sử dụng vốn vay chồng chéo và mất khả năng thanh toán dây chuyền.

Khách hàng kinh doanh thua lỗ, hàng hóa sản xuất ra không bán được, không trả được nợ vay ngân hàng.

Rủi ro tín dụng do khách hàng cố ý lừa đảo.

Tất cả nguyên nhân trên đều làm tăng rủi ro tín dụng bán lẻ tại ngân hàng, ảnh hưởng không tốt đến việc quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ tại ngân hàng.

1.2.3.3. Những nguyên nhân từ phía ngân hàng thương mại

Thiếu thông tin khi thẩm định và khi ra quyết định cho vay nên dẫn đến những quyết định cho vay sai lầm, nhiều khoản vay bị quá hạn.

Thiếu giám sát và quản lý sau khi cho vay, hệ thống cảnh báo sớm về các khoản vay có vấn đề không hiệu quả nên không thể can thiệp kịp thời.

Áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch hàng năm được giao, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng tín dụng

Lỏng lẻo trong công tác kiểm soát nội bộ của ngân hàng.

Ý muốn chủ quan của người xét duyệt hoặc cấp có thẩm quyền. Bố trí cán bộ thiếu đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Việc chuyển dịch cơ cấu khách hàng theo ngành nghề, lĩnh vực còn chậm. Tất cả nguyên nhân trên đều làm tăng rủi ro tín dụng bán lẻ tại ngân hàng.

1.2.4. Tác động của rủi ro tín dụng bán lẻ

a) Tác động của rủi ro tín dụng bán lẻ đối với ngân hàng

RRTDBL làm giảm lợi nhuận của ngân hàng: RRTDBL sẽ làm phát sinh các khoản nợ khó đòi, làm ứ đọng vốn dẫn đến giảm vòng quay vốn NH. Mặt khác, khi có quá nhiều các khoản nợ khó hoặc không thu hồi được sẽ phát sinh các khoản chi phí quản lý, giám sát, thu nợ,…và các chi phí này có thể cao hơn khoản thu nhập từ việc tăng lãi suất nợ quá hạn.

RRTDBL làm giảm khả năng thanh toán của ngân hàng: Các NH thường lập kế hoạch cân đối dòng tiền ra (trả lãi và gốc tiền gửi, cho vay, đầu tư mới…) và


dòng tiền vào (tiền nhận gửi, tiền thu nợ gốc và lãi cho vay…) tại các thời điểm trong tương lai. Khi các khoản tiền gửi tiết kiệm của KH vẫn phải thanh toán đúng kỳ hạn thì các khoản tiền vay của KH lại không được thanh toán đầy đủ và đúng hạn sẽ dẫn đến sự không cân đối giữa hai dòng tiền.

RRTDBL làm giảm uy tín của ngân hàng: NHTM gặp nhiều rủi ro là NH hoạt động kém hiệu quả. Điều này đã làm cho uy tín của NH bị giảm sút, KH mất lòng tin ở NH và họ sẽ không gửi tiền vào NH, thậm chí họ có thể còn rút lại những khoản tiền đã gửi. NHTM gặp rủi ro cũng sẽ làm mất lòng tin đối với các NH bạn nên rất khó có thể nhận được những khoản tín dụng từ phía họ khi cần thiết. Ngoài ra, NH không có uy tín sẽ khó có thể có các quan hệ đại lý tin cậy làm cầu nối trong thanh toán quốc tế, do đó khó phát triển các dịch vụ của NH.

RRTDBL là nguy cơ dẫn đến phá sản ngân hàng: Khi NH gặp RRTD nói chung, RRTDBL nói riêng sẽ làm giảm sút lòng tin của dân chúng. Họ lo sợ bị mất những khoản tiền đã gửi và sẽ đến rút tiền để tìm cơ hội đầu tư có lợi hơn ở một NH khác. Bên cạnh đó là khách hàng vay vốn NH khó khăn trong việc hoàn trả, nhất là những khoản vay lớn thì có thể dẫn đến khủng hoảng trong hoạt động của chính NH. Khi NH không chuẩn bị trước các phương án dự phòng, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu rút vốn quá lớn, sẽ nhanh chóng mất khả năng thanh toán, dẫn đến sự sụp đổ của NH.

b) Tác động của rủi ro tín dụng bán lẻ đối với khách hàng

Khi RRTD xảy ra thì KH vay vốn của NH sẽ phải chịu lãi phạt rất cao, lãi suất nợ quá hạn lớn hơn lãi suất nợ trong hạn sẽ làm chi phí tài chính của khách hàng tăng lên, hiệu quả sử dụng vốn giảm, lợi nhuận giảm, khách hàng làm ăn không hiệu quả. Tình hình tài chính ngày càng khó khăn hơn, nguy cơ không trả đủ nợ cho NH là không tránh khỏi, có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ

Khi NH không thu được nợ của KH đầy đủ và đúng hạn, dấu hiệu này nói lên hoạt động kém hiệu quả của KH, làm giảm uy tín của khách hàng với ngân hàng. Mất đi sự tin tưởng của NH thì vay vốn trên thị trường tài chính của KH cũng bị giảm sút.

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 18/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí