(iii) Nâng cao khả năng dự báo rủi ro của HTXHTDNB.
Để thực hiện mục tiêu này, các NHTM Việt Nam cần:
- Hoàn thiện HTXHTDNB trên cơ sở xây dựng các thẻ điểm (scorecard) theo các ngành hàng, quy mô, loại sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng/nhóm khách hàng dựa trên đánh giá đúng mức các nhân tố rủi ro đặc thù của từng ngành, quy mô, sản phẩm tín dụng.
- Phối hợp linh hoạt các phương pháp luận xếp hạng (phương pháp chuyên gia/phương pháp thống kê/phương pháp thống kê có điều chỉnh theo chuyên gia) cho từng nhóm đối tượng khách hàng.
- Đo lường, lượng hóa các thước đo rủi ro, thực hiện kiểm thử đầy đủ, độc lập trước khi đưa vào ứng dụng; đồng thời kiểm định định kỳ hàng năm để đảm bảo tính hiệu lực, chính xác và ổn định của các mô hình.
(iv) Nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm tra và giám sát hoạt động của HTXHTDNB.
Cơ chế kiểm tra và giám sát hoạt động HTXHTDNB của Agribank cần đáp ứng các tiêu chí: (i) độc lập; (ii) minh bạch; (iii) liên tục; (iv) phân định rõ ràng trách nhiệm và (v) có sự kiểm tra, giám sát của bộ phận kiểm toán nội bộ cũng như của Hội đồng quản trị và Ban quản lý cấp cao Agribank.
(v) Đào tạo, nâng cao trình độ nhân sự phát triển mô hình IRB
Phát triển HTXHTDNB theo mô hình thống kê đòi hỏi ngân hàng phải có các chuyên viên được đào tạo nền tảng thống kê bài bản, có khả năng lập trình, xây dựng mô hình thống nhất, phù hợp với đặc điểm cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Trước mắt, đây có thể là yêu cầu khá khó khăn đối với Agribank vì lực lượng nhân sự được đào tạo chuyên sâu về mảng này chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam, hoặc nếu có, thì chưa có đủ kinh nghiệm để triển khai các mô hình. Tuy nhiên, Agribank cần hết sức quan tâm chú trọng phát triển bởi đây là yếu tố căn bản để đảm bảo việc triển khai thành công cũng như duy trì HTXHTDNB.
Có thể bạn quan tâm!
- Định Hướng Tăng Cường Quản Lý Rủi Ro Tín Dụng Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam
- Giải Pháp Tăng Cường Quản Lý Rủi Ro Tín Dụng Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam
- Đa Dạng Hoá Các Loại Sản Phẩm, Dịch Vụ Kinh Doanh Để Phân Tán Rủi Ro
- Kiên Quyết Và Đa Dạng Phương Thức Xử Lý Nợ Xấu
- Tăng Cường Khả Năng Ứng Dụng, Khai Thác Đồng Bộ Công Nghệ Thông Tin
- Đối Với Một Số Bộ - Ngành Khác Có Liên Quan
Xem toàn bộ 269 trang tài liệu này.
Bên cạnh đó, Agribank cần nghiên cứu xem xét áp dụng một lộ trình phù hợp các nguyên tắc của Basel:
- Nguyên tắc 1: Hội đồng thành viên phải có trách nhiệm phê duyệt và định kỳ (ít nhất mỗi năm) đánh giá lại chiến lược RRTD và rủi ro chính sách quan trọng của Agribank. Chiến lược này cần phản ánh khả năng chịu đựng của Agribank đối với rủi rovà mức độ lợi nhuận của Agribank hy vọng sẽ đạt được khi phát sinh RRTD khác nhau.
- Nguyên tắc 2: Quản lý cấp cao cần phải có trách nhiệm thực hiện các chiến lược RRTD đã được phê duyệt bởi Hội đồng thành viên; xây dựng chính sách và thủ tục để xác định, đo lường, giám sát và kiểm soát RRTD; các chính sách và thủ tục đó cần áp dụng cho việc giải quyết rủi ro trong tất cả các hoạt động của Agribank, RRTD cá nhân và rủi ro danh mục đầu tư.
- Nguyên tắc 3: Agribank cần xác định và quản lý RRTD trong tất cả các sản phẩm và các hoạt động của mình. Agribank phải đảm bảo rằng những rủi ro của sản phẩm mới, các hoạt động mới đều phải có thủ tục quản lý rủi ro thích hợp và được Ban điều hành hoặc một Ủy ban phù hợp kiểm soát trước khi triển khai và thực hiện.
- Nguyên tắc 4: Agribank phải hoạt động trong cùng tiêu chuẩn cấp tín dụng với các NHTM. Các tiêu chí này nên bao gồm mục tiêu rõ ràng và một sự hiểu biết thấu đáo về khách hàng vay hoặc đối tác, cũng như mục đích, cấu trúc của tín dụng và các nguồn trả nợ.
- Nguyên tắc 5: Agriank cần thiết lập HMTD tổng thể ở mức độ khách hàng hay đối tác cá nhân và các nhóm khách hàng liên quan dưới dạng có thể so sánh; và các loại rủi ro khác nhau trong ngân hàng, trong tài liệu kinh doanh và trong/ngoài bảng cân đối.
- Nguyên tắc 6: Agribank cần có một quy trình được thiết lập rõ ràng trong việc phê duyệt các khoản tín dụng mới cũng như việc sửa đổi, đổi mới, tái cấp vốn tín dụng hiện có.
- Nguyên tắc 7: Với các khoản tín dụng mở rộng phải được thực hiện trên một cơ sở bình thường. Đặc biệt, các khoản tín dụng cho các công ty và cá nhân có liên quan phải được xác định trên cơ sở ngoại lệ, được theo dõi đặc biệt và các bước thực hiện để kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho vay này (non-arm’s length).
- Nguyên tắc 8: Agribank cần có một hệ thống điều hành liên tục các danh mục đầu tư chịu RRTD.
- Nguyên tắc 9: Agribank phải có hệ thống theo dõi, giám sát các điều kiện, tình trạng của các khoản tín dụng cá nhân, bao gồm xác định mức trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng đầy đủ.
- Nguyên tắc 10: Agribank cần phát triển và sử dụng một hệ xếp hạng đánh giá rủi ro nội bộ trong việc quản lý RRTD. Hệ thống xếp hạng phải phù hợp với tính chất, quy mô và sự phức tạp của các hoạt động của Agribank.
- Nguyên tắc 11: Agribank phải có hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích cho phép quản lý và đo lường RRTD trong toàn bộ các hoạt động trong và ngoài bảng cân đối kế toán. Hệ thống thông tin quản lý phải cung cấp đầy đủ thông tin về các thành phần của danh mục đầu tư tín dụng, bao gồm xác định mức độ tập trung rủi ro.
- Nguyên tắc 12: Agribank phải có một hệ thốngtheo dõi tổng thể thành phần và chất lượng của danh mục đầu tư tín dụng.
- Nguyên tắc 13: Agribank cần xem xét và cân nhắc những khả năng tiềm tàng có thể thay đổi trong tương lai dưới các điều kiện kinh tế khi đánh giá các danh mục đầu tư và các khoản tín dụng cá nhân và cần đánh giá mức độ RRTD dưới điều kiện giả định khoản vay gặp rủi ro.
- Nguyên tắc 14: Agribank phải thiết lập một hệ thống độc lập, đánh giá thường xuyên của quá trình quản lý RRTD của mình và kết quả đánh giá như vậy phải được thông báo trực tiếp cho Ban điều hành và Hội đồng thành vên.
- Nguyên tắc 15: Agribank phải đảm bảo rằng chức năng cấp tín dụng đang được quản lý đúng cách và RRTD đang ở mức độ phù hợp với tiêu chuẩn an toàn và các giới hạn nội bộ. Agribank cần thiết lập và thực thi kiểm soát nội bộ và các thực tế khác để đảm bảo rằng các chính sách và thủ tục ngoại lệ được báo cáo kịp thời cho bộ phận quản lý thích hợp hành động.
- Nguyên tắc 16: Agribank phải có một hệ thống cảnh báo sớm về các khoản tín dụng xấu, quản lý tín dụng có vấn đề và các tình huống luyện tập tương tự.
- Nguyên tắc 17: Agribank phải có một hệ thống hữu hiệu để xác định, đo lường, theo dõi và kiểm soát RRTD như là một phần của cách tiếp cận tổng thể về quản lý rủi ro. Các chiến lược, chính sách, thủ tục và thực tiễn hoạt động của Agribank liên quan đến việc cấp tín dụng và quản lý đối với danh mục đầu tư cần được các cơ quan giám sát của Nhà nước cần tiến hành đánh giá độc lập. Agribank cần xây dựng giới hạn bảo đảm an toàn HMTD đối với một hay nhóm.
3.2.4. Xây dựng hệ thống báo cáo quản lý rủi ro tín dụng có chất lượng
Hiện nay, dữ liệu về tín dụng của Agribank nằm rải rác tại nhiều Module nghiệp vụ, chưa được hệ thống hoá. Cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý rủi ro toàn diện, trong đó có RRTD và cần có phương pháp luận để định lượng rủi ro tương ứng với dư nợ của khách hàng vay hoặc đối tác. Cần có khả năng phân tích RRTD ở cấp độ khoản vay và cấp độ danh mục để có thể xác định mức độ nhạy
cảm hoặc mức độ tập trung của danh mục. Khi đo lường RRTD, Agribank cần phải xem xét: (i) tích chất tín dụng (khoản vay, phái sinh,…), các điều khoản trong hợp đồng và điều kiện tài chính (kỳ hạn, tỷ lệ tham khảo,…); (ii) hồ sơ dư nợ trong biến động của thị trường; (iii) TSBĐ hoặc bảo lãnh; (iv) “khả năng không trả được nợ” ước tính dựa trên kết quả xếp hạng nội bộ.
3.2.5. Đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một bộ phận có chức năng kiểm tra nghiệp vụ độc lập nhằm đưa ra mức độ an toàn trong hoạt động của Agribank để Ban điều hành có hướng quản lý rủi ro tốt hơn, nhất là ở lĩnh vực hoạt động tín dụng là lĩnh vực mà rủi ro thường xuyên xảy ra hơn bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào tại ngân hàng Hiện nay, mô hình kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại Agribank còn chưa tập trung, đang rải đều ở các chi nhánh và chất lượng kiểm tra chưa cao. Mặc dù các Phòng kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại chi nhánh thuộc quản lý của Ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ Agribank và chịu sự quản lý của Tổng giám đốc nhưng kiểm tra viên làm việc, sinh hoạt công đoàn, sinh hoạt Đảng tại chi nhánh dẫn đến các kiểm tra viên này khó khăn trong việc thẳng thắn yêu cầu xử lý trách nhiệm khi phát hiện những sai sót của chi nhánh. Việc phát hiện sai sót nhằm ngăn chặn và khắc phục kịp thời những sai sót, góp phần hạn chế những rủi ro; nhưng do các hạn chế nêu trên nên bộ phận kiểm tra kiểm soát có thể né tránh không phát hiện những sai sót, vì vậy,
việc thành lập Phòng kiểm tra, kiểm soát nội bộ không còn nhiều ý nghĩa.
Việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát là phải chú trọng đến chất lượng kiểm tra, nâng cao trách nhiệm cũng như quyền hạn của cán bộ kiểm tra. Do đó, cơ cấu kiểm tra, kiểm soát nên thay đổi theo hướng:
- Thực hiện chuyển đổi mô hình bộ máy kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo hướng chịu sự quản lý của Hội đồng thành viên. Nên tập trung vào một Ban theo từng khu vực, không nên phân tán vài cán bộ đặt tại chi nhánh, mỗi kiểm tra viên nên kiểm tra chuyên sâu vào lĩnh vực đã được tập huấn kỹ hay có nhiều kinh nghiệm đã làm qua thực tế nghiệp vụ chuyên môn.
- Xem trọng việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ bằng cách chọn lọc hay đánh giá lại những kiểm tra viên có đủ năng lực, có nghiệp vụ chuyên môn giỏi thật sự, có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh đấu tranh vì lợi ích chung của toàn hệ thống. Kiên quyết không sử dụng những kiểm tra viên không đủ năng lực, không có kinh nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn,…
- Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các kiểm tra viên, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể như kiểm tra viên phải đền bù cùng với cán bộ làm nghiệp vụ theo một tỷ lệ cụ thể nào đó nếu có xảy ra rủi ro mà kiểm tra viên không phát hiện được hay cố tình bỏ qua sai sót; và cũng cần có hình thức kỷ luật hay cho thôi việc nếu kiểm tra viên thông đồng với cán bộ làm nghiệp vụ lờ đi những sai sót có tiềm ẩn rủi ro.
- Cần trang công nghệ hiện đại vào việc thu thập và xử lý thông tin cho mỗi kiểm tra viên.
3.2.6. Hoàn thiện chính sách và quy trình quản lý tài sản bảo đảm tiền vay
3.2.6.1. Xây dựng bộ phận “định giá tài sản bảo đảm” độc lập
Agribank nên xây dựng một bộ phận định giá TSBĐ độc lập; và các đơn vị này phải chuyên nghiệp, có uy tín, có kinh nghiệm chuyên môn; chất lượng định giá cần được giám sát và đánh giá thường xuyên.
Agribank nên có quy định chính thức về các loại TSBĐ được chấp nhận; quy trình định giá TSBĐ, quy trình kiểm tra tính pháp lý và tính hiệu lực của TSBĐ trong hiện tại và tương lai; chỉ nên chấp nhận các TSBĐ thỏa mãn các điều kiện sau:
- Giá trị thị trường của TSBĐ có thể xác định được một cách dễ dàng hoặc có thể tính toán và kiểm tra được;
- Tài sản có thể bán được và có thị trường để bán;
- Agribank có quyền pháp lý thu giữ, bán TSBĐ và có thể thực hiện được quyền này mà không gặp bất ký trở ngại hay khó khăn nào;
- Agribank có thể kiểm soát được TSBĐ nếu cần; trong trường hợp động sản, Agribank phải nắm giữ TSBĐ (vàng, kim loại quý,…) hoặc có phương thức xác định được vị trí của TSBĐ (xe cộ, máy móc, thiết bị,…);
- Agribank có năng lực và có hệ thống để quản lý TSBĐ;
- Hợp đồng bảo đảm phải có hiệu lực/TSBĐ phải có thời hạn sử dụng cho
đến khi khoản nợ được hoàn trả đầy đủ.
Đối với TSBĐ mà giá trị có mối tương quan trọng yếu với chất lượng tín dụng của khách hàng vay (ví dụ: Chấp nhận chứng khoán do khách hàng vay hay nhóm liên quan đến khách hàng là TSBĐ sẽ không phải là biện pháp giảm thiểu rủi ro cho khoản vay). Agribank không nên chỉ phụ thuộc vào TSBĐ để giảm thiểu rủi ro.
Đối với trường hợp bảo lãnh, Agribank chỉ nên chấp nhận các khoản bảo lãnh
đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
- Bảo lãnh phải thể hiện quyền truy đòi trực tiếp với bên bảo lãnh;
- Bảo lãnh phải vô điều kiện và không thể hủy ngang;
- Bảo lãnh được phát hành với hình thức phù hợp và có hiệu lực pháp luật;
- Bảo lãnh phải có hiệu lực cho đến khi khoản nợ có liên quan được trả đầy đủ hoặc tất toán;
- Năng lực tài chính của bên bảo lãnh cần phải được phân tích kỹ càng và
được đánh giá là đủ để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
3.2.6.2. Quy định rõ các loại tài sản bảo đảm được chấp nhận
Agribank cần xác định rõ các loại TSBĐ được chấp nhận cho mục đích kiểm soát nội bộ đồng thời để chuẩn bị cho việc tính toán Tài sản Có chịu RRTD theo Basel II. Agribank cần phân loại các loại TSBĐ tài chính vì giá trị TSBĐ có thể được sử dụng để giảm tỷ trọng rủi ro (kỹ thuật giảm thiểu rủi ro: Phương pháp cơ bản) hoặc giảm giá trị dư nợ (kỹ thuật giảm thiểu rủi ro: Phương pháp toàn diện) để phản ánh Tài sản Có chịu RRTD một cách chính xác hơn. Ví dụ: Theo Basel II, các loại TSBĐ tài chính được chấp nhận theo phương pháp cơ bản như sau:
- Tiền mặt.
- Vàng.
- Nhóm chứng khoán được xếp hạng.
- Nhóm chứng khoán do các ngân hàng phát hành.
- Cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi trên các sàn giao dịch chính.
- Đầu tư tín thác vào các loại chứng khoán có thị trường giao dịch và các quỹ tương hỗ (mutual fund).
- Loại TSBĐ tài chính được chấp nhận theo phương pháp nâng cao cũng giống các loại TSBĐ tài chính theo phương pháp cơ bản, bao gồm: Các loại cổ phiếu, trái phiếu có thể chuyển đổi được niêm yết trên sàn giao dịch và đầu tư tín thác vào các loại chứng khoán có thị trường giao dịch và các quỹ tương hỗ.
3.2.6.3. Quy định về tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm
Agribank cần xác định cụ thể tỷ lệ cho vay trên giá trị TSBĐ đối với các loại tài sản được chấp nhận làm bảo đảm tiền vay, các tỷ lệ này cần được thiết lập tương ứng với rủi ro của tài sản để có thể tạo ra “đệm” dự phòng cho các tổn thất tiềm
năng do biến động trong giá trị của TSBĐ, chi phí nắm giữ TSBĐ trước khi phát mại và chi phí phát mại TSBĐ.
3.2.6.4. Định giá và tần suất định giá lại tài sản bảo đảm
- Định giá TSBĐ: Agribank phải áp dụng tỷ lệ chiết khấu và phải dựa trên giá thị trường. TSBĐ nên được định giá theo giá trị thuần, là giá trị thị trường trừ các chi phí bán TSBĐ và các chi phí liên quan (ví dụ: Chi phí vận chuyển, các khoản phí theo quy định trong quá trình bán TSBĐ,…). Trong trường hợp cần thiết, (ví dụ: Khi định giá TSBĐ của khoản vay có vấn đề hay TSBĐ có giá trị biến động) Agribank có thể áp dụng một tỷ lệ chiết khấu (hay hệ số hiệu chỉnh) để tính giá trị thuần của TSBĐ hoặc giá bán tối đa tại thời điểm phải xử lý TSBĐ.
- Tần suất định giá TSBĐ: Agribank cần phải định giá lại TSBĐ thường xuyên. Mức độ thường xuyên tùy thuộc vào loại TSBĐ, tính chất và xếp hạng tín dụng nội bộ của khoản tín dụng tương ứng.
3.2.6.5. Tăng cường giám sát bảo đảm an toàn tài sản bảo đảm
Agribank cần ban hành thẩm quyền và trách nhiệm cho các cá nhân/bộ phận liên quan trong việc chấp nhận, giám sát và bảo đảm an toàn TSBĐ (tài sản hiện hữu và các loại giấy tờ đại diện cho tính pháp lý của TSBĐ). Vị trí lưu giữ TSBĐ (của khách hàng vay hay bên bảo lãnh) phải được ghi nhận rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ việc xử lý về sau. TSBĐ được nắm giữ bởi Agribank phải được lưu trữ trong két chống cháy an toàn.
Agribank phải giám sát và theo dõi chặt chẽ TSBĐ, cụ thể là: TSBĐ đang hiện hữu ở đâu bằng cách đánh mã TSBĐ và có thể được bán dễ dàng trên thị trường hay không. Việc di chuyển TSBĐ phải được người chịu trách nhiệm cất giữ cho phép và chấp nhận và phải được ghi nhận đầy đủ. Trước khi giải chấp TSBĐ, cán bộ chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho TSBĐ phải chắn chắn rằng các điều kiện giải chấp trong hợp đồng tín dụng phải được đáp ứng; và việc giải chấp được cho phép. TSBĐ phải nắm giữ được giấy xác nhận từ khách hàng vay khi giải chấp TSBĐ.
3.2.6.6. Thực hiện bảo hiểm tài sản và bán tài sản bảo đảm tiền vay
- Bảo hiểm tài sản: Trong những trường hợp cần thiết, các TSBĐ cần được mua bảo hiểm với người thụ hưởng là Agribank.
- Bán TSBĐ: TSBĐ phải được bán trên cơ sở ngang giá và theo một quy trình minh bạch và tuân thủ với các quy định của pháp luật (ví dụ: Đấu giá công khai hoặc sử dụng các tổ chức độc lập trong khi bán TSBĐ).
3.2.7. Hoàn thiện chính sách và quy trình phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu
3.2.7.1. Thực hiện nghiêm túc phân loại nợ
Hoạt động đánh giá RRTD và nghiệp vụ kế toán tín dụng phải được Agribank thực hiện một cách hệ thống và tuân thủ với các chính sách và quy trình. Để có thể đánh giá khoản vay một cách thận trọng và trích lập dự phòng hợp lý, Agribank cần có hệ thống phân loại nợ trên cơ sở RRTD. Các khoản vay lớn cần được phân loại dựa trên hệ thống xếp hạng RRTD. Các khoản vay còn lại có thể được phân loại dựa trên hệ thống xếp hạng RRTD hoặc tình trạng trả nợ của khách hàng.
Rà soát phân loại nợ: Kết quả phân loại RRTD phải được Agribank rà soát và cập nhật khi nhận được các thông tin mới liên quan. Các khoản vay sau khi được xếp hạng phải được rà soát lại định kỳ (tối thiểu 1 năm/1 lần) để đảm bảo rằng kết quả xếp hạng là chính xác và được cập nhật. Kết quả xếp hạng RRTD cho mỗi khoản vay lớn và phức tạp, khoản vay có rủi ro cao hoặc khoản vay có vấn đề thì phải được rà soát thường xuyên hơn.
Các chi nhánh Agribank có nợ xấu cao phải đi sâu phân tích đánh giá rõ thực trạng hoạt động, TSBĐ, nguyên nhân và khả năng thu hồi nợ của từng khoản nợ xấu, nợ đã XLRR, xây dựng phương án xử lý thu hồi nợ cụ thể từng trường hợp, thực hiện kiên quyết xử lý TSBĐ; chủ động khởi kiện, tố cáo với cơ quan chức năng đối với những khách hàng có thái độ chây ỳ, tẩu tán TSBĐ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ; thực hiện biện pháp cứng rắn để thu hồi nợ.
Thực hiện đúng hướng dẫn của Agribank về nhập, lưu trữ thông tin khách hàng, xác lập chính xác mã khách hàng và những thông tin cơ bản của khách hàng nhằm hạn chế tối đa việc cho vay chồng chéo tại nhiều chi nhánh Agribank, làm cơ sở cho việc thống kê báo cáo, chấm điểm xếp hạng khách hàng được chuẩn xác, trên cơ sở đó áp dụng chính sách tín dụng phù hợp đối với từng loại khách hàng.
Agribank thực hiện phân loại nợ và trích lập DPRR theo đúng quy định hiện hành, phán ảnh đúng thực trạng chất lượng tín dụng. Tập trung kiểm tra, phân tích làm rõ nguyên nhân và có cơ chế xử lý tài chính, hành chính đối với những chi nhánh gia tăng nợ xấu và có tỷ lệ nợ xấu cao vượt quá tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống. Thực hiện giao chỉ tiêu thu hồi nợ xấu cho các chi nhánh, có cơ chế thưởng đối với những chi nhánh hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu này.