MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận văn
Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế quan trọng của Việt Nam, là nơi được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và là một trong những địa danh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước lớn nhất Việt Nam. Trong những năm qua, ngành kinh tế du lịch Hà Nội đã có nhiều bước phát triển mạnh và đạt được thành tựu to lớn trên nhiều mặt: hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có số lượng và chất lượng dẫn đầu cả nước; hoạt động lữ hành phát triển mạnh; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với những chương trình dự án có quy mô lớn, có sự phối hợp với các cơ quan tổ chức đầu ngành,… Nhờ đó, lượt khách du lịch trên địa bàn thủ đô ngày càng tăng cao và đến hết năm 2015 đã đạt hơn 19,79 triệu, tổng thu từ du lịch ước tính đạt 55.539 tỉ đồng, tăng 11,4% so với các năm trước [7], [16]. Đặc biệt, việc thành lập Sở Du Lịch thành phố Hà Nội trong năm 2015 trên cơ sở tách chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến theo chiều sâu góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, du lịch Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Trong những năm qua, du lịch Hà Nội vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế chưa được giải quyết thỏa đáng như: Nhận thức về du lịch chưa thực sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đáp ứng được thực tiễn họat động; công tác quản lý nguồn nhân lực du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế;… Tất cả đã cản trở sự phát triển ổn định, bền vững của du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Để đảm bảo cho sự phát triển này, hoạt động quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, chú
trọng vào sửa chữa, khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay đối với các nhà quản lý và những nhà nghiên cứu là khắc phục và sửa chữa như thế nào, cách thức ra sao vẫn còn là vấn đề thời sự cần phải được nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo.
Với những lý do nêu trên, tôi lựa chọn đề tài: “Quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội” làm đề tài luận văn tốt nghiệp cao học để góp phần lý giải nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cũng như đề xuất các giải pháp để công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch ở thủ đô Hà Nội đạt hiệu quả hơn.
2. Tình hình nghiên cứu của luận văn
Xung quanh vấn đề quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều đề tài nghiên cứu ở những góc độ, phạm vi khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau và hướng sử dụng kết quả nghiên cứu cũng khác nhau.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội - 1
- Vai Trò Của Du Lịch Trong Nền Kinh Tế Thị Trường Hội Nhập Quốc Tế
- Cơ Sở Lý Luận Quản Lý Nhà Nước Đối Với Kinh Tế Du Lịch
- Xây Dựng Và Ban Hành Các Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật, Chính Sách Phát Triển Kinh Tế Du Lịch Hà Nội Trên Cơ Sở Hệ Thống Pháp Luật, Chính Sách Chung
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu như:
- Đề tài nghiên cứu năm 2007 của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam (ITDR): “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế”. Đề tài đã tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học (lý thuyết và thực tiễn) để xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế. Từ đó, đề xuất định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong giai đoạn 2010- 2015.
- PGS.TS. Hà Văn Hội và Vũ Quang Kết (2010), Báo cáo du lịch Hà Nội: Hướng tới phát triển bền vững, tạp chí Khoa học Đại học Quốc Gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh. Tác giả đã khẳng định “Phát triển bền vững” là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Báo cáo đi sâu vào thực tế hoạt động du lịch tại thủ đô Hà Nội, nêu ra
những mặt tích cực, hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đề xuất những biện pháp cần thiết thực hiện để phát triển du lịch Hà Nội bền vững.
- Th.S Mai Tiến Dũng (2011), “Phát triển nhân lực ngành du lịch thủ đô và các địa phương phụ cận”, Báo cáo tham luận Hội thảo quốc gia lần II “Đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội”. Trong báo cáo tham luận, tác giả đã đi sâu vào lĩnh vực quản lý nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn thủ đô gắn kết với các địa bàn xung quanh Hà Nội như một mạng lưới liên kết vùng mà tâm điểm là Hà Nội. Theo đó, tác giả đưa ra những nhận định, đánh giá dựa trên sự kết hợp giữa nhãn quang khoa học và những kinh nghiệm thực tiễn về nhu cầu, thực trạng, xu hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành kinh tế du lịch của thủ đô và các vùng phụ cận, từ đó đưa ra những giải pháp chủ yếu nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực này trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
- Nguyễn Thị Cẩm Thúy (2012), “Phát triển thị trường du lịch Hà Nội”, Luận văn Thạc sĩ ngành: Kinh tế chính trị. Tác giả đã khái quát một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thị trường du lịch Hà Nội; đưa ra một số kinh nghiệm về thị trường du lịch ở một số tỉnh, thành trong cả nước; phân tích những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, những nội lực, ngoại lực để phát triển thị trường du lịch Hà Nội. Trên cơ sở đó, chỉ ra thực trạng du lịch Hà Nội trong những năm gần đây, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thị trường du lịch Hà Nội. Từ đó, tác giả kiến nghị các giải pháp và các định hướng cơ bản nhằm phát triển thị trường du lịch Hà Nội đến năm 2020.
- Báo cáo chuyên đề năm 2014 của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam (ITDR): “Du lịch Việt Nam- Thực trạng và giải pháp phát triển”. Báo cáo nêu một cách rõ nét nhất thực trạng của du lịch Việt Nam hiện nay
cùng các xu hướng phát triển trong bối cảnh quốc tế và trong nước. Các thành công và hạn chế được đánh giá cụ thể cùng các nguyên nhân làm nên các kết quả này. Các vấn đề toàn cầu, xu hướng quốc tế và trong nước được đề cập và chỉ rõ các tác động đối với du lịch Việt Nam. Từ những phân tích cụ thể này, báo cáo cũng đã đúc rút ra những giải pháp then chốt mang tính đột phá mà giai đoạn tới du lịch Việt Nam cần hướng tới.
- Một số Luận văn, bài viết liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này mới chỉ mang tính chất khái quát ở cấp độ quốc gia, chưa đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản về đặc thù quản lý nhà nước ở cấp tỉnh về du lịch nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Do đó, đề tài này là một đề tài không trùng lặp và mang tính đặc thù riêng.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
- Mục đích của luận văn
Đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội; làm rõ những thành công và hạn chế; lý giải nguyên nhân của thực trạng đó (trên tổng thể các nội dung định hướng, chiến lược, quy hoạch và thực hiện quy hoạch;…).
Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thủ đô theo định hướng phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Nhiệm vụ của luận văn
Để thực hiện mục đích nêu trên, luận văn xác định có những nhiệm vụ sau:
Hệ thống hóa cơ sở lý luận về vai trò, chức năng, nội dung quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch.
Đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015.
Đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2011 đến 2015.
- Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phạm vi về thời gian: Luận văn tập trung nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp quản lý và phát triển kinh tế du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
- Phương pháp luận
Luận văn dựa trên phương pháp luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
- Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích- tổng hợp, phương pháp thống kê, so sánh, dự báo, phương pháp chuyên gia, phương pháp điều tra số liệu, thu thập số liệu, xử lý thông tin,…
Bên cạnh đó, luận văn có tham khảo và kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của một số công trình nghiên cứu đã được công bố liên quan đến lĩnh vực này.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Góp phần hệ thống hóa và làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận cơ bản về quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đề xuất những giải pháp cơ bản, có khả năng áp dụng trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan, cá nhân trong việc nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế du lịch nói chung và kinh tế du lịch Hà Nội nói riêng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành 03 chương:
Chương 1: Cơ sở khoa học quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch.
Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011- 2015.
Chương 3: Định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương 1
CƠ SỞ KHOA HỌC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KINH TẾ DU LỊCH
1.1. Tổng quan về kinh tế du lịch
1.1.1. Khái niệm về kinh tế du lịch
Ngày nay, du lịch đã thực sự trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, do quan điểm tiếp cận và góc độ nghiên cứu khác nhau, có nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế du lịch:
Thuật ngữ du lịch bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: Tonos nghĩa là “Đi một vòng”. Thuật ngữ này được đưa vào hệ ngữ Latinh thành Turnur và sau đó thành Le Tour trong tiếng Pháp với nghĩa là “Đi vòng quanh, cuộc dạo chơi”. Ở nước Anh, du lịch xuất phát từ tiếng “To Tour” có nghĩa là cuộc dạo chơi (Tour round the world- cuộc đi vòng quanh thế giới, to go for tour round the town- cuộc dạo quanh thành phố; tour of inspection- cuộc kinh lý kiểm tra,…). Theo Robert Langquar (1980), từ Tourism (du lịch) lần đầu tiên được sử dụng trong tiếng Anh vào khoảng năm 1800 và được quốc tế hoá, nhiều nước đã sử dụng trực tiếp mà không dịch nghĩa. Trong tiếng Việt, thuật ngữ du lịch là một từ gốc Hán- Việt, tạm hiểu là “Đi chơi, trải nghiệm”.
Theo nghĩa chung nhất, “Du lịch” được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm người rời khỏi chỗ ở của mình trong khoảng thời gian nhất định đến một nơi nào đó để nghỉ ngơi, giải trí hoặc chữa bệnh.
Luật du lịch Việt Nam năm 2005 định nghĩa: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
“Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch. Trong đó, chủ thể quan trọng của hoạt động du lịch là khách du lịch. Đó là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến”.
“Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”.
“Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch gồm: nhu cầu lưu trú, ăn uống; nhu cầu vận chuyển đi lại; nhu cầu giải trí, cảm thụ cái đẹp; nhu cầu mua sắm và các nhu cầu khác. Để thỏa mãn được các nhu cầu đó, ngành du lịch tổ chức cung cấp các dịch vụ du lịch cơ bản và thường được gọi tắt là cung du lịch”. Hiện nay có các loại dịch vụ cơ bản về du lịch như: Dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ giải trí.
Từ những cách tiếp cận như vậy, định nghĩa về kinh tế du lịch hiện nay bao gồm hai thành tố sau:
Thứ nhất, du lịch là một nhu cầu, hiện tượng xã hội: sự di chuyển và lưu trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi sức khoẻ, nâng cao hiểu biết, có hoặc không kèm theo việc tiêu thụ một số giá trị tự nhiên, kinh tế, văn hoá và dịch vụ nào đó.
Thứ hai, đó là một ngành kinh tế có tính tổng hợp hay hoạt động kinh doanh sinh lời, lấy khách du lịch làm đối tượng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch cần thiết cho khách du lịch: Cung cấp các ấn phẩm, dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú với mục đích phục hồi sức khoẻ, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh. Nói cách khác, du lịch là tập hợp các hoạt động giữa cung du lịch và cầu du lịch tạo nên ngành du lịch.