sở, tích cực triển khai mô hình câu lạc bộ chèo không chuyên, biến câu lạc bộ nghệ thuật chèo thành một sân chơi nghệ thuật, để nghệ thuật chèo sống trong dân gian sẽ chính là một biện pháp bảo tồn hiệu quả đối với thành phố Hải Phòng hiện nay. Có thể mở các lớp lớp hát chèo cho thanh, thiếu niên yêu loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này. Mỗi khoá học kéo dài từ 10 đến 20 ngày hoặc lâu hơn. Người truyền dạy là các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Chèo Hải Phòng, dạy những kỹ năng cơ bản về nghệ thuật hát chèo truyền thống, các thế múa cơ bản trong chèo, các làn điệu chèo cổ, luyện thanh, luyện phách, nhịp trống chèo, diễn xuất trên sân khấu. Qua các lớp tập huấn này có thể phát hiện được những hạt nhân, tạo điều kiện cho họ tham dự những hội thi, hội diễn và tạo điều kiện để họ trở thành những hạt nhân văn nghệ nòng cốt trong phong trào nghệ thuật chèo không chuyên của các xã, phường, là những cầu nối tiếp tục mang chèo đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
3.3.2.4. Đưa hoạt động nghệ thuật chèo vào học đường
Trên thực tế, đã từng có các dự án sân khấu học đường được triển khai ở một số địa phương và có được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, những dự án này mới chỉ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn nên chưa tạo ra được dấu ấn xã hội và chưa đủ sức để tạo nên phong trào. Để hoạt động bảo tồn nghệ thuật chèo thực sự có được cơ sở nền tảng thì một trong những giải pháp là đưa hoạt động nghệ thuật chèo trở thành hoạt động ngoại khóa trong chương trình giáo dục phổ thông ở Hải Phòng. Trước tiên sẽ tổ chức các buổi nói chuyện, giới thiệu và biểu diễn nghệ thuật chèo tại các cơ sở giáo dục phổ thông, sau đó có thể tổ chức hình thức câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống trong các trường phổ thông. Trong khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ mai một thì việc giáo dục về nghệ thuật chèo không chỉ là dạy cho các em biết yêu quí một hình thức nghệ thuật truyền thống mà
còn mang đến cho học sinh những giá trị đạo đức, nhân văn, qua đó tiếp thị đến thế hệ tương lai về các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Từ hoạt động ngoại khóa trên, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cuộc thi, liên hoan tiếng hát chèo cho học sinh. Đây sẽ là một hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn và góp phần tích cực vào việc bảo tồn nghệ thuật chèo trong lớp trẻ.
3.3.2.5. Gắn kết hoạt động biểu diễn nghệ thuật chèo với du lịch
Một trong những thế mạnh của Hải Phòng là du lịch, những năm qua, lượng du khách đến các khu du lịch của Hải Phòng như: Đồ Sơn, Cát Bà ngày càng tăng. Chúng ta cần nhìn nhận sân khấu truyền thống là một hiện tượng văn hóa mang bản sắc vùng miền để có phương án bảo tồn và phát triển một cách hợp lý. Do vậy, cần tổ chức, đầu tư cho các hoạt động câu lạc bộ sân khấu chèo ở các địa phương, gắn hoạt động sân khấu vùng miền với hoạt động du lịch. Việc tổ chức hoạt động biểu diễn chèo tại các điểm du lịch, cũng như tại những tụ điểm ở đường phố không chỉ là quảng bá, giới thiệu một sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc với cộng đồng người Việt Nam và du khách quốc tế mà còn tạo nguồn thu cho các nghệ sĩ, khuyến khích sự phát triển các câu lạc bộ chèo, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, để hoạt động này diễn ra thường xuyên, có hiệu quả cần có qui định thống nhất và sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch và các công ty du lịch, khách sạn nhà hàng.
Trong thực tế, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long (Hà Nội) đã triển khai thực hiện hoạt động gắn kết du lịch khá thành công, nhà hát thu hút rất nhiều khách du lịch đến xem và tham gia biểu diễn. Để chèo đạt được thành công này, cũng cần phải xây dựng một chương trình riêng phù hợp phục vụ khách du lịch: thời lượng vừa đủ, biểu diễn nhiều bằng ngôn ngữ hình thể, hoặc có những tờ rơi tóm tắt nội dung vở diễn được dịch sang tiếng Anh hoặc một số ngoại ngữ của các nước có đông khách du lịch để thu hút khách xem
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt Động Bảo Tồn Nghệ Thuật Chèo Tại Thái Bình
- Giải Pháp Quản Lý Hoạt Động Nghệ Thuật Chèo Tại Thành Phố Hải Phòng
- Giải Pháp Quản Lý Hoạt Động Nghệ Thuật Chèo Ở Thành Phố Hải Phòng
- Quản lý hoạt động nghệ thuật chèo tại thành phố Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay - 21
- Quản lý hoạt động nghệ thuật chèo tại thành phố Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay - 22
- Phỏng Vấn Tiến Sĩ Trần Đình Ngôn, Nguyên Viện Trưởng Viện Sân Khấu, Nhà Viết Chèo
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
nhiều hơn. Bên cạnh đó, lịch biểu diễn của nhà hát cần xây dựng linh hoạt, phù hợp với du khách. Đồng thời, cũng cần có phương án quy hoạch điểm đỗ xe thuận lợi, cải tạo hệ thống rạp hiện đại, đáp ứng số lượng các đoàn khách khác nhau, tạo điều kiện tốt nhất cho khán giả.
Với tiềm năng, lợi thế của thành phố trong phát triển ngành công nghiệp dịch vụ, việc gắn kết công tác bảo tồn nghệ thuật chèo với du lịch không chỉ để quảng bá nghệ thuật truyền thống dân tộc đến với du khách mà còn phù hợp với quy luật cung – cầu của kinh tế thị trường (khách có nhu cầu – địa phương có tiềm năng, điều kiện để đáp ứng), tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đội ngũ tác giả, diễn viên trong các đoàn nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng cần hết sức tránh việc dàn dựng, biểu diễn những tác phẩm chạy theo thị hiếu của người xem, không chú ý đến việc bảo vệ cấu trúc, giá trị đặc sắc độc đáo của nghệ thuật chèo. Việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo truyền thống sẽ là việc làm hữu hiệu để việc gắn kết nghệ thuật chèo với du lịch phát triển bền vững.
Tiểu kết
Cùng với những hình thức văn nghệ cổ truyền, sân khấu chèo không chỉ hiện diện trong đời sống như một nghệ thuật giải trí mà còn ẩn tàng trong đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhận thức rò giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống trong phát triển văn hóa, xã hội, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống là bảo tồn gắn liền với phát triển. Qua hoạt động thực tiễn cũng như trong như định hướng phát triển, thành phố Hải Phòng luôn coi trọng phát triển văn hóa, xã hội đi đôi với phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như nghệ thuật chèo để phát triển.
Hiện nay, công tác bảo tồn nghệ thuật chèo nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung đã trở thành chủ trương của Đảng, Nhà nước và từng hiện diện trong suy nghĩ, mong muốn của nhiều người, nhiều cấp quản lý. Nhưng
do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau nên vấn đề bảo tồn nghệ thuật chèo vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra. Về phía đơn vị nghệ thuật, một phần do hạn chế về nhận thức, mặt khác do phải gắng sức bươn chải trước những khó khăn trong bối cảnh xã hội hiện nay nên chưa có đơn vị chèo chuyên nghiệp nào thực sự quan tâm tới công tác bảo tồn. Trên phương diện công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thực tế, một số địa phương đã quan tâm tới hoạt động của nghệ thuật truyền thống nói chung, sân khấu chèo nói riêng, nhưng số địa phương như vậy chưa nhiều và dường như mới chỉ mang tính chất hỗ trợ về tài chính đối với đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập.
Việc bảo tồn nghệ thuật chèo nói riêng, sân khấu nói chung cần phải nghiên cứu mang tính tổng hợp, thấu đáo, khoa học và phù hợp mới có thể giải quyết vấn đề bảo tồn và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đòi hỏi phải vận dụng tốt lý thuyết này vào thực tiễn, cần có được sự vận hành đồng bộ, thống nhất của nhiều cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng thời, phải bắt đầu từ những công việc hết sức cụ thể, thiết thực như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cơ chế chính sách cho nghệ sĩ; công tác tuyên truyền, quảng bá….
Tuy nhiên, nhiều năm qua, vấn đề lý luận xoay quanh việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo vẫn còn chưa ngã ngũ. Cơ quan quản lý thì chưa có định hướng và biện pháp cụ thể, nhiều đơn vị nghệ thuật thì lúng túng trong khâu xử lý. Vì vậy, những câu hỏi như bảo tồn nghệ thuật chèo ở đâu, bảo tồn như thế nào, biện pháp ra sao vẫn còn chưa có lời giải đáp cuối cùng. Qua phân tích cho thấy, kinh nghiệm được rút ra qua những quan điểm về bảo tồn nghệ thuật chèo là đổi mới phải trên cơ sở hiểu biết và nắm vững cái cốt lòi của truyền thống, từ đó tiếp thu những cái hay để bổ sung cho chỗ hụt hẫng của chèo, đồng thời bảo tồn phải gắn với vùng miền, phải trả về môi trường mà chèo đã sinh ra.
KẾT LUẬN
1. Di sản văn hóa Việt Nam, trong đó có nghệ thuật sân khấu chèo là tài sản vô giá của dân tộc. Suốt quá trình ra đời, hình thành và phát triển, nghệ thuật chèo không ngừng tích hợp vào nó nhiều chất liệu và yếu tố văn hóa mới để ngày càng phong phú, hoàn thiện hơn. Từ một hình thức văn nghệ dân gian, chèo trở thành loại hình nghệ thuật phổ biến, là món ăn tinh thần của quần chúng nhân dân. Đặc biệt hơn, chèo còn giữ một vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam. Nghệ thuật chèo kết tinh trong nó những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức nhân văn... Cùng với nhiều hình thức văn nghệ, chèo đã góp phần hun đúc nên tâm hồn người Việt và bản sắc văn hóa Việt Nam.
2. Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương là những vùng đất thuộc chiếng chèo Đông nổi tiếng. Đoàn Chèo Hải Phòng trong những ngày đầu thành lập, đã tập hợp được một đội ngũ diễn viên chèo xuất sắc tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật do các nghệ nhân chèo truyền dạy, xây dựng nhiều vở diễn có chất lượng cao, mau chóng trở thành đoàn chèo có tiếng tăm trên miền Bắc với các tiết mục: Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Súy Vân giả dại (vở chỉnh lý chèo cổ của Trần Huyền Trân), Tiếng trống hội mùa, Bài ca chính khí... Đến thời kỳ đổi mới, trước những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là sự chuyển đổi cơ chế quản lý văn hóa nghệ thuật, chèo Hải Phòng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với truyền thống của mình, chèo Hải Phòng vẫn vững vàng bước tiếp. Nhiều vở diễn phản ảnh đời sống xã hội hiện đại, những vẫn đề mới của đời sống đương đại được đưa vào trong các tác phẩm nghệ thuật chèo nhưng vẫn giữ được bản sắc chèo. Chèo Hải Phòng đã hình thành được một phong cách nghệ thuật riêng, vừa giữ được bản sắc chèo truyền thống, vừa đẩy nhanh tiết tấu mang hơi thở của thành phố công nghiệp hiện đại, các vở diễn giàu tính hiện đại.
3. Trong giai đoạn hiện nay, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật
truyền thống khác, nghệ thuật chèo Hải Phòng cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức: chịu sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật, thông tin giải trí hiện đại; sức ép của đời sống kinh tế, nhịp sống công nghiệp không còn thời gian để tham gia các câu lạc bộ, sự đa dạng của các hoạt động vui chơi giải trí hiện đại khiến cho các câu lạc bộ chèo ở các địa phương giảm dần; sự thiếu vắng các tác giả, đạo diễn dẫn đến thiếu thốn kịch bản, thiếu đội ngũ nhân lực nghệ thuật chuyên môn chất lượng cao nên không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Cùng với đó là một loạt những nguyên nhân chủ quan như: sự thiếu quan tâm chỉ đạo của các nhà quản lý, các cấp chính quyền; sự “lúng túng” trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo của các cơ quan chuyên môn...
4. Từ lâu nay, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, chèo nói riêng đã được nhiều cơ quan có thẩm quyền các cấp, viện nghiên cứu, hội nghệ sĩ sân khấu và xã hội đề cập đến. Tuy nhiên, dường như các ý kiến khoa học trong hội thảo vẫn chỉ dừng lại ở hội thảo với các lý thuyết căn bản. Cơ quan quản lý chưa đưa ra được định hướng, cũng như biện pháp cụ thể để triển khai hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo cho phù hợp với thực tế hiện nay. Ở một số địa phương, được sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, công tác bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống đã được triển khai và đem lại hiệu quả nhất định. Nhưng số địa phương như vậy còn khá ít ỏi, hơn nữa biện pháp bảo tồn cũng chưa được triển khai đồng bộ, liên tục, thành ra còn mang tính tự phát
5. Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc là công việc đầy phức tạp, nhiều khó khăn thử thách, đồng thời chịu rất nhiều áp lực từ sự biến động thực tiễn và sự chi phối của thực tiễn. Do đó, thật khó để tìm kiếm một lý thuyết giống như một chìa khóa vạn năng về bảo tồn và phát triển để
định hướng cho công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc hiện nay. Mọi lý thuyết đưa ra đều chỉ mang tính tương đối, chỉ giải quyết được một phạm vi nào đó của hiện thực mà thôi.
6. Các giải pháp nghiên cứu sinh đưa ra trong luận án này là những gợi mở về công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo trong giai đoạn hiện nay. Những giải pháp được đề xuất xuất phát từ quá trình nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu các giải pháp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và từ chính thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật của nghiên cứu sinh. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, để nghệ thuật chèo Hải Phòng được bảo tồn và phát huy giá trị, thành phố cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp với những giải pháp quyết liệt và triệt để. Việc bảo tồn nghệ thuật chỉ có thể thực hiện thành công nếu chính quyền các cấp và các ban, ngành cùng chung tay gánh vác.
7. Trong quá trình hội nhập hôm nay, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, bảo tồn nghệ thuật chèo không còn là trách nhiệm của riêng ai bởi lẽ chèo không chỉ là một hình thức nghệ thuật của một thời, một người mà nó còn lưu giữ những mã "gen" văn hóa của dân tộc, cần được bảo tồn và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt đối với một thành phố Cảng công nghiệp, hiện đại, là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Hải Phòng, việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống còn là cơ hội quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung của thành phố nói riêng đối với bạn bè quốc tế khi đến Hải Phòng công tác, lao động và học tập.
Cùng với những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội trong những năm vừa qua, nếu chính quyền thành phố Hải Phòng quan tâm đầu tư cho văn hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống sẽ góp phần xây dựng thành phố Hải
Phòng phát triển văn minh, hiện đại, bền vững và giàu bản sắc văn hóa.
Chắc chắn rằng, với sự quan tâm, đầu tư đúng mức và những giải pháp đồng bộ, cụ thể, sự nghiệp bảo tồn nghệ thuật chèo ở Hải Phòng sẽ có được hiệu quả tốt đẹp./.