- Hoạt động câu lạc bộ:
Câu lạc bộ là hình thức hoạt động của những nhóm học sinh cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu,… dưới sự định hướng của giáo viên nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực giữa các học sinh với nhau và giữa học sinh với thầy cô giáo, với những người lớn khác. Hoạt động của CLB tạo cơ hội để học sinh được chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của mình về sự kiện Lịch sử mà các em quan tâm, qua đó phát triển các kĩ năng của học sinh như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe và biểu đạt ý kiến, kĩ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng, kĩ năng viết bài, kĩ năng chụp ảnh, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề,…Thông qua hoạt động của các CLB, giáo viên hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu, nguyện vọng mục đích chính đáng của HS.
- Tổ chức diễn đàn:
Diễn đàn là một hình thức tổ chức hoạt động được sử dụng để thúc đẩy sự tham gia của học sinh thông qua việc các em trực tiếp, chủ động bày tỏ ý kiến của mình với đông đảo bạn bè, nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ và những người lớn khác có liên quan. Diễn đàn là một trong những hình thức tổ chức mang lại hiệu quả thiết thực trong day học lịch sử. Thông qua diễn đàn, học sinh có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, quan niệm hay những câu hỏi, đề xuất của mình về một sự kiện LS nào đó có liên quan đến nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng của các em. Đây cũng là dịp để các em biết lắng nghe ý kiến, học tập lẫn nhau. Vì vậy, diễn đàn như một sân chơi tạo điều kiện để học sinh được biểu đạt ý kiến của mình một cách trực tiếp với đông đảo bạn bè và những người khác. Diễn đàn thường được tổ chức rất linh hoạt, phong phú và đa dạng với những hình thức hoạt động cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
- Sân khấu tương tác:
Sân khấu tương tác (hay sân khấu diễn đàn) là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi những người tham gia. Phần trình diễn chính là một cuộc chia sẻ, thảo luận giữa những người thực hiện và khán giả, trong đó đề cao tính tương tác hay sự tham gia của khán giả. Mục đích của hoạt động này là nhằm tăng cường nhận thức của HS về lịch sử, thúc đẩy để học sinh đưa ra quan điểm, suy nghĩ và cách xử lí tình huống của các em về một sự kiện Lịch sử. Thông qua sân khấu
tương tác, sự tham gia của học sinh được tăng cường và thúc đẩy, tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện những kĩ năng như: kĩ năng phát hiện vấn đề, kĩ năng phân tích vấn đề, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo khi giải quyết tình huống và khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống,…
- Tham quan các di tích lịch sử:
Tham quan, là một hình thức tổ chức học tập thực tế hấp dẫn đối với học sinh. Mục đích của tham quan là để các em học sinh được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các vật chứng, các công trình văn hóa, bảo tàng, di tích lịch sử,… ở xa hoặc ở nơi các em đang sống, học tập, giúp các em có được những cái nhìn, nhận định đúng đắn về lịch sử, qua đó giáo dục lòng yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, truyền thống của Đảng, của Đoàn, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
- Hội thi / cuộc thi:
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm ở các trường THCS thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - 2
- Tổng Quan Về Lịch Sử Nghiên Cứu Vấn Đề
- Dạy Học Môn Lịch Sử Theo Hướng Trải Nghiệm Ở Trường Thcs
- Kiểm Tra, Đánh Giá Thực Hiện Kế Hoạch Dạy Học Môn Lịch Sử Theo Hướng Trải Nghiệm Cho Học Sinh Ở Trường Thcs
- Kết Quả Xếp Loại Học Lực Môn Lịch Sử Của Học Sinh Các Trường Thcs Thị Xã Đông Triều Trong 3 Năm Trở Lại Đây
- Đánh Giá Của Cbql Và Gv Về Các Hình Thức Dạy Học Môn Lịch Sử Theo Hướng Trải Nghiệm Đã Triển Khai
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
Hội thi/cuộc thi là một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn học sinh và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp, giáo dục, rèn luyện và định hướng giá trị cho tuổi trẻ. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể luôn hoạt động tích cực để vươn lên đạt được mục tiêu mong muốn thông qua việc tìm ra người/đội thắng cuộc. Chính vì vậy, tổ chức hội thi trong dạy học Lịch sử cho học sinh là một yêu cầu quan trọng, cần thiết của nhà trường, của giáo viên trong quá trình day học môn LS thông qua hoạt động trải nghiệm.
- Hoạt động giao lưu:
Giao lưu trong DH lịch sử là một hình thức tổ chức giáo dục nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để cho học sinh được tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi thông tin với những nhân vật là nhân chứng của các sự kiện Lịch sử như tổ chức giao lưu với các bác cựu chiến binh là những nhân chứng sống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, giao lưu với các nhà sử học,…Qua đó, giúp các em có tình cảm và thái độ phù hợp, có được những lời khuyên đúng đắn để vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.
Hoạt động giao lưu có một số đặc trưng sau:
- Phải có đối tượng giao lưu. Đối tượng giao lưu là những người điển hình, những nhân chứng Lịch sử, có hiểu biết tường tận về các sự kiện Lịch sử, thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phù hợp với nhu cầu hứng thú của học sinh.
- Thu hút sự tham gia đông đảo và tự nguyện của học sinh, được học sinh quan tâm và hào hứng.
- Phải có sự trao đổi thông tin, tình cảm hết sức trung thực, chân thành và sôi nổi giữa học sinh với người được giao lưu. Những vấn đề trao đổi phải thiết thực, liên quan đến lợi ích và hứng thú của học sinh, đáp ứng nhu cầu của các em.
Với những đặc trưng trên, hoạt động giao lưu rất phù hợp với các hoạt động trải nghiệm Lịch sử theo chủ đề. Hoạt động giao lưu dễ dàng được tổ chức trong mọi điều kiện của lớp, của trường, của địa phương.
1.3.1.4. Một số yêu cầu cơ bản đối với giáo viên THCS khi tổ chức dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm
Đối với hoạt động dạy học môn Lịch sử nói chung và hoạt động dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm nói riêng, ngoài những yêu cầu chung của giáo viên cần có về phẩm chất, năng lực, kỹ năng sư phạm, người giáo viên dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm cần có các Kỹ năng sau:
- Kỹ năng thiết kế kế hoạch và kịch bản HĐTN, thông qua đó người GV có thể tiến hành một cách khoa học, logic, cũng qua đó CBQL các nhà trường có thể quản lý được việc thực hiện dạy học của GV và HS một cách chi tiết, hiệu quả.
- Kỹ năng chọn chủ đề và tên HĐTN hấp dẫn nhằm thu hút, lôi kéo học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm đối với môn học.
- Kỹ năng hướng dẫn học sinh tổ chức và tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm môn học trong khuôn khổ chương trình, thời gian quy định của môn học.
- Kỹ năng phối hợp các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tổ chức HĐTN môn học trong quá trình dạy học.
- Kỹ năng xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện các HĐTN.
- Kỹ năng điều phối các hoạt động sao cho hiệu quả, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh tham gia trải nghiệm môn học.
- Kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động HĐTN môn học nhằm điều chỉnh và khích lệ thái độ, tinh thần tham gia các hoạt động trải nghiệm của học sinh, cũng từ đó rút ra kinh nghiệm của bản thân để thực hiện các hoạt động trải nghiệm lần sau được hiệu quả hơn.
Các kỹ năng trên có mối quan hệ biện chứng với nhau trong năng lực tổ chức dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm của giáo viên.
1.3.2. Quản lý dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm ở trường THCS
Tổ chức hoạt động giáo dục trong đó có quản lí DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm ở trường THCS là hoạt động quan trọng, cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử của nhà trường. Để có thể quản lý tốt hoạt động này thì hiệu trưởng phải thực hiện tốt các công việc sau:
1.3.2.1. Xây dựng kế hoạch quản lý dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm
Lập kế hoạch là một chức năng cơ bản của quản lý, trong đó phải xác định những vấn đề như nhận định và phân tích tình hình, bối cảnh; dự báo các khả năng; lựa chọn và xác định các mục tiêu, mục đích và hoạch định con đường, cách thức biện pháp để đạt được mục tiêu, mục đích của quá trình. Trong mỗi kế hoạch thường bao gồm các nội dung như xác định hình thành mục tiêu, xác định và đảm bảo về các điều kiện, nguồn lực của tổ chức để đạt được mục tiêu và cuối cùng là quyết định xem hoạt động nào là cần thiết để đạt được mục tiêu đặt ra.
Khi lập kế hoạch quản lý dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm, người CBQL trường học cần thực hiện các nội dung sau:
Xây dựng kế hoạch chung, trong đó nhà QL phải tiến hành những công việc cơ bản sau:
- Đánh giá được thực trạng của nhà trường liên quan đến HĐTN, làm rõ điều kiện nguồn lực đáp ứng cho hoạt động DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm.
- Xác định mục tiêu có tính khả thi khi thực hiện DH môn LS theo hướng trải nghiệm.
- Lựa chọn được những hoạt động TN cần tiến hành theo từng chủ đề của môn Lịch sử trong tuần, tháng, kỳ, năm học, và cách thức tiến hành, quan tâm đến nội dung HĐTN: Trải nghiệm nhận thức, trải nghiệm xã hội, trải nghiệm tình cảm, trải nghiệm mô phỏng thông qua máy tính, trò chơi vv..
+ Trải nghiệm nhận thức được thiết kế theo chủ đề của môn Lịch sử hoặc các sự kiện Lịch sử liên quan đến chủ đề môn học.
+ Trải nghiệm xã hội được thiết kế theo các chủ đề liên quan đến giải quyết các vấn đề xã hội trong môn Lịch sử: Dân số, môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, hòa nhập, bản sắc văn hóa dân tộc, đói nghèo,...
+ Trải nghiệm tình cảm được thiết kế theo các chủ đề về văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi học sinh phải thể hiện xúc cảm, tình cảm của mình trước các sự kiện, các vấn đề nêu ra.
+ Trải nghiệm mô phỏng được thiết kế theo các chủ đề tái dựng lại các sự kiện Lịch sử và các trò chơi dân gian.
- Sắp xếp công việc theo tiến độ hợp lý, đáp ứng nguồn lực và các biện pháp để thực hiện có hiệu quả.
Những yêu cầu khi xây dựng kế hoạch dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm:
Căn cứ vào nhiệm vụ năm học và kế hoạch dạy học môn LS, Phó Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm cho từng khối lớp hoặc toàn trường và chỉ đạo giáo viên tổ chức thực hiện.
Kế hoạch DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm cần xác định rõ:
- Tên hoạt động của từng chủ đề hay từng bài học hoặc tích hợp các môn học: lựa chọn tên mang ý nghĩa và thu hút được sự quan tâm của các đối tượng tham gia; phù hợp với mục đích yêu cầu của môn học và tâm lý lứa tuổi học sinh.
- Mục tiêu của hoạt động: phải rõ ràng, phù hợp với mục tiêu của giáo dục, kiến thức, nhận thức, khả năng, năng lực của học sinh,...
- Nội dung DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm: phù hợp và có mối quan hệ với hoạt động dạy học, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.
- Năng lực của giáo viên, học sinh khi triển khai thực hiện.
- Các lực lượng tham gia: CBGV, học sinh trong trường có thể mời thêm các chuyên gia, cha mẹ học sinh, địa phương, các tổ chức có liên quan.
- Nguồn lực tham gia: Nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính cần sử dụng, sự phối kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường.
- Thời gian thực hiện: Ngày, tuần, tháng, học kỳ
- Kết quả cần đạt được: Sự mở rộng, khắc sâu về kiến thức Lịch sử đã dược học, sự phát triển về kỹ năng hành vi ở học sinh.
- Các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm.
1.3.2.2. Tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm cho học sinh ở trường THCS
Tổ chức thực hiện kế hoạch DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm cho học sinh THCS có liên quan mật thiết đến việc tổ chức hoạt động học tập văn hoá, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường.
Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch HT cần:
- Thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm do Hiệu trưởng làm trưởng ban, và đại diện của các tổ chức đoàn thể và đại diện giáo viên bộ môn LS và GVCN ở các khối lớp, các tổ chức trong và ngoài nhà trường có liên quan.
- Giải thích mục tiêu, yêu cầu, của kế hoạch DH môn LS theo hướng trải nghiệm. Thảo luận biện pháp thực hiện kế hoạch.
- Sắp xếp bố trí nhân sự, phân công trách nhiệm quản lý, huy động cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho thực hiện kế hoạch. Khi sắp xếp bố trí nhân sự, Hiệu trưởng phải biết được phẩm chất và năng lực của từng người, mặt mạnh, mặt yếu, nếu cần có thể phân công theo từng “ê kíp” để công việc được tiến hành một cách thuận lợi và có hiệu quả.
Nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch DH môn LS theo hướng trải nghiệm trong trường THCS là trách nhiệm của giáo viên bộ môn, nhân viên trong nhà trường, song đặc biệt là đội ngũ GVCN và cán bộ Đoàn - Đội.
Đội ngũ cán bộ Đoàn - Đội chính là giáo viên Tổng phụ trách của nhà trường mà giáo viên Tổng phụ trách là người trực tiếp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chuyên về văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí cho học sinh thông qua các chuyên đề Đội.
GVCN là cây cầu nối giữa GV bộ môn LS, CBQL nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch DH môn LS theo hướng trải nghiệm.
Trong việc tổ chức thực hiện, Hiệu trưởng cần tạo điều kiện cho người tham gia phát huy tinh thần tự giác, tích cực, phối hợp cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Bồi dưỡng năng lực tổ chức HĐTN cho giáo viên nói chung và GV môn LS nói riêng nếu thấy cần thiết, huy động và phân phối các nguồn lực để tiến hành HĐTN cho học sinh có hiệu quả. Việc huy động các nguồn tài chính để tổ chức HĐTN cho học sinh bằng nhiều nguồn tài chính khác nhau như: nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, nguồn tài chính từ cha mẹ học sinh đóng góp, nguồn tài chính từ các tổ chức ngoài trường tài trợ từ cá nhân và tổ chức ngoài trường,...
- Phối hợp các lực lượng trong và ngoài trường để thực hiện HĐTN môn lịch sử.
HĐTN môn LS có thể diễn ra trong nhà trường và ngoài nhà trường, các lực lượng giáo dục có ảnh hưởng tới hoạt động đó là: các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường và ngoài nhà trường, phụ huynh, GV, CBQL và HS.
Đối với học sinh THCS, lứa tuổi năng động, cơ thể bắt đầu phát triển… nên việc lĩnh hội kiến thức, kỹ năng đối với HS cần chuyển tải những kiến thức, kỹ năng đúng, đủ, được phát triển một cách "nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả", tránh nặng nề, gây cho HS những áp lực tinh thần, phản tác dụng giáo dục.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả HĐTN môn LS không chỉ có nhà trường và gia đình mà phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Các lực lượng tham gia phối hợp bao gồm: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh, GVCN, GVBM, nhân viên, Hội cha mẹ HS, các tổ chức xã hội: Đoàn phường, xã, Công an, Phụ nữ, các đơn vị kết nghĩa... Mỗi lực lượng giáo dục đều có thế mạnh riêng, vì vậy quản lý tốt việc phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để tổ chức tốt hoạt động DH môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm chính là thực hiện XHH giáo dục, tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho HS.
1.3.2.3. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm cho học sinh ở trường THCS
Chỉ đạo thực hiện hoạt động dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm là sự can thiệp của Hiệu trưởng vào toàn bộ quá trình quản lý hoạt động dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm để bảo đảm việc thực hiện trải nghiệm được diễn ra đúng hướng, đúng kế hoạch, tập hợp và phối hợp các lực lượng giáo dục sao cho đạt hiệu quả.
Việc chỉ đạo hoạt động dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm sẽ đạt hiệu quả cao nếu trong quá trình chỉ đạo Hiệu trưởng biết kết hợp giữa sử dụng uy quyền và thuyết phục, động viên khích lệ, tôn trọng, tạo điều kiện cho người dưới quyền được phát huy năng lực và tính sáng tạo của họ.
Cụ thể việc chỉ đạo thực hiện hoạt động dạy học môn Lịch sử theo hướng trải nghiệm trong trường THCS được tiến hành như sau:
- Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên bộ môn, GVCN, Tổng phụ trách Đội xây dựng chương trình, kế hoạch HĐTN, chương trình HĐTN môn LS dựa trên kế hoạch hoạt động và định hướng hoạt động ngoại khóa của môn LS. GVBM và GVCN là người thiết kế tổ chức thực hiện các hoạt động thường xuyên tại lớp mình và là người chỉ đạo, tổ chức cho HS tham gia các HĐTN theo chủ đề, chủ điểm của môn LS. Vì vậy, việc quản lý được thể hiện ở những nội dung: Quản lý việc xây dựng kế hoạch hoạt động thường xuyên của giáo viên như: Xây dựng kế hoạch cá nhân có nội dung
HĐTN cho học sinh theo từng chủ đề, chủ điểm ứng với các nội dung(theo môn học, liên môn, giáo dục đạo đức, lối sống, hoạt động xã hội,…), xây dựng nội dung HĐTN và địa điểm thực hiện (hoạt động diễn ra ở đâu, của lớp, khối nào, như thế nào? vai trò của GVBM, GVCN ra sao? thời gian, hình thức, nội dung thực hiện có đúng quy định không? ý thức tự quản của học sinh ra sao?...); Chỉ đạo giáo viên bộ môn chuẩn bị hoạt động theo chủ điểm, chủ đề (lớp có tham gia hay không? mức độ tham gia thế nào? kết quả ra sao?...); Chỉ đạo giáo viên phối hợp các lực lượng khác như: cán bộ Đoàn - Đội, PHHS, các tổ chức đoàn thể để thực hiện chương trình và kế hoạch HĐTN môn Lịch sử, phối hợp với các tổ chức xã hội trong việc tổ chức HĐTN cho học sinh; chỉ đạo giáo viên thực hiện việc kiểm tra đánh giá kết quả HĐTN môn học của học sinh.
- Chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức HĐTN.
Hoạt động trải nghiệm môn LS càng đa dạng phong phú bao nhiêu càng có sức thu hút học sinh bấy nhiêu, vì vậy giáo viên bộ môn cần phải thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức HĐTN để thu hút học sinh tham gia hoạt động để tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế và nâng cao kiến thức môn học đã được tiếp thu trong nhà trường.
- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội dung, chương trình HĐTN.
Hiệu trưởng cần: Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của môn học, nội dung giáo dục và nhiệm vụ của học kỳ, của năm học; Căn cứ vào kế hoạch học tập chính khóa của học sinh theo khối lớp; Căn cứ vào đặc điểm trình độ nhận thức của học sinh vùng miền; Căn cứ vào điều kiện tài chính, cơ sở vật chất của nhà trường, từ đó chỉ đạo giáo viên bộ môn, GVCN, Đoàn - Đội xây dựng chương trình kế hoạch HĐTN và thực hiện kế hoạch hoạt HĐTN môn LS.
Hoạt động trải nghiệm môn LS phải xác định rõ về mục tiêu, nội dung, thời gian, đa dạng về hình thức, phương pháp thực hiện, giáo viên phải có nghệ thuật thu hút học sinh tham gia. HĐTN phải tạo được sân chơi cho học sinh và có tác dụng tạo môi trường cho học sinh trải nghiệm cuộc sống thực tế gắn việc học đi đôi với thực hành, luyện tập.
Thông qua hoạt động trải nghiệm môn LS giáo viên củng cố, mở rộng tri thức đã học cho học sinh, rèn kĩ năng phán đoán, thực hành, khả năng thích ứng, khả năng sáng tạo trong cuộc sống cho học sinh.