Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 4

Platon về tri thức. Tại giai đoạn này, thuật ngữ “kanon” mang ý nghĩa là thước đo của đạo đức và tri thức.

Ở những thế kỷ sau, người La Mã la tinh hóa “kanon” thành “canon”. Họ bắt đầu sao chép, phỏng theo các kiệt tác của người La Mã trong các lĩnh vực nghệ thuật, kể cả văn chương. Như vậy, sự xuất hiện những tác phẩm sao chép được cho là một dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của điển phạm. Tuy thế, sự mô phỏng các tác phẩm nổi tiếng cũng có chức năng về mặt ý thức hệ, bởi vì sự viện dẫn các tiền lệ lịch sử có tính điển hình thường là một hành động để chính thống hóa quyền lực chính trị đương thời. Lúc này, sự phân biệt giữa các tác giả “cổ đại” và “hiện đại”, “cổ điển” và “đương thời”, đa số và thiểu số đã bắt đầu được công thức hóa. Đến thế kỷ IV, điển phạm được coi là danh mục sách cần để học, ví dụ như sách văn học của Cơ đốc giáo. Lịch sử hình thành các điển phạm kinh thánh kéo dài đến tận thế kỷ XVI. Ở thời trung cổ này, đã có sự chuyển biến trong định nghĩa: điển phạm vẫn được coi là khuôn mẫu về nghệ thuật và đạo đức, nhưng bổ sung thêm phương diện là danh sách những kiến thức sư phạm về nghệ thuật tự do, đặc biệt là ngữ pháp, thực hành ngôn ngữ, văn học.

Đến cuối thời trung cổ và bước vào giai đoạn Phục Hưng, văn học của các ngôn ngữ nói ở châu Âu trở thành điển phạm chủ yếu qua con đường mô phỏng các tác phẩm cổ điển cổ đại, như cách mà văn học tiếng Latin đã làm trước đó với di sản của người Hy Lạp. Các nhà thơ cổ đại được sao chép nhằm mục đích chính thống hóa văn học đương đại và những giá trị mà nó đại diện cho. Tuy vậy, mô phỏng và sao chép các tác phẩm văn học cổ điển chỉ là một trong những cách thức mà các nền văn học của các ngôn ngữ nói dùng để nâng cao vị trí của mình. Giữa điển phạm hiện đại và cổ trung đại có những sự khác biệt lớn. Trước hết, cuộc sống vật chất và điều kiện xã hội đã tạo nên những thay đổi bản chất trong việc sáng tác, phát hành và tiếp nhận tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, phải tính đến sự hình thành của nhà nước- dân tộc hiện đại và tác động của nó tới việc xác định những điển phạm của dân tộc. Cuối cùng, các môn học về văn học thế tục đã góp phần vào quá trình điển phạm hóa những tác phẩm văn học theo của mỗi dân tộc.

Cuối thế kỷ XX, với đòi hỏi về sự bình đẳng của chủ nghĩa dân chủ, dưới sức ép của chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa đa văn hóa, văn hóa đại chúng và các lý

thuyết văn học mới, quan niệm về điển phạm văn học phương Tây như một tập hợp những tác phẩm cổ điển- những đỉnh cao của thành tựu văn hóa phương Tây, một thời được coi là có giá trị vĩnh viễn và phổ quát, thì nay đang bị xem xét lại. Điển phạm bị phê phán là nơi độc quyền của các tác giả “nam giới, da trắng và đã chết”, loại bỏ những nghệ sĩ thuộc các nhóm xã hội trong lịch sử từng thuộc các tầng lớp thấp kém hơn hoặc không phù hợp với lợi ích của nền văn hóa chủ lưu. Điều này bị cho là theo chủ nghĩa tinh hoa, gia trưởng và phân biệt chủng tộc. Những tượng đài của nền văn hóa cũ đang bị đòi hỏi thay thế bằng những cái mới, thậm chí, có những lời kêu gọi xóa bỏ điển phạm, xóa bỏ trung tâm, xóa bỏ những giá trị từng được coi là bất biến. Thêm vào đó, những ý kiến cho rằng sự đánh giá thuần túy mang tính thẩm mỹ đối với tác phẩm văn học có thể hoàn toàn tách biệt khỏi lợi ích chính trị cũng bị đặt dấu hỏi. Harold Bloom trong cuốn sách nổi tiếng The Western Canon: The Books and School of the Ages đã bảo vệ điển phạm phương Tây, ca ngợi các tượng đài văn hóa truyền thống, mục đích để văn học giữ được bản chất toàn vẹn và trong sáng nhất có thể. Ông cho rằng điển phạm tồn tại để ấn định những giới hạn, để đưa ra tiêu chuẩn đo lường mọi thứ như tri thứ và mỹ học, ngoại trừ chính trị và đạo đức. Bloom thừa nhận rằng điển phạm không bảo giờ là một cấu trúc ổn định. Ông nhấn mạnh không phải các nhà phê bình hay các học giả, càng ko phải các chính trị gia quyết định sự hình thành điển phạm. Ý tưởng về quyền lực của văn chương thâm nhập vào quan niệm điển phạm của Bloom vì ông tin rằng sự ảnh hưởng giữa các nghệ sĩ và sự cạnh tranh trong lịch sử là chìa khóa tạo ra các điển phạm lớn. Các nghệ sĩ tự mình xác lập điển phạm bằng cách trở thành cầu nối giữa những điển phạm phía trước và sau mình. Do vậy, lịch sử văn học là tự sự của các quá trình tự tạo lập hoặc ảnh hưởng giữa các nghệ sĩ. Tóm lại, sự thiết lập điển phạm là kết quả của sự xung đột nghệ thuật chứ không phải sự phát triển dần đều. Do quá coi trọng sự phát triển của bản thân đối tượng tác phẩm văn học nội tại mà Bloom đã bỏ qua mọi yếu tố xã hội tác động đến văn học. Đối với ông, điển phạm được hình thành bởi phương tiện đấu tranh lịch sử hoặc sự cạnh tranh về mỹ học, là một sự siêu nghiệm lịch sử.

Ngược với Bloom, Frank Kermode cho rằng trách nhiệm xác lập và duy trì điển phạm thuộc về các yếu tố xã hội, lịch sử, thiết chế giáo dục và giới học giả.

Giống Mác và các nhà hậu cấu trúc, ông tin vào sự ảnh hưởng của thiết chế xã hội đến việc hình thành điển phạm. Ông cho rằng điển phạm thay đổi liên tục theo thời gian bởi các thiết chế quyền lực. Trong khi đó, Bourdieu lại quan niệm sự mô phỏng điển phạm phụ thuộc vào quá trình phổ biến của tác phẩm trong xã hội cũng như cách thức nó được thể chế hóa rộng rãi. Tuy vậy, những yếu tố khác cũng phải được tính đến, đặc biệt là chất lượng của tác phẩm được xác định bởi các thiết chế có thẩm quyền. Ông lập ra mô hình của quá trình điển phạm hóa, đưa ra hàng loạt các thiết chế, tổ chức, kiểu diễn ngôn và ý nghĩa tượng trưng báo hiệu quá trình điển phạm, và khẳng định rằng sự phổ cập ở phương diện văn hóa là yếu tố cơ bản của bất kỳ tác phẩm trở thành điển phạm nào.

Các nhà xã hội học nói chung thường có xu hướng bỏ qua nội dung và giá trị mỹ học của tác phẩm văn học mà chỉ tập trung vào chức năng xã hội và tư tưởng. Điển phạm thậm chí còn bị cho là sự thông đồng với diễn ngôn của các quyền lực, và sự xác lập điển phạm xuất phát từ động cơ chính trị. Đối lập với họ, Bloom quan niệm điển phạm là sự khẳng định những trải nghiệm thẩm mỹ riêng mang màu sắc cá nhân, cách biệt xã hội bằng việc duy trì tránh xa những vấn đề của xã hội. Dù nhiều chỗ không nhất trí với Bloom, nhưng Kermode cũng đồng tình rằng cần phải đặt điển phạm đứng ngoài các vấn đề chính trị. Điển phạm, xét cho cùng, tự thiết lập bản thân như là một tập hợp văn bản có tính phổ quát, và sống một đời sống văn hóa của chính nó thông qua một sự tương tác liên tục, vĩnh cửu giữa mỗi văn bản mới và một số lượng không đoán trước được những văn bản trước nó cùng những nguyên tắc và quy chuẩn chính thức.

Tóm lại, điển phạm là những tác phẩm hay nhóm tác phẩm có tính chất mẫu mực của một nền văn học, nó lưu giữ quá khứ và liên hệ với hiện tại. Quá trình hình thành của điển phạm phải tính từ cả hai phía, trước hết là bản thân giá trị thẩm mỹ nội tại của tác phẩm, sau đó là sự ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, thiết chế xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị. Sự hình thành và lưu giữ điển phạm được tiến hành chủ yếu qua cách thức sau: một tác phẩm được coi là điển phạm khi xuất hiện sự mô phỏng và sao chép qua các thế hệ. Tuy nhiên, cũng có thể tính đến thiết chế giáo dục chính thống là nơi hình thành hay lưu giữ điển phạm và vai trò của các nhà phê bình. Điển phạm không phải là hiện thân cho các giá trị phi lịch sử và tổng quát mà

nó có tính lịch sử và biến đổi theo thời gian. Mỗi một trào lưu văn học mới sẽ khởi đầu bằng quá trình giải điển phạm một số tác phẩm từng là điển phạm và hoàn thành bằng sự điển phạm hóa một số tác phẩm mới ra đời. Những tác phẩm được coi là điển phạm sẽ trở thành khuôn mẫu, quy phạm ở các mức độ khác nhau cho một giai đoạn văn học, một nền mỹ học. Có thể nói, điển phạm chính là tự sự về một cách nhìn văn học của mỗi thời đại. Lịch sử văn học Việt Nam tính đến nay đã trải qua ba lần điển phạm hóa lớn. Lần đầu tiên diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XV với bộ phận văn học chữ Hán có ý nghĩa đánh dấu sự hoàn thành quá trình gia nhập của nền văn học Việt Nam vào vùng văn học Đông Á. Lần thứ hai diễn ra với bộ phận văn học chữ Nôm ở nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX là dấu mốc trưởng thành của nền văn học theo hướng dân tộc hóa. Hiện đại hóa nền văn học bằng chữ Quốc ngữ diễn ra vào thế kỷ XX dưới sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây chính là lần điển phạm hóa lớn gần đây nhất của nền văn học Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

3.1.2. Quá trình vận động tới điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở Việt Nam là một đề tài khá phức tạp, trong giới hạn luận án, chúng tôi chỉ lựa chọn một phạm vi nghiên cứu nhất định, là lựa chọn ba tác giả cụ thể là Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông để nghiên cứu trường hợp. Chúng tôi hy vọng từ ba tác giả có thể khái quát những vấn đề mang tính lý thuyết cho cả giai đoạn. Chọn các tác giả này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tính quá trình nhiều hơn là bản thân điển phạm.

Ở từng tác giả, chúng tôi cũng có những giới hạn phạm vi nghiên cứu nhất định. Dù quan niệm về văn chương hành chính của nhà Nho thời trung đại khác xa so với chúng ta ngày nay, nhưng tuy vậy, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là mảng văn chương có tính chất nghệ thuật nhiều hơn là văn chương hành chính. Chính vì vậy, ở Trần Nhân Tông, chúng tôi chỉ khảo sát thơ và phú của ông mà không đề cập đến mảng thư từ ngoại giao. Chúng tôi dựa chủ yếu vào văn bản các tác phẩm và bản dịch được in trong Thơ văn Lý- Trần, tập 2 gồm 31 bài thơ, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh, một bài tán chữ Hán và hai bài phú Nôm (có tham khảo Toàn tập Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát thêm vào một bài thơ và một đoạn phiến).

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 4

Về Nguyễn Trãi, số lượng tác phẩm của ông dù đã mất mát khá nhiều sau vụ

án Lệ Chi viên, nhưng vẫn còn khá lớn so với các tác giả đương thời. Nhưng với quan niệm tập trung chủ yếu vào văn chương mang tính nghệ thuật nên chúng tôi chỉ khảo sát hai tập thơ Ức trai thi tập Quốc âm thi tập, các bài văn Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục Lam Sơn thực lục. Chúng tôi sẽ không đề cập đến Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí và các văn bản hành chính công vụ khác trong nghiên cứu của mình. Văn bản tác phẩm và bản dịch dùng để khảo sát chúng tôi sẽ dựa vào Nguyễn Trãi toàn tập tân biên do Mai Quốc Liên chủ biên (có tham khảo Nguyễn Trãi toàn tập của Ủy ban Khoa học Xã hội).

Lê Thánh Tông sáng tác khá nhiều. Quan trọng nhất và chiếm số lượng lớn nhất trong di sản văn chương của ông là thơ chữ Hán với khoảng 320 bài [165, tr. 49], bao gồm chín tập: Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Chinh Tây kỷ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, Cổ kim cung từ thi tập và Xuân vân thi tập, và gần 150 bài không thuộc tập nào. Ngoài ra ông còn để lại một bài phú chữ Hán Lam Sơn Lương thủy phú. Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông cũng sáng tác khá nhiều thơ chữ Nôm, hiện còn lại chừng vài chục bài thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập và một bài văn Nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Ngoài ra, chúng tôi cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu khác có nhiều lý do tin rằng văn bản tác phẩm Thánh Tông di thảo hiện còn rất ít khả năng là sáng tác của Lê Thánh Tông, nên sẽ không đề cập đến tác phẩm này trong luận án. Cũng vì lý do vấn đề tác giả không chắc chắn nên chúng tôi cũng sẽ không nhắc đến Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Chúng tôi sử dụng các văn bản tác phẩm và bản dịch trong Thơ văn Lê Thánh Tông (1986), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông tổng tập (2003) và Hồng Đức quốc âm thi tập (1982).

3.1.3. Sự điển phạm hóa của văn học nhà Nho là quá trình văn học nhà Nho vận động phát triển tiến đến trở thành khuôn mẫu, tiêu chuẩn cho văn chương nhà Nho đương thời và hậu thế noi theo. Điều ấy có nghĩa là, điển phạm văn học nhà Nho thuộc về một giai đoạn nhất định và không có tính chất vĩnh viễn, hay nói cách khác, không thể dùng cái nhìn của người hiện đại để phán xét điển phạm quá khứ. Dĩ nhiên quá trình này chịu sự tác động của các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội và có thể soi chiếu từ chính bản thân văn bản tác phẩm. Tuy có tính đến những yếu tố bên ngoài tác động tới văn học, nhưng luận án xác định đối tượng nghiên cứu chính là

quá trình điển phạm hóa diễn ra bên trong những văn bản tác phẩm, chính vì vậy, việc đưa ra một hệ tiêu chí để xác định đối tượng văn học nhà Nho là rất cần thiết. Những tiêu chí này được rút ra từ chính bản chất của Nho giáo và văn chương trong quan niệm của nhà Nho.

- Thứ nhất, văn học nhà Nho được sáng tác bởi các tác giả chịu ảnh hưởng của Nho giáo, trong thời đại Nho giáo có vai trò nhất định hoặc thống trị xã hội. Đây là yếu tố đầu tiên mang tính tiền đề cho sự xuất hiện của văn học nhà Nho.

- Thứ hai, về quan niệm văn học, văn chương nhà Nho chính mang đặc tính chức năng xã hội điển hình. Lưu Hiệp nói về văn như sau: “Nguồn gốc của cái văn ở con người là bắt đầu từ khi vũ trụ ra đời (thái cực). Cái đi sâu được vào nơi bí ẩn, nói lên được (tán) cái vi diệu của sự vật (thần minh) thì trước hết là các quái tượng của Kinh dịch” [3, tr. 127]. “Từ thời Phục Hi đến thời Khổng Tử, các vị thánh nhân đời xưa khai sáng. Vị vua không ngôi (Khổng Tử) thuật lại, dạy dỗ, không ai là không lấy cái tinh thần (tâm) của tự nhiên (đạo) để trình bày thành văn chương, xét các đạo lý vi diệu để giáo dục (con người)” [3, tr. 128]. “Do đó ta biết: Cái tự nhiên (đạo) nhờ các thánh nhân mà thành văn chương; các thánh nhân (ngược lại) lại dựa vào văn chương để làm sáng tỏ cái lẽ tự nhiên (đạo). (Làm như thế thì) ở đâu cũng thông suốt, không bị bế tắc, ngày nào cũng dùng mà không thấy thiếu. Kinh dịch nói: “Cái có thể cổ võ lay động thiên hạ đó là ở lời”. Cái lời sở dĩ cổ võ được thiên hạ vì nó là cái văn của tự nhiên (đạo)” [3, tr. 129]. Nho giáo quan niệm văn chương bắt nguồn từ đạo của trời, thánh nhân dùng văn để truyền tải cái đạo đấy đến với chúng nhân, nhằm giáo hóa con người theo được cái đạo đấy của trời đất. Chính vì vậy, văn chương Nho giáo là “văn dĩ tải đạo” và “thi dĩ ngôn chí”.

- Thứ ba, về chủ đề, đề tài, văn chương nhà Nho hướng đến những vấn đề của cuộc sống xã hội, những vấn đề quan thiết với cuộc đời của một nhà Nho, các chuyện tu, tề, trị, bình. Văn chương nhà Nho chính thống không quan tâm đến những chuyện ngoài phạm vi này. Nhà Nho có thể nhắc đến thiên nhiên như giang sơn gấm vóc, tùng cúc trúc mai, đến con người như ngư tiều canh mục thì tất cả cũng là để minh họa cho những nội dung mang tính xã hội, để truyền tải những vấn đề đạo lý nói trên. Văn chương nhà Nho có những giới hạn nghiêm ngặt về nội dung được đề cập đến. Điều này xuất phát từ đặc trưng của Nho giáo.

- Thứ tư, về các hình tượng trung tâm: Hình tượng số một của văn học nhà Nho là các nhà Nho hành đạo. Họ là các hình tượng nhà Nho kiểu mẫu, các mẫu hình nhân vật luôn sống theo các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo. Các hình tượng quan trọng khác của văn học nhà Nho luôn được khắc họa theo mô hình nhân cách lý tưởng của Nho gia.

- Thứ năm, về đặc trưng thẩm mỹ, cái đẹp trong văn chương nhà Nho là cái đẹp của thế giới thực tại, của đời sống thế tục. Nhà Nho tìm kiếm mục đích sống của mình ở ngay trên cõi trần gian này chứ không phải bất cứ thế giới bên ngoài nào. Đặc biệt, đối với bộ phận văn chương này, thứ quan trọng hàng đầu là cái đẹp của nhân cách chủ thể, của sự tự tu dưỡng, của nỗ lực “thận độc” trong suốt cuộc đời. Một trong những đặc trưng thẩm mỹ của văn học nhà Nho là cái đẹp của tình cảm được lý trí chế ước trong phạm vi của cái trung hòa. “Tâm tính học của Nho gia hướng tới sự phù hợp tuyệt đối, phù hợp tới độ nhất thể giữa bản năng và lễ chế/ các thiết chế xã hội. Cái đó nhà nho gọi là “phát nhi giai trúng tiết”. Nó là Hoà. Hoà ở đây là tư tưởng, tình cảm, bản năng, xúc cảm hoàn toàn được làm chủ, được điều tiết và những tình cảm bản năng đó không gì vượt ra ngoài khuôn phép. Cái tiêu chí, chỗ dựa để điều tiết đó là các quy định của lễ chế. Tu tâm dưỡng tính thực chất là làm cho tình cảm tự nhiên không mẫu thuẫn với lễ” [128].

- Thứ sáu, về phương diện thi pháp. Thời gian nghệ thuật trong văn học nhà Nho luôn hướng về quá khứ, sử dụng quá khứ làm chuẩn mực, làm thước đo cho hiện tại và tương lai. Nhà Nho xác lập cho mình một hệ giá trị dựa trên những ước lệ về một quá khứ hoàn hảo, huy hoàng, một quá khứ đại diện cho Đạo. Thời gian đối với nhà Nho không vận động mà chỉ biến đổi theo chu kỳ tuần hoàn thịnh suy, trị loạn. Không gian nghệ thuật trong văn học nhà Nho là không gian hiện thực, thế tục, là cung đình, nông thôn, sơn thủy… Nhưng những không gian này thường mang tính ước lệ, biểu trưng.

- Thứ bảy, về thể loại, văn học nhà Nho là văn chương chức năng nên coi trọng các thể loại mang tính chức năng xã hội như chiếu, biểu, cáo, hịch... Đối với văn học nhà Nho, ngay cả các thể loại mang tính nghệ thuật nhiều hơn như thơ, phú cũng bị chức năng hóa. Ví dụ trong thơ ca, thể thơ đề vịnh trở thành tiểu loại tiêu

biểu của văn chương nhà Nho, một thể thơ mượn cớ đề vịnh các đồ vật, sự vật để ký thác những vấn đề đạo đức.

- Thứ tám, các yếu tố hình thức như thi liệu, văn liệu, dụng điển có thể thấy rõ sự xuất hiện của các yếu tố liên quan đến tư tưởng, sách vở kinh điển Nho giáo. Tuy nhiên, các phương diện như nghệ thuật lập ý, dùng hình ảnh, cấu trúc ngôn từ thì văn học nhà Nho không có nhiều sự khác biệt với các bộ phận văn chương khác.

Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi không trình bày dàn trải hết các vấn đề kể trên của văn học nhà Nho mà chỉ ưu tiên lựa chọn những tiêu chí quan trọng nhất: tác giả, quan niệm văn học và đặc trưng thẩm mỹ, chủ đề- đề tài, hình tượng trung tâm, thời gian và không gian nghệ thuật. Tuy nhiên, dù không đưa thành các tiểu mục, nhưng chúng tôi cũng sẽ ít nhiều đề cập đến các yếu tố còn lại như thể loại, ngôn ngữ… trong khi trình bày các vấn đề mà chúng tôi ưu tiên.

3.2. Mục đích nghiên cứu

- Có thể nhận diện được tiến trình liên tục của văn học trung đại nói chung và văn học thế kỷ XII- XV nói riêng thông qua góc độ điển phạm hóa của văn học nhà Nho.

- Xem xét quá trình điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIII- hết thế kỷ XV trên một số phương diện cơ bản của tác giả và tác phẩm văn học, chủ yếu dựa vào chính đối tượng văn bản tác phẩm: quan niệm văn học và đặc trưng thẩm mỹ, chủ đề- đề tài, hình tượng trung tâm, không gian và thời gian nghệ thuật…

- Nghiên cứu một số trường hợp cụ thể, một số tác giả tiêu biểu dưới góc nhìn sự hình thành và phát triển của văn học nhà nho ở Việt Nam, nhìn họ như những mắt xích trong chuỗi vận động của lịch sử văn học.

- Từ đó nhận diện các đặc trưng của văn học nhà Nho ở Việt Nam trong mối tương quan với Phật, Đạo.

4. Phương pháp nghiên cứu

Vì đối tượng nghiên cứu là vấn đề điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở giai đoạn cuối thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XV nên chúng tôi sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp và cách tiếp cận khoa học khác nhau để có thể soi chiếu đối tượng từ nhiều góc độ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/01/2023