Phạm Vi, Đối Tượng Và Mục Đích Nghiên Cứu

Việt Nam (1998) của Trần Đình Sử, Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam (1998) và Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (2001) của Lê Trí Viễn, Khảo và luận một số tác gia- tác phẩm văn học trung đại Việt Nam (tập 1- 1999, tập 2- 2001) của Bùi Duy Tân, Các khuynh hướng văn học Lý- Trần (2008) của Nguyễn Phạm Hùng... Có thể nhận xét chung rằng các tác giả này đã góp phần làm rõ nét thêm các vấn đề của văn học nhà Nho trung đại từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Trong số này, chúng tôi đặc biệt chú ý Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1998) của Trần Đình Sử. Tác giả đã sử dụng hệ thống lý luận khá thịnh hành ở thời điểm đó do chính ông là người tiên phong giới thiệu và áp dụng để nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Công trình này đã bổ sung một mảng lớn còn chưa có nhiều thành tựu trong nghiên cứu văn học trung đại nói chung và văn học nhà Nho nói riêng là soi chiếu văn học từ bình diện ông gọi là “mỹ học nội tại” của sáng tác nghệ thuật, những hệ thống nguyên tắc nghệ thuật thể hiện trong chính văn bản tác phẩm. Trần Đình Sử đã đạt được những thành tựu bước đầu ở hướng nghiên cứu này, ông đã xây dựng được một mô hình tổng quan về thi pháp văn học trung đại trên các vấn đề cơ bản như loại hình văn học, các bình diện đặc trưng, thi pháp một số thể loại văn học, quan niệm về con người và thế giới và một số phương thức nghệ thuật. Ở từng yếu tố, ông đều tính đến sự tác động của các yếu tố Nho, Phật, Đạo tới thi pháp văn học trung đại. Nhiều luận điểm trong luận án của chúng tôi được phát triển từ những kết quả nghiên cứu của công trình này, cụ thể là các phân tích về không gian- thời gian nghệ thuật.

Bên cạnh đó, mấy năm gần đây xuất hiện hướng nghiên cứu văn học nhà Nho từ lý thuyết về thông diễn học của Nguyễn Kim Sơn trong cụm bài viết: Tâm tính học Nho gia và đặc trưng thẩm mỹ của văn chương nhà Nho (2006), Bàn về cảm hứng cư trần lạc đạo trong thơ Trần Nhân Tông(2006), Mấy phương diện thẩm mỹ của thơ Nho gia và Thiền gia (2007, viết chung với Trần Thị Mỹ Hòa), Cội nguồn triết học và tinh thần nhập thế của Trần Nhân Tông (2008), Sự đan xen giữa các khuynh hướng thẩm mỹ trong thơ Huyền Quang (2009). Tác giả đã bước đầu chỉ ra một số đặc trưng thẩm mỹ của văn chương nhà Nho trong tương quan với văn chương Thiền gia và Đạo gia. Chúng tôi tiếp nhận những luận điểm này của tác

giả như là những gợi ý để soi chiếu vào vấn đề điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở giai đoạn cuối thế kỷ XIII- hết thế kỷ XV.

Đoàn Thị Thu Vân trong luận án tiến sĩ Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật thơ Thiền Việt Nam thế kỷ XI-XIV (1995) [173] đã quan tâm đến khái niệm “thơ Nho”: “Thơ Nho là thơ của các tác giả theo hệ tư tưởng Nho gia và đề cập đến những vấn đề thuộc phạm trù triết học, đạo đức Nho giáo” [173, tr. 154]. Tác giả luận án đã bước đầu chỉ ra những đặc trưng nghệ thuật của “thơ Nho” thời Lý- Trần trong thế đối sánh với thơ Thiền đương thời trên một số phương diện: sự thể hiện con người, tính duy lý, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, thi liệu, giọng thơ và kết luận là những sự khác biệt này xuất phát từ đặc trưng về triết học của hai dòng thơ, một bên là triết học nhân sinh, một bên là triết học bản thể.

Phát triển hướng nghiên cứu này, Huỳnh Quán Chi trong luận án tiến sĩ Thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV (2010) [12] đã triển khai đề tài trên nhiều phương diện, từ diện mạo của dòng thơ Nho đến những cảm hứng chính, một số phương diện thi pháp. Đây là công trình gần với đề tài luận án của chúng tôi nhất dù phạm vi nghiên cứu của luận án này chỉ dừng lại từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV với một thể loại tiêu biểu nhất của giai đoạn này là thơ. Huỳnh Quán Chi đã bước đầu phác thảo diện mạo của thơ Nho trong vòng một thế kỷ. Tuy nhiên, tác giả luận án chưa chỉ ra được những đặc trưng của dòng thơ Nho ở giai đoạn này so với các giai đoạn khác, chưa quan tâm đến quá trình vận động của đối tượng nghiên cứu. Tác giả coi thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV như một đối tượng bất biến và thuần nhất để xem xét. Những yếu tố khác Nho như Phật hay Đạo vẫn còn rất đậm nét ở thời đại Tam giáo này có vai trò thế nào trong thơ Nho cũng chưa được tác tính đến.

2.3. Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông không chỉ là các tác gia văn học lớn mà họ đều là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam ở nhiều tư cách khác nhau. Xét từ tư cách là tác giả văn học và từ vấn đề điển phạm hóa của văn học nhà Nho, chúng tôi nhận thấy tình hình nghiên cứu như sau:

Các nghiên cứu về Trần Nhân Tông chủ yếu tập trung ở phương diện hoàng đế- thiền sư mà ít lưu ý tới tư cách tác giả văn học, có thể kể đến những bài viết về văn chương Trần Nhân Tông của các tác giả Trần Thị Băng Thanh, Đoàn Thị Thu

Vân, Nguyễn Huệ Chi, Trần Nghĩa, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Ngọc Lan... và các phần viết về tác giả này trong các nghiên cứu chung về thơ văn Lý- Trần của Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Hùng Hậu, Nguyễn Duy Hinh... Những tham luận của hội thảo về Trần Nhân Tông với truyền thống văn hóa, đạo đức, trí tuệ dân tộc năm 2004 được tập hợp trong cuốn Trần Nhân Tông- vị vua Phật Việt Nam (2004) và hội thảo Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp (nhân 700 năm ngày nhập niết bàn 1308-2008) (2008) cũng đã đề cập đến nhiều mặt trong sự nghiệp của Trần Nhân Tông, nhưng số lượng bài viết trực tiếp về văn chương của ông chiếm tỉ lệ không lớn. Cho đến nay, mới chỉ có cuốn Toàn tập Trần Nhân Tông (2000) của Lê Mạnh Thát nghiên cứu toàn diện về Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, đối với văn chương Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát mới chỉ dừng lại ở các vấn đề văn bản và những giới thiệu mang tính chất tổng quan. Nhìn chung, ở các công trình nghiên cứu này, Trần Nhân Tông được đánh giá rất cao ở hai phương diện: một là tư tưởng triết học Thiền, và hai là cảm hứng dân tộc thể hiện trong tác phẩm của ông. Bên cạnh đó, tinh thần nhập thế trong văn chương của ông cũng được nhiều nhà nghiên cứu lưu ý tới. Ngoài ra, cũng đã có những bài viết bước đầu nhận xét về mối quan hệ Tam giáo hoặc các yếu tố Nho giáo trong văn chương Trần Nhân Tông từ góc độ nội dung tư tưởng như Tìm hiểu mối quan hệ Tam giáo trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” [111] của Trần Nguyên Việt, hoặc kết hợp cả triết học và mỹ học như loạt bài viết về Trần Nhân Tông và Huyền Quang của Nguyễn Kim Sơn. Từ phương diện triết học thì Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Có thể nhìn một cách tổng quan về căn cội triết học của tinh thần nhập thế, mà nói theo cách của chính Trần Nhân Tông, là "cư trần lạc đạo", đó là một hệ thống với Phật tính luận, phương pháp tu luyện, con đường giác ngộ của Thiền Tông, đặc biệt là Thiền Huệ Năng làm trục tâm. Trên cơ sở đó, nó kết hợp với tư tưởng Hòa quang đồng trần trong triết học Lão tử, tư tưởng Vô sở đãi tùy tục trong tư tưởng Trang tử, và đương nhiên không thể thiếu tư tưởng lạc đạo của Nho gia. Xét về cơ cấu nó là sự hội nhập triết học và phương pháp tu dưỡng, cảnh giới tinh thần của cả Tam giáo, lấy Thiền làm cơ sở để tiến hành hội nhập” [131]. Còn từ góc độ mỹ học thì tác giả cho rằng: “Bài này rõ ràng có khí khái hơi khác với tinh thần tùy duyên nhậm vận, một loại cảm hứng và một triết lý thiền tiêu biểu và nổi bật trong thơ Trần Nhân

Tông, nó thiên về thơ ngôn chí kiểu Nho gia. Bài thơ thể hiện chí hướng muốn có được những phẩm chất hơn người, mong làm nên sự nghiếp đế vương như Hán Văn Đế, Đường Thái Tông. Bài này có thể ví như một bông hoa lạ báo hiệu sự nảy nở và bắt đầu của loại thơ vịnh vật” [131]. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu yếu tố Nho giáo trong văn chương Trần Nhân Tông một cách hệ thống, đặt Trần Nhân Tông vào quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở Việt Nam để soi chiếu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

Trong số ba trường hợp mà luận án lựa chọn để khảo sát thì tình hình nghiên cứu về Nguyễn Trãi là phong phú và phức tạp nhất. Thanh Lãng gọi Nguyễn Trãi là “ông tổ của nền văn học cổ điển” “nền văn học cổ điển nếu không phải do Nguyễn Trãi khai sinh thì cũng do Nguyễn Trãi đặt cho nó cơ sở vững chãi đầu tiên, cho người ta tin vào tiềm lực hiện thực của nó.” [71, tr. 102] “Tất cả những dòng tư tưởng lớn, làm nòng cốt cho nền văn học cổ điển, đều thai nghén và hình thành ở Quốc âm thi tập” [71, tr. 103]. Đây là quan niệm mà gần như nhà nghiên cứu nào cũng nhất trí. Các nghiên cứu về Nguyễn Trãi đã được triển khai từ nhiều góc độ, nhiều cách tiếp cận và cho đến nay đã đạt được rất nhiều thành tựu. Về yếu tố Nho giáo trong văn chương Nguyễn Trãi, các nhà nghiên cứu có ba quan niệm chính: Quan niệm thứ nhất phủ định sự ảnh hưởng của Nho giáo tới Nguyễn Trãi, coi Nguyễn Trãi là biểu tượng cho vấn đề dân tộc, hình ảnh của ông vì thế không thể có chút dính dáng gì đến Nho giáo, là một thứ hệ tư tưởng đầy tính tiêu cực của ngoại bang, là công cụ của giai cấp thống trị. Theo các tác giả này, nếu Nguyễn Trãi có chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì ông cũng dân tộc hóa các yếu tố đó đi, biến nó thành những yếu tố tích cực mang tinh thần dân tộc. Đây là quan niệm của nhóm các nhà nghiên cứu miền Bắc giai đoạn 1945-1986, tiêu biểu là tác giả của các bộ giáo trình như chúng tôi đã đề cập ở trên. Bùi Văn Nguyên viết trong Giáo trình của Đại học Sư phạm: “Như chúng ta đã nói ở phần “đặc điểm”, vì hoàn cảnh xã hội nước ta lúc bấy giờ khác hẳn với xã hội thời Khổng, Mạnh, cho nên không phải ngẫu nhiên mà quan điểm nhân nghĩa của Nguyễn Trãi có nhiều yếu tố dân tộc và dân chủ” [92, tr. 131]. Quan niệm thứ hai cho rằng Nguyễn Trãi là Thiền sư, và đương nhiên gần như không chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Đây là ý kiến của tác giả hải ngoại, Võ Văn Ái trong cuốn “Nguyễn Trãi sinh thức và hành động” [1]. Tác

giả này đã dành hơn 200 trang sách để chứng minh Nguyễn Trãi là một Thiền sư từ cả hai phương diện sinh thức và hành động. Quan niệm thứ ba công nhận ảnh hưởng của Nho giáo tới Nguyễn Trãi cũng như các sáng tác của ông với các mức độ khác nhau. Đây là nhóm quan niệm chiếm đa số, của các tác giả trước 1945, miền Nam 1945-1975 và tình hình nghiên cứu chung 1975 đến nay. Có tác giả (nhất là ở miền Nam 1945-1975) chủ yếu xem xét sự ảnh hưởng của Nho giáo như Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Thiên Thụ. Phạm Thế Ngũ gọi cuộc đời Nguyễn Trãi là “một sự nghiệp Nho thần”: “Chính là cái mối lo cao quý của bậc Nho thần trung trực khi ngồi cao ở miếu đường thì lo lắng vì dân, khi xa lánh ở giang hồ thì lo lắng vì vua” [98, tr. 110]. Các tác giả từ sau đổi mới lại đây thì xem xét thêm sự ảnh hưởng của Nho giáo tới Nguyễn Trãi trong mối quan hệ với Phật, Đạo và vấn đề dân tộc một cách khách quan. Trần Đình Hượu trong một bài viết từ năm 1979 nhưng mãi sau này mới in lần đầu trong cuốn Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại với tên gọi Nguyễn Trãi và Nho giáo cho rằng: “Nguyễn Trãi, về mặt lịch sử là một nhà Nho quá đặc sắc, sự nghiệp quá rộng lớn, ít người có thể so sánh, nhưng về mặt văn học thì lại là một nhà Nho- nghệ sĩ hết sức tiêu biểu. Muốn hiểu Nho giáo, nhà Nho, văn học nhà Nho- với đặc sắc Việt Nam của nó- thì có lẽ ít có gương mặt nào tiêu biểu hơn Nguyễn Trãi” và khẳng định Nguyễn Trãi cơ bản là một nhà Nho dù ông có chịu ảnh hưởng của Lão- Trang, chủ động chọn Nho giáo cho dân tộc nhưng vẫn bảo lưu truyền thống Lý- Trần: “Ông đã lựa chọn Nho giáo, nhưng là xu hướng nhân đạo chủ nghĩa nhất trong Nho giáo thời đó... Nguyễn Trãi chọn Nho giáo thay cho Phật giáo thời Lý Trần nhưng không phải ông từ bỏ truyền thống Lý- Trần, mà làm cho nó cao hơn vì rộng rãi hơn” [49, tr. 129-130]. Trần Ngọc Vương có ba bài viết về Nguyễn Trãi trong Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung xem xét Nho giáo ở Nguyễn Trãi từ nhiều góc độ: là nguồn gốc của tư tưởng nhân dân, trong mối quan hệ với truyền thống và bản sắc dân tộc, trong tương quan giữa nhà tư tưởng và nhà nghệ sĩ, giữa Nho giáo và Lão- Trang. Ông cho rằng: “Xét về câu chữ, về tần số xuất hiện mang dấu ấn tư tưởng thì, thì tư tưởng Lão- Trang, đặc biệt là Trang, có ảnh hưởng đến Nguyễn Trãi khá hiển nhiên. Ảnh hưởng của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng, đối với ông không thật rõ ràng và có sức nặng đáng kể. Nhưng cả đối với học thuyết Lão- Trang này, Nguyễn Trãi không đồng hóa vào tâm

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 3

tưởng và hiện thực hóa vào sự nghiệp mình những kết luận, những xác tín bản chất nhất, như điều ông đã làm đối với Nho giáo” [185, tr. 254]. Trần Nho Thìn thì nhận định: “Có cảm tưởng là tư tưởng Lão- Trang hay Phật giáo được ông viện dẫn như để che đậy, ngụy trang cho một thực tế tư tưởng nào đó cần phải giải mã” [151, tr. 341]. Chúng tôi cho rằng các tác giả đã nhìn nhận đánh giá xác đáng sự ảnh hưởng của Nho giáo cũng như mối quan hệ với Lão- Trang ở Nguyễn Trãi, nhưng yếu tố Thiền còn cần phải làm rõ hơn nữa.

Các nghiên cứu về Lê Thánh Tông phần lớn thuộc về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, luật pháp, văn hóa. Cho đến nay chưa có một chuyên luận nào thực sự đáng kể về văn chương Lê Thánh Tông. Xét về ảnh hưởng của Nho giáo tới Lê Thánh Tông thì các nhà nghiên cứu gần như đều thống nhất ở điểm Lê Thánh Tông là người đã có vai trò quyết định trong việc hạn chế Phật, Đạo để độc tôn Nho thuật. Quan niệm thứ nhất mà đại diện tiêu biểu là Trần Quốc Vượng coi đấy là tội của của Lê Thánh Tông vì “Điều quan trọng hơn nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng ở thế kỷ XVI là việc nhà Lê mô phỏng triều Minh xây dựng một nền quân chủ- Nho giáo độc tôn, chuyên chế” [110, tr. 126]. Quan niệm thứ hai áp đảo hơn với đại đa số các nhà nghiên cứu với góc nhìn có tính lịch sử cụ thể cho rằng lựa chọn Nho giáo là một quá trình vận động phát triển từ cuối đời nhà Trần và mang tính tất yếu trong điều kiện lịch sử đương thời, do vậy họ nhìn nhận đánh giá một cách khách quan ở cả đóng góp lẫn hạn chế của Nho giáo đối với đất nước. Từ đó, các kiến giải của họ đối với vấn đề Lê Thánh Tông và Nho giáo cũng mang tính công bằng hơn. Họ đánh giá cao vai trò của Lê Thánh Tông trong việc đã tạo ra được một thời đại thịnh trị của Nho học, nhưng cũng chỉ ra những mặt trái của nó cũng những tác động lâu dài tới đất nước. Trần Đình Hượu viết: “Nho học Việt Nam đến thời Lê Thánh Tông đã đạt đến điểm cực thịnh. Và có lẽ đến đó nó cũng đã có bộ mặt tương đối ổn định. Thời thịnh trị đó đưa lại vinh quang cho dân tộc. Nhưng phải chăng vinh quang cũng đẻ ra cả mặt trái của nó?” [110, tr. 251]. Các nhà nghiên cứu cũng bàn đến mối quan hệ giữa Nho- Phật- Đạo ở thời Lê Thánh Tông. Nguyễn Huệ Chi cho rằng: “Có người đã đặt vấn đề trách cứ Lê Thánh Tông bài bác Phật giáo và Đạo giáo để chỉ giữ lại một mình Tống Nho. Sự “nhất nguyên” đó có làm nghèo nàn tư tưởng xã hội đi không? Chúng tôi nghĩ, chắc là không thể nào tránh khỏi. Đây là

chỗ yếu nhất trong cái mô hình mà Lê Thánh Tông chọn lựa” [110, tr. 149]. Xét từ góc độ văn học, các nghiên cứu sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn chương Lê Thánh Tông khá nhiều nhưng không mang tính hệ thống mà mới chỉ dừng lại ở một vài bài viết về các phương diện đơn lẻ hoặc ở những bài viết tổng quan về tác giả. Thanh Lãng nhận định vai trò của Lê Thánh Tông trong quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho: “Từ Nguyễn Trãi, văn chương đã thoát dần địa hạt tư tưởng thuần túy để đi đi tới chủ trương văn nghệ thuần túy coi văn nghệ như là một trò chơi, hứng thú, một môn trang trí cho cuộc đời. Lê Thánh Tông với Hội Tao Đàn, đã đẩy nền văn nghệ từ chương mới phôi thai đến chỗ cực thịnh” [71, tr. 109]. Bùi Duy Tân cho rằng Lê Thánh Tông là “thống soái văn đàn nửa sau thế kỷ XV” [110, tr. 35] và “Lê Thánh Tông là đầu đàn của loại hình tác gia: nhà văn- nho sĩ khi Nho giáo trở thành quan phương, chính thống” [110, tr. 72]. Nguyễn Huệ Chi khẳng định: “Ông xứng đáng với danh hiệu Tao đàn nguyên súy không chỉ vì ông là vị hoàng đế đương triều mà chính vì những tìm tòi nghệ thuật có giá trị hàng đầu trong sáng tác” [110, tr. 156]. Đỗ Lai Thúy gọi Lê Thánh Tông là một “nhà Nho- hoàng đế- thi nhân” và quả quyết rằng: “Sự nghiệp sáng tác của Lê Thánh Tông rất khớp với những chuẩn của văn học Nho giáo, với tính chất chính thống và chính thức của nó” [110, tr. 662]. Trần Thị Băng Thanh nghiên cứu “Lê Thánh Tông và các mối “dị đoan”” đã cho rằng “Quả là trong tâm hồn Lê Thánh Tông vẫn có những mối “dị đoan”, và đậm nét một “cái tôi” trữ tình!” [110, tr. 280]. Nhìn chung, các tác giả khá thống nhất về nhận định Lê Thánh Tông là một tác giả điển phạm của văn học nhà Nho.

Tóm lại, chúng tôi cho rằng cho đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học nào đặt vấn đề nghiên cứu ba tác giả Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông trong sự vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà Nho. Vì thế, luận án của chúng tôi có thể coi là công trình đầu tiên tiếp cận vấn đề văn học nhà Nho theo hướng này.

3. Phạm vi, đối tượng và mục đích nghiên cứu

3.1. Phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu

3.1.1. Điển phạm (canon) là một thuật ngữ của phương Tây nhằm chỉ những tác phẩm được xem là đỉnh cao của một nền văn học, với đặc trưng là tính toàn bích

và tính quyền lực. Cho đến nay, lý thuyết về điển phạm đã có một lịch sử phát triển khá lâu dài và phức tạp. “Canon” có nguồn gốc từ “kanna” của Hy lạp, chỉ một loại cây sậy có ích, một loại cây thân thẳng sống ở đầm lầy với thân cứng. Sau đó, từ “kanon” đã mở rộng nghĩa trên theo hướng ẩn dụ và hoán dụ sang chỉ những vật dụng roi, thanh, thước cũng như những nguyên tắc, quy chuẩn hoặc hình mẫu. Trong kiến trúc, nó hàm nghĩa là sự đo đạc chính xác, trong nghệ thuật, nó là những tỉ lệ chuẩn. Nghĩa thứ hai được phát triển rõ nhất ở thời cổ đại bởi nhà điêu khắc nổi tiếng Polykleitos vào thế kỷ V. Đây là thời kỳ đầu tiên của điêu khắc cổ điển, giai đoạn hình thành quan niệm về tính hiện thực trong nghệ thuật, sau này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nghệ thuật phương Tây. Bức tượng Doryphoros của Polykleitos, một trong những tác phẩm điêu khắc được sao chép nhiều nhất ở thời cổ đại, chính là một minh họa cho quan niệm ấy. Mặc dù hiện nay bức tượng này không còn, nhưng nó từng được người La Mã ngưỡng mộ gần như tôn sùng và coi là hình mẫu lý tưởng để các tác phẩm điêu khắc khác noi theo, là “bức tượng mà các nghệ sĩ gọi là Canon”. Bức tượng ấy cũng được xem là sự hiện thực hóa những ý tưởng trong cuốn sách duy nhất được biết đến của Polykleitos, tiêu đề là Kanon, trong đó diễn giải chi tiết nền tảng lý thuyết và phương pháp kỹ thuật của ông. Những chi tiết tính toán toán học chính xác và “tỉ lệ lý tưởng” cơ thể con người của Polykleitos đã cung cấp một bản thiết kế ứng dụng thực tiễn và tiêu chuẩn mỹ học cho các nhà điêu khắc về sau noi theo. Theo Polykleitos, điều cơ bản cần có của “kanon” là sự mô phỏng tự nhiên hoặc hiện thực. Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Brunilde Ridgway cho rằng Doryphoros không đại diện cho cá nhân cụ thể mà là mẫu hình tuyệt vời nhất về hình tượng một vận đông viên Olympic. Có thể nói, không có con người cụ thể nào trông giống được như bức tượng này, hoặc theo cách nói của Platon thì thế giới này chỉ có thể tạo ra được những bản sao nhạt nhòa của nó. Đến Platon, điển phạm được giải thích như là một nguyên mẫu cho khái niệm về ý niệm hay hình thức của Platon, một nguyên mẫu lý tưởng hình thành nên những tri thức đúng đắn và được coi là chuẩn mực để noi theo. Plato cho rằng Polykleitos và Homer là những hình mẫu nhà điêu khắc và nhà thơ điển phạm, vì họ mang đến ý niệm về sự nghiêm khắc, lòng tốt và tính chân thực- nói gọn lại là quan niệm của

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí