Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 22

vật hoặc sự vật tầm thường, bé mọn để nhằm bày tỏ hoài bão và khí phách lớn lao của mình. Các nhà Nho thì thể hiện cái cao quý, lớn lao, phi thường của người quân tử. Với hoàng đế thì cái cao quý, lớn lao thường là khí phách hoài bão của đấng minh vương. Lê Thánh Tông có thể coi là người làm thơ khẩu khí nhiều nhất ở Việt Nam. Thơ khẩu khí của ông nhằm bày tỏ khí tượng của thiên tử bên trong của mình. Đây là thứ văn chương mà bất kỳ nhà Nho nào khác cũng không thể và không được phép làm. Nghệ thuật của thơ khẩu khí là ở chỗ tạo được sự liên hệ giữa những sự vật tầm thường, hèn mọn với khí chất cao quý, lớn lao ở bên trong, hay nói cách khác, những vật tầm thường trở thành một biểu tượng cho cái cao quý. Như thế những vật tầm thường đã được cung cấp cho tính hai mặt, bị “đánh tráo” các khái niệm, “đánh tráo” chỗ đứng. Thực chất, đây không phải là một phép so sánh đơn thuần mà là một cách thức phóng đại các phẩm chất cao quý của chính tác giả thông qua việc biến những vật tầm thường trở thành biểu tượng cho cái cao quý. Mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong hệ thống biểu tượng này thật sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, tác giả đã sử dụng những từ ngữ và hình ảnh lấp lửng có tính chất hai mặt, một nghĩa đen và một nghĩa bóng để tạo nên mối liên hệ này.

Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt Gót vàng dậm đạp máy âm dương.

(Dệt cửi)

Từ chuyện người thợ chăm lo dệt cửi vì nghĩ đến người dân rét mướt, bài thơ khiến người đọc liên tưởng đến việc trị nước an dân của người làm vua. Các hình ảnh “dân rét mướt nghĩa mà thương”, “lên ngôi”, “gỡ mối giường”, “tay ngọc”, “đưa thoi nhật nguyệt”, “gót vàng”, “máy âm dương”… đều có ý nghĩa lấp lửng hai mặt. Ông đã bình dân hóa ở phương diện hình thức thể loại thơ vịnh vật của nhà Nho khi đưa vào tác phẩm của mình những vật bé mọn, tầm thường như con cóc, con kiến... Dù cái được biểu đạt trong thơ Lê Thánh Tông vẫn là bất biến, luôn là vấn đề đạo lý Nho gia, thì cái biểu đạt trong thơ ông đã gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Chúng tôi cũng cùng suy nghĩ với Đỗ Lai Thúy rằng, ở phương diện nghệ thuật, thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương có lẽ đã thừa kế ít nhiều ở thơ khẩu khí

của Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông đã tiến thêm một bước nữa trong quá trình bình dân hóa của văn chương trung đại Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà Đỗ Lai Thúy gọi đây là những bài thơ thuộc “văn phong thấp” [110, tr. 664]. Tuy nhiên, chúng tôi lại cho rằng, ở phương diện nội dung thì thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương là sự phá vỡ những quy phạm mà Lê Thánh Tông đã góp phần xác lập. Xét về mặt nội dung thì không thể gọi thơ khẩu khí là “văn phong thấp” được. Thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông là một sự cực đoan hóa của thơ ngôn chí. Xu hướng bình dân hóa và điển phạm hóa đồng thời kết hợp ở cùng một hiện tượng này cho thấy sự hoàn thành một quá trình và những mầm mống cho sự khởi đầu một quá trình mới, dẫu mới chỉ ở phương diện hình thức. Nói như Likhachev thì: “Các xu hướng nghệ thuật cá biệt với tất cả vẻ phong bế của nó đều chuẩn bị cho một xu hướng khác xuất hiện” [77, tr. 223]. Lê Thánh Tông đã cực đoan đến mức với bất kỳ đối tượng nào, dù tầm thường bé mọn đến đâu cùng nhìn ra yếu tố vĩ đại phi thường theo tiêu chí đạo lý Nho giáo.

Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi

Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi Nghiến răng ba cái nghiêng trời động Tắc lưỡi vài hồi chúng kiến lui

(Thiềm thừ)

Con cóc bình thường xấu xí được nhìn qua lăng kính của nhà Nho để biến thành biểu tượng cho cái khí tượng của bậc đế vương. Xuất phát điểm của thơ khẩu khí là quan niệm của nhà Nho cho rằng văn chương thể hiện khí chất của con người, thậm chí có thể cho thấy trước tiền đồ hoặc số phận của người sáng tác. Nếu thơ vịnh vật của Nguyễn Trãi ở những bài thơ đậm chất Nho gia nhất như Tùng vẫn đem đến cho người đọc những cảm xúc về tấm lòng của nhà thơ thì thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông giống như một trò chơi mang đầy tính công thức và xảo thuật thông qua một hệ thống ký hiệu cầu kỳ. Hà Như Chi nhận xét hiện tượng này từ cái nhìn cực đoan của một người đến từ một thời đại khác: “Nói tóm lại, trên đây ta xét qua cái máy móc cấu tạo một bài thơ khẩu khí. Nguyên động lực là một ý tự phụ đã xúi giục tác giả làm thơ để tự tán tụng. Tất cả nghệ thuật của tác giả đều gồm trong sự chọn lọc hình ảnh và dùng chữ thật khéo léo. Nghệ thuật ấy công phu thật, nhưng

cũng chỉ ở trong phạm vi tiểu xảo mà thôi. Đọc một bài thơ khẩu khí ta có cảm giác hay hay, ta phục cái trí xảo của tác giả, nhưng cuối cùng ta phải thất vọng khi nhận thấy đó chỉ là một cái gì giả dối, nhân tạo, còn cái nghệ thuật cao siêu, cái thi hứng thần diệu làm cho ta rung cảm đâu phải có thế” [13, tr. 115-116]. Phạm Thế Ngũ cũng đồng ý rằng: “Tóm lại chỉ là sự sắp đặt của lí trí cho những dụng ý của nhà thơ trong đó có nhiều tiểu xảo, mà không thấy sự rung động của tình cảm nên người bây giờ ít thưởng thức” [98, tr. 127]. Chúng tôi cho rằng, thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông là hiện tượng phá vỡ quy phạm ở một phương diện hình thức, trong khi đẩy tính quy phạm ở những phương diện khác lên đến mức cực đoan nhất. Xét cho cùng, đây cũng là một cách đẩy tính công thức của văn chương nhà Nho lên mức đỉnh điểm. Sự sáo rỗng và đi vào lối mòn của văn chương nhà Nho ở giai đoạn hậu điển phạm đã được báo trước ở những hiện tượng kiểu này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

3.3.2. Tự hào về chế độ, giang sơn

Đây là cảm hứng rất quan trọng trong thơ Lê Thánh Tông. Nó liên quan đến các mảng đề tài vịnh sử, vịnh vật, vịnh cảnh, các đề tài chiến trận… Nó chính là cảm hứng dân tộc dưới trạng thái tự hào và ngợi ca chế độ, mặt khác nó cũng mang bóng dáng của vấn đề đạo lý dưới góc độ sự thực hành đạo của bậc vua chúa. Với Lê Thánh Tông, đạo lý còn là chuyện trị quốc, là chuyện thể hiện vai trò của một người nắm quyền cai trị cả một quốc gia, hay có thể nói, đây cũng là chuyện tu thân theo nghĩa mở rộng. Khổng Tử nói rằng: “Ham học thì gần với nết Trí, ra sức mà làm (điều thiện) thì gần với nết Nhân, biết hổ thẹn thì gần với nết Dũng. Biết được ba điều đó, ắt biết phải làm gì để trị người, biết phải làm gì để trị người ắt biết phải làm gì để trị thiên hạ, quốc gia vậy” [53, tr. 132].

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 22

Với thực tế là đã xây dựng được một đất nước hùng cường, một xã hội thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc, Lê Thánh Tông có quyền tự hào về điều đó. Thơ ông là khúc nhạc tụng ca hùng hồn nhất trong cả một dàn đồng ca khá ồn ào của thời đại đó cho chế độ. Nói một cách khác, chúng tôi cho rằng, thơ ông chính là một diễn ngôn đầy quyền uy cho sự thịnh trị đó.

Hải thượng vạn phong quần ngọc lập Tinh la kỳ bố thúy tranh vanh

Ngư diêm như thổ dân xu lợi

Hòa đạo vô điền phú bạc chinh Ba hướng sơn bình đê xứ dũng

Chu xuyên thạch bích khích trung hành Biên manh cửu lạc thừa bình hóa

Tứ thập dư niên bất thức binh.

(Muôn ngọn núi sừng sững trên mặt biển như những viên ngọc, La liệt tựa quân cờ, thảy đều xanh biếc chon von.

Cá muối nhiều như đất, người dân chạy theo nguồn lợi, Lúa má không ruộng tốt, thuế khóa chỉ nhẹ thu.

Sóng xô vào chân núi, bọt bắn tung tóe,

Thuyền chui vào vách đá, lướt giữa lòng khe.

Người dân vùng biên giới từ lâu được hưởng giáo hóa, sống thanh bình. Hơn bốn mươi năm chẳng biết chiến tranh là gì.)

(An Bang phong thổ)

Bài thơ vịnh cảnh An Bang nhưng để ngợi ca sự thái bình thịnh trị: cảnh vật thì hùng vĩ, dân chúng thì no đủ, người dân miền biên viễn được hưởng giáo hóa, biên giới thì thanh bình. Những bài thơ cảnh đơn thuần, ngợi ca đơn thuần thế này chiếm số lượng khá lớn trong sáng tác Lê Thánh Tông. Đó là thứ văn chương cung đình, văn chương ca tụng công đức rất tiêu biểu. Nó chính là nguyên nhân khiến người đọc dễ có cảm giác về sự “một màu”, “đơn sắc” trong thơ Lê Thánh Tông cũng như không khí văn chương giai đoạn này. Lê Thánh Tông đi nhiều, đặt dấu chân lên khắp nẻo đường của đất nước, đến đâu ông cũng sáng tác thơ ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất đó. Đây là mảng có số lượng lớn nhất trong di sản thơ ca của ông. Theo thống kê của Phạm Tú Châu [110, tr. 421] thì thơ sơn thủy chữ Hán của Lê Thánh Tông bao gồm 10 bài thuộc tập Châu cơ thắng thưởng và 15 bài thuộc Minh lương cẩm tú, gần 30 bài thuộc Chinh tây kỷ hành, vài bài trong Văn minh cổ súy và Quỳnh uyển cửu ca, gần 100 bài không thuộc tập nào, tổng cộng khoảng 150 bài. Thơ viết về thiên nhiên của ông có giọng điệu riêng, giọng điệu hùng hồn và mạnh mẽ rất đặc sắc. Thiên nhiên trong thơ Lê Thánh Tông được gọi là “thiên nhiên quốc huy”: “Nhiều bài thơ là sự gắn kết, hòa quyện giữa cảm hứng nghệ thuật và tư duy thế sự, nhiều bài thơ lại là biểu tượng một thiên nhiên quốc huy, đầy ắp hình tượng

đất nước, vượng khí non sông; huy hoàng một Nam quốc, Nam thiên, địa linh nhân kiệt, uy nghi, đĩnh đạc, cổ kính, vĩnh hằng” [110, tr. 362]. Phạm Tú Châu có nhận xét rất thú vị là “Trong số những bài thơ thiên nhiên này, đề tài về cỏ cây hoa lá rất ít, phần lớn là đề tài về cửa biển, sông suối, núi non, gió trăng… là những cảnh vật thường gặp trong các chuyến đi của ông, đồng thời cũng là những cảnh vật gắn liền với những mỹ đức của bậc trí nhân quân tử” [110, tr. 421]. Thơ thiên nhiên của Lê Thánh Tông quả thực hay hướng đến cái không gian rộng lớn hoành tráng, núi cao sông dài, biển lớn. Đó là điểm nhìn của một vị đế vương, tầm nhìn của người sở hữu giang sơn đất nước chỉ nhìn đến những vấn đề vĩ mô của quốc gia. Ông ngợi ca thiên nhiên đất nước tươi đẹp một cách hoành tráng, hùng vĩ để hướng đến mục đích cuối cùng là ca ngợi vượng khí của non sông:

Cự tẩm uông dương triều bách xuyên Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên

Tráng tâm sơ cảm Hàm tam cổ Tín thủ dao đề Tốn nhị quyền Thần bắc khu cơ sâm hổ lữ

Hải Đông phong toại tức lang yên Nam thiên vạn cổ sơn hà tại Chính thị tu văn yển vũ niên.

(Biển cả mênh mông, trăm sông đổ vào,

Núi non la liệt như bàn cờ, tít trời xanh biếc.

Có chí lớn lúc đầu mới cảm thông, vẫn phải theo người,

Nay một tay mặc sức tung hoành từ xa, quyền uy như thần gió. Đội quân hùng mạnh xúm xít quanh bên đức vua,

Vùng Hải Đông làn khói báo hiệu chiến tranh đã tắt. Trời Nam muôn thuở núi sông mãi mãi vững bền, Chính là lúc sửa sang việc văn, tạm dẹp việc võ.)

(Ngự chế Thiên Nam động chủ đề)

Bài thơ thuộc tập Châu cơ thắng thưởng này rất tiêu biểu cho mảng thơ giang sơn hùng vĩ này của Lê Thánh Tông. Bài thơ tả cảnh biển cả mênh mông, núi non trùng điệp. Từ cảnh núi cao sông dài, tác giả nói đến sức mạnh và uy quyền của

hoàng đế, và kết thúc ở ý chiến tranh tắt là lúc phải dẹp việc võ để sửa sang việc văn. Đây là kết cấu bài thơ truyền thống, lấy cảnh sơn thủy để nhằm đến chuyện cách thức cai trị, chuyện văn trị.

Lam Sơn lương thủy phú- bài phú duy nhất còn lại của Lê Thánh Tông- viết về ngọn núi và dòng sông nơi phát tích của nhà Lê, cũng là căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bài phú được sáng tác nhằm ca tụng công tích của triều đại nhà Lê, bắt đầu từ mệnh đề “địa linh nhân kiệt”, mô tả những chiến công hào hùng của cuộc kháng chiến chống Minh khi xưa. Dư âm của khí thế thời Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo Chí Linh sơn phú dường như vẫn còn. Nhưng bài phú của Lê Thánh tông được viết ra với một cảm hứng được phóng đại, lên gân cực độ. Các mỹ từ được huy động tối đa để mô tả cảnh núi sông Lam Sơn:

Núi Lam quanh quanh bao dặm trường, Ôm núi Thiên Mục cao ngất nghểu, Tựa núi Thụ Mệnh đường cố vươn.

Ngọn thấp chầu vào dáng khúm núm, Ngọn cao tua tủa như dáo gươm.

Trập trùng thoai thoải, Nhấp nhô tỏa lan.

Hiểm trở bát ngát, Thênh thang chập chờn. Lêu đêu kho đụn,

Chon von vách tường.

Cỏ thơm như tơ chừ cành cao vươn, Núi tỏa hơi lam chừ múa nghê thường. Sao dời mây họp…

Hàng trăm câu văn hoa mỹ được tập hợp lại để diễn tả cảnh hùng tráng của núi sông Lam Sơn tạo ấn tượng hết sức choáng ngợp cho người đọc. Từ cảm giác đó, bài phú dẫn đến ngợi ca quá khứ oai hùng của nhà Lê, công tích của Lê Thái Tổ đối với giang sơn gấm vóc:

Thay thiên công mà trừ hại, Theo đạo trời mà bao dung.

Phá thành chiếm quận, Giết giặc trừ hung.

Lê Thánh Tông ngợi ca đất nước hùng cường, ngợi ca chế độ theo kiểu của nhà Nho, từ đó, vấn đề dân tộc đã được đem gắn liền với Nho giáo. Đối với Lê Thánh Tông và với nhà Nho nói chung, ngợi ca đất nước không tách rời với việc ngợi ca phép mầu nhiệm của đạo thánh hiền.

3.4. Hình tượng vị hoàng đế Nho gia

Hình tượng trung tâm trong tác phẩm của Lê Thánh Tông chính là hình tượng cái tôi trữ tình. Tác giả đã xây dựng hình tượng một vị hoàng đế theo đúng chuẩn mực Nho giáo. Đây là một ông vua Lê Thánh Tông vô cùng ham học:

Ngật ngật đăng tiền thập niên độc, Nhãn khuy vị biến thánh hiền thư.

(Trước đèn cần cù đọc sách mười năm, Mà vẫn chưa đọc hết sách thánh hiền)

(Trú Xương Giang)

Cần cù ham học là một phẩm chất nổi trội của Lê Thánh Tông, khiến ông gần gũi với hình tượng một nhà Nho truyền thống.

Ông cũng rất chăm chỉ công việc triều chính: Lòng vì thiên hạ những sơ âu,

Thay việc trời dám trễ đâu. Trống dời canh còn đọc sách, Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.

(Tự thuật)

Cũng vẫn là tấm lòng lo trước nỗi lo của thiên hạ như Nguyễn Trãi xưa kia, nhưng Lê Thánh Tông cho thấy khả năng hiện thực hóa những âu lo ấy. Ông cho thấy hình mẫu một vị minh quân lấy việc làm vua là trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không phải là sự hưởng thụ. Lê Thánh Tông minh chứng rằng vị thánh quân trong mộng tưởng của Nguyễn Trãi đã thành hiện thực, chí ít là trên phương diện hình tượng văn học. Mộng tưởng này từng được Nguyễn Trãi thể hiện khi viết thay Lê Lợi Hậu tự huấn để răn dạy Thái tử chuẩn bị kế nghiệp những phẩm chất cần có của một vị hoàng đế: “Hòa thuận thân thuộc, nhớ giữ lòng hữu ái; thương yêu dân

chúng, nghĩ ban chính sách khoan nhân. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, đừng vì giận riêng mà phạt bừa. Đừng ham của cải mà buông lung xa xỉ, đừng gần thanh sắc mà phóng túng hoang dâm. Cho đến xét dùng người, tiếp nhận lời can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều do trung chính, dùng theo phép thường, ngõ hầu có thể đáp lòng trời, dưới có thể xứng sự trông đợi của dân chúng, thì nước nhà mới yên vững lâu dài” [168, tr. 184-185]. Trong thực tế, Lê Thánh Tông cũng đã rất nỗ lực để trở thành một hình mẫu như thế, nhưng “không có bất cứ một “đấng quân vương” nào trong thực tế có thể thực hiện được dù chỉ một phần những đòi hỏi lý tưởng như vậy” [185, tr. 57]. Ông cũng có những khoảng tối trong cuộc đời và sự nghiệp làm vua mà ngay cả chính sử của nhà Lê cũng phải bình là “Song công việc thổ mộc quá chế độ xưa, tình nghĩa anh em thiếu lòng thân ái, đó là chỗ kém” [75, tr. 211]. Thế nhưng, xét ở góc độ văn học, hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Lê Thánh Tông đã là một hình mẫu hết sức lý tưởng về một vị hoàng đế Nho gia. Chính bản thân ông cũng tự hào về điều đó:

Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự Bách bát Cơ Chu lạc thái bình.

(Cháu hiếu Hồng Đức nay kế thừa nghiệp lớn,

Vui hưởng đời thái bình như nhà Chu dài tám trăm năm.)

(Ngự chế: Dư tĩnh tọa thâm cung hà tư cổ tích, quân minh thần lương, dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật)

Ngay cả khi tiệc rượu vui thì vẫn luôn cố gắng giữ mình trong cái chừng

mực:


Nhân nhân ngôn ký túy Hiếu lạc quý vô hoang.

(Người người nói là đã say rồi,

Ham vui nhưng quý nhất là không hoang toàng bừa bãi.)

(Vọng viễn sơn dạ yến)

Lê Thánh Tông viết khá nhiều thơ về rượu. Những bài thơ uống rượu đêm

cho thấy một Lê Thánh Tông ít nhiều chất nghệ sĩ, nhưng gần như chẳng bao giờ thấy người say đến tận cùng, mà luôn luôn vẫn cứ tỉnh nhiều hơn say:

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí