(Thu nhật ngẫu thành)
Nguyễn Trãi thường không nhắc trực tiếp đến một không gian loạn lạc cụ thể, nhưng không gian quê cũ luôn được đặt trong thế đối lập với loạn lạc:
Nhất biệt gia sơn kháp thập niên, Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên. Lâm tuyền hữu ước na kham phụ, Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
(Từ giã quê hương vừa đúng mười năm,
Nay trở về, tùng cúc vườn cũ nửa phần đã tiêu sơ. Đã hẹn với rừng núi sao nỡ phụ,
Trong cát bụi, cúi đầu nghĩ ngợi tự thương mình.)
(Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)
Bài thơ trên nhắc đến Côn Sơn với tư cách là mảnh đất quê nhà “gia sơn”. Bên cạnh đó, thường thì Côn Sơn hay được coi là nơi chốn ẩn dật- đối lập với thị thành, cung đình, bon chen. Sống nơi cung đình, nhưng thơ Nguyễn Trãi dường như không có bóng dáng cụ thể của nơi này mà lại rõ rệt không gian của người ẩn sĩ. Ở đó thường có căn nhà nhỏ, với rừng cây, suối nước, với ánh trăng, hoa nở, chim hót. Đấy là một thế giới vừa có thực, hiện hữu, lại vừa mang tính ước lệ trong nhiều trường hợp. Không gian ấy bao giờ cũng tĩnh lặng và thường là không có bóng dáng của con người- của bon chen và tranh đoạt, một không gian của tự nhiên thanh khiết, của thiên nhiên bầu bạn với con người:
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc, Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa.
(Ngôn chí, bài XVII) Rượu đối cầm ngâm thơ một thủ, Ta cùng bóng lẫn nguyệt ba người.
Có thể bạn quan tâm!
- Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 16
- Sáng Tạo Các Hình Tượng Nhân Vật Theo Mô Hình Nhân Cách Lý Tưởng Của Nho Gia
- Định Hình Các Yếu Tố Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Của Văn Học Nhà Nho
- Quan Niệm Văn Chương Để Trị Nước Và Các Đặc Trưng Thẩm Mỹ
- Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 21
- Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 22
Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.
(Tự thán, bài VI)
Nếu có bóng dáng của con người thì cũng thường là ngư, tiều, canh, mục, mang tính chất biểu tượng như một phần của tự nhiên nhiều hơn là con người xã hội:
Nghìn hàng cam quýt con đòi cũ,
Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân.
(Tự thán, bài XXXII)
Nhưng dù chối bỏ xã hội đến đâu thì ẩn dật vẫn cứ là không gian của cuộc sống nhân gian, không gian thực hữu. Nó chỉ đối lập với không gian triều đình, đô thị mà không đối lập với con người, dù là không có bóng dáng của con người. Nhà Nho khi đề cao không gian nhàn ẩn ấy thường là để biểu lộ cho tâm trạng đã không còn muốn quan tâm đến thế sự bên ngoài nữa. Kể cả khi có lẽ ông đang ở chốn quan trường thì thơ ông thường vẫn hiện diện một thứ không gian tĩnh tại, không có sự xuất hiện của con người, mà chỉ có tâm hồn của thi nhân đối diện với chính mình, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ vô cùng. Đấy là những khi con người quay về bên trong với những xúc cảm mang tính hướng nội.
Tóm lại, không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trãi chủ yếu là những không gian trần thế nhưng mang đầy tính ước lệ của văn học trung đại. Đó là thứ không gian hiện hữu trong thế giới quan của một nhà Nho dù đôi khi cũng có những lúc được phóng vượt ra khỏi tầm nhìn hữu hạn của thế gian có thể tri giác được này bằng cảm quan Thiền còn bảo lưu lại.
Tiểu kết
Chương hai của luận án đã xem xét các thành tố của tác phẩm Nguyễn Trãi và khẳng định về cơ bản, tác phẩm Nguyễn Trãi đã định hình những đặc trưng quan trọng nhất của văn chương nhà Nho. Mỗi phương diện nội dung và hình thức trong các sáng tác của ông đều đạt đến mức độ chuẩn mực nhất định theo những tiêu chí mà chúng tôi đã đưa ra. Quan niệm văn chương của Nguyễn Trãi đã định hình những nét chính của nhà Nho, đó là phương diện chức năng tải đạo và ngôn chí bên cạnh nhu cầu sáng tạo cái đẹp thuần túy vì lý do thẩm mỹ. Cái đẹp trung tâm chính là cái đẹp của nhân cách chủ thể, được cụ thể hóa bằng phương diện hành đạo giúp đời. Phạm trù thẩm mỹ này là chủ đạo nhưng tồn tại song song với các phạm trù thẩm mỹ khác đặc trưng sắc thái Thiền và Lão- Trang. Nội dung trong văn chương Nguyễn Trãi rất đa đạng, trong đó các chủ đề lớn nhất thuộc về văn chương nhà Nho bao gồm: nhân nghĩa và an dân, đạo lý- thế sự qua các thể thơ giáo huấn và thơ vịnh vật và vấn đề hành đạo- ẩn dật. Hình tượng cái tôi trữ tình và các hình tượng nhân vật Lê Lợi, Trần Nguyên Đán được khắc họa theo chuẩn mực của các mô hình
nhân cách lý tưởng của Nho gia. Thời gian hiện thực với chuẩn mực của quá khứ mơ hồ và không gian trần thế mang tính ước lệ đã bao trùm trong các tác phẩm của ông. So với văn chương Trần Nhân Tông, các yếu tố đặc trưng của văn học nhà Nho ở Nguyễn Trãi đã chuyển từ vai trò thứ yếu sang vị trí trung tâm. Tuy vậy, văn chương Nguyễn Trãi còn bảo lưu khá nhiều những đặc điểm của văn học Lý- Trần, nhất là sự dung hợp Nho- Phật- Đạo. Những đặc điểm được bảo lưu này tuy chỉ là yếu tố phụ, nhưng cũng cho thấy tính chất cầu nối của ông trong quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XV.
CHƯƠNG 3: GIAI ĐOẠN ĐIỂN PHẠM CỦA VĂN HỌC NHÀ NHO- TRƯỜNG HỢP LÊ THÁNH TÔNG
Cùng với các triều thần của mình là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Nguyễn Bảo, Thái Thuận… và trong không khí thời đại sùng bái Nho học, Lê Thánh Tông đã tạo nên một giai đoạn văn chương nhà Nho thịnh vượng. Chương ba của luận án sẽ trình bày những vấn đề tác giả và tác phẩm của Lê Thánh Tông như một trường hợp tiêu biểu cho giai đoạn điển phạm của văn chương nhà Nho. Các yếu tố tác giả, quan niệm sáng tác, cảm hứng chủ đạo, hình tượng trung tâm và thời gian- không gian nghệ thuật sẽ được phân tích để xem xét tính điển phạm ở Lê Thánh Tông đã đạt đến mức độ nào. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu những giới hạn, những ngưỡng mà văn chương nhà Nho giai đoạn này vấp phải cũng như những lối thoát, những phản ứng ngược mà lịch sử văn học sẽ tìm ra trong tương lai.
3.1. Hoàng đế Nho gia trong bối cảnh độc tôn Nho giáo
Nho giáo đến nửa sau thế kỷ XV đã được đẩy lên địa vị độc tôn. Đây là giai đoạn cực thịnh của chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam. Xu hướng Nho giáo hóa xã hội khởi nguồn từ giữa đời Trần đến nay đã thực sự hoàn thành. Sự lên ngôi của Nho giáo gắn liền với vai trò của vị hoàng đế Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, là con trai thứ tư của Lê Thái Tông, được đưa lên làm hoàng đế sau hàng loạt những biến động cung đình tiếp theo cái chết của anh trai là Lê Nhân Tông. Lê Thánh Tông được coi là một vị hoàng đế Nho gia điển hình, Đỗ Lai Thúy thậm chí còn gọi ông là một “người quân tử thời trị” [187, tr. 473] và định danh cho ông là một “Nhà nho- Hoàng đế- Thi nhân”: “Như vậy Lê Thánh Tông là một nhà Nho quân tử điển hình. Ngôi vị hoàng đế không kéo được ông ra khỏi mẫu hình này, mà ngược lại thúc đẩy ông phát động hết mức tiềm năng của con người đó, nhất là chức năng hành đạo” [110, tr. 666]. Xét về lý thuyết, mặc dù đều nằm trong phạm vi hệ thống những loại hình nhân cách chính thống của Nho giáo, nhưng nhà Nho và hoàng đế là hai loại hình nhân cách hoàn toàn khác nhau. Nếu coi mô hình thiết chế xã hội của Nho gia là một hình thức mở rộng, một sự “sử dụng và phát triển cấu trúc nguyên sinh (bán xã hội bán tự nhiên)” của các quan hệ huyết tộc và thân tộc thì ngôi vị hoàng đế theo công thức của Nho gia “ngay từ điểm khởi
đầu, lấy địa vị tôn trưởng làm điều kiện khẳng định và phát triển” [185, tr. 47]. Khái niệm “hoàng đế” là danh hiệu cao nhất qua quá trình lịch sử chỉ địa vị của người có quyền làm chủ, người đứng đầu mô hình xã hội của người Trung Quốc. Thực chất thì xã hội mở rộng của người Trung Hoa cổ được thể hiện trong mô hình “tam vị nhất thể”: thiên mệnh- thiên hạ- thiên tử. Trong mô hình này, theo cách nói của Trần Ngọc Vương thì thiên tử- “ngôi vua chuyên chế trong quá trình lý thuyết hóa như vậy đã trở nên linh thiêng, trong tâm lý nhận thức đã trở nên cầu nối duy nhất và trực tiếp giữa thế tục và thượng giới. Chữ “thiên tử” vì vậy được cấp một ý nghĩa gần như hiện thực” [185, tr.51]. Ngôi vua vì nằm trong một hệ thống như thế, chịu mệnh trời nên nắm được quyền lực tối thượng và bất khả tư nghị. Ước thúc được thiên tử chỉ duy có thiên mệnh. Tiêu chí để giữ được thiên mệnh là phải có chí đức. Đế vương tu dưỡng đạo đức của bản thân mình để lấy đó cai trị thiên hạ. Đức trị của Nho gia cũng có nghĩa là “vô vi nhi trị” là xuất phát từ ý nghĩa này. Người làm vua chỉ cần có được đức thì rủ áo khoanh tay mà thiên hạ thái bình thịnh trị. Mô hình nhân cách lý tưởng của hoàng đế Nho gia là “nội thánh- ngoại vương”, đã được Khổng Tử phác thảo ra những bước ban đầu từ trong Luận ngữ, và được xây đắp dần trong lịch sử. Khổng Tử sinh ra trong thời đại biến động lớn của xã hội tác động đến sức mạnh của những thiết chế cũ kỹ của nhà Chu, khiến nó không còn có khả năng ước thúc con người, điều mà Khổng Tử đau đớn gọi là sự băng hoại của lễ nhạc. Thay vì tìm cách sửa đổi văn chế cho hợp với thời đại, với con người thời đại mới thì Khổng Tử lại tìm cách sửa đổi con người, tạo ra các cơ chế ép buộc con người tự điều tiết, tự tiết chế, tự tu dưỡng sao phải thích ứng được và trở lại với văn chế: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Sửa mình theo lễ là nhân). Vi Chính Thông cho rằng “Đây là điểm khởi đầu của học thuyết nội thánh, cũng là điểm dừng cuối cùng của học thuyết nội thánh” [152, tr. 45]. Còn phương diện phát huy ảnh hưởng xã hội, văn chế của nhà Chu chính là học thuyết ngoại vương của Khổng tử. Khổng Tử và Mạnh Tử quan niệm rằng phương diện nội thánh mà hoàn thành thì phương diện ngoại vương cũng tự nhiên được chu tất. Tuân Tử tiến lên một bước, phân biệt nội thánh và ngoại vương: “Thánh, đó là người thực hiện một cách mẫu mực các quan hệ luân thường, chính lệnh tốt được thực hiện, hai điều đó được thực hiện hết mực thì đủ để làm ngay thẳng thiên hạ. Cho nên các học giả coi thánh vương là bậc thầy”
[152, tr. 49]. Hai phương diện này hoàn tất mẫu hình nhân cách lý tưởng thánh vương. Nếu nội thánh yêu cầu phẩm chất thuộc về phương diện đạo đức thì ngoại vương thuộc về phương diện chính trị- xã hội. Đến khi Tần, Hán thống nhất được thiên hạ, phương diện ngoại vương của Chư tử Tiên Tần về đại thể dường như lần đầu tiên trong lịch sử đã được hiện thực hóa, thì lúc này trong mô hình nhân cách lý tưởng, phương diện ngoại vương cơ hồ như đã hoàn thành nghĩa vụ nên thu hẹp lại lấy chỗ cho phương diện nội thánh được khuyếch trương hơn nữa. Nội thánh là phương diện chủ quan, ngoại vương là phương diện khách quan. Thánh vương Nho gia là người rủ áo khoanh tay mà thiên hạ thái bình thịnh trị- là mẫu hình nhân cách lý tưởng trong thời bình của Trung Quốc.
Lê Thánh Tông là một vị hoàng đế theo kiểu mẫu của Nho gia môt cách hoàn toàn có ý thức. Vai trò của ông đối với Nho giáo ở Việt Nam dễ gợi nhớ đến Hán Vũ Đế đối với Nho giáo ở Trung Quốc. Ông đã xây dựng một xã hội quân chủ quan liêu theo mô hình Nho gia, tiếp nối một xu thế tất yếu của thời đại từ những những cải cách thất bại năm xưa của Hồ Quý Ly đến những nỗ lực bước đầu của Nguyễn Trãi trong và sau cuộc bình Ngô phục quốc- xu thế chuyển đổi từ nền quân chủ quý tộc sang nền quân chủ quan liêu. Nước Đại Việt mới dưới thời Lê Thánh Tông được xây dựng với một mô hình hoàn toàn khác so với thời Lý- Trần, Nho sĩ quan liêu đã thay thế cho quý tộc cai trị đất nước. Theo thiết chế này, mọi quyền lực đều tập trung vào tay nhà vua, Nho sĩ là những người giúp việc cho triều đình. Kể từ khi Lê Thái Tổ dựng lên nhà Lê sơ, thì nhà Lê cũng không còn dựa vào tôn thất quý tộc như nhà Trần, nhưng cho đến thời Lê Thánh Tông, các công thần- võ tướng Lam Sơn vẫn nắm trong tay những chức vụ chủ chốt trong triều đình. Trần Đình Hượu cho đây cũng là một kiểu quý tộc- “quý tộc không phải theo dòng họ nhưng ở một mặt theo địa phương” [110, tr. 248]. Nhà Lê cũng đã sớm có sự chuyển hướng trong việc dùng nhà Nho từ ông vua đầu tiên là Lê Thái Tổ. Các Nho thần đã sớm được lựa chọn từ ngay khi Lê Lợi chưa vào được Đông Đô, nhưng họ vẫn chỉ là những nhân vật phụ trong triều đình. Ngay cả Nguyễn Trãi là người có vai trò như kiến trúc sư cho triều đại mới cũng không hẳn đã có cơ hội thi thố hết tài năng. Khoa cử lúc này chưa thành định lệ. Lê Thái Tổ từng ban chiếu hạ lệnh các đại thần văn võ phải tiến cử người hiền tài: “Vậy hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu,
từ Tam phẩm trở lên, mỗi người đều tiến cử một người, hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan. Nếu là người có tài văn võ, nhiều kiến thức, có thể cai trị nhân dân, thì trẫm sẽ tùy mà bổ dùng” [75, tr. 93-94]. Ngay khi vừa lên ngôi, Lê Thánh Tông đã có hàng loạt những động thái yêu cầu xu hướng Nho giáo hóa cực kỳ quyết liệt. Ông đã xây dựng một đất nước theo những quy chuẩn bài bản từ kinh tế, sở hữu ruộng đất, quân sự, luật pháp, đối ngoại… Phương diện ngoại vương đã được Lê Thánh Tông đẩy lên đến mức tối đa, đúng như Ngô Sĩ Liên đã nhận định: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được” [75, tr. 211]. Trần Đình Hượu cho rằng “Lê Thánh Tông đọc nhiều, viết nhiều và làm thơ cũng rất nhiều. Mặt nào ông cũng tỏ ra có tài năng xuất chúng. Nhưng cuộc đời của ông từ tuổi thanh niên đến lúc chết là cuộc đời của một ông vua, một ông vua làm việc không biết mệt mỏi” [110, tr. 247]. Chúng tôi cũng cho rằng, dù tài năng xuất chúng nhiều mặt, nhưng mặt nổi trội nhất của Lê Thánh Tông vẫn là vai trò một ông vua. Ông là vị hoàng đế đã thiết lập được một xã hội mang tính pháp trị bậc nhất trong lịch sử đất nước. Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng ra đời dưới triều đại của ông. Ông rất chú trọng đến luật phát và tính thực thi có hiệu quả của luật pháp. Ngoài ra, một trong những việc đầu tiên sau khi lên
ngôi của Lê Thánh tông là hoàn thiện phép tắc khoa cử19. Từ năm 1463 trở đi, các
khoa thi được tổ chức đều đặn ba năm một lần, có thi Hương, thi Hội, thi Đình, lấy đỗ tam giáp, đệ nhất giáp bao gồm tam khôi. Lê Thánh Tông còn cho thực hiện hàng loạt các nghi lễ long trọng tôn vinh các tiến sĩ mới đỗ như vua thân ngự ra chính điện, các quan mặc triều phục chúc mừng, được ban mũ đai y phục, bảng vàng đề tên, vinh quy bái tổ. Cũng chính Lê Thánh Tông vào năm 1484 là người cho dựng mười tấm bia tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam của các khoa thi từ 1442 đến lúc đó20. Chưa bao giờ trong lịch sử xã hội quân chủ chuyên chế ở Việt
Nam, nhà Nho có nhiều cơ hội để thi thố tài năng đến vậy, và cũng chưa bao giờ
19 Khoa cử đã bắt đầu được các vua Lê chú trọng. Lê Thái Tổ đã tổ chức kỳ thi đầu tiên khi còn ở dinh Bồ Đề, chưa vào được đến kinh thành Thăng Long vào năm 1426. Nhưng Lê Thái Tổ vẫn chưa lập được các khoa thi thường lệ, mà chỉ mở các khoa thi bất thường. Đến Lê Thái Tông đã định lệ các khoa thi sáu năm một lần, năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội .
20 Việc dựng bia lần đầu tiên được đề cập đến là từ khoa thi 1442 dưới triều Lê Thái Tông. Nhưng phải đến 1484 việc dựng bia mới được Lê Thánh Tông thực hiện với quy mô lớn.
Nho giáo được tôn sùng đến thế. Lê Thánh Tông thực sự đã tạo dựng được một xã hội lý tưởng cho nhà Nho hành đạo. Bên cạnh đó, ông cũng đã hạn chế Phật giáo và Đạo giáo. Ngay trong văn sách thi Đình ở khoa thi đầu tiên năm Quý Mùi (1463), Lê Thánh Tông đã nhắc đến ảnh hưởng tiêu cực của Phật và Đạo: “… Giáo lý của đạo Phật, đạo Lão hết thảy đều mê đời lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể xiết mà lòng người rất ham, rất tin. Đạo của thánh nhân, lớn thì tam cương ngũ thường, nhỏ thì tiết văn độ số đều thiết dụng trong cuộc sống thường ngày mà lòng ham thích của người ta lại chẳng bằng đạo Phật, đạo Lão. Tại sao lại như thế?” [110, tr. 271]. Nghĩa là trên phương diện hình thức, Lê Thánh Tông đã thực sự trục xuất Đạo và Phật ra khỏi triều đình để duy nhất đề cao Nho giáo. Dù vậy, trong thực tế, Lê Thánh Tông dường như là có chịu ảnh hưởng ít nhiều của Đạo gia và Phật giáo, điều khó tránh khỏi khi những thứ này đã đồng hành cùng Nho giáo và là những phần hữu cơ trong đời sống tinh thần của đất nước nhiều thế kỷ qua.
Bên cạnh văn trị, Lê Thánh Tông cũng rất ráo riết trong việc thực hành võ trị. Ông thân chinh cầm quân đi đánh giặc nhiều lần, và là người có công hàng đầu trong hành trình nam tiến của dân tộc. Quả thực những gì Lê Thánh Tông làm được đưa nước Đại Việt bước vào một trong những giai đoạn thịnh trị bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam. Ông đã kiến tạo được một môi trường hành đạo lý tưởng cho các nhà Nho thỏa sức thi thố, chuyện xuất xử gần như không phải là vấn đề của giai đoạn này. Thời của Lê Thánh Tông đã trở thành khuôn mẫu cho các nhà Nho đời sau hoài vọng. Tuy nhiên, “quy trình tổ chức lại bộ máy cai trị cũng như việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế một mặt dẫn tới việc chuẩn hóa, cổ điển hóa (classification), mặt khác, cũng dẫn tới một trạng thái tiêu cực đối lập” [185, tr. 102]. Một trong những mặt tiêu cực đó chính là tính quan liêu hóa nảy nở và ăn sâu vào xã hội, đã trở thành nguyên nhân chính dẫn tới sự suy thoái ngay sau khi Lê Thánh Tông qua đời. Chúng tôi cho rằng điều này cũng sẽ xảy ra ở trong văn chương thời kỳ này.
Tuy vậy, quay trở lại với nhận định của Đỗ Lai Thúy ở trên thì chúng tôi cũng cho rằng, trong thực tế, ở Lê Thánh Tông quả là có phương diện của một nhà Nho hành đạo chính thống. Điều này xuất phát từ hoàn cảnh xuất thân của ông. Lê