Quan Niệm Văn Chương Để Trị Nước Và Các Đặc Trưng Thẩm Mỹ

Thánh Tông do những âm mưu chốn hậu cung mà phải ra đời ở trong dân gian, bên ngoài cung cấm. Sau này, dù ông sớm được đưa về cung nuôi dưỡng, dạy dỗ, nhưng hẳn sự ra đời có phần kỳ lạ ấy đối với một vương tử đã tác động ít nhiều đến tính cách và con người của ông. Lê Thánh Tông chăm chỉ học hành, nhưng được đào tạo không phải để làm vua, cách xa khỏi những biến động cung đình. Mặt khác, cho đến tận nhà Lê, chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam ngôi vua được tôn sùng và tuyệt đối hóa đến như ở Trung Quốc, người đầu tiên nhấn mạnh đến điều đó là Nguyễn Trãi. Lê Thánh Tông là người đã chủ động lựa chọn việc thúc đẩy quá trình Nho giáo hóa trong xã hội, đồng nghĩa với việc thần thánh hóa ngôi vua chuyên chế. Chính sự tự lựa chọn ấy đã khiến ông thân chinh làm những việc lẽ ra thuộc về trách nhiệm của nhà Nho, những việc mà không một ông vua Trung Quốc nào từng thực hiện: thiết định mô hình xã hội theo Nho giáo, đẩy mạnh tinh thần giáo hóa. Sau này, tất cả ngoái lại nhìn thời đại của ông như một khuôn mẫu. Chính từ những lý do kể trên, Lê Thánh Tông dù thân phận là một vị hoàng đế nhưng lại thấm đẫm tinh thần Nho giáo, lại mang những đặc điểm đặc thù của nhà Nho.

3.2. Quan niệm văn chương để trị nước và các đặc trưng thẩm mỹ

Nếu điển phạm hóa trong văn học nhà Nho diễn ra trong một quá trình thì Lê Thánh Tông chính là đỉnh điểm của quá trình đó. Lê Thánh Tông là dấu mốc mà ở đó văn chương nhà Nho đạt đến độ chuẩn mực, quy phạm nhất. Trong phạm vi văn học nhà Nho theo đúng định nghĩa của luận án là “bộ phận văn học được sáng tác theo khuynh hướng mỹ học Nho gia, chịu sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, chủ yếu do nhà Nho sáng tác, được coi là thứ văn chương lý tưởng của nhà Nho về mặt lý thuyết” thì chúng tôi cho rằng Lê Thánh Tông mới là đỉnh cao của quá trình điển phạm với đầy đủ những đặc trưng mang tính lý thuyết của nó. Ông đã trở thành khuôn mẫu cho các nhà Nho đương thời và hậu thế noi theo. Sau Lê Thánh Tông, văn học Việt Nam sẽ dần đi đến một ngả rẽ khác, là quá trình giải điển phạm của hệ thống văn chương chữ Hán mang tính quy phạm để hình thành nên những điển phạm của văn học chữ Nôm. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Đỗ Lai Thúy rằng: “Sự nghiệp sáng tác của Lê Thánh Tông rất khớp với những chuẩn của văn học Nho giáo, với tính chất chính thống và chính thức của nó” [110, tr. 662]. Ông sáng tác nhiều và để lại một số lượng tác phẩm khá lớn nếu so với di sản văn chương đương

thời. Là hoàng đế, nhưng ông cũng đồng thời là một thi sĩ đã trực tiếp chỉ đạo và thúc đẩy phong trào sáng tác văn học nửa sau thế kỷ XV. Những đóng góp của ông trên cương vị là một hoàng đế và trên cương vị là một thi sĩ đều rất to lớn.

Lê Thánh Tông là một tác giả của văn học nhà Nho hiếm hoi được sống trong một môi trường xã hội lý tưởng- đến mức tưởng như chỉ có trong sách vở- cho việc thực thi sứ mệnh hành đạo mà các nhà Nho từng ao ước. Cũng chính môi trường xã hội đó đã tạo ra một thứ văn chương Nho gia đạt đến độ điển phạm mang tính lý thuyết. Lê Thánh Tông đã có chiến lược xây dựng mình thành một vị hoàng đế theo mô hình Nho gia, và sáng tác văn chương với ông là một hành động nằm trong tổng thể chiến lược đó- nó là những diễn ngôn thể hiện cao độ phương diện nội thánh của nhà vua. Trần Đình Hượu đã nhận định rất xác đáng rằng: “bàn Lê Thánh Tông với Nho học chủ yếu phải bàn cách ông áp dụng Nho giáo vào việc trị nước với cương vị làm vua. Các việc khác như viết sách, làm thơ, đều là rất phong phú, cũng không hề nằm ngoài quan tâm trị nước, an dân của ông” [110, tr. 247]. Cách quan niệm về mối quan hệ giữa văn chương và việc trị nước của Lê Thánh Tông khiến chúng tôi liên tưởng đến những bàn luận về mối quan hệ giữa diễn

ngôn, tri thức và quyền lực của Michel Foucault. Theo Foucault thì diễn ngôn là một thực tiễn sản sinh ra vô số các nhận định và chi phối việc vận hành của chúng21. Ông cho rằng “Diễn ngôn có thể vừa là một công cụ, vừa là hệ quả của quyền lực; đồng thời, cũng là một vật cản, một khối chướng ngại vật, một mũi kháng cự và một điểm bắt đầu cho chiến lược đấu tranh. Diễn ngôn làm lan truyền và sản sinh quyền

lực, nó củng cố chính nó, nhưng cũng hủy hoại nó và phơi bày nó, làm cho nó yếu đi và khiến nó có thể gây trở ngại cho chính nó” [89]. Chính diễn ngôn là thứ tạo ra tri thức. Và do mối quan hệ giữa diễn ngôn và quyền lực, mà có thể nói, tri thức chính là kết quả của các mâu thuẫn về quyền lực. Diễn ngôn trở thành nơi diễn ra những cuộc tranh giành quyền phát ngôn chân lý, quyền nhận chân tri thức. Những


21 “Theo Foucault triết học hiện đại đã xác lập khái niệm con người trên tính chất hai mặt. Thứ nhất, như là con người tư duy – không tư duy, theo đó con người được xác lập qua những lực lượng bên ngoài, nhưng nó ý thức được và biết chiến thắng những lực lượng này. Thứ hai, như kẻ làm ra lịch sử và thuộc về lịch sử. Thứ ba, như là siêu nghiệm và có kinh nghiệm, tức là kẻ cấu thành thế giới bên ngoài và được cấu thành thông qua thế giới bên ngoài. Quan niệm về con người tổng quát, hiện đại như thế này được Foucault nhấn mạnh trên cơ sở lập luận không phải Con người mà là Lời nói sinh ra con người. Kết quả là chủ thể nhận vị trí sáng tạo mới, các khoa học sinh ra để nghiên cứu nó (tâm lí học, xã hội học), các thiết chế được xây dựng liên quan đến nó. Các véctơ sáng tạo của cá nhân thời hậu hiện đại không đến từ bên ngoài, mà xuất phát từ bên trong. Mỗi cá nhân tạo ra véctơ, các lực lượng tạo nên diễn ngôn của đời sống lại nằm ngay trong mỗi cá nhân” [20].

tri thức mà nhân loại tích lũy được thực chất là sản phẩm của quá trình đấu tranh quyền lực, áp đặt các chuẩn giá trị của một chủ thể lên đối tượng. Con người luôn luôn dùng ý chí để quyết định nhu cầu của mình, rồi quay ngược lại bắt buộc hiện tại phải phù hợp với nhu cầu đó. Không có chân lý tuyệt đối, cái vẫn được gọi là chân lý tuyệt đối chẳng qua là một thứ được quyết định bởi địa vị quyền uy cùng hình thái ý thức đại diện cho nó. Quan niệm của Foucault về diễn ngôn cho thấy sự chi phối của quyền lực ngôn từ đối với tư duy và giao tiếp của con người. Những quyền lực ngầm ẩn bên trong và bên ngoài diễn ngôn sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ai nói, nói những gì và nói như thế nào. Mối quan hệ này giữa diễn ngôn và quyền lực khiến tư duy của chủ thể bị giới hạn, khiến cho chủ thể phát ngôn bị hạn chế trong khung khổ những diễn ngôn đã có sẵn. Hơn thế nữa, nó cũng giới hạn cho chủ thể chỉ được phát ngôn theo một cách thức nhất định, không vượt ra ngoài những chế ước của xã hội. Nhìn từ quan niệm của Foucault về mối quan hệ giữa tri thức, diễn ngôn và quyền lực thì hiện tượng làm văn chương của Lê Thánh Tông là một điển hình cho việc dùng diễn ngôn để tạo lập chân lý, là nơi đấu tranh cho sự khẳng định quyền lực của một vị hoàng đế. Mối quan hệ giữa diễn ngôn và quyền lực được thể hiện càng rõ ràng ở trường hợp điển phạm, thứ được tạo nên nhờ sự tham gia của các thiết chế xã hội. Đương nhiên, ngoài bản thân giá trị nội dung và hình thức tác phẩm quyết định tính điển phạm này thì cũng có thể xem xét đến vai trò hoàng đế của Lê Thánh Tông. Việc Lê Thánh Tông, người đứng đầu trong hoạt động sáng tác đồng thời là người bảo trợ cho văn chương nhà Nho, lại cũng là một vị hoàng đế càng có ý nghĩa gia tăng tính điển phạm đối với tác phẩm của ông. Sự xuất hiện những cuộc xướng họa giữa vua tôi, sáng tác hàng trăm bài thơ, biên tập những bộ sách lớn cho thấy mức độ coi trọng hoạt động sáng tác văn chương của Lê Thánh Tông.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

Dĩ nhiên, làm văn chương là một cách để thể hiện cái đức của người làm vua. Nhưng thực chất mô hình một ông vua lý tưởng Nho gia không đòi hỏi sự thể hiện đức theo kiểu như vậy. Các thánh vương cổ xưa của Trung Quốc như Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ đều không thấy nói đến chuyện sáng tác văn chương. Đức đối với một ông vua thể hiện ở việc tu dưỡng đạo đức cá nhân để đức ấy có thể bao trùm thiên hạ. Ở chỗ này, chúng tôi cho rằng Đỗ Lai Thúy có lý khi nhận định

Lê Thánh Tông gần gũi với loại hình nhà Nho ở sự sùng thượng văn chương. Ông là một trong không nhiều tác giả thời trung đại thường xuyên phát biểu rất trực tiếp về quan niệm văn chương của mình. Đây là những dòng đề tựa cho tập thơ “Quỳnh uyển cửu ca” nổi tiếng nhất của ông: “Ta lúc muôn việc rảnh rang, được nhàn nhã trong nửa ngày, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, muôn náo lặng êm, lòng đức thơm ngát, ham muốn ít, tinh thần thanh, ở yên hứng đượm, bèn hăng hái nghĩ tới phép lớn của bậc minh vương thánh đế, tới lòng cẩn mật của các bậc lương tá trung thần, bèn gọi Chử sinh (giấy), vời Mao thị (bút), nắm khách Huyền (mực), dẫn trọng thần Đá (nghiên) vào bảo rằng: “Ta tình cảm thư thái, anh khí dồi dào, cách ngôn cuồn cuộn, các người có thể vì ta mà ghi ra được không?”” [165, tr.292]. Bùi Duy Tân nhận định đây thực chất là quan niệm “văn dĩ tải đạo” của nhà Nho. Đạo ở đây là thứ gợi nên cảm hứng khiến nhà thơ xúc động mà làm thơ. Đó chính là cái đức trong lòng người “lòng đức thơm ngát, ham muốn ít, tinh thần thanh, ở yên hứng đượm” cộng hưởng với cái đức của các “bậc minh vương thánh đế, tới lòng cẩn mật của các bậc lương tá trung thần” mà thành. Chỉ có điều khác với các nhà Nho, đây là đức của người thuộc tầng cao nhất trong xã hội- là của các ông hoàng đế.

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 20

Lê Thánh Tông cũng nói đến văn chương thể hiện chí, một thứ văn chương hùng hồn sôi nổi và nhiệt thành- mặt khác là giản đơn và hồn nhiên.

Tráng hoài mãnh tiết như duyên mộng Áp tả kinh thiên vĩ địa văn

(Chí lớn thể hiện rõ [nơi đầu bút] như cây to bằng xà nhà mà Vương Tuân thấy trong giấc mộng,

Viết ra những chữ tung hoành dọc ngang trời đất.)

(Ngự chế thư thảo hí thành thi)

Văn chương với Lê Thánh Tông mang tính chức năng tuyệt đối. Nó phải hùng hồn và cương kiện, phải chí khí và cảm xúc, phải thể hiện được chí lớn của người cầm bút.

Thư song đăng hỏa túc tiêu cần Cách điệu thanh cao ý tứ tân

Đạo cốt tiên phong thừa nguyệt khách

Cẩm tâm tú khẩu điển y nhân Hùng từ quýnh quýnh lăng tiêu hán

Diệu cú dương dương khấp quỷ thần

Băng ngọc tình hoài phương thốn khoảnh Huyền hòa úc úc tứ thời xuân.

(Bên song cửa phòng văn, đèn lửa sớm hôm chăm chỉ, Cách điệu thanh cao, ý tứ mới lạ.

Cốt cách thần tiên khác nào khách cưỡi vầng trăng, Lời lẽ gấm thêu thật người trông coi văn học.

Ngôn từ hùng hồn sáng chói, bay vút tầng xanh, Chữ câu thần diệu đẹp đẽ, quỷ thần run khóc.

Tấc lòng tình cảm trong sáng như băng, như ngọc. Vẻ ôn hòa lai láng, như bốn mùa đều xuân.)

(Ngự chế văn nhân thi)

Bài thơ này thể hiện tập trung quan niệm của Lê Thánh Tông về cái đẹp của văn chương. Đầu tiên là vẻ đẹp của hình thức: cách điệu thanh cao, ý tứ mới lạ, ngôn từ hùng hồn chói sáng, câu chữ thần diệu. Tiếp theo nó cũng là những đòi hỏi về nội dung: tấc lòng tình cảm trong sáng như băng như ngọc. Nhưng tựu trung thì đó là kiểu văn chương thuộc “phong cách cao” như cách nói của Likhachev. Kiểu văn chương đó hướng đến phạm trù lý tưởng, đến cái chung, cái tuyệt đối, đến cái đẹp điển phạm của văn học nhà Nho. Hay nói cách khác, đó là văn chương minh họa cho đạo lý Nho gia, mang đầy tính lý thuyết, thuần nhất và dễ trở nên đơn điệu. Thực tế sáng tác của Lê Thánh Tông cho thấy ông đã theo rất sát quan niệm văn chương này.

Gạt ra bên ngoài chuyện ham thích văn chương thì việc lập ra Hội Tao đàn (giả định là có sự tồn tại của Hội Tao đàn) và các hoạt động xã hội liên quan đến sáng tác văn chương mà Lê Thánh Tông thực hiện như một mắt xích trong cả hệ thống những hành động đầy bài bản của mình trên con đường trở thành một vị hoàng đế lý tưởng. Các sinh hoạt văn chương cung đình như thế đã tạo nên diễn ngôn về một khung cảnh thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Tập Quỳnh uyển cửu ca với tư cách là kết quả của đợt

xướng họa hào hứng giữa Lê Thánh Tông và 28 văn thần cũng là một diễn ngôn hùng hồn nữa cho cái không khí văn chương sôi nổi chỉ có thể hiện diện ở một xã hội mà đức sáng của hoàng đế bao trùm cả thiên hạ.

Lê Thánh Tông đã hoàn toàn có ý thức với chuyện làm văn chương và sử dụng văn chương như một công cụ tải đạo, để phục vụ mục đích chính trị theo kiểu đặc trưng Nho gia. Quan niệm văn chương của ông thuần nhất và gần như không còn bóng dáng của Lão- Trang hay Phật giáo nữa. Cái đẹp trong văn chương Lê Thánh Tông là cái đẹp của thế giới thực hữu theo kiểu Nho giáo, với cái hiện thực được nhìn qua lăng kính đạo đức. Đó là cái đẹp lạc thú của người đạt được những thành tựu trong công cuộc cai trị đất nước.

Túc siêu trần thế tam thiên giới Thủ trích tinh thần đệ nhất thiên Thí tảo thạch đài miêu thử cảnh Thi thành bút dĩ động sơn xuyên.

(Chân vượt ra ngoài ba nghìn thế giới trần tục, Tay ngắt vì sao ở tầng trời đầu tiên.

Thử quét lớp rêu mặt đá, miêu tả cảnh này,

Thơ làm xong, ngọn bút rung động cả non sông.)

(Đề Sài Sơn tự)

Dù dùng câu chữ, hình ảnh “tam thiên giới” hay “đệ nhất thiên” của Phật giáo, và hấp thụ tinh thần phóng khoáng của Lão- Trang trong hình tượng con người kỳ vĩ vượt ra ngoài sự tầm thường để vươn tới cái phi thường, nhưng bài thơ vẫn nổi bật lên vẻ đẹp của con người đầy tự tin vào khả năng của chính bản thân mình. Đây là tác phẩm văn chương tải đạo tiêu biểu của nhà Nho, có thể dùng ngòi bút để kinh động cả núi sông.

Một phạm trù mỹ học nữa trong văn chương Lê Thánh Tông chính là cái đẹp hùng hồn cả ở giọng điệu lẫn nội dung. Lê Thánh Tông với tư cách là một vị hoàng đế, sở hữu tòan bộ non sông đất nước này, ở vào thời hoàng kim của triều đại, đã luôn nhìn đất nước mình ở góc độ quy mô lớn lao vĩ đại của sông núi, ở lòng tin không chút đắn đo vào đạo lý của Nho giáo. Đó là cái đẹp của đạo thể hiện ở nhân cách chủ thể và ở mọi vật trên thế gian này. Nhưng đó là thứ đạo đức đang hồi hưng

thịnh, rất hào hùng và rạng rỡ chứ không phải là sự trăn trở, băn khoăn vì sự suy đồi của các giá trị đó như thời loạn của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này. Thơ của Lê Thánh Tông mang dư vang hào hùng từ thời Nguyễn Trãi, và chính Lê Thánh Tông cũng có những hào quang riêng của mình:

Trừ tàn khử bạo đế vương nhân Cảm tác cùng binh độc vũ quân Tinh bái nhất thiên hà bão nhật Trục lô thiên lý hiểu đồn vân

(Diệt trừ bạo loạn là đạo nhân của bậc đế vương. Đâu dám là vị vua ham mê việc binh không chán. Cờ xí rợp bay như ráng đỏ ôm quanh mặt trời

Chiến thuyền ngàn dặm tựa mây đùn buổi sớm.)

(Khải hành thi)

Cả trời đất, cả núi sông cũng chung hào khí với đạo quân của nhà vua. Nói về chiến tranh, nhưng Lê Thánh Tông dựa trên nguyên tắc của đạo lý: “Nghĩa binh đa trợ Sư trinh cát” (Đội quân nhân nghĩa được nhiều phù trợ vì có chính nghĩa tốt lành), việc xuất binh là vì “trừ tàn khử bạo” chứ chẳng phải do nhà vua “cùng binh độc vũ” mà nên.

3.3. Sự tập trung của vấn đề đạo lý và cảm hứng dân tộc thông qua các thể thơ đề vịnh

Lê Thánh Tông viết khá nhiều với nhiều chủ đề- tư tưởng khác nhau. Nhưng quan trọng nhất có hai cảm hứng là đạo lý- thế sự và cảm hứng dân tộc. Cả hai loại cảm hứng này đều thể hiện rất rõ nét tính chất điển phạm của văn học nhà Nho ở Lê Thánh Tông. Đỗ Lai Thúy cũng cho rằng “tính chất chính thống, con trời của Hồng Đức quốc âm thi tập trước hết thể hiện ở chỗ thi tập này là một tập thơ vịnh, một thể loại thơ mang tính chất văn học cung đình điển hình, mà trước hết là vịnh sử” [110, tr. 662]. Hai cảm hứng này tương ứng với các loại thơ đề vịnh: vịnh cảnh, vịnh vật và vịnh sử là những thể tài chiếm tuyệt đa số trong thơ Lê Thánh Tông, cũng là những thể tài tiêu biểu nhất cho văn chương nhà Nho. Những thể tài này được Lê Thánh Tông tập trung thể hiện một cách có hệ thống và nhất quán xuyên suốt các tác phẩm thơ phú chữ Hán và Nôm. Thống kê cho thấy trong số hơn 300 bài thơ

chữ Hán thì có hơn 100 bài vịnh sử và khoảng 150 bài thơ vịnh cảnh. Gần như toàn bộ Hồng Đức quốc âm thi tập là thơ đề vịnh với các phần thiên địa môn (vịnh các sự vật và hiện tượng trời đất, là thơ vịnh vật), nhân đạo môn (môn loại về người, vịnh sử và một số bài thơ đạo lý khác), phong cảnh môn (vịnh cảnh), phẩm vật môn (vịnh vật), nhàn ngâm chư phẩm thi tập (thơ đề vịnh lúc thanh nhàn, vịnh cảnh và các loại thơ tự tình), thơ quốc âm về chuyện Chiêu quân cống Hồ (một dạng vịnh sử), thơ vịnh đền miếu, nhân vật (thơ vịnh sử).

3.3.1. Đạo lý- thế sự

Đây chính là vấn đề lớn nhất và xuyên suốt trong văn chương của Lê Thánh Tông. Cùng chung ở cảm hứng đạo lý này, Nguyễn Trãi nói đến Nho giáo ở góc độ của người chịu trách nhiệm lựa chọn Nho giáo, nên ông chú trọng ở mục đích cuối cùng mà Nho giáo hướng tới theo cách nhìn của ông, là hạnh phúc ấm no của người dân, ở “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân. Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo”. Lê Thánh Tông nói đến Nho giáo ở thời đại mà chuyện lựa chọn gần như đã hoàn tất, Nho giáo đã là tất yếu, là hiển nhiên, và là hiện tại, nên vấn đề mục đích của Nho giáo ít được đặt ra, mà ông tập trung chú ý ở góc độ tâm tính học- sự thực hành Nho giáo ở từng cá nhân, mang tính chất tư biện, lý thuyết và công thức. Xuất phát từ góc độ này, Nguyễn Trãi gần với Khổng Tử hơn còn Lê Thánh Tông gần với Tống Nho hơn.

Tâm tính học “là một thực tiễn đạo đức, là quá trình thể nghiệm tâm lý, là quá trình tự bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách. Con đường để thực hiện điều đó là tự ngã, là nội tại, là hướng nội tự điều tiết. Nó là tự ngã hoàn thiện, tự ngã tu dưỡng, tự ngã điều tiết và chế ước, tự ngã thực hiện và tự mình đạt tới cảnh giới của sự siêu việt” [128]. Người ta không biết đến giới hạn cuối cùng của sự tự tu dưỡng này. Cái đích mà nó luôn hướng tới là cảnh giới tự lạc, tự thoả mãn thuần túy về mặt tinh thần. Đây không phải là một thứ tri thức có thể học mà thành. Nhưng Tống Nho đã biến nó thành một thứ hoạt động thuần túy sách vở và lý thuyết. Chịu ảnh hưởng của cả nhân sinh quan và thế giới quan của Phật giáo và Đạo giáo, Chu Hy tin rằng trong mỗi con người đã có sẵn bản tính lương thiện, nhưng vì những lý do này khác mà đa phần chúng ta đều đánh mất nó. Do vậy, muốn khôi phục lại bản tính cố hữu này, chúng ta phải dùng đến phương pháp nội tỉnh. Theo Chu Hy và các nhà Tân

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí