Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 24

bình diện. Cái hưng vong chỉ là một vòng tuần hoàn cơ giới, không có mối liên hệ hữu cơ nào cả.

3.5.2. Không gian sơn thủy

Nếu so với Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi thì không gian hiện thực- không gian biểu đạt- trong thơ Lê Thánh Tông là rộng mở nhất, thường là là không gian sơn thủy- sông dài, biển rộng, núi cao, trong khi Trần Nhân Tông và nhất là Nguyễn Trãi hay hướng đến những không gian nhỏ hẹp: khoảng sân, căn phòng, bờ ao, khe suối. Lê Thánh Tông lại hay phóng đại những không gian sơn thủy lên hết chiều cao, chiều rộng mênh mông của các chiều kích. Tuy thế, “không gian không chỉ ở xung quanh nhân vật, nó còn ở trong sự thể nghiệm của nhân vật” [285, tr. 70], nếu coi không gian nghệ thuật như một giới hạn khung khổ được khu biệt hóa của một tác phẩm nghệ thuật, tạo nên một mô hình cấu trúc không gian thế giới, thì không gian được biểu đạt trong thơ Lê Thánh Tông lại hạn hẹp hơn nhiều so với không gian nghệ thuật được biểu đạt trong thơ Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi. Nếu từ mảnh sân nhỏ hay con suối hạn hẹp, thơ Trần Nhân Tông vươn đến một không gian vũ trụ không cùng không tận, và thơ Nguyễn Trãi tựa như cánh chim bằng của Trang Tử bay khắp biển Bắc, thì không gian trong thơ Lê Thánh Tông dù khởi đầu bằng núi cao sông dài thì kết thúc vẫn cứ chỉ là núi cao sông dài. Cấu trúc không gian nghệ thuật trong thơ ca Lê Thánh Tông khá giới hạn trong những không gian hiện thực cụ thể, chủ yếu là cung đình và không gian dài rộng của giang sơn gấm vóc. Có thể nói, thế giới nghệ thuật của Lê Thánh Tông là không gian của cuộc sống trần thế, với những khát vọng hoàn thiện bản thân trong chính chốn dương gian này. Không gian tiêu biểu nhất trong thơ Lê Thánh Tông chính là không gian sơn thủy- không gian quốc huy. Với tư cách là người làm chủ cả đất nước này thì không gian này cũng giống như không gian căn nhà đối với người dân thường. Đối với hoàng đế Lê Thánh Tông, sông núi chính là căn nhà của ông, tài sản của ông.

Hạo đãng triều đầu thủy tiếp thiên

Nguy nga lão thạch trám thanh xuyên Y hi cổ thụ dung trang thượng

Mạn lạn tiên hoa sắc xuyến tiền Hoãn bộ hưu tường thi tứ nhã

Thanh ngâm khoái lạc đạo tâm huyền Động trung hữu thú xuân quang tại Tráng thị hùng tư vĩnh viễn niên

(Ngọn triều mênh mông, nước sát liền trời, Núi già chót vót chấm dòng sông biếc.

Cổ thụ như xưa dường vẽ phía trên,

Hoa nở tưng bừng điểm xuyến đằng trước. Bước dạo thung dung tứ thơ thanh nhã, Ngâm nga thú vị đạo tâm diệu huyền.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

Trong động có thú, vẻ xuân còn đó,

Phong cảnh hùng tráng như vĩnh viễn tồn tạo mãi với tháng năm.)

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 24

(Đề Chiếu Bạch sơn thi tịnh tự)

Bức tranh được vẽ lên với ngọn nước triều lên sát với khung trời mênh mông, phía kia là núi sát với dòng sông biếc. Trong cảnh ấy, con người thung dung dạo bước. Không gian mênh mông của núi sông ấy vẫn cứ là không gian hiện thực của cuộc sống trần thế của con người. Tuy nhiên, không gian hiện thực không bay bổng, không siêu việt ấy lại vẫn cứ thể hiện một ý nghĩa tư tưởng ở đằng sau nó. Tư duy đồng nhất không gian nhỏ bé quanh mình với toàn bộ thế giới của người trung đại biểu hiện ở tính biểu tượng của không gian trong thơ Lê Thánh Tông. Cấu trúc mô hình thế giới mang tính hiện thực của Lê Thánh Tông vẫn được gắn kết với những vấn đề trừu tượng- là cái “đạo tâm huyền”- vẫn cứ vươn đến những giá trị vĩnh cửu về mặt thời gian “vĩnh viễn niên”. Chỉ có điều, cái “đạo tâm huyền” ấy là nhân đạo, là đạo của con người được thực thi trong kiếp người, tại chính thế gian, trong xã hội nhân quần này. Đó chính là mô hình không gian của nhà Nho đã chi phối cách tư duy về không gian của Lê Thánh Tông một cách khá triệt để.

Nam thiên vạn cổ sơn hà tại Chính trị tu văn yển vũ niên.

(Trời Nam muôn thuở núi sông mãi mãi vừng bền, Chính là lúc sửa sang việc văn, tạm dẹp việc võ.)

(Ngự chế Thiên Nam động chủ đề) Núi Lam sừng sững,

Sinh bậc anh hùng. Sông Lương phẳng lặng, Khơi dòng hiền minh.

Trời đất mênh mông mà thần bí, Nước non mơ màng mà đẹp xinh!

(Lam Sơn lương thủy phú)

Không gian Lam Sơn được đồng nhất với không gian thánh thiêng. Quan niệm địa linh nhân kiệt được khai thác đến mức tối đa ở đoạn phú này.

Nếu Thiền hướng đến một không gian- thời gian vĩnh viễn bằng cách giải thoát tâm con người khỏi những hệ lụy nơi trần thế, Lão- Trang hướng đến những không gian và thời gian vĩnh viễn bằng cách tiêu dao tự do tự tại cùng với tự nhiên bao la rộng lớn, thì Nho giáo tìm đến sự vĩnh cửu của đạo ở trong chính cuộc sống trần thế này. Điều này khiến văn học nhà Nho đi gần với hiện thực nhưng lại mất đi mảnh đất cho đôi cánh bay bổng của văn chương. Văn chương nhà Nho theo hướng đạo lý chỉ loanh quanh trong những không gian trần thế trang nghiêm có thể tri giác được của một nhà Nho truyền thống đến đây sẽ trở nên bức bối để tìm đến những không gian khác ở giai đoạn sau, hoặc theo hướng kỳ quái như truyện truyền kỳ, một cách thức dùng những câu chuyện kỳ ảo để lách qua khe cửa đóng kín của các rào cản của đạo lý, của các hình thức cấm kỵ ở thế kỷ XVI- XVII; hoặc theo cách trở về với dân gian để đến với các không gian “hoài niệm phồn thực” và đi thẳng vào không gian đô thị của các trang tài tử giai nhân nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX.

Tiểu kết

Chương ba của luận án đã xem xét giai đoạn điển phạm của văn học nhà Nho qua trường hợp Lê Thánh Tông. Chúng tôi kết luận rằng, văn chương Lê Thánh Tông đã đạt đến độ điển phạm, quy chuẩn ở cả nội dung và hình thức. Ở từng phương diện khảo sát, tác phẩm của ông đều cho thấy sự trùng khớp với các tiêu chí mà chúng tôi đưa ra cho loại hình văn học nhà Nho. Nhưng sự trùng khớp ấy cũng lại là dấu hiệu báo trước một thời đại văn chương nhà Nho trở nên rập khuôn, công thức và bế tắc trong một tương lai không xa. Lê Thánh Tông đã thực hiện chiến lược xây dựng hình ảnh một vị hoàng đế theo mô hình Nho gia, và sáng tác văn

chương với ông là một hành động nằm trong tổng thể chiến lược đó- nó là những diễn ngôn thể hiện cao độ phương diện nội thánh của nhà vua. Văn chương của ông là sự mô tả một cách tập trung các cảm hứng đạo lý và dân tộc qua các thể thơ đề vịnh. Đối với ông, đạo lý hay dân tộc cũng chỉ là các phương diện khác nhau trong đạo trị nước của một vị hoàng đế. Đó là loại văn chương cung đình, văn chương ca tụng công đức rất tiêu biểu, mà sự thể hiện cực đoan nhất của nó chính là mảng thơ khẩu khí. Tính quy phạm và mặt trái của nó cũng thể hiện rõ rệt nhất ở mảng thơ này. Hình tượng vị hoàng đế Nho gia đã được xây dựng đúng với mô hình chuẩn mực của Nho giáo, thậm chí cả sự kết hợp với yếu tố Lão- Trang ở hình tượng này cũng được công thức hóa. Thời gian quá khứ gần đã được Lê Thánh Tông thiết lập thành một hệ giá trị chuẩn mực bên cạnh kiểu quá khứ mơ hồ Nghiêu- Thuấn của nhà Nho. Không gian sơn thủy- quốc huy bao trùm hầu hết sáng tác của ông để thể hiện đại đạo của đấng bậc thiên tử làm chủ thiên hạ. So với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông bỏ lại gần hết những ràng buộc của thời đại văn hóa đa nguyên Lý- Trần và đẩy sự công thức hóa, chuẩn mực hóa và điển phạm hóa của văn học nhà Nho lên mức cao nhất có thể.


KẾT LUẬN


1. Điển phạm là những tác phẩm có tính chất mẫu mực của một nền văn học, nó lưu giữ quá khứ và liên hệ với hiện tại. Quá trình hình thành của điển phạm phải tính từ cả hai phía, trước hết là bản thân giá trị thẩm mỹ nội tại của tác phẩm, sau đó là sự ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, thiết chế xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị. Sự hình thành và lưu giữ điển phạm được tiến hành chủ yếu qua sự mô phỏng, sao chép và tái sinh của tác phẩm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, cũng có thể tính đến thiết chế giáo dục chính thống và vai trò của các nhà phê bình là những yếu tố góp phần xác lập và duy trì điển phạm. Điển phạm không phải là hiện thân cho các giá trị phi lịch sử và tổng quát mà nó có tính lịch sử và biến đổi theo thời gian. Có thể nói, điển phạm chính là tự sự về cách nhìn văn học của mỗi thời đại. Quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho là một trong ba lần diễn ra điển phạm hóa lớn trong lịch sử văn học dân tộc, tương ứng với ba loại hình văn tự. Nếu lần điển phạm hóa thứ hai là quá trình dân tộc hóa nền văn học dân tộc ở bộ phận văn học chữ Nôm, lần thứ ba là quá trình hiện đại hóa nền văn học với bộ phận văn học chữ Quốc ngữ thì lần điển phạm hóa thứ nhất là quá trình Nho giáo hóa nền văn học chủ yếu diễn ra ở bộ phận văn học chữ Hán. Sự lên ngôi của Nho giáo đồng hành với những diễn biến đưa nhà Nho trở thành nhân vật số một của nền văn hóa kéo dài từ cuối thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XV đã làm hình thành một loại hình văn học đặc thù mà chúng tôi gọi là văn học nhà Nho. Cách gọi này không nhằm đến loại hình tác giả nhà Nho mà để định danh một loại hình tác phẩm văn học. Văn học nhà Nho là loại hình văn học được sáng tác theo khuynh hướng mỹ học Nho gia, chịu sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, do nhà Nho hoặc những tác giả chịu ảnh hưởng của Nho giáo sáng tác, được coi là thứ văn chương lý tưởng của nhà Nho về mặt lý thuyết.

2. Từ việc khảo sát ba trường hợp tác giả Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, luận án khẳng định có một quá trình điển phạm hóa diễn ra bên trong những văn bản tác phẩm qua các thời đại kể từ khi Nho giáo bắt đầu tạo được những ảnh hưởng rõ nét đầu tiên ở những tác giả văn học Thiền đến lúc định hình ở

những tác giả nhà Nho và trở thành điển phạm ở giai đoạn Nho giáo xác lập quyền thống trị lên trên nền văn hóa, xã hội của đất nước. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận vai trò và sự tham gia của quyền lực, nhà nước, các của các thiết chế giáo dục... trong quá trình điển phạm hóa kể trên. Nhưng những vấn đề đó thuộc một phạm vi nghiên cứu khác mà chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại trong tương lai. Nhìn sâu vào văn bản tác phẩm, luận án nhận thấy quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho tiếp biến theo hướng ngày càng tiệm cận với những quy chuẩn của văn học nhà Nho, từ những yếu tố nhỏ, đơn lẻ, rời rạc, thứ yếu đến trở thành đặc tính lớn, xuyên suốt, hệ thống và chủ đạo.

Về quan niệm sáng tác, đặc thù của triết học phương Đông là những hệ thống triết lý mang tính nhân sinh, các triết gia không phải là những nhà lập thuyết thuần túy mà đồng thời là những người thực hành đạo học, chính vì thế văn chương trở thành những công cụ ngoại hóa trong quá trình thực hành lý thuyết đó. Ngay từ nguyên tắc ban đầu này, văn chương Thiền đã gặp gỡ với Nho gia, một loại hình văn chương mang tính chức năng điển hình. Đương nhiên, về bản chất, tu thân của Nho giáo và tu của Thiền khác nhau vì mỗi bên truy cầu những thứ hoàn toàn khác biệt. Trong tác phẩm của nhà vua- Thiền sư Trần Nhân Tông đã bắt đầu xuất hiện xu hướng sử dụng văn chương làm công cụ phục vụ các mục đích mang tính xã hội, ví dụ các bài thơ mang hơi hướng thi ngôn chí như Tức sự, có hơi hướng của một bài Thánh huấn của Nho gia như Cư trần lạc đạo phú, hay vài ba bài thơ vịnh vật. Quan niệm văn chương của nhà Nho- văn chương để phục vụ chính trị, “văn tải đạo” và “thi ngôn chí” thực sự định hình rõ rệt ở trường hợp Nguyễn Trãi. Ông đã sử dụng văn chương như một công cụ đắc lực để phò giúp Lê Lợi từ cả hai hướng, vừa để thực hiện chiến lược “tâm công” với kẻ địch, vừa để “Nho giáo hóa” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ngay cả bộ phận văn chương thiên về xu hướng nghệ thuật của Nguyễn Trãi cũng mang tính chức năng khá rõ rệt dù rằng vẫn đan xen nhiều khuynh hướng khác nhau. Quan niệm văn chương tải đạo trở thành điển phạm ở trường hợp Lê Thánh Tông khi ông coi nó là một cách thức để thực thi đại đạo của một bậc đế vương. Hiện tượng làm văn chương của Lê Thánh Tông là một cách thức dùng diễn ngôn để tạo lập chân lý, là nơi đấu tranh cho sự khẳng định quyền

lực của một vị hoàng đế. Quan niệm văn chương của ông thuần nhất và gần như không còn bóng dáng của Lão- Trang hay Thiền nữa.

Về đặc trưng thẩm mỹ, cái đẹp chủ đạo trong văn chương Trần Nhân Tông là cái đẹp của tâm cảnh siêu việt, nhưng cũng đã bắt đầu thấp thoáng hình dáng của một cái đẹp nhân cách lý tưởng được tu dưỡng, rèn luyện theo quan niệm của nhà Nho. Đến Nguyễn Trãi, cái đẹp của nhân cách lý tưởng này trở thành chủ đạo dù vẫn bảo lưu, đan xen những khuynh hướng thẩm mỹ khác mang màu sắc Phật, Đạo. Ở giai đoạn điển phạm, cái đẹp của đạo đức, cái đẹp hùng hồn cương kiện lấn át mọi phạm trù thẩm mỹ khác để trở thành duy nhất. Nó là cái đẹp của thế giới thực hữu của con người, đầy dấu ấn của nhân vi.

Về chủ đề- đề tài, ở giai đoạn đầu tiên, văn chương Trần Nhân Tông có thể chia là nhiều mảng khác nhau, tương ứng với những khuynh hướng khác biệt trong tư tưởng của ông. Riêng ở những nội dung mang tính thế tục, có thế nhắc đến đầu tiên là cảm hứng “cư trần lạc đạo” xuyên suốt, một phương diện có màu sắc nhập thế của Thiền từ trong bản chất đã gần gũi với Nho giáo. Tiếp theo là chủ đề dân tộc gần với trách nhiệm, lý tưởng xã hội và tinh thần trung quân ái quốc mà Nho giáo chủ trương nên nó trở thành chỗ mà Trần Nhân Tông đến gần với Nho giáo nhất. Cuối cùng là cảm hứng đạo lý- thế sự thể hiện qua sự xuất hiện của thể thơ vịnh vật- tiểu loại thơ của nhà Nho. Dù các nội dung kể trên đều chưa đậm đặc nhưng nó cho thấy sự hiện diện những vấn đề nhà Nho quan tâm đến trong tác phẩm của Trần Nhân Tông. Với một tâm hồn nghệ sĩ lớn như Nguyễn Trãi, dù để mình đắm mình trong khá nhiều hứng thú khác nhau, dù nhiều chỗ vẫn bị hút về phía Phật, Đạo, nhưng những nội dung dân tộc- đạo lý đã trở thành trọng tâm trong tác phẩm của ông. Ông chứng tỏ mình đã chủ động lựa chọn Nho giáo để giải quyết những vấn đề dân tộc và thiên hạ. Trần Đình Hượu cho rằng “dân tộc và nhân đạo” chính là “con đường tiếp thu Nho giáo của Nguyễn Trãi”. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến đạo lý và thế sự trở thành câu chuyện hàng ngày trong thơ Nguyễn Trãi qua những bài thơ giáo huấn và thơ đề vịnh, đặc biệt là thơ vịnh vật. Tư tưởng ở những bài thơ này tuy tỏ ra phóng khoáng hơn nhưng vẫn nằm trong những giới hạn của Nho giáo. Một nội dung đáng nói nữa trong chủ đề liên quan đến Nho giáo của văn chương Nguyễn Trãi là vấn đề xuất- xử. Đây là chỗ gặp gỡ với Lão- Trang và

Thiền, nhưng nó cho thấy xu hướng Nho giáo chủ đạo vẫn chi phối mọi lựa chọn có tính quyết định của ông. Đến giai đoạn điển phạm ở Lê Thánh Tông, văn chương của ông ít có sự lệch chuẩn mà thường theo dòng chính, là sự thể hiện một cách tập trung các cảm hứng đạo lý và dân tộc qua các thể thơ đề vịnh. Thực chất, đạo lý hay dân tộc cũng vẫn là một với Lê Thánh Tông, đó là các phương diện khác nhau của đạo trị nước của một vị hoàng đế. Đó là thứ văn chương cung đình, văn chương ca tụng công đức rất tiêu biểu, mà sự thể hiện cực đoan nhất của nó chính là mảng thơ khẩu khí. Tính công thức, quy phạm và mặt trái của nó cũng thể hiện rõ rệt nhất ở mảng thơ này.

Về hình tượng trung tâm, hình tượng vị Bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu là mẫu hình con người lý tưởng mà Trần Nhân Tông xây dựng trong tác phẩm của mình. Ông đã mang Thiền và Nho, hai lý tưởng kết hợp lại trong một mẫu hình duy nhất, nhưng Nho mới chỉ chiếm vị trí số hai trong mẫu hình này. Đến Nguyễn Trãi, nhận vật trung tâm đã là các nhà Nho hành đạo. Tuy yếu tố Nho giáo chiếm phần quan trọng nhất, nhưng nhà Nho này chưa bị bó buộc trong phạm vi của Nho giáo, thậm chí là Tam giáo, mà vẫn là một con người nghệ sĩ phóng khoáng tự cho phép mình được quyền tự do lựa chọn. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi cũng cho thấy xu hướng xây dựng các hình tượng theo mẫu hình nhân cách lý tưởng của Nho gia qua các hình tượng Lê Lợi và Trần Nguyên Đán. Xu hướng này trở nên quy phạm ở giai đoạn Lê Thánh Tông. Khi xây dựng vị hoàng đế Nho gia, ông đã dựa trên mẫu hình chuẩn mực của các thánh vương xưa kia.

Về phương diện thi pháp, luận án khảo sát thời gian và không gian nghệ thuật. Thời gian hướng về quá khứ chính là đặc trưng của tư duy về thời gian của nhà Nho. Nó đã xuất hiện trong thơ Trần Nhân Tông như một thành tố bên cạnh thứ quan niệm thời gian vũ trụ vĩnh hằng của Thiền gia. Ở những bài thơ thiên về thế tục, đã thấy cảm thức mơ hồ của nhà thơ về một quá khứ huy hoàng của dân tộc. Phải đến Nguyễn Trãi, cảm thức về thời gian quá khứ mới đủ mạnh để trở thành chủ lưu chi phối gần như toàn bộ các tác phẩm của ông. Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Trãi sống trong một thứ thời gian hướng về quá khứ mơ hồ vĩnh viễn mang tính biểu tượng về thời Nghiêu Thuấn, về những khoảng quá khứ không xác định được của thế giới văn hóa trung đại. Lê Thánh Tông đã gia tăng thêm sự xác định

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí