Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 16

những kẻ mà nhân gian chẳng có ai bất vị thiên hạ đến như họ, có phải Nguyễn Trãi đang tìm sự đồng cảm ở những người giống như họ, mời họ nghe khúc ca trong núi của mình? Bài thơ là sự dằn vặt trăn trở, là mâu thuẫn giằng xé, giữa lựa chọn vị thân hay vị thiên hạ. Đoạn đầu dường như người đang nói đã ở trong núi, hoặc nếu chưa ở trong núi thì là một giả định về chuyện ở trong núi. Nhưng đoạn Vấn quân… thì có vẻ nhiều phần chắc chắn rằng người đó ở bên ngoài. Đến hai câu cuối này, chủ thể bài thơ lại đang đứng trong núi, hoặc là đang lựa chọn chỗ đứng là ở trong núi. Bài thơ giống như hai nửa của một chủ thể đang tự đối thoại với nhau, đến cuối cùng, chủ thể ấy có vẻ đã chọn đứng ở trong núi, nhưng lựa chọn mà không chắc chắn, lựa chọn mà trong lòng vẫn quá nhiều do dự, quá nhiều dằn vặt, đứng đó mà vẫn ngóng ra bên ngoài, để tìm người đồng cảm với tâm hồn Sào Phủ, Hứa Do của mình. Không thể đoán chắc được là Nguyễn Trãi viết bài thơ này khi đã về ở ẩn hay vẫn còn đang làm quan. Thực chất chủ thể lúc ấy đang ở đâu không quá quan trọng, vì ở bài thơ này, chính chủ thể chưa xác định mình ở đâu, chưa xác định được chỗ mà mình thực sự muốn lựa chọn, dẫu ở bên ngoài mà tâm hồn gửi nơi núi vắng, dẫu ở trong núi mà trái tim vẫn ở ngoài chốn nhân gian. Côn Sơn ca rất tiêu biểu cho lời nhận định của Trần Đình Hượu về thơ Nguyễn Trãi, ngay cả ở bài thơ “thực sự là Trang” [104, tr. 112] như “Côn Sơn ca” mà xét cho đến cùng, yếu tố Nho dù tưởng như thấp thoáng mà vẫn cứ là chủ đạo.

Không có gì mô tả về lựa chọn xuất- xử của Nguyễn Trãi chuẩn xác hơn bài thơ này:

Trường thiên mạc mạc thủy du du, Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu.

Tiện sát sa biên song bạch điểu, Nhân gian lụy bất đáo Thương châu.

(Trời bao la vắng lặng, nước trôi man mác,

Lá vàng rụng khắp núi sông, báo cảnh thu tàn. Lòng thèm được như đôi chim trắng bên bãi cát,

Cái lụy nhân gian không đến được chỗ ở của bậc ẩn sĩ.)

(Vãn lập)

Chúng tôi cho rằng, bài thơ mà một minh chứng cho thấy khát vọng được sống giữa cuộc đời, sống giữa nhân quần giống như lời Khổng Tử của Nguyễn Trãi vẫn lấn át bất kỳ lạc thú cá nhân nào khác. Dù đã dành rất nhiều thời gian để đắm chìm trong thế giới của Lão- Trang thì cho đến tận cùng, Nguyễn Trãi cũng chẳng có cách gì đồng hóa được những nguyên tắc của nó vào con người ông.

2.4. Hình tượng trung tâm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

2.4.1. Hình tượng cái tôi trữ tình

Heghen tóm tắt đặc trưng của thơ ca là sự “bộc bạch của tâm hồn” [36, tr. 666]. “Nội dung của thơ trữ tình là cái chủ thể cá nhân, và do đó, là những hoàn cảnh, những sự vật đặc biệt, cũng như là cách tâm hồn nhận thức được mình ở trong cái nội dung ấy với các nhận định chủ quan của y, với những niềm vui, những sự thán phục, những nỗi đau khổ và những cảm xúc của nó” [36, tr. 667]. Điều ấy có nghĩa là nếu thơ ca có đề cập đến bất kỳ nội dung gì khác thì cái quan trọng nhất, cái nội dung thực sự vẫn là tâm hồn của tác giả, của chủ thể. Nhà thơ sáp nhập vào mình cái nội dung hiện thực đến mức biến nó thành chính bản thân mình, thành nội dung của chủ thể. Hình tượng cái tôi không đồng nhất với tác giả, nó là sự khách thể hóa bản thân, là một khách thể đã được nhìn qua lăng kính của chủ thể thẩm mỹ. Không ở đâu mà cái tôi tác giả bộc lộ rõ nét hơn trong thơ ca.

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 16

Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Trãi là một hình ảnh phức tạp, một cách cảm nhận của Nguyễn Trãi về chính bản thân mình, tâm hồn mình. Đó chính là hình tượng trung tâm trong thơ Nguyễn Trãi. Ở đây, người ta thấy một Nguyễn Trãi đa chiều với vô vàn những dằn vặt băn khoăn, giằng xé, những khát vọng và những chán chường, những thành công và những thất bại. Người ta thấy hiện lên hình tượng một nhà Nho với những chuẩn mực khát vọng được hành đạo giúp đời:

Văn chương chép lấy đòi câu thánh, Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung.

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng.

(Bảo kính cảnh giới, bài V) Chữ viết ngày xưa quên hết dạng,

Chẳng quên có một chữ cương thường.

(Tự thán)

Quân thân chưa báo lòng canh cánh. (Ngôn chí)

Bui có một lòng trung liễn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

(Thuật hứng)

Những chuyện “quân thân”, “trung hiếu”, “cương thường” trở đi trở lại như những tín niệm suốt đời Nguyễn Trãi noi theo. Ngày xưa, khi nước Trung Hoa rộng lớn đang trong cơn đại loạn, Khổng Tử đã lăn bánh xe bôn ba khắp các liệt quốc hòng mang đạo của mình ra chấn chỉnh lại kỷ cương xã hội. Có một lần, khi đi qua đất Khuông, bị nhận nhầm và bị bắt giam mấy ngày, Khổng Tử vẫn bình tĩnh ung dung nói với học trò rằng: “Văn Vương đã mất, văn không ở ta sao? Trời nếu muốn làm mất văn ấy (tư văn), ta đã chẳng được biết đến nó. Trời đã không muốn làm mất văn ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta”. Nhà Nho Việt Nam, trong cuộc dâu bể đầu thế kỷ XV, đã xuất hiện những kẻ sĩ tự nhiệm, tự nhận lấy trọng trách phải xếp đặt lại trật tự xã hội. Sự trùng lặp của hoàn cảnh lịch sử đã dẫn họ đi lại con đường như thế. Và người đã đi những bước đầu tiên, cũng là người đã thành công nhất chính là Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi cũng có lòng tự tin như Khổng Tử, tự xem mình là người có trách nhiệm dẹp loạn, tự coi việc của cả thiên hạ, việc sắp đặt lại cả gầm trời này là của mình (từ đời Hán về sau ở Trung Quốc, đó là trách nhiệm của hoàng đế, kẻ sĩ chỉ có vai trò giúp dập thiên tử mà thôi): “Trời mà bỏ mất tư văn thì cũng biết là có mệnh”. Chính những yếu tố đó đã khiến kẻ sĩ tự nhiệm trở thành một hình tượng trung tâm của hùng văn thời kì bấy giờ, đặc biệt là trong tác phẩm của Nguyễn Trãi. Và cũng vì thế, hình tượng này dường như trùng với hình tượng nhân vật trữ tình trong một bộ phận thơ Nguyễn Trãi. Ông tự nhận mình là kẻ “Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh”, “bình sinh độc bão tiên ưu chí”, và nữa :

Tu kỷ đãn tri vi thiện lạc, Trí thân vị tất độc thư đa.

Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh, Vô thuật năng y, lão cánh gia.

(Sửa mình chỉ biết làm điều lành là vui, Lập thân chưa hẳn cần đọc nhiều sách.

Suốt đời viển vông chính thật là cái bệnh của ta, Không có cách gì chữa được, già lại càng thêm nặng.)

(Ngẫu thành)

Kẻ sĩ tự nhiệm trong con người Nguyễn Trãi đã có khi rất thành công với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và ở những ngày đầu xây dựng vương triều mới. Nhưng rồi những chuyện đau lòng đã khiến ông rơi vào tâm sự u uất, chán nản. Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ ông mang màu sắc chủ đạo là một con người luôn luôn ôm mối ưu tư, luôn chứa chất những nỗi buồn u uẩn. Lúc là hình tượng một người mất ngủ, thường xuyên không ngủ được:

Ngâm dư hồn bất mị,

Đoạn túc đáo thiên minh

(Ngâm thơ xong vẫn không ngủ được,

Nghe tiếng mưa đứt rồi lại nối, rả rích mãi đến sáng.)

(Thính vũ)

Bình sinh độc bão tiên ưu niệm, Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.

(Suốt đời riêng ôm cái chí “lo trước thiên hạ”, Ngồi khoác mảnh chăn lạnh thâu đêm không ngủ.)

(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm, kỳ nhị)

Có khi thì phẫn uất:

Uất uất thốn hoài vô nại xử,

Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh.

(Tấc lòng uất ức không biết làm sao giãi tỏ,

Nằm gối đầu bên cửa thuyền trăn trở cho đến sáng.)

(Quy Côn Sơn chu trung tác)

Có thể nói, cuộc đời Nguyễn Trãi nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại, chỉ có điều cho đến cuối đời, dù nhiều lúc chán nản, thất vọng, có lúc hờn dỗi, dọa quay lưng với những con người cụ thể, những sự việc cụ thể, nhưng Nguyễn Trãi vẫn chưa bao giờ thật sự mất niềm tin vào lý tưởng sống. Những va đập của

một xã hội mới chập chững bước đầu quan liêu hóa chưa đủ khiến Nguyễn Trãi đổ vỡ niềm tin vào mộng ước về một xã hội “Vua Nghiêu, Thuấn, dân Nghiêu, Thuấn” mà chính ông đã chủ động lựa chọn cho đất nước mình:

Cơm áo khôn đền Nghiêu Thuấn trị, Tóc tơ chưa báo mẹ cha sinh.

(Thuật hứng, bài XX) Cày ruộng cuốc vườn dầu hết khỏe, Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu.

(Trần tình, bài VII) Khó miễn vui chăng thửa trách, Vì chưng có chúa Đường Ngu.

(Thuật hứng, bài XIII)

Bui có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

(Thuật hứng, bài XXIV)

Như các tác giả trung đại khác, Nguyễn Trãi hay tìm đến đối thoại với các cổ nhân. Nhìn từ góc độ liên văn bản, các nhân vật mà Nguyễn Trãi nhắc đến giống như một trường hợp đặc biệt của một mạng lưới các văn bản được liên kết. Với người đọc, tên các nhân vật mà Nguyễn Trãi đề cập không chỉ đơn thuần là những cái tên, mà là một thế giới văn hóa cổ trung đại. Nguyễn Trãi hay nói đến Nghiêu Thuấn hay Nhan Uyên như những biểu tượng của đạo Thánh. Ông từng cùng say cùng tỉnh với Khuất Nguyên, cùng mơ về bến Thương Lang để giặt dải mũ:

Thương Lang hà xứ thị, Ngư điếu hảo vi đồ.

(Biết sông Thương Lang ở nơi nào đây,

Mà tìm đến đánh bạn với ông chài cũng hay.)

(Giang hành)

Ông càng nhiều lần tha thiết với khóm cúc cũ của Đào Uyên Minh:

Miễn tưởng cố viên tam kính cúc,

Mộng hồn dạ dạ thướng quy đao

(Triền miên tưởng nhớ ba luống cúc nơi vườn cũ,

Hồn mộng đêm đêm lên chiếc thuyền nhỏ trở về.)

Nhìn bên ngoài, tưởng chừng như về lý tưởng chính trị cũng như tính cánh cứng cỏi, cương nghị cùng những trắc trở trong cuộc đời thì Nguyễn Trãi gần với Khuất Nguyên nhất, nhưng thực sự bên trong tâm hồn ông lại đồng cảm hơn cả với Đỗ Phủ. Ông không cực đoan và quyết liệt theo kiểu của Khuất Nguyên15 dù cùng bị ám ảnh bởi cái “hỗn trọc” của xã hội- nhân vật mà Nguyễn Du sau này ở một thời đại khác, khi niềm tin vào lý tưởng xã hội kiểu Nghiêu Thuấn đã bị sụp đổ sẽ tìm về, dù dĩ nhiên cái thất vọng của Khuất Nguyên không giống với sự mất phương

hướng của Nguyễn Du. Khuất Nguyên thất vọng vì quá tin tưởng, Nguyễn Du mất phương hướng vì không còn gì để tin. Người mà Nguyễn Trãi nhắc đến nhiều nhất trong thơ mình là Đỗ Phủ (10 lần). Ông đồng cảm với Đỗ Phủ ở nhiều khía cạnh, ở tấm lòng tha thiết với cuộc sống lầm than của nhân dân, ở tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, và ở số phận buồn thương của đất nước mình. Ở Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi tìm thấy hình bóng của chính bản thân mình ở bề sâu. Cả hai cùng trải qua những năm tháng nặng nề của đất nước mình, nhưng cả hai đều luôn giữ được niềm tin bất diệt vào cuộc sống. N.I. Konrad đã viết về Đỗ Phủ: “Đỗ Phủ bắt đầu hiểu rằng cuộc sống không chỉ có độc ác, đau khổ mà còn có cái tốt và niềm vui, rằng chính con người là đại diện cho cái tốt đẹp và tươi sáng. Cùng với điều ấy trong các bài thơ của Đỗ Phủ đã thấy sự nồng ấm của tâm hồn, điều mà thật không thể ngờ ở ông, người đã trải qua tất cả những rủi ro của số phận cá nhân, tất cả những bất hạnh của tổ quốc mình” [65, tr. 570]. Giữa những tháng ngày dài lưu lạc chạy loạn ở thành Quỳ Châu, bốn năm trước khi cái đói nghèo, bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của ông trên một chiếc thuyền nhỏ trên sông Dương Tử, Đỗ Phủ đã viết những câu thơ tha thiết với đất nước, với số phận của con người. Chính cái nồng ấm này của tâm hồn này đã khiến Đỗ Phủ chứ không phải Khuất Nguyên lại là người mà Nguyễn Trãi tìm đến nhiều nhất.


15 Theo Trần Nho Thìn thì chữ “trung dung” tạo nên sự khác biệt giữa Nguyễn Trãi và Khuất Nguyên: “Nhưng “trung dung” lại có nghĩa là lựa chọn khác với Khuất Nguyên, người đã bị nhiều hậu nhân phê phán vì không giữ đạo thích trung” [151, tr, 351], nhưng ông vẫn cho rằng: “Chép Ly tao có thể hiểu là bày tỏ tâm sự tận trung tận hiếu với dân, với nước, với vua mà bị nghi ngờ, bị gièm pha, thể hiện nỗi oán hận, uất ức” [151, tr. 349] và kết luật : “Từ góc nhìn Nguyễn Trãi tiếp nhận Khuất Nguyên, chúng ta hiểu thêm những nét bí ẩn trong tâm hồn dông bão của Nguyễn Trãi. Có thể nói, Nguyễn Trãi vẫn tin vào đạo người quân tử- Quân tử hãy lăm bền chí cũ, vẫn muốn mình làm một cây tùng giữa trời đông giá lạnh, muốn làm một Khuất Nguyên” [151, tr. 351].

Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ,

Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh

(Mạn thuật, bài IX) Sầu nặng Thiếu Lang biên đã bạc,

Hứng nhiều Bắc Hải chén chưa không

(Thuật hứng, bài V) Tử Mỹ cô trung Đường nhật nguyệt, Bá Nhân song lệ Tấn sơn hà.

(Tử Mỹ một lòng giữ tấm cô trung với ngày tháng nhà Đường, Bá Nhân ứa hai hàng lệ khóc non sông nhà Đông Tấn.)

(Loạn hậu cảm tác)

Dù suốt đời nguyện ước được làm một nhà Nho hành đạo, nhưng hoàn cảnh bất như ý cũng như bản năng của một nghệ sĩ khát khao tự do vẫn khiến Nguyễn Trãi trở về với cuộc sống ẩn dật. Ông đã khắc họa trong thơ mình hình tượng một ẩn sĩ tự do tự tại bậc nhất trong thơ ca trung đại Việt Nam.

Thanh nhàn lánh đến giang san, Ngày vắng xem chơi sách một an. Am rợp chim kêu hoa xảy động, Song im hương tạn khói sơ tàn.

(Ngôn chí, bài XVI) Con cờ quảy, rượu đầy bầu,

Đòi nước non chơi quản chi dầu. Đạp áng mây, ôm bó củi,

Ngồi bên suối, gác cần câu.

(Trần tình, bài V) Giậu thưa thưa hai khóm trúc, Giường thấp thấp một nồi hương.

Vượn chim kết bạn nước non quạnh,

Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường. Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh,

Áo bô quen cật vận xênh xang.

(Tức sự, bài IV) Hái cúc ương lan, hương bén áo,

Tìm mai đạp nguyệt, tuyết xâm khăn.

(Thuật hứng, bài XV)

Số lượng những bài thơ kiểu này của Nguyễn Trãi khá lớn. Ở đó ông khắc họa hình tượng một con người thung dung tự tại đắm chìm trong thiên nhiên với tâm thế của kẻ “nhàn”, nhàn vì tâm không vướng bận danh lợi, cho dù rằng trong thực tế, thân ấy có khi vẫn còn đang ở chốn thị thành. Chân dung con người này được mô tả chủ yếu giữa cảnh thiên nhiên, với những hành động cũng gắn liền với tự nhiên: “đạp áng mây”, “gác cần câu”, “tìm mai”, “đạp nguyệt”… Chân dẫm lên lòng suối, ngày phủ đầy mây, đêm chứa đầy trăng, con người dường đã buông bỏ mọi ràng buộc của xã hội nhân quần, thấy mình tự do tự tại hơn bao giờ hết, thấy mình gắn bó và thực sự là một phần của đại tự nhiên rộng lớn, thực sự trở nên phóng dật giữa đại tự nhiên ấy.

Cơm ăn chẳng quản dưa muối, Áo mặc nài chi gấm thêu.

Tựa gốc cây ngồi hóng mát, Đìu hiu ta hãy một đìu hiu!

(Thuật hứng, bài XXII)

Con người khi gần với tự nhiên thì những nhu cầu của thân mình như là cơm ăn, áo mặc chẳng còn quan trọng gì nữa, chỉ cần được ngồi hóng mát, chỉ cần được hưởng cái đìu hiu, mình ta đìu hiu với ta.

Hải giác thiên nhai tứ ý ngao,

Kiền khôn đáo xứ phóng ngâm hào. Ngư ca tám xướng yên hồ khoát,

Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao. Thanh dạ bằng hư quan vũ trụ,

Thu phong thừa hứng giá kình ngao, Du nhiên vạn sự vong tình hậu, Diệu lý chân khao phó trọc lao.

(Góc biển chân trời mặc ý rong chơi,

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí