2.1.1. Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế của một quốc gia là một trong những thông số chủ yếu ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường quốc tế của doanh nghiệp. Môi trường kinh tế quyết định sức hấp dẫn của thị trường mà doanh nghiệp muốn thâm nhập. Các yếu tố trong môi trường kinh tế của một quốc gia mà doanh nghiệp thường quan tâm đó là mức độ tăng trưởng kinh tế, mức sống, cơ cấu dân cư và sự phân chia giai tầng xã hội…
Tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia phản ánh khả năng tiêu thụ hàng hóa của thị trường. Khi một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, khả năng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường tăng lên, nhu cầu nhập khẩu và khả năng trao đổi hàng hóa cũng lớn hơn. Khi thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, lạm phát gia tăng, người tiêu dùng trên thị trường đó sẽ hạn chế mua sắm các sản phẩm xa xỉ, thắt chặt chi tiêu và tăng cường tiết kiệm.
Vì vậy, ở những nước tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì các công ty kinh doanh thường có xu hướng thành lập các chi nhánh, các cơ sở bán hàng ở nước đó hoặc liên doanh mà công ty chiếm cổ phần chủ yếu. Việc duy trì và kiểm soát các hoạt động ở nước ngoài, trực tiếp tiếp xúc với thị trường cho phép công ty phát triển thị trường quốc tế hiệu quả hơn. Mặt khác, với những thị trường nhỏ, đặc biệt là những thị trường bị cô lập về mặt địa lý, các công ty thường ít quan tâm hơn. Với những loại thị trường này công ty kinh doanh thường lựa chọn phương thức thâm nhập như xuất khẩu hay cấp giấy phép.
2.1.2. Rủi ro môi trường chính trị và môi trường chung
Các công ty kinh doanh thường bất đắc dĩ mới đầu tư nguồn lực của họ vào những nước mà rủi ro môi trường chính trị và môi trường chung lớn và thường tránh các phương thức thâm nhập như liên doanh, thành lập các chi nhánh sở hữu hoàn toàn của công ty tại các thị trường đó. Công ty cần đặc biệt cẩn trọng khi đầu tư xây dựng nhà máy thiết bị để sản xuất một
phần hoặc một loại sản phẩm hoàn chỉnh tại những nước có rủi ro chính trị lớn. Ví dụ nhiều công ty rất cẩn trọng với những thị trường ở những quốc gia với lịch sử quốc hữu hóa như Achentina, Chile, Peru hoặc ở những nước thường xuyên xảy ra khởi nghĩa vũ trang và chính trị như Campuchia, Indonesia…
2.1.3. Hạ tầng cơ sở
Hạ tầng cơ sở là thông số thứ ba trong đặc điểm của nước lựa chọn thâm nhập mà chúng có tác động tới quyết định liên quan đến phương thức thâm nhập thị trường của doanh nghiệp. Khi hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông vận tải, mạng lưới thông tin, hệ thống cung cấp năng lượng nghèo nàn, lạc hậu thì công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn để thiết lập các cơ sở sản xuất, phân phối và bán hàng tại thị trường nước ngoài.
2.1.4. Văn hóa xã hội
Có thể bạn quan tâm!
- Phương thức thâm nhập thị trường thế giới của công ty Coca-cola và bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam - 2
- Lợi Thế Đối Với Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Trực Tiếp
- Các Cách Tiến Hành Thành Lập Công Ty Con Ở Nước Ngoài
- Phương Thức Thâm Nhập Của Coca-Cola Vào Một Số Thị Trường Trên Thế Giới
- Phương Thức Thâm Nhập Thị Trường Trung Quốc Của Coca-Cola
- Danh Mục Sản Phẩm Của Coca-Cola Tại Thị Trường Việt Nam
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Văn hóa là tập hợp những giá trị, ý niệm, niềm tin truyền thống được truyền lại và cùng chia sẻ trong một quốc gia. Văn hóa cũng là cách sống, những nếp suy nghĩ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi dân tộc [12,127].
Môi trường văn hóa xã hội là một bức tranh toàn cảnh của một quốc gia. Môi trường này bao gồm trình độ học vấn, trình độ văn hóa của các lực lượng lao động khác nhau trong xã hội, các nhánh văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… Trong đó trình độ văn hóa ảnh hưởng lớn nhất đến cơ cấu tiêu dùng và tổng nhu cầu tiêu dùng của một nước. Vì vậy, môi trường văn hóa sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường thế giới bởi văn hóa sẽ quyết định trực tiếp đến các chính sách marketing của hãng. Những nước có nhiều tương đồng về văn hóa sẽ là điểm thuận lợi giúp sản phẩm của doanh nghiệp không cần có sự thay đổi đáng kể nào cũng có thể được tiêu thụ trên nhiều quốc gia.
2.1.5. Công nghệ
Môi trường công nghệ phản ánh năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tại các quốc gia khác nhau. Đối với những nước có trình độ công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ cao thì doanh nghiệp có thể yên tâm lựa chọn phương thức như cấp phép hay Franchising. Còn đối với những nước đang và kém phát triển có trình độ công nghệ thấp, do nhu cầu muốn theo kịp trình độ công nghệ của các nước phát triển nên các công ty nước ngoài có thể lựa chọn phương thức liên doanh với đối tác địa phương. Khi đó cả hai bên đều có lợi trong kinh doanh, doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng tiếp cận thị trường còn các đối tác địa phương thì có thể học hỏi được công nghệ mới.
2.2. Hàng rào bảo hộ mậu dịch và những qui định của chính phủ
2.2.1. Hàng rào bảo hộ mậu dịch
Hàng rào bảo hộ mậu dịch như hạn ngạch, thuế, thủ tục hải quan hoặc những qui định về sản xuất của nước ngoài cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường quốc tế. Những bảo hộ trực tiếp như thuế và hạn ngạch nhập khẩu của nước ngoài hạn chế hoạt động xuất khẩu của công ty kinh doanh nhưng khuyến khích các phương thức thâm nhập khác như cấp giấy phép, nhượng quyền thương mại hay liên doanh. Những hàng rào bảo hộ mậu dịch gián tiếp như những qui định về sản phẩm, ưu đãi cho các nhà cung cấp địa phương, thủ tục hải quan, những yêu cầu về giấy phép khuyến khích việc liên doanh với các đối tác nước ngoài.
a. Những hàng rào bảo hộ mậu dịch trực tiếp
Thuế nhập khẩu hoặc hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa hạn chế hoạt động xuất khẩu của các công ty nước ngoài nhưng khuyến khích các công ty thành lập cơ sở hoặc nhà máy sản xuất ở nước ngoài. Ở một số nước như Malaixia và Braxin ưu đãi thuế quan cho những linh kiện rời để khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư các dây chuyền lắp ráp, sử dụng nhiều lao động địa
phương. Hai hãng xe ô tô lớn của Mỹ là Ford và GM đều có các dây chuyền lắp ráp ô tô ở Braxin mà ở đó 70% phụ tùng được sản xuất ở địa phương. Những đe dọa tiềm tàng của hàng rào bảo hộ mậu dịch trực tiếp buộc công ty chuyển từ xuất khẩu sang hình thức thâm nhập thích hợp hơn đó là đầu tư sản xuất ở nước ngoài.
b. Những hàng rào bảo hộ gián tiếp
Những qui định về sản phẩm hoặc thương mại, hệ thống tiêu chuẩn, những ưu đãi với nhà cung cấp địa phương cũng tác động đến việc lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường thế giới. Những ưu đãi với nhà cung cấp địa phương hoặc những khuynh hướng tiêu dùng nội địa thường khuyến khích các công ty cân nhắc đến các phương thức như liên doanh. Những đối tác nước ngoài sẽ giúp thiết lập hoặc triển khai các hợp đồng, thương lượng bán hàng, thiết lập các kênh phân phối đồng thời xây dựng củng cố hình ảnh sản phẩm và công ty ra thị trường.
Những qui định về sản phẩm, thương mại hoặc những qui định về hải quan buộc các công ty kinh doanh áp dụng các phương thức thâm nhập liên quan tới các công ty địa phương. Bởi họ có thể cung cấp các thông tin để thực hiện các hợp đồng ở thị trường nước ngoài và dễ dàng vượt qua những trở ngại đó. Trong một số trường hợp mà ở đó có những qui định về sản phẩm và đòi hỏi sản phẩm phải có sự thích ứng và cải tiến thì công ty có thể thành lập chi nhánh sản xuất ở nước ngoài hoặc dây chuyền lắp ráp ở nước ngoài.
2.2.2. Những qui định của chính phủ
Trong một số trường hợp, những qui định của chính phủ hạn chế sự lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường quốc tế của các công ty kinh doanh, đặc biệt đối với những ngành công nghiệp chiến lược như viễn thông, vận tải, máy tính. Vì các nền kinh tế trên thế giới ngày càng phụ thuộc và hòa nhập vào nhau nên hiện nay chính phủ của hầu hết các nước đã bãi bỏ hoặc giảm
những hạn chế về quyền sở hữu. Ví dụ, chính phủ Ấn Độ trước đây đã sử dụng những hạn chế về quyền sở hữu đối với các công ty nước ngoài để giảm mức độ thâm nhập và hạn chế ảnh hưởng của các công ty nước ngoài, nay qui định này đã được xóa bỏ.
2.3. Những mục tiêu và chiến lược thâm nhập của công ty
Những công ty có mục tiêu ngắn hạn đối với hoạt động thương mại quốc tế thường lựa chọn phương thức thâm nhập đòi hỏi sự đầu tư và nguồn lực thấp. Các công ty như vậy thường dựa vào các công ty đại lý xuất khẩu hoặc áp dụng các hợp đồng mua bán giấy phép. Những phương thức thâm nhập này đòi hỏi đầu tư nhỏ về tài chính và nguồn lực đối với thị trường quốc tế vì những trách nhiệm chủ yếu thuộc về các tổ chức khác.
Những công ty với cách tiếp cận và phát triển thị trường quốc tế có kinh nghiệm và năng động thường muốn thiết lập cơ sở bán hàng ở nước ngoài, sau đó chuyển nhanh sang phương thức liên doanh, đầu tư 100% vốn mà ở đó họ có thể kiểm soát hoàn toàn hoạt động sản xuất, tiếp thị ở thị trường nước ngoài. Ví dụ, Coca-cola thâm nhập thị trường Việt Nam, bắt đầu từ phương thức nguyên thủy là xuất khẩu tiếp theo là liên doanh với công ty địa phương và cuối cùng là thành lập công ty 100% vốn nước ngoài [17,34].
Khi một công ty muốn thâm nhập vào một thị trường quốc gia, khu vực nào đó nhanh chóng để có được những lợi thế, nắm bắt được những cơ hội thị trường, thì phương thức lựa chọn thích hợp đó là mua bán giấy phép hoặc nhượng quyền thương mại. Công ty có thể lợi dụng được năng lực, thiết bị sản xuất, hệ thống phân phối, sự hiểu biết thị trường của các công ty nước ngoài. Ngược lại, khi một công ty thận trọng trong việc lựa chọn chiến lược để thâm nhập thị trường quốc tế thì phương thức thâm nhập thích hợp là xuất khẩu, tiến tới xác lập cơ sở bán hàng và cuối cùng thiết lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
2.4. Những đặc điểm của sản phẩm
Những đặc điểm của hàng hóa và dịch vụ như giá trị đơn vị sản phẩm, khối lượng riêng, tính lỏng và thành phần của sản phẩm rất quan trọng trong việc quyết định vị trí của nhà máy sản xuất và hệ thống kho hàng hóa. Những sản phẩm có giá trị đơn vị cao như các loại đồng hồ đắt tiền… thì xuất khẩu trực tiếp là phương thức thích hợp nhất. Những sản phẩm được sản xuất với qui mô lớn và đang phát huy lợi thế về qui mô, hoặc những ngành sản xuất mà công ty muốn kiểm soát hoàn toàn thì phương thức xuất khẩu là phù hợp. Những sản phẩm như đồ uống, ngành công nghiệp bia các công ty thường áp dụng phương thức thâm nhập như cấp giấy phép, đầu tư nước ngoài để đóng chai hoặc xây dựng nhà máy vì chi phí vận tải với những sản phẩm đó cao. Ví dụ như hãng bia Heineken đã thành lập liên doanh để sản xuất bia ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc. Ở những nơi mà các sản phẩm trí tuệ được bảo hộ như công nghệ, nhãn hiệu, uy tín, các công ty bất đắc dĩ mới liên doanh với một đối tác ở nước ngoài vì ở đó công ty không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, phân phối, bị chia sẻ thông tin và công nghệ mới. Các hợp đồng cấp phép hay nhượng quyền thương mại được áp dụng ở những khu vực thị trường nước ngoài mà ở đó các đối tác địa phương chấp hành nghiêm chỉnh luật bảo vệ bản quyền, nhãn mác và công ty có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm và các hoạt động khác ở nước ngoài.
Lựa chọn thị trường quốc tế phù hợp để thâm nhập quan trọng hơn nhiều so với việc chọn một địa điểm, khu vực địa lý cụ thể để hoạt động. Nó bao gồm các quyết định liên quan đến việc xác định tiềm năng thị trường, đánh giá thận trọng cơ hội và những rủi ro phát sinh trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh ở một quốc gia. Tất cả những yếu tố đó cần phải được doanh nghiệp đánh giá đồng thời để có một phương thức tốt nhất thâm nhập thị trường một quốc gia cụ thể.
CHƯƠNG II: PHƯƠNG THỨC THÂM NHẬP CỦA CÔNG TY COCA-COLA VÀO MỘT SỐ
THỊ TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI
I. SƠ LƯỢC VỀ CÔNG TY COCA-COLA
Đã từ lâu, cái tên nước giải khát Coca-cola gần như được coi là biểu tượng của nước Mỹ, không chỉ ở Mỹ mà hầu như ở 200 quốc gia trên thế giới, đâu đâu cũng thấy những biểu tượng, hình ảnh của Coca-cola. Hơn 100 năm kể từ ngày thành lập, Coca-cola vẫn phản chiếu những bước chuyển của thời gian, luôn bắt nhịp với những thay đổi chưa từng thấy trên thị trường toàn cầu.
1. Lịch sử phát triển của công ty Coca-cola trên thế giới
Câu chuyện bắt đầu ngày 8 tháng 5 năm 1886, tại bang Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, một dược sĩ tên là John S. Pemberton, chủ của một phòng thí nghiệm và hiệu thuốc tư nhân đã mày mò, thử nghiệm và pha chế một loại sirô có một hương thơm đặc biệt, màu nâu nhạt, như một loại nước thuốc bình dân để chống đau đầu và mệt mỏi. Lúc đó, Coca-cola có tên gọi là Pemberton’s France Wine Coca. Ông đem chiếc bình này đến hiệu thuốc của Jabco, hiệu thuốc lớn nhất ở Atlanta thời bấy giờ và cho ra mắt công chúng với giá 5 xu một cốc. Ngay sau đó người trợ lý của John Pemberton là ông Frank M. Robinson đã đặt tên cho loại sirô này là Coca-cola và ông tự thiết kế nét chữ, kiểu chữ Coca-cola mà ngày nay vẫn được sử dụng.
Khi mới sáng chế ra loại nước giải khát này, Pemberton đã đi tiếp thị khắp mọi nơi. Nhưng Pemberton phải thất vọng vì thứ nước màu nâu này là một loại thuốc chứ không phải là một loại nước giải khát. Vào năm đầu, mỗi ngày chỉ bán được vẻn vẹn 9 ly. Số phận của loại nước giải khát này không dừng lại ở đây mà nó chỉ mới bắt đầu phát triển và phát triển không ai ngờ tới.
Thật tình cờ, công thức pha chế Coca-cola được hoàn thiện vào mùa hè năm đó. Một khách hàng bước vào tiệm thuốc và yêu cầu một ly Coca-cola. Người bán hàng đã nhầm lẫn pha sirô Coca-cola với sô đa thay vì với nước lọc bình thường như công thức pha chế của Pemberton. Nhờ sự cố nhầm lẫn đó mà Coca-cola lại có hương vị ngon miệng và sảng khoái khác thường. Coca-cola khi đó mới thực sự là nước giải khát có thể phục vụ số đông người tiêu dùng. Từ đó, Coca-cola được tiêu dùng từ 9 đến 15 ly một ngày.
Pemberton đã hết sức quảng cáo khắp các tiệm thuốc tại Atlanta nhưng ông đã bị lỗ. Năm 1888, ông đã bán 2/3 doanh nghiệp để bù lỗ và giữ cho việc kinh doanh tiếp tục, ông cũng mất vào năm đó.
Năm 1891: Asa G.Candler một dược sĩ đồng thời là thương gia ở Atlanta, ông cho rằng không có thứ nước giải khát nào có thể so sánh được với Coca-cola. Nhận thấy tiềm năng to lớn của Coca-cola nên ông đã quyết định mua lại công thức cũng như toàn bộ quyền sở hữu Coca-cola với giá
2.300 USD. Coca-cola đã bước sang một trang mới.
Năm 1892: Candler cùng với những người cộng tác khác thành lập công ty cổ phần sản xuất sirô tại Georgia và đặt tên là “Công ty Coca-cola”. Từ đó logo của Coca-cola xuất hiện trên khắp nước Mỹ.
Với chiến dịch quảng cáo rầm rộ, logo Coca-cola được sơn trên tường, xuất hiện trên những poster và những nơi phục vụ đồ uống ở khắp các chợ, ngay cả những dụng cụ ở trong nhà như lịch, ly, tách cũng được in hình biểu tượng Coca-cola.
Năm 1893: Thương hiệu Coca-cola lần đầu tiên được đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tại văn phòng US.Palant. Từ đó Coca-cola trở thành công ty Coca-cola độc quyền. Đó là một ý tưởng tuyệt vời để tăng doanh số tiêu thụ lại vừa đảm bảo chất lượng và có thể giữ gìn công thức pha chế cho Coca-cola.
Người cha thứ hai của Coca-cola này còn có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, thuận tiện cho khách hàng, thay vì bán Coca-cola đậm đặc, Candler đã pha chế sẵn để tiện cung cấp cho khách hàng ngay lập tức.