Đảm Đang Chiến Đấu Và Phục Vụ Chiến Đấu


Các chị em làm công tác khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, báo chí, thông tin tuyên truyên trên toàn miền Bắc đã góp phần quan trọng vào phong trào Ba đảm đang bằng sự miệt mài, say mê nghiên cứu. Một số chị có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp nhà nước về nông nghiệp, công nghiệp, được ứng dụng có hiệu quả, phục vụ tốt sản xuất, đời sống và chiến đấu. Những chị em là nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà biên kịch đã sáng tác nhiều tác phẩm có ý nghĩa cổ vũ tinh thần các chiến sĩ, toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trong đó không ít chị không ngại hy sinh, bám sát các vị trí trọng điểm địch đán phá thậm chí xung phong vào miền Nam để nghiên cứu, sáng tác. Những tác phẩm họ tạo ra đã có tác động trực tiếp đến tâm tư tình cảm của chiến sĩ ngoài mặt trận. Lực lượng nữ trong các đội văn công là nhân tố tích cực khơi dậy phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, mang lại tinh thần lạc quan cách mạng trong khói lửa chiến tranh. Thường xuyên đề cao cảnh giác phòng gian bảo mật, tham gia bảo vệ trị an.

3.2.2.3. Đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu

Trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu là nội dung trọng tâm và cũng là một nội dung phản ánh rõ nỗ lực cũng như quyết tâm cao nhất của lớp lớp những người phụ nữ từ hậu phương miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phát huy khí thế Ba đảm đang, nữ thanh niên hăng hái đăng ký Ba sẵn sàng xin gia nhập quân đội, gia nhập lực lượng TNXP, tham gia dân quân tự vệ, dân công hoả tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận. Chị em hỗ trợ bộ đội xây dựng công sự phòng không, đào hầm trú ẩn, mở đường, tải thương, cứu thương, tải đạn, tiếp phẩm, tham gia các đội xung kích bắt giặc lái, giải quyết hậu quả sau các trận đánh phá của địch. Những người phụ nữ Ba đảm đang kề vai sát cánh cùng nhau, cùng chiến đấu và trưởng thành bằng sự tương trợ, sẻ chia, thậm chí dám hy sinh cho nhau. Họ là những cá thể trong một tập thể và chính tập thể đã tạo cho họ môi trường, trao truyền cho họ sức mạnh, niềm tin để đủ lòng kiên trung vượt qua mọi thử thách, thậm chí là cái chết.

Trước tình hình chiến tranh lan rộng ra cả nước, ngày 28/3/1966, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 67/QP “Về tuyển dụng phụ nữ vào công tác quân đội” nhằm “sử dụng hợp lý sức lao động”, “phát huy khả năng và tinh thần của phụ nữ trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước”. Chủ trương này phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, hơn cả là đáp ứng được nguyện vọng được cống hiến của phụ nữ miền Bắc. Tháng 6/1966, toàn miền Bắc đã tiến hành tuyển một đợt chiến sĩ là nữ vào các đơn vị phục vụ chiến đấu.


Trong giai đoạn 1965-1968, phụ nữ được khuyến khích, động viên nhập ngũ theo các đợt tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm. Chính vì vậy, số lượng nữ quân nhân trong các đơn vị, cơ quan đã tăng rất nhanh. Trong 4 năm (1965-1968) số nữ trong quân đội tăng lên hơn 5 lần. Tuyển quân được tiến hành mỗi năm 2 đợt, trong mỗi đợt như vậy, đã có hàng ngàn nữ thanh niên từ khắp các tỉnh, thành, miền xuôi đến miền núi tích cực gia nhập quân đội. Theo thống kê của Tổng cục Hậu cần, đến năm 1967, số nữ công nhân viên quốc phòng chiếm 36% trong tổng số nhân viên quốc phòng ngành hậu cần (năm 1961, tỷ lệ này là 12%) [96, tr.56]. Trong các đơn vị, cơ quan, số nữ quân nhân, công nhân viên quốc phòng dần dần tăng, thay thế vị trí nam giới. Trong đợt tuyển quân tháng 6 năm 1968 đã có 5.102 nữ thanh niên được tuyển từ Quân khu Hữu Ngạn (1.560 nữ), Quân khu Tả Ngạn (1.807 nữ ), Quân khu Việt Bắc (644 nữ), Quân khu 4 (500 nữ), Quân khu Tây Bắc (300 nữ), Quân khu Đông Bắc (200 nữ), Quân khu Thủ đô (61 nữ). Không chỉ tăng lên nhanh chóng về mặt số lượng và có mặt trong hầu hết các cơ quan, đơn vị (được bố trí chủ yếu ở cơ quan, kho xưởng, quân y viện, đội điều trị, đội công trình doanh trại), lực lượng nữ còn có mặt kể cả trong một số ngành nghề, lĩnh vực công tác trước đây chỉ có nam giới (như công binh, vận tải), thậm chí còn có mặt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật phức tạp như sản xuất, sửa chữa máy móc vô tuyến điện, ra đa, vũ khí tối tân, hóa học, y học, cơ học, gia công các loại chi tiết tinh vi đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Hưởng ứng phong trào Ba đảm đang và PTTĐ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (do Quân ủy Trung ương phát động ngày 31/3/1965), phụ nữ quân đội làm nhiệm vụ sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đã làm việc không kể ngày đêm với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt. Khẩu hiệu “Hàng chưa xong, chưa ngủ; chỉ tiêu chưa đủ, chưa về” trở thành phương châm hành động của chị em. Đặc biệt trong những đợt phục vụ hàng đột kích cho tiền tuyến, nhiều chị em đã thực hiện phương thức hai người làm ba ca trong hàng tháng trời. Tổ lắp ghép C10 thuộc nhà máy Z1 hầu hết là nữ, khi phải hoàn thành gấp kế hoạch, chị em đã ăn ngủ ngay nơi sản xuất để chờ sản phẩm lấy ghép, đảm bảo cho dây chuyền sản xuất luôn chạy đều. Tại tổ 43, nhà máy X100, các chị em mặc dù mới vào nghề nhưng đã có sáng kiến, cải tiến cách bo dây đảm bảo tốc độ bo nhanh và các mạch điện chạy đúng, không nhầm lẫn khi lắp vào máy thông tin, ra đa và khi hàn không bị nhầm lẫn đầu như trước. Trong các nhà máy sản xuất quân trang, mặc dù khó khăn trong hoàn cảnh sơ tán, chồng đi chiến đấu xa, con


nhỏ, chị em không những đảm bảo chỉ tiêu được giao mà còn nâng mức chỉ tiêu sản phẩm để thi đua với đồng bào miền Nam và đáp ứng kịp thời yêu cầu của tiền tuyến. Chị em ở tổ máy 7, xí nghiệp X20 (16 nữ/19 người) đề nghị xí nghiệp nâng mức chỉ tiêu lên từ 120-145%, thậm chí có chị còn nâng mức chỉ tiêu lên đến 140% (chị Trần Thị Sen), 135% (chị Lê Thị Phan, chị Đào Thị Liên), 125% (chị Trần Thị Vân) [96, tr.58]. Không chỉ tham gia công tác ở các cơ sở hậu phương, phụ nữ quân đội ở miền Bắc còn tham gia phục vụ chiến đấu ở những trận địa ác liệt, những chiến trường xa xôi. Chiến sĩ nữ ở nhà máy Z23 xung phong cùng nam giới ra gần chiến trường để sửa chữa vũ khí. Chị em ở nhà máy X11 đã tình nguyện đi sửa chữa súng pháo ngay tại các trận địa và các tàu hải quân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.

Cùng với đông đảo chị em phụ nữ quân đội phải kể đến những hoạt động hết sức sôi nổi của lực lượng nữ TNXP. Tại Hà Nội, chỉ sau một thời gian ngắn khi Thành hội phát động phong trào Ba đảm đang đã có trên 50.000 phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tham gia. Hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó có nhiều người vừa rời ghế nhà trường đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới các vùng đất lửa, mở những con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trên mặt trận giao thông vận tải, nhận thức rõ sức mạnh của hậu phương miền Bắc được huy động từ mọi lĩnh vực khác nhau chỉ có thể đến với chiến trường miền Nam một khi giao thông thông suốt nên lực lượng nữ thanh niên quân đội cùng nữ thanh niên xung phong đã nêu cao ý chí sắt đá "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm". Tinh thần Ba đảm đang như tiếp thêm sức mạnh, giúp chị em dũng cảm phi thường, chịu đựng muôn vàn thử thách khắc nghiệt của thời tiết và những thiếu thốn của chiến tranh. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, chị em vẫn kiên trì bám trụ các tuyến đường trọng điểm, phá đá mở đường, đắp đường, sửa cầu, bắc cầu qua sông suối, đèo dốc…nối liền mạch máu giao thông để chuyển quân, đưa hàng ra tiền tuyến.

Phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước những năm 1961 - 1975 - 18

Với quyết tâm “Địch đánh, ta sửa ta đi, địch cứ đánh, ta cứ sửa cứ đi”, trung đội nữ công binh (tiểu đoàn 38, trung đoàn 14, Bộ tư lệnh 559) nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên một đoạn đường thuộc khu vực trọng điểm ATP (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) đã phá gỡ bom, mìn, san lấp các hố bom thường xuyên thông đường trước giờ quy định; phụ nữ Hải Lĩnh cùng nhân dân trong xã đã hy sinh cả nhà cửa, đem gạch đá lấp hố Mỹ”; tiểu đội 6 (đại đội 759 thuộc TNXP Quảng Bình) do chị Nguyễn Thị Kim Huế làm tiểu đội trưởng,


trong suốt 60 ngày đêm Mỹ oanh tạc liên tục trên tuyến đường A12 (với bình quân 4-5 trận/ngày) đã không lúc nào vắng mặt trên trận tuyến.

Mỗi trọng điểm trên các tuyến đường đều gắn với những chiến công của lực lượng nữ TNXP. Trọng điểm Cầu Cấm (nằm trên tuyến đường 1A) gắn với đại đội TNXP 333 gồm phần lớn là nữ. Trọng điểm đèo Đá Trẹo trên đường 15 gắn với tên tuổi chị Nguyễn Thị Thu Hiệp, xông xáo giữa kho đạn bị máy bay địch đánh phá mở đường máu cứu hàng, cứu xe. Trọng điểm đèo Mụ Dạ (trên đường

12) gắn liền với chị Nguyễn Thị Nậy-Bí thư chi bộ thép, trong 67 ngày đêm bảo vệ tuyến đường có 4 lần bị sức ép, 7 lần bị thương, 9 lần bị vùi lấp vẫn liên tục bám tuyến. Nổi bật là trọng điểm ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) gắn liền với đại đội TNXP 551 (đội 55-TNXP Hà Tĩnh) và 10 cô gái (thuộc đại đội 552, đội 55) ròng rã trong 240 ngày (từ tháng 3 đến tháng 10/ 1968) bị không quân Mỹ trút xuống 43.600 quả bom, trong đó 6.000 quả bom từ trường và bom nổ chậm) vẫn bình tình, can trường không rời vị trí.

Không chỉ làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông, chị em còn trực tiếp làm nhiệm vụ vận tải quân sự. Chị em nêu cao khẩu hiệu “thuyền là nhà, sào chèo là vũ khí, sông nước là chiến trường, đồng đội là người thân, đưa cân hàng lên phía trước là góp sức mình trực tiếp cho sự nghiệp giải phóng miền Nam”. Trong điều kiện bị địch bắn phá ác liệt, chị em vẫn luôn đảm bảo yêu cầu vận chuyển cho chiến trường. Ở miền núi, chị em tích cực khai thác cây luồng cung cấp cho công binh làm cầu phao bắc qua sông, nối mạch máu giao thông, cung cấp luồng cho 9 công trường thuyền nan đan tới 5.000 chiếc. Hàng ngàn chị em xung phong gia nhập “Công ty thuyền nan chống Mĩ cứu nước”-“Đoàn vận tải Lam Sơn”. Họ đã góp phần vận chuyển tới 104.400 vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, hàng hóa theo đường sông ra biển vào tuyến lửa Hà Tĩnh, Quảng Bình và 3.360 tấn hàng phục vụ trong tỉnh. Toàn tỉnh có 22 đại đội thuyền nan thì 13 đại đội là nữ. C26-Đại đội thuyền nan nữ đã vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường Tĩnh Gia-Vinh. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, đại đội 3 (TNXP đội 23, Hà Tĩnh) mang vác đạt số kg 60-70 kg, trở thành đội viên TNXP đầu tiên được tặng thưởng Huân chương. Chị Ngô Thị Sáu, Ngô Thị Dung dám bơi ra giữa dòng sông Mã dưới làn mưa bom của địch, cứu thuyền chở lương thực, tiếp đạn, mang lá ngụy trang cho tàu hải quân. Chị Ngô Thị Tuyển, một mình vác 2 hòm đạn nặng 98 kg, kịp thời tiếp đạn cho bộ đội đánh trả máy bay địch…


Trong phục vụ chiến đấu, hàng vạn các mẹ các chị tham gia tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập hầm, chị em ngành thương nghiệp và lương thực thực phẩm vượt gian khổ đem hàng đến các tuyến trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Nhiều tổ thương nghiệp Ba đảm đang đã dũng cảm xông pha dưới bom đạn kẻ thù, tiếp tế thực phẩm, cơm nước và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết đến từng mặt trận, đưa hàng đến tận tay bộ đội, du kích, tự vệ ở từng chiến hào, trên từng mâm pháo. Hội mẹ chiến sĩ và Hội Phụ nữ vận động chị em lập hũ gạo chống Mỹ tiếp tế cho bộ đội, dân quân trực chiến, thu thập hàng tấn quần áo cũ cho bộ đội lau súng, gánh nước tưới pháo, lấy lá ngụy trang cho pháo.

Thi đua với phụ nữ miền Nam, khắp nơi nữ dân quân, tự vệ “ba đảm đang” phát huy tinh thần thi đua quyết thắng. Hàng chục ngàn nữ thanh niên miền Bắc đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu với tinh thần gan dạ thông minh, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Chi đoàn Công ty dệt kim Đống Đa 100% nữ thanh niên đã tham gia tự vệ và đều đạt kết quả khá. Nữ tự vệ nhà máy cơ khí Quang Trung làm nhiệm vụ quan sát máy bay địch trên chòi cao, bom nổ, lửa cháy, chòi chao đảo vẫn không rời vị trí, bình tĩnh theo dõi hoat động của địch báo cáo về ban chỉ huy. Trong phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), phần lớn chỉ mới mười tám đôi mươi, chỉ sau một tháng thành lập, ngày 16/6/1967, đã bắn rơi máy bay A4, mở đầu cho phong trào dân quân gái toàn miền Bắc thi đua bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Ngày 16/11/1967 đơn vị dân quân gái xã Hoằng Trường (Thanh Hóa) bắn rơi hai máy bay AD6 của Mỹ, dân quân gái xã An Hồng (Hải Phòng) bắn rơi 1 máy bay, 13 nữ dân quân Quảng Ninh (Quảng Bình) và nhiều đơn vị dân quan gái khác đều bắn rơi máy bay Mỹ. Không kể tuổi tác, những nguời phụ nữ Ba đảm đang của hậu phương miền Bắc sẵn sàng nhận lấy mọi phần việc, miễn sao có thể góp công góp sức cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Mẹ Nguyễn Thị Suốt, dưới làn bom đạn của kẻ thù ngày đêm lái đò ở bến Bảo Ninh (Quảng Bình) chở bộ đội qua sông. Nữ dân quân trẻ tuổi Trần Thị Lý vượt gian khổ để hoàn thành công tác giao thông trên tuyến lửa, chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Chị Vũ Thị Thanh Nhâm, xã đội phó dân quân ở Hà Nam đã gan dạ, mưu trí phá bom nổ chậm, cứu nguy cho đồng đội và nhân dân. Nữ du kích Bùi Thị Vân 17 tuổi trong phân đội súng trường xã Vũ Lai, huyện Kim Thành, Hải Dương trong cụm dân quân dã Lai Vũ, bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ.


Tính đến năm 1971, trên toàn miền Bắc có 42 nữ Anh hùng; 13 đơn vị Anh hùng toàn nữ; 1.718 chị được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; 5.000 nữ Chiến sĩ thi đua; hơn 3.000 tổ, đội lao động XHCN đông nữ được bình bầu hằng năm; hơn 3 triệu phụ nữ "Ba đảm đang" xuất sắc [123, tr.53].

Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm ác liệt 1972, hàng chục vạn nữ tự vệ, dân quân và chị em “ba sẵn sàng” thủ đô đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong các đội nữ tự vệ, dân quân, các đội cứu thương, tiếp tế, cứu sập hầm, tích cực tác chiến với bộ đội phòng không, bộ đội tên lửa, bộ đội địa phương, tích cực phục vụ chiến đấu, chiến đấu và khắc phục hậu quả để giảm bớt thiệt hại do kẻ thù gây ra. Nữ tự vệ thành phố cùng đồng đội hợp đồng tác chiến với bộ đội tên lửa kịp thời nổ súng đã bắn rơi 6 máy bay địch, trong đó có cả máy bay F111. Trong chiến công vẻ vang của quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 4.181 máy bay Mỹ, thì 28 máy bay được 20 đơn vị dân quân bắn rơi. Ba đơn vị nữ dân quân bắn rơi từ 2 máy bay Mỹ trở lên: trung đội nữ dân quân xã Hòa Lộc (Thanh Hóa), tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương (Hòa Bình), đại đội 4 nữ pháo cao xạ Tiền Hải (Thái Bình)… đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Có thể khẳng định, với trung tâm là phong trào Ba đảm đang, các tầng lớp phụ nữ miền Bắc tỏa ra trong các PTTĐYN trên mọi lĩnh vực sản xuất và chiến đấu: “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Hai tốt”, “Tiếng hát át tiếng bom”... để cống hiến và trưởng thành. Đúng như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn từng phát biểu: “Lo việc nước, phụ nữ làm trụ cột; mà lo việc nhà, phụ nữ cũng làm trụ cột”, Ba đảm đang là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công cho việc chuyển hướng xây dựng kinh tế miền Bắc trong chiến tranh, làm cho miền Bắc đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt và hoàn thành xuất sắc vai trò “quyết định nhất” trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Tuy còn một số nhược điểm, nhưng được thử thách trong thực tiễn của cuộc kháng chiến, chị em phụ nữ miền Bắc đã có sự trưởng thành về ý thức giác ngộ chính trị, tình cảm cách mạng, tinh thần làm chủ tập thể, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ.


Tiểu kết chương 3

Từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì miền Bắc đã dốc vào cuộc kháng chiến toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN và làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của CNXH.

Giai đoạn 1965-1975, Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của các PTTĐYN để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Chính vì vậy, PTTĐYN giai đoạn này có những bước phát triển mới, mang một diện mạo mới cả về mục đích, nội dung, phương pháp. Nếu như giai đoạn 1961-1965, PTTĐYN phát triển mạnh trên phương diện ngành, lĩnh vực với nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu thì giai đoạn này PTTĐYN theo giới phát triển rầm rộ và ghi nhiều dấu ấn với những thành tích vượt bậc. Các nội dung thi đua của ngành đã được các giới tiếp tục thực hiện dưới hình thức mới, sôi nổi hơn, phong phú hơn. Trong 10 năm (1965-1975), miền Bắc đã động viên hàng triệu lao động, chủ yếu là thanh niên trẻ, khỏe, ưu tú để bổ sung, mở rộng lực lượng vũ trang và phục vụ chiến đấu. Trong đó, từ 1965-1968, miền Bắc đưa vào miền Nam khối lượng vật chất gấp 10 lần so với những năm từ 1961-1964. Từ 1969-1973, khối lượng vật chất miền Bắc đưa vào các chiến trường miền Nam tăng 1,6 lần so với 3 năm trước đó. Trong thời gian diễn ra những cuộc tiến công chiến lược 1968, 1972, 1975, nhân lực động viên ở miền Bắc phục vụ nhu cầu chiến tranh tăng gấp 4 đến 5 lần so với trước. Vào giai đoạn cuối chiến tranh, 81% vũ khí đạn dược, 60% tổng lượng xăng dầu, hơn 85% xe vận tải và 65% dược phẩm sử dụng trên chiến trường là từ miền Bắc đưa vào [136, tr.215). Để huy động sức người sức của cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thực hiện phương châm ‘thần tốc, quyết thắng”, hậu phương miền Bắc đã chuyển nhanh một khối lượng vật chất hết sức to lớn đưa tổng số vật chất kỹ thuật đã dự trữ ở chiến trường lên gần 255.000 tấn, trong đó có 93.540 tấn xăng dầu, 103.455 tấn vũ khí. Từ tháng 1-4/1975, miền Bắc đã cung cấp cho miền Nam 230.000 tấn vật chất các loại, bằng 54% khối lượng vật chất giao cho chiến trường trong suốt 16 năm trước đó [tr.306]. Đặc biệt, tháng 4/1975, miền Bắc đã chuyển giao khối lượng vật chất cho các chiến trường đạt 119% kế hoạch.

Thành quả to lớn mà hậu phương miền Bắc đạt được là kết quả tổng lực của huy động từ thành quả của các PTTĐYN. Tuy còn một số hạn chế nhất định, song thực tiễn PTTĐYN ở miền Bắc trong những năm 1965-1975 khẳng định tính đúng đắn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội trước yêu cầu đẩy mạnh cuộc kháng chiến.



4.1. Nhận xét

4.1.1. Đặc điểm

Chương 4

NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.1.1.1. Thi đua yêu nước là những cuộc vận động chính trị sâu rộng, ngày càng phát triển theo hướng thi đua tập thể, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó nòng cốt là các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Bản chất của thi đua là mang tính cộng đồng, chứ không phải là việc của một người hay một số ít người. Từ năm 1961-1975, trong điều kiện những thử thách mang tính sống còn của dân tộc, Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề huy động sức dân, tạo niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân về khả năng tham gia xây dựng đời sống mới từ đó chủ động, tự nguyện tham gia và tạo nên một một phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn xã hội. TĐYN trở thành cuộc vận động chính trị sâu rộng, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội. Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, các đoàn thể quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ) giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào. Với tổ chức cơ sở vững chắc lại được định hướng bởi nội dung tư tưởng XHCN, các PTTĐYN những năm 1961-1975 ngày càng trở nên sôi nổi và mang tính chất quần chúng rõ nét. Trong cuộc vận động chính trị sâu rộng đó, sự thống nhất từ ý chí đến quyết tâm hành động được hình thành trên cơ sở sự thống nhất về mặt lợi ích. Được tiếp sức mạnh từ tổ chức, từ tập thể, hành động thi đua của mỗi người dân miền Bắc không xuất phát từ động cơ hay tính toán cá nhân mà xuất phát từ mệnh mệnh lệnh của trái tim yêu nước, yêu CNXH, khát khao độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Tinh thần tập thể, lợi ích tập thể thôi thúc và gần như trở thành mục đích lớn nhất mà mỗi người hướng đến. Chính lẽ đó, điểm nổi bật của PTTĐYN ở miền Bắc giai đoạn này là từ chỗ thi đua từng người dần dần tiến lên thi đua tập thể, đặc biệt ngày càng phát triển mạnh theo hướng thi đua tập thể. TĐYN thực sự là phong trào mang tính “toàn dân, toàn diện”. Như trăm hoa đua nở, trong tất cả các lĩnh vực, PTTĐ tập thể của công nhân, viên chức được bắt nguồn từ các tổ đội sản xuất, tổ, đội tiên tiến phát triển lên một bước mới cao hơn là phong trào phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/05/2023