Ở Nam Kỳ cùng với nhân dân cả nước, trí thức, sinh viên, học sinh và quần chúng nhân dân cũng đã tham gia vào cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu. Học sinh, sinh viên các trường trung học như học sinh trường Nữ sinh Áo Tím, sinh viên trường nghề như trường Bá Nghệ…đã tham gia bãi khóa, xuống đường đòi thả nhà yêu nước. Báo chí Sài Gòn cũng đã góp phần làm cho phong trào đòi thả Phan Bội Châu phát triển mạnh mẽ. Tờ La Cloche Fêlee do Phan Văn Trường làm chủ nhiệm yêu cầu chính quyền thực dân trả tự do cho Phan Bội Châu. Tờ báo dành cho Phan Bội Châu một sự tôn kính sâu sắc, gọi ông là “bậc anh hùng”, là “nhà yêu nước vĩ đại”, là “nhà cách mạng nổi tiếng”, ca ngợi ông là “hiện thân của tâm hồn dân tộc Việt Nam trong suốt 20 năm qua, đã từ bỏ mọi tài sản của cải của mình để hiến trọn thân mình cho quyền lợi của đồng bào”[79, tr.101]. Thế nhưng bọn thực dân lại cho lòng yêu nước đó của ông là một tội ác nên ông bị chúng kết án khổ sai chung thân. Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh ra lời kêu gọi đồng bào không đi đón Toàn quyền Varenne để phản đối bản án khổ sai chung thân mà thực dân Pháp vừa quyết định đối với Phan Bội Châu. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, cuối cùng thực dân Pháp buộc phải “ân xá” cho Phan Bội Châu và đưa ông về an trí tại Huế. Nhân dân phản đối việc “giam lỏng” này và một lần nữa thực dân Pháp phải nhượng bộ, để Phan Bội Châu tự do đến tạm trú tại chùa Phổ Quang. Tờ báo của Phan Văn Trường dự định mời Phan Bội Châu vào Nam vài tuần lễ để mọi người có thể tiếp xúc với “bậc anh hùng kính yêu”. Nhưng dự định này không thực hiện được bởi vì thực dân Pháp không cho phép Phan Bội Châu tự do ra Bắc vào Nam. Ông phải sống cuộc đời của một người tù giam lỏng, bị cách biệt với thực tiễn cách mạng bên ngoài cho đến khi tạ thế vào năm 1940.
Mặc dù thực dân Pháp không trả tự do hoàn toàn cho Phan Bội Châu nhưng rõ ràng cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân cả nước cũng như Nam Kỳ đã giành thắng lợi nhất định: thực dân Pháp không thể sát hại được Phan Bội Châu – ngọn cờ đầu của phong trào yêu nước theo lập trường tư sản đầu thế kỉ XX.
b. Đám tang Phan Châu Trinh (1926).
Năm 1908, sau cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế của nhân dân Trung Kỳ, Phan Châu Trinh đã bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Đến tháng 8-1910, ông được đưa về đất liền và được “ân xá”. Sau đó, ông rời Việt Nam sang Pháp, tiếp tục hoạt động yêu nước. Năm 1925, ông về Sài Gòn và tham gia hai buổi diễn thuyết với nhân dân Sài Gòn với nội dung khơi dậy lòng yêu nước, đề cao tư tưởng dân quyền. Sau đó, ông lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 24-3-1926. Ông ra đi vào giữa lúc cách mạng Việt Nam đang có những chuyển biến lớn lao và khí thế quần chúng đang khao khát đấu tranh đã gây nên sự xúc động lớn. Sự ngưỡng mộ đối với tấm lòng yêu nước của ông đã dẫn đến một phong trào quần chúng trên toàn quốc tổ chức đám tang Phan Châu Trinh.
Tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh được tổ chức trọng thể với các nghi lễ của một quốc tang. Ngay tối 24-3-1926, một hội đồng tang lễ gồm 16 người được thành lập bao gồm đại diện của Đảng Lập Hiến, Đảng Thanh Niên và một lời kêu gọi gửi toàn thể quốc dân được công bố trên báo: “Hỡi anh chị em: Hỡi ôi! Trời gieo họa lớn cho non sông Việt Nam ta cho cả đồng bào Hồng Lạc ta, làm cho một vị ái quốc anh hùng, bấy lâu lưu lạc nước ngoài, nay mới về đây, chí cao chưa toại, nghiệp cả chưa thành, đã vội ngậm cười nơi chín suối. Ấy là cụ Phan Châu Trinh tạ thế…”. Ủy ban đã gửi giấy đi khắp cả nước hiệu triệu làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước. Và một phong trào yêu nước sôi nổi qua lễ tang đã phát triển ra khắp các đô thị, thị trấn bất chấp sự đe dọa, đàn áp đã biểu thị tinh thần yêu nước mạnh mẽ của mọi tầng lớp đồng bào. Riêng tại thành phố Sài Gòn, đám tang rõ ràng là một cuộc tập hợp quần chúng, một cuộc biểu dương lực lượng quần chúng.
Vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-1926, khắp thành phố ở đâu người ta cũng gặp những người đeo băng tang đen bên tay trái. Đó là học sinh các trường công, tư, trường sư phạm; nhân viên các công sở, các hãng buôn. Phu xe kéo góp tiền để đi điếu và chở tràng hoa hoặc chở người đi đưa tiễn không lấy tiền. Trẻ em bán báo cũng góp tiền để mua tràng hoa…Giới công thương thành phố đã đóng tất cả các cửa tiệm buôn bán, chỉ có hai trường hợp ngoại lệ: một cửa hàng ở đường Catinat và một ở đường Charmer. Những sự kiện đó tuy nhỏ nhưng cho thấy phong trào yêu nước qua
đám tang vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt với tất cả ý thức và bổn phận của mỗi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn đối với Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm!
- Khuynh Hướng Duy Tân Ở Việt Nam Và Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905-1930).
- Hoạt Động Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ (1905-1930).
- Một Số Phong Trào Yêu Nước Của Nhân Dân Nam Kỳ.
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 11
- Phong Trào Đấu Tranh Của Nhân Dân Nam Kỳ Trong Lĩnh Vực Kinh Tế.
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 13
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Đến ngày 04-4-1926, từ mờ sáng, đồng bào từ khắp nơi ở thành phố đổ dồn về trung tâm. Họ tập hợp thành đoàn thể, đi thành hàng tư, có người chỉ huy đi ở ngoài hàng để kiểm soát trận tự và điều khiển chung. Báo chí ước lượng có 14 vạn người tham dự. Mọi sinh hoạt của thành phố đều ngưng lại để mọi người đều có thể bày tỏ lòng thương tiếc một người hết lòng yêu nước.
Đám tang đi theo lộ trình đường Pellerin, đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn), đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng) thẳng xuống Phú nhuận và nghĩa trang Gò Công ở Tân Sơn Nhất. Dẫn đầu là học sinh trường Nguyễn Phan Long, Chasseloup Laubat, trường Nguyễn Xích Hồng và các trường khác. Đa số mặc đồng phục trắng, mang băng đen, cầm tay hàng trăm trướng liễn màu trắng chữ đen hoặc màu đen chữ trắng. Tiếp theo là học sinh tỉnh Mỹ Tho và Nữ học sinh. Sau khối học sinh là phụ nữ xếp theo địa phương hoặc nghề nghiệp: nữ công, Nam Kỳ nữ lưu, Bắc Kỳ nữ lưu. Học sinh và phụ nữ Nam Kỳ trùm khăn trắng, áo dài đen, đi guốc. Phụ nữ Bắc Kỳ tóc vấn và đa số mặc áo dài trắng. Hàng ngũ chỉnh tề, không có phụ nữ hay học sinh đi trong hàng cầm dù hay đội nón. Điều này chứng tỏ trình độ tổ chức và ý thức kỉ luật của người tham dự. Qua hình ảnh đám tang, cũng nhận ra được vai trò của người phụ nữ bắt đầu được chú ý. Sau các đoàn thể phụ nữ là những Đảng viên của Đảng Thanh niên. Đảng viên mặc âu phục trắng, nơ đen, mũ cối trắng, giày da trắng. Sau đó là khối công nhân các hãng SIT, FACI, Ba Son, nhà in Xưa Nay, học sinh trường sư phạm và có cả các tu sĩ Phật giáo-đại diện tôn giáo duy nhất có mặt. Khối đông đồng bào quần chúng, không đi theo đoàn thể chiếm tỷ lệ lớn nhất. Họ đi thành đoàn dài chiếm hết bề ngang của mặt đường. Thỉnh thoảng xen lẫn một số xe kéo. Đoàn người tuy rất đông nhưng được giữ trật tự.
Tang lễ đã để lại một ấn tượng khó quên mà cả tháng sau báo chí vẫn còn nhắc tới. Giới ngoại kiều ở Sài Gòn được chứng kiến một cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước. Họ bàn tán với nhau: “Cái dân tộc này đã tỉnh giấc, ngủ dậy
rồi”[137, tr.13]. Một đám tang lớn nhất từ trước đến nay với cả trăm ngàn người dự, lại là lần đầu tiên xảy ra trên một đất nước dân tình còn u mê. Bọn thực dân hoảng sợ, chúng không muốn sự kiện như vậy xảy ra. Rõ ràng đây là một sự kiện quan trọng trong của lịch sử thành phố Sài Gòn, đánh dấu bước phát triển quan trọng của chủ nghĩa yêu nước trong quần chúng nhân dân.
c. Phong trào đòi thả Nguyễn An Ninh (1926)
Giữa lúc Sài Gòn đang sôi động vì dư âm các cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, trên đường phố đang diễn ra cuộc tập hợp lực lượng bồng bột của quần chúng “đón rước” Bùi Quang Chiêu và dân chúng đang xúc động khi nghe tin Phan Châu Trinh vừa từ trần thì thực dân Pháp bắt giữ Nguyễn An Ninh. Sự kiện này càng làm sôi động không khí đấu tranh của nhân dân.
Đảng Thanh niên với những yếu nhân như Trần Huy Liệu, Bùi Công Trừng, Lê Thế Vĩnh,…đã phát truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh. Một cuộc tổng đình công đã được dự định tổ chức ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn vào ngày 05-4-1926. Ngày 05-4-1926, tại một vài nơi như Ngân hàng Đông Dương và xưởng nấu nhựa cao su Labbe, công nhân và viên chức đã nghỉ việc để phản đối việc nhà cầm quyền Pháp bắt giam Nguyễn An Ninh. Để đối phó lại, thực dân Pháp đã ra tay đàn áp những người đấu tranh, ngăn ngừa cuộc tổng đình công và tiến hành bắt bớ những Đảng viên Thanh niên. Bị đàn áp dữ dội, cuộc đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh do Đảng Thanh niên đề xướng đã không giành được thắng lợi. Ngày 19-4-1926, trên tờ La Cloche Fêlee (số 58), đăng lá thư kí tên 1000 người đòi thả Nguyễn An Ninh và những người bị bắt. Bức thư viết: “Một khi những quyền sơ đắng nhứt của con người không được chấp nhận…chúng tôi không còn đặt niềm tin vào thiện chí của Chính phủ và một lần nữa, chúng tôi thề quyết tranh đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc An Nam”[81, tr.108].
Ngày 22-4-1926, thực dân Pháp đưa Nguyễn An Ninh ra tòa và kết án ông 2 năm tù. Sau khi bị chống án, Tòa đại hình phiên ngày 08-6-1926 đã rút xuống 18 tháng. Đến 07-01-1927, Toàn quyền Đông Dương kí sắc lệnh thả tự do cho ông. Phong trào đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh đã góp phần thức tỉnh tinh thần dân chủ của các
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở Nam Kỳ, nơi Nguyễn An Ninh có một thời là “thần tượng”.
d. Đón tiếp Bùi Quang Chiêu (1926).
Nhân lúc phong trào đấu tranh công khai của nhân dân đòi các quyền dân chủ lên cao (trong những năm 1923-1925), Bùi Quang Chiêu lấy tư cách là đại biểu của Đảng Lập hiến qua Pháp để vận động Chính phủ Pháp ban hành các quyền tự do dân chủ ở Việt Nam. Các yêu sách gồm chín điểm chính: Tự do ngôn luận; Tự do báo chí; Tự do hội họp và lập hội; Tự do đi lại; Cải cách giáo dục; Điều chỉnh chế độ lương bổng công bằng giữa người Pháp và người Việt; Nới rộng quyền đại diện chính trị; Nâng cao đời sống lao động; Bãi bỏ độc quyền kinh tế [86, tr.38]. Chuyến đi không đạt kết quả và chiều ngày 24-3-1926, Bùi Quang Chiêu về tới cảng Sài Gòn. Nhân cơ hội này, 6 vạn quần chúng đã được các chiến sĩ dân chủ như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và hạt nhân là các Đảng viên của Đảng Thanh niên huy động ra bến cảng để bày tỏ ý chí đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ của mình. Chính quyền thực dân cùng các phần tử tay sai do bọn phản động thuộc địa điều tới đã ngăn cản quần chúng vào cảng đón Bùi Quang Chiêu và gây ra những xung đột trên đường phố. Nhưng giữa lúc khí thế quần chúng đang lên cao thì Bùi Quang Chiêu lại tuyên bố đường lối “Pháp – Việt đề huề”, thỏa hiệp với thực dân phản động. Trong buổi tiệc rượu ngày 10-4-1926, y lại lớn tiếng công kích phong trào bãi khóa của học sinh và khẳng định lại “việc chính trị ở nước ta phải lấy Pháp-Việt đề huề làm gốc”. Sự kiện này cùng với thái độ của Đảng Lập hiến đối với cao trào đấu tranh của quần chúng đã vạch trần bản chất phản bội của tổ chức chính trị tư sản này. Trước thái độ phản bội của Bùi Quang Chiêu, quần chúng nhất là thanh niên học sinh rất bất bình, chuyển sang đả đảo Bùi Quang Chiêu, đả đảo chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề của Đảng Lập hiến. “Thế là trong ngày 24, chỉ cách nhau 3 giờ đồng hồ, thanh niên đã đứng trên hai vị trí trái ngước nhau. Trước 4 giờ chiều, trong cuộc đón tiếp Bùi Quang Chiêu, thanh niên là những người đi đầu, ủng hộ Bùi Quang Chiêu. Ba giờ sau, nghĩa là 7 giờ tối, thanh niên đã ra mặt chống Bùi Quang Chiêu, chống chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề. Cuộc biểu tình buổi chiều gieo cho thanh
niên biết bao phấn khởi, trái lại, cuộc mít tinh buổi tối đã làm cho thanh niên tức giận vô cùng”[112, tr.70].
Cuộc đón tiếp Bùi Quang Chiêu với cương vị là người đấu tranh đòi tự do dân chủ cho nhân dân thuộc địa, cũng như cuộc biểu tình chống Bùi Quang Chiêu phản bội nhân dân ủng hộ chủ nghĩa “Pháp-Việt đề huề” thể hiện tinh thần yêu nước, khí thế đấu tranh sôi sục của nhân dân Sài Gòn trong những năm 20 của thế kỉ XX, bất chấp sự khủng bố, đàn áp của kẻ thù.
Như vậy, cùng với các phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, bảo vệ Phan Bội Châu, phong trào đấu tranh của báo chí tiến bộ, phong trào để tang và đưa đám Phan Châu Trinh… đã cho thấy phong trào yêu nước của nhân dân Nam Kỳ và cả nước đã có một bước phát triển quan trọng rộng và sâu; trình độ chính trị và nhận thức của quần chúng ngày càng cao. Bởi vì họ đã được các chí sĩ duy tân “thức tỉnh” qua những bài báo, những cuộc diễn thuyết với nội dung tuyên truyền các tư tưởng dân chủ tư sản, tư tưởng tiến bộ của triết học Ánh sáng, tư tưởng cách mạng của Marx, Engels và khơi dậy tinh thần yêu nước căm thù giặc. Như vậy, khi tư tưởng của người dân thay đổi, họ “giác ngộ” được sứ mệnh, vai trò của mình thì phong trào đấu tranh của họ diễn ra ngày càng nhiều và sôi nổi, mạnh mẽ hơn với những hình thức phong phú hơn, tình hình đó đòi hỏi cần phải thành lập các tổ chức bí mật để lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong giai đoạn mới.
2.2.2. Hoạt động trên lĩnh vực kinh tế.
Mùa thu năm 1905, khi từ Nhật Bản trở về nước lần thứ nhất, nhận thức của Phan Bội Châu về tầm quan trọng của việc chấn hưng kinh tế phục vụ cho công cuộc vận động cách mạng đã được xác nhận rõ rệt hơn một bước. Nhận thức rõ tình trạng chậm trễ lạc hậu của đất nước và cho rằng tình trạng đó đã làm cho đất nước mình bị hèn yếu nên khi nhiệm vụ “cầu viện quân sự” thất bại, Phan Bội Châu nhận thấy cần phải thay đổi kế hoạch. Vì vậy, nhiệm vụ “canh tân đất nước, đưa nước nhà tiến kịp trình độ các nước văn minh” được đặt ra một cách bức thiết, và coi đó là một nhiệm vụ không thể thiếu được đối với nhiệm vụ “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục độc lập dân tộc cho Tổ quốc Việt Nam”. Phan Bội Châu cho rằng sự giàu có về của cải là cơ sở
vững chắc cho nền độc lập lâu dài của đất nước, cho PTĐD. Do đó, ông đã lưu ý đến vấn đề tài chính và của cải vật chất: “Than ôi ! nỗi sự đời gian khổ. Khổ gì hơn không có của dùng”[49, tr.531]. Vì vậy, Phan Bội Châu chủ trương phải buôn bán và lập các hội công thương. Từ những năm 1906-1909, hướng hoạt động chủ yếu của Duy Tân hội và Phan Bội Châu là tập trung vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, công việc này cũng quan trọng như việc lựa chọn thanh niên gửi du học. Đây là hai nhiệm vụ chính trị và kinh tế phải được tiến hành song song và hỗ trợ lẫn nhau. Phan Bội Châu đã kêu gọi mở rộng công việc thành lập các hội hợp cổ. Lúc này, Nguyễn Thành và các đồng chí của ông ở miền Trung và miền Nam đã lập được 72 chi hội công thương.
Ở Nam Kỳ, việc thành lập các công ty, hội buôn diễn ra khá mạnh mẽ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là giới địa chủ. Bởi vì, ở Nam Kỳ lúc này, mọi giềng mối thương mại, công nghiệp, tài chính đều bị người ngoại quốc nắm hết. Giới điền chủ, công chức người Việt ở Miệt Vườn không muốn vừa bị Pháp cai trị, lại thêm tư bản Hoa, Ấn chèn ép. Cho nên, khi PTDT hô hào duy tân kinh tế, kêu gọi hùn vốn lập các công ty kinh doanh họ đã tích cực tham gia tạo nên hoạt động sôi nổi khắp các tỉnh Nam Kỳ. Việc thành lập các cửa hiệu buôn bán không chỉ là để cạnh tranh với tư sản nước ngoài mà nó còn là những “trạm liên lạc” của những người hoạt động trong và ngoài nước của hội Duy Tân. Vì vậy, thực dân Pháp đã sớm phát hiện ra những “trạm liên lạc” đó và chúng thẳng tay đàn áp, giải tán.
2.2.2.1. Trong lĩnh vực thương nghiệp
Thương nghiệp là lĩnh vực hoạt động mạnh nhất và đạt được nhiều thành tựu. Chủ trương thành lập các hội buôn, thương hội được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là giới địa chủ giàu có ở Nam Kỳ. Hình thức phổ biến là các chí sĩ kêu gọi “các bạn đồng bang”cùng hùn vốn vào thành lập các tổ chức kinh doanh, kêu gọi mọi người đẩy mạnh sản xuất và dùng hàng nội hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn đã có rất nhiều các cơ sở kinh tế làm ăn theo lối tư bản chủ nghĩa của người Việt ra đời: Chiêu Nam Lầu, Minh Tân khách sạn, Nam Trung khách sạn…Hoạt động kinh doanh thương nghiệp ở Nam Kỳ có nhiều hình thái kinh doanh khác nhau như mở khách sạn, nhà hàng, cơ sở thu mua lương thực, nhà in,…
Cùng với Nguyễn Thành Út, Trần Chánh Chiếu thành lập Nam Kỳ Minh Tân
công nghệ (01-6-1908). Đây là một công ty cổ phần, đa số người đóng góp là giới điền chủ và công chức, được thành lập công khai với điều lệ gần giống như các công ty của Pháp lúc đó. Vốn điều lệ là 1000 đồng, mỗi phần hùn không dưới 10 đồng tức là 25 quan tiền Pháp, gồm 17 thành viên là điền chủ, nghiệp chủ, hương chức ở các tỉnh Trà Vinh, Mỹ Tho, Gò Công, Chợ Lớn, Sài Gòn, Rạch Giá do Trần Chánh Chiếu làm quản lí. Công ty nêu rõ kế hoạch hoạt động là lập lò chỉ (máy kéo sợi bông vải), lò dệt, lò xà bông, thuộc da và làm đồ pha lê. Đồng thời trong điều lệ nêu rõ là công ty sẽ dạy học sinh làm những nghề trên. Trong khoản I điều lệ nói về mục đích thành lập Minh Tân công nghệ có viết: “công ty này lập ra là có ý dạy con thuộc da, đóng giày” [17, tr.94-95]. Tháng 7/1908, công ty cho người ra Bắc để học cách thức làm hộp quẹt diêm và mướn thầy thợ. Tháng 9/1908, xà bông của công ty Minh Tân tung ra thị trường, cạnh tranh rất hiệu quả với xà bông của tư sản nước ngoài (Chệt – Hoa kiều), đồng thời có thêm người đóng cổ phần vào công ty. Cuối tháng 10, Trần Chánh Chiếu bị bắt nên công ty ngưng hoạt động và giải tán.
Ngoài Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, để có thêm tài chính cho PTDT, Đông Du và có nơi tụ họp, che mắt nhà cầm quyền thực dân, Trần Chánh Chiếu thành lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho và Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. “Nay tôi đã lập Nam Trung khách sạn Sài Gòn vừa xong, nên sang lo Minh Tân khách sạn Mỹ Tho. Xin chư vị Minh Tân có lòng chiếu cố, hùn hiệp với tôi mà vui chung, lợi chung một cuộc, cho có chỗ cho kim bằng, trước là thù tạc vãng lai với nhau, sau nữa là giúp người đồng bang vô đường văn minh cho may tấn bộ”[17, tr.95].
Trước kia Minh Tân khách sạn là Nam Kỳ khách sạn, trụ sở chính của công ty đặt tại chợ Mỹ Tho, chủ nhân là ông Huỳnh Đình Điển, một nhân sĩ yêu nước ở tỉnh Gò Công, là một sáng lập viên của Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, cho Gilbert Chiếu mượn đứng tên làm nơi hội họp. Lúc đầu Trần Chánh Chiếu quản lí cơ sở này, sau quá bận việc, bắt đầu từ ngày 06-8-1908 phải giao cho Huỳnh Đình Điển quản lí. Ngoài kinh doanh phòng ngủ thì tại Minh Tân khách sạn còn: “có bán trà ngon, nước mắm Phú Quốc đựng ve, chiếu, sáp, savon và tạp hóa. Mỗi buổi chiều từ 5 giờ đến 10 giờ, có nhạc tài tử ca xang, huê đáng thài ru chặp trổi”[58, tr.187]và tư vấn về luật pháp cho nhân dân, nếu ai có yêu cầu thì gửi thư về khách sạn. Còn Nam Trung khách sạn