kiện đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Từ sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), ở miền Bắc, nội dung yêu nước là yêu CNXH, yêu nước lúc này không chỉ gắn với độc lập dân tộc, lấy độc lập dân tộc làm mục tiêu cao nhất, mà yêu nước là phải gắn độc lập dân tộc với CNXH, vì vậy nội dung thi đua thực chất là thi đua xây dựng CNXH. Nếu như trước đây, vì nhiệt tình yêu nước mà toàn dân thi đua giết giặc để đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, thì lúc này, vì nhiệt tình yêu nước toàn dân phải thi đua để kiến thiết CNXH ở miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. TĐTN lúc này là thi đua lao động tích cực hơn, khoa học hơn để không ngừng tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống trên cơ sở một nền kỹ thuật không ngừng nâng cao.
Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn này quá trình nhân dân miền Bắc thực hiện nhiệm vụ khôi phục và cải tạo XHCN gắn liền với quá trình phát động các PTTĐYN. Trên cơ sở phát huy lòng yêu nước, tinh thần phấn khởi và quyết tâm phục vụ đất nước của các tầng lớp nhân dân; tiếp thu và kế thừa nhiều kinh nghiệm tốt và chưa tốt của giai đoạn trước; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của các anh hùng và chiến sĩ thi đua giai đoạn trước, PTTĐ giai đoạn này được mở rộng, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi trong nhiều ngành hoạt động. Lấy việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước, sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ làm mục tiêu phấn đấu, các PTTĐYN giai đoạn này mang ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong những năm đầu miền Bắc xây dựng CNXH.
Sau ba năm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế (1955-1957), nhân dân miền Bắc sôi nổi bước vào thời kỳ cải tạo XHCN. Tháng 11/1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ của miền Bắc là đẩy mạnh cuộc cách mạng XHCN, trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh cuộc cải tạo XHCN. Những định hướng trên đây không chỉ phản ánh nội dung trọng tâm của TĐYN mà còn đồng thời cho thấy việc đề cao tinh thần thi đua tập thể cũng như tính chất thi đua toàn diện. Trong PTTĐYN giai đoạn này, thành tích của giai cấp công nhân là đã ra sức thi đua khôi phục và cải tiến các xí nghiệp công nghiệp cũ, xây dựng nhiều xí nghiệp mới, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng mở rộng cơ sở, nâng cao sản lượng cùng phẩm chất của nền công nghiệp nước ta. Thành tích của giai cấp nông dân là đã hăng hái đấu tranh thực hiện người cày có ruộng, đã nỗ lực chống thiên tai, vượt nhiều khó khăn liên tiếp, bước đầu phát triển các tổ chức đổi công hợp tác, học tập áp dụng kinh nghiệm canh tác tiên tiến, thu được thắng lợi to lớn trên mặt trận lương thực, đang ra sức củng cố và phát triển tổ đổi công và HTX. Thành tích của quân đội là đã ra sức học tập nâng
cao giác ngộ chính trị, nắm vững kỹ thuật và chiến thuật mới, xây dựng được cơ sở tốt để từng bước tiến lên chính quy và hiện đại, đủ sức bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, đồng thời tích cực lao động sản xuất để góp phần xây dựng nền kinh tế XHCN. Thành tích của lao động trí óc là đã sát cánh với công nông binh trên mặt trận sản xuất và tích cực công tác trong các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, một lòng phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, đóng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của nhân dân. Thành tích của đội ngũ cán bộ đảng, chính, quân, dân các ngành, các cấp đã tận tụy và bền bỉ công tác, chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, cố gắng phục vụ nhân dân, nhiều người đã nêu cao tinh thần gương mẫu hy sinh phấn đấu của người cán bộ cách mạng. Thành tích của các dân tộc anh em là đã đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau xây dựng Tổ quốc, cùng nhau tiến lên CNXH [133, tr.36-37]. Qua quá trình khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, bộ mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội miền Bắc dần chuyển biến sâu sắc, quan hệ sản xuất XHCN dần dần hoàn thiện, các quy luật kinh tế XHCN dần phát huy tác dụng. Hàng loạt những khó khăn về kinh tế, chính trị và tư tưởng đã từng bước được khắc phục.
Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (tháng 7/1958) là sự kiện có ý nghĩa kết thúc giai đoạn thi đua thứ hai. Tại Đại hội này, có 26 Anh hùng lao động và 69 Anh hùng quân đội và 456 chiến sĩ thay mặt cho hơn 42.700 chiến sĩ thi đua.“Con số đó chứng tỏ sự tiến bộ không ngừng của nhân dân ta, quân đội ta, chế độ ta” [112, tr.494]. Kết quả của các PTTĐYN phản ánh tính ưu việt của chế độ xã hội, là kết quả của sức lao động cần cù và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là trong mỗi hành động thi đua, nhân dân miền Bắc luôn hướng đến đồng bào miền Nam bằng tinh thần “Bắc - Nam như cội với cành”.
Rõ ràng, PTTĐYN giai đoạn hai có những chuyển biến đáng kể so với giai đoạn một không phải chỉ ở số lượng mà còn ở bề rộng, chiều sâu. Trong số 26 Anh hùng lao động, có 5 phụ nữ, có 6 Anh hùng và nhiều chiến sĩ là đồng bào miền Nam tập kết, có chiến sĩ thi đua là bộ đội phục viên, thương binh và gia đình liệt sĩ, có một anh hùng và nhiều chiến sĩ là công dân các nước anh em lao động ở nước ta…Kết quả đó đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết, sự cố gắng toàn diện của tất cả các tầng lớp nhân dân lao, sự tiến bộ của phụ nữ, những nỗ lực của
Có thể bạn quan tâm!
- Các Công Trình Nghiên Cứu Về Phong Trào Thi Đua Yêu Nước Ở Miền Bắc Trong Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước
- Nhận Xét Và Hướng Nghiên Cứu Của Luận Án
- Thực Tiễn Phong Trào Thi Đua Yêu Nước Trước Năm 1961
- Phong Trào “Học Tập Duyên Hải, Thi Đua Với Duyên Hải” Trong Công Nghiệp.
- Phong Trào “Học Tập, Tiến Kịp Và Vượt Hợp Tác Xã Đại Phong” Trong Nông Nghiệp
- Phong Trào “Tích Cực Thi Dạy Tốt, Học Tốt. Học Tập Và Làm Theo Bắc Lý” Trong Giáo Dục
Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.
đồng bào và cán bộ miền Nam, góp phần xây dựng miền Bắc tiến dần lên CNXH.
Tuy nhiên, bên cạnh bước tiến mới đó, PTTĐ giai đoạn này còn phát triển chưa đều, trong sản xuất mới chú ý đến số lượng, chưa trọng chất lượng, tình trạng lãng phí, tham ô còn khá phổ biến và có nơi nghiêm trọng, ý thức tôn trọng kỷ luật lao động trong một số công nhân còn kém; việc khen thưởng nhiều nơi chưa làm kịp thời; nhiều sáng kiến của công nhân, nông dân, chiến sĩ, trí thức chưa được nghiên cứu và áp dụng; trong lãnh đạo, nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức tới việc cải thiện đời sống cho công nhân trong những điều kiện cụ thể. Đây là thực trạng cần nghiêm túc khắc phục.
Giai đoạn thứ ba, từ tháng 7/1958 đến tháng 12/1960
Với những nỗ lực vượt bậc ở giai đoạn 2, nhân dân miền Bắc đã nhanh chóng hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, khôi phục kinh tế và tiến hành cải tạo XHXN. Nhằm kịp thời đẩy mạnh hơn nữa PTTĐ hoàn thành kế hoạch 3 năm (1958-1960), ngày 28/10/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 168-CT/TW Về việc đẩy mạnh cuộc vận động thi đua yêu nước quy định rõ nội dung, phương châm, nguyên tắc, khẩu hiệu và danh hiệu thi đua của cá nhân, đơn vị có thành tích trong PTTĐYN. Theo Chỉ thị này, Ban Bí thư đã quyết định đổi tên các “phong trào thi đua” thành các “phong trào thi đua yêu nước” [65, tr.878].
Nhiệm vụ của TĐYN trong giai đoạn này nhằm mục đích ích nước, lợi nhà, giải quyết những nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề với phạm vi rộng hẹp khác nhau, hướng đến thực hiện nhiệm vụ vừa cải tạo XHCN (1958- 1960), vừa bước đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Trên nền tảng nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà, nội dung xuyên suốt của thi đua là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, từ từng người tiến dần lên từng tập thể để giành lấy danh hiệu lao động XHCN. Về các lực lượng thì “công nhân phất cao ngọn cờ Duyên Hải, nông dân phất cao ngọn cờ Đại Phong, quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ Ba Nhất, công, nông, binh đại thi đua, đại đoàn kết” [114, tr.157]. Khẩu hiệu thi đua vẫn là nhiều, nhanh, tốt, rẻ.
Thực tế, từ mùa thu năm 1958, chúng ta tiến hành đợt thí điểm đầu tiên cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 (tháng 11/1958) và lần thứ 16 (tháng 4/1959), phong trào hợp tác nông nghiệp được đẩy mạnh sau đó. Từ đầu năm 1960, căn cứ vào những điều kiện chính trị cụ thể, Đảng phát động PTTĐ phấn đấu trở thành
người lao động tiên tiến, nhằm động viên quần chúng hoàn thành kế hoạch năm 1960, kết thúc thắng lợi kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trên cơ sở thắng lợi của cuộc vận động cải tạo XHCN, cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp quốc doanh, đợt chỉnh huấn chính trị cho cán bộ và chiến sĩ trong quân đội, PTTĐYN đã phát triển mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn, trong khắp các xí nghiệp, công trường, nông trường, đơn vị bộ đội, HTX, cửa hàng mậu dịch, bệnh viện, trường học, cơ quan…nhân dân miền Bắc đã hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế với những thành tựu quan trọng. Đến cuối năm 1960, miền Bắc đã xây dựng được 41.401 HTX, với khoảng 86% số hộ nông dân và 76% diện tích ruộng đất; trong đó có gần 12% số hộ tham gia vào hợp tác xã bậc cao. Mặc dù năm 1960 có thiên tai lớn, nhưng sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm là 5,6%; sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21,7%. Thành phần quốc doanh trong nông nghiệp cũng tăng lên: từ 16 nông trường quốc doanh trong năm 1957, đến năm 1960 đã có 59 cơ sở. Công nghiệp địa phương tăng gấp 10 lần so với năm 1957. Công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm tăng 60,4%. Từ 97 xí nghiệp quốc doanh trong năm 1957, đến năm 1960 đã tăng lên 172 xí nghiệp do Trung ương quản lí và trên 500 xí nghiệp do địa phương quản lí. Trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp năm 1960, công nghiệp quốc doanh chiếm 89,9%. Phần lớn hàng tiêu dùng trước đây phải nhập ngoại, đến lúc này miền Bắc đã tự cung cấp cho nhu cầu trong nước. Hệ thống các ngành công nghiệp nặng (điện lực, luyện kim, hoá chất...) bắt đầu được xây dựng. Số học sinh tăng 80%, số sinh viên tăng gấp đôi, cơ sở y tế tăng 11 lần so với năm 1955. Đến cuối năm 1960, miền Bắc đã căn bản xoá bỏ được nạn mù chữ cho những người dưới 50 tuổi, giáo dục phổ thông phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, số học sinh phổ thông tăng gấp 2 lần so với năm 1957, số học sinh trung học chuyên nghiệp và đại học đều tăng gấp 4 lần. Cơ sở y tế (bệnh viện, lệnh xá, trạm xá, cơ sở hộ sinh) tăng gấp 11 lần so với năm 1955.
Qua TĐYN ở giai đoạn này, trình độ giác ngộ chính trị, ý thức thi đua tập thể, phát huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác và tinh thần học tập văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ của các tầng lớp nhân dân đã có những tiến bộ rõ rệt. Các PTTĐ mang lại nhiều thành tích trên mọi mặt công tác, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Tiềm lực mọi mặt của miền Bắc được tăng cường, bảo đảm cho miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nam và cả nước kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước.
Mặc dù gặt hái nhiều thành tựu, đã từng bước khắc phục hạn chế của PTTĐYN giai đoạn trước, song PTTĐYN lúc này vẫn phát triển chưa đều, nội dung thi đua chưa toàn diện và chưa nhằm vào khâu quan trọng nhất, hoặc khâu còn yếu nhất của từng ngành; trong sản xuất mới chỉ chú ý đến số lượng, chưa quan tâm đầy đủ đến chất lượng và giá thành; chưa chú ý đúng mức đến an toàn lao động và bồi dưỡng sức lao động; tư tưởng bảo thủ, ngại khó, tự ti, các hành động tự do chủ nghĩa, kém kỷ luật lao động và hiện tượng lãng phí, tham ô còn phổ biến và có nơi nghiêm trọng. Trong lãnh đạo thi đua thì chưa kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, có khi ngay cả trong nội bộ từng đơn vị sản xuất; những khó khăn về nguyên liệu, tiêu thụ trong sản xuất chưa được giải quyết tốt, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của quần chúng chưa được xác minh và phổ biến kịp thời; nhiều chính sách, chế độ về quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và chế độ khen thưởng chưa được nghiên cứu, bổ sung.
Nhìn chung, từ 1948 đến trước năm 1960, PTTĐ có những bước tiến rõ rệt và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Thành tựu đạt được cùng những những bất cập, hạn chế bộc lộ trong ba giai đoạn phát triển của PTTTĐYN nói trên là cơ sở thực tiễn cho việc phát động và tổ chức các PTTĐYN trong giai đoạn lịch sử tiếp theo.
2.2. Bối cảnh lịch sử và sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc từ năm 1961 đến năm 1965
2.2.1. Bối cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng về thi đua yêu nước
Thắng lợi của cao trào Đồng khởi giáng một đòn mạnh mẽ và bất ngờ vào hệ thống chính quyền Mỹ-Diệm, mở ra vùng giải phóng, đem lại quyền làm chủ của nhân dân ta và tạo thế đứng chân cho cách mạng ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Sau thắng lợi của cao trào Đồng Khởi, cục diện cách mạng miền Nam chuyển biến nhảy vọt, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập (tháng 12/1960) là sự kiện mang tính bước ngoặc của cách mạng miền Nam: từ thế giữ gìn lực lượng, lấy đấu tranh chính trị làm hình thức đấu tranh chủ yếu chuyển sang thế tiến công rộng khắp, liên tục; kết hợp chặt chẽ và vận dụng linh hoạt hai hình thức đấu tranh cơ bản là đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Sự phát triển của hậu phương tại chỗ thực tế chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam. Mặt khác, những bước tiến mới của cách mạng miền Nam đặt chính quyền
Mỹ-Diệm trước những khó khăn, nội bộ ngày càng phân hóa, lục đục.
Từ năm 1961, tổng thống Ken-nơ-đi chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng, Cục trưởng Cục tình báo Trung ương (CIA) xây dựng các chương trình ngắn hạn và dài hạn bí mật chống miền Bắc. Tháng 10/1961, Ken-nơ-đi ra lệnh tiến hành các hoạt động biệt kích, kể cả việc dùng cố vấn Mỹ để ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam. Cũng từ đây, các hoạt động chống phá miền Bắc tiếp tục gia tăng cả về mức độ, cường độ trong suốt các năm 1962-1963 [44, tr.145]. Nhận rõ diễn biến mới cũng như âm mưu, thủ đoạn của Mỹ-ngụy, tháng 1/1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị; giao cho Quân ủy Trung ương và Ban Thống Nhất Trung ương chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam, quyết định tăng cường cán bộ, đẩy mạnh việc tiếp tế vũ khí, tài chính cho cách mạng miền Nam, quyết định tăng cường cán bộ, đẩy mạnh việc tế vũ khí, tài chính cho cách mạng miền Nam và mở rộng giao thông liên lạc Bắc-Nam. Ở miền Bắc, Đảng nhận thức rõ, quá trình nhân dân miền Bắc triển khai nhiệm vụ xây dựng CNXH, mở đầu bằng việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) là bước đi rất quan trọng trên con đường đi lên CNXH, có vai trò quyết định đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đảng xác định, điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là “phải ra sức tăng cường lãnh đạo của Đảng, kết hợp với phát động một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn trong công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân khác”, “phải phát động lực lượng vật chất và tinh thần của đông đảo quần chúng công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, gây thành một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng lớn, liên tục, mạnh mẽ” [66, tr.594].
Bên cạnh đó, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) còn nêu quan điểm: cần tổng kết kinh nghiệm tổ chức và lãnh đạo TĐYN trong những năm trước mắt, “tiến tới tổ chức một cách phổ biến những đội, những tổ lao động XHCN”, “cần dần dần hướng việc thi đua chủ yếu đi vào mặt cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động …, thúc đẩy phong trào thi đua tiến lên một bước mới” [66, tr.595]. Đảng chủ trương “Phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và liên tục trong tất cả các ngành hoạt động, đưa phong trào lên thành cao trào, nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước; đẩy mạnh PTTĐ“Bốn tốt” trong nông nghiệp, PTTĐ “Hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật” trong công nghiệp. Mỗi một đảng viên, mỗi một đoàn viên thanh
niên lao động phải làm đầu tầu trong PTTĐ ở cơ sở” [67, tr.47].
Từ năm 1961-1965, nội dung, hình thức, tính chất, đặc điểm của PTTĐYN ở miền Bắc chịu sự chi phối, thậm chí mang tính quyết định bởi nhiệm vụ chính trị của cách mạng cả nước. Công tác lãnh đạo, tổ chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị đối với PTTĐYN giai đoạn này hướng đến hiện thực hóa nhiệm vụ chính trị của từng địa phương đồng thời hướng đến hoàn thành nhiệm vụ chính trị của miền Bắc.
Tháng 1/1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Chỉnh huấn chính trị mùa xuân nhằm “xây dựng những con người CNXH, có tư tưởng, tác phong XHCN”. Cuộc chỉnh huấn đã giáo dục cho cán bộ, nhân dân tình yêu thương sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí, có ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, luôn luôn thấm nhuần chủ nghĩa anh hùng cách mạng chẳng những trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà cả trong công cuộc lao động sáng tạo, xây dựng xã hội mới [60, tr.91].
Ngày 26/01/1961, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết Số 07- NQ/TW “Về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước đảm bảo hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1961 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của PTTĐ những năm trước, Ban Bí thư chủ trương bắt đầu từ năm 1961, phải động viên mọi lực lượng tinh thần và vật chất của toàn dân, đẩy mạnh PTTĐYN, phát triển sâu rộng mọi ngành sản xuất và công tác, mọi tầng lớp nhân dân, nhằm phát huy mọi khả năng và thuận lợi, khắc phục khó khăn, không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, quyết tâm thực hiện vượt mức và toàn diện kế hoạch Nhà nước năm 1961 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất theo phương châm: “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Về lãnh đạo PTTĐ, Nghị quyết đề ra yêu cầu phải chú ý đầy đủ các mặt, nhưng đặc biệt coi trọng sản xuất, hướng mọi hoạt động của PTTĐYN vào mục đích đẩy mạnh sản xuất phát triển theo phương hướng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và đảm bảo an toàn lao động.
Để thực hiện chủ trương phát động phong trào sâu rộng trong mọi ngành hoạt động, trong mọi tầng lớp nhân dân tiến tới cao trào TĐYN, Ban Bí thư xác định nội dung thi đua cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Đối với các ngành công nghiệp (sản xuất, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải), PTTĐ phải hướng vào các mục tiêu chính là đảm bảo không ngừng tăng năng suất lao động, nâng
cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Đẩy mạnh phong trào “tiên tiến” thành một phong trào quần chúng sôi nổi, lấy phát huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật làm trọng tâm. Đối với ngành nông nghiệp, cần phát huy thắng lợi của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phát động rộng rãi phong trào “bốn tốt” (đoàn kết tốt, sản xuất tốt, quản lý tốt, chấp hành chính sách tốt) trong khắp các HTX sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho xã viên, tăng tích lũy cho HTX và cho Nhà nước. Đối với ngành giáo dục, thi đua cải tiến phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực hành, kết hợp học tập với lao động và các hoạt động xã hội, xây dựng nhà trường XHCN. Đối với quân đội, đẩy mạnh phong trào rèn luyện và cải tiến kỹ thuật, dưới hình thức PTTĐ “Ba nhất”.
Về tổ chức lãnh đạo, Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu kiện toàn các tổ chức lãnh đạo thi đua từ Trung ương đến địa phương, theo nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo, các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể tổ chức thực hiện, phân công và phối hợp chỉ đạo phong trào. Các ban giúp việc Trung ương Đảng chịu trách nhiệm giúp Trung ương nghiên cứu chính sách, phương châm thi đua cho từng khối, từng ngành mình phụ trách. Các đoàn thể quần chúng phải phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của thống nhất của các cấp ủy Đảng, tích cực động viên, giáo dục, hướng dẫn, tổ chức quần chúng thi đua, sơ kết, tổng kết thi đua, lựa chọn những người và những đơn vị có thành tích để biểu dương và đề nghị cơ quan Nhà nước khen thưởng. Các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm nghiên cứu đề ra nội dung, kế hoạch thi đua, ban hành các thể lệ, chế độ phục vụ cho người tham gia phong trào thi đua, xét duyệt sáng kiến của quần chúng, chuẩn bị những điều kiện vật chất để phục vụ phong trào thi đua [67, tr.170-179]
Nghị quyết “Về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước đảm bảo hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1961 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” có ý nghĩa khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với PTTĐYN trong thời kỳ mới.
Ngày 19/02/1962, Bộ chính trị ra Nghị quyết số 46-NQ/TW “Về việc thống nhất lãnh đạo và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước”; ngày 17/3/1962 Ban Bí thư ra Chỉ thị số 39-CT/TW “Về việc tuyên truyền và giáo dục nhân dịp Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ III”. Thực chất các văn kiện này nhằm tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa tinh thần chỉ đạo PTTĐYN được phản ánh trong Nghị quyết của Ban Bí thư (ngày 26/1/1961), đồng thời mong muốn mang lại cho PTTĐYN một diện mạo mới có thể đáp ứng