đâu lo lường sanh phương thương nghệ…Có kẻ lại lo việc tác tân dân lập nhựt báo, khai sở nhà bản đá, vẽ đủ các hình cho thiên hạ dễ hiểu. Có người văn chương lo dịch các sách ngoại quốc ra chữ Nho, đặng cho người Thanh tường lãm…Nẻo đường nào cũng có trường học…Ngu đệ vào mỗi một nhà nghề mà xem cho rõ cơ mưu. Người Quảng Đông đều hỏi chớ bên Nam Việt không có như thế sao ? Tôi hổ thẹn bèn rơi nước mắt”[58, tr.79-80]. Bởi vì, chính sách bế quan tỏa cảng thời “cựu trào”, chẳng cho thông thương với ngoại quốc cho nên “việc mậu dịch hàng hóa ra nhỏ hẹp. Người thì lo mà đua vinh hiển chốn quyền môn, còn kẻ lại vui thú canh điền tự lạc. Bởi vậy cho nên chẳng ai còn có chí chiêu thương lập bổn”[56, tr.175]. Về kinh doanh, người Việt bấy lâu chỉ làm việc nhỏ “buôn bán trầu cau, cá thịt, đẽo chuôi cày, đóng cũi chén”. Người điền chủ giàu thì lo giữ tiền để dưỡng già, ăn chơi cho vui, không giám hùn làm ăn vì sợ lỗ vốn, cho vay sợ mất của, đi buôn lại sợ lỗ, sợ cướp, rốt cuộc chỉ tậu ruộng cho mướn thu lợi tức vừa chậm vừa ít, đã không đủ ăn mà vốn cứ mòn dần, không khéo lại phải bán ruộng. Trong khi đó “xem lại ngoại quốc; nước nào chẳng dụng nghề buôn là bực nhứt, chẳng khai tông học mà văn minh, tệ thay có một nước mình, còn hãy mơ màng chưa tỉnh”[58, tr.233]. Vì vậy, việc chấn hưng công thương nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa đã trở thành vấn đề cấp bách đối với Việt Nam. Trước mắt, nhằm mục tiêu chính trị, trả chi phí cho các trường nghĩa thục, ủng hộ PTĐD, nâng cao dân trí, chấn dân khí. Về lâu dài, nó là nền tảng cho công cuộc duy tân, mà dân sinh chính là mục đích cần đạt tới. Vì khi dân sinh được cải thiện, phát triển thì nước sẽ trở nên hùng cường, không nước nào có thể công phá được.
Trong cuộc vận động chấn hưng kinh tế, các nhà duy tân tập trung vào chấn hưng thực nghiệp, xóa bỏ quan niệm “trọng nông ức thương”. Về lí thuyết vận động, chủ trương này được đưa vào trong chương trình học của các trường học duy tân mà tiêu biểu là trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Còn trong thực tiễn, về thương nghiệp, muốn kinh doanh thành công thì họ kêu gọi người Việt Nam trước hết phải bỏ những thói xấu như lừa đảo, cho vay với giá cắt cổ, tính bon chen…và học theo lối kinh doanh của người nước ngoài: đầu tư nhiều vốn để thu được lợi nhuận cao, đưa máy móc vào sản xuất, đặc biệt là phải giữ chữ tín trong kinh doanh. Họ hô hào lập công ty sản xuất,
buôn bán, lập hội đoàn kinh doanh, kêu gọi mọi người đẩy mạnh sản xuất và dùng hàng nội hóa, chống lại sự bóc lột của thực dân Pháp, sự chèn ép của tư bản nước ngoài.
Ở Nam Kỳ lúc này, mọi giềng mối thương mại, công nghiệp, tài chính đều bị người ngoại quốc (Âu, Ấn, Hoa…) nắm hết. Giới điền chủ, công chức người Việt ở Miệt Vườn đã thấy vấn đề cần đặt ra, họ không muốn vừa bị Pháp cai trị, lại thêm tư bản Hoa, Ấn chèn ép. Dưới tác động của các tư tưởng duy tân, giới công thương người Việt đã ngày càng bành trướng kinh doanh nhiều hơn, nhất là kể từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong một bản báo cáo gửi về Pháp năm 1919, viên Toàn quyền Đông Dương có viết: “Phong trào tẩy chay [Hoa thương] ở Sài Gòn tuy quá trớn thật, nhưng nó cũng có ý nghĩa rằng tư tưởng đã thay đổi. Mới đây ít năm, người Nam Kỳ chẳng những không thích mà lại sợ cái việc thương mãi. Còn bây giờ thì họ thấy rằng thương mãi là quan trọng cho họ, thấy rằng họ cần phải cố gắng trên hướng này”[71, tr.140]. Cho nên, khi PTMT kêu gọi hùn vốn lập các công ty kinh doanh họ đã tích cực tham gia. Mặc dù việc góp vốn kinh doanh so với việc bỏ tiền ra mua ruộng cho nông dân thuê lại làm mùa, để thu lúa ruộng, quả thật không có lợi. Nhưng họ vẫn tham gia vì xuất phát từ lòng yêu nước, chứ không phải do động cơ kinh tế, muốn làm giàu. Trước mắt họ muốn thoát khỏi sự chèn ép, sự lũng đoạn của mại bản người Hoa, tư bản Pháp, bọn cho vay Ấn Độ. Nói cho cùng là họ chống lại chính sách thống trị của thực dân Pháp bóc lột người bản xứ thông qua trung gian này. Vì tự ái dân tộc, vì lòng yêu nước, họ tham gia phong trào với ước mong đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, để tự lực tự cường.Việc làm kinh tế, lập thương hội còn làm cơ sở cho các chí sĩ duy tân hội họp bàn việc nước.
Trong nông nghiệp, Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 90% dân số sống bằng nghề nông nên khi tiến hành duy tân các nhà Nho chú trọng đến nông nghiệp. Nông nghiệp tổ chức thành các nông hội để tập trung nhiều nhân lực khai khẩn đất hoang, lập nhiều đồn điền trồng những loại cây có thể xuất cảng đem lại nhiều lợi nhuận. Ở Nam Kỳ, các nhà duy tân đã khuyến khích phát triển nông nghiệp qua những bài trao đổi kinh nghiệm làm ruộng, trồng dừa, trồng tre, cách chọn gà, nuôi ngựa…trên các tờ báo của phong trào.
Như vậy, mục tiêu kinh tế gồm: một là lấy kinh phí thực hiện các mục tiêu văn hóa, giáo dục trong nước và ủng hộ PTĐD; hai là làm cơ sở để tập hợp lực lượng; ba là chấn hưng thực nghiệp, xây dựng nền kinh tế tư sản dân tộc nhằm mục tiêu “dân sinh”. Các mục tiêu trên được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thương hội được thành lập làm ăn theo cách của các nước phương Tây trên tinh thần tự chủ.
2.1.3. Về văn hóa – xã hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx.
- Sự Ra Đời Của Phong Trào Duy Tân Ở Nam Kỳ.
- Khuynh Hướng Duy Tân Ở Việt Nam Và Nam Kỳ Những Năm Đầu Thế Kỉ Xx (1905-1930).
- Một Số Phong Trào Yêu Nước Của Nhân Dân Nam Kỳ.
- Hoạt Động Trên Lĩnh Vực Kinh Tế.
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 11
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Trước đây kẻ thù xâm lược của Việt Nam là nước phong kiến phương Bắc, trong cuộc đối đầu này Việt Nam đã nhận thấy sự chênh lệch lớn về văn hóa của kẻ thù và dưới sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, chúng ta đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa đó, tuy nhiên nó vẫn nằm trong phạm vi các nước phương Đông. Nhưng đến cuối thế kỉ XIX, kẻ thù của Việt Nam là chủ nghĩa tư bản phương Tây, trong quá trình thực dân Pháp xâm lược và thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa, cuộc đụng độ văn hóa Đông Tây diễn ra gay gắt. Đối diện với văn minh phương Tây, hầu hết các văn thân, sĩ phu yêu nước chống Pháp trên nhiều phương diện khác nhau, họ không dễ dàng từ bỏ văn hóa truyền thống vốn ăn sâu trong tiềm thức để tiếp nhận văn minh phương Tây. Lúc này, trí thức Việt Nam phải đứng trước một sự lựa chọn là đi theo văn minh phương Tây hay níu kéo văn hóa truyền thống. Trước những đắn đo đó, một bộ phận Nho học tiến bộ muốn học hỏi văn minh phương Tây để tìm ra con đường giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước đã giương cao ngọn cờ tiếp nhận văn minh phương Tây. Bởi vì, cuộc “đối thoại” văn hóa này diễn ra dưới sự áp đặt của một nước thực dân phương Tây có nền văn minh phát triển. Và quan trọng hơn là trong khi tiếp thu văn hóa phương Tây thông qua văn hóa Pháp, người Việt Nam đã tìm thấy ở đó những nhân tố mới phục vụ cho công cuộc đấu tranh tự lực, tự cường, mở đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là những tư tưởng tự do bình đẳng bác ái của cách mạng Pháp, của triết học Ánh sáng và tiếp đó là tư tưởng cách mạng của Marx, Engels. Họ không chỉ tiếp thu những học thuyết mới và biến đổi về tư tưởng, mà phong tục tập quán cũng có nhiều cải cách. Những sĩ phu tiến bộ chính là những người dẫn đường cho tầng lớp thanh niên về tấm gương chuyển mình để tiếp thu những tư tưởng mới của phương Tây, như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Và họ đã phát động PTDT đất nước, trong đó mục tiêu văn hóa là phải thay đổi được tư
tưởng, tư duy, tinh thần của nhân dân. Nếu nhận thức thay đổi thì hành động thay đổi. Vì vậy, để khai dân trí, các sĩ phu đã vận động xóa bỏ chế độ khoa cử lạc hậu, khuyến khích mở trường dạy học chữ Quốc ngữ - chữ trước đây họ rất kì thị vì là chữ Tây, chấn hưng công nghệ, mở tòa báo…
Ở Nam Kỳ, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, xã hội đã sớm được Âu hóa cho nên nên PTDT ở đây đã có những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển. Đặc biệt là về báo chí, ở Nam Kỳ báo chí đã ra đời từ lâu vì nó được thực dân Pháp sử dụng như một công cụ phục vụ quá trình xâm lược của mình. Các chí sĩ duy tân đã lợi dụng luật ra báo của thực dân Pháp để ra các tờ báo NCMĐ (1901), LTTV (1907), Chuông Rè (1923) và sau đó là Nước Nam, đăng những bài tiến bộ, ít nhiều có ý thức về vai trò tích cực của văn hóa, tư tưởng đối với xã hội, công khai vận động PTDT, đấu tranh chống thực dân Pháp.
Một nét đặc sắc trong PTDT Nam Kỳ cần phải nói tới đó là sự thay đổi tư tưởng trong cách nhìn nhận về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Với tư tưởng đoàn kết dân tộc, Phan Bội Châu đã có một cái nhìn rất trân trọng đối với phụ nữ. Trong xã hội trước đây, người ta quen nghĩ chức trách của người phụ nữ là lo việc bếp núc, chăm sóc con cái còn chuyện xã hội, chuyện làng, chuyện nước…là việc của người đàn ông. Trái lại, Phan Bội Châu đã viết trong tác phẩm Tân Việt Nam: “Bao nhiêu những trường công nghệ, nhà dưỡng bệnh, sở thương mại, kho bạc, bưu điện, xe hơi, tàu điện mà có quan hệ trong nền tài chính thì dùng người phụ nữ có học hành giỏi là hơn cả, họ cũng sẽ ra tài giúp nước chẳng khác gì nam giới”[49, tr.519]. Đây là một cái nhìn rất tiến bộ so với thời bấy giờ. Ông nhấn mạnh: “Phụ nữ là những người có trách nhiệm làm mẹ tốt, làm vợ hiền, biết việc văn thơ, hay nghề buôn bán, khéo đường dạy dỗ con em, giúp đỡ quân lính. Mẹ tốt thì sinh được con ngoan, vợ hiền thì giúp được chồng giỏi. Hơn nữa, về các sự nghiệp chính trị, người phụ nữ có quyền lợi không cùng. Có chú trọng việc giáo dục thì mới bỏ được riêng tư mà theo công lợi, mới làm cho nước nhà giàu mạnh tấn tới?”[49, tr.519]. Trong quan điểm đối với vấn đề phụ nữ, ông có một nhận định rất sáng suốt là “Trong nước nếu không có người phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho người ta mà thôi”[49, tr.519]. Chính nhờ quan điểm đúng đắn như vậy nên trong PTDT đã có nhiều phụ nữ tham gia, đặc biệt là ở
Nam Kỳ: phụ nữ tham gia kinh doanh như bà Chiêu Nam Lầu Nguyễn Thị Xuyên, Triệu Trưng – nữ thành viên duy nhất có mặt trong lực lượng tham gia PTĐD mà chúng ta biết…
Như vậy, cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã giúp các nhà Nho tiến bộ nhận ra những thiếu sót của nền văn minh cũ và cần phải thay đổi nhận thức vì khi tư duy thay đổi thì hành động sẽ thay đổi. Cho nên, mục tiêu của văn hóa là phải thay đổi được tư tưởng, tinh thần, tư duy cho nhân dân Việt Nam, nó chiếm vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền. Các chí sĩ duy tân đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận về vai trò của người phụ nữ trong xã hội, họ có cái nhìn rất trân trọng đối với phụ nữ điều rất đáng ngợi khen và ghi nhận trong xã hội vốn có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào tiềm thức.
2.1.4. Về giáo dục.
Các sĩ phu tiến bộ nhận ra sự thành công của Nhật Bản là do hiện đại hóa nền giáo dục quốc dân. Vì vậy, cả Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đều đưa nhiệm vụ “khai dân trí” lên hàng đầu.
Phan Châu Trinh nhiều lần đòi chính phủ bảo hộ bỏ lối thi cũ, mở mang trường học, dạy kiến thức mới cho người Việt Nam. Ông kêu gọi mọi người ra sức học tập, nếu người mình không lo khai thông dân trí, liên lạc đoàn thể làm cơ sở, chỉ ngồi dựa dẫm vào bên ngoài điều đó không có ích mà còn có hại. Ông lên án nền giáo dục Nho học từ chương sáo rỗng, hình thức làm suy đồi tâm trí của dân. Trong một lần sang thăm Nhật Bản, ông đã gặp Phan Bội Châu, hai ông đã cùng nhau đi tham quan nước Nhật, thăm trường Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật Bản. Tận mắt chứng kiến sự phát triển của Nhật Bản, ông đã không ngần ngại cổ vũ cho việc học tập văn minh Nhật Bản để duy tân Việt Nam. Ông nói với Phan Bội Châu: “Xem dân trí của Nhật Bản rồi đem dân trí của ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà đọ với con chim cắt già. Giờ bác ở đây nên ra sức chuyên tâm vào việc văn thức tỉnh đồng bào khỏi tai điếc mắt đui, còn việc mở mang, dìu dắt ở nước nhà thì tôi xin lãnh”[10, tr.191]. “Trình độ quốc dân Nhật Bản như thế, mà trình độ quốc dân ta thì như thế, không nô lệ làm sao được ! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông đó. Từ nay, bên Lưu Đông yên nghỉ, hết sức chăm chỉ ở việc làm sách và bất tất nói
chuyện bài Pháp làm gì, chỉ nên đề xướng dân quyền. Dân đã biết quyền, thì việc khác đều có thể tính làm được” [9, tr.120]. Còn Phan Bội Châu trong tác phẩm Lưu cầu huyết lệ tân thư (1903), đã nói đến vấn đề: khai dân trí, chấn dân khí và bồi dưỡng nhân tài. Năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật Bản cầu viện. Tại đây qua việc tiếp xúc với Lương Khải Siêu và những chính khách người Nhật, đặc biệt tận mắt chứng kiến sự phát triển của Nhật Bản. Phan Bội Châu đã nhận thấy “dân trí nước mình còn thấp, mà nhân tài cũng thiếu, không có. Chừng đó, tôi tự ăn năn việc mình lo toan lúc trước là nông nổi chỉ bo bo vấn đề quân giới nào có phải là cái kế tuyệt hay để mưu tính công việc độc lập cho nước mình đâu”[20, tr.161]. Và ông đã chuyển từ “cầu viện” sang “cầu học”.
Tuy chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh khác nhau nhưng hai ông đều nhận thấy nguyên nhân nước ta mất nước là bởi dân ta ngu hèn và sự thành công của Nhật Bản chính là do tiếp thu, học tập nền văn minh phương Tây để hiện đại hóa nền giáo dục quốc dân. Hai ông đều đưa nhiệm vụ khai dân trí, chấn dân khí lên hàng đầu. Điều này đã mở ra một PTDT hoạt động rộng khắp trong cả nước ta vào những năm đầu thế kỉ XX. Các trường học duy tân được thành lập: Đông Kinh nghĩa thục (Hà Nội), Dục Thanh (Phan Thiết)…với mục đích làm cho toàn dân có trí thức mới và hiểu biết về dân quyền, biết được quyền của mình trong xã hội, trong thế giới. Đó là nền tảng cơ sở của độc lập tự chủ, của vận mệnh đất nước, của tiến bộ xã hội của hạnh phúc toàn dân và cũng là sức mạnh vô địch để khôi phục độc lập. Muốn khôi phục đất nước thì trước hết phải sửa đổi phép thi, xóa bỏ lối học cũ, khuôn sáo, bỏ học “tứ thư, ngũ kinh”, bỏ học chữ Nho, coi chữ Quốc ngữ là hồn trong nước để dịch các sách Tây, sách Tàu, lấy kiến thức thực dụng làm nội dung. Ngoài dạy học, mục tiêu của các trường học duy tân còn là nơi để các chí sĩ tổ chức diễn thuyết, cổ động, tuyên truyền đường lối cứu nước. Nhưng ở Nam Kỳ ảnh hưởng của phong trào “Nghĩa thục” không lấy gì làm sâu rộng. Nhằm tạo nguồn lực mới cho đất nước, Trần Chánh Chiếu và các đồng sự đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo thế hệ kế tục. Họ ra sức hô hào khuyến học, mở trường lớp, khuyến khích dạy nghề thông qua tờ LTTV.
Tờ LTTV ngay số ra đầu tiên (1908) đã tuyên truyền chủ trương khuyến học như là một chủ điểm lớn trong tôn chỉ của tờ báo: “…Nước mình bắt chước Tàu…làm
đặng bao nhiêu thì cứ bấy nhiêu đó mà thôi…nay thấy những xe lửa, tàu khói, dây thép, đèn khí, máy xay luá gạo…và các cơ khí khác nữa, thì mang nhiên bất tỉnh, tưởng như tuồng tiên thiên hóa tựu là vì cớ mình bất học vô thuật đó phải chăng ? Có câu tục ngữ rằng: Hễ ăn thì vóc, học thì hay, nào có khó chi”. Hay trong một bài báo cổ vũ khuyến học khác, Trần Chánh Chiếu nhắn gửi đến các quan lại người Việt vừa được chính quyền thực dân bổ nhiệm: “Xin các quan dạy các làng phải lo lập mỗi làng một trường học, dạy dân con trai, con gái biết chữ, biết lễ nghi…” [71, tr.107].
Trong công cuộc chấn hưng kinh tế, các nhà chủ xưởng Minh Tân đã kết hợp dạy nghề và quảng bá trên nhiều số báo LTTV. Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, vừa mở xưởng sản xuất kết hợp việc đào tạo dạy nghề. Minh Tân có nhiều hình thức tương trợ: “Bổn quán tính mướn thầy chiều chiều từ 7 giờ đến 10 giờ dạy cách làm sổ sách buôn bán tại Nam Trung khách sạn. Học phí phải đóng trước là 4 đồng mỗi tháng, ai muốn học thì ghi tên”[58, tr.184]. Đặc biệt các chí sĩ duy tân đã chú ý tới việc dạy chữ, dạy nghề cho phụ nữ, đây là một tư tưởng mới, tiến bộ và táo bạo lúc bấy giờ: “Con gái nhà nghèo thì hoặc tằm tơ bông bả, thêu tiểu vá may, hễ khi rảnh việc thì phải đi học. Đến như con gái nhà giàu, đờn bà tuổi trẻ nhiều khi thong thả chơi bời, ắt thêm ra nhiều điều có hại. Cho nên phải dạy cho họ biết học thì hơn, chớ để đờn bà mà chịu dốt ấy là cái lỗi đờn ông đó vậy”[71, tr.106]. Ngoài ra, họ còn bí mật vận động đưa con em du học nhằm mưu sự lâu dài. Vì vậy, PTĐD do Phan Bội Châu và Duy Tân hội lãnh đạo đã phát triển rất sôi nổi và mạnh mẽ ở Nam Kỳ. Không những du học sinh đông mà “mỗi lần thống kê tiền bạc ở trong nước gửi ra, thấy nhiều nhất là Nam Kỳ, thứ nhì là Trung Kỳ, tiếp đó là Bắc Kỳ [9, tr.157]. Vì “Nam Kỳ học phí có dồi dào chút đỉnh, nhờ đó mà múc bên kia, xối bên nọ…học sinh hiện thời cũng Nam Kỳ là đông hơn, hi vọng về hậu viện, phải để mắt về Nam Kỳ cũng là một sự thực”[9, tr.159- 160]. Cũng nói thêm rằng dân Nam Kỳ hồi đó tính khí ưa phiêu lưu, nhiều nhà có của, đường giao thông lại thuận tiện nên cũng sớm bước ra ngoài với thiên hạ. Cho nên trước khi có PTĐD, nhiều con em Nam Kỳ đã được gửi sang Tàu, sang Tây học tập. Nhưng PTĐD đã thổi vào một luồng khí mới gắn việc du học với mục tiêu vì nước. Ngược lại, sự đóng góp của Nam Kỳ cho phong trào đã mang lại một luồng sinh khí mới. Nếu con em ngoài Bắc tham gia Đông Du phần lớn xuất thân từ thế hệ những gia
đình dòng dõi chống Pháp, coi Đông Du trước hết là phương cách để “cầu viện” từ bên ngoài, thì ở Nam Kỳ phần lớn lại là con em những nhà khá giả, thậm chí còn vào làng Tây lấy mục tiêu hàng đầu là cầu học. Từ cầu viện đến cầu học là một bước phát triển, nó gắn kết được tư tưởng của cả hai dòng yêu nước đương thời của Phan Bội Châu nặng về bạo động và Phan Châu Trinh nặng về cải cách. Do vậy mà sau khi bị thực dân Pháp câu kết với đế quốc Nhật quay ra đàn áp dữ dội, trục xuất các chiến sĩ Đông Du ra khỏi xứ sở một thời được hi vọng nhờ cậy ở sự “đồng chủng đồng văn”, thì phong trào xuất dương du học, đặc biệt ở Nam Kỳ vẫn không hề chấm dứt. Kể từ đó PTĐD không chỉ mang ý nghĩa là cầu học mà còn rộng lớn hơn. Những Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường...từ Nam Kỳ sang đến châu Âu tìm kiếm giá trị của nền dân chủ phương Tây. Và ngay Nguyễn Tất Thành cũng tiếp bước xuất dương nhờ vào sự tài trợ của một trong những cơ sở kinh tế của PTĐD và PTMT của Nam Kỳ là Công ty nước mắm Liên Thành (cũng là cơ sở tài chính giúp Trường Dục Thanh, Phan Thiết)...để đi tới những chân trời rộng lớn hơn lớp cha anh để tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và rồi trở thành nhà cách mạng hàng đầu thế kỷ 20: Nguyễn Ái Quốc.
Có thể khẳng định, PTĐD là hoạt động đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân trên nền tảng duy tân, đổi mới. Đây là một cuộc “đổi mới” về chủ trương cứu nước, từ chủ trương cứu nước truyền thống là bạo động, là cầm vũ khí đánh đuổi bè lũ cướp nước để khôi phục độc lập dân tộc đã chuyển sang chủ trương cải cách, đổi mới, đề cao việc học tập tiến bộ.
2.2. Hoạt động của phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ (1905-1930).
2.2.1. Hoạt động trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng.
PTDT ở Nam Kỳ có những hoạt động, đóng góp tích cực trên cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị là nền độc lập cho dân tộc.
2.2.1.1. Lên án chế độ thực dân Pháp, tuyên truyền những tư tưởng mới.
a. Lên án chế độ thực dân Pháp.
Những năm đầu thế kỉ XX, tại Sài Gòn, Trần Chánh Chiếu đã cho ấn hành sách, phổ biến công khai công việc phải làm theo gương duy tân của Trung Quốc như: phát