Phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam - 11


Sản phẩm và dịch vụ của các ngân hàng có thể phát sinh rủi ro về rửa tiền, cụ thể như sau:

- Đối với sản phẩm và dịch vụ thẻ ATM:

Hoạt động thanh toán thẻ tại Việt Nam còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, bảo mật thông tin, đã phát sinh những tội phạm công nghệ cao mới trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS. Việc sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt ngoại tệ tại nước ngoài với số lượng lớn theo từng nhóm khách hàng trên thực tế đã xảy ra. Hiện tượng này là hình thức hợp pháp hóa nguồn ngoại tệ cũng như chuyển ngoại tệ ra nước ngoài một cách thuận lợi.

- Đối với dịch vụ bảo lãnh L/C:

Bộ chứng từ đi kèm là quan trọng nhất và khó làm giả. Tuy nhiên, hợp đồng thương mại có thể dễ dàng làm giả. Đây cũng là một trong những rủi ro mà các ngân hàng đang phải đối mặt.

- Đối với các dịch vụ chuyển tiền thanh toán quốc tế:

Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có quan hệ đại lý với các ngân hàng nước ngoài thường phải thực hiện bảng hỏi với các ngân hàng đại lý và thực hiện nhận biết khách hàng theo yêu cầu của các ngân hàng đại lý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Các ngân hàng đại lý từ đó đưa ra đánh giá về chất lượng của các tổ chức đối tác, quyết định có quan hệ thương mại hay không và định mức phí giao dịch. Đây là thách thức cho các tổ chức báo cáo.

- Về chuyển tiền kiều hối:

Thông thường việc thân nhân ở nước ngoài chuyển tiền về Việt Nam là những món nhỏ, thông qua Western Union và Money Gram. Tuy nhiên, tại các TCTD cũng phát sinh các khoản chuyển tiền kiều hối từ một tổ chức ở nước ngoài về cho một cá nhân thông qua điện SWIFT. Với hình thức giao dịch như vậy rất khó xác định được nguồn gốc và có rủi ro cao về rửa tiền.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.


- Dịch vụ internet-banking tại một số ngân hàng mới chỉ dừng lại ở vấn tin tài khoản và thực hiện một số dịch vụ chuyển tiền nội địa. Trong tương lai, dịch vụ này sẽ được phát triển với nhiều tiện ích hơn. Điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro về rửa tiền.

Phòng, chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam - 11

Nói tóm lại, từ những thực tê như trên, chúng ta đã có một bức tranh tổng thể về nguy cơ rửa tiền xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tới. Rò ràng, nguy cơ này rất cao. Để đẩy lùi nguy cơ này, cần phải có một hệ thống giải pháp thích hợp dựa trên chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng và dự báo tình hình rửa tiền ở Việt Nam.

4.2. Quan điểm và mục tiêu chống rửa tiền qua ngân hàng

Quá trình chống rửa tiền ở Việt Nam trong thời gian tới, cần quán triệt các quan điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, coi trọng cả phòng và chống rửa tiền là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước, cũng như của toàn ngành và từng đơn vị ngân hàng, bảo đảm ổn định và lành mạnh nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính - tiền tệ nói riêng.

Thứ hai, sử dụng đồng bộ và linh hoạt các công cụ, giải pháp chống rửa tiền; không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý, phát triển các thể chế và công nghệ, nhân lực trong hoạt động chống rửa tiền.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả công tác chống rửa tiền; bảo đảm việc tuân thủ các quy định phòng, chống rửa tiền của các Ngân hàng thương mại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác hoạt động phòng, chống rửa tiền và cương quyết xử phạt vi phạm hành chính trong việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với các TCTD. Tiến tới hạn chế giao dịch bằng tiền mặt; Hướng các ngân hàng tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.


Đặc biệt, cần bám sát và thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu trong “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020” do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 25/11/2014, theo đó, Việt Nam cần xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền có hiệu quả; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân, cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; giữ vững lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

4.3. Các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác chống rửa tiền qua ngân hàng ở Việt Nam

4.3.1. Nhóm giải pháp thuộc về nhà nước

Thứ nhất: Hoàn thiện cơ sở pháp luật và xử lý các vi phạm liên quan phòng, chống rửa tiền

Nhà nước cần quan tâm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống rửa tiền để đưa các quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống và dần đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền; Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật về đầu tư, thương mại, hải quan … cần bổ sung các điều khoản về phòng, chống rửa tiền để đảm bảo công tác phòng, chống rửa tiền được triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Ở khía cạnh khác, Pháp lệnh ngoại hối được ban hành năm 2005 với các quy định về giao dịch ngoại tệ thông thoáng hơn trước giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong việc thanh toán, giao dịch với các đối tác nước ngoài.


Nhưng đồng thời cũng tạo ra rất nhiều kẽ hở cho tội phạm rửa tiền lợi dụng chuyển “ngoại tệ bẩn” vào trong nước hoặc chuyển ra nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian tới cần bổ sung thêm các quy định trong Pháp lệnh ngoại hối hướng tới các mục tiêu về phòng, chống rửa tiền để hạn chế khả năng rửa tiền của bọn tội phạm.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần coi trọng việc xử phạt nghiêm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền.

Thứ hai: Tăng cường phối hợp quốc tế trong PCRT

Nhà nước cần tích cực, chủ động tham gia các hiệp định, cam kết quốc tế cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trong khu vực và quốc tế nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các hoạt động chống rửa tiền trên quốc tế và trong nước.

4.3.2. Nhóm giải pháp thuộc về Ngân hàng Nhà nước

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rửa tiền

Luật phòng, chống rửa tiền được ban hành tiếp đó là Thông tư số 35/TT-NHNN, tuy nhiên, do công tác tuyên truyền chưa được tốt, người dân chưa hiểu về phòng, chống rửa tiền đã tạo một tâm lý lo lắng cho người dân, đã ảnh hưởng rất lớn đối với các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền. Do đó, NHNN cần tuyên truyền để người dân hiểu việc báo cáo của ngân hàng thương mại cũng như việc thực hiện nghiệp vụ của ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng mở các lớp đào tạo về kỹ năng phòng, chống rửa tiền cho các cán bộ ngân hàng thương mại làm công tác giao dịch với khách hàng để có những giải thích kịp thời cho khách hàng về công tác phòng, chống rửa tiền mà ngân hàng đang thực hiện, nhằm tránh những hiểu nhầm không đáng có từ khách hàng.

Thứ hai: Tiếp tục đầu tư hệ thống công nghệ thông tin về phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền


Điều này nhằm kết nối chia sẻ thông tin với các bộ , ngành; tăng cường an toàn và bảo mật thông tin; phối hợp với đơn vị bảo trì triển khai nâng cấp phần mềm tiếp nhận dữ liệu và hệ thống phần mềm tích hợp dữ liệu; tăng cường năng lực xử lý của hệ thống; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ xử lý thông tin nội bộ và đối với các tổ chức cung cấp và chia sẻ thông tin.

Thứ ba: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần ban hành quy chế giám sát và đưa tiêu chí tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền vào trong bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng các ngân hàng thương mại. Việc ban hành quy chế giám sát sẽ giúp cho Cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nói chung và Cục phòng, chống rửa tiền nói riêng chủ động trong việc thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại. Qua đó đưa ra những biện pháp hữu hiệu yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống rửa tiền.

Thứ tư: Tăng cường thông tin và tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền

Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về phòng, chống rửa tiền với các ngân hàng thương mại không những là cơ hội để Cục Phòng, chống rửa tiền tiếp nhận được các ý kiến phản hồi của các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, mà còn là cơ hội để các ngân hàng thương mại trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống rửa tiền. Qua


đó, hạn chế các hành vi lợi dụng hệ thống ngân hàng thương mại để thực hiện các hành vi rửa tiền.

Thứ năm: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong phòng, chống rửa tiền

Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò là đầu mối quốc gia về phòng, chống rửa tiền cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và luật pháp quốc tế về phòng, chống rửa tiền; cập nhật, trao đổi các phương thức, thủ đoạn mới về rửa tiền trong nước và quốc tế.

4.3.3. Nhóm giải pháp thuộc về các ngân hàng thương mại

Thứ nhất: Thành lập bộ phận chuyên trách về phòng, chống rửa tiền

Việc thành lập bộ phận chuyên trách về phòng, chống rửa tiền là thực sự cần thiết. Bộ phận chuyên trách này sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, giám sát thực hiện quy trình nội bộ, thực hiện công tác thu nhập, tổng hợp mọi thông tin về những giao dịch đáng ngờ báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền và đề xuất các biện pháp khác liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và bảo vệ được đơn vị của mình khỏi những rủi ro đáng tiếc.

Thứ hai: Coi trọng công tác nhận dạng các khách hàng:

Ngân hàng thương mại cần nỗ lực trong việc nhận dạng khách hàng bao gồm cả khách hàng cũ và khách hàng mới và cả những khách hàng tiềm năng có nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ của tổ chức mình.

Thứ ba: Xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh quy trình nội bộ phòng, chống rửa tiền

Ngân hàng thương mại cần thực hiện nghiêm chỉnh quy trình nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Cần có chính sách quy định đảm bảo tất cả cán bộ, nhân viên đều được biết và nhận thức đúng về các chính sách, quy trình nội của đơn vị.


Thứ tư:. Đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ về công tác phòng, chống rửa tiền

Các ngân hàng cần có chương trình, kế hoạch đào tạo về phòng, chống rửa tiền hiệu quả đảm bảo mọi nhân viên trong tổ chức đều được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống rửa tiền và đối với nhân viên một số bộ phận cụ thể có liên quan phải được trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu về phòng, chống rửa tiền.

Thứ năm: Hiện đại hóa công nghệ tin học trong ngân hàng

Đầu tư các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền có khả năng cảnh báo đối với các khách hàng nằm trong “danh sách đen”, lọc tách dữ liệu nằm trong mức giao dịch phải báo cáo, phân loại tài khoản theo mức độ rủi ro … là hoàn toàn phù hợp. Qua đó, hạn chế rủi ro cho ngân hàng.


KẾT LUẬN

Hiện nay, rửa tiền đã và đang trở thành một vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới và là vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Cùng với sự phát triển của hoạt động kinh doanh, tự do hóa, toàn cầu hóa và khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn rửa tiền ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp và hoạt động rửa tiền được mở rộng ở quy mô toàn cầu. Hoạt động rửa tiền có ảnh hưởng tiêu cực bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng... của tất cả các quốc gia; đặc biệt, hoạt động rửa tiền làm mất sự kiểm soát các chính sách kinh tế, làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân, lũng đoạn hệ thống tài chính, nguy hại đến nền kinh tế vĩ mô, bóp méo hoạt động ngoại thương, ngăn cản hội nhập quốc tế. Nếu không có những điều kiện trên và để cho hoạt động rửa tiền phát triển thì quốc gia đó không phải là một đối tác tin cậy và không thể tham gia vào thị trường tài chính thế giới một cách toàn diện.

Để ngăn chặn những tác hại to lớn của việc lợi dụng hệ thống ngân hàng để tiến hành rửa tiền, các quốc gia thường thực hiện phương thức phòng, chống rửa tiền thông qua ban hành luật và các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền; thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống rửa tiền; thiết lập quy trình phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại; coi trọng đánh giá khách hàng, phân loại rủi ro; kiểm soát các giao dịch đáng ngờ; lưu giữ hồ sơ về khách hàng…

Việt Nam đã, đang và sẽ ngày càng coi trọng công tác chống rửa tiền qua các ngân hàng. Trên thực tế Việt Nam đã có nhiều động thái và thành công bước đầu đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống rửa tiền. Thách thức và bất cập trong hoạt động chống rửa tiền cũng còn nhiều và nhiệm vụ ngày càng nặng nề cùng với bối cảnh hội nhập mới.

Xem tất cả 101 trang.

Ngày đăng: 27/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí