Trần Thuật Kết Hợp Với Phương Pháp Miêu Tả Chân Thực, Sinh Động


Bà Chúa Hòn thì hoàn toàn viết ở ngôi thứ ba (100%).

Không chỉ trong truyện ngắn, hai tác phẩm dài của Sơn Nam cũng được trần thuật theo dạng này. Trong Bà Chúa Hòn, đứng ở vị trí khách quan để quan sát nhân vật cô Huôi trong quá trình từ một cô bé xinh đẹp, tài năng trở thành bà Chúa hòn uy nghi đáng nể trọng, Sơn Nam nắm bắt, nhìn nhận những hành vi, cách cư xử của nhân vật bà chúa thời khẩn hoang giúp người đọc suy nghĩ về những phẩm chất tốt đẹp của một cô gái nông thôn khác thường, chín chắn, già trước tuổi, khác với những phụ nữ khác trong cách sống, cách ứng xử với các sự việc và mọi người chung quanh. Không gian còn hoang vu bạt ngàn rừng rậm, con người còn đối xử với nhau bằng những “luật rừng”, có thể giải quyết mọi chuyện bằng cách giết người không chớp mắt. Hình ảnh người con gái uy nghi, mạnh mẽ xuất hiện như một vầng sáng của một thời mở đất trong tác phẩm. Cô gái kiên nghị đối với kẻ chống đối, cô không ngần ngại trừ khử những kẻ tham lam, có cách trị những kẻ tàn độc như Mười Hấu, dùng tâm chân thành để cảm hóa kẻ điên khùng như thằng Cẩu. Nhưng đối với người dân sống trên Hòn thì cô lại ân cần quan tâm, chăm sóc nên cô được mọi người yêu mến và kính nể. Nhưng cuối cùng cô chán ghét sự đấu đá; mỏi mệt vì lúc nào cũng phải suy nghĩ để giải quyết bao nhiêu vấn đề “không như ý” trên cương vị của chúa Hòn, Sơn Nam đã để cho nhân vật của mình phủi bỏ những bụi trần, tìm sự thanh tịnh nơi cửa Phật. Với lối trần thuật này, tính khách quan của hiện thực càng gia tăng thì vai trò của chủ thể sáng tạo càng ẩn kín. Kết thúc truyện gây bất ngờ và bài học triết lý bộc lộ ra cho người đọc chiêm nghiệm.

Đôi khi Sơn Nam còn sử dụng lối trần thuật không hoàn toàn khách thể - lối trần thuật được chủ quan hóa – một phương thức thu hẹp khoảng cách tối đa giữa tác giả và nhân vật, có thể gọi là “song trùng”. Lúc này yêu cầu nhà văn phải nắm bắt sâu sắc về nội tâm nhân vật, cách thức này vừa miêu tả sự kiện khách quan vừa đi sâu vào thế giới tâm hồn, suy nghĩ của nhân vật. Mỗi câu chuyện dù viết về đề tài nào, bằng cách sử dụng hình thức này, nhà văn để cho độc giả như chứng kiến hiện tượng sự vật một cách chân thực và đầy đủ. Một tình huống trong Căn nhà mặt tiền, mô tả một cách sống của những người dân trong giai đoạn giao thời của đất nước. Khi ông Phán hỏi con trai cả về quê vợ sống như thế nào, được cách mạng đối xử ra sao, tác giả để Thiện trả lời một cách thoải mái, dễ dãi, hài hước như bản tính xuề xòa của anh “Dễ quá… con cứ sống như đóng kịch từ hồi thời quốc gia. (…). Mình đứng ngoài vòng, làm sao họ rầy ra được. Trái lại, nếu họ sai khiến, mình làm không đúng, mình bị kiểm điểm. Tóm lại, suốt ngày nói chuyện nửa thiệt nửa láo, vậy mà có cơm ngày ba


bữa, uống rượu… không trả tiền” [7a; 229]. Trong tác phẩm Sơn Nam, đôi khi tiếng nói của nhân vật gần như hòa đồng với tiếng nói của tác giả, lời kể theo ngôi thứ ba dù là kể lại những sự kiện diễn ra như nó vốn có nhưng thật ra sau lưng nhân vật luôn có hình ảnh vô hình của tác giả, có thể nói đây là sự phân thân một cách sáng tạo nhưng thú vị của nhà văn. Có lúc nhân vật và tác giả là hai nhưng cũng có khi nhập lại thành một. Nhà văn mượn nhân vật để nói lên chính kiến, quan điểm của mình. Trong Tháng chạp chim về, suy nghĩ của nhân vật Tư như đang nói hộ lòng tác giả “Hiên ngang thay ! Đẹp đẽ thay! Hỡi người Việt đầu tiên đến vùng Kiên Giang hưởng ơn Trời lộc Nước mà khai phá miền Nam” [16a; 215]. Trong Nghe chim hót, nhà văn như hòa vào nỗi niềm của nhân vật Tân khi nhận thức sâu sắc hoàn cảnh của bản thân mình “Dùng nó để làm gì đây? Tân buồn bã hơn bao giờ hết. Không xài phí mà vẫn tốn kém, không mở miệng mà vẫn bị mắng ngược, không lường gạt ai mà sao lại chua chát đắng cay…” [5a; 328].

Nhà văn như một khách qua đường bằng sự quan sát tinh tế để phát hiện ra cái không bình thường trong cái bình thường của dòng chảy cuộc sống. Người trần thuật đứng ở vị trí khách quan quan sát, đôi khi nhập vào nhân vật cùng sống, cùng buồn vui, cùng suy nghĩ… với họ. Tác giả dẫn dắt người đọc thâm nhập vào nhân vật, từ đó người đọc tự rút ra bài học sau mỗi câu chuyện. Sử dụng phương thức trần thuật này, Sơn Nam đã thu hẹp khoảng cách giữa nhà văn và độc giả. Nhà văn đứng vị trí khách quan, dễ dàng thuyết phục người đọc qua lời người kể chuyện. Kết hợp với những thủ pháp khác như tâm linh, hồi ức, giấc mơ… đồng thời với cách kể chuyện giản dị, súc tích, tác giả dùng nhiều câu ngắn để dẫn dắt mạch truyện, giọng điệu thay đổi linh hoạt… Sơn Nam cũng như một số nhà văn tài năng khác biết cách phát huy và cách tân phương thức truyền thống của văn học dân tộc theo ý đồ riêng của mình để tạo nên hiệu quả đặc sắc cho lối trần thuật cổ điển và thông dụng này.

4.1.2. Điểm nhìn trần thuật

Một số nhà nghiên cứu đồng hóa giữa người kể chuyện (ngôi phát ngôn) và điểm nhìn nhưng cũng có số khác không đồng ý với quan niệm là dùng ngôi phát ngôn thay thế cho thuật ngữ điểm nhìn trong đó có Stanzel, Genette, Todorov… Trong Từ điển bách khoa về các khoa học ngôn ngữ, Todorov nhấn mạnh “Không thể nào đồng nhất nhãn quan (vision) với những phương tiện lời nói vốn dĩ chứa đựng một sự đa dạng trong chức năng biểu thị rất khác nhau…” [dẫn theo 163; 173]. Chúng tôi đồng quan điểm với quan niệm là điểm nhìn và ngôi kể chuyện chỉ có mối liên quan chặt chẽ đến nhau nhưng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 296 trang tài liệu này.

Trần thuật bắt đầu từ điểm nhìn nên xem xét nghệ thuật trần thuật trong một tác phẩm cũng phải bắt đầu từ điểm nhìn trần thuật và vai trò người kể chuyện. Điểm nhìn trần thuật là một yếu tố trong tác phẩm văn học. Hệ thống điểm nhìn là yếu tố quan trọng khi hình thành tác phẩm. Điểm nhìn là vị trí đứng của người trần thuật khi quan sát, nhìn nhận, đánh giá… bao gồm các khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện tâm lý, vật lý, văn hóa… Nó thể hiện tư tưởng, dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Theo Tự điển Wikipedia “Một câu chuyện hay phải có một người kể chuyện xác định rò và kiên định (…). Người kể chuyện là một thực thể đơn nhất (single entity) và giới hạn. Người kể chuyện không thể truyền đạt bất cứ điều gì mà anh ta không đối mặt với nó. Nói cách khác, người kể chuyện nhìn câu chuyện từ điểm nhìn. Điều này được gọi là điểm nhìn” [dẫn theo 163; 171]. Như vậy, nếu từ điểm nhìn bên ngoài sẽ tạo được sự khách quan, tuy nhiên, chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài, không đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Còn điểm nhìn bên trong thì nhà văn là người “toàn tri” của toàn bộ câu chuyện. Nhà văn khi đưa nhân vật vào thế giới văn học, ít hay nhiều thì nhân vật đã có một đời sống riêng. Nhân vật nói năng, hành động không hoàn toàn lệ thuộc hay bị chi phối cách nhìn, quan điểm của tác giả, nhưng không có nghĩa điểm nhìn nhân vật hoàn toàn tách biệt khỏi vị trí quan sát mà phần lớn các nhân vật đều nằm dưới con mắt theo dòi của tác giả và thông qua tác giả, nhân vật nhận diện cuộc sống.

Trong truyện Sơn Nam, điểm nhìn của nhân vật gần như trùng khít với điểm nhìn của tác giả, ông để nhân vật nói năng, suy nghĩ, hành động theo ý mình, nhân vật phát ngôn thay ông. Xét cho cùng, hầu hết các nhân vật đều là hóa thân của nhà văn. Qua tác phẩm, Sơn Nam đã lựa chọn điểm nhìn từ nhiều vị trí, khi thì từ bên ngoài của người kể chuyện ở ngôi thứ ba, khi điểm nhìn bên trong từ nhân vật trong truyện nhưng cũng có lúc người đọc nhận thấy có sự di chuyển điểm nhìn, cũng như sự kết hợp linh hoạt điểm nhìn bên trong và bên ngoài. Trong Vạch một chân trời, nhà văn chọn điểm nhìn từ bên ngoài của người kể chuyện. Mọi sự việc, tình huống, hoạt động, trạng thái, tình cảm của nhân vật, diễn biến câu chuyện được đặt dưới điểm nhìn cùa người kể chuyện ngôi thứ ba. Từ điểm nhìn đó, người kể chuyện kể lại câu chuyện phiêu lưu tìm vàng của hai nhân vật Hai Tam và Tư Bá. Lênh đênh trên con xuồng nhỏ, Hai Tam rơi vào bẫy tình của Nhung - một cô gái xinh đẹp vùng sông nước. Nghe theo tiếng gọi của tình yêu, Nhung bỏ nhà đi tìm hạnh phúc với Hai Tam. Đôi trai gái tham gia vào đội tìm vàng trên vùng đất mới. Trải qua bao nhiêu sóng gió, sự đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với kẻ thù vì lòng vị kỷ, ghen tuông… rắp tâm làm hại họ như lão thầy Rắn, Lục Cụ…; với bọn giặc Tàu ô luôn rình rập giết

Phong cách nghệ thuật Sơn Nam - 16


người, chiếm đất… Những khó khăn, vất vả, gian truân… được kể lại một cách hiển nhiên, chân thực, khách quan như người kể chuyện đang cùng sống, cùng chứng kiến tất cả. Sơn Nam đã thành công khi miêu tả đầy đủ hành trình gian nan của đoàn người, một tình yêu đẹp, lãng mạn nhưng bi thảm của đôi nam nữ Hai Tam – Nhung; cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với giặc Tàu ô dành lại đất đai tổ quốc của Tư Bá; lòng yêu nước, yêu quê hương của người dân Nam Bộ trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.

Tuy nhiên, tác giả không chỉ sử dụng một điểm nhìn, mà còn kết hợp điểm nhìn bên ngoài và bên trong ngay trong một đoạn văn. Trong Chim quyên xuống đất, Sơn Nam đứng ở vị trí trần thuật ở ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài kể lại hành trình truân chuyên của một trí thức làm công tác bình dân học vụ dưới thời Pháp thuộc và sử dụng điểm nhìn bên trong kể lại những nỗi niềm của nhân vật Sỹ trước cảnh nước mất nhà tan “tiếng gọi của sông núi ở gần ở xa. Đã đến lúc Sỹ đáp lời, dẫu là tiếng đáp bé bỏng. (…) và tâm khảm của Sỹ tuy nát như tương nhưng thấm vào đâu trước bao cảnh tan nát” [4a; 516]. Sự di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài của người kể chuyện sang điểm nhìn bên trong của nhân vật làm rò nỗi niềm day dứt, buồn phiền và tâm trạng bất lực của Sĩ trước thực trạng xã hội, trước tình cảnh bi đát của chính bản thân mình. Cũng như cách di chuyển điểm nhìn của người kể chuyện từ bên ngoài sang điểm nhìn bên trong trong Tháng chạp chim về, người kể chuyện đang ở vị trí ngôi thứ nhất bình thản kể chuyện về những sân chim lớn nhỏ ở miền Nam, sự sinh sản và cư trú của các loài chim chuyển sang tâm trạng bâng khuâng buồn bã của nhân vật ông Tư khi nhìn con chim già sói “có lẽ ông nghĩ đến phận mình mà sinh ra bao mối cảm hoài” [16a; 214 – 215]. Như vậy, trong điểm nhìn của người kể chuyện dù ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba đều có cái nhìn từ bên trong lẫn điểm nhìn bên ngoài. Việc sử dụng kết hợp đó góp phần giúp người đọc cảm nhận bức tranh sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Điều này còn tạo ra giọng điệu đa thanh cho tác phẩm.

Không có một điểm nhìn nào chuẩn mực cho mọi truyện, do vậy, việc kết hợp điểm nhìn và di chuyển điểm nhìn là một trong những yếu tố quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện. Sơn Nam đã biết cách tạo nên sức hấp dẫn trong từng câu chuyện kể. Nhà văn đã tạo cho mình những cách thức khác nhau để tiếp cận hiện thực. Sự tìm tòi của Sơn Nam trong lĩnh vực này đáng được ghi nhận.

4.1.3. Trần thuật kết hợp với phương pháp miêu tả chân thực, sinh động

Trần thuật là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định. Thành


phần của trần thuật không chỉ là kể việc mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, đưa ra lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú tác giả… do vậy trần thuật có mối liên kết rất chặt chẽ với phương pháp miêu tả.

Trong nền văn xuôi hiện đại, có nhiều nhà văn có tài miêu tả như Thiên nhiên Nam Bộ của Đoàn Giỏi, Làng quê Bắc Bộ của Kim Lân, Gió của Nguyễn Tuân, Nắng của Nguyên Hồng… Sơn Nam cũng có khả năng sử dụng điêu luyện nghệ thuật trần thuật kết hợp với miêu tả. Tuy nhiên, trong cách kể chuyện, Sơn Nam không sử dụng nhiều các biện pháp nghệ thuật trong khi kể chuyện, không miêu tả bằng những công thức sáo mòn, ước lệ. Cách miêu tả của nhà văn là đi sát với thực tế cuộc sống sinh động, vẽ lên những sự vật, sự việc trong tự nhiên một cách chân thực và cụ thể. Đặc biệt là nhà văn phát huy cao độ biện pháp so sánh ẩn dụ và ngôn ngữ mang tính tạo hình. Chính điều này làm văn chương của nhà văn miệt vườn trở nên mượt mà và mang đẫm chất thơ. Trong Hòn Cổ Tron, tác giả dùng phép so sánh để mô tả một cảnh biển lúc hoàng hôn ngoài hòn Cổ Tron “Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới biển ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm11. Đêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian!” [15a; 228]. Một đoạn văn miêu tả đặc sắc, vừa sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh, liên tưởng… để tạo nên một bức tranh hoàng hôn trên biển lộng lẫy và thơ mộng. Ở Hương rừng tác giả so sánh “Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa nối liền qua những lung, tròn méo như mấy cái bao tử, gan, lá lách…. Cách so sánh gần gũi, đời thường, tạo sự thú vị cho cách hành văn của nhà văn. Ấn tượng hơn nữa khi tác giả so sánh hình ảnh “mấy cây khô trốc gốc nổi lềnh bềnh quay qua quay lại như xác người rủ tóc” hoặc trong Sông Gành Hào, hình ảnh những con cá sấu “Dường như vật nọ (…). Khúc cây chăng? Thây ma chăng? Vô lý! Nếu vậy thì nó theo nước xuôi mất dạng này. Đằng này, nó từ từ trôi ngược… chấp chóa như muôn ngàn con đom đóm đậu khít nhau” [16a; 190]. Trong Cây huê xà, tác giả ví von “Đất nhúc nhích từng cục, một con rắn ốm nhom vùng ngóc chồm tới, ngóc đầu lên cao, phùng mang giống hình cái bàn nạo…” [14a; 190 -191]. Trong Ngày hội ba khía, tác giả miêu tả cảnh đêm vùng sông nước “Đêm ba mươi trời tối như mực. Nước ruộng chảy tràn qua vùng ven biển. Rừng cây mắm đen ngòm trước mặt như bức tường thành” [12a, 164]… Lối so sánh là kết quả của sự liên tưởng linh hoạt, vốn sống, vốn



11 Người viết in đậm các từ/ nhóm từ để làm nổi bật những dẫn chứng có tác dụng minh họa


hiểu biết phong phú của Sơn Nam về vùng đất Nam Bộ “Rừng tràm xanh đậm, rọi xuống mặt nước đỏ ngầu, rung rinh, nhứt là về đêm khi trăng chiếu, đom đóm bay về đậu khắp nhánh tràm như họp chợ phiên(Mùa “len” trâu) [16a; 43].

Có những đoạn văn kết hợp phương pháp miêu tả và kể chuyện thật thú vị và sinh động, ở Mùa “len” trâu, tác giả viết “Tháng mười nước giựt xuống. Đến cuối tháng mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời. Mưa dứt sớm. Núi non trở nên hùng vĩ. Suốt mùa lúa nương theo nước mà vươn lên đến bốn năm thước; bây giờ lúa nằm rạp xuống đất, chồng chất cao ngùn ngụt. Cái sàn nhà của chú Tư cũng hạ xuống. Cuộc sống trở lại bình thường” [16a; 44]. Một đoạn văn khác trong Ngày mưa đầu mùa chứng tỏ khả năng vừa kể vừa tả của nhà văn vô cùng tài hoa và hóm hỉnh “Khung cảnh buồn bã làm sao! Dường như chỉ có mình tôi đứng đội trời, đạp đất. Hồi lâu, máy bay rền lên phía đồn Thứ Ba. Sau rặng tre, chỉ thị của xóm nhà sát đồn, mây đen giăng ngùn ngụt, thiếu lửa, thiếu khói vì mưa rơi lác đác. Vì ngán nỗi cô đơn tôi cắm đầu chạy nhanh về phía ven biển./ Việc tản cư trở thành bài thơ êm ái, nhẹ nhàng như ca dao” [16a; 53]. Rất nhiều tác phẩm của Sơn Nam kết hợp giữa trần thuật và miêu tả như vậy. Đôi lúc sự miêu tả và so sánh vượt ra ngoài câu chữ vì sức gợi mở và khả năng khơi sâu của nó. Cách biểu hiện này được lặp đi lặp lại trong các tác phẩm chứng tỏ cảm hứng mạnh mẽ và sâu sắc của nhà văn vùng đất mới đối với quê hương.

Sự kết hợp kể và tả trong tác phẩm Sơn Nam là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện phong cách nghệ thuật nhà văn. Lối kể và tả của ông luôn tạo sự uyển chuyển và linh hoạt cho mỗi câu chuyện của mình. Tuy nhiên, qua khảo sát các tác phẩm văn chương của ông, chúng tôi nhận thấy khác với một số nhà văn khác, Sơn Nam chú ý đến phương tiện kể nhiều hơn tả. Ông luôn luôn tìm tòi, khai thác mạch truyện nhiều hơn là chú ý đến cách thức miêu tả. Miêu tả chỉ là điểm xuyết cho những tình huống truyện mà ông đặt ra để câu chuyện sinh động và hấp dẫn hơn. Có lẽ, theo ông đây là cách để ông bộc lộ trực tiếp cái nhìn đối với cuộc sống, gửi gắm tâm tư tình cảm của mình đến với người đọc mà không cần thông qua bất cứ khâu trung gian nào. Đọc văn Sơn Nam khó tìm được những kết cấu rắc rối, phức tạp, những tình huống éo le, uẩn khúc. Kết cấu truyện giản dị như câu chuyện muôn mặt đời thường. Không có những xung đột gay cấn hoặc mâu thuẫn gay gắt, hoặc những tình huống chồng chéo vì những hiện thực khác biệt trong lịch sử mà chỉ là cuộc sống như nó vốn có. Điều này cũng chính là điểm riêng biệt của Sơn Nam cũng là điểm tạo nên phong cách của nhà văn đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Với các điểm nhìn trần


thuật cùng với sự kết hợp linh hoạt đó đã tạo chiều sâu cho bối cảnh, cho nhân vật vừa góp phần hình thành giọng điệu nghệ thuật của Sơn Nam.

4.2. Giọng điệu nghệ thuật trong sáng tác Sơn Nam

Trong sáng tạo nghệ thuật, giọng điệu có một tầm quan trọng đối với người nghệ sĩ. Khái niệm giọng điệu được nhắc đến trong mỹ học phương Đông qua các khái niệm gần gũi như “hơi văn”, “khí văn”… Giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật có ý nghĩa nhất trong thi pháp cũng như trong phong cách nhà văn. Hiện nay các nhà nghiên cứu lý luận đề cập đến giọng điệu như là một yếu tố quyết định để người nghệ sĩ sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình. Nó thể hiện cái nhìn, bày tỏ các sắc thái tình cảm, lập trường, thái độ của người nghệ sĩ đối với cuộc sống. Nó không chỉ là vấn đề thuộc phong cách nghệ thuật mà là còn là yếu tố quan trọng tạo thành tư tưởng nội dung tác phẩm. Giọng điệu là cái “hồn” chi phối toàn bộ tác phẩm và đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt nét bút của nhà văn này so với nhà văn khác, để tạo nên phong cách nhà văn. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử quan niệm: Giọng điệu là biểu hiện của thái độ, cảm xúc của chủ thể đối với đời sống, còn giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo của kể chuyện. Lê Bá Hán định nghĩa “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng… Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẫm mĩ của tác giả có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn … Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm” [60; 134-135]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cũng nói về giọng điệu văn chương là “Giọng điệu trong văn xuôi thường mang tính khách quan lạnh lùng, còn giọng điệu thơ ca thấm đẫm tính chủ quan” [42; 41]. Như vậy, giọng điệu là một trong những yếu tố nghệ thuật rất quan trọng đối với phong cách nghệ thuật nhà văn. Giọng điệu văn chương vừa cho phép người đọc nhận ra vẻ riêng của người nghệ sĩ, vừa có ý nghĩa như một tiêu chí xác định tài năng. Người nghệ sĩ có tài năng phải tạo ra được một giọng điệu đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật của mình. Nghiên cứu phong cách nghệ thuật nhà văn không thể không nghiên cứu và nhận diện giọng điệu nghệ thuật của nhà văn ấy. Khi nhận ra chính xác giọng điệu chủ đạo của nhà văn mới góp phần nhận diện phong cách nghệ thuật của họ.

Mỗi nhà văn có một giọng điệu chủ đạo làm nên bản sắc riêng. Trong nền văn học Việt Nam, có giọng điệu cay đắng trước những nỗi thống khổ con người của Nam Cao, có giọng điệu trào lộng, đả kích cay độc trước hiện thực xã hội của Vũ Trọng Phụng, có giọng điệu thanh nhã, tinh tế của Nguyễn Tuân... thì ở Sơn Nam, giọng


điệu làm nên bản sắc riêng của “nhà văn miệt vườn Nam Bộ” mà có nhà nghiên cứu cho là giọng điệu “rề rà, chậm rãi cùng với các giọng khác trong truyện ngắn Sơn Nam hòa quyện vào nhau, thống nhất với nhau, định hình nên phong cách của ông” [21; 94 - 95]. Đọc Sơn Nam dù là truyện ngắn, tiểu thuyết hay ký, chúng ta đều nhận thấy tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, mỗi giọng điệu phù hợp với một câu chuyện, lúc thì trang nghiêm, lúc thì chua xót, khi thì giận dữ, khi thì căm giận, nhưng cũng có lúc thể hiện sự hài hước, bộc lộ sự thông minh, hóm hỉnh… Dù ở giọng điệu nào, Sơn Nam cũng thể hiện sự mộc mạc, dân dã, thân tình, đằm thắm và gần gũi ẩn chứa những triết lý, những bài học nhân sinh của cuộc đời nhưng thấm đẫm chất hài hước dí dỏm bộc lộ thái độ, tư tưởng, tình cảm của nhà văn trước hiện tượng cuộc sống. Tuy nhiên qua nghiên cứu các sáng tác của Sơn Nam, chúng tôi nhận thấy giọng điệu chủ âm của nhà văn là Giọng điệu dân dã, mộc mạc và giọng điệu trữ tình, sâu lắng bên cạnh đó còn bổ sung những giọng điệu hài hước, chiêm nghiệm triết lý tạo nên sự đa thanh trong giọng điệu văn chương của Sơn Nam.

4.2.1. Giọng điệu dân dã, mộc mạc

Vào những thập niên 50 – 60 - 70, ở văn đàn miền Nam rộ lên những cây bút với giọng văn mượt mà, tinh tế như Vò Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Chu Tử, Hồ Hữu Tường, Phan Nhật Nam, Thế Uyên, đặc biệt là các nhà văn nữ Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca…, khác với họ, Sơn Nam chọn cho mình một lối viết rất đặc trưng Nam Bộ, nhà văn đã đã đi sâu vào thực tế, cuộc sống đời tư, số phận con người lao động miền sông nước. Những điều ông viết trong tác phẩm giản dị, hiện thực và đẫm chất đời thường. Người đọc Sài Gòn bấy giờ yêu mến vì cái lạ, cái hồn hậu một vùng quê mà họ chỉ mới hình dung trong tưởng tượng, còn người dân miền Tây Nam Bộ yêu mến vì những câu chuyện của ông thật gần gũi như chính cuộc đời họ. Miêu tả và phản ánh thiên nhiên và sinh hoạt con người Nam Bộ bằng những lời kể bình dị, tự nhiên... vì vậy mà giọng điệu văn chương giản dị, mộc mạc của Sơn Nam được độc giả tiếp nhận thật nhiệt tình.

Sơn Nam thường sử dụng giọng điệu mộc mạc và trữ tình để kể chuyện. Trong truyện ngắn Đồng thanh tương ứng, Sơn Nam mô tả những người dân Tà Lốc bị lừa phải đi kéo chiếc thuyền bị hỏng của quan Tây về chợ Cần Thơ, họ vừa giận dữ vừa bực bội “Nhứt là chuyến đi bộ trở về. Họ ca hát lai rai. Ai đủ sức thì cứ đi cho nhanh, về nhà cho vợ con mừng. Ai yếu đuối thì ngủ bờ ngủ bụi” [15a; 111]. Bằng giọng chân tình, người đọc nhận ra cuộc sống của những người đi mở đất vô cùng vất vả. Giọng văn của tác giả như dàn trải ra những gì vốn có cuộc sống, nó vừa gần gũi, vừa

Xem tất cả 296 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí