Đối Với Hoạt Động Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại


Cấu tạo của thẻ ngân hàng

Các loại thẻ thường có đặc điểm chung là: được làm bằng Plastic, có kích thước theo tiêu chuẩn quốc tế là 5,5 cm x 8,5 cm. Thẻ thường dày từ 2-2,5 mm. Trên thẻ có in các thông số nhận dạng như: nhãn hiệu thương mại của thẻ, tên và logo của nhà phát hành thẻ, số thẻ, tên chủ thẻ và ngày hiệu lực(ngày cuối cùng có hiệu lực)… và một số đặc tính khác tuỳ theo quy định của các Tổ chức thẻ quốc tế hoặc Hiệp hội phát hành thẻ… Mặt trước của thẻ:

+ Biểu tượng: Mỗi loại thẻ có một biểu tượng riêng, mang tính đặc trưng của tổ chức phát hành thẻ. Đây được xem như một đặc tính mang tính an ninh nhằm chống giả mạo.

+ Số thẻ: Số này dành riêng cho mỗi chủ thẻ, được dập nổi trên thẻ và được in lại trên hoá đơn khi chủ thẻ thanh toán bằng thẻ. Tuỳ theo từng loại thẻ mà chữ số khác nhau và cách cấu trúc theo nhóm cũng khác nhau.

+ Thời gian có hiệu lực của thẻ: Là thời hạn mà thẻ được phép lưu hành.Tùy theo từng loại thẻ mà có thể ghi ngày hiệu lực cuối cùng của thẻ hoặc ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng được sử dụng thẻ.

+ Họ và tên chủ thẻ: In chữ nổi, là tên của cá nhân nếu là thẻ cá nhân, tên của người được uỷ quyền sử dụng nếu là thẻ công ty. Ngoài ra, có thẻ còn có cả ảnh của chủ thẻ.

+ Ký tự an ninh trên thẻ, số mật mã của đợt phát hành: Mỗi loại thẻ luôn có ký hiệu an ninh kèm theo in phía sau của ngày hiệu lực.

+ Dải băng từ có khả năng lưu trữ các thông tin như: số thẻ, ngày hiệu lực,tên chủ thẻ, ngân hàng phát hành...

+ Dải băng chữ ký: trên dải băng này phải có chữ ký của chủ thẻ để cơ sở chấp nhận thẻ có thể đối chiếu chữ ký khi thực hiện thanh toán thẻ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

Để có được các sản phẩm đa dạng như hiện nay, lĩnh vực thẻ ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Tuy nhiên, xét về mặt thời gian, kinh doanh thẻ là một ngành kinh doanh tương đối mới mẻ, ra đời và bắt đầu phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20 cho tới nay.

Thẻ ngân hàng được hình thành tại Mỹ từ thói quen cho khách hàng mua chịu của các chủ tiệm bán lẻ trên cơ sở uy tín của khách đối với cửa hàng. Thông thường

Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á - 3


các chủ tiệm theo dõi khách hàng một cách riêng rẽ, ghi rõ các khoản mà mỗi khách hàng sẽ phải thanh toán và chấp nhận cho khách hàng trả tiền sau vì họ tin tưởng vào khả năng thanh toán của người mua. Tuy nhiên vốn của các cửa hàng thường không đủ lớn, dần dần các chủ tiệm nhận thấy mình không có đủ khả năng cho khách hàng nợ và trả tiền sau liên tục như vậy. Chính yếu tố này đã góp phần giúp các tổ chức tài chính hình thành ý tưởng về sản phẩm thẻ. Với năng lực về tài chính, khả năng quay vòng vốn và kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng, các tổ chức ngân hàng tài chính có đủ khả năng cung cấp cho khách hàng những khoản vay miễn lãi trong một thời gian nhất định. Vào những năm 1914, tổ chức chuyển tiền Western Union của Mỹ lần đầu tiên cung cấp cho các khách hàng đặc biệt của mình dịch vụ thanh toán trả chậm. Công ty này phát hành những tấm kim loại có chứa các thông tin in nổi thực hiện hai chức năng:

+ Nhận diện và phân biệt khách hàng.

+ Cung cấp và cập nhật dữ liệu về khách hàng, bao gồm các thông tin về tài khoản và các giao dịch thực hiện.

Các tổ chức khác cũng nhận ra giá trị của loại hình dịch vụ nói trên và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó rất nhiều đơn vị như nhà ga, khách sạn cũng như các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã lựa chọn cung cấp dịch vụ trả chậm cho khách hàng của mình. Trong số đó, tập đoàn xăng dầu của Mỹ cho ra đời tấm thẻ mua xăng đầu tiên vào năm 1924 cho phép người dân sử dụng thẻ này để mua xăng dầu tại các cửa hàng trên toàn quốc.

Tiếp theo các tổ chức cung cấp hàng hóa dịch vụ, các ngân hàng nhanh chóng bước vào thị trường thẻ với mục tiêu nhanh chóng nhân rộng hình thức thanh toán này trên cơ sở mối quan hệ sẵn có giữa các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ trên cả nước với hệ thống đại lý rộng khắp của ngân hàng.Với tốc độ phát triển rất nhanh chỉ vài năm sau đó hơn 100 ngân hàng trên nước Mỹ cùng thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán trả chậm, tiền thân của thẻ tín dụng sau này.

Như vậy, thẻ ngân hàng ra đời từ nhu cầu thanh toán và phát triển dựa trên nền tảng công nghệ cũng như chiến lược thay thế tiền mặt trong lưu thông. Thực tế cho thấy, thẻ ngân hàng là sự phát triển tất yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đồng


thời đã và đang phản ánh sự phát triển của khoa học công nghệ và văn minh xã hội. Tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của thế giới về khoa học kỹ thuật, nhất là về công nghệ thông tin, hệ thống thẻ ngày càng hoàn thiện và phát triển. Cùng với mạng lưới thành viên và khách hàng phát triển hàng ngày, các Tổ chức thẻ quốc tế đã xây dựng hệ thống xử lý giao dịch và trao đổi thông tin toàn cầu về phát hành, thanh toán, cấp phép, tra soát, khiếu kiện và quản lý rủi ro. Với doanh số giao dịch hàng trăm tỷ USD mỗi năm, thẻ ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt cùng tiền mặt và séc trong hệ thống thanh toán toàn cầu. Đây là thành công đáng kể đối với một ngành kinh doanh mới chỉ có vài thập kỷ hình thành và phát triển

Ở Việt Nam, Năm 1990 hợp đồng làm đại lý chi trả thẻ Visa giữa ngân hàng Pháp BFCE và ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã mở đầu cho sự du nhập của thẻ thanh toán vào Việt Nam. Sự liên kết này chủ yếu là nhằm phục vụ cho lượng khách du lịch quốc tế đang đến Việt Nam ngày càng nhiều. Sau ngân hàng Ngoại Thương, Sài Gòn Thương Tín cũng liên kết với trung tâm thanh toán thẻ Visa để làm đại lý thanh toán. Có lẽ chính sách mở cửa thông thoáng đã đem lại cho Việt Nam một bộ mặt kinh tế - xã hội nhiều triển vọng. Các dự án đầu tư nước ngoài tăng từ số lượng đến quy mô, các định chế tài chính lớn đã chú ý đến Việt Nam và đi theo những tập đoàn này là các dịch vụ song hành trong đó thẻ thanh toán là không thể thiếu được.

Năm 1995 cùng với ngân hàng Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Á Châu, ngân hàng Liên doanh First-Vina-Bank và ngân hàng TMCP Eximbank được Thống đốc NHNN Việt Nam cho phép chính thức gia nhập tổ chức thẻ quốc tế Mastercard.

Năm 1996 ngân hàng Ngoại thương chính thức là thành viên của tổ chức Visa International. Tiếp sau đó là ngân hàng Á Châu, ngân hàng Công thương Việt Nam cũng lần lượt là thành viên chính thức của tổ chức Visa Card, trong đó ngân hàng Ngoại thương và Á Châu thực hiện thanh toán trực tiếp với tổ chức này. Cũng trong năm này ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát hành thí điểm thẻ ngân hàng đầu tiên, đồng thời Hội các ngân hàng thanh toán thẻ Việt Nam cũng được thành lập với bốn thành viên sáng lập gồm Vietcombank, Ngân hàng TMCP Á Châu, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) và First Vinabank. Hành lang pháp lý


cho hoạt động thẻ lúc ấy chỉ là quyết định số 74 do Thống đốc NHNN ký ban hành ngày 10/4/1994, qui định “thể lệ tạm thời về phát hành và sử dụng thẻ thanh toán”. Việc ứng dụng thẻ ở Việt Nam vào thời điểm đó còn bị giới hạn rất nhiều về cơ sở pháp lý, điều kiện kinh tế, hạ tầng kỹ thuật… Trên cơ sở thỏa thuận của NHNN, ngân hàng thương mại thí điểm phát hành thẻ tự xây dựng qui chế, hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, tức tính pháp lý chỉ dừng ở mức điều chỉnh “nội bộ” giữa ngân hàng phát hành và chủ thẻ.

Thị trường thẻ năm 2006, 2007 trở lên sôi động vì Việt Nam đã bước vào sân chơi rộng là WTO, thị trường tài chính Việt Nam càng cạnh tranh quyết liệt hơn khi có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư vào đây và dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ ATM là một loại “vũ khí” đắc lực để ngân hàng thâm nhập thị trường. Hàng loạt sản phẩm thẻ thanh toán ra đời, mở ra một cuộc “so tài” phát hành thẻ giữa các ngân hàng trong nước. Đầu tiên là ngân hàng TMCP Kỹ thương VN - SeABank, ngân hàng này đã tung ra hàng loạt thẻ thanh toán, nổi trội là thẻ Fastaccess. Tiếp theo đó, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank đã kết hợp cùng tổ chức Visa ra mắt thẻ thanh toán Quốc tế Sacom Visa Debit. Đây là phương tiện thanh toán năng động nhắm vào giới doanh nhân: chủ tài khoản có thể dùng thẻ để thanh toán trong và ngoài nước.

1.1.2. Phân loại thẻ ngân hàng

1.1.2.1. Phân loại theo công nghệ sản suất

Có 3 loại:

- Thẻ khắc chữ nổi: Là loại thẻ mà trên bề mặt thẻ được khắc nổi các thông tin cần thiết. Ngày nay, người ta không còn sử dụng loại thẻ này nữa vì kỹ thuật của nó quá thô sơ, dễ bị lợi dụng, làm giả, mà kết hợp với những kỹ thuật mới như băng từ hoặc chíp thông minh.

- Thẻ băng từ: Là loại thẻ được sản xuất dựa trên kỹ thuật những thông tin của thẻ và chủ thẻ được mã hóa trên băng từ ở mặt sau của thẻ. Thẻ này được sử dụng phổ biến trong vòng 20 năm trở lại đây nhưng có thể bị lợi dụng để lấy cắp tiền do có một số nhược điểm như: thông tin ghi trong thẻ hẹp và mang tính cố định nên không thể áp dụng kỹ thuật mã hoá an toàn, có thể đọc được dễ dàng bằng thiết bị gắn với máy vi tính.


- Thẻ thông minh: Đây là thế hệ mới nhất của thẻ, dựa trên kỹ thuật vi xử lý tin học, một “chíp” điện tử có cấu trúc hoạt động như một máy tính được gắn vào thẻ khiến cho thẻ có tính an toàn và bảo mật rất cao. Tuy vậy, do là một công nghệ mới và có nhiều ưu điểm nên giá thành cao, hệ thống máy móc chấp nhận loại thẻ này cũng đắt nên sử dụng còn chưa phổ biến như thẻ từ. Việc phát hành và chấp nhận thanh toán loại thẻ này mới chỉ phổ biến ở các nước phát triển dù các tổ chức thẻ quốc tế vẫn đang khuyến khích các ngân hàng thành viên đầu tư để phát hành và chấp nhận loại thẻ này nhằm làm giảm tỷ lệ rủi ro do giả mạo thẻ.Thẻ thông minh giúp chúng ta thực hiện việc kiểm tra và xác nhận chặt chẽ mà không phải dùng thêm các công cụ khác như mật khẩu.

1.1.2.2. Theo chủ thể phát hành

Gồm 2 loại:

- Thẻ do ngân hàng phát hành: Đây là loại thẻ thông dụng hiện nay. Loại thẻ này giúp cho Khách hàng sử dụng linh động giữa thẻ và số dư tài khoản của mình tại ngân hàng

- Thẻ do các tổ chức phi ngân hàng phát hành: ví dụ như thẻ du lịch, thẻ mua xăng dầu…

1.1.2.3. Theo phạm vi lãnh thổ

Gồm 2 loại:

- Thẻ nội địa: Là thẻ được giới hạn sử dụng trong phạm vi một quốc gia do vậy đồng tiền giao dịch phải là đồng bản tệ của nước đó. Hoạt động của loại thẻ này rất đơn giản, chỉ do một ngân hàng hoặc một tổ chức điều hành từ việc phát hành, xử lý trung gian cho đến thanh toán. Thẻ có nhược điểm là việc sử dụng chỉ giới hạn trong phạm `vi một quốc gia vì vậy việc kinh doanh sẽ không có hiệu quả nếu số cơ sở chấp nhận thẻ ít.

- Thẻ quốc tế: Thẻ sử dụng các loại ngoại tệ mạnh để thanh toán, được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Thẻ được hỗ trợ quản lý trên toàn thế giới bởi các tổ chức tài chính lớn như MASTERCARD, VISA… hoạt động thống nhất, đồng bộ. Thẻ quốc tế rất được ưa chuộng vì tính tiện lợi của nó.


1.1.2.4. Theo mục đích và đối tượng sử dụng

Thẻ kinh doanh: Là loại thẻ phát hành cho nhân viên của một công ty sử dụng, nhằm giúp công ty quản lý chặt chẽ việc chi tiêu của các nhân viên vì mục đích chung của công ty trong kinh doanh

1.1.2.5. Theo hạn mức tín dụng

Hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà các ngân hàng cho cá nhân hay các tổ chức vay. Các tổ chức tài chính như ngân hàng hay các công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng dựa trên uy tín và khả năng đảm bảo chi trả của từng khách hàng. Khả năng đảm bảo chi trả được xác định dựa trên tổng hợp nhiều thông tin khác nhau như: thu nhập, tình hình chi tiêu, địa vị xã hội…Do đó, mỗi khách hàng có những hạn mức tín dụng khác nhau. Là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép người sử dụng khả năng chi tiêu trước, trả tiền sau. Thẻ tín dụng được dùng để thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ hoặc rút tiền từ máy ATM, gồm 2 loại:

- Thẻ thường: Là một loại thẻ tín dụng nhưng mang tính phổ thông, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

- Thẻ vàng: Là loại thẻ hạng ưu phù hợp với mức sống và nhu cầu tài chính của khách hàng có thu nhập cao. Thẻ được phát hành cho các đối tượng có uy tín, có khả năng tài chính lành mạnh, nhu cầu chi tiêu lớn. Điểm khác biệt của thẻ vàng so với thẻ thường là hạn mức tín dụng lớn.

Ngược lại với thẻ tín dụng là thẻ ghi nợ - cho phép khách hàng tiếp cận với số dư trong tài khoản của mình thông qua hệ thống kết nối trực tuyến để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ hoặc thực hiện các giao dịch liên quan tới tài khoản tại các máy ATM. Thẻ ghi nợ không có quan hệ vay mượn giữa ngân hàng và chủ thẻ, không có việc phân loại khách hàng để hưởng hạn mức tín dụng.

1.1.3. Các tiện ích sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng

1.1.3.1. Đối với chủ thẻ

Là người được ngân hàng phát hành cho phép sử dụng thẻ, có hợp đồng ký kết đầy đủ. Chủ thẻ là người duy nhất được quyền sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thẻ hoặc rút tiền mặt tại ngân hàng đại lý hoặc máy ATM.


Chủ thẻ có thể rút tiền mặt một cách nhanh chóng ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào tại ngân hàng hoặc qua các máy rút tiền tự động (ATM) và sử dụng một số dịch vụ khác do máy ATM cung cấp như: trả nợ vay, chuyển khoản, xem số dư tài khoản…

Tránh được các rủi ro khi dùng tiền mặt như: tiền giả, mất cắp khi giữ tiền mặt… Sử dụng thẻ giúp cho chủ thẻ có thể linh hoạt trong thanh toán trong và ngoài

nước, tiết kiệm thời gian và chi phí đổi tiền mỗi lần ra nước ngoài. So với các phương tiện thanh toán khác như séc, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi… tài khoản thẻ chỉ bị trích nợ khi khách hàng phát sinh chi tiêu thực sự. Việc kiểm soát thanh toán qua thẻ cũng thuận tiện và rõ ràng thông qua sao kê hàng tháng ngân hàng gửi.

Sử dụng thẻ trong thanh toán được khuyến khích mọi nơi trên thế giới. Chủ thẻ là người trực tiếp hưởng lợi ích từ dịch vụ này thông qua các chương trình khuyến mãi như giảm giá, tặng thẻ mua hàng, luật bảo vệ người tiêu dùng… khi mua hàng hóa qua thẻ.

Chi phí chủ thẻ phải trả khi sử dụng dịch vụ thẻ bao gồm: Phí thường niên, lãi phải trả (nếu có), phí rút tiền mặt. Tổng các khoản phí này không đáng kể so với lợi ích của thẻ đem lại cho chủ thẻ.

1.1.3.2. Đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

Lợi ích lớn nhất mà thẻ đem lại cho ngân hàng phát hành và thanh toán thẻ là lợi nhuận. Thu nhập từ thẻ mà ngân hàng có được là: phí cơ sở chấp nhận thẻ, phí sử dụng thẻ (phí thường niên) và lãi suất cho khoản tín dụng mà chủ thẻ chậm thanh toán. Đó là chưa kể các khoản thu từ các dịch vụ ngân hàng và đầu tư kèm theo.Một yếu tố nữa có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng từ thẻ đó là lòng trung thành của khách hàng. Một khi khách hàng đã có tài khoản hoặc thẻ tại ngân hàng thì hiếm khi họ lại muốn chuyển sang một tổ chức đối thủ khác. Số lượng lớn khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng đồng nghĩa với việc ngân hàng được sử dụng số dư tài khoản vãng lãi với chi phí rất thấp, tăng lượng vốn và góp phần gia tăng lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của NH.

Trước kia, các dịch vụ ngân hàng chủ yếu được giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Sau khi thẻ ATM ra đời, các hoạt động ngân hàng truyền thống được chuyển hoá dần thành chức năng của thẻ. Khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ sẽ giúp ngân hàng giảm bớt một số giao dịch như kiểm đếm, cất trữ tiền mặt. Từ đó ngân hàng sẽ tập trung vào các dịch vụ khác được tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thanh toán khác.


Khi ngân hàng trở thành thành viên của tổ chức thẻ quốc tế, quyền lợi của chủ thẻ do các ngân hàng phát hành là ngang nhau, giúp ngân hàng giảm thiểu các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thẻ.

Từ những lợi ích to lớn mà dịch vụ thẻ mang lại, các ngân hàng đã và đang ý thức được tầm quan trọng của nó, để từ đó có những chính sách kinh doanh phù hợp, đầu tư công nghệ, nhân lực, vốn cho sản phẩm này.

1.1.3.3. Đối với đơn vị chấp nhận thẻ

Đơn vị chấp nhận thẻ là các đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Đơn vị chấp nhận thẻ phải ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với ngân hàng thanh toán và phải có tài khoản tại đó. Nếu đủ điều kiện, đơn vị chấp nhận thẻ sẽ được cung cấp các máy móc, thiết bị, hoá đơn phục vụ thanh toán thẻ.

Với thẻ thanh toán, đơn vị chấp nhận thẻ có thể yên tâm là đã được ghi có vào tài khoản ngay khi thông tin được truyền qua hệ thống máy móc điện tử đến ngân hàng thanh toán. Góp phần giảm thiếu rủi ro, tăng doanh số bán hàng và khả năng quay vòng vốn nhanh hơn.

Ngày nay, mức sống của người dân tăng lên theo thu nhập, nhu cầu mua sắm lớn, tổng giá trị thanh toán cho mỗi lần giao dịch cũng tăng. Việc thanh toán bằng tiền không còn phù hợp gây lãng phí thời gian chờ đợi cho thanh toán mua hàng. Vì vây các đơn vị chấp nhận thẻ đang ngày càng thu hút được khách hàng, tăng doanh thu.

Việc thanh toán bằng thẻ diễn ra rất nhanh chóng và đơn giản. Khách hàng không phải chờ đợi lâu, các đơn vị chấp nhận thẻ không phải bảo quản tiền mặt, không phải ghi chép sổ sách vì đã có sao kê tại Ngân hàng.

Được hưởng các chương trình chăm sóc khách hàng của ngân hàng, từ đó tăng cường mối quan hệ mật thiết với khách hàng.

1.1.3.4. Đối với sự phát triển kinh tế- xã hội

Cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng và những ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, tự động hóa…, có rất nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi đã, đang được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Phương tiện thanh toán tiền mặt là không thể thiếu, song ngày nay, thanh toán bằng tiền mặt không còn là phương tiện thanh toán tối ưu trong các giao dịch thương mại, dịch vụ nữa.

Xem tất cả 143 trang.

Ngày đăng: 12/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí