Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên - 3


S/T phát huy tiềm năng đối mặt thách thức và chiến lược W/T xác định hạn chế vượt qua trở ngại.

5.8. Phương pháp bản đồ

Đề tài dựa trên Bản đồ du lịch tỉnh Phú Yên do Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Phú Yên cung cấp, sử dụng phần mềm CorelDraw X5 để biên tập và phát triển thành một số bản đồ chuyên dụng phục vụ nghiên cứu Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên. Bao gồm:

- Bản đồ hành chính Phú Yên;

- Bản đồ tài nguyên du lịch khác biệt Phú Yên;

- Bản đồ sản phẩm du lịch đặc thù Phú Yên.

6. Lịch sử nghiên cứu

Khi bàn về năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch trên thị trường thế giới, Tổ chức du lịch thế giới, 2015 khẳng định: “Cạnh tranh là khác biệt và chất lượng, trong đó khác biệt là quyết định”. Tính hấp dẫn của một sản phẩm du lịch cùng loại có thể xem xét từ nhiều góc độ, tuy nhiên trong mọi trường hợp, tính khác biệt có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quyết định lựa chọn sản phẩm của du khách, cho dù sản phẩm có giá cao hơn. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tuy không phải là yếu tố duy nhất quyết định năng lực cạnh tranh, hấp dẫn của một điểm nào đó, song là yếu tố quyết định bởi đó là sự khác biệt. Vì thế, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là một nội dung chiến lược quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (Bộ chính trị, 2017). Với qui mô của một địa phương, Phú Yên xác định để có thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, không có con đường nào khác là tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù (Tỉnh ủy, 2015). Rõ ràng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mối quan tâm đặc biệt ở các địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

6.1. Trên thế giới

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Việc nghiên cứu cơ sở lí luận, thực tiễn kết hợp điều tra, khảo sát thực địa để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở các địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế là vấn đề tương đối mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa du lịch như hiện nay. Thực tế cho thấy, sau những thành công và hạn chế trong các trường hợp


Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên - 3

khai thác, sử dụng sản phẩm du lịch trên thế giới, việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với văn hóa cộng đồng địa phương và theo hướng bền vững rất được quan tâm. Đa số nhiều quốc gia chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho từng thị trường riêng biệt với chiến lược marketing cụ thể. Họ tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với các yếu tố hiện đại, trải nghiệm, chuyên đề và chuyên biệt, hướng đến mục tiêu “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch và “cá biệt hóa” điểm đến.

Từ đó, một số quốc gia tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các yếu tố về thị trường, trải nghiệm, cảm xúc, cá biệt và sự bền vững (Trung Quốc); thực hiện công nghệ hóa du lịch với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại và cơ sở vật chất kĩ thuật tiên tiến (Italia); trải nghiệm cuộc sống của các thổ dân (Canada); trải nghiệm thiên nhiên hoang dã (Australia); du lịch văn hóa - di sản và sinh thái (Hoa Kì) hay du lịch khám phá văn hóa thời Phục hưng (Trung Âu)… là những kinh nghiệm quí giá cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Vì vậy, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên theo hướng bền vững có yếu tố trải nghiệm, chuyên đề hoàn toàn phù hợp với thời kì mới.

Đề tài “Handbook on Tourism Product Development” (Vietnam National Administration of Tourism - Spanish Agency of International World Tourism Organization - European Travel Commission, 2011) phác thảo yếu tố cần thiết trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện phát triển sản phẩm du lịch: phối hợp, tham vấn, liên kết, hợp tác... bằng các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu những trường hợp thành công khắp nơi trên thế giới; đưa ra điểm chuẩn thực tiễn tốt nhất mà một số điểm đến có thể đánh giá hệ thống và phương pháp phát triển sản phẩm riêng mình. Nghiên cứu cũng bàn về thị trường du lịch quốc tế và tài nguyên du lịch Việt Nam, từ đó có những chiến lược và kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu du khách trong và ngoài nước, đặc biệt nhấn mạnh việc phục vụ du khách Âu Châu với những tiêu chuẩn gắt gao về mặt chất lượng để tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp cho điểm đến. Do vậy, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên nhất thiết phải chú trọng yếu tố liên kết, hợp tác vùng nhằm phát triển du lịch bền vững và cần hướng đến từng thị trường du khách cụ thể cho mỗi sản phẩm du lịch đặc thù.


Theo đó, việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tổ chức du lịch quốc tế và các quốc gia trên thế giới ngày càng được chú trọng, mục đích tạo ra các sản phẩm du lịch của điểm đến chất lượng và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đây, một số nghiên cứu tập trung phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa số thị trường.

Đề tài “Vietnam Tourism Marketing Plan: 2008 - 2015” (Cooperation for Development, 2007) đã có nhận định sâu sắc về thực trạng du lịch của Việt Nam, dùng SWOT phân tích nguồn lực du lịch của Việt Nam, từ đó đưa ra các kế hoạch hành động về sản phẩm, giá cả, nhân lực, xúc tiến, quảng bá, thị trường… mục tiêu tạo sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Đề tài làm rõ một số vấn đề khác nhau trong phát triển sản phẩm du lịch ở từng cấp độ: quốc tế, quốc gia, vùng/khu vực, địa phương/cộng đồng và điểm. Nghiên cứu cho thấy những thế mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam trong xu thế hội nhập, phát triển; chỉ ra sự khác biệt trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch ở từng cấp độ và đòi hỏi riêng biệt cho mỗi cấp độ.

Với qui mô một địa phương, Phú Yên hoàn toàn có thể nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù có tính quốc gia/quốc tế, tùy thuộc vào tài nguyên du lịch khác biệt mà địa phương sở hữu được và dịch vụ du lịch đặc biệt có thể khai thác tối ưu giá trị khác biệt của tài nguyên du lịch đó; điều quan trọng là xác định rõ từng thị trường du khách cho mỗi sản phẩm du lịch đặc thù và cần phân khúc thị trường du khách trọng điểm và tiềm năng để có chiến lược, kế hoạch phát triển trước mắt cũng như lâu dài.

Đề tài “Vietnam Tourism Marketing Strategy & Action: 2013 - 2020” (Environmentally and Socially Responsible Tourism Capacity Programme, 2012) trên cơ sở phân tích tổng thể thực trạng du lịch Việt Nam, từ đó đề ra các kế hoạch phát triển cụ thể cho du lịch Việt Nam qua từng giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020. Nghiên cứu chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch đạt yêu cầu mới trong thời kì hội nhập, đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo nghề du lịch sao cho đội ngũ lao động chuẩn hóa về kiến thức, kĩ năng và thái độ nghề nghiệp. Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù sẽ có những yêu cầu đặc biệt đối với nguồn nhân lực du lịch hoạt động tại các điểm tài nguyên du lịch khác biệt.


Đội ngũ này sẽ là chuyên gia của điểm đến, giới thiệu và phát huy được các giá trị của điểm đến nói chung và sản phẩm du lịch đặc thù nói riêng.

Phú Yên có thể phát huy “chất Nẫu” của người bản địa như một nguồn lực đặc biệt tạo nên yếu tố đặc thù của sản phẩm du lịch ở địa phương. Tính văn hóa bản địa đặc trưng này cần được phát huy khi khai thác, sử dụng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với yếu tố trải nghiệm, chuyên đề về nét văn hóa cộng đồng địa phương trong tổ chức các hoạt động du lịch. Đồng thời, đội ngũ này cũng phải được đào tạo, bồi dưỡng các kĩ năng lao động cần thiết để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu du khách.

Đa số đề tài nghiên cứu sản phẩm du lịch đặc thù trên thế giới hiện nay đã cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trong bối cảnh toàn cầu hóa du lịch hướng đến sự liên kết, hợp tác phát triển bền vững và chú trọng những yếu tố khác biệt, cá biệt, cảm xúc, trải nghiệm và chuyên đề với mục tiêu “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch và “cá biệt hóa” điểm đến.

6.2. Ở Việt Nam

Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ngày càng trở nên cấp thiết. Có thể nói, điểm đến nào không đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trong thời đại toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch diễn biến mạnh mẽ như hiện nay thì điểm đến đó sẽ mất đi khả năng cạnh tranh và sẽ bị chìm vào quên lãng. Vì vậy, hàng loạt nghiên cứu ra đời đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thời kì mới.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế” (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, 2008) đã nhận diện 3 nhóm sản phẩm du lịch mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao: du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa trong mối tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, quốc tế. Nghiên cứu đề xuất qui trình và các nguyên tắc xây dựng sản phẩm du lịch cạnh tranh và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trong giai đoạn 2015 - 2020. Với 3 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực cùng qui trình và nguyên tắc xây dựng, chúng ta hoàn toàn có thể hình thành và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi điểm đến.

Trong giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh Phú Yên có thể xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng đồng thời phát triển các tour du lịch trải nghiệm, chuyên đề tham quan, nghỉ dưỡng biển,


khám phá tự nhiên, văn hóa vùng miền, du lịch tâm linh, làng nghề, ẩm thực... Sự đa dạng và phong phú về sản phẩm du lịch đặc thù địa phương sẽ góp phần tạo ra khả năng cạnh tranh cao trước các đối thủ trong khu vực, quốc tế.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo vùng du lịch Bắc Bộ” (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, 2010) xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo phù hợp với đặc trưng của điểm du lịch vùng du lịch Bắc Bộ, lựa chọn thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) là một điểm đến có tài nguyên du lịch biển đảo nổi trội và các vấn đề phát triển mang tính điển hình làm mô hình ví dụ ứng dụng cho đề xuất lí luận và thực tiễn. Phú Yên là điểm đến có tài nguyên du lịch biển đảo khác biệt trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, từ đây có thể hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo đặc thù địa phương.

Đề tài “Cơ sở khoa học để phát triển sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm vùng núi phía Bắc” (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, 2011) đã xác định cơ sở khoa học cho việc phát triển du lịch thể thao mạo hiểm và phát triển các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm đầu tiên ở Việt Nam. Thiên nhiên Phú Yên hùng vĩ, ngoạn mục chứa đựng tiềm năng du lịch thể thao mạo hiểm gắn với các tài nguyên du lịch tự nhiên khác biệt, có thể hình thành và phát triển sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm đặc thù địa phương.

Đề tài “Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên” (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch - Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2015) đã khảo sát làm rõ tiềm năng và giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên, từ đó phân tích và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ở Tây Nguyên. Theo nghiên cứu ban đầu, Phú Yên có một số tài nguyên du lịch văn hóa khác biệt, là cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Nếu như Tây Nguyên có không gian văn hóa cồng chiêng đặc sắc thì Phú Yên có không gian văn hóa đá đặc trưng, cơ sở phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với không gian văn hóa đá. Đề tài “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025,

định hướng đến năm 2030” (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, 2016) đã xác định 4 nhóm sản phẩm du lịch chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn mới đó là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch đô thị cùng với việc tập trung


phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và cơ sở vật chất kĩ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống sản phẩm du lịch mới. Để bắt kịp chiến lược phát triển du lịch đất nước giai đoạn tới, ngoài việc tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đảo và du lịch văn hóa, Phú Yên cần xác định lộ trình mới chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch đô thị; tất cả sản phẩm du lịch đều hướng đến tính đặc thù trong xây dựng và phát triển.

Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ” (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) lần lượt thực hiện vào các năm 2016 và 2018 cho thấy vai trò quan trọng của sản phẩm du lịch đặc thù đối với sự phát triển du lịch ở các địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Đề án vẽ ra bức tranh toàn cảnh về hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng. Trên cơ sở đó, Phú Yên sẽ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc thù địa phương và mang dấu ấn đặc trưng của vùng.

Đề tài “Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh An Giang” (Sở Khoa học Công nghệ An Giang - Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2018) nghiên cứu thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng gắn kết cộng đồng và định hướng khai thác kết hợp các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc và tài nguyên tự nhiên; triển khai ứng dụng thử nghiệm các sản phẩm đặc thù để đánh giá hiệu quả khai thác và kiểm tra giá trị bộ sản phẩm du lịch mới; từ đó đề xuất các giải pháp phát triển, đổi mới các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh của tỉnh An Giang trong tổng thể du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ưu điểm nổi bật của đề tài là thử nghiệm các sản phẩm du lịch đặc thù để đánh giá khách quan và hiệu quả sản phẩm mới. Từ kinh nghiệm và thực tiễn phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc thù An Giang, Phú Yên sẽ có thêm nhiều bài học vô giá trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Các sản phẩm du lịch này nếu được ứng dụng thử nghiệm vào thực tế sẽ nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù Phú Yên.

6.3. Tại Phú Yên

Việc nghiên cứu phát triển du lịch đang ở giai đoạn đầu, do vậy phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt phát triển sản phẩm du lịch đặc thù còn khá mới mẻ.


Đề tài “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích - danh thắng ở tỉnh Phú Yên phục vụ hoạt động phát triển du lịch” (Nguyễn Định, 2015) nhận định đúng đắn vai trò của di tích - danh thắng trong phát triển du lịch và đưa ra biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích - danh thắng phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch ở địa phương. Hệ thống di tích - danh thắng Phú Yên chứa đựng rất nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên - văn hóa khác biệt là tiềm năng to lớn phát triển sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị khác biệt của tài nguyên du lịch thì cần phát triển, nâng cấp dịch vụ du lịch đặc biệt để hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên.

Đề tài “Cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch biển khu vực Vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận” (Phạm Văn Bảy, 2015) bước đầu đã đưa ra cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc phát triển các sản phẩm du lịch biển. Vịnh Xuân Đài ở Phú Yên đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt xây dựng thành Khu du lịch quốc gia. Từ đó, sản phẩm du lịch biển khu vực Vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận sẽ vượt ra khỏi ranh giới một địa phương để có mặt trên bản đồ du lịch quốc gia 10 năm sau nữa. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2020 - 2030 hoàn toàn phù hợp thời cuộc và cục diện du lịch địa phương.

Đề tài “Đề xuất giải pháp, dự án bảo tồn và phát triển du lịch tại khu vực núi Chóp Chài” (Hồ Văn Tiến, 2018) cho thấy vai trò, vị trí của sản phẩm du lịch trong phát triển du lịch địa phương. Núi Chóp Chài ở Phú Yên gắn với nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên - văn hóa khác biệt, tiềm năng không nhỏ cho phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - tâm linh đặc thù địa phương; có thể xem như định hướng cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên.

Những đề tài nghiên cứu về sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù đã cho thấy vai trò quan trọng của chúng đối với điểm đến. Làm thế nào để phong phú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một bài toán khó. Thêm nữa, việc tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp nhu cầu thị trường trong, ngoài nước là vấn đề nan giải hơn. Trong xu thế cạnh tranh vô cùng gay gắt trên thị trường du lịch thế giới, sản phẩm du lịch đặc thù là món ăn độc đáo làm nên thương hiệu du lịch của một điểm đến. Do đó, yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở điểm đến trở nên cấp thiết.


Những đề tài nghiên cứu trên đã đưa ra định hướng và giải pháp để phát triển du lịch Việt Nam, khẳng định du lịch nước ta sẽ tụt hậu nếu không có các sản phẩm du lịch đặc thù. Tùy vào tiềm năng du lịch và đặc điểm tài nguyên du lịch mà nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cần đảm bảo các tiêu chí độc đáo, nổi trội và hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến.

7. Đóng góp chủ yếu của đề tài

- Kế thừa, bổ sung và làm sáng tỏ cơ sở lí luận, thực tiễn về sản phẩm du lịch và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đồng thời vận dụng nghiên cứu vấn đề này vào tỉnh Phú Yên.

- Làm rõ các nội dung có liên quan đến sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Phú Yên, xác định được các tiêu chí và thực hiện đánh giá sản phẩm du lịch đặc thù ở địa phương.

- Đánh giá điều kiện và thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên; xác định định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hiện nay.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp một số cơ sở khoa học quan trọng cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách và xác định các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên.

- Hình thành, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên; trong đó lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển các tour du lịch trải nghiệm, chuyên đề khám phá tự nhiên, văn hóa vùng miền...

8. Cấu trúc đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình của tác giả, tài liệu tham khảo và phụ lục; nội dung của đề tài bao gồm:

Chương 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn về sản phẩm du lịch và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Chương 2. Điều kiện phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên Chương 3. Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Yên Chương 4. Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh

Phú Yên

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 16/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí