số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động thì sẽ có trùng lắp với một số biện pháp của quản trị nhân lực trong doanh nghiệp. Sự thay đổi số lượng nhân lực có được thông qua tuyển dụng. Sự thay đổi về cơ cấu lao động đòi hỏi sự thay đổi trong bố trí nhân lực.
Tóm lại, có thể hiểu phát triển nguồn nhân lựctheo nghĩa chung nhất, đó là tổng thể các chính sách, biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao năng lực của con người về mọi mặt: thể lực, trí lực và nhân lực, đồng thời phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả nhất nhân lực của nguồn lao động để phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển.
Các phương diện thể hiện phát triển NNL bao gồm: phát triển về số lượng và chất lượng: Về số lượng được thể hiện ở quy mô dân số, cơ cấu về giới và độ tuổi. Về chất lượng là sự phát triển thể hiện ở cả ba phương diện: thể lực, trí lực và nhân cách. Phát triển thể lực là sự gia tăng chiều cao, trọng lượ ng cơ thể, tuổi thọ, sức mạnh, sự dẻo dai cơ bắp và thần kinh. Phát triển trí lực là phát triển năng lực trí tuệ của con người để nhằm đáp ứng yêu cầu của của công việc đặt ra. Phát triển nhân cách là phát triển những phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống lành mạnh tính tích cực hoạt động, tinh thần trách nhiệm công dân. Ba phương diện trên có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời trong quá trình phát triển NNL.
1.1.3. Nội dung cơ bản của phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực bao gồm các nội dung:
- Phát triển về số lượng: Nội dung cơ bản đầu tiên của phát triển nguồn nhân lực, đó là phát triển về số lượng, hay nói cách khác là thúc đẩy sự gia tăng về số lượng con người trong nguồn nhân lực, hiểu theo nghĩa rộng là phát triển số dân của dân số ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, hiểu theo nghĩa hẹp là phát triển về số người lao động của lực lượng lao động trong mỗi nền kinh tế.
Sự phát triển nguồn nhân lực về số lượng hợp lý là tạo ra số lượng dân số và người lao động theo nhu cầu của phát triển các ngành kinh tế ở mỗi giai đoạn phát triển, ngược lại sự phát triển quá nhiều hoặc quá ít, tạo ra sự thiếu hụt hay dư thừa so với nhu cầu của nền kinh tế quốc dân đều là sự phát triển bất hợp lý về số lượng và gây nên những khó khăn, trở ngại trong sử dụng nguồn nhân lực.
- Phát triển mặt chất lượng: Phát triển nguồn nhân lực về chất lượng là làm tăng lên về mặt chất lượng của nguồn nhân lực, bao gồm: thể lực, trí tuệ, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Phát triển nguồn nhân lực về chất lượng là tạo ra và làm tăng lên những năng lực mới trong từng người dân và từng người lao động, bao gồm nhiều nội dung cụ thể như:
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Ninh Bình - 2
- Một Số Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Về Du Lịch Ninh Bình, Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch Ninh Bình
- Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Ninh Bình - 4
- Khái Niệm Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch
- Nhu Cầu Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch
- Một Số Bài Học Rút Ra Cho Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ngành Du Lịch Tỉnh Ninh Bình.
Xem toàn bộ 147 trang tài liệu này.
+ Chăm sóc sức khỏe, thể lực cho dân số và người lao động để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng làm việc tốt nhất, làm việc với năng suất và chất lượng cao;
+ Giáo dục văn hóa, đạo đức và nhân cách, tư duy kinh tế - xã hội và cách hành xử trong quan hệ xã hội;
+ Đào tạo, tập huấn cho người lao động các kiến thức về khoa học, công nghệ mới; các kỹ năng lao động và ý thức chấp hành luật pháp về lao động, lề lối làm việc, nếp nghĩ và hướng phát triển bản thân người lao động…
- Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực: Sử dụng nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, bởi vì phát triển nguồn nhân lực là để nhằm mục đích sử dụng tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn nhân lực. Chính vì vậy phương thức sử dụng nguồn nhân lực chính là định hướng cho việc phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Những nội dung cụ thể của sử dụng nguồn nhân lực bao gồm:
+ Xác định nhu cầu sử dụng nhân lực về số lượng và chất lượng cho các ngành nghề kinh tế của một quốc gia, một vùng lãnh thổ trong dài hạn,
trung hạn và ngắn hạn: việc xác định nhu cầu sử dụng nhân lực sẽ là cơ sở để xây dựng quy hoạch và triển khai các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng theo nhu cầu của nền kinh tế.
+ Phân bổ hợp lý nguồn nhân lực vào các ngành nghề kinh tế. Sự hợp lý trong phân bổ lao động được thể hiện qua sự phát huy tối đa năng lực cá nhân của từng người lao động tham gia vào từng ngành nghề kinh tế trong hiện tại và trong tương lai, điều này còn phản ánh việc sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện cụ thể của chất lượng nguồn nhân lực.
+ Tạo điều kiện thuận lợi và động lực phù hợp để người lao động phát huy hết mọi năng lực, sở trường và ý chí cá nhân trong công việc nhằm đưa tới kết quả làm việc cao nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho xã hội và bản thân người lao động.
1.2. Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch
1.2.1. Khái niệm ngành du lịch và nguồn nhân lực ngành du lịch
1.2.1.1. Khái niệm ngành du lịch
* Khái niệm về du lịch
Thuật ngữ du lịch được sử dụng trong ngôn ngữ của nhiều nước đều bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được Latinh hóa thành tornus và sau đó thành tourisme (tiếng Pháp), tourism (tiếng Anh)… Trong tiếng Việt, thuật ngữ tourism được dịch thông qua tiếng Hán. Du có nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là từng trải.
Tuy nhiên do nhận thức khác nhau, góc độ nghiên cứu khác nhau mà các học giả nghiên cứu về du lịch có quan niệm khác nhau về du lịch.
Năm 1941, hai học giả Thụy Sĩ là W.Hunziker và Karff đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch là tổng hợp những và các hiện tượng và các mối quan hệ nảy sinh từ việc di chuyển và dừng lại của con người tại nơi không phải là nơi cư
trú thường xuyên của họ; hơn nữa, họ không ở lại đó vĩnh viễn và không có bất kỳ hoạt động nào để có thu nhập tại nơi đến” [43, tr.6].
Guer Freuler cho rằng: “Du lịch là một hiện tượng thời đại của chúng ta dựa trên sự tăng trưởng của nhu cầu khôi phục sức khỏe và sự thay đổi của môi trường xung quanh, dựa vào sự phát sinh, phát triển tình cảm đối với vẻ đẹp của thiên nhiên”.
Nhà kinh tế học Kalfiotis thì lại quan niệm rằng: “Du lịch là sự di chuyển tạm thời của cá nhân hay tập thể từ nơi này đến nơi khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, đạo đức, do đó tạo nên các hoạt động kinh tế”.
Không chỉ các nhà kinh tế, các chuyên gia nghiên cứu về du lịch thuộc các lĩnh vực khác như địa lý cũng thấy yếu tố kinh tế là không thể thiếu được trong khái niệm du lịch. Nhà địa lý học Michaud cho rằng: “Du lịch là tập hợp những hoạt động sản xuất và tiêu thụ phục vụ cho việc đi lại và ngủ lại ít nhất một đêm ngoài nơi ở thường ngày với lý do giải trí, kinh doanh, sức khỏe, hội họp, thể thao hoặc tôn giáo” [33, tr.11].
Nhưng trong quá trình hoạt động du lịch, ngoài việc tiếp cận với môi trường thì cần phải có sự tiếp cận với cộng đồng để đảm bảo cho sự phát triển được lâu dài. Do đó, M.Coltman cho rằng: “Du lịch là tổng thể những hiện tượng và những mối quan hệ phát sinh từ sự tác động qua lại lẫn nhau giữa khách du lịch, nhà kinh doanh du lịch, chính quyền sở tại và cộng đồng cư dân địa phương trong quá trình thu hút và lưu giữ khách du lịch”.
Quan điểm của Robert W.Mc.Intosh, Charles R.Goeldner, J.R Brent Ritcie, cũng cho rằng: “Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ nảy sinh từ tác động qua lại giữa khách du lịch, nhà cung ứng, chính quyền và cộng đồng chủ nhà trong quá trình thu hút và đón tiếp khách du lịch” [33, tr.12].
Như vậy, với cách tiếp cận tổng hợp thì các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch bao gồm: khách du lịch, các doanh nghiệp cung cấp hàng
hóa, dịch vụ cho khách du lịch, chính quyền sở tại và cộng đồng dân cư địa phương.
Năm 1963, với mục đích quốc tế hóa du lịch, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về du lịch ở Roma, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa về du lịch như sau: “Du lịch được hiểu là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến không phải là nơi làm việc của họ” [33, tr.13].
Qua các quan niệm về du lịch như trên cho thấy sự biến đổi trong nhận thức về nội dung của thuật ngữ du lịch. Bên cạnh các ý kiến cho du lịch là một hiện tượng xã hội, có các kiến giải du lịch như là hoạt động kinh tế. Nhiều học giả lại cố gắng gắn kết hai nội dung trên vào định nghĩa của thuật ngữ này, tức là tất cả các mối quan hệ (xã hội và kinh tế) phát sinh từ hoạt động di chuyển.
Ở Việt Nam, du lịch là một lĩnh vực khá mới mẻ nhưng cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu ở nhiều góc độ khác nhau.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, du lịch được hiểu trên hai khía cạnh:
Thứ nhất, du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức, tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích: nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa nghệ thuật. Theo nghĩa này, du lịch được xem xét ở góc độ cầu, góc độ người du lịch.
Thứ hai, du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước, đối với người nước ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình; về mặt kinh tế du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn; có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng
hóa và dịch vụ tại chỗ. Theo nghĩa này, du lịch được xem xét ở góc độ một ngành kinh tế.
Luật Du lịch Việt Nam được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Khóa XI năm 2005 đã nêu: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Như vậy, du lịch có thể được hiểu là: sự di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao tại chỗ nhận thức về thế giới xung quanh, có hoặc không kèm theo việc tiêu thụ một số giá trị tự nhiên, kinh tế, văn hóa và dịch vụ do các cơ sở chuyên nghiệp cung ứng.
Du lịch cũng là một lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú với mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận thức tại chỗ về thế giới xung quanh.
* Khái niệm về ngành du lịch
Ngày nay ngành du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến. Hội đồng Lữ hành và Du lịch quốc tế (World Travel and Tourism Council - WTTC) đã công nhận du lịch là một ngành kinh tế lớn nhất thế giới. Đối với một số quốc gia, du lịch là một trong những ngành kinh tế hàng đầu. Mặc dù hoạt động du lịch đã được hình thành từ rất lâu và phát triển với tốc độ khá nhanh, song cho đến nay khái niệm du lịch được hiểu rất khác nhau tại các quốc gia. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Bemeker - một chuyên gia hàng đầu về du lịch thế giới đã nhận định: “Đối với du lịch, có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa”.
Người khai phá ngành DL cận đại là Thommas Cook xuất phát từ góc độ của nhà kinh doanh DL, đã nêu ra ngành DL tức là: Để du khách thu được hứng thú tình cảm xã hội lớn nhất, tổ chức sự nghiệp để người ta đưa hết trách nhiệm lớn nhất” [26, tr.151-152].
Người Nhật Bản cho rằng ngành DL là “công nghiệp tin tức” có thể phản ảnh tình thế chính trị, nếp sống xã hội và sự giao du giữa người với người trong DL, coi trọng tiếp đãi nhiệt tình, nên gọi nghành DL là ngành “tiếp đãi hữu hảo nhiệt tình” [26, tr.152] .
Các cách nói trên chỉ là sự giải thích đơn giản, dễ hiểu đối với một số đặc điểm và tác dụng của ngành DL chứ chưa vạch rõ đặc trưng bản chất của ngành DL.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ nhanh chóng của ngành DL thế giới, việc nghiên cứu của mọi người đối với ngành DL cũng không ngừng đi sâu, rất nhiều quan điểm đều có tính gợi ý mở.
Nhà DL học người Mỹ Đường Nạp Đức – Lan Đức Bá Cách trong quyển Ngành DL cho rằng: “DL là ngành nghề có hàng loạt mối liên quan lẫn nhau để phục vụ du khách trong và ngoài nước. DL liên quan tới du khách, hình thức lữ hành, cung cấp ăn ở thiết bị và các sự vật khác, nó cấu thành một khái niệm tổng hợp không ngừng biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh, một khái niệm đang hoàn thành và đang thống nhất” [26, tr.152].
Lợi Khắc Kha Luân Thiết – một học giả người Anh cho rằng DL là “công nghiệp giao thông”, ông cho rằng “công nghiệp giao thông có thể được coi là một bộ phận của kinh tế quốc dân, nhiệm vụ của nó là phục vụ cho du khách rời khỏi nơi thường trú đi thăm viếng nơi khác. Đó là nền kinh tế tổng hợp do nhiều ngành thương nghiệp và công nghiệp tổ hợp thành, chức năng của nó là nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách” [26, tr.152].
Học giả Mexico trong Ngành DL là môi giới giao lưu của loài người luận bàn rằng: “Ngành DL có thể được xem là tổng các mối quan hệ được hình thành nên nhằm cung cấp dịch vụ và các tiện lợi khác cho du khách” [26, tr.153].
Các định nghĩa trên đều có hai điểm tương đồng: một là, cho rằng ngành DL là một sản nghiệp kinh tế có tính tổng hợp, do hàng loạt ngành liên quan cùng tổ hợp thành; hai là, cho rằng nhiệm vụ của ngành DL là cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho du khách.
Tóm lại, ngành du lịch là ngành có tính tổng hợp lấy du khách làm đối tượng, cung cấp sản phẩm cần thiết và dịch vụ cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của họ.
Ngành du lịch là một ngành kinh tế đặc thù vì: con người vừa là yếu tố đầu vào vừa là sản phẩm đầu ra của hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch có ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến chất lượng dịch vụ, từ đó đến chất lượng sản phẩm du lịch. Vì vậy, sản phẩm của ngành du lịch chủ yếu là sản phẩm về mặt tinh thần; du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất thế giới, có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng; du lịch là một ngành kinh tế rất nhạy cảm và có tính xã hội hoá cao, đó là đặc thù cần được nhấn mạnh trước khi khởi thảo một chính sách, một chiến lược phát triển hay quyết định thực hiện một dự án về du lịch; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về du lịch, cùng với việc xây dựng phương án ổn định lâu dài tổ chức quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương tương xứng với vị thế ngành kinh tế mũi nhọn.
1.2.1.2. Khái niệm nguồn nhân lực ngành du lịch và đặc điểm của nguồn nhân lực ngành du lịch
* Nguồn nhân lực ngành du lịch