Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Ninh Bình - 2


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Một trong những nhân tố mang tính quyết định sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng là nhân tố con người. Trong văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN”. [15] Để thực hiện định hướng trên, chiến lược đề ra một trong năm quan điểm phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”, đồng thời xác định một trong ba khâu đột phá quan trọng là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”. [15]

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành liên vùng và xã hội hoá cao. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng tài nguyên du lịch, chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển ngành du lịch của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị của đất nước, mức độ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế. Ngoài ra, với đặc thù của hoạt động du lịch là khách du lịch muốn thụ hưởng các sản phẩm và dịch vụ du lịch thì phải thực hiện chuyến đi đến những điểm cung cấp dịch vụ; quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các dịch vụ du lịch diễn ra đồng thời, thông qua đội ngũ lao động phục vụ trực tiếp, nên chất lượng của nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến chất lượng của sản phẩm và dịch vụ du lịch. Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của ngành, có tác động quyết định trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của


các doanh nghiệp và sự phát triển ngành du lịch địa phương. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài quyết định tương lai phát triển của ngành du lịch cả nước cũng như các địa phương.

Ninh Bình là vùng đất được hình thành từ rất lâu đời, nằm ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội không xa, có một tiềm năng phát triển du lịch to lớn. Có thể nói, không có một địa phương nào trong cả nước với diện tích không rộng, người không đông nhưng lại tập trung nhiều nguồn tài nguyên du lịch có giá trị như Ninh Bình. Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2008 đến nay, du lịch Ninh Bình đã phát huy được những tiềm năng, phát triển mạnh mẽ. Du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh

tế của Ninh Bình và đang từng bước trở thành một trong những trung tâm lớn về du lịch của cả nước; có cơ sở hạ tầng phát triển, với nhiều loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo thu hút ngày càng đông khách đến thăm quan và nghỉ lại dài ngày ở Ninh Bình. Trong sự phát triển chung của ngành du lịch Ninh Bình thì đội ngũ nhân lực của du lịch Ninh Bình đã có sự phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, ngành du lịch Ninh Bình cũng còn có khá nhiều bất cập như hạ tầng du lịch yếu kém, hạn chế khả năng tiếp cận của khách du lịch đến các khu/điểm du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng của dịch vụ chưa cao, giá cả chưa tương xứng với chất lượng; tài nguyên du lịch bị khai thác một cách lãng phí, môi trường du lịch nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng; du lịch phát triển thiên về chiều rộng theo hướng khai thác cạn kiệt tài nguyên và nguồn nhân lực giá rẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân gây tác động mạnh nhất chính là chất lượng của nguồn nhân lực ngành du lịch Ninh Bình chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thể hiện ở chỗ nguồn nhân lực ngành du lịch vừa yếu vừa thiếu ở những khâu then chốt,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 147 trang tài liệu này.


chưa đáp ứng yêu cầu công việc; tỷ lệ lao động được đào tạo còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số lao động ngành du lịch, trong số lao động được đào tạo thì số lao động được đào tạo đúng chuyên môn du lịch còn thấp, lao động sử dụng thành thạo ngoại ngữ còn ít; kỹ năng làm việc và tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động chưa cao; số lượng và nhất là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành du lịch Ninh Bình là xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực, nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành du lịch Ninh Bình trong điều kiện phát triển và hội nhập trong thời gian tới.

Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Ninh Bình - 2

Việc nghiên cứu để xác định rõ vấn đề nguồn nhân lực (từ khái niệm và nội hàm cũng như các nguyên tắc, giải pháp) để cho các cơ quan, người dân có các quy chuẩn để thực hiện, cho các nhà quản lý đề ra các chính sách phù hợp, nhằm kêu gọi đầu tư, khuyến khích được sự tham gia của cả cộng đồng xã hội vào phát triển du lịch bền vững. Có thể khẳng định, sự phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng sẽ là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với ngành du lịch nói riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu lý luận và phân tích thực trạng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh để có những giải pháp nhằm tạo ra một sự chuyển biến về chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Do vậy, vấn đề cần được nghiên cứu đó là: Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch ở tỉnh Ninh Bình được thực hiện như thế nào? với các câu hỏi chi tiết sau:

- Phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nào?

- Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch ở tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008-2012 diễn ra như thế nào (về đào tạo và sử dụng)? Những thành tựu đạt được và hạn chế còn tồn tại? Nguyên nhân của nó?


- Những vấn đề cấp thiết cần giải quyết để phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch?

- Chính phủ, tỉnh, các cơ quan, đoàn thể, người dân cần phải làm gì để phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch tỉnh Ninh Bình thời gian tới?

Để trả lời cho những câu hỏi và vấn đề nêu trên, tôi đã chọn đề tài “Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Ninh Bình” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ của mình.

2. Tình hình nghiên cứu

Phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch nói riêng luôn là đề tài nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

2.1. Ở nước ngoài

Các nghiên cứu về nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực cho ngành du lịch nói riêng đã xuất hiện từ lâu. Một số nghiên cứu khác cũng được các dịch giả dịch sang tiếng Việt làm tài liệu giảng dạy, tham khảo tại một số cơ sở đào tạo du lịch. Tiêu biểu như:

- “Quản lý khách sạn” (Nguyên tác: Managing Hotels Effectively – Eddystone C. Nebel III. Van Nostrand Reinhold - Newyork), NXB Trẻ, TP HCM, 1997, dành toàn bộ chương 7 nói về nhân sự khách sạn, trong đó các vấn đề được giới thiệu là: phác hoạ công việc, tuyển chọn nhân viên, huấn luyện và phát triển, đánh giá quá trình công tác.

- “Quản lý khách sạn hiện đại” (Chủ biên: Lục Bội Minh, NXB Thượng Hải, 1996), Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch và NXB Chính trị Quốc gia dịch và xuất bản năm 1997. Toàn bộ chương XV (từ trang 1012 đến trang 1042) nói về công tác bồi dưỡng, đào tạo và sát hạch. Những vấn đề chính gồm bồi dưỡng, đào tạo vào nghề; bồi dưỡng kỹ năng phục vụ; bồi


dưỡng, đào tạo ngoại ngữ; bồi dưỡng, đào tạo người quản lý; quy định về việc khách sạn đài thọ kinh phí bồi dưỡng, đào tạo.

- “Kinh tế du lịch và du lịch học”, Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi Đình, NXB Trẻ, TP HCM, 2000. Quan điểm của các tác giả là các ngành, lĩnh vực cần có nhân tài để phát triển, do đó đã đề cập đến vấn đề bồi dưỡng nhân tài du lịch. Các nội dung bồi dưỡng nhân tài du lịch gồm: nâng cao tố chất tư tưởng chính trị; nâng cao kiến thưc văn hoá, nghiệp vụ; bồi dưỡng năng lực công tác. Các tác giả cũng xác định 2 con đường chính để bồi dưỡng nhân tài du lịch là giáo dục chuyên nghiệp và huấn luyện.

2.2. Ở trong nước

2.2.1 Một số công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực

PTS Trần Văn Tùng, Lê Ái Lâm (Viện kinh tế thế giới) (1996), Phát triển nguồn nhân lực kinh nghiệm thế giới và thực tiễn nước ta, Nxb. CTQG, Hà Nội. Cuốn sách đã giới thiệu khái quát về vai trò của NNL trong nền kinh tế đổi mới và kinh nghiệm phát triển NNL ở khía cạnh phát triển giáo dục ở một số nước trên thế giới. Vận dụng tốt những kinh nghiệm quý báu đó vào việc phát triển NNL ở nước ta sẽ góp phần tạo ra NNLCLC, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước KX-07, đề tài KX- 07- 18, PGS.TS Nguyễn Trọng Bảo chủ biên (1996), Gia đình, nhà trường, xã hội với việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ người tài, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. Cuốn sách giúp chúng ta tìm hiểu vấn đề “bồi dưỡng nhân tài” mà Đảng ta ghi trong cương lĩnh, Nhà nước ta ghi trong Hiến pháp. Đặc biệt, các tác giả đã tập trung làm rõ vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử


dụng và đãi ngộ người tài, trên cơ sở đó, đã đưa ra một số giải pháp để phát triển nguồn lực này.

GS.PTS Phạm Tất Dong (chủ nhiệm đề tài Khoa học xã hội - 0309) (1999), CNH, HĐH và tầng lớp trí thức: Những định hướng chính sách. Đề tài đã làm rõ những vấn đề đặt ra của đội ngũ trí thức Việt Nam với tư cách là một nguồn lực quan trọng, cơ bản của NNL; vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; thực trạng đội ngũ trí thức và chính sách của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Trên cơ sở đó, có chính sách chiến lược phát triển đối với đội ngũ trí thức Việt Nam để họ xứng đáng với vai trò là lực lượng trụ cột, bộ phận tinh túy nhất của NNL.

TS. Đỗ Minh Cương, PGS.TS Nguyễn Thị Doan (2001), Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội. Cuốn sách đã đề cập đến một số nội dung về giáo dục đại học, đồng thời đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm phát triển NNL giáo dục đại học, bộ phận nhân lực có trình độ cao trong NNL nước ta, để phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH.

TS. Nguyễn Hữu Dũng (2003), Sử dụng hiệu quả nguồn lực con người ở Việt Nam, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội. Cuốn sách đã trình bày hệ thống một số vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến phát triển, phân bố và sử dụng nguồn lực con người trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; đánh giá thực trạng 15 năm đổi mới lĩnh vực NNL; giới thiệu kinh nghiệm của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc về vấn đề này; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển, phân bố hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người trong quá trình phát triển kinh tế ở nước ta tới năm 2010.

Phạm Thành Nghị, Vũ Hoàng Ngân (chủ biên) (2004), Quản lý nguồn nhân lực ở Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Cuốn sách là tập hợp các bài nghiên cứu, bài viết, bài tham luận


tại Hội thảo của Đề tài KX.05.11 thuộc Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước KX.05 (giai đoạn 2001 - 2005), với các vấn đề lý luận, kinh nghiệm và những khuyến nghị chính yếu trong quản lý NNL Việt Nam. Công trình có ý nghĩa quan trọng để Nhà nước ta quản lý hiệu quả NNL Việt Nam, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS. Đoàn Văn Khái (2005), Nguồn lực con người trong quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội. Tác giả đã làm rõ một số vấn đề chung về CNH, HĐH như: Khái lược quá trình công nghiệp hóa trên thế giới; nội dung, bản chất, tính tất yếu và đặc điểm của CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay; đồng thời làm rõ vai trò của nguồn lực con người đó là yếu tố quyết định sự nghiệp CNH, HĐH; thực trạng nguồn lực con người ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu CNH, HĐH. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra những phương hướng, quan điểm chỉ đạo và những giải pháp cơ bản: nhóm giải pháp về khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn lực con người; nhóm giải pháp về phát triển nguồn lực con người; nhóm giải pháp xây dựng môi trường xã hội thuận lợi nhằm khai thác và phát triển hiệu quả nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở Việt Nam.

Phạm Thành Nghị (Chủ biên) (2006), Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước , Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Các tác giả đã trình bày: Hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản, những nhận thức mới và hiện đại về quản lý NNL như vấn đề vốn con người và phát triển vốn con người; các mô hình quản lý NNL; các yếu tố tác động đến quản lý NNL và các chính sách vĩ mô tác độ ng đến quản lý NNL; Các tác giả trình bày những kinh nghiệm quản lý NNL của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Thụy Điển, kinh nghiệm của các nước Đông Á và các nước có nền kinh tế chuyển đổi; Những tư liệu thu thập được từ các cơ


quan quản lý cũng như số liệu điều tra thực tiễn phong phú, có hệ thống và có độ tin cậy cao là những tư liệu có giá trị đánh giá hiện trạng và phát triển những vấn đề trong quản lý NNL ở nước ta. Đặc biệt, các tác giả đã phân tích những khác biệt trong quản lý NNL ở một số lĩnh vực: hành chính nhà nước, sự nghiệp và sản xuất kinh doanh qua kết quả điều tra xã hội học. Đây là những số liệu khá lý thú, phản ánh những khác biệt về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và phát triển NNL trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế; Các tác giả đã kiến nghị áp dụng những mô hình quản lý NNL phù hợp thay thế cho các mô hình đã lạc hậu. Đồng thời cuốn sách cũng đề xuất hệ thống những quan điểm và giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý NNL trong ba khu vực: hành chính nhà nước, sự nghiệp và sản xuất kinh doanh. Các đề xuất này khá toàn diện, đồng bộ, có cơ sở khoa học và có tính khả thi.

Bộ Kế hoạch và đầu tư (tháng 7 năm 2011), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Báo cáo là một công trình khoa học quý báu của các nhà khoa học, đã tập trung làm rõ các nội dung quan trọng sau: Hiện trạng phát triển NNL Việt Nam với những thành tựu cơ bản, những hạn chế chủ yếu và nguyên nhân của nó; Phương hướng phát triển NNL Việt Nam đến năm 2020 và những vấn đề đặt ra; Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

2.2.2. Một số công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch

Nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố con người trong phát triển ở ngành du lịch, từ sớm cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học bàn về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Các công trình nghiên cứu quan trọng, như:

Xem tất cả 147 trang.

Ngày đăng: 11/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí