MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động trong phát triển kinh tế. Với diện tích rộng lớn, điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển, dịch vụ phong phú, đa dạng, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Mặc dù nguồn tài nguyên du lịch không phong phú bằng Hà Nội nhưng ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực để phát triển sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Sự sôi động trong các hoạt động sống của cư dân thành phố Hồ Chí Minh về đêm là nét đặc sắc thu hút khách du lịch cả quốc tế và nội địa. Tuy nhiên, việc khai thác nét đặc sắc này của thành phố để biến thành các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp phục vụ khách du lịch còn chưa được quan tâm đúng mức. Theo các hãng lữ hành, có đến 80% du khách nước ngoài đến thành phố Hồ Chí Minh muốn tham quan “Sai Gon by night” (Sài Gòn về đêm) nhưng phần lớn không biết đi đâu. Còn người Sài Gòn buổi tối muốn tìm nơi giải trí, vui chơi cũng quanh quẩn chỉ có bar, karaoke, quán nhậu, cà phê “hộp” ngột ngạt. Chính sự nghèo nàn của các sản phẩm du lịch đêm làm cho hoạt động du lịch đêm của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung kém phát triển hơn hoạt động du lịch đêm tại các thành phố khác trong khu vực.
Với những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài “Phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh” là một việc làm cấp thiết, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với du lịch thành phố Hồ Chí Minh.
2. Lịch sử nghiên cứu
Có rất nhiều sách, báo, tài liệu viết về hoạt động du lịch đêm ở các thành phố khác nhau ở Việt Nam và trên thế giới. Có thể kể tên như:
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh - 1
- Xác Định Thị Trường Khách Du Lịch Đêm Mục Tiêu
- Kinh Nghiệm Phát Triển Hoạt Động Du Lịch Đêm Tại Một Số Nơi Trên Thế Giới
- Các Điều Kiện Phát Triển Hoạt Động Du Lịch Đêm Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.
- Tạp chí Phuket Guide (2004), “Into the night” (trang 36 - 37). Bài viết này giới thiệu cho độc giả những hoạt động vui chơi – giải trí về đêm tại Phuket – Thái Lan.
- Đặng Thanh Vũ (2004), “Phố cổ Hội An lung linh cổ tích”, Tạp chí Du lịch TP.HCM (số 8). Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về hình ảnh một Hội An đẹp lung linh, huyền ảo trong đêm rằm phố cổ.
- Vũ Đức Thanh (2006), “Phố Tây - nửa đêm về sáng”, Tạp chí Du lịch TP.HCM (số 4). Với bài viết này, tác giả giới thiệu các hoạt động nhộn nhịp tại khu phố Tây - thành phố Hồ Chí Minh – trong thời gian từ nửa đêm về sáng.
- Phương Nguyễn (2006), “Lời thì thầm đêm phố cổ Hội An”, Tạp chí Du lịch TP.HCM, (số 7). Cũng giống như tác giả Đặng Thanh Vũ, bài viết này tác giả Phương Nguyễn giới thiệu với độc giả hoạt động du lịch đêm phố cổ qua góc nhìn của một khách du lịch.
- Phan Thanh Hải (2006), “Tĩnh lặng Mỹ Sơn”, Tạp chí Du lịch Việt Nam (số 6). Bài viết này giới thiệu hình ảnh một Mỹ Sơn mới mẻ và yên ắng lúc đêm về.
- Đoàn Đình Hậu (2006), “Sắc màu Sài Gòn đêm”, Tạp chí Du lịch TP.HCM (số 10). Hình ảnh Sài Gòn nhộn nhịp, rực rỡ, lung linh, huyền ảo được thể hiện rất rõ nét qua bài viết này.
- Trần Quốc Thái (2006), “Thư giãn, giải trí hàng đêm phục vụ du khách quốc tế”, Tạp chí Du lịch TP.HCM (số 10). Bài viết giới thiệu những hoạt động vui chơi
– giải trí vào ban đêm dành cho khách du lịch quốc tế.
- …
Ngoài ra, cũng có một số khóa luận tìm hiểu hiểu về hoạt động du lịch đêm như: Khóa luận “Xây dựng sản phẩm du lịch đêm Hà Nội dành cho khách nước ngoài trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long” của sinh viên Nguyễn Thị Ngân, lớp VH1004, Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong khóa luận này, tác giả đã giới thiệu một số sản phẩm du lịch đêm hiện có tại Hà Nội và xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch đêm mới dành cho khách du lịch quốc tế trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long
– Hà Nội.
Đó cũng là những tài liệu được tác giả tham khảo để phục vụ cho đề tài của mình.
Theo tìm hiểu của tác giả, chưa có đề tài nào nghiên cứu về hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh. Các bài viết về Sài Gòn vào đêm thì có nhưng những bài viết đó chỉ mang tính chất giải trí, cung cấp thêm thông tin cho khách du lịch và cho những người yêu Sài Gòn, đó chưa phải là những đề tài mang tính chất nghiên cứu, lý luận.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu:
Mục đích nghiên cứu của đề tài là đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
Đề tài tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Đưa ra một số vấn đề lý luận về phát triển hoạt động du lịch đêm.
- Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hoạt động du lịch đêm tại thành phố Hồ Chí Minh.
4.2. Phạm vi nghiên cứu:
- Về không gian, tác giả chỉ nghiên cứu sự phát triển của hoạt động du lịch đêm tại 3 quận (quận 1, quận 3 và quận 5) tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Về thời gian, chủ yếu từ năm 2012 đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, tác giả đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu
sau:
- Phương pháp khảo sát thực địa
Phương pháp này giúp tác giả có những trải nghiệm thực tế về hoạt động du lịch tại ba quận đề tài nghiên cứu (quận 1, quận 3 và quận 5). Tác giả thường đi khảo sát vào những buổi tối cuối tuần và vào những dịp lễ Tết như Tết Nguyên đán, Noel… Vào thời gian nghỉ hè hoặc nghỉ Tết, tác giả mới đi khảo sát được vào buổi tối các ngày trong tuần.
- Phương pháp thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin, tư liệu có liên quan đến đề tài
Tác giả sưu tầm các tài liệu, bài báo, các đề tài nghiên cứu… về hoạt động du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh trên các trang web thông tin của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, báo Du lịch và các báo có nội dung liên quan.
Số liệu sử dụng trong đề tài được tác giả thu thập qua Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (trực thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam) và qua điều tra xã hội học của tác giả.
- Phương pháp chuyên gia
Với đề tài này, tác giả có tham khảo ý kiến của ông Lã Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố Hồ Chí Minh về sự phát triển của hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố hiện nay.
- Phương pháp điều tra xã hội học
Để có những ý kiến và nhận định khách quan về đề tài, tác giả đã sử dụng phương pháp điều tra xã hội học.
Đối tượng điều tra thứ nhất là khách du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn quận 1, quận 3 và quận 5. Nội dung là điều tra xem khách du lịch thích tham gia vào loại hình du lịch đêm nào và họ có hài lòng về các dịch vụ du lịch đêm hay không. Số lượng phiếu phát ra là 300 phiếu, thu về 215 phiếu hợp lệ.
Đối tượng điều tra thứ 2 là những đơn vị cung ứng du lịch. Nội dung là điều tra xem các dịch vụ của họ có thu hút được đông khách du lịch hay không. Số lượng phiếu phát ra là 100 phiếu, thu về 68 phiếu hợp lệ.
6. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, luận văn bao gồm 3 chương sau đây: Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐÊM Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐÊM
TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐÊM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NỘI DUNG
Chương 1: MỘT SỐ VẦN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐÊM
1.1 . Hoạt động du lịch đêm
1.1.1. Khái niệm
(i) Du lịch
Du lịch là một khái niệm và có nhiều quan niệm khác nhau. Tùy theo góc nhìn mà mỗi người có những định nghĩa về du lịch khác nhau.
Theo các chuyên gia tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về du lịch họp ở Roma - Italia (21/8 – 05/9/1963) thì khái niệm du lịch được hiểu: “Du lịch là tổng thể các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ”.
Theo tổ chức du lịch thế giới (WTO) thì “Du lịch được hiểu là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ với mục đích hòa bình. Nơi họ đến không phải là nơi làm việc của họ.”
Ở Việt Nam, dù ngành du lịch chỉ mới phát triển trong khoảng gần một thế kỷ nay, nhưng cũng đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau được đưa ra. Tuy nhiên, quan trọng và phổ biến nhất là định nghĩa về du lịch được dùng làm căn cứ pháp lý trong Luật Du lịch của Việt Nam, được ban hành năm 2005. Theo đó, “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [21, tr.2].
(ii) Du lịch đêm
Từ định nghĩa về du lịch, ta có thể hiểu du lịch đêm là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng vào ban đêm.
(iii) Hoạt động du lịch
Cũng như khái niệm về du lịch, có rất nhiều quan niệm khác nhau về hoạt động du lịch. Trước đây, người ta chỉ quan niệm hoạt động du lịch là một hoạt động mang tính chất văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí và những nhu cầu hiểu biết của con người, hoạt động du lịch không được coi là hoạt động kinh tế, không mang tính chất kinh doanh và ít được đầu tư. Ngày nay, khi du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới xem là một ngành kinh tế quan trọng thì quan niệm về hoạt động du lịch được hiểu một cách đầy đủ hơn.
Luật Du lịch do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/06/2005 đưa ra khái niệm về hoạt động du lịch như sau: “Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch” [21, tr.2].
Theo đó, hoạt động du lịch được nhìn nhận ở ba khía cạnh như sau:
Thứ nhất, “hoạt động của khách du lịch” nghĩa là việc di chuyển và lưu trú tạm thời của người đi du lịch đến một nơi ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ để tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật...
Thứ hai, “tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch” là những người hoạt động tổ chức lưu trú, phục vụ ăn uống, hướng dẫn tham quan, vận chuyển đưa đón khách du lịch, kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ khác... nhằm mục đích lợi nhuận.
Thứ ba, “cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” tức là cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan tại địa phương có tài nguyên du lịch, tổ chức, điều phối, phục vụ hoạt động của “khách du lịch” và “tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch” nhằm đảm bảo cho các đối tượng này thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động du lịch theo đúng quy định của pháp luật.
(iv) Hoạt động du lịch đêm
Trước đây, các hoạt động du lịch thường được diễn ra vào ban ngày. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm đang ngày càng
trở nên hấp dẫn đối với khách du lịch. Các quan niệm về du lịch đêm cũng dần dần được hình thành.
Hoạt động du lịch đêm là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch diễn ra vào khoảng thời gian từ chiều tối kéo dài cho đến nửa đêm hoặc gần sáng tùy theo nhu cầu của khách du lịch. Đặc trưng của hình thức du lịch này là nó chỉ tập trung tại các đô thị lớn hay các điểm du lịch nổi tiếng. Ban đầu, đó chỉ là hoạt động tự phát, chủ động, mang tính tự do của du khách nhằm thoả mãn nhu cầu muốn khám phá, tìm hiểu thêm về vẻ đẹp, nét đặc trưng của văn hoá đêm tại điểm đến. Theo đó, du khách phải tự lo mọi chi phí cũng như tự chịu mọi biến cố nếu xảy ra. Dần dần, người ta thấy được lợi ích của các hoạt động kinh doanh, các dịch vụ vào ban đêm, nên các nhà cung ứng du lịch nói chung và người dân đã khéo léo khai thác, tạo ra các sản phẩm đa dạng để phục vụ mọi nhu cầu của khách du lịch, tạo điều kiện cho du lịch đêm phát triển. Du lịch đêm dần dần được chú trọng nhiều hơn. Tại một số nơi trên thế giới, du lịch đêm đã trở thành điểm nhấn du lịch.
1.1.2. Các đối tượng tham gia hoạt động du lịch đêm
(i) Khách du lịch
Theo Luật Du lịch Việt Nam ban hành năm 2005, khách du lịch (Tourist) là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến [21, tr.2].
Khách du lịch gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế.
- Khách du lịch nội địa (Domestic Tourist): là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam [21, tr.13].
- Khách du lịch quốc tế (International Tourist): là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch (Inbound tourist); công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch (Outbound tourist) [21, tr.13].
Một số khái niệm khác liên quan đến khách du lịch: