Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - 2


sống nhân dân tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên du lịch Ninh Bình vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém: Tỷ lệ khách lưu trú thấp; hoạt động du lịch chủ yếu vẫn là khai thác thiên nhiên, cơ sở hạ tầng hạn chế; công tác tuyên truyền, quảng bá và quản lý yếu kém... Những tồn tại và yếu kém trên đã và đang là những khó khăn, trở ngại và thách thức lớn của du lịch Ninh Bình.

Vì vậy, phân tích thực trạng du lịch ở Ninh Bình là quan trọng và cần thiết để tìm ra mặt tích cực và mặt yếu kém; tiềm năng và khả năng phát triển du lịch của tỉnh làm căn cứ, để đưa ra những giải pháp có tính khả thi cho sự phát triển du lịch địa phương trong giai đoạn tới. Vì thế tác giả chọn: “Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” làm đề tài luận văn thạc sỹ kinh tế của mình.

2. Tình hình nghiên cứu

Trong những năm qua kinh tế du lịch của Việt Nam nói chung và của Ninh Bình nói riêng ngày càng được chú trọng phát triển. Đã có nhiều công trình khoa học, nhiều nhà nghiên cứu về du lịch ở những góc độ và khía cạnh khác nhau, có thể nêu ra một số công trình tiêu biểu:

1. Về du lịch, kinh tế du lịch và dịch vụ du lịch nói chung có các công trình:

- Rober Thanguar (1993), Kinh tế du lịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

- Trần Nhạn (1996), Du lịch và kinh doanh du lịch, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

- Luật Du lịch, năm 2005, của nước CHXHCN Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

- Nguyễn Văn Đính (2006), Giáo trình kinh tế du lịch, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội.

2. Các công trình nghiên cứu về du lịch, phát triển du lịch ở các địa phương nước ta:

Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - 2


- “Kinh tế du lịch Thừa Thiên Huế tiềm năng và phương hướng phát triển” luận văn thạc sỹ kinh tế của Nguyễn Thị Hoá, 1997; Bảo vệ tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

- “Phát triển du lịch ở An Giang” luận văn thạc sỹ Kinh tế của Bùi Thu Hằng, 1999; Bảo vệ tại Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, ĐHQG Hà Nội.

- “Kinh tế du lịch ở Thanh Hoá - thực trạng và giải pháp phát triển” luận văn thạc sỹ Kinh tế của Nguyễn Thị Hồng Lâm, 2005; Bảo vệ tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

- “Khai thác tiềm năng du lịch Đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang” luận văn thạc sỹ Kinh tế của Huỳnh Vĩnh Lạc, 2005; Bảo vệ tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

- “Phát triển du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ở Quảng Ninh” luận văn thạc sỹ Kinh tế chính trị của Nguyễn Huy Cảnh, 2006; Bảo vệ tại Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, ĐHQG Hà Nội...

Các công trình nghiên cứu trên đã tập trung nghiên cứu về phát triển du lịch ở các địa phương cụ thể khác nhau dưới góc độ kinh tế chính trị.

3. Ở Ninh Bình cũng có nhiều công trình nghiên cứu về du lịch như:

- “Kinh tế dịch vụ và dịch vụ du lịch tỉnh Ninh Bình” luận văn thạc sỹ Kinh tế của Phạm Xuân Thu, 1995; Bảo vệ tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

- “Đất ngập nước Vân Long”(2004) của GS.TS Vũ Trung Tạng.

- “Tiềm Năng khu du lịch sinh thái Vân Long góp phần phát triển du lịch Ninh Bình”(2006) của Sở Du lịch Ninh Bình.

- “Mở rộng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để phát triển du lịch khu vực” (2006) của Võ Quế - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.

Các công trình khoa học nêu trên đã đề cập đến những vấn đề lý luận chung về du lịch và phát triển du lịch; tiềm năng du lịch của các địa phương


cùng những kinh nghiệm về phát triển du lịch ở một số địa phương nước ta. Song, hiện vẫn còn ít công trình khoa học nghiên cứu về “Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị. Vì thế nghiên cứu “Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” dưới góc độ khoa học Kinh tế chính trị vẫn là cần thiết và đó cũng là lý do tác giả chọn làm đề tài luận văn thạc sỹ kinh tế của mình. Đề tài không trùng lặp với các công trình đã công bố.

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

* Mục đích:

Nghiên cứu vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và đối với Ninh Bình nói riêng. Đánh giá đúng thực trạng của du lịch ở Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay, từ đó đề ra phương hướng và giải pháp phát triển du lịch Ninh Bình trong thời gian tới, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn của tỉnh.

* Nhiệm vụ:

- Phân tích một số lý luận về du lịch và dịch vụ du lịch, phát triển du lịch.

- Đánh giá tiềm năng và thực trạng du lịch của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua.

- Đề xuất phương hướng và giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

- Đề tài nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch dưới góc độ kinh tế chính trị, tức là tập trung nghiên cứu: Lý luận về du lịch, dịch vụ du lịch, xu thế phát triển du lịch…; Nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình trong thời gian từ 2000 đến 2010, sự phát triển du lịch ở Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Địa bàn nghiên cứu là tỉnh Ninh Bình. Cụ thể là Sở du lịch Ninh Bình, các tổ chức, các đơn vị kinh doanh du lịch và các khu du lịch ở tỉnh Ninh Bình.


Khoảng thời gian để sưu tầm thu thập số liệu, phân tích đánh giá thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình là từ 2000 - 2010. Giai đoạn 2011 - 2015 là mốc thời gian để nghiên cứu và đề xuất các phương hướng và giải pháp phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

* Cơ sở lý luận:

Sử dụng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng, Nhà nước về du lịch và phát triển du lịch. Đồng thời, kế thừa những vấn đề lý luận về du lịch để ứng dụng vào phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình.

* Phương pháp nghiên cứu:

Trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận văn sử dụng một số phương pháp cụ thể như: điều tra, thống kê, phân tích - tổng hợp, quy nạp - diễn dịch, so sánh, tổng kết thực tiễn...

6. Đóng góp của đề tài

Làm rõ hơn tiềm năng và vai trò của phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Đánh giá một cách khách quan về thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình. Đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Ninh Bình.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan, ban ngành của tỉnh nhằm phục vụ cho công tác hoạch định chính sách thúc đẩy du lịch phát triển trong những năm tới.

7. Kết cấu của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, đề tài gồm có 3 chương, 6 tiết.

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về du lịch và phát triển du lịch.

Chương 2: Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua.


Chương 3: Phương hướng và những giải pháp phát triển du lịch ở tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.‌‌


Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH


1.1. Du lịch và vai trò của nó trong phát triển kinh tế - xã hội

1.1.1. Du lịch và phát triển du lịch

1.1.1.1. Du lịch và dịch vụ du lịch

* Về du lịch:

- Quan niệm về du lịch.

Du lịch là một ngành kinh tế không có khói. Ngày nay, trên phạm vi thế giới du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá xã hội của các nước, và ngày càng trở thành một trong những hoạt động phổ biến của con người. Đối với mỗi quốc gia đặc biệt là với các nước phát triển, du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế quốc dân.

Do phạm vi và góc độ nghiên cứu đa dạng và phong phú, nên trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khái niệm du lịch được đề cập dưới nhiều góc độ và phạm vi khác nhau. Cụ thể:

Trên phạm vi thế giới:

Kể từ khi thành lập Hiệp hội quốc tế các tổ chức du lịch IUOTO (International of Union of ficial Travel organization) tại Hà Lan 1925 cho đến nay, khái niệm du lịch được quan niệm rất khác nhau:

. Theo Ausher “Du lịch là nghệ thuật đi chơi của các cá nhân” [3, tr.6].

. Theo học giả người Thuỵ Sỹ - Kuns lại cho rằng: “Du lịch là hiện tượng những người khác đi đến nơi không phải thường xuyên cư trú của họ bằng phương tiện vận tải và dùng các dịch vụ du lịch” [13, tr.13].


. Trong từ điển Bách khoa quốc tế về du lịch do Viện Hàn lâm khoa học quốc tế về du lịch xuất bản du lịch được định nghĩa như sau: “Du lịch là tập hợp các hoạt động tích cực của con người nhằm thực hiện một dạng hành trình, là một ngành công nghiệp liên kết nhằm thoả mãn các nhu cầu của khách du lịch” [13, tr.14].

. Giáo sư Edmod Pieasa người Bỉ cho rằng: “Du lịch là tập hợp các tổ chức và các chức năng của nó, không chỉ về phương diện khách vãng lai mà cái chính là phương diện về giá trị mà khách du lịch mang lại” [3, tr.6].

. Theo nhà nghiên cứu Michael Coltman cho rằng: “Du lịch là sự kết hợp và tương tác của bốn nhóm nhân tố trong quá trình phục vụ du lịch, bao gồm: du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, dân cư sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch” [13, tr.15].

. Trong tuyên ngôn Manina về du lịch năm 1980 nêu rõ: “Du lịch được hiểu như hoạt động chủ yếu trong đời sống của các quốc gia do hiệu quả trực tiếp của nó trên các lĩnh vực xã hội, văn hoá, giáo dục và kinh tế của các quốc gia và trong quan hệ quốc tế trên thế giới. Sự phát triển của du lịch gắn với sự phát triển của kinh tế - xã hội của các quốc gia và phụ thuộc vào việc con người tham gia vào nghỉ ngơi (có sáng tạo) và vào kỳ nghỉ, tự do du lịch, trong khuôn khổ thời gian tự do và thời gian nhàn rỗi mà du lịch nhấn mạnh tính nhân văn sâu sắc...” [24, tr.4].

. Định nghĩa của hội nghị quốc tế và thống kê du lịch ở Otawa, Canada diễn ra vào tháng 6 năm 1991: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên, trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm” [11, tr.19].


Ở Việt Nam:

. Theo từ điển Tiếng Việt: “Du lịch là đi xa cho biết sứ lạ khác với nơi mình ở” [2, tr.10].

. Theo từ điển Bách khoa Việt Nam: “Du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức, tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích: nghỉ ngơi, giải trí, xem danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, nghệ thuật...” [2, tr.9].

. Các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra định nghĩa du lịch sau: “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hoá và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho bản thân doanh nghiệp” [13, tr.16].

. Tại điều 4 trong Luật du lịch Việt nam 2005 du lịch được hiểu như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [23, tr.9].

Từ sự viện dẫn các quan niệm nói trên cho thấy: có quan niệm xuất phát từ mục đích, đặc điểm di chuyển của khách du lịch; có quan niệm lại cho du lịch là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội; có quan niệm lại coi du lịch là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế... Tuy vậy, tất cả các quan niệm trên đều chưa đi sâu vào bản chất của du lịch. Xuất phát từ bản chất của du lịch có thể đưa ra định nghĩa sau về du lịch: Du lịch là một hoạt động của con người ở ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn những nhu cầu về mặt tinh thần như: tham quan, du ngoạn, giải trí, nghỉ dưỡng và tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ khác trong một khoảng thời gian nhất định.

Xem tất cả 125 trang.

Ngày đăng: 15/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí