DANH MỤC BẢNG BIỂU
Bảng | Tên Bảng | Trang | |
1 | Bảng 2.1 | Tình hình cơ sở vật chất-kỹ thuật của du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001- 2010 | 50 |
2 | Bảng 2.2 | Lực lượng lao động của ngành du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001- 2010 | 52 |
3 | Bảng 2.3 | Tình hình kinh doanh của ngành du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001- 2010 | 54 |
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Quảng Ninh - 2
- Chiến Lược Phát Triển Du Lịch Hướng Đến Sự Bền Vững
- Tiêu Chí Đánh Giá Tính Bền Vững Của Hoạt Động Du Lịch
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Ký hiệu | Nguyên nghĩa | |
1 | BVMT | Bảo vệ môi trường |
2 | CSVCKT | Cơ sở vật chất kỹ thuật |
3 | CSHT | Cơ sở hạ tầng |
4 | ECOMOST | Mô hình du lịch bền vững của cộng đồng châu âu |
5 | IUCN | Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới |
6 | TNDL | Tài nguyên du lịch |
7 | TNDLTN | Tài nguyên du lịch tự nhiên |
8 | TNDLNV | Tài nguyên du lịch nhân văn |
9 | UBND | Ủy ban nhân dân |
10 | WCED | Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới |
11 | WTO | Tổ chức du lịch thế giới ( World Tourism Organization) |
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nắm bắt những thuận lợi do quá trình hội nhập quốc tế mang lại, tận dụng ưu thế về tài nguyên, du lịch Quảng Ninh trong những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ được cải thiện, nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được trùng tu, tôn tạo. Lượng khách trong nước và quốc tế không ngừng tăng, năm 2010 du lịch Quảng Ninh đón 5,4 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3100 tỷ đồng. Sự phát triển của ngành du lịch góp phần vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo , nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, sau một thời kỳ dài tăng trưởng với tốc độ cao du lịch Quảng Ninh đang dần phải đối mặt với những vấn đề có liên quan đến phát triển bền vững. Điều đó được thể hiện qua sự ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch, sự thiếu đa dạng của sản phẩm du lịch, dẫn dến số ngày lưu trú, hệ số quay trở lại và hệ số chi tiêu của khách du lịch thấp. Không có những sản phẩm du lịch thực sự cao cấp và hấp dẫn. Cảnh quan Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long bị phá vỡ do quá trình đô thị hóa. Sự phát triển du lịch không cân đối giữa các trung tâm du lịch trong tỉnh. Hoạt động du lịch chủ yếu tập trung tại khu vực Bãi Cháy, dẫn đến sự quá tải vào mùa cao điểm. Hiện tượng đầu tư thừa về cơ sở lưu trú tại khu vực này cũng bắt đầu xuất hiện. Sự thờ ơ của doanh nghiệp đối với công tác phúc lợi xã hội cuả địa phương. Công tác giáo dục và bảo vệ các tài nguyên phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự được chú trọng.
Với mục đích nghiên cứu thực trạng phát triển của du lịch Quảng Ninh trên quan điểm bền vững, tác giả lựa chọn đề tài: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Quảng Ninh” làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Hiện nay vấn đề phát triển bền vững của ngành du lịch đang được quan tâm nghiên cứu, tiêu biểu phải kể đến các công trình như “Phát triển du lịch bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, trưởng khoa du lịch, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2008). Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tác động qua lại giữa môi trường xã hội với hoạt động du lịch nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững tại thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa” do GS.TS Nguyễn Văn Đính làm chủ nhiệm đề tài( năm 2005). Luận án tiến sĩ “Phát triển Du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng” của Trần Tiến Dũng,Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà nội ( năm 2007) “Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường” của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (năm 2006). “Du lịch bền vững dựa vào cộng đồng” của Tăng Thị Duyên Hồng (đăng trên tạp chí Du lịch Việt Nam, số 5 năm 2008). Ngoài ra còn có nhiều nghiên cứu được đăng trên các Báo trung ương và địa phương. Đối với du lịch Quảng Ninh đã có một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề phát triển bền vững như “Đánh giá tác động của phát triển du lịch đối với môi trường Vịnh Hạ Long của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch kết hợp với Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh” (năm 2002). “ Xây dựng sản phẩm đảm bảo phát triển du lịch bền vững ở Quảng Ninh” của Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, năm 2007). “Nguồn lực phát triển du lịch sinh thái tại một số đảo Quảng Ninh” Luận Văn tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch học của Đàm Thu Huyền, chuyên viên Sở Du Lịch Quảng Ninh (năm 2007). Đây là công trình đánh giá những tiềm năng của Quảng Ninh về du lịch sinh thái. Tuy nhiên số lượng nghiên cứu sự phát triển của ngành du lịch trên quan điểm phát triển
bền vững ở Quảng Ninh chưa nhiều , vì vậy cần nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các cấp các ngành và giới học thuật trong và ngoài Tỉnh.
3. Mục đích và nhiệm vụ
*Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn lý giải một số vấn đề về sự bền vững trong thực trạng phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh.. Trên cơ sở phân tích này, luận văn đề xuất một số gợi ý về giải pháp nhằm đưa du lịch Quảng Ninh phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
Nhiệm vụ của luận văn này là tập trung nghiên cứu những lý luận cơ bản nhất của phát triển du lịch bền vững. Bài học kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc phát triển du lịch bền vững và không bền vững. Đánh giá tài nguyên du lịch của Quảng Ninh. Phân tích một số vấn đề liên quan đến phát triển bền vững của du lịch Quảng Ninh.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là sự phát triển của du lịch Quảng Ninh trên quan điểm phát triển bền vững. Trong đó chú trọng một số trung tâm du lịch như : trung tâm Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Đông Tiều – Uông Bí, Sự phát triển của các trung tâm này tạo nên diện mạo cho ngành du lịch Quảng Ninh. Đây cũng chính là đối tượng nghiên cứu cụ thể nhất của luận văn.
* Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn về mặt không gian là tỉnh Quảng Ninh. Phạm vi nghiên cứu của luận văn về mặt không gian còn diễn ra trên các phương diện kinh tế - chính trị - xã hội và môi trường tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh.
Phạm vi nghiên cứu về mặt thời gian của luận văn là khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2010. Đây là khoảng thời gian mà ngành du lịch
Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng nhanh, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững được tương đối rõ nét.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực trạng phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Quảng Ninh được tiếp cận dưới góc độ của khoa học kinh tế chính trị vì vây luận văn có sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp kế thừa, Phương pháp trừu tượng hóa khoa học, Phương pháp thống kê, Phương pháp phân tích và tổng hợp
6. Những đóng góp mới của luận văn
- Luân văn góp phầnhệ thống một cách khái quát nhất những lý luận về phát triển du lịch theo hướng bền vững, vận dụng phân tích thực trạng phát triển của du lịch Quảng Ninh.
- Đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Quảng Ninh trên quan điểm phát triển bền vững. Làm rõ nguyên nhân hệ số quay trở lại và hệ số chi tiêu của khách du lịch thấp. Đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và tác động của hoạt động du lịch đối với cộng đồng cư dân địa phương.Sử dụng kết quả đánh giá thực trạng để đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần đưa du lịch Quảng Ninh phát triển theo hướng bền vững. Kết quả nghiên cứu của luận văn là tài liệu tham khảo cho các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách phát triển du lịch Quảng Ninh trong tương lai.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo luận văn được kết cấu làm 3 chương
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển du lịch bền vững
Chương 2: Thực trạng phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Quảng Ninh
Chương 3: Giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Quảng Ninh
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN DU LỊCH
BỀN VỮNG
1.1. Khái luận về phát triển du lịch bền vững
1.1.1. Khái niệm phát triển bền vững và du lịch bền vững
* Khái niệm phát triển bền vững
Khái niệm "Phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm “Chiến lược bảo tồn Thế giới” (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".[1]
Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo “Tương lai của chúng ta” của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED). Báo cáo này ghi rõ: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.”[2]
Phát triển bền vững là sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo, tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Qua các bản tuyên bố quan trọng, khái niệm này tiếp tục mở rộng thêm và nội hàm của nó không chỉ dừng lại ở nhân tố sinh thái mà còn đi vào các
nhân tố xã hội, con người, nó hàm chứa sự bình đẳng giữa những nước giàu và nghèo, và giữa các thế hệ. Thậm chí nó còn bao hàm sự cần thiết giải trừ quân bị, coi đây là điều kiện tiên quyết nhằm giải phóng nguồn tài chính cần thiết để áp dụng khái niệm phát triển bền vững.
Khái niệm “Phát triển bền vững” được biết đến ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Nó nhanh chóng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điều đó được thể hiện thông qua hàng loạt các văn bản chính sách có tính định hướng chiến lược như: “Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững”, đây là văn bản tạo tiền đề cho quá trình phát triển bền vững ở nước ta. Quan điểm phát triển bền vững được khẳng định lại trong chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính Trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chỉ thị nhấn mạnh “Bảo vệ môi trường là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp các ngành, là cơ sở để đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Quan điểm phát triển bền vững lại được tái khẳng định trong văn kiện Đại hội IX của Đảng và trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 – 2010 là: “Phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường” và “Phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”. Phát triển bền vững trở thành quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, triển khai thực hiện, nhiều công trình nghiên cứu đã được triển khai và bước đầu thu được kết quả bước đầu. Nhiều nội dung cơ bản về phát triển bền vững đã đi vào cuộc sống và dần trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.