Ý Nghĩa Khoa Học Và Thực Tiễn Của Đề Tài‌


3. Mục tiêu nghiên cứu‌

- Tổng quan lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững nói chung, phát triển du lịch bền vững nói riêng.

- Phân tích hiện trạng phát triển du lịch bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 - 2013.

- Đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách phát triển du lịch bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.

4. Giả thuyết nghiên cứu

- Phát triển bền vững nói chung, phát triển bền vững về du lịch nói riêng là xu hướng phát triển của thời đại ngày nay.

- Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và trong hội nhập.

- Đứng ở góc độ tiếp cận về phát triển bền vững, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ nhưng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

- Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng bền vững giai đoạn 2015 - 2030.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: những vấn đề PTBV du lịch ở TP.HCM trong giai đoạn 2006- 2013 từ đó đánh giá và đưa ra những giải pháp cơ bản để phát triển du lịch bền vững ở TP.HCM trong những năm tới.

Phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh theo hướng bền vững – hiện trạng và giải pháp đến năm 2030 - 3

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Về không gian: được giới hạn trên địa bàn TP.HCM.

+ Về thời gian: thực trạng phát triển du lịch giai đoạn 2006- 2013 và đề xuất giải pháp phát triển trong thời gian tới.

6. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau trong đó chủ yếu sử dụng các phương pháp như sau: phương pháp thống kê, phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, phương pháp chuyên gia, phương pháp suy diễn quy nạp, logic lịch sử.


- Phương pháp thống kê

Sau khi thu thập thông tin, số liệu, tiến hành thống kê, sắp xếp chúng lại cho phù hợp với cấu trúc của đề tài, trình tự thời gian và lập ra các bảng biểu về các di tích lịch sử văn hoá, các danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn quan trọng, thống kê đánh giá lượng khách, doanh thu tỷ trọng và mức độ tăng trưởng du lịch. Tính toán cân đối các số liệu, từ đó xác định thực trạng và hiệu quả phát triển du lịch Thành Phố Hồ Chí Minh.

- Phân tích, tổng hợp, so sánh

Thông tin, số liệu sau khi thu thập sẽ được so sánh, phân tích, tổng hợp cho phù hợp với nội dung luận văn. Quá trình tổng hợp sẽ có được cái nhìn bao quát về du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Qua phân tích, các thông tin được chắt lọc với độ tin cậy và mang lại hiệu quả cao nhất.

- Phương pháp chuyên gia

Thông qua các đợt Hội thảo chuyên đề về Du lịch (Hội thảo phổ biến nhãn Bông Sen Xanh trong các cơ sở lưu trú du lịch các tỉnh Tây Nguyên, 2014; Hội thảo nhãn Du lịch Bền vững Bông sen xanh trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, 2015; Hội thảo bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, 2015) các đợt đào tạo của dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội được tổ chức tại Đà Lạt, Dak Lak, các Hội chợ du lịch Quốc tế được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã tiếp cận với các chuyên gia du lịch đến từ Trung Ưng, các tỉnh, để trao đổi và xin ý kiến nhận xét đánh giá giúp cho phần phân tích về thực trạng của luận văn mang tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học hơn.

- Phương pháp suy diễn quy nạp

Qua các tài liệu của UNWTO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Thành Phố Hồ Chí Minh, các công trình khoa học đã được nghiên cứu về phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững, từ các kết quả đạt được, tác giả đã rút ra những nội dung quan trọng, những yếu tố cơ bản nhất để suy diễn, hệ thống lại nội dung làm cơ sở cho việc suy đoán, diễn giải, xây dựng các giải pháp và phân tích trong nội dung của luận văn.


7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài‌

- Hệ thống các vấn đề lý luận và tổng kết bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững.

- Hướng tiếp cận trọng tâm là: khai thác sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch theo tiêu chí phát triển bền vững.

- Phân tích tiềm năng, đánh giá thực trạng phát triển trên địa bàn TP.HCM. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững trên địa bàn TP.HCM.

8. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương:

- Chương 1: Tổng quan lý luận về PTBV nói chung, PTBV du lịch nói riêng.

- Chương 2: Phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững ở TP.HCM giai đoạn 2006 – 2013.

- Chương 3: Đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM đến năm 2030.


CHƯƠNG I: TỔNG QUAN LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG‌

1.1. Lý luận về phát triển du lịch bền vững‌‌

1.1.1. Khái niệm về phát triển bền vững

Thuật ngữ phát triển bền vững (Sustainable Development) lần đầu tiên được sử dụng trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do IUCN đề xuất năm 1980: “PTBV phải cân nhắc đến hiện tượng khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, đến các điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn trong việc tổ chức các kế hoạch hành động ngắn hạn và dài hạn đan xen nhau”.

Theo Ủy ban Thế giới về Phát triển và Môi trường (World Commission and Environment and Development, WCED nay là Ủy ban Brundtland) năm 1987 đưa ra định nghĩa về PTBV được sử dụng một cách chính thức trên quy mô quốc tế và được định nghĩa như sau: “PTBV là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Đến năm 1992, nội hàm về PTBV được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazin và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về PTBV ở Johannesburg, Nam Phi năm 2002: “PTBV là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, đó là sự phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.

Hình 1 1 Quan niệm về phát triển bền vững Theo quan điểm này PTBV phải bảo 1

Hình 1.1: Quan niệm về phát triển bền vững

Theo quan điểm này, PTBV phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. PTBV không cho phép con người vì sự ưu tiên của hệ này mà gây suy thoái, tàn phá đối với hệ khác. Vì thế, tất cả các


thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường.

1.1.2. Khái niệm về phát triển du lịch bền vững

DLBV là một nhánh của phát triển bền vững. Khái niệm về PTDLBV không tách rời khái niệm về phát triển bền vững. Hiện nay có nhiều khái niệm PTDLBV và được định nghĩa theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) như sau: “sự phát triển bền vững của ngành du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và của địa phương du lịch, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy cơ hội phát triển cho tương lai”.

Khái niệm này có nghĩa là sự quản lý của ngành du lịch phải cân bằng và đáp ứng được nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ mà vẫn duy trì được các giá trị của sinh thái, văn hóa và môi sinh. Tuy nhiên định nghĩa này còn chung chung chỉ nêu lên nhu cầu hiện tại và tương lai của du khách chưa nêu lên môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương.

Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đưa ra tại hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc tại Riode Janeriro năm 1992: “DLBV là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và quan tâm đến người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. DLBV sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người

Theo khái niệm này, để PTDLBV nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi là phải đảm bảo cân bằng, bảo tồn nguồn tài nguyên môi trường và các giá trị văn hóa, đồng thời phải thảo mãn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch. Khái niệm này đã bao hàm đầy đủ các yếu tố về văn hóa, cùng với các tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, văn hóa là yếu tố trực tiếp tạo nên môi trường DLBV, ở đó đảm bảo đồng thời:

- Vừa khai thác, sử dụng, vừa bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên và gía trị văn hóa cho hiện tại và cho cả tương lai.


- Quản lý để thảo mãn cả ba yêu cầu: kinh tế, xã hội, thẩm mỹ, vừa duy trì được toàn vẹn văn hóa.

1.1.3. Nội dung phát triển du lịch bền vững sử dụng khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch hiện tại và trong tương lai‌

- Về kinh tế: DLBV đóng góp có giá trị về kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương. Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh. Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn.

- Gần gũi về xã hội và văn hoá: DLBV không gây hại đến các cấu trúc xã hội ,văn hoá của cộng đồng. Nó lại tôn trọng văn hoá và truyền thống địa phương. Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành tour, và quản lý chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.

- Thân thiện môi trường: DLBV có tác động thấp đến nguồn lợi tự nhiên. Nó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường (động thực vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm …) và cố gắng có lợi cho môi trường.

Ở góc độ khác, PTDLBV là giữ gìn và khai thác các nguồn tài nguyên du lịch với hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường. Các nguồn tài nguyên du lịch cần được khai thác và sử dụng có hiệu quả cao:

- Tài nguyên du lịch tự nhiên: gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.

- Tài nguyên du lịch nhân văn: gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.

- Tài nguyên du lịch xã hội: là điểm hướng đến của nhu cầu khách quốc tế. Sự khai thác tài nguyên du lịch xã hội là khai thác tài nguyên du lịch về chiều sâu thúc đẩy ngành du lịch quốc tế phát triển theo chiều sâu. Do đó phát triển lấy quan điểm


thị trường để tiến hành nghiên cứu thang bậc quốc gia đa dân tộc, có lịch sử lâu đời thể hiện phong tục tập quán vô cùng phong phú của văn hóa cổ đại.

- Tài nguyên du lịch kinh doanh: là tài nguyên có liên quan với kinh doanh du lịch. Có thể chia ra gồm tài nguyên du lịch có hạn và tài nguyên du lịch vô hạn. Có hạn và vô hạn gồm hai mặt thời gian và không gian. Tài nguyên du lịch sinh vật, tài nguyên du lịch khí hậu có thể xem như là vô hạn, tài nguyên ăn uống khu du lịch, tài nguyên du lịch hướng lồng ghép tiêu dùng du lịch, tài nguyên kiến trúc du lịch bất kể thời gian hay không gian đều là có hạn. Đối với các tài nguyên du lịch ấy đặc biệt là tài nguyên du lịch hữu hạn chúng ta cần tiến hành khai thác và bảo vệ hợp lý và làm cho nó tăng trưởng ra giá trị mới.

1.1.4. Mục tiêu của phát triển du lịch bền vững

- Phát triển, gia tăng sự đóng góp của du lịch vào kinh tế và môi trường.

- Cải thiện tính công bằng xã hội trong phát triển.

- Cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng bản địa.

- Đáp ứng cao độ các nhu cầu của du khách.

- Duy trì chất lượng môi trường.

1.1.5. Nguyên tắc phát triển du lịch bền vững‌

Muốn đảm bảo PTDLBV chúng ta cần phải tuân thủ chặt chẽ 10 nguyên tắc, những nguyên tắc này cần được triển khai trong toàn bộ lĩnh vực phát triển du lịch. Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã đưa ra 10 nguyên tắc của DLBV, đó là:

- Nguyên tắc 1: Khai thác và sử dụng nguồn lực (tài nguyên) một cách bền vững, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn.

- Nguyên tắc 2: Giảm thiểu tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải.

- Nguyên tắc 3: Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội.

- Nguyên tắc 4: Duy trì tính đa dạng tự nhiên, đa dạng xã hội và đa dạng văn hoá.

- Nguyên tắc 5: Phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển.

- Nguyên tắc 6: Lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương.

- Nguyên tắc 7: Lấy ý kiến quần chúng và các đối tượng liên quan


- Nguyên tắc 8: Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.

- Nguyên tắc 9: tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm (marketing du lịch).

- Nguyên tắc 10: Coi trọng công tác nghiên cứu.

1.2. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng – Nhà nước về phát triển bền vững và phát triển ngành du lịch ở Việt Nam‌

1.2.1. Về phát triển bền vững

Quan điểm PTBV đã được khẳng định trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển KT - XH của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm PTBV, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Đồng thời, trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) cũng đã chính thức đề cập đến khía cạnh bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên như một cấu thành không thể tách rời của phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển của nước ta trong 20 năm tới là “Phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường” “sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, coi đây là một nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế xã hội”.

Để thực hiện mục tiêu PTBV đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 153/2004/QĐ-TTg năm 2004, về việc ban hành “Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó nêu rõ 19 lĩnh vực hoạt động cần ưu tiên nhằm PTBV.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/09/2022