2.2.4. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của ngành và các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố
Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, công tác quảng bá xúc tiến du lịch thành phố luôn được chú trọng, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hải Phòng tới các thị trường du lịch mới, trọng điểm; chủ động tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch mới nhằm từng bước đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và nâng cao sức hấp dẫn cho trung tâm du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, nội thành. Chuẩn bị các điều kiện khai thác thị trường khách du lịch quốc tế đi bằng đường hàng không Ma Cao - Hồng Kông - Hải Phòng và khách du lịch từ miền Tây và Nam Trung Quốc khi tuyến đường cao tốc và đường sắt chất lượng cao Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai hoàn thành.
2.2.4.1. Xúc tiến du lịch trong nước
Thực hiện chương trình hành động của Ban chỉ đạo Thành phố về du lịch, “Liên hoan du lịch Hải Phòng” đã được tổ chức thường xuyên và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về du lịch thành phố trong lòng người dân và khách du lịch. Các chương trình khai chương du lịch hè 1/4 tại Cát Bà, 30/4 - 1/5 tại Đồ Sơn đã được tổ chức tốt, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phối hợp với UNESCO Việt Nam, chương trình Con người và Sinh quyển, Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục môi trường và Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim giới thiệu về “Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà” và tổ chức giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Aichi, Nhật Bản; phối hợp với Trung tâm hợp tác Báo chí Truyền thông quốc tế thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin xây dựng phóng sự “Sinh thái Cát Bà” phát trên chương trình truyền hình đối ngoại VTV4 Đài truyền hình Việt Nam.
Tổ chức thành công các sự kiện: Lễ hội kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm Làng cá Cát Bà và đón nhận bằng công nhận khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, Lễ hội Đồ Sơn - Biển gọi và khai trương du lịch Hải Phòng hàng năm;
Thi Hoa hậu Biển, Thi hoa khôi du lịch - ôtô toàn quốc năm 2011; Đón khách du lịch thứ 1 triệu năm 2009 đến với Cát Bà, chuẩn bị đón khách du lịch thứ 2 triệu trong năm 2012; Tổ chức tốt Tuần lễ Văn hóa Thể thao Du lịch lần thứ nhất 2010 và lần thứ 2 năm 2011 với nhiều hoạt động phong phú, ấn tượng, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2012 và các năm tiếp theo. Đã chủ động đề xuất và được Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý tổ chức Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, tạo bước ngoặt trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng và hình ảnh thành phố nói chung. Xây dựng Website Du lịch Hải Phòng để xúc tiến quảng bá du lịch thành phố.
Nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư quảng bá hình ảnh của riêng mình, góp phần đẩy mạnh quảng bá - xúc tiến du lịch thành phố.
2.2.4.2. Xúc tiến du lịch nước ngoài
Hải Phòng đã hội đàm với Quảng Tây (Trung Quốc) về hợp tác phát triển du lịch, cùng với Hà Nội và Hà Tây trao đổi kinh nghiệm khai thác thị trường khách Trung Quốc, bàn bạc giải pháp xúc tiến du lịch trong giai đoạn tới, nhất là đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng “Thẻ Du lịch”. Tháng 8/2005, Hải Phòng đã ký kết với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc thỏa thuận về việc tăng cường hợp tác giao lưu du lịch giữa khu tự trị dân tộc Choang với Hải Phòng. Tham dự Hội thảo Hợp tác phát triển du lịch vành đai Vịnh Bắc Bộ tại Trung Quốc với nội dung “khôi phục tuyến du lịch đường biển Bắc Hải - Hải Phòng, mở tuyến bay Bắc Hải - Cát Bi, hợp tác đào tạo nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ giữa các doanh nghiệp du lịch của 2 nước”. Xúc tiến du lịch giữa hai thành phố Pattaya (Thái Lan) và Hải Phòng, làm việc với Tổng cục Du lịch Thái Lan về mở đường bay Băng Cốc - Hải Phòng. Hải Phòng cũng đã triển khai hợp tác với nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc (bước đầu thiết lập quan hệ với Tổng cục Du lịch Hàn Quốc) và một số nước khác thuộc khu vực Châu Á
- Thái Bình Dương... nỗ lực triển khai mở tuyến du lịch đường biển, đường hàng
không, nối dài tuyến xe buýt từ Nam Ninh (Trung Quốc) tới Hải Phòng. Xúc tiến mở dịch vụ bay trực thăng tham quan Vinh, biển và đảo Bạch Long Vĩ... nhằm đẩy mạnh hợp tác, giao lưu văn hoá, quảng bá - xúc tiến du lịch
Ngoài ra, trong thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã giới thiệu được một số sản phẩm như Chương trình du lịch Du khảo đồng quê, Du lịch nội thành, và một số chương trình lễ hội… thông qua các công ty du lịch lữ hành trong nước. Phối hợp với các tổ chức du lịch quốc tế (TPO, Thái Lan, Trung Quốc...) để quảng bá hình ảnh du lịch Hải Phòng, giới thiệu các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch điền dã đặc thù.
Tham gia thành công và để lại ấn tượng sâu sắc tại các lễ hội quốc tế: Brest - Pháp, Incheon - Hàn Quốc,… qua đó quảng bá một cách có hiệu quả mảnh đất, con người, văn hoá, tiềm năng du lịch của thành phố.
Công bố nhãn hiệu Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và đăng ký sử dụng nhãn hiệu trên sản phẩm cho các doanh nghiệp có nhu cầu; Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà không chỉ là thương hiệu của riêng Khu du lịch Cát Bà mà còn là thương hiệu chung du lịch Hải Phòng. Việc đưa Cát Bà vào danh sách dự kiến trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2011 cũng là giải pháp chiến lược trong quảng bá xúc tiến, thu hút đầu tư du lịch thành phố.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng đã phát hành hàng nghìn ấn phẩm bao gồm: sách hướng dẫn du lịch (guide book), tờ gấp (brochure), băng đĩa hình, video clip, phim tài liệu, phóng sự trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2, VTV4) và Truyền hình Hải Phòng.
Bảng 2.7. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch
Đơn vị tính: Triệu đồng
2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | |
Kinh phí | 100 | 100 | 100 | 300 | 1600 |
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Ở Hải Phòng Từ Năm 2001 Đến Năm 2011
- Thu Nhập Ngành Du Lịch Của Hải Phòng Giai Đoạn 2005 - 2011
- Tình Hình Hoạt Động Của Các Tuyến Du Lịch Trên Địa Bàn Thành Phố
- Công Tác Phát Triển Đội Ngũ Doanh Nghiệp, Doanh Nhân; Xây Dựng Hệ Thống Liên Kết Các Doanh Nghiệp Trong Và Ngoài Thành Phố
- Bối Cảnh, Mục Tiêu Và Phương Hướng Phát Triển Du Lịch Của Hải Phòng
- Thời Cơ Đối Với Phát Triển Du Lịch Ở Hải Phòng
Xem toàn bộ 153 trang tài liệu này.
Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng
Nhìn chung, công tác xúc tiến quảng bá của du lịch Hải Phòng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, hoạt động xúc tiến được triển khai toàn diện hơn, tuy nhiên vẫn ở trong phạm vi hẹp, công nghệ chưa cao, một số doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được lợi ích của công tác xúc tiến quảng bá du lịch đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Kinh phí dành cho hoạt động này còn quá ít, phần lớn là từ nguồn Ngân sách nhà nước nên hoạt động này chưa đáp ứng được so với nhu cầu đặt ra, hiệu quả kinh tế đem lại còn thấp, vì vậy chưa tạo được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có chất lượng để thu hút khách du lịch.
2.2.5. Nguồn nhân lực ngành du lịch Hải Phòng
2.2.5.1. Cán bộ quản lý ngành du lịch
Hiện nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có 2 phòng chuyên môn quản lý về du lịch với 14 cán bộ đã qua đào tạo, đào tạo lại hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ và có những kinh nghiệm nhất định trong quản lý du lịch. Hầu hết là cán bộ trẻ, trong đó: 10/14 cán bộ có tuổi công tác dưới 10 năm. Một số cán bộ trẻ mới nhận công tác nên kinh nghiệm, năng lực công tác còn hạn chế. Trình độ ngoại ngữ còn yếu, mới chỉ đảm bảo giao tiếp tiếng Anh và chưa có các ngoại ngữ khác.
Việc quản lý nhà nước về du lịch được phân công tới các quận, huyện của thành phố. Trong đó, 14/15 quận, huyện có Phòng Văn hoá - Thông tin đảm nhận chức năng quản lý du lịch trên địa bàn. Riêng Phòng Du lịch, Văn hoá thông tin quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải có cán bộ chuyên trách du lịch. Các
quận, huyện còn lại cán bộ đều kiêm nhiệm, không qua đào tạo chuyên ngành du lịch. Đây là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, cũng như phối hợp triển khai các chương trình, kế hoạch về hoạt động du lịch tại địa phương.
2.2.5.2. Lao động trong ngành Du lịch
Trong những năm qua, số lượng lao động trong ngành du lịch của thành phố không ngừng được tăng lên. Theo báo cáo của Sở Du lịch thì số lao động năm 2000 là 16,500 người, đến 2005 tăng lên 27,000 người (chiếm tỷ lệ 10.19% tổng số lao động trong khu vực thương mại - dịch vụ). Tỷ lao động bình quân trên một phòng khách sạn ở Hải Phòng năm 2005 là 0.69 (mức trung bình của cả nước là 1.4) cho thấy các dịch vụ bổ sung đi kèm giai đoạn này còn thiếu.
Bảng 2.8. Chất lượng nguồn lao động du lịch Hải Phòng (2000 - 2011)
Đơn vị: Người
Năm | Tăng trưởng TB | ||||||
2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | ||
Tổng số lao động | 16,500 | 18,600 | 21,805 | 24,336 | 26,000 | 27,000 | 10.35% |
- ĐH và CĐ | 3,900 | 4,700 | 5,509 | 6,150 | 6,570 | 6,822 | 11.83% |
- Trung cấp nghề | 10,200 | 11,100 | 13,012 | 14,523 | 15,515 | 16,103 | 9.56% |
- Loại khác | 2,400 | 2,800 | 3,284 | 3,663 | 3,915 | 4,075 | 11.17% |
Chỉ tiêu | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | Tăng trưởng TB |
Tổng số lao động | 29,900 | 34,500 | 39,459 | 44,778 | 48,256 | 49,977 | 10.98% |
- ĐH và CĐ | 7,894 | 10,005 | 11,049 | 12,773 | 14,558 | 15,493 | 13.82% |
- Trung cấp nghề | 17,255 | 19,665 | 22,492 | 25,076 | 26,189 | 26,488 | 9.76% |
- Loại khác | 4,283 | 4,830 | 5,919 | 6,929 | 7,779 | 7,996 | 12.09% |
Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng
Từ năm 2000 trở lại đây có sự tăng trưởng đột biến về lực lượng lao động trong ngành du lịch Hải Phòng. Nếu như năm 1999, du lịch Hải Phòng mới chỉ thu hút được 3,150 lao động thì đến năm 2000 đội ngũ lao động ngành du lịch đã tăng gấp 5.2 lần. Nguyên nhân chủ yếu của sự đột biến đó là do chính sách mở
cửa, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Cũng chính vì nguyên nhân này mà thành phần lao động du lịch cũng có thay đổi. Nếu như trong những năm trước đây, lao động trong ngành du lịch chủ yếu thuộc các doanh nghiệp Nhà nước thì đến nay đã có thêm lao động trong các liên doanh và lao động du lịch của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Một trong những điểm đáng chú ý của du lịch Hải Phòng trong những năm qua, đó là trình độ nghiệp vụ của đội ngũ lao động du lịch đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động được đào tạo bước đầu đã được nâng cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ buồng, bàn, bar, lễ tân chiếm tỷ trọng cao trên 60% tổng số lao động ngành, số lao động có trình độ Đại học và Cao đẳng cũng chiếm tỷ trọng 25%, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tính đến 2010, ngành du lịch có 48,256 người đang lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, chiếm 4.6% lực lượng lao động toàn thành phố.
Lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch là 5,304 người, trong đó lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ du lịch là 2,058 người chiếm 38.8%, lao động có bằng đại học chuyên ngành du lịch là 386 người chiếm 7.3%.
Lao động tại các công ty lữ hành là 520 người nhưng chỉ có 26 người có thẻ hướng dẫn viên, mặc dù Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thời gian qua đã cấp và đổi được 127 thẻ. Tuy nhiên, do điều kiện hoạt động khó khăn nên một số hướng dẫn viên có thẻ đã chuyển tới các địa phương khác làm việc như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, do đặc thù hoạt động kinh doanh du lịch thường mang tính mùa vụ nên lực lượng lao động trong ngành thường xuyên biến động, do đó việc đào tạo lao động gặp nhiều khó khăn. Trình độ lao động còn hạn chế cả về nhận thức, kỹ năng giao tiếp và trình độ ngoại ngữ.
2.2.5.3. Cơ sở đào tạo nhân lực du lịch
Trong giai đoạn 2001 - 2005, trên địa bàn thành phố đã thành lập được trường trung học nghiệp vụ du lịch. Đến cuối năm 2005 đã thu hút được 700 học viên tham gia khóa đào tạo đầu tiên của trường.
Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ phát triển du lịch thuộc Sở Du lịch đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn và dài hạn, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên điểm du lịch. Ngoài ra nguồn nhân lực du lịch còn được đào tạo trong các trường Đại học Dân lập Hải Phòng, trường Cao đẳng Cộng đồng.
Giai đoạn 2006 - 2010, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo tăng. Thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Phòng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho các tỉnh phía Bắc, đến nay đã từng bước hình thành hệ thống đào tạo nghiệp vụ du lịch từ sơ cấp đến đại học ở các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho Ngành Du lịch như: Đại học Hải Phòng, Đại học Dân lập Hải Phòng, Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Nghề du lịch và dịch vụ, Trung cấp Du lịch tư thục Miền Trung và Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch); trong đó, Trường Cao đẳng Nghề du lịch và dịch vụ là cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch. Ngoài việc đào tạo tập trung, trường đã liên kết mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố, trung bình mỗi năm tuyển sinh từ 500 - 600 học sinh chuyên ngành du lịch. Tổng số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch từ năm 2007 - 2011 là 6,096 sinh viên, tăng bình quân 11.69%/năm.
Bảng 2. 9. Số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch
Đơn vị | Năm | Tăng bình quân (%) | |||||
2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | |||
1. Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Dịch vụ Hải Phòng | Sinh viên | 850 | 900 | 950 | 980 | 1100 | 6.71 |
2. Trường Cao đẳng Cộng đồng | Sinh viên | 50 | 50 | 55 | 65 | 70 | 8.97 |
3. Trường Đại học Hải Phòng | Sinh viên | 136 | |||||
4. Trường Đại học Dân lập Hải Phòng | Sinh viên | 100 | 150 | 180 | 210 | 250 | 26.4 |
Cộng | Sinh viên | 1000 | 1100 | 1185 | 1255 | 1556 | 11.9 |
Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng
2.2.6. Công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Hải Phòng
2.2.6.1. Công tác quản lý nhà nước, bảo vệ cảnh quan môi trường và tài nguyên du lịch được quan tâm; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn.
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về du lịch; tổ chức ký cam kết thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự xã hội, niêm yết và thực hiện đúng giá niêm yết cho các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch tại hai trọng điểm du lịch Đồ Sơn và Cát Bà. Thực hiện điều tra chi tiêu của khách du lịch nội địa, khách Hải Phòng đi du lịch nước ngoài; triển khai đánh giá, chứng nhận các điểm dịch vụ, nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, chuẩn hóa chất lượng phục vụ khách đến tham quan, du lịch, đồng thời tự quảng bá cho đơn vị mình.
Định hướng quy hoạch và điều hành đầu tư phát triển du lịch Hải Phòng gồm hai loại hình chính là du lịch sinh thái biển đảo và du lịch văn hóa. Hải Phòng đã hướng công tác quản lý nhà nước về du lịch vào việc thúc đẩy đầu tư