phân tích, đánh giá và đưa ra những yếu tố nào là cốt lõi tác động đến du lịch Thừa Thiên Huế trong luận án này.
1.4. Những công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Trong thời gian qua có rất nhiều nghiên cứu về du lịch Thừa Thiên Huế, những nghiên cứu này đã giúp cho địa phương xác định được cơ hội và thách thức; loại hình du lịch phù hợp với địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu về ảnh hưởng của phát triển du lịch đến phát triển kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu này đã chứng minh được du lịch ảnh hưởng đến phát triển kinh tế như tăng xuất khẩu tại chổ, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế như bất bình đẳng về thu nhập, làm tăng giá cả hàng hóa, ô nhiễm môi trường [46]. Nghiên cứu đo lường hình ảnh điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế đã chỉ ra một số nhân tố ảnh hưởng đến hình ảnh Thừa Thiên Huế như: nhân tố Sức hấp dẫn văn hóa, lịch sử; Nét độc đáo Huế và đặc trưng du lịch và hoạt động giải trí. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục nhằm tăng cường nhận thức và tình cảm của du khách đối với hình ảnh điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế như: Môi trường và cơ sở hạ tầng du lịch, Giao thông thuận tiện, khả năng tiếp cận và giá cả [28]. Nghiên cứu “Các giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái tại Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng”, nghiên cứu này đã hệ thống đầy đủ các vấn đề lý luận về du lịch sinh thái, về phát triển du lịch sinh thái và quản lý du lịch sinh thái [37]; phân định được ranh giới giữa du lịch sinh thái với du lịch dựa trên khai thác tài nguyên tự nhiên; tổng kết được những đặc trưng và nguyên tắc du lịch sinh thái và nội dung về quản lý du lịch sinh thái [189]. Phát triển loại hình du lịch MICE tại Huế, thành phố này là nơi hội tụ ba yếu tố cơ bản: các điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách, điều kiện đưa, đón khách và các dịch vụ vui chơi, giải trí thỏa mãn những nhu cầu của du khách; thành phố có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 hoặc 5 sao với quy mô hiện đại, có các hội trường lớn, các trang thiết bị hiện đại và nhiều kinh nghiệm tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế... cho nên có thể dễ dàng tổ chức các hội thảo, hội nghị lớn [5].
Nghiên cứu về phát triển du lịch giáo dục tại Huế đã tiến hành phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch giáo dục ở Thừa Thiên Huế, và nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp quan trọng, trong đó giải pháp tăng cường công tác quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các chương trình du lịch ở Thừa Thiên Huế thông qua nâng cao chất lượng chương trình giáo dục của địa phương [50].
Một số nghiên cứu về du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nghiên cứu về vận dụng mô hình phương trình cấu trúc trong đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế đã chỉ ra nhóm nhân tố tác động như nhân tố hoạt động quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn và các tài nguyên du lịch tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Thừa Thiên Huế. Còn các nhân tố khác như: nhân tố giá cả, tài nguyên du lịch văn hóa và các dịch vụ du lịch không giải thích một cách có ý nghĩa đối với nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến [33].
Ngoài ra, một số nghiên cứu về khả năng thu hút du khách của điểm đến Huế thông qua phản ánh cảm nhận, niềm tin, và ý kiến mà mỗi cá nhân có được về khả năng làm hài lòng khách hàng của điểm đến trong mối liên hệ với nhu cầu chuyến đi cụ thể của du khách. Các nghiên cứu này đã đề xuất muốn phát triển điểm đến Huế thì cần nghiên cứu và tập trung vào các chiến lược phát triển sản phẩm, cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch [29].
1.5. Một số nhận xét và khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án
1.5.1. Một số nhận xét về các nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án
Các công trình và bài viết đã công bố ở trong và ngoài nước mà tác giả nêu ở trên đã giải quyết được nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến du lịch, phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Kết quả cụ thể như sau:
- Kết quả nghiên cứu đạt được về lý luận
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - 1
- Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - 2
- Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu. Trong Chương Này, Luận Án Lựa
- Mô Hình Chu Trình Sống Trong Sự Phát Triển Đô Thị Du Lịch Của
- Mô Hình Đánh Giá Phát Triển Du Lịch Thừa Thiên Huế
- Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - 7
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
+ Nghiên cứu về du lịch nói chung, phát triển du lịch nói riêng trên các khía cạnh như khái niệm, đặc điểm, vai trò là những kết quả được trình bày phổ biến ở các nghiên cứu liên quan đã được công bố, tuy nhiên, tùy thuộc vào yêu cầu của đối tượng nghiên cứu mà mức độ phân tích hoặc cách tiếp cận nghiên
cứu các phạm trù này là khác nhau.
+ Trong các công trình nghiên cứu có liên quan, các tác giả luận án cũng đã luận bàn về phát triển du lịch và phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng có những đề cập đến giải pháp để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở những góc độ khác nhau.
+ Một số công trình có nghiên cứu về phát triển du lịch của một quốc gia, một địa phương cụ thể, cũng có nghiên cứu về phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Song cơ bản các nghiên cứu mới dừng ở việc hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về du lịch, phát triển du lịch; vai trò, tác động của phát triển du lịch đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, một địa phương cụ thể.
- Kết quả nghiên cứu đạt được về thực tiễn
+ Mỗi công trình nghiên cứu ở từng thời điểm cụ thể, với quy mô, phương pháp và cách tiếp cận khác nhau cũng đã khai thác khá triệt để bức tranh muôn màu, muôn vẻ của hoạt động phát triển du lịch nói chung, phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, gắn với những địa phương hoặc vùng nhất định. Đặc biệt là các công trình nghiên cứu ở trong nước đã đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng tại một số vùng, địa phương trên khắp cả nước để từ đó đưa ra những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế trong công tác này. Riêng về phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế nói chung và phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, ít nhiều đã có một số tác giả trực tiếp hoặc gián tiếp nghiên cứu về hoạt động này dưới góc độ toàn vùng và tại Thừa Thiên Huế nói riêng.
+ Một số không ít các nghiên cứu đã trình bày các kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, đưa ra những đánh giá, cũng như rút ra các bài học hay cả về mặt chính sách và thực tiễn cho các nước đang phát triển vận dụng.
+ Dưới các góc độ nghiên cứu khác nhau của các tác giả cũng đã có một số nghiên cứu về phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế; phát triển cơ sở hạ tầng
phục vụ du lịch hay chương trình du lịch cụ thể tại Thừa Thiên Huế... Đó là những căn cứ khoa học và thực tiễn quan trọng để tác giả luận án có thể kế thừa và phát triển trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đã được công bố thiên nhiều về phát triển du lịch nói chung hoặc phát triển một loại hình du lịch cụ thể tại Thừa Thiên Huế, dường như chưa có nghiên cứu nào trùng lặp với đề tài luận án này kể cả phạm vi nội dung lẫn phạm vi thời gian nghiên cứu.
1.5.2. Đóng góp giải quyết những khoảng trống của luận án
Mặc dù đã có một số công trình được công bố ở trong và ngoài nước nghiên cứu về một số khía cạnh liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài luận án, nhưng đến nay còn một số vấn đề quan trọng thuộc đề tài luận án chưa được nghiên cứu, giải quyết một cách trực diện, tổng thể và chuyên sâu, cụ thể như sau:
- Khoảng trống về lý luận cần tiếp tục làm rõ
Nhiệm vụ nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận, khung lý thuyết phân tích, đánh giá về phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tại Thừa Thiên Huế là rất quan trọng. Trong đó, hoạt động phát triển du lịch tại địa phương này chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các quyết định, chính sách của nhà nước, và cả các quyết định, chính sách, chủ trương của chính quyền địa phương. Ngoài ra, hoạt động này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi các yếu tố khác, nhất là các chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động phát triển du lịch tại địa phương đó. Từ cách tiếp cận như vậy, luận án tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận sau:
+ Một số vấn đề cơ bản về du lịch, phát triển du lịch.
+ Một số mô hình đánh giá phát triển du lịch phổ biến.
+ Quá trình phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam.
Những “khoảng trống” từ các công trình đã nghiên cứu cũng như các kinh nghiệm và bài học rút ra sẽ là cơ sở cho việc đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế một cách có hiệu quả.
- Khoảng trống về thực tiễn cần nghiên cứu
Qua tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, tác giả
thấy rằng, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách cập nhật, có hệ thống về phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính vì vậy, còn có rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ, ví dụ như thực trạng phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tại Thừa Thiên Huế thời gian qua diễn ra như thế nào? Du lịch đã đóng góp được những gì trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế? Còn những tồn tại, hạn chế gì trong quá trình phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế thời gian qua? Và đặc biệt là, có thể đưa ra một số giải pháp gì để có thể phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế hơn nữa trong thời gian tới? Điều đó có nghĩa rằng luận án cần tiếp tục làm rõ những vấn đề thực tiễn sau:
+ Mô tả và phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua.
+ Đánh giá tác động của các yếu tố đến quá trình phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Thừa Thiên Huế thời gian qua.
+ Đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Thừa Thiên Huế.
Việc nghiên cứu về phát triển du lịch cũng như phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều biến động đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường là một trong những vấn đề bức thiết, tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Vì vậy, vấn đề này đòi hỏi phải được nhận thức rõ hơn và có các giải pháp hữu hiệu để phát triển hơn nữa ngành du lịch, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như quảng bá vị thế, hình ảnh của đất nước, địa phương trên trường quốc tế. Do đó, đề tài tiếp tục nghiên cứu về phát triển du lịch, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và đề xuất hệ thống các nhóm giải pháp.
Để góp phần vào việc giải quyết các khoảng trống về mặt lý luận và thực tiễn, luận án sẽ tập trung vào nghiên cứu các nội dung sau:
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về phát triển du lịch, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế;
- Nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của một số thành phố trong và ngoài
nước trong quá trình phát triển du lịch, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm;
- Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tại Thừa Thiên Huế;
- Nghiên cứu giai đoạn phát triển du lịch Thừa Thiên Huế dựa vào mô hình đánh giá phát triển và tiêu chí đánh giá do tác giả luận án nghiên cứu và đề xuất;
- Đánh giá tác động của các yếu tố do tác giả tổng hợp theo mô hình Gunn, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 để đo lường mức độ tác động của các yếu tố này đối với quá trình phát triển du lịch Thừa Thiên Huế;
- Phân tích những cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu của du lịch Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế;
- Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hơn nữa ngành du lịch tại Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trong thời gian tới.
Tiểu kết Chương 1
Nội dung chương này tác giả luận án đã tổng quan những vấn đề chính liên quan đến phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bao gồm: những vấn đề nghiên cứu liên quan đến phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; những vấn đề nghiên cứu liên quan đến du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; những nghiên cứu về các yếu tố tác động đến phát triển du lịch.
Từ nội dung tổng quan của những nghiên cứu này, tác giả luận án đã đưa ra một số nhận xét về những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, chỉ ra những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn của chúng, đồng thời chỉ ra khoảng trống nghiên cứu mà luận án cần phải lấp đầy.
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
2.1. Vai trò của phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, du lịch được xem là ngành dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cao, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo ra tích lũy cho nền kinh tế, là phương tiện quan trọng để thực hiện các chính sách mở cửa, là chiếc cầu nối quốc gia với thế giới bên ngoài, góp phần vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại của các quốc gia. Phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến một số lĩnh vực quan trọng sau:
Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông trong khu vực và quốc tế:
Liên kết khu vực và quốc tế kéo theo phát triển du lịch mạnh mẽ. Thông qua các tuyến du lịch giữa các quốc gia được gắn kết với nhau để đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách trong nhiều khu vực khác nhau đến tham quan nghỉ dưỡng. Đồng thời, theo xu hướng toàn cầu hóa thì du lịch tất cả các quốc gia cần phải liên kết nhằm phát triển kinh tế du lịch. Để đạt được điều này thì mỗi quốc gia hay địa phương cần đẩy mạnh quá trình nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng đạt chuẩn phục vụ đón tiếp du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, bên cạnh đó, hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không) cần được kết nối với hệ thống giao thông quốc tế nhằm tạo điều kiện tối ưu cho du khách tiếp cận địa điểm du lịch trong thời gian ngắn nhất. Điều này cho thấy, du lịch góp phần vào thúc đẩy quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông khu vực và quốc tế.
Thúc đẩy quá trình phân công lao động trong khu vực và quốc tế:
Phát triển du lịch thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa trong sản xuất sản phẩm và dịch vụ để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, để có được sản phẩm chất
lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường đòi hỏi phải có sự phân công lao động trong quá trình sản xuất phân khúc sản phẩm và dịch vụ đặc sắc và khác biệt đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch ở nơi khác. Vì vậy, phát triển du lịch góp phần vào thúc đẩy phân công lao động trong khu vực và quốc tế.
Góp phần mở rộng thị trường quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài:
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới hiện nay cho thấy, giá trị của các ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm xã hội. Kinh tế du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao, vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật không phức tạp, mức độ rủi ro thấp. Đặc biệt, thông qua hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực du lịch, các quốc gia có thể tận dụng lợi thế để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến:
Hội nhập kinh tế quốc tế giúp cho hoạt động kinh tế du lịch được tiến xa hơn thông qua trao đổi kinh nghiệm với đối tác cũng như tham khảo, học hỏi trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch nước ngoài. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại vùng sẽ phải hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho vùng, đồng thời mang theo tiến bộ khoa học công nghệ đưa vào ứng dụng. Từ đó, kinh tế du lịch ở các quốc gia có cơ hội cải cách mạnh mẽ.
Cơ hội liên kết mở rộng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch mới:
Thông qua quá trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác, các doanh nghiệp du lịch ở các quốc gia sẽ có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, vừa mang bản sắc của quốc gia, khu vực, vừa phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, đem lại lợi ích kinh tế cao.