Doanh Thu Du Lịch Và Du Lịch Đường Sông Của Thành Phố Đà Nẵng, 2010 - 2020


Ngoài ra, đối với từng yếu tố, khách DL cũng đánh giá trung bình như sau:

+ Đối với yếu tố độ hấp dẫn: Khách DL đã đưa ra đánh giá ở mức tốt như sau: Hoạt động giải trí hai bên bờ sông hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của Đà Nẵng (4,17); Cảnh quan hai bên bờ sông đẹp, thoáng đãng (4,10); Hoạt động giải trí trên tàu hấp dẫn (4,09) và Các giá trị văn hóa và sinh thái phong phú, được bảo tồn (4,06) (phụ lục 12).

+ Đối với yếu tố năng lực đáp ứng: Được du khách đánh giá ở mức khá tốt với các giá trị xấp xỉ bằng nhau và theo thứ tự giảm dần là: Nhân viên và hướng dẫn viên kịp thời phục vụ, đáp ứng yêu cầu của du khách (4,04); Nhân viên và hướng dẫn viên có kiến thức chuyên môn (4,03); Nhân viên và hướng dẫn viên có thái độ lịch sự, thân thiện với du khách (4,017) và Nhân viên và hướng dẫn viên có kỹ năng nghiệp vụ (4,014) (phụ lục 12).

+ Đối với yếu tố độ an toàn: Theo cảm nhận của du khách, hoạt động DLĐS ở TP. Đà Nẵng đã đảm bảo được các tiêu chuẩn về an toàn. 6 thuộc tính đều được đánh giá khá tốt, cụ thể: Cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn an toàn cho khách (4,18); Số lượng khách trên tàu đảm bảo với quy chuẩn của tàu thuyền (4,12); Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như: phao cứu sinh, bảng chỉ dẫn, bình cứu hỏa, hộp y tế và các thiết bị an toàn khác (4,11); Đồ ăn, thức uống an toàn hợp vệ sinh (4,10); Không có ăn xin, chèo kéo, chặt chém khách DL (4,10) và An ninh trật tự đảm bảo, có đưa ra các khuyến nghị để không xảy ra sai sót (4,02) (phụ lục 12).

+ Đối với yếu tố phương tiện hữu hình: Trong các chỉ tiêu phương tiện hữu hình, khách DL hài lòng với: Bãi đậu xe rộng rãi và đảm bảo (4,06) và Mức độ tiếp cận bờ sông, bến tàu và các địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí thuận lợi (4,05), các thuộc tính khác được đánh giá gần khá tốt gồm: Trang phục, phụ kiện của nhân viên đẹp và đúng tiêu chuẩn (3,99); Trang thiết bị trên tàu (âm thanh, ánh sáng, bàn ghế…) đầy đủ, chất lượng tốt (3,97); Khu vệ sinh trên tàu, bến tàu và tại các điểm vệ sinh công cộng sạch sẽ (3,96) và Bến tàu, tàu thuyền hiện đại, thẩm mỹ, mang nét đặc trưng riêng (3,94) (phụ lục 12).

+ Đối với yếu tố độ tin cậy: Kết quả khảo sát khách DL cho thấy việc đảm bảo độ tin cậy khi tham gia hoạt động DLĐS ở TP. Đà Nẵng khá hài lòng. Trong đó, sắp xếp theo đánh giá của khách DL là: Mức độ cung cấp dịch vụ đúng như quảng bá (4,12); Giá vé đúng như giá niêm yết (4,09); Thời gian tổ chức các hoạt động giải trí ven sông


đúng như thông báo (4,08); Không để xảy ra sự sai sót trong việc cung cấp dịch vụ (4,06); Thời gian tổ chức hoạt động du thuyền đúng như thông báo (4,01) và Mức độ hợp lý về giá vé và dịch vụ. (3,99) (phụ lục 12).

+ Để đánh giá chung về sự hài lòng của khách DL đối với DLĐS ở tuyến sông Hàn, dựa trên trên kết quả khảo sát đối với khách DL, đó là: Mức độ hài lòng của du khách khi tham gia DLĐS (4,19); Mức độ đạt được so với kỳ vọng khi tham gia DLĐS (4,17); Mức độ thích thú khi tham gia DLĐS khi tới TP. Đà Nẵng(4,14); Mức độ ấn tượng khi tham gia DLĐS khi tới TP. Đà Nẵng (4,12). Các phát biểu đánh giá sự hài lòng chung của khách DL đều đạt mức trung bình trên 4, điều này cho thấy khách DL hài lòng mức độ khá tốt với hoạt động DLĐS ở tuyến sông Hàn.

- Ngoài ra, kết quả khảo sát về dự định viếng thăm lặp lại của du khách cũng cho thấy khách DL có ý định quay trở lại cao với 67,9 %, trong đó có 31,3 % trả lời Có, 36,6

% Có thể có. Tỉ lệ du khách trả lời Chưa biết là 26,6%, trả lời Có thể không là 4,9% và 0,7 % trả lời Không. Đối với dự định giới thiệu người thân và bạn bè, 35% du khách trả lời Có, 34,2 % Có thể có. Trong khi đó, có 18,8 % du khách trả lời Chưa biết, 7,4 % trả lời Có thể không và 4,6 % trả lời là Không. Qua đó cho thấy, sự viếng thăm lặp lại và giới thiệu của du khách đối với các hoạt động DLĐS khá cao và góp phần khẳng định được sự hài lòng của du khách với du lịch đường sông.

Như vậy, sự hài lòng của khách DL đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của hoạt động DL. Vì vậy, để khai thác hiệu quả DLĐS ở TP. Đà Nẵng nói chung cần phải chú trọng đến các khía cạnh trên nâng cao sự hài lòng của khách du lịch đường sông.

2.3.2.2. Doanh thu du lịch đường sông

- Cùng với sự gia tăng về quy mô lượt khách DL và đầu tư về chất lượng dịch vụ thì doanh thu DL của TP. Đà Nẵng cũng có sự tăng trưởng tương ứng. Giai đoạn 2010

- 2020 doanh thu DL của TP. Đà Nẵng có xu hướng tăng, trong đó từ năm 2010 - 2019 doanh thu tăng trưởng liên tục từ 1.778 tỷ đồng lên 8.658 tỷ đồng, tương đương với tăng 4,9 lần. Tuy nhiên, từ sau năm 2019 trở đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu DL của TP. Đà Nẵng bị suy giảm mạnh. Năm 2020, doanh thu DL chỉ còn 4.045 tỷ đồng, giảm 4.613 tỷ đồng (tương đương 47 %) doanh thu so với năm 2019.


Hình 2 5 Doanh thu du lịch và du lịch đường sông của thành phố Đà Nẵng 2010 1


Hình 2.5. Doanh thu du lịch và du lịch đường sông của thành phố Đà Nẵng, 2010 - 2020

(Nguồn: Niên giám thống kê TP. Đà Nẵng 2015, 2020; UBND TP. Đà Nẵng, 2020)

- Về doanh thu DLĐS: DLĐS là loại hình DL còn khá mới ở TP. Đà Nẵng, vì vậy, khi mới đưa vào khai thác trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015 các số liệu về doanh thu DLĐS vẫn chưa được thống kê một cách độc lập. Trong giai đoạn 2016 - 2020 doanh thu DLĐS có sự thay đổi đáng kể, năm 2016 doanh thu đạt 79 tỷ đồng, đến năm 2019 doanh thu DLĐS đã tăng lên thành 799 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2016. Nguyên nhân làm cho doanh thu DLĐS có sự tăng trưởng nhanh là do TP. Đà Nẵng đã có sự quan tâm, đầu tư phát triển lọa hình DL này, đặc biệt là chú trọng đầu tư về CSHT, CSVCKT cho phát triển DLĐS xem đây là loại hình DL đặc trưng của TP và từng bước biến DLĐS trở thành sản phẩm DL chủ lực, vì vậy doanh thu DLĐS có sự tăng trưởng cao. Nhưng từ sau năm 2019 đến nay, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid - 19 doanh thu DLĐS cũng có sự sụt giảm nghiêm trọng, năm 2020 doanh thu DLĐS giảm còn 179 tỷ đồng, giảm 4,5 lần so với năm 2020.

- Về tỷ lệ của doanh thu DLĐS trong tổng doanh thu DL của TP. Đà Nẵng mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Năm 2016, doanh thu DLĐS chỉ chiếm 1,3 % tổng doanh thu DL, thì năm 2019 đã tăng lên 9,2 % tổng doanh thu. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, doanh thu DLĐS đã giảm xuống còn 4,4 % tổng doanh thu DL của TP. Đà Nẵng.


2.3.2.3. Cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch đường sông

- Phương tiện vận chuyển khách

Từ khi đưa vào khai thác DLĐS trong giai đoạn 2010 - 2020 phương tiện vận chuyển khách có sự thay đổi đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn đầu từ 2010 - 2015 các phương tiện vận chuyển khách còn ít và chất lượng thấp “hầu hết các tàu đều thuộc loại nhỏ có có công suất dưới 30 CV. Một số có xuất xứ là tàu đánh cá được hoán đổi công năng nên chủng loại và mẫu mã rất hạn chế, đa phần là cũ kĩ, lạc hậu” (Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, 2010). “Chưa có đội tàu du lịch, bến tàu phục vụ du lịch đường sông do thiếu cầu tàu, bến neo đậu tàu du lịch” (UBND TP. Đà Nẵng, 2017). Từ cuối năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND Quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển cầu tàu du lịch tại các điểm đến và tàu du lịch trong tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và kêu gọi nhà đầu tư đổi mới hệ thống tàu DL nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong phát triển DLĐS. Do đó, đến tháng 01/2016, đã có 19 tàu khách của 08 doanh nghiệp và 04 hộ kinh doanh cá thể đã đủ điều kiện được cấp phép vận tải.

Giai đoạn từ 2016 - 2020, phương tiện vận chuyển khách đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2, TP. Đà Nẵng tăng cường công tác thanh tra, giám sát và đầu tư về đội tàu DL. Theo đó loại bỏ dần các tàu đánh cá hoán cải công năng, các tàu vận chuyển khách DLĐS đưa vào khai thác đều đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, sức chở hàng, hoạt động ăn uống, giải trí cho du khách trên tàu và được sự cấp phép hoạt động của UBND TP. Đà Nẵng, phù hợp với các tiêu chuẩn Quốc gia. “Đội tàu du lịch được đầu tư đóng mới đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đảm bảo an toàn, đạt tiêu chuẩn theo quy định, dịch vụ trên tàu đã được các đơn vị đầu tư, bổ sung mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách” (UBND TP. Đà Nẵng, 2019). Các phương tiện này không chỉ có vai trò vận chuyển khách DL, mà còn được đầu tư về dịch vụ để trở thành sản phẩm của DLĐS. Hiện nay, TP. Đà Nẵng đã cấp phép cho có 23 tàu đóng mới thay thế cho tàu hoán cải từ năm 2016 với các loại tàu trên dưới 50 chỗ hoạt động (phụ lục 11) trên 2 tuyến DLĐS là tuyến Sông Hàn - Cầu Trần Thị Lý có 21 tàu hoạt động ban đêm từ 17 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút hằng ngày, riêng thứ 7 và chủ nhật hoạt động đến 23 giờ. Tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo được cấp 6 tàu DL. Hiện nay TP đang có kế hoạch đóng mới 15 tàu DL nhằm tạo sự đồng bộ, đáp ứng kịp


thời và tốt hơn nhu cầu của khách DL. Các phương tiện được cấp phép hoạt động đa dạng về kích thước, bao gồm: du thuyền, tàu nhà hàng có lượng chở khách nhỏ, vừa hoặc lớn. Trong đó, có 3 tàu lớn trên 100 khách là: tàu Rồng Sông Hàn (250 khách), tàu Minh Trần 05 (168 khách), tàu MeryLand (144 khách) và 2 tàu 79 khách là tàu Bảo Anh 02 và Du thuyền Vinh Anh. Các tàu còn lại dao động từ 20 - 50 khách (Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, 2018). Số lượng tàu DL của TP. Đà Nẵng hiện nay vẫn còn ít, phạm vi khai thác hẹp chủ yếu trên tuyến sông Hàn.

Đối với chất lượng tàu, khi mới đưa vào khai thác DLĐS, hầu hết cá tàu đều là tàu đánh cá hoán đổi công năng nên chất lượng và mẫu mã rất hạn chế. Hiện nay, hầu hết các tàu đều là tàu mới đảm bảo an toàn về trang thiết bị trên tàu, chất lượng thuyền viên, người lái phương tiện và nhân viên phục vụ theo Quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND Quy định về quản lí hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, các thiết kế của tàu thuyền không mấy đặc sắc, chưa tạo tính nhận diện riêng cho DLĐS ở TP. Đà Nẵng. Dịch vụ DL trên tàu đã có sự phân hóa, đối với nhóm tàu lớn trên 50 khách không chỉ có hoạt động tham quan DL, ngắm cảnh mà bổ sung nhiều dịch vụ như: trình diễn các hoạt động nghệ thuật, ăn uống, bar, cà phê, đồ lưu niệm hay tổ chức sự kiện, hoạt động tập thể... chất lượng cao. Đối với tàu dưới 50 khách, dịch vụ còn ít, chủ yếu là phục vụ cho việc du ngoạn ngắm cảnh.

- Bến tàu du lịch

Trong giai đoạn đầu 2010 - 2015 khi mới đưa vào khai thác DLĐS, số lượng các bến tàu DL còn ít và thiếu hụt “chưa có bến tàu phục vụ du lịch đường sông do thiếu cầu tàu, bến neo đậu tàu du lịch” (UBND TP. Đà Nẵng, 2017) do đó, rất khó khăn cho các thuyền hoạt động nhất là vào dịp mưa bão, không an toàn cho du khách. Từ sau năm 2014, UBND TP. Đà Nẵng Ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND Quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển cầu tàu du lịch tại các điểm đến và tàu du lịch trong tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì các bến tàu cũng được đầu tư. Hiện nay, trên các sông đã có 23 bến tàu, trong đó có 15 bến phục vụ DL, 3 bến phục vụ dân sinh và 5 bến khai thác cát phân bố không đồng đều giữa các sông. Bến tàu DL chỉ tập trung trên sông Hàn với 12/14 bến, còn 3 bến còn lại có 1 bến trên sông Cổ Cò (bến K20), 2 bến trên sông Túy Loan (bến Túy Loan và bến Thái Lai).


Tuy nhiên, các bến trên sông Cổ Cò và sông Túy Loan chưa thể đưa vào khai thác DL do CSVCKT còn sơ sài, chưa có dịch vụ. Bến dân sinh phân bố ở trên sông Cổ Cò 1 bến và sông Cu Đê có 2 bến. Bến khai thác cát có 2 bến trên sông Cẩm Lệ, 3 bến trên sông Túy Loan. Như vậy, số lượng bến tàu DL trên các sông hiện có đang thiếu, chỉ tập trung chủ yếu trên sông Hàn, trên các sông khác số lượng bến tàu DL rất ít hoặc đang được quy hoạch.

Bảng 2.8. Bến tàu trên các sông ở thành phố Đà Nẵng


TT

Sông

Bến tàu du lịch

Bến tàu dân sinh

Bến khai thác cát

1

Hàn

12

0

0

2

Cẩm Lệ

0

0

2

3

Túy Loan

2

0

3

4

Cổ Cò

1

1

0

5

Cu Đê

0

2

0

Tổng số

15

3

5

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 174 trang tài liệu này.

(Nguồn: Tác giả luận án)

Về chất lượng của bến tàu DL đang khai thác đảm bảo được khả năng đón trả khách theo Quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND Quy định về quản lí hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhưng hiện nay, thiết kế và cảnh quan của bến tàu còn rất đơn điệu, chưa có điểm nhấn trong kiến trúc hay mang tính biểu tượng cho hình ảnh của DLĐS ở TP. Đà Nẵng, ở một số bến còn mang nặng tính vận chuyển, không ổn định, dịch vụ tại các bến tàu còn nghèo, như: bến Cảng Sông Hàn, bến Cảng Sông Thu. Riêng bến DHC - Marina là bến du thuyền quốc tế được trang bị hiện đại, có thiết kế và cảnh quan đẹp với hình tượng Cá Chép hóa Rồng và Cầu Tình yêu trở thành biểu tượng của DL TP. Đà Nẵng. Hiện nay đã có bãi đậu xe rộng rãi tại khu bến tàu, nhưng mới chỉ có 1 bãi đậu xe do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Như vậy, bến tàu phục vụ DLĐS ở TP. Đà Nẵng hiện không chỉ thiếu về số lượng bến, phân bố không đồng đều mà chất lượng một số bến còn hạn chế. Do đó, để khai thác DLĐS hiệu quả, cần phải xây dựng thêm nhiều bến tàu thuyền mới trên các sông, đặc biệt tại các điểm DL dọc hai bên bờ sông để liên kết khai thác.


- Hệ thống cầu đường

Mỗi cây cầu có kích thước chiều rộng khẩu độ khoang thông thuyền và chiều cao tĩnh không khác nhau sẽ quy định các luồng tàu chạy và kích cở của tàu thuyền hoạt động. Trên các sông có 29 cây cầu bắc qua, mỗi cây cầu có kích thước rất khác nhau (phụ lục 12). Trên sông Hàn có 6 cây cầu, trừ cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu đi bộ thì các cây cầu còn lại đều là những cây cầu lớn. Các cây cầu có chiều rộng khoang thông thuyền rộng, dao động từ 50 m đến 100 m và chiều cao tĩnh không lớn từ 6 m đến 27,5 m phù hợp cho tàu kích cỡ lớn và trung bình lưu thông tuyến. Riêng cầu Nguyễn Văn Trỗi có kích thước nhỏ hơn, tĩnh không cầu cao 5 m, khoang thông thuyền rộng 30 m nên chỉ phù hợp tàu nhỏ và trung bình. Nhưng cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm ở phía thượng nguồn sông Hàn, do đó cũng ít ảnh hưởng đến tuyến DL trên sông Hàn. Tuy nhiên, để có thể liên kết khai thác DL giữa sông Hàn với các tuyến sông khác thì cần phải nâng gầm cầu Nguyễn Văn Trỗi để tàu có thể lưu thông thuận lợi. Bên cạnh đó, nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn đặc biệt cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý đều có kiến trúc đặc sắc riêng, là những điểm DL hấp dẫn.

Sông Cu Đê có 5 câu cầu bắc qua với bề rộng khổ thông thuyền từ 20 m đến 30 m, riêng cầu Phò Nam rộng 80,4 m. Chiều cao tĩnh không của cầu thấp, chỉ dao động từ 3,5 m đến 5,6 m. Trên sông Cổ Cò có 2 cây cầu với khổ thông thuyền từ 15 m đến 40 m, chiều cao tĩnh không chỉ từ 4,14 m đến 4,25 m. Sông Cẩm Lệ - Túy Loan có 9 cây cầu với khổ thông thuyền rộng 13,5 m đến 40 m, chiều cao tĩnh không cao từ 3,5 m đến 6,5 m, cầu có kích thước hạn chế nhất là cầu Giăng nằm ở thượng nguồn sông Túy Loan. Như vậy, những cây cầu trên các sông này chủ yếu cầu nhỏ hoặc trung bình, do đó hoạt động vận chuyển trên sông chỉ phù hợp với tàu có kích thước trung bình và nhỏ thông qua. Riêng ở một số cầu có chiều cao tĩnh không bằng hoặc thấp dưới 3,5 m và khoang thông thuyền hẹp dưới 13,5 m như cầu Giăng, cầu Túy Loan Cũ (sông Túy Loan), cầu Biện, cầu Cổ Cò (sông Cổ Cò), cầu Đường Sắt Nam Ô, cầu Nam Ô Cũ, cầu Trường Định (sông Cu Đê) và cầu Nguyễn Văn Trỗi (sông Hàn) thì cần phải nâng độ cao tĩnh không và mở rộng khoang thông thuyền để tàu thuyền có thể lưu thông thuận lợi khi khai thác du lịch.


- Báo hiệu trên sông và bờ kè bảo vệ bờ sông

Báo hiệu trên sông phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của thông tư số 73/2011/TT- BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam. Theo đó “các loại báo hiệu được lắp đặt trên các tuyến đường thủy nội địa về hình dáng, màu sắc, tín hiệu ban đêm, ý nghĩa: báo hiệu nhằm hướng dẫn cho các phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa được an toàn, thuận lợi” (Bộ Giao thông Vận tải, 2011). Hiện nay, trên các con sông đã được trang bị 287 báo hiệu, trong đó có 141 biển báo, 132 phao báo hiệu, riêng trên sông Hàn có thêm 4 đăng tiêu được phân bố khác nhau ở các sông. Sông Hàn có 8 phao báo hiệu và 4 đăng tiêu; Sông Cu Đê có 48 biển báo và 24 phao báo hiệu; Cẩm Lệ và Túy Loan có 93 phao báo hiệu và 94 biển báo; Sông Cổ Cò hiện chưa có báo hiệu trên sông. Nhìn chung, số lượng báo hiệu nhiều nhưng phân bố chưa đều, nhiều đoạn sông vẫn còn thiếu. Chất lượng hầu hết báo hiệu đều có tình trạng sử dụng tốt hoặc khá tốt.

Dọc bờ sông đều đã xây dựng một số đoạn bờ kè bảo vệ, tuy nhiên tình trạng bờ kè ở mỗi sông đều khác nhau. Dọc hai bờ sông Hàn đều đã hoàn toàn có bờ kè bảo vệ kiên cố. Dọc 2 bờ các con sông khác ở những khu vực bị sạt lở hoặc địa chất yếu cũng đã có kè bảo vệ bờ: Sông Cẩm Lệ - Túy Loan có 3,07 km; Sông Cổ Cò có 0,5 km; Sông Cu Đê có 2,06 km. Tuy nhiên, số lượng bờ bị tổn thương được gia cố kè còn hạn chế do đó, dọc theo các sông có một số đoạn có dấu hiệu và đang bị sạt lở.

- Cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đường sông

Hệ thống cơ sở lưu trú phục vụ phát triển DLĐS bao gồm cả dịch vụ lưu trú trên sông và trên bờ. Cơ sở lưu trú trên sông là cơ sở phục vụ trực tiếp cho hoạt động của DLĐS, được xây dựng ở trên sông hoặc trong các tàu lớn. Cơ sở lưu trú trên bờ là cơ sở lưu trú hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và lưu trú tại TP. Đà Nẵng khi tham gia hoạt động DLĐS. Hiện nay, khai thác DLĐS của TP. Đà Nẵng vẫn chưa đầu tư xây dựng được cơ sở lưu trú trên sông. Trong khi đó, cơ sở lưu trú trên bờ đã trang bị tốt cả về số lượng và chất lượng. Theo công bố của Sở Du lịch năm 2021, TP. Đà Nẵng có 98 khách sạn, căn hộ và biệt thự được xếp hạng theo tiêu chuẩn sao với 12623 phòng tương ứng (Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, 2021).

Các cơ sở lưu trú dọc hai bên bờ sông khoảng 500 m chủ yếu tập trung dọc sông Hàn. Kết quả khảo sát có 68 cơ sở lưu trú DL đã xếp hạng với 3697 phòng. Trong đó có

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ
Ngày đăng: 29/09/2024