Khái Quát Về Dịch Vụ Ngân Hàng Của Ngân Hàng Thương Mại


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG DÀNH CHO KHÁCH HÀNG CAO CẤP CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1. Khái quát về dịch vụ ngân hàng của ngân hàng thương mại

1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của ngân hàng thương mại

1.1.1.1. Khái niệm ngân hàng thương mại

Khái niệm về NHTM khá đa dạng xét theo mỗi quốc gia, mỗi khu vực.

Tại Mỹ, NHTM “là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất, đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán – và thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế”. Do vậy, các NHTM còn được gọi là các “Bách hóa tài chính – financial department stores” (Peter Rose, 2002).

Tại Trung Quốc, theo quy định của Luật NHTM năm 1995, NHTM là các bộ phận hợp nhất được thành lập theo bộ Luật Công ty để nhận các khoản tiền gửi từ công chúng, cấp các khoản vay, cung cấp các dịch vụ thanh toán và tiến hành các hoạt động kinh doanh có liên quan khác.

Tại Lào, theo quy định của Luật NHTM năm 2006, NHTM là loại hình doanh nghiệp được thành lập theo Luật NHTM, thực hiện các hoạt động ngân hàng, chấp nhận tiền gửi, gia hạn khoản vay, mua bán ngoại tệ, cung cấp các dịch vụ thanh toán và thực hiện đầu tư.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, NHTM là loại hình TCTD có thể “được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận”. Trong đó, hoạt động ngân hàng được định nghĩa là việc “kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”.

Như vậy, mặc dù cách diễn giải khá đa dạng nhưng các nước trên thế giới đều có cách hiểu tương đối thống nhất về NHTM xét trên phương diện các loại hình DVNH mà một NHTM có thể cung cấp. Theo đó, NHTM “là một trong những định chế tài chính có khả năng cung cấp đa dạng nhiều loại hình dịch vụ như nhận tiền


gửi, cho vay, cung ứng các dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong xã hội”.

1.1.1.2. Đặc điểm của ngân hàng thương mại

NHTM là một tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, hoạt động NHTM có những đặc điểm rất khác biệt so với các loại hình dịch vụ khác.

Trước hết, xét về bản chất, NHTM hoạt động kinh doanh với hai hình thức chính là kinh doanh tiền tệ và cung ứng DVNH vì mục tiêu lợi nhuận. Trong đó, hoạt động kinh doanh tiền tệ chính là việc huy động vốn dưới nhiều hình thức, còn hoạt động cung ứng DVNH chính là cung cấp cho khách hàng các dịch vụ liên quan đến tiền tệ, thanh toán nhằm mục đích thu phí hoặc hoa hồng. Như vậy, khác với các doanh nghiệp thông thường, NHTM hoạt động trên cơ chế kinh doanh bằng tiền của tổ chức, cá nhân để thu lợi.

Hai là, NHTM phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Tại hầu hết các quốc gia, NHTM chỉ được thực hiện một số nội dung hoạt động sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có liên quan trong quá trình hoạt động.

Ba là, hoạt động NHTM có mức độ rủi ro cao và mang tính hệ thống, tức là rủi ro của một NHTM có thể dẫn đến những hệ lụy đối với cả hệ thống NHTM. NHTM có vai trò quan trọng dẫn vốn cho nền kinh tế nhờ đặc thù của hoạt động kinh doanh tiền tệ là huy động vốn của người khác để cấp tín dụng cho khách hàng. Chính vì vậy, rủi ro đến từ phía ngân hàng dẫn đến rủi ro cho khách hàng vay tiền, người gửi tiền cũng như cho cả nền kinh tế.

1.1.2. Dịch vụ ngân hàng của ngân hàng thương mại

1.1.2.1. Khái niệm về dịch vụ ngân hàng của ngân hàng thương mại

Cho đến nay, chưa có khái niệm thống nhất về dịch vụ cũng như chưa có cách định nghĩa chính xác nhất về dịch vụ. Trường phái cổ điển quan niệm rằng: “dịch vụ là ngành không tạo ra giá trị”, coi dịch vụ là những ngành “ký sinh”. Từ điển Việt Nam giải thích: “Dịch vụ là các hoạt động phục vụ, nhằm thỏa mãn những nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt” trong khi Luật Giá năm 2013 đưa ra định nghĩa “Dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không tách rời nhau, bao gồm các loại dịch vụ trong hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam theo quy định của pháp luật”. Ngay cả Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) phân loại dịch vụ thành 12 ngành với tổng cộng 155 hoạt động dịch vụ, trong đó DVNH là


một phân ngành thuộc ngành dịch vụ tài chính, tuy nhiên cũng không được định nghĩa cụ thể.

Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về DVNH. Có quan niệm cho rằng: “DVNH không thuộc phạm vi kinh doanh tiền tệ và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng theo chức năng của một trung gian tài chính (cho vay, huy động tiền gửi), chỉ những hoạt động không thuộc nội dung nói trên mới gọi là DVNH (như chuyển tiền, thư ủy thác, mua bán hộ, môi giới kinh doanh chứng khoán…)”. Quan niệm khác lại cho rằng “tất cả hoạt động ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp và công chúng đều là DVNH”.

Luật Các TCTD năm 2010 mặc dù không nêu khái niệm về DVNH nhưng đã chỉ rõ hoạt động ngân hàng là “việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: Nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”. Chương 3 Luật Các TCTD năm 2010 đã quy định các hoạt động NHTM được phép thực hiện gồm 4 nhóm lớn: “huy động vốn, tín dụng, thanh toán và ngân quỹ và các hoạt động khác”. Quy định về hoạt động ngân hàng tại Luật Các TCTD hiện nay cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế (quy định tại Vương quốc Anh, Luật NHTM của Lào, Luật Ngân hàng của Nhật…)

Nói chung, DVNH cần được xem xét trên phương diện rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho doanh nghiệp, cá nhân nhằm mục đích kiếm lời (tiền gửi, tín dụng, thanh toán, ngoại hối…), không bao gồm các hoạt động do NHTM tự làm cho chính mình (đi vay…). Cách tiếp cận này cơ bản phù hợp với phân ngành DVNH theo WTO, GATS cũng như quy định tại các nước phát triển.

Do vậy, DVNH của NHTM là tất cả các dịch vụ mà NHTM cung ứng cho khách hàng liên quan đến tiền tệ, tín dụng, thanh toán… thông qua các kênh phân phối khác nhau nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu dịch vụ tài chính của khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

1.1.2.2. Phân loại dịch vụ ngân hàng của ngân hàng thương mại

- Căn cứ theo cách thức cung cấp dịch vụ, có thể chia DVNH thành DVNH bán buôn và DVNH bán lẻ. Theo đó, DVNH bán buôn là cách thức ngân hàng cung ứng dịch vụ cho các công ty, tập đoàn kinh tế lớn thông qua các trung gian tài chính như các NHTM, các quỹ…; DVNH bán lẻ là cách thức ngân hàng cung ứng dịch vụ cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Căn cứ theo tính chất dịch vụ, DVNH gồm dịch vụ tín dụng ngân hàng và dịch vụ phi tín dụng ngân hàng. Dịch vụ phi tín dụng là dịch vụ được ngân hàng cung ứng cho khách hàng để đáp ứng nhu cầu về tài chính của khách hàng nhằm trực tiếp


hoặc gián tiếp đem lại cho khách hàng khoản thu nhập bằng các khoản phí xác định thu được từ khách hàng, không bao gồm dịch vụ tín dụng.

- Theo thời gian xuất hiện, DVNH gồm DVNH truyền thống và DVNH hiện đại. Trong đó, DVNH truyền thống là DVNH cơ bản của một ngân hàng và đã được thực hiện trong nhiều năm (như dịch vụ tiền gửi, cấp tín dụng, chuyển tiền…). DVNH hiện đại là các dịch vụ mới được đưa vào hoạt động của ngân hàng, được ra đời trên nền tảng công nghệ mới, đem lại tiện ích mới cho khách hàng (DVNH điện tử).

- Căn cứ theo đối tượng cung cấp dịch vụ, có nhiều cách phân loại khác nhau như DVNH dành cho cá nhân, doanh nghiệp, định chế tài chính… Tuy nhiên, gắn với xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện đại cũng như mục tiêu hướng tới trong tương lai của các NHTM, có thể phân chia nhóm khách hàng cá nhân thành 2 đối tượng để các ngân hàng cung ứng dịch vụ, gồm DVNH dành cho khách hàng thông thường và DVNH dành cho KHCC. Tại luận án này, tác giả tập trung nghiên cứu DVNH dành cho KHCC và sự phát triển DVNH dành cho KHCC tại các NHTM ở Việt Nam.

1.2. Dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cao cấp của ngân hàng thương mại

1.2.1. Khách hàng cao cấp

1.2.1.1. Khái niệm về khách hàng cao cấp

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các ngân hàng, việc xác định đúng đối tượng khách hàng là một bài toán khó mà các ngân hàng đều rất chú trọng để có thể vừa tạo nên sự khác biệt, vừa đem lại nguồn thu cho ngân hàng.

Vận dụng lý thuyết về phân đoạn thị trường trong marketing, các ngân hàng tiến hành chia nhỏ một thị trường không đồng nhất thành nhiều thị trường nhỏ hơn và thuần nhất hơn nhằm thỏa mãn tốt nhất các khách hàng có những thuộc tính tiêu dùng và nhu cầu khác nhau. Mục đích của hành động này là để nhóm các khách hàng đơn lẻ vào một phân đoạn tùy theo sự giống nhau hoặc khác nhau về nhu cầu sản phẩm. Do các nhu cầu không hiện hữu một cách rõ ràng, nên các nhà nghiên cứu về khoa học hành vi đã phải sử dụng đến các biến số thay thế. Các biến số này được chọn trên cơ sở giả định mức độ tương quan và liên đới với hành vi – được hiểu là các tiêu chí để phân đoạn thị trường (Trịnh Quốc Trung, 2014).

Có nhiều tiêu chí có thể phân đoạn thị trường khách hàng cá nhân như nhân khẩu học (giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác) hoặc tiêu chí kinh tế xã hội (thu nhập, của cải, tầng lớp kinh tế xã hội) (Meidan, 1984; Tina Harrison, 1994; Trịnh Quốc Trung,


2014) hoặc tổng hợp của nhiều tiêu chí như: nguồn của cải, nhu cầu của khách hàng, phong cách sống, độ nhạy cảm về giá của khách hàng (Molyneux và Ormarini, 2005) hay giá trị tài sản của khách hàng, hoàn cảnh gia đình, kế hoạch tương lai, mức độ chấp nhận rủi ro và thu nhập kỳ vọng (Christer, Olof, Peter, 2012).

Tuy nhiên, nếu một ngân hàng dựa vào tiêu chí nhân khẩu học để phân đoạn khách hàng cá nhân thì sẽ gặp khó khăn trong việc cung ứng các dịch vụ cho khách hàng vì phải thiết kế nhiều loại dịch vụ khác nhau cho từng nhóm khách hàng có đặc điểm nhân khẩu học khác nhau. Trường hợp phân đoạn thị trường theo tiêu chí tầng lớp xã hội – là việc sắp xếp những nhóm người có cùng cách ứng xử, thiên hướng và giá trị so với những thành viên khác trong cùng nhóm, các ngân hàng phải căn cứ vào các thông tin chi tiết về nghề nghiệp, trình độ, trách nhiệm và quyền hạn nơi họ đang và đã làm việc trong khi tất cả các yếu tố này đều mang tính định tính và tốn nhiều thời gian để thu thập.

Căn cứ vào mức thu nhập, có thể chia thị trường thành những cấp độ khác nhau như thu nhập cao, trung bình, thấp. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì việc phân cực trong phân phối thu nhập ngày càng có xu hướng gia tăng, một số nhỏ cá nhân sẽ chiếm hữu ngày càng nhiều tài sản của xã hội. Năm 2015, chỉ 62 người giàu sở hữu số tài sản bằng nửa số tài sản của dân số nghèo nhất trên thế giới, và nhóm một phần trăm giàu nhất sở hữu nhiều tài sản hơn tài sản của chín mươi chín phần trăm dân số thế giới cộng lại (Oxfam, 2017). Chính vì vậy, những nhóm cá nhân có thu nhập cao ngày càng được các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính quan tâm nhiều hơn, từ đó hình thành nên khái niệm khách hàng cao cấp (KHCC) và dịch vụ ngân hàng (DVNH) dành cho KHCC - dịch vụ mà các nhà cung ứng phục vụ cho những khách hàng hàng đầu của họ (Rock-Mach, 1994) và những khách hàng giàu có (Schierenbeck, 1998); là “loại hình dịch vụ tập trung vào việc thu hút và phục vụ thị trường cá nhân có thu nhập cao” (Garder và Mills, 1994) (dẫn theo Stefan, 2012).

Trên thế giới, các tổ chức tài chính hoặc các nhà nghiên cứu dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để xác định cá nhân có thu nhập cao, thông thường bao gồm: thu nhập bình quân (gross income), tài sản tài chính có tính thanh khoản (liquid financial assets), tài sản có thể đầu tư (investible assets), giá trị của cải ròng (networth - hay còn gọi là giá trị tài sản ròng của các khoản nợ) hay giá trị tài sản do ngân hàng quản lý (AuM – asset under management).


Bảng 1.1. Một số tiêu chí xác định cá nhân có thu nhập cao


STT

Tiêu chí

Giá trị

(nghìn USD)

Phân loại

1

Giá trị tài sản ròng

(tài sản tài chính + tài sản phi tài chính – các khoản nợ)

>= 500

Micheal Atz (1999)

2

>= 500

Pricewaterhouse Cooper (2005)

3

Giá trị tài sản có thể đầu tư

(là các tài sản tài chính có khả năng thanh khoản, không bao gồm bất động sản hoặc tài sản dùng hàng ngày).

>= 1.000 (cao)

>= 30.000 (siêu cao)

Capgemini/Merill Lynch (2011)

4

Giá trị tài sản quản lý

(gồm tiền mặt, tiền gửi, các quỹ tương hỗ)

>= 1.000 (cao)

>= 5.000 (rất cao)

Boston (2011,

2013)

5

Thu nhập bình quân hàng năm

>= 150

Maune David (2006)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Phát triển dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cao cấp tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 3

Nguồn: tổng hợp của tác giả

Với cách xác định khá đa dạng như trên, nhiều ngân hàng trên thế giới cũng đưa ra các tiêu chuẩn riêng để một khách hàng được sử dụng DVNH dành cho KHCC của ngân hàng.

Bảng 1.2. Tiêu chí phân loại khách hàng cao cấp tại một số ngân hàng trên thế giới


Ngân hàng

Tiêu chí

ICBC (Trung Quốc)

- Tài sản tài chính tại ngân hàng từ 8 triệu RMB trở lên (tương đương khoảng 1,25 triệu USD);

- Lịch sử tín dụng tốt

Hana (Hàn Quốc)

- Tài sản tài chính tại ngân hàng từ 1 triệu USD trở lên

Westpac Bank (Úc)

- Tài sản đầu tư (không bao gồm tài sản của gia đình họ) trên 1,5 triệu USD; hoặc

- Tổng tài sản đầu tư, vay, gửi tiền trên 2,5 triệu USD; hoặc

- Thu nhập bình quân trên 400.000 USD/năm.

UBS (Thụy Sỹ)

- Tài sản tài chính tại ngân hàng từ 1 triệu USD trở lên

Citibank (Mỹ)

- Giá trị tài sản quản lý từ 25 triệu USD trở lên

Nguồn: website của các ngân hàng

Có thể thấy rằng, tiêu chí xác định KHCC của các ngân hàng trên thế giới khá tương đồng với tiêu chí xác định cá nhân có thu nhập cao được các tổ chức quốc tế đưa ra. Điều này cũng phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của các quốc gia đó.


Tại Việt Nam, Tổng Cục thống kê đã phân loại 05 nhóm thu nhập (chia đều mỗi nhóm có 20% dân số bao gồm: rất nghèo, nghèo, trung bình, giàu, rất giàu), trong đó nhóm giàu và rất giàu có thu nhập bình quân một tháng tương ứng là 2,222 triệu đồng và 4,784 triệu đồng (năm 2012); 2,830 triệu đồng và 6,413 triệu đồng (năm 2014). Tuy nhiên, theo Tạp chí Economist (2015), xét trên bình diện thu nhập của các hộ gia đình, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao thứ 3 thế giới. Nếu như năm 2010, Việt Nam có 16 hộ với tài sản từ 100.000 USD đến 2 triệu USD, thì tới 2014, con số này là 57. Mặt khác, theo công bố thông tin của Vnexpress, trong năm 2015, 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có giá trị tài sản trên 138 tỷ đồng, trong đó có 15 người có giá trị tài sản trên 1.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ sự phân hóa thu nhập tại Việt nam khá lớn.

Mặc dù vậy, so với các nước trên thế giới, thu nhập trung bình tại Việt Nam còn ở mức thấp.

Bảng 1.3. Thu nhập trung bình của một số nước trên thế giới



Quốc gia


Nhóm thu nhập 2016

GDP bình quân đầu người trưởng thành (USD)

2016

Giá trị của cải/ người

trưởng thành (USD)


Tổng giá trị của cải (2016) –

tỷ USD

Thị phần so với của cải thế giới (%)


2010


2016

Mỹ

Thu nhập cao

75.992

206.116

344.692

84.784

33,2

Úc

Thu nhập cao

99.452

103.151

375.573

6.428

2,5

Pháp

Thu nhập cao

61.991

103.619

224.365

11.891

4,7

Trung

Quốc

Thu nhập trung

bình thấp

10.795

5.672

22.864

23.393

9,1

Malaysia

Thu nhập trung

bình cao

20.100

8.342

24.429

474

0,2

Singapore

Thu nhập cao

67.884

112.757

276.885

1.138

0,4

Việt Nam

Thu nhập thấp

2.802

1.727

5.275

342

0,1

* Người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên Nguồn: Globalwealth data book, Credit Cuisse (2016)

Chính vì mức thu nhập thấp hơn so với các quốc gia khác trên thế giới, các ngân hàng ở Việt Nam cũng có những tiêu chí nhất định để phân loại KHCC nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trên thế giới.


Bảng 1.4. Phân loại khách hàng cao cấp tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam


STT

Ngân hàng

Tiêu chí khách hàng cao cấp

1

Vietinbank

Kim cương: Tiền gửi bình quân quý >= 5 tỷ đồng. Tiền vay bình quân quý>= 5 tỷ đồng; Bạch kim: Tiền gửi bình quân quý >= 3 tỷ đồng. Tiền vay bình quân quý>= 3 tỷ đồng; Vàng: Tiền gửi bình quân quý >= 1 tỷ đồng. Tiền vay bình quân quý>= 2 tỷ đồng;

Bạc: Tiền gửi bình quân quý >= 500 triệu đồng. Tiền vay bình quân quý>= 1 tỷ đồng;

2

BIDV

Số dư tiền gửi bình quân theo Quý đạt từ 01 tỷ đồng trở lên

3

Techcombank

Bạch kim: Tiền gửi bình quân 3 tháng >= 5 tỷ đồng.

Số dư tài khoản thanh toán bình quân 3 tháng >= 400 triệu đồng. Sản phẩm đầu tư, cấu trúc với giá trị giao dịch >= 5 tỷ đồng Vàng: Tiền gửi bình quân 3 tháng: từ 1 tỷ <= 5 tỷ đồng.

Số dư tài khoản thanh toán bình quân 3 tháng: từ 80<= 400 triệu đồng.

Bạc: Tiền gửi bình quân 3 tháng từ 500 triệu đồng <= 1 tỷ đồng.

Số dư tài khoản thanh toán bình quân 3 tháng từ 40 triệu đồng <= 80 triệu đồng. Dư nợ tín dụng >= 2 tỷ đồng.

4

Eximbank

- Liên tục trong 6 tháng đầu năm, hoặc liên tục trong 6 tháng cuối năm, mỗi tháng khách hàng có số dư tiền gửi bình quân trong tháng >=3 tỷ đồng, hoặc:

- Liên tục trong 6 tháng đầu năm, hoặc liên tục trong 6 tháng cuối năm, mỗi tháng khách hàng

có số dư tiền vay bình quân trong tháng >= 3 tỷ đồng và không phát sinh nợ xấu.

5

MB

Tiền gửi thời điểm (có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên) >=2 tỷ.

Dư nợ thời điểm >= 4 tỷ đồng (Hoặc dư nợ ô tô >= 2 tỷ đồng). Sản phẩm đầu tư, bảo hiểm >= 500 triệu đồng

6

Sacombank

Tổng giá trị tài khoản tại thời điểm từ 5 tỷ đồng tại TP.HCM và 3 tỷ đồng tương đương tại

các tỉnh thành khác

7

TPBank

Platinum: tích lũy đủ >= 375.000 điểm xếp hạng, hoặc mức chi tiêu lũy kế qua thẻ 03 tháng liên tiếp >=3,75 tỷ đồng, hoặc mức tiền gửi bình quân 03 tháng liên tiếp > 15 tỷ VNĐ;

Gold: tích lũy đủ từ 125.000 điểm đến < 375.000 điểm xếp hạng, hoặc mức chi tiêu lũy kế qua thẻ 03 tháng liên tiếp từ 1,15 - 3,75 tỷ đồng, hoặc mức tiền gửi bình quân 03 tháng liên tiếp từ 05 -15 tỷ VNĐ;

Titan: tích lũy đủ từ 25.000 điểm đến < 125.000 điểm xếp hạng, hoặc mức chi tiêu lũy kế

qua thẻ 03 tháng liên tiếp từ 250 triệu - 1,25 tỷ đồng, hoặc mức tiền gửi bình quân 03 tháng liên tiếp từ 01 - 05 tỷ VNĐ.

8

ACB

Tổng số dư bình quân 6 tháng là 2 tỷ đồng (hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương)

9

VPBank

Duy trì số tiền gửi tiết kiệm tại VPBank từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc 80 triệu trở lên trong tài

khoản giao dịch (trong vòng 3 tháng)

10

MSB

Diamond: Tiền gửi bình quân 3 tháng không kỳ hạn >= 600 triệu đồng; có kỳ hạn >= 5 tỷ đồng; doanh số giao dịch trong 3 tháng gần nhất đối với thẻ tín dụng >= 1,2 tỷ đồng; thẻ ghi nợ >=1,2 tỷ đồng; giao dịch ngân hàng điện tử >= 1,5 tỷ đồng; đóng phí đầu tư >= 1 tỷ đồng; phí bảo hiểm >= 600 triệu đồng.

Platinum: Tiền gửi bình quân 3 tháng không kỳ hạn >= 300 triệu đồng; có kỳ hạn >= 2 tỷ đồng; doanh số giao dịch trong 3 tháng gần nhất đối với thẻ tín dụng >= 600 triệu đồng; thẻ ghi nợ >=600 triệu đồng; giao dịch ngân hàng điện tử >= 750 triệu đồng; đóng phí đầu tư >= 500 triệu đồng; phí bảo hiểm >= 300 triệu đồng.

Gold: Tiền gửi bình quân 3 tháng không kỳ hạn >= 60 triệu đồng; có kỳ hạn >= 500 tỷ đồng; doanh số giao dịch trong 3 tháng gần nhất đối với thẻ tín dụng >= 120 triệu đồng; thẻ ghi nợ >=120 triệu đồng; giao dịch ngân hàng điện tử >= 150 triệu đồng; đóng phí đầu

tư >= 100 triệu đồng; phí bảo hiểm >= 60 triệu đồng

11

Standard

Chartered VN

Tài khoản có số dư >= 50.000 USD hoặc tương đương

12

ANZ VN

Tài khoản có số dư >= 50.000 USD hoặc tương đương

13

Hongleong VN

Số dư tài khoản đầu kỳ từ 1,2 tỷ đồng trở lên

14

HSBC VN

Tổng giá trị tài sản duy trì >=1 tỷ đồng hoặc giá trị ngoại tệ tương đương trong tài khoản

tiền gửi và danh mục đầu tư tại ngân hàng.

Nguồn: thông tin từ website của các ngân hàng

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/11/2022