ca hát”, hội thi giáo dục làng nghề truyền thống, thi tay nghề khéo...; thông qua tổ chức lễ hội truyền thống ở các làng, xã, huyện, tỉnh và thông qua các khẩu hiệu, băng rôn, áp phích treo nơi công cộng hoặc dán ở nhà văn hóa của thôn, của tổ. Bằng những hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo, về cơ bản các địa phương vùng ĐBSH đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng của người dân trong xây dựng GĐVH, cũng như trong thực hiện các công việc chung của cộng đồng làng, xã.
Phát huy ý thức cộng đồng trong gia đình, các gia đình thuộc khu vực ĐBSH đã không ngừng củng cố, vun đắp, xây dựng mối quan hệ gắn bó keo sơn không chỉ trong gia đình, dòng họ mà còn mở rộng ra đối với làng xóm, quê hương, đất nước. Mặc dù, trong thời gian qua sự tác động mạnh mẽ của phát triển KTTT, đô thị hóa đã làm biến đổi cấu trúc làng xã nông thôn (nhiều làng lên phố), tác động làm biến đổi cấu trúc gia đình, mối quan hệ trong gia đình... nhưng nhìn chung, trong cốt cách của mỗi con người, mỗi gia đình vẫn lưu giữ được những tình cảm yêu thương, đoàn kết, gắn bó với xóm làng, quê hương, đất nước. Điều này thể hiện rất rõ khi trong làng xóm, tổ dân phố có một gia đình nào đó có việc vui, buồn, tang ma, hiếu, hỉ...đều được mọi người xung quanh, tự nguyện đến chia sẻ, động viên, giúp đỡ. Ngoài ra, ý thức cộng đồng trong gia đình được kế thừa, phát huy còn thông qua việc các gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia vào các phong trào thi đua do chính quyền, đoàn thể các cấp phát động như: Người tốt, việc tốt, phong trào các gia đình giúp nhau nuôi dạy con tốt, giúp nhau cùng xây dựng, phát triển kinh tế giỏi, phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phong trào Chung một tấm lòng, Xây dựng Quỹ vì người nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa... Ví dụ, tại tỉnh Bắc Ninh, trong công tác đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, trong 5 năm gần đây đã vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo với số tiền lên đến 43 tỷ đồng, xây được 1.008 nhà Đại đoàn kết...Vận động Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ xây dựng 40 nhà ở cho hộ nghèo (mỗi hộ 50 triệu đồng, tổng hỗ trợ là 2 tỷ đồng)...làm cho tỷ lệ nghèo 4,5% năm 2010 giảm xuống còn 2,2% theo tiêu chí cũ, 3,53% theo tiêu chí mới vào năm 2015... [143].
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc phát huy giá trị ý thức cộng đồng trong gia đình của khu vực ĐBSH vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nội dung này ở một số nơi, một số chỗ còn thiếu nghiêm túc,
thiếu sự quan tâm và đôi khi còn mang tính hình thức; Trong nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã do việc duy trì và đề cao thái quá tính cộng đồng cũng dẫn đến những mặt hạn chế, tiêu cực, cụ thể như: đẻ bằng được con trai để có người nối dõi tông đường; phủ định vai trò của cá nhân, san bằng cá tính dẫn đến chủ nghĩa bình quân; triệt tiêu tính sáng tạo, tư duy theo thói quen đám đông; tính địa phương, cục bộ, tư tưởng bè phái, vây cánh tồn tại thái quá nên dẫn đến hiện tượng coi thường pháp luật “Phép vua thua lệ làng”; tư tưởng trọng danh hão, coi trọng địa vị gia đình, dòng họ của một số dòng họ lớn hoặc gia đình có chức sắc, có quyền lực trong cộng đồng mà coi thường gia đình, dòng họ nhỏ hơn…
3.2. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
3.2.1. Mâu thuẫn giữa sự cần thiết phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa với hạn chế trong nhận thức về giá trị và phát huy giá trị gia đình truyền thống của người dân ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay
Thứ nhất, nhận thức về giá trị GĐTT hiện nay chưa thật sự thống nhất, còn “xơ cứng”, chưa theo kịp với sự biến đổi dạng thức của nó trong xã hội hiện đại. Chẳng hạn như: sự thủy chung, hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng trước kia chủ yếu đặt ra, đòi hỏi từ phía người vợ, còn người chồng thì không bắt buộc nhưng trong xã hội hiện đại chuẩn mực này yêu cầu phải xuất phát từ cả hai phía; hoặc khi bàn về chữ “Hiếu” trong xã hội trước kia, con cháu phải thường xuyên đến chăm sóc bố mẹ, ông bà, ra thưa vào gửi. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, con cái vì một lý do nào đó sống ở rất xa, họ vẫn có thể hằng ngày nói chuyện, thăm hỏi bố mẹ thông qua việc sử dụng những công cụ hỗ trợ từ công nghệ thông tin như: qua Internet, qua điện thoại di động... Như thế, chữ Hiếu vẫn tồn tại một cách rất rõ nét trong xã hội hiện đại, song nó ở một dạng thức hoàn toàn khác. Muốn nắm bắt được sự tồn tại đó, đòi hỏi chúng ta cần có sự nghiên cứu, nhận diện hết sức tinh tế, khách quan và hợp lý để từ đó xác định chuẩn xác các giá trị GĐTT cần phát huy và các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể hóa các giá trị này trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH, đồng thời phải tuyên truyền rộng rãi để nhân dân trong vùng nhận thức rõ, thống nhất và cùng nhau thực hiện.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Nội Dung, Phương Thức, Chủ Thể Phát Huy Giá Trị Giáo Dục Của Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng Đồng Bằng Sông
- Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12
- Thực Trạng Nội Dung, Phương Thức, Chủ Thể Phát Huy Giá Trị Tâm Lý, Tình Cảm Của Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng Đồng Bằng
- Mâu Thuẫn Giữa Sự Cần Thiết Phát Huy Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Với Hạn Chế Về Các Điều Kiện Để Phát Huy Ở
- Phát Huy Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng Đồng Bằng Sông Hồng Phải Gắn Với Chiến Lược Giáo Dục Và Đào Tạo Nguồn
- Kiện Toàn Hệ Thống Tổ Chức Bộ Máy Và Đội Ngũ Cán Bộ Quản Lý Về Công Tác Gia Đình Nhằm Phát Huy Có Hiệu Quả Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
Thứ hai, nhận thức về sự cần thiết phải kế thừa phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại nhận thức theo hai xu hướng đối lập nhau, cụ thể: có 13,2% số người được hỏi cho rằng không cần thiết phải phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH hiện nay. Trong đó, đáng chú ý ở Hà Nội, Vĩnh Phúc có số lượng người chọn cao nhất tương ứng là 20% và 17%, so với Thái Bình 9%, Nam Định 10% (Phụ lục 1.1). Sở dĩ có kết quả chênh lệch gấp đôi như trên, theo tác giả là do Hà Nội là thủ đô, còn Vĩnh Phúc là tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh, quá trình CNH, HĐH, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ mang đến cho nhiều gia đình những cơ hội phát triển, làm giàu một cách nhanh chóng. Nên một số người cho rằng xã hội mới thì tất yếu phải xây dựng gia đình mới và gia đình ấy phải xóa bỏ toàn bộ hệ giá trị của xã hội cũ mà theo họ là lạc hậu, cổ hủ để thay bằng những yếu tố mới của thời đại mới; Còn tỉnh Thái Bình, Nam Định về cơ bản kinh tế chủ yếu vẫn là phát triển nông nghiệp, chịu ảnh hưởng ít hơn từ quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế so với các tỉnh khác trong vùng nên nơi đây người dân về cơ bản vẫn giữ và duy trì các giá trị GĐTT trong đời sống gia đình. Trên thực tế, đối lập với xu hướng muốn xóa bỏ, không muốn phát huy giá trị của GĐTT, một số gia đình lại cho rằng phải kiên quyết giữ giá trị của GĐTT. Cả hai xu hướng trên đều nhận thức sai lệch, mang tính chất cực đoan, tuyệt đối hóa một chiều. Trên thực tế, gia đình là thiết chế đặc biệt của xã hội, là tế bào của xã hội, nên khi xã hội thay đổi thì gia đình cũng phải biến đổi theo cho phù hợp. Tuy nhiên, sự biến đổi này là sự biến đổi theo chiều hướng tích cực, nghĩa là trên con đường phát triển của mình GĐTT sẽ lưu giữ, phát huy những giá trị tích cực, loại bỏ dần những yếu tố hạn chế, hủ tục tàn dư của xã hội cũ, đồng thời đón nhận, tiếp thu những yếu tố mới, những giá trị nhân văn, tiến bộ của thời đại mới. Nói cách khác, gia đình trong giai đoạn hiện nay phải là GĐVH, kết hợp được giữa những giá trị tích cực của GĐTT với những yếu tố tiến bộ hiện đại phù hợp với thuần phong, mỹ tục, với văn hóa của vùng ĐBSH, của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, có xây dựng được GĐVH, trong đó các giá trị GĐTT được phát huy mạnh mẽ trong từng gia đình, lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thì những tiêu cực do KTTT, TCH và hội nhập quốc tế đưa tới mới bị hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi.
Vì vậy, để người dân nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sự cần thiết phải phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay, chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục giá trị văn hóa truyền thống nói chung, giá trị GĐTT ở vùng ĐBSH nói riêng và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó.
3.2.2. Mâu thuẫn giữa tầm quan trọng của việc phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa với hạn chế trong phương thức triển khai thực hiện
Công tác tuyên truyền nói chung, việc sử dụng phương pháp, hình thức tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình nói riêng của các tỉnh thuộc vùng ĐBSH trong thời gian qua về cơ bản là tốt. Nhiều hình thức đã được sử dụng để tuyên truyền như: dùng pano, áp phích, biển tường, bảng treo, băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sách báo, tài liệu, hệ thống phát thanh truyền hình, hội thi, hội diễn văn nghệ, tọa đàm và mở các lớp tập huấn [113]; [115]; Thông qua nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền đã nâng cao được nhận thức của các cấp, các ngành, các gia đình, cá nhân và cả cộng đồng xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, của việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH, lối sống văn hóa… trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của địa phương, đất nước; giúp họ hiểu sâu hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền vẫn còn có những điểm hạn chế, bất cập như:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền có nơi, có lúc chưa đủ mạnh, có bề rộng nhưng thiếu chiều sâu, nội dung chưa sâu sắc, phương thức chưa đa dạng, phong phú, chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị GĐTT có nơi, có lúc không được tiến hành thường xuyên, liên tục và chưa đủ mạnh. Nội dung tuyên truyền, giáo dục đôi khi còn mờ nhạt, thiếu sâu sắc. Việc sử dụng các phương thức, hình thức tuyên truyền mặc dù nhiều nhưng thiếu tính đồng bộ, rập khuôn, xơ cứng, máy móc và hình thức. Qua khảo sát của tác giả vẫn còn 13,8% số người được hỏi đánh giá cho rằng việc sử dụng phương thức, hình thức tuyên truyền của địa phương nơi cư trú chưa tốt, chưa linh hoạt, chưa sát với từng khu vực, từng địa phương (Phụ lục 2.3). Ví
dụ, theo kết quả điều tra, người dân ở Thái Bình, Nam Định cho rằng nên sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng, nói nhiều lần qua loa truyền thanh, qua giao tiếp, trao đổi trực tiếp thông qua họp sinh hoạt thôn, tổ hoặc thông qua sân khấu hóa, đến từng nhà phát tài liệu. Không nên tuyên truyền bằng hình thức sử dụng internet gửi email… vì nhìn chung nhiều người dân vẫn chưa có điều kiện để dùng kết nối mạng. Ngược lại, những tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… thời gian lao động của người dân rất lớn, thời gian rảnh rỗi không nhiều, việc hội họp thường xuyên để tuyên truyền rất khó, thì việc tuyên truyền thông qua sử dụng internet lại mang lại hiệu quả lớn.
Thứ hai, công tác tuyên truyền chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. ĐBSH là một trong ba trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất của cả nước, việc tuyên truyền, giáo dục phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH, tuyên truyền đạo đức, lối sống, truyền thống, bản sắc văn hóa vùng, dân tộc cũng như các kỹ năng, kiến thức khác của gia đình đến với học sinh, sinh viên có điều kiện thuận lợi hơn những vùng khác, nhưng về cơ bản kết quả thực hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng và lợi thế của vùng.
Thứ ba, việc tuyên truyền giáo dục còn có biểu hiện phiến diện, một chiều, đề cao thái quá một phương thức, nội dung theo ý chủ quan. Trong công tác tuyên truyền đã có nơi, có lúc biểu hiện sự phiến diện, một chiều, tuyệt đối hóa một phương thức, nội dung khiến cho người tiếp nhận nhàm chán, hoặc cho rằng đó là vấn đề truyền thống rất quan trọng, nên trong quá trình phát huy vô tình lại khơi dậy, làm bùng phát cả những mặt hủ tục, lạc hậu tàn dư của xã hội cũ. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các làng xã đang đua nhau, ra sức khôi phục lại các lễ hội truyền thống, khôi phục và xây dựng hương ước, quy ước của làng xã, dòng tộc, gia đình… thì việc khơi dậy những hủ tục núp dưới danh nghĩa bảo tồn văn hóa truyền thống mà không kiểm soát được sẽ gây hậu quả xấu, tác động tiêu cực đến gia đình và cộng đồng xã hội.
Như vậy, từ những mâu thuẫn, hạn chế, bất cập nêu trên, để phát huy tốt giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH, các tỉnh vùng ĐBSH cần tăng cường và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị thuộc các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân, nhất là tuyên truyền,
giáo dục đến từng thành viên trong gia đình với những phương pháp, hình thức đa dạng, phong phú và thích hợp.
3.2.3. Mâu thuẫn giữa sự cần thiết phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa với bất cập trong hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình ở vùng đồng bằng sông Hồng
Nhìn chung, về cơ bản hầu hết các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH đã xây dựng được hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình. Đội ngũ này vừa làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh, vừa trực tiếp quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phát triển gia đình nói chung, phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH nói riêng. Trong hệ thống đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh vùng ĐBSH có vai trò to lớn, nhất là trong việc chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành khác làm công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung Chỉ thị, Nghị quyết các cấp, nội dung các đề án về công tác gia đình. Nhờ đó mà nhận thức về vai trò, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành vùng ĐBSH trong việc tham gia phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH nói riêng và các công tác liên quan đến gia đình nói chung ngày càng được nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình ở vùng ĐBSH cũng còn nhiều hạn chế và bất cập. Cụ thể:
Về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và số lượng cán bộ
Tổ chức bộ máy quản lý về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình ở cấp tỉnh (Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch) vùng ĐBSH là hợp lý vì đã có bộ phận chuyên trách (Phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình) và lực lượng cán bộ tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức được quy định tại Nghị định số 02/2013/ NĐ - CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về Công tác gia đình (phụ lục 6). Song, cơ cấu tổ chức và cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện, xã còn nhiều bất cập. Phần lớn các huyện chưa có bộ phận chuyên sâu và cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình riêng biệt. Nhất là ở cấp xã, phường, các cán bộ làm công tác này thường phải kiêm nhiệm rất nhiều việc như: phụ
trách điều chỉnh âm li - loa đài, trang trí hội trường các hội nghị; treo pano, cờ, băng zôn khẩu hiệu các ngày lễ, tết; chuẩn bị các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... nên khó có thể làm tốt công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, trong khi đây là cấp cơ sở, là địa bàn thực thi mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tất cả các lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội nói chung, lĩnh vực văn hóa, gia đình nói riêng.
Về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình
Tại các địa phương vùng ĐBSH, phần lớn cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình ở cấp tỉnh (sở) có trình độ tốt nghiệp đại học trở nên, có năng lực nghiên cứu, tham mưu, dự thảo văn bản hướng dẫn và sử dụng công nghệ thông tin trong công tác (phụ lục 6). Song, ở cấp huyện, nhất là ở cấp xã thì trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình còn nhiều hạn chế (do chưa có cán bộ chuyên trách mà chủ yếu do Trưởng ban Văn hóa xã kiêm nhiệm). Nhiều cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình lực lượng còn mỏng, chưa đúng chuyên ngành đào tạo. Ví dụ như tỉnh Hưng Yên, cán bộ được đào tạo các ngành về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình chiếm 36%; các ngành khoa học xã hội chiếm 14%; các ngành khác chiếm 50% [113]. Nhiều cán bộ mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học được nhận vào để làm công tác văn hóa gia đình, nhưng còn quá trẻ, chưa xây dựng gia đình riêng, thiếu kinh nghiệm công tác, nhất là khả năng tổ chức, tuyên truyền vận động, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Do cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý chưa được hoàn thiện và đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa hạn chế về trình độ lại phải kiêm nhiệm nhiều việc, chưa tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về văn hóa gia đình nên công tác quản lý nhà nước về gia đình gặp nhiều khó khăn và kết quả đạt được thường không cao.
Nhiều nơi, nhiều lúc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, chưa sâu sát; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu đồng bộ; một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về gia đình; việc quán triệt, triển khai các văn bản chưa đầy đủ, kịp thời [105]; [117].
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, nghiên cứu, điều tra thu thập, thống kê số liệu về gia đình và các vấn đề liên quan đến gia đình đã được các tỉnh vùng ĐBSH chú trọng triển khai nhưng do năng lực hạn chế hoặc nhiều nơi thiếu quan tâm nên đạt hiệu quả chưa cao (phụ lục 6).
Từ thực trạng nêu trên, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới của vùng ĐBSH là phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý về gia đình để có một hệ thống tổ chức bộ máy hợp lý, có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình đủ về số lượng, có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay.
3.2.4. Mâu thuẫn giữa sự thiếu hụt các thiết chế về công tác gia đình với phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa
Các thiết chế về công tác gia đình nói chung, xây dựng GĐVH nói riêng đã được Đảng, Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp) quan tâm xây dựng. Đó là hệ thống các văn bản pháp quy bao gồm: các Luật và văn bản dưới Luật như Nghị định (Chính phủ), Thông tư (các Bộ ngành) và các văn bản chỉ đạo của địa phương... Hiện nay, trong lĩnh vực gia đình, chúng ta đã có: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật trẻ em; Luật người cao tuổi; các Nghị định cụ thể hóa, các Thông tư hướng dẫn thi hành các Luật này và Nghị định số 02/2013/ NĐ - CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về Công tác gia đình cùng nhiều văn bản pháp luật khác. Hệ thống văn bản pháp luật nêu trên cùng các văn bản chỉ đạo, quản lý của Bộ ngành, địa phương được ban hành, có hiệu lực đã đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách về văn hóa, gia đình nói chung, xây dựng nếp sống văn hóa, GĐVH trong đó có việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể:
Một là, qua nghiên cứu cho thấy Việt Nam chưa có Luật bảo tồn các giá trị gia đình truyền thống, nên các quy định liên quan đến việc giữ gìn, phát huy giá trị GĐTT trong việc xây dựng GĐVH trong hệ thống pháp luật còn mờ nhạt, lại phân tán trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật hôn nhân gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật dân sự (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 24 - 11 - 2015). Thậm chí, ngay trong 03 tiêu chuẩn, 11 tiêu chí công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”