mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tại Thông tư số 12/2011/TT- BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 cũng có điểm chưa thật rõ. Trong văn bản này, tại tiêu chuẩn thứ 2: “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng” có đoạn viết: “...Giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống...” [18, tr.3], nhưng các giá trị văn hóa gia đình truyền thống gồm những giá trị gì, thì không nói rõ. Chính từ chỗ Thông tư này chưa chi tiết rõ ràng, nên các địa phương đã cụ thể hóa khác nhau (Ví dụ: Thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa thành 4 tiêu chuẩn với 22 tiêu chí, tỉnh Bắc Ninh 5 tiêu chuẩn với 24 tiêu chí công nhận danh hiệu ”Gia đình văn hóa”...).
Hai là, vùng ĐBSH có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, là một trong những cái nôi của văn hóa truyền thống Việt Nam, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều GĐTT và hiện nay được xác định là “địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế...”, nhưng chưa xây dựng được chiến lược phát triển về văn hóa, gia đình của vùng. Tất nhiên, là một vùng kinh tế, xã hội của nước Việt Nam, ĐBSH phải quán triệt và thực hiện mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của cả nước, song cũng cần có chiến lược phát triển của riêng vùng để cụ thể hóa với những chỉ tiêu, giải pháp, tiến độ thực hiện phù hợp đặc điểm vùng và thể hiện được vị trí, vai trò của vùng.
Ba là, muốn làm tốt công tác xây dựng nếp sống văn hóa và xây dựng GĐVH, các cán bộ văn hóa xã, phường phải dựa vào đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhưng ngoài trưởng thôn, tổ trưởng có chế độ thù lao chức vụ, hầu như cán bộ làm công tác gia đình dưới cơ sở (thôn, xóm, tổ dân phố) chỉ làm việc bằng lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, chưa có chế độ thù lao.
Bốn là, hiện nay, các địa phương vùng ĐBSH, đã có cơ chế Giao ban vùng trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhưng chưa có giao ban vùng trong hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình để cùng nhau đánh giá, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH giữa các tỉnh trong vùng.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện thiết chế về công tác gia đình, nhất là sớm có Luật bảo tồn các giá trị gia đình truyền thống Việt Nam.
3.2.5. Mâu thuẫn giữa sự cần thiết phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa với hạn chế về các điều kiện để phát huy ở vùng đồng bằng sông Hồng
Công tác xây dựng thiết chế văn hóa để tuyên truyền như xây dựng nhà văn hóa, trang bị các phương tiện hỗ trợ quá trình tuyên truyền như hệ thống bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, loa đài... trong thời gian qua ở các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH đã được chú ý. Cụ thể như:
Tại tỉnh Bắc Ninh việc xây dựng các thiết chế văn hóa được thực hiện ở cả 3 cấp là: Cấp huyện: 3/8 huyện, thành phố hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn, gồm: thành phố Bắc Ninh, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài; 5/8 huyện, thị xã hoàn thành quy hoạch tổng thể Trung tâm Văn hoá - Thể thao; Cấp xã: 112/126 xã, phường, thị trấn có quy hoạch quỹ đất dành cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đạt 88%, trong đó có 87/112 xã có quỹ đất quy hoạch đạt chuẩn; 13/126 xã, phường, thị trấn xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoạt động độc lập, đạt 10,3%; 113/126 xã, phường, thị trấn sử dụng chung với hội trường UBND cùng cấp; Thôn, làng, khu phố: 640/732 thôn, làng, khu phố có quy hoạch quỹ đất dành cho Nhà văn hóa, đạt 87,5%, trong đó có 270/640 thôn, làng, khu phố có quỹ đất quy hoạch đạt chuẩn; 475/732 thôn, làng, khu phố đã xây dựng Nhà văn hóa, đạt 65%, trong đó, có 154/475 Nhà văn hóa đạt chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh có 131 đơn vị được nhận trang thiết bị âm thanh, ánh sáng theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng giá trị 7.720 triệu đồng, trong đó cấp cho 62 Trung tâm Văn hóa cấp xã với tổng giá trị 4.960 triệu đồng, 69 Nhà văn hóa thôn, khu phố với tổng giá trị 2.760 triệu đồng. Các trang thiết bị được cấp hiện đang phục vụ có hiệu quả trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, hội họp của cộng đồng dân cư [108].
Có thể bạn quan tâm!
- Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12
- Thực Trạng Nội Dung, Phương Thức, Chủ Thể Phát Huy Giá Trị Tâm Lý, Tình Cảm Của Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng Đồng Bằng
- Những Vấn Đề Đặt Ra Từ Việc Phát Huy Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Ở Vùng Đồng Bằng Sông Hồng Hiện Nay
- Phát Huy Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng Đồng Bằng Sông Hồng Phải Gắn Với Chiến Lược Giáo Dục Và Đào Tạo Nguồn
- Kiện Toàn Hệ Thống Tổ Chức Bộ Máy Và Đội Ngũ Cán Bộ Quản Lý Về Công Tác Gia Đình Nhằm Phát Huy Có Hiệu Quả Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong
- Hoàn Thiện Thiết Chế Về Công Tác Gia Đình Nhằm Phát Huy Có Hiệu Quả Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng Đồng Bằng
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
Theo báo cáo của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 121/137 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn,
1220/1368 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, đã xây mới 26 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố; hoàn thành và đưa vào sử dụng 14 trung tâm văn hóa thể thao của các làng văn hóa trọng điểm [106].
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ sở vật chất, kinh tế, kỹ thuật (các thiết chế văn hoá như: nhà văn hoá, trung tâm văn hóa, thư viện; các trang thiết bị như bàn ghế, máy tính, loa đài truyền thông, kinh phí hoạt động…) một số nơi còn ít, nghèo nàn, lạc hậu, không đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là cấp xã, phường, thôn, tổ vẫn gặp khó khăn. Nhiều địa phương chưa dành quỹ đất cho phát triển hệ thống thiết chế văn hoá. Một số xã, phường còn lúng túng trong việc lựa chọn địa điểm hoặc chưa đủ quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng nói chung, nhà văn hóa nói riêng. Việc sử dụng nhà văn hóa có nơi chưa hiệu quả…
Ngoài thiết chế văn hóa, muốn tuyên truyền, giáo dục thành công, đạt kết quả cao, các tỉnh cũng cần quan tâm đến kinh phí chi cho công tác gia đình. Thực tế, việc chi cho công tác gia đình ở các tỉnh hiện nay là chi theo nguồn ngân sách Nhà nước cấp, cụ thể: cấp tỉnh là 350.000.000đ; cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh là 30.000.000đ/năm. Nguồn vốn huy động thêm của các tỉnh cho công tác gia đình hiện nay chưa được nhiều. Vì vậy, kinh phí cũng là một trong những vấn đề mà các tỉnh cần phải quan tâm, xem xét, giải quyết ngay trong thời gian tới.
3.2.6. Mâu thuẫn giữa sự cần thiết phải phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa với hạn chế về vai trò và năng lực, mối quan hệ của các chủ thể phát huy, nhất là giữa gia đình và xã hội ở vùng đồng bằng sông Hồng
Trong thời gian qua, về cơ bản việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH nói riêng, công tác khác liên quan đến gia đình nói chung ở vùng ĐBSH được hệ thống chính trị và nhân dân triển khai, thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, hệ thống chính trị ở các tỉnh vùng ĐBSH cũng chưa phát huy tốt vai trò và chưa nâng cao được năng lực tổ chức, quản lý, tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình. Ngay cả những hạn chế, bất cập ở những mặt cụ thể nêu trên như: nhận thức của người dân chưa đầy đủ; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý còn nhiều bất cập, cơ chế chính sách chưa hoàn
thiện; phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH chưa phong phú, đa dạng… suy cho cùng cũng là hạn chế, thiếu sót của những người thuộc các cơ quan lãnh đạo, quản lý và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc hệ thống chính trị tạo ra mà nguyên nhân sâu xa là do vai trò chưa được phát huy tốt hoặc năng lực làm việc (trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác) hạn chế hoặc cả hai.
Trong hệ thống chính trị ở vùng ĐBSH, các cơ quan tỉnh ủy, huyện ủy, đảng ủy có vai trò, trách nhiệm triển khai, cụ thể hóa, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết các hội nghị Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, các chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban bí thư…Nếu vai trò và năng lực thực hiện những việc này tốt, thì tinh thần, nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng sẽ được thấm sâu vào từng đảng viên, đi vào đời sống xã hội, chuyển thành hành động thực tế của toàn Đảng, toàn dân. Nếu việc này thực hiện không tốt, thì kết quả đạt được sẽ rất hạn chế, không được như mong muốn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có vai trò cụ thể hóa các chủ trương, đường lối (thể hiện ở Cương lĩnh, các Nghị quyết…) của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước từ trung ương, địa phương, trực tiếp tổ chức, quản lý việc thực hiện trong thực tế của đời sống xã hội trên địa bàn được giao quản lý. Nếu vai trò và năng lực tổ chức, quản lý của các cơ quan này không tốt thì kết quả thực hiện đạt được cũng không cao.
Các ban ngành, đoàn thể khác trong hệ thống chính trị có vai trò tập hợp, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục, động viên các thành viên của tổ chức và quần chúng nhân dân thi đua tham gia các hoạt động phong trào, trong đó có phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng GĐVH. Nếu vai trò này được phát huy, năng lực tập hợp, tổ chức, động viên của những cán bộ của những tổ chức này tốt, kết quả hoạt động của tổ chức sẽ tốt và ngược lại.
Gia đình là chủ thể quan trọng nhất quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH, bởi vì không ai hiểu gia đình bằng chính các gia đình và thành viên trong gia đình. Trong thời gian qua, các gia đình ở vùng ĐBSH đã thể hiện được vai trò, tầm quan trọng của mình trong việc giữ
gìn, phát huy các giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH. Nhờ đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà cốt lõi là xây dựng GĐVH ở các địa phương trong vùng đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, khi mặt trái của cơ chế thị trường, đô thị hóa, TCH, hội nhập quốc tế tác động làm phát sinh lối sống thực dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa gia đình và các giá trị đạo đức truyền thống, thậm chí làm cho con cháu nhiều gia đình mắc vào các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn, ly thân có xu hướng gia tăng…thì năng lực xử lý vấn đề, giải quyết mâu thuẫn của chủ thể (ông bà, cha mẹ…) nhiều gia đình đã không đáp ứng được yêu cầu làm cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc bền vững, thậm chí đã bất lực, buông xuôi với con cháu hư hỏng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, hệ thống chính trị phải có giải pháp giúp cho các gia đình nâng cao vai trò, năng lực xử lý, giải quyết các tình huống, các mâu thuẫn phát sinh trong gia đình để giữ gìn sự phát triển ổn định gia đình, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình trong xây dựng GĐVH.
Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, chúng ta thấy cần phải phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao năng lực làm việc, năng lực xử lý, giải quyết vấn đề cho các chủ thể là gia đình và các tổ chức trong hệ thống chính trị để thực hiện tốt hơn việc xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình nói chung, phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH nói riêng.
Tiểu kết chương 3
Các tỉnh thuộc ĐBSH về cơ bản đã triển khai, thực hiện tốt việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH nói riêng và các vấn đề liên quan đến gia đình nói chung. Kết quả thực hiện đó đã góp phần tích cực vào việc xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa, nhân cách cá nhân, giá trị gia đình và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Vùng. Nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy; lối sống văn hóa mới từng bước được hình thành; tình cảm cộng đồng gia đình - làng - nước ngày một thêm gắn bó. Sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân, gia đình và tập thể trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng GĐVH, thôn, tổ, cơ quan, đơn vị văn hóa luôn được chú trọng. Ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân
trong phong trào xây dựng đời sống mới, GĐVH, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Nhận thức về giá trị GĐTT và sự cần thiết kế thừa, phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng ĐBSH còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; Nhiều nơi, nhiều lúc công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, chưa sâu sát; Cơ chế, chính sách về công tác gia đình và phát huy giá trị GĐTT chưa được hoàn thiện; Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa đủ mạnh, phương pháp và hình thức tuyên truyền vẫn còn xơ cứng, khô khan, hình thức; các nguồn lực như thiết chế văn hóa, tài chính để thực hiện tuyên truyền còn thiếu, nhiều bất cập và nhiều nơi còn chưa được quan tâm thỏa đáng; Vai trò và năng lực của các chủ thể phát huy là gia đình và hệ thống chính trị có nơi, có lúc còn nhiều hạn chế; nhiều gia đình nhận thức về việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH chưa đầy đủ; nhiều giá trị đạo đức, chuẩn mực trong gia đình vẫn đứng trước nguy cơ bị xâm hại và mai một. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để từ đó có những giải pháp giải quyết cho phù hợp và đây vẫn là đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Chương 4
QUAN ĐIỂM VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG
GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
4.1. NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
4.1.1. Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay
Gia đình là tế bào của xã hội. Văn hóa gia đình được hình thành, biến đổi và phát triển cùng lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường sống của các gia đình. Vì thế, phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay không thể không gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Ngày 23 tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 795/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020”. Quy hoạch này được xây dựng trên cơ sở đặc thù và phát huy lợi thế của vùng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Mục tiêu tổng quát nhằm:
Xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong, thực hiện các đột phá chiến lược, tái cấu trúc kinh tế, xã hội, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế, xã hội, đảm đương vai trò to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trật tự an toàn xã hội [129, tr.2].
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành, của nhân dân, trong đó có các gia đình thuộc vùng ĐBSH. Phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH góp phần: hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân
cách; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp; chống lại các tệ nạn xã hội; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế, xã hội của vùng..Ngược lại, phát triển kinh tế, xã hội sẽ định hướng và tạo ra cơ sở, môi trường tốt để phát huy giá trị của GĐTT trong xây dựng GĐVH vùng ĐBSH có hiệu quả. Thực tế, khó có thể xây dựng GĐVH trong đó có các giá trị truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát huy… khi điều kiện kinh tế và môi trường văn hóa, xã hội của vùng thấp kém, lạc hậu, cổ hủ, không đáp ứng được yêu cầu đời sống hiện đại và hội nhập quốc tế. Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020” đã nêu rõ: “phát triển nhanh các ngành kinh tế để nâng cao thu nhập của lao động và chất lượng cuộc sống dân cư” ; “giải quyết việc làm hàng năm cho 300-350 nghìn người lao động” ; “giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm khoảng 2% và nâng mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 3,5 lần” ; “đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa mới tại các cộng đồng dân cư” ; “đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” ; “đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp và khu vui chơi, giải trí cho trẻ em”... [129]. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSH sẽ giúp các gia đình có điều kiện thuận lợi để phát huy tốt giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH.
Như vậy, phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cho mỗi gia đình ở vùng ĐBSH có điều kiện phát triển toàn diện, ấm no, dân chủ, tiến bộ, hạnh phúc.
4.1.2. Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay phải gắn với chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Vùng ĐBSH là một phần của đất nước, lại có thủ đô Hà Nội là trung tâm, nên đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Vì thế, việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH phải gắn với đặc thù của vùng nhưng cũng không thể tách rời các chiến lược phát triển gia đình, văn hóa và con người chung của đất nước.