Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12


năm học. Thường xuyên tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam... cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành; Quan tâm, phát hiện, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ nữ có tiềm năng vào các vị trí công tác phù hợp; Lồng ghép, tích hợp vấn đề bình đẳng giới, phát huy giá trị GĐTT, văn hóa dân tộc trong các môn học chính và ngoại khóa. Chú trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện bình đẳng giới, phát huy giá trị truyền thống, trong xây dựng GĐVH. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2016, thông qua tổ chức sinh hoạt, tọa đàm, diễn đàn việc tuyên truyền về luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, mại dâm, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng như lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt đã được triển khai, thực hiện đến 143 Trường Trung học cơ sở và 14/20 Trường Trung học phổ thông với 67.847 học sinh... [111, tr.3].

Trong việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tiêu biểu và xuất sắc nhất phải kể đến Thành phố Hà Nội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay trong năm 2010, đã xây dựng kế hoạch và triển khai tới tất cả quận, huyện, thị xã đồng thời cũng phối kết hợp với nhiều Sở, ban, ngành khác nhau để thực hiện tốt nội dung Đề án này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 03 cuộc tọa đàm, hội thảo vào tháng 9/2010 tại 3 khu vực trên địa bàn thành phố về ảnh hưởng của lối sống đến gia đình và xã hội nhằm đánh giá thực trạng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên nói riêng và của tuổi trẻ nói chung hiện nay. Với các câu hỏi như: Đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên ảnh hưởng đến gia đình và xã hội như thế nào? Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thủ đô?... Thông qua các cuộc tọa đàm và hội thảo này, Ban tổ chức đã phần nào xác định được nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến lối sống của học sinh, sinh viên tác động đến gia đình và xã hội để từ đó đề ra các giải pháp giữ gìn truyền thống gia đình cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" phát hành năm 2010 và triển khai đưa vào thực hiện giảng


dạy cho học sinh của ba cấp học phổ thông: Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên khắp địa bàn của Thành phố Hà Nội. Bộ tài liệu xây dựng, triển khai thực hiện với mục đích: hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa, định hướng, chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho học sinh phổ thông. Nội dung tuyên truyền, giảng dạy được chia làm 3 cấp độ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, cụ thể:

Đối với cấp tiểu học: tài liệu tập trung chỉ dẫn hành vi cá nhân cụ thể về những cử chỉ cơ bản như ăn, mặc, nghe, nói...; hướng dẫn về giao tiếp, ứng xử văn minh, thanh lịch. Các nội dung được đề cập ở mức sơ đẳng nhất, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ biết, dễ hành động, phù hợp với lứa tuổi của các con.

Đối với cấp Trung học cơ sở: tài liệu tập trung hướng dẫn hành vi cá nhân về cử chỉ cơ bản, ăn, mặc, nghe, nói...; hướng dẫn giao tiếp, ứng xử văn minh, thanh lịch giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, môi trường... Đây là cấp học được trang bị kiến thức một cách cơ bản, hoàn chỉnh nhất.

Đối với cấp Trung học phổ thông: tài liệu đề cập đến khái niệm giao tiếp văn minh, thanh lịch; ứng xử văn minh, thanh lịch nơi công cộng, với thiên nhiên và môi trường; thanh lịch, văn minh trong giao lưu, hội nhập quốc tế. Cách trình bày có tính tích hợp bởi chủ thể giao tiếp ứng xử là người trưởng thành, với tư cách là công dân ở ngoài xã hội trong thời kỳ hội nhập...

Kết quả của việc đưa nội dung xây dựng gia đình, kế thừa các giá trị truyền thống, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cũng như tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước... cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua ở khu vực ĐBSH bước đầu đã làm cho nhận thức của giảng viên, giáo viên và các em học sinh, sinh viên được nâng cao. Nhiều tấm gương sáng của các thầy cô và các em không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có đạo đức, có chuẩn mực, có nhân cách xuất hiện, thậm chí là nhận được huân chương của Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch nước, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh. Kết quả đánh giá rèn luyện hạnh kiểm của các em đạt loại tốt và số lượng các thầy cô trong ngành giáo dục đạt danh hiệu GĐVH hàng năm ngày càng tăng chính là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trường trong thời gian qua.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.

Ngày 05/5/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an đã ra Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA Hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đây chính là cơ sở pháp lý, giúp cho Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh vùng ĐBSH tiếp tục triển khai, đề ra kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn nữa cho phù hợp với từng địa phương nhằm thực hiện tốt công tác này.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng GĐVH cũng như công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong hệ thống giáo dục, các trường học của khu vực ĐBSH vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thực tế (Phụ lục 5). Vì vậy, trong thời gian tới cần quan tâm, chú trọng nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, phát huy các giá trị GĐTT, bản sắc văn hóa dân tộc cũng như các vấn đề khác trong nhà trường được tốt hơn nữa. Đồng thời, trong quá trình thực hiện cũng cần giữ mối liên hệ với gia đình, kết hợp giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và toàn xã hội.

Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12

Cùng với việc tuyên truyền nội dung đề án Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, việc thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại chính các gia đình ở khu vực ĐBSH hiện nay về cơ bản vẫn được thực hiện trên cơ sở kế thừa một số nội dung giá trị giáo dục của GĐTT đồng thời bổ sung thêm một số yếu tố mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ đổi mới như: tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của từng cá nhân; sự bình đẳng, dân chủ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng được mở rộng... Kết quả giáo dục đạo đức, lối sống ở gia đình trong thời gian qua có thể nói là tương đối tốt. Kết quả này được rút ra từ chính việc các gia đình ý thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa của gia đình nên tích cực tham gia đăng ký xây dựng đạt chuẩn GĐVH hàng năm. Các gia đình tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc thi, các phong trào do địa phương phát động. Trên thực tế, theo số liệu báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh thuộc ĐBSH trong những năm gần đây số hộ gia đình đăng ký, được bình xét đạt chuẩn danh hiệu


GĐVH không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước và thường đạt từ trên 80% trở lên (Phụ lục 3). Đây là một tín hiệu đáng mừng, các gia đình vùng ĐBSH nên duy trì và phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được như trên, chúng ta cần thấy rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình hiện nay vẫn còn có nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể như: Do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, cha mẹ mải lo kiếm tiền nên việc dành thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái không được chu đáo; Hoặc do cha mẹ vì một lý do nào đó, có thể là vì kinh tế, vì quan điểm sống khác nhau, vì ngoại tình... sống bất hòa thậm chí ly hôn hoặc nhiều cha mẹ không làm chủ được bản thân, bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội...dẫn đến không những không giáo dục được con cái mà còn tạo ra hình ảnh xấu cho con học theo hoặc làm cho con cái trong gia đình xấu hổ, chán nản dễ rơi vào hoàn cảnh nghĩ quẩn tự tử, hoặc bỏ nhà đi lang thang, dễ trở nên hư hỏng, nghiện ngập. Hoặc do một số gia đình giàu có, quá yêu và nuông chiều con cái, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con dẫn đến đứa trẻ luôn cho mình là nhất, lâu dần sinh ra ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân muốn làm gì thì làm... Theo kết quả nghiên cứu của Trần Đức Châm - giảng viên tâm lý Học viện An ninh nhân dân, khi phân tích hoàn cảnh gia đình của số vị thành niên phạm tội cho thấy: “trẻ em phạm tội có cha, mẹ nghiện ma túy, ham mê cờ bạc chiếm 30%; gia đình làm ăn phi pháp 21%; anh chị có tiền án tiền sự 8%; trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ 10,2%; trẻ có bố mẹ ly hôn 32%; bị cha mẹ đánh đập, chửi mắng 49%; được nuông chiều quá mức 21% và trẻ không được gia đình, bố mẹ quan tâm, quản lý chiếm 75%” [39]. Những lý do nêu trên, chính là nguyên nhân dẫn đến cản trở việc dạy dỗ, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách trong gia đình, làm cho nhiều gia đình bị rơi vào khủng hoảng, lục đục, thiếu tính bền vững và ly tán. Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống từ nhà trường, từ cộng đồng xã hội mặc dù đã được chú trọng, quan tâm nhằm hỗ trợ tốt giáo dục trong gia đình nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như: nội dung tuyên truyền, giáo dục còn xơ cứng, đơn điệu, phương pháp sử dụng chưa phong phú, đa dạng... chưa phát huy hết tiềm năng về giáo dục cũng như hệ thống chính trị của vùng.


Về giáo dục học tập văn hóa

Phát huy truyền thống hiếu học của GĐTT, hầu hết các gia đình thuộc khu vực ĐBSH hiện nay đã chú trọng việc giáo dục và định hướng giáo dục văn hóa. Đứng trước sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin truyền thông, sự phong phú, đa dạng của mạng xã hội và trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế, xã hội, hầu hết các bậc cha mẹ và ngay cả chính bản thân con cái họ đều nhận thức được vai trò của việc nâng cao kiến thức văn hóa khoa học công nghệ nói riêng, cũng như các kiến thức văn hóa xã hội khác nói chung. Họ hiểu rằng chỉ có “việc học tập văn hóa mới là chìa khóa để mở cửa cho thế hệ trẻ bước vào cuộc sống tương lai, góp phần xây dựng phát triển đất nước” [94, tr.55].

Trong phần lớn các gia đình, bố mẹ đều mong muốn con mình học giỏi, có thể học tập lên cao hơn, chiếm được đỉnh cao của tri thức. Kết quả điều tra ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho thấy: 100% số gia đình trả lời mong muốn con học giỏi, 89,1% mong muốn con tiếp tục học tập lên các lớp cao. Còn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) cho thấy, mong muốn con cái học giỏi ở cán bộ viên chức là 83,6%, ở gia đình làm nghề buôn bán là 80,0%, ở gia đình làm nghề tự do là 44,4%... [121, tr.170]. Cha mẹ quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để giáo dục văn hóa cho con cái cũng được đa số các gia đình ở địa bàn Thái Bình, Hà Nội nhất trí cao: “Con cái không hiểu bài, chúng tôi hướng dẫn cháu; khen thưởng khi con cái có thành tích trong học tập; nhắc nhở con cái học bài; cho con cái lựa chọn trường học mà chúng thích...” [94, tr.56]. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giáo dục, học tập tri thức văn hóa, khoa học của cả bố mẹ và bản thân con cái trong gia đình nên ĐBSH vẫn giữ vững là vùng có trình độ dân trí cao nhất cả nước. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2017, vùng ĐBSH có tỷ lệ đi học tiểu học chiếm 100,2 %, THCS 99%, THPT 87,7%, CĐ, ĐH 45,8% (so với cả nước tỷ lệ tương ứng lần lượt là: 100,2%, 94,1%, 72%, 30,5%) và tỷ lệ số người biết chữ chiếm 98,3% (cả nước 95%), trong đó tỷ lệ biết chữ ở thành thị chiếm 99%, nông thôn 97,9%, chênh lệch giữa thành thị - nông thôn thấp nhất 1,1% (cả nước 4,1%) [139, tr.44-45]. Trong nội dung cuộc họp giao ban giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh vùng ĐBSH diễn ra ngày 24/3/2017 tại TP. Nam Định cũng đã khẳng định: Qua các đợt khảo sát, gần 100% học sinh tiểu học trong


cụm đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017, các tỉnh vùng ĐBSH tiếp tục khẳng định thế mạnh, đạt 498 giải, trong đó có 9 giải nhất, 116 giải nhì, 173 giải ba và 200 giải khuyến khích. 3/9 tỉnh trong top đạt tỷ lệ học sinh đạt giải cao của toàn quốc là Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc. Các sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, đạt kết quả cao, với 6 giải nhất, 11 giải nhì, 11 giải ba và 5 giải khuyến khích... [83].

Ngoài việc nhận thức và tạo điều kiện để con em trong gia đình được học tập kiến thức văn hóa, nâng cao trình độ nhận thức, tích lũy tri thức, kinh nghiệm từ việc rèn luyện học tập tại nhà trường và ngoài xã hội, cha mẹ còn giáo dục con em mình bằng kinh nghiệm, bằng sự hiểu biết của chính cuộc sống bản thân, bằng sự giáo dục về truyền thống hiếu học, lễ nghi, phong tục, tập quán của gia đình, làng xã để giúp con em họ có tính siêng năng, cần cù, chăm chỉ, hiếu học và có sự hiểu biết sâu rộng về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội [7].

Hiếu học là đặc trưng của các gia đình và dòng họ vùng ĐBSH, nên việc khuyến khích học tập, tạo điều kiện tối đa cho con cháu học tập tốt không chỉ có các thành viên trong gia đình riêng mà còn mở rộng ra cả dòng họ và làng xã. Các dòng họ, mở rộng ra cộng đồng làng xã giáo dục con cháu bằng phương pháp tuyên truyền, nêu gương những người tài, người học giỏi, có địa vị cao trong xã hội và bằng hình thức lập quỹ khuyến học, khuyến tài. Với những kiến thức, tri thức văn hóa, xã hội và ngay cả những kiến thức về các ngành, nghề gia truyền, truyền thống của gia đình, dòng họ được các thế hệ cao tuổi, nhiều kinh nghiệm truyền dạy cho con cháu, giúp con cháu say mê học tập, có kiến thức, kỹ năng để nối tiếp, phát huy truyền thống của dòng họ đồng thời có đủ khả năng để thích nghi, phát triển đảm bảo cuộc sống của gia đình và bản thân trước những biến đổi kinh tế, xã hội hiện nay.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, việc thực hiện giáo dục học tập văn hóa ở các gia đình khu vực ĐBSH hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết truyền thống hiếu học và lợi thế, tiềm lực của vùng. Việc quản lý, giáo dục con trẻ trong gia đình và nhà trường nhiều lúc chưa sát sao, vẫn còn hiện tượng bạo lực học đường, học sinh vi phạm kỷ luật, số học sinh THPT bỏ học đứng thứ 3 cả nước (Sau đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ). Nguyên nhân từ phía gia đình


có thể do nhiều đứa trẻ được nuông chiều thái quá, được bố mẹ mua sắm nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ việc học tập lại không ý thức được việc tự giác học tập của bản thân dẫn đến sa vào nghiện game, xem phim, xem ca nhạc, sa vào các tệ nạn xã hội; hoặc do áp lực của cơ chế thị trường, nhiều cha mẹ mải kiếm tiền mà buông lỏng việc học của con; hoặc trong gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực... Theo kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa cha mẹ với vấn đề bạo lực học đường cho thấy: Trong số các em có hành vi bạo lực thì 77,3% nói rằng trong gia đình mình các thành viên ít có sự quan tâm đến nhau, 52% nói gia đình ít quan tâm, 14,7% nói gia đình không quan tâm... Nghiên cứu cũng chỉ ra 84,7% nữ sinh đánh nhau cho rằng trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa cá thành viên trong đó: 12% bạo lực giữa cha mẹ, 16,7% bạo lực giữa anh chị em, 32,7% bạo lực giữa cha mẹ và con cái và có 13,3% số gia đình tồn tại cả ba loại bạo lực trên [88, tr.337]. Tất cả điều này, khiến cho việc học tập của trẻ ở nhà trường bị gián đoạn, giáo dục trong gia đình có nhiều bất cập [68].

Về giáo dục lao động và rèn luyện tính tự lập cho thế hệ trẻ.

Giáo dục lao động để con trẻ biết yêu lao động, biết quý trọng lao động, quý trọng những sản phẩm do mình cũng như người khác tạo ra và để rèn luyện tính sáng tạo, tính tự lập cho con trẻ là điều cần thiết cho mọi gia đình trong mọi xã hội. Vì thế, trong các gia đình ở khu vực ĐBSH hiện nay vẫn kế thừa, phát huy việc giáo dục lao động và rèn luyện tính tự lập cho trẻ. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng giáo dục lao động và rèn luyện tính tự lập cho trẻ ở đây không phải là bắt trẻ lao động nặng nhọc sớm nhằm tạo ra của cải, vật chất, nhằm kiếm ra tiền và để con trẻ có thể tự lập nuôi sống bản thân mình. Giáo dục lao động và rèn luyện tính tự lập ở đây là giáo dục cho con trẻ tham gia vào các công việc của gia đình, tham gia vào các phong trào, các hoạt động do nhà trường, địa phương, xã hội phát động, phù hợp với lứa tuổi nhằm giúp trẻ vừa biết quý trọng lao động, yêu lao động, vừa phát huy tính sáng tạo, tự tin vào bản thân mình.

Song, một thực tế hiện nay đang diễn ra ở khu vực ĐBSH nói riêng, cả nước nói chung là việc giáo dục lao động và rèn luyện tính tự lập cho thế hệ trẻ có sự khác biệt lớn giữa gia đình ở thành thị, gia đình công nhân viên chức và gia đình nông thôn đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết, cụ thể là:


Đối với gia đình thành thị và gia đình công nhân viên chức khá giả còn tồn tại tâm lý phổ biến cho rằng: những công việc nặng nhọc là việc làm của người lớn, cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình làm, con cái chỉ có nhiệm vụ lo học tập, nhất là học ở trong nhà trường. Vì thế, rất nhiều con trẻ trong gia đình hiện nay ngoài việc học tập tại trường, thời gian còn lại dành để đi học thêm hoặc để giải trí, xem phim, chơi game... mà không phải làm bất cứ công việc nào khác trong nhà. Thậm chí nhiều môn học ở trường của con được giao về nhà làm, một số gia đình còn làm hộ con, hoặc thuê gia sư vừa dạy vừa làm giúp con tại nhà... lâu dần con trẻ sẽ lười lao động, dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ và người khác đối với công việc trong gia đình và sẽ lúng túng hoặc trốn tránh, làm qua loa, hình thức đối với những công việc được giao ở trường hay ở cộng đồng xã hội.

Đối với gia đình ở nông thôn thì trái lại, còn rất nhiều gia đình cho rằng để giáo dục lao động và tính tự lập cho con trẻ phải cho con trẻ tham gia vào các công việc của gia đình, thậm chí cả lao động nặng nhọc quá sức để con trẻ thấu hiểu được giá trị của lao động, biết quý trọng sản phẩm lao động mà mình và người khác làm ra. Do đặc thù của nhà nông, nhất là vào thời vụ, nhiều gia đình thiếu người làm đã huy động con cái mình tập trung sản xuất, thậm chí có gia đình còn bắt con em mình nghỉ học để làm. Hoặc có những gia đình nghèo khó, không có điều kiện để cho con cái mình ăn học nên những đứa trẻ phải bươn chải, phải lao động tạo ra vật chất, của cải, kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Đây chính là hiện tượng lạm dụng sức lao động của trẻ em và nếu để trong một thời gian dài khiến các em quá sức, kiệt sức là vi phạm pháp luật. Ví dụ, theo thống kê “Xã Quang Trung (Vụ Bản-Nam Định) từ lâu nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Hiện toàn xã có 2.142 hộ với gần 6.400 khẩu, 162 hộ nghèo, 107 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt” [94, tr.67]. Tương tự, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014, Bắc Ninh có khoảng gần 8.000 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, 400 trẻ em dưới 16 tuổi đang phải lao động nặng nhọc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại, 33 trẻ em phải làm việc xa gia đình... [13]. Ở Hải Phòng, thống kê năm 2012, có 67 em lao động nặng nhọc, nguy hiểm; 48 em theo bố mẹ kiếm sống trên sông Bính, cầu Lạc Long (quận Hồng Bàng)… Trẻ thường tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới 4 hình thức: làm kinh tế gia đình, vừa làm kinh tế gia đình

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023