Thực Trạng Phát Huy Giá Trị Gia Đình Truyền Thống Trong Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Ở Vùng Đồng Bằng Sông Hồng Hiện Nay


lực để tiếp thu cái mới, không dễ dàng chấp nhận cái mới, xóa bỏ cái cũ, phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu theo tư tưởng tiểu nông trước kia...dẫn đến có tư tưởng chống đối, làm cho kinh tế gia đình lâm vào khủng hoảng, tâm lý gia đình không ổn định. Thêm vào đó, do quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh, hoặc do đòi hỏi nguồn nhân lực cho quá trình CNH, HĐH cao dẫn đến nhiều người, nhiều gia đình không đáp ứng được yêu cầu, không kiếm được việc làm, trở nên thất nghiệp, nảy sinh tư tưởng chán nản, bất lực, thờ ơ với thời cuộc, lâu dần dẫn đến tự ti, sống buông thả, vô cảm, thậm chí là tự tử… Hoặc do nhiều người muốn từ bỏ lao động nông nghiệp truyền thống đổ xô lên các thành phố, đô thị lớn để kiếm việc làm dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu, độ bền vững của gia đình. Những người lao động phải xa nhà, xa gia đình, mỗi người sẽ lựa chọn một công việc, một lối sống khác nhau nên có thể xa rời dần sự bảo ban, uốn nắn của gia đình, dễ dẫn đến nảy sinh nhiều tệ nạn trong xã hội như: làm ăn phi pháp, sống buông thả, ăn chơi, trộm cắp, mại dâm, quan hệ tình dục bừa bãi trước hôn nhân, ngoại tình và nhiều tệ nạn khác. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm, hạnh phúc gia đình và nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì sớm hay muộn nó cũng làm cho gia đình, xã hội rối ren, bất ổn.

Đô thị hóa ở vùng ĐBSH nói riêng, Việt Nam nói chung không song hành cùng CNH như ở các nước châu Âu mà diễn ra chậm chạp, không hoàn chỉnh, thiếu quy hoạch đồng bộ. Hiện nay, đô thị hóa ở ĐBSH đã được đẩy mạnh, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất cả nước. Nhiều trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ được xây dựng, phát triển, mở rộng ở hầu hết các tỉnh bên cạnh các khu đô thị lớn như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Tốc độ đô thị hóa nhanh đã giúp vùng ĐBSH có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực, kinh tế xã hội phát triển, đời sống của các gia đình nông thôn được nâng cao, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đô thị hóa ở khu vực ĐBSH là một xu thế tất yếu. Song, việc đô thị hóa ở vùng về cơ bản vẫn chưa tách rời được nền kinh tế tiểu nông, lạc hậu. Thực chất, đô thị hóa là quá trình mở rộng thành thị về nông thôn, trong khi nhiều vùng nông thôn người dân vẫn còn sống thuần nông, chưa kịp thích nghi dẫn đến không tránh khỏi những cú sốc về “văn hóa”. Nhiều giá trị, chuẩn mực tốt đẹp trong gia đình bị biến đổi, làm cho các gia đình lúng túng trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái theo chuẩn giá trị nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.


Ngoài ra, KTTT, CNH và đô thị hóa cũng kéo người phụ nữ ra khỏi khuôn mẫu, quan niệm của GĐTT. Một mặt, nó là cơ hội để người phụ nữ, người mẹ, vợ, con gái trong gia đình được tham gia lao động, tham gia công tác xã hội, học hành, thậm chí có người đi làm còn là nguồn thu nhập chính trong gia đình giúp cho vai trò, vị thế của họ được tôn trọng hơn, có tiếng nói và bình đẳng hơn. Mặt khác, do đi làm, người phụ nữ nhiều khi không còn thời gian để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con cái chu đáo như trước nên rất cần sự sẻ chia, gánh vác công việc gia đình của chồng, gia đình chồng. Nếu không dung hòa và nhận được sự sẻ chia của các thành viên trong gia đình sẽ dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí là ly thân, ly hôn gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tạo ra gánh nặng cho xã hội.

2.3.5. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ở vùng ĐBSH đã tạo ra cơ hội và khả năng tiếp xúc, giao lưu làm cho các gia đình hiểu biết lẫn nhau, xích lại gần nhau qua đó góp phần nâng cao dân trí, tự khẳng định mình trong cộng đồng vùng, quốc gia, quốc tế. Nhờ việc mở rộng, hợp tác, giao lưu, hội nhập mà nhân dân cả nước và thế giới đã biết đến vùng ĐBSH nói riêng, Việt Nam nói chung yêu chuộng hòa bình, yêu độc lập, tự do, tôn trọng công lý, luật pháp quốc tế, khoan dung, hiếu học, mến khách, đoàn kết, đề cao tính cộng đồng, tôn trọng gia đình và huyết thống…

Nhờ có TCH, hội nhập quốc tế, các gia đình trong vùng ĐBSH có điều kiện, cơ hội nắm bắt, giao lưu học hỏi lẫn nhau nhằm phát triển mọi mặt. Qua giao lưu, học hỏi văn hóa trong nước, trên thế giới, nhiều thuyền thống, phong tục, tập quán lạc hậu, cổ hủ của Vùng dần được khắc phục, xóa bỏ, đồng thời các gia đình ĐBSH cũng không ngừng tiếp thu những tư tưởng mới, tiến bộ như bình đẳng, dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và văn hóa của các quốc gia làm giàu thêm cho văn hóa gia đình nói riêng, cho văn hóa ở vùng ĐBSH nói chung; Nhờ TCH, hội nhập quốc tế, các gia đình vùng ĐBSH có cơ hội học tập nâng cao dân trí, tiếp thu những thành tựu của khoa học, công nghệ áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra các điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Công nghệ thông tin, truyền thông, internet… đang tạo nhiều cơ hội tốt cho các gia đình trong việc thực hiện chức năng giáo dục và định hướng nghề nghiệp. Nó giúp cho con người thường xuyên được cập nhật tin tức, đồng thời cũng giúp cho công tác giáo dục, tuyên truyền, nêu gương, xây dựng GĐVH


tiếp thu cái mới, cái hay, cái tiến bộ và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng ĐBSH đạt hiệu quả cao, thiết thực hơn…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.

Mặc dù có được những lợi thế như đã nói ở trên, TCH, hội nhập quốc tế ở vùng ĐBSH trong giai đoạn hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: nguy cơ bị đồng hóa, phá vỡ, biến đổi hoặc tác động khiến cho hệ giá trị văn hóa, giá trị của GĐTT, của vùng ngày càng bị mờ nhạt, tụt dốc, xuống cấp; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; mặt trái của việc sử dụng các công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại với những mục đích xấu của các thế lực thù địch bên ngoài đánh vào tâm lý, sở thích của giới trẻ vùng ĐBSH hiện nay; mặt trái của các hiện tượng lấy vợ, lấy chồng nước ngoài; ảnh hưởng của các tệ nạn xuyên quốc gia như buôn bán phụ nữ, trẻ em, môi giới hôn nhân, sống độc thân, sống đồng tính, sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục không gắn với hôn nhân, nạn nạo hút, phá thai, ly hôn, ngoại tình ngày càng gia tăng gây bức xúc cho gia đình, cộng đồng và gây bất ổn cho xã hội. Tất cả những mặt trái nêu trên trở thành lực cản cho việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH cũng như phát triển kinh tế, xã hội của vùng ĐBSH. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền vùng ĐBSH cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát thực tiễn sự vận động, tác động của quá trình TCH, hội nhập quốc tế, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp theo hướng vừa tiếp thu những giá trị mới, tiến bộ của thời đại, vừa phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các mặt tiêu cực tác động vào đời sống gia đình, giúp cho việc giữ gìn, phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH nói riêng, bảo tồn bản sắc văn hóa của Vùng nói chung đạt hiệu quả cao nhất.


Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 10

Tiểu kết chương 2


Trong chương 2, luận án đã hệ thống hóa và trình bày rõ cơ sở lý luận của phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH, bao gồm: khái niệm về gia đình; khái niệm, đặc điểm của GĐTT; khái niệm về giá trị GĐTT, GĐVH và sự cần thiết phải xây dựng GĐVH. Luận án khẳng định: việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH là tất yếu khách quan khi vùng ĐBSH nói riêng, cả nước Việt Nam nói chung chuyển từ xã hội cũ sang xã hội mới. Bởi, xây dựng GĐVH để phát huy những giá trị tốt đẹp của GĐTT, văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiến bộ, văn minh của thời đại, bổ sung làm giàu cho bản sắc văn hóa


vùng, văn hóa dân tộc và để góp phần phát triển con người, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển vùng, phát triển đất nước.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm của GĐTT, Luận án đã xác định 04 nội dung giá trị GĐTT cần phát huy trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH bao gồm: giá trị đạo đức của GĐTT (thể hiện trong các mối quan hệ: vợ chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với các cháu và anh, chị, em với nhau); giá trị giáo dục của GĐTT; giá trị tâm lý, tình cảm của GĐTT và giá trị ý thức cộng đồng của GĐTT. Luận án cũng chỉ ra sự cần thiết phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, yêu cầu khách quan do sự biến đổi phức tạp của giá trị GĐTT hiện nay đặt ra, làm cơ sở phát huy văn hóa truyền thống của Vùng, của dân tộc và làm cho sự phát triển của văn hóa gia đình trong thời đại mới không bị đứt đoạn với truyền thống.

Để việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH vùng ĐBSH thiết thực, đạt hiệu quả cao, Luận án đã trình bày rõ phương thức phát huy, chủ thể phát huy và những yếu tố tác động đến phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay. Theo đó, Luận án chỉ ra 05 yếu tố tác động đến việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng bao gồm: Đặc điểm địa kinh tế, văn hóa xã hội của vùng ĐBSH; đặc điểm GĐTT của vùng ĐBSH; tác động của KTTT; CNH, HĐH, đô thị hóa và tác động của TCH, hội nhập quốc tế.

Những kết quả nghiên cứu ở chương 2 của Luận án chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để tác giả phân tích, đánh giá thực trạng việc phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH ở chương 3.


Chương 3

THỰC TRẠNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY

3.1. THỰC TRẠNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY

3.1.1. Thực trạng nội dung, phương thức, chủ thể phát huy giá trị đạo đức của gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ nhất, phát huy giá trị yêu thương, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng

Quan hệ vợ chồng không phải là quan hệ huyết thống, nhưng nó là mối quan hệ căn bản đầu tiên, quan trọng, gần gũi, lâu dài để hình thành nên các mối quan hệ khác trong gia đình và phát triển gia đình. Mối quan hệ giữa vợ chồng trước kia trong GĐTT vùng ĐBSH được hình thành nhờ có sự công nhận của làng xã, của gia đình, của họ hàng, của bạn bè đôi bên và chủ yếu là thông qua cuộc hôn nhân do cha mẹ hoặc người lớn trong gia đình sắp đặt. Mặc dù hôn nhân chủ yếu xuất phát từ việc “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, chưa bắt đầu từ tình yêu, nhưng qua thời gian chung sống dưới cùng một mái nhà, hai người đã dần gắn bó, hòa quyện với nhau cả về thể xác lẫn tinh thần và từ đó tình cảm, sự yêu thương, thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận giữa hai vợ chồng ngày càng trở nên sâu đậm. Lâu dần, nó trở thành những chuẩn mực đạo đức, thành giá trị của GĐTT. Những chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ vợ chồng đã là cơ sở để xây dựng nên các mối quan hệ tốt đẹp khác trong gia đình và làm cho gia đình hạnh phúc, trong ấm, ngoài êm.

Nhận thức được giá trị của những chuẩn mực trong mối quan hệ vợ chồng nêu trên, các gia đình vùng ĐBSH hiện nay vẫn coi trọng, phát huy những giá trị đạo đức của GĐTT trong mối quan hệ vợ chồng. Theo kết quả điều tra khảo sát của tác giả luận án, có đến 89,9% số người được hỏi cho rằng cần phải phát huy sự yêu thương, thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận của GĐTT trong xây dựng GĐVH (Phụ


lục 1.3). Tương tự với câu hỏi: Theo ông (bà), anh (chị) trong gia đình hiện nay cần phải có những phẩm chất đạo đức cơ bản nào? Đã cho kết quả: vợ chồng thủy chung chiếm 91,2%, sống hòa thuận 89,9%... (Phụ lục 1.4). Theo đó cho thấy, đa số người được hỏi vẫn đề cao sự thủy chung, tình yêu thương, hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng và cho rằng rất cần thiết phải phát huy chuẩn mực đạo đức này trong xây dựng GĐVH.

Có thể nói, không ai phát huy tốt sự yêu thương, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng bằng chính các cặp vợ chồng trong gia đình. Theo nghiên cứu của tác giả Phùng Thị Kim Anh, cũng khẳng định “vợ chồng phải chung thủy, tin tưởng lẫn nhau. Tất cả các yếu tố phải hài hòa, nhưng quan trọng nhất là vợ chồng thuận hòa, nhường nhịn, sẻ chia khi đó mọi chuyện mới êm xuôi” [1, tr.13]. Trong cuộc sống, vợ chồng khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn về quan điểm, lối sống, cách nghĩ... Vì vậy, hạnh phúc gia đình phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật sống, cách thức ứng xử và sự nỗ lực của các cặp vợ chồng nhằm bảo vệ nó. Vợ chồng chỉ có thể hạnh phúc khi biết quan tâm, yêu thương, thủy chung, hòa thuận với nhau. Tuy nhiên, sự thủy chung, hòa thuận, yêu thương trong gia đình hiện nay, đòi hỏi phải có sự tôn trọng, bình đẳng, cùng giúp đỡ nhau trong công việc gia đình từ cả phía người vợ và chồng. Cũng theo kết quả điều tra năm 2009 của tác giả Phùng Thị Kim Anh ở bốn xã, phường của Hà Nội và Hải Dương cho thấy có đến “88,5% số người được hỏi trả lời vợ chồng phải bình đẳng” [1, tr.14] và “khi chồng nóng lên thì vợ phải nhịn, khi vợ nóng lên chồng phải bỏ qua. Vợ chồng khi đi làm về, thấy vợ vào bếp thì chồng cũng phải giúp đỡ”... [1, tr.13]. Thêm vào đó, các thành viên trong gia đình vùng ĐBSH không ngừng phấn đấu nỗ lực để vun đắp tình yêu thương, thủy chung, hòa thuận trong mối quan hệ vợ chồng, cụ thể như: con cái hiền lành, chăm ngoan, vâng lời ông bà, cha mẹ; ông bà nội ngoại và gia đình đôi bên luôn giúp đỡ, tạo điều kiện, quan tâm thường xuyên đến cặp vợ chồng. Nhờ sự cố gắng từ trong gia đình, việc phát huy những chuẩn mực của mối quan hệ vợ chồng ở khu vực ĐBSH trong thời gian qua tương đối tốt. Minh chứng là thông qua kết quả số gia đình được bình xét, công nhận đạt danh hiệu GĐVH tại các tỉnh ĐBSH không ngừng tăng hàng năm (năm sau cao hơn năm trước, thường là đạt từ 80% trở lên) (Phụ lục 3). Song hành với phát huy chuẩn mực trong mối quan hệ vợ chồng từ gia đình, các tỉnh


ĐBSH thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục và tổ chức cuộc thi Gia đình hạnh phúc, xây dựng được nhiều mô hình, câu lạc bộ về gia đình như: Xây dựng “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình thủy chung”, “Gia đình hòa thuận”... [102];... [117]. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của các ủy, chính quyền các cấp và sự tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động của nhân dân, trong thời gian qua nhận thức về công tác gia đình nói chung, phát huy những chuẩn mực trong mối quan hệ vợ chồng nói riêng ở các gia đình ngày càng được nâng cao. Kết quả khảo sát của tác giả cho thấy có 87,2% số người được hỏi trả lời có phát huy giá trị GĐTT trong xây dựng GĐVH (Phụ lục 3.1) và 89,9% cho rằng đã phát huy sống hòa thuận, vợ chồng thủy chung trong mối quan hệ vợ chồng (Phụ lục 3.2). Qua kết quả nghiên cứu từ khảo sát, thực tế, báo cáo về công tác gia đình ở các tỉnh vùng ĐBSH có thể rút ra kết luận: có rất nhiều gia đình biết và tham gia vào các mô hình xây dựng GĐVH, gia đình hạnh phúc thậm chí nhiều gia đình đã phấn đấu trở thành những tấm gương điển hình, tiên tiến, làm gương cho các gia đình khác noi theo. Nhờ đó, những chuẩn mực trong quan hệ vợ chồng như sự yêu thương, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận... được phát huy và nó chính là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng được gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của sức mạnh vật chất, tiền bạc... mối quan hệ vợ chồng vùng ĐBSH hiện nay, có những lúc, những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu, nhiều khi chỉ còn là sự gắn kết về tiền bạc, trách nhiệm... thậm chí có những cuộc hôn nhân xuất phát từ lòng tham địa vị xã hội, tiền của, vật chất chứ không phải từ tình yêu thương giữa hai con người khác giới. Theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 về lý do kết hôn cho thấy: đến tuổi thì lấy chiếm 31,5%, 27,4% kỳ vọng vào vật chất, tinh thần và 15,6% để có người chăm sóc, giúp đỡ [14, tr.23]. Hậu quả là, sau một vài năm chung sống, thậm chí có những cuộc hôn nhân vừa mới cưới đã ly thân, ly hôn. Trong những năm gần đây, xu hướng ly thân, ly hôn có chiều hướng gia tăng ở khu vực ĐBSH. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015, khu vực ĐBSH có 3686 vụ/24101 vụ chiếm 15,29% cả nước, đứng thứ 3/6 khu vực (sau Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ). Nguyên nhân của ly thân, ly hôn có rất nhiều nhưng chủ yếu


là do: mâu thuẫn về lối sống 27,7%; ngoại tình 25,9%; nguyên nhân kinh tế 13%; bạo lực, bạo hành gia đình 6,7%; lý do sức khỏe 2,2% hoặc do xa nhau lâu ngày 1,3%... [14, tr.22]. Trong những nguyên nhân nêu trên, nguyên nhân ngoại tình dẫn đến ly thân, ly hôn là nguyên nhân đáng lên án nhất. Ngoại tình đã làm cho sự thủy chung trong mối quan hệ vợ chồng bị vi phạm nghiêm trọng. Ngoại tình dẫn đến ly hôn, do vậy, đã được đưa vào điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015, tùy mức độ vi phạm ngoại tình có thể phạt hành chính, phạt tù từ 3 tháng, 6 tháng hoặc 01 năm (Điều luật này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/7/2016). Bàn về ly hôn, Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: ly hôn là cần thiết khi hôn nhân không còn tình yêu và sự duy trì hôn nhân chỉ là gánh nặng cho cả hai người. Tuy nhiên, ly hôn lại để lại những hậu quả khá nặng nề không chỉ cho những người trong cuộc, cho các thành viên trong gia đình mà còn cho toàn xã hội, nhất là cho phụ nữ và trẻ em. Thực tế cho thấy, trẻ em thuộc các gia đình ly hôn vi phạm pháp luật, sa vào các thói hư tật xấu thường chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với các gia đình khác.

Thứ hai, phát huy giá trị từ, hiếu, đức hy sinh trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái

Trong điều kiện hiện nay, nội dung của đạo hiếu cũng có những thay đổi nhất định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thời đại, song đề cao chữ hiếu và giáo dục chữ hiếu trong gia đình vẫn là một trong những nội dung cơ bản mà các gia đình thuộc khu vực ĐBSH giáo dục, mong muốn con cháu họ có được. Kết quả điều tra của Ban Gia đình thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học về Gia đình và phụ nữ, với 2000 hộ dân ở hai phường Ngô Thì Nhậm và Yên Phụ (Hà Nội) về định hướng giáo dục con cái trong gia đình cho thấy, giá trị đạo đức có hiếu được đánh giá cao nhất 93,9%. Cũng trong cuộc điều tra trên, khi được hỏi “Trong gia đình nội dung giáo dục nào là quan trọng nhất” thì 94,9% trả lời là giáo dục đạo đức [121, tr.169-171]. Tương tự, theo kết quả khảo sát vào tháng 6 năm 2017 của tác giả luận án tại 06 tỉnh đại diện vùng ĐBSH, có 90,2% số người được hỏi cho rằng rất cần phải phát huy đạo hiếu trong xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH (Phụ lục 1.5) và 89,2% chọn con cái hiếu thảo với ông bà cha mẹ trong những chuẩn mực đạo đức cần có trong gia đình hiện nay (Phụ lục 1.4).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023