Các Yếu Tố Phát Sinh, Thay Đổi Hoặc Chấm Dứt Quan Hệ Pháp Luật Về Hợp Đồng Cho Vay


kiện áp dụng, thể hiện tính hệ thống, chỉ dẫn cụ thể, thay vì quy định rải rác như hiện nay, khó áp dụng vào thực tiễn.

c) Cơ chế điều chỉnh bằng pháp luật quan hệ hợp đồng cho vay

Điều chỉnh bằng pháp luật quan hệ HĐCV phải bảo đảm tính linh hoạt, đó là những thỏa thuận được pháp luật cho phép, đơn cử như: cách thức xử lý tài sản bảo đảm, thỏa thuận về lãi suất cho vay, các biện pháp chế tài do vi phạm HĐCV, quy trình xử lý nợ, thỏa thuận nơi giải quyết tranh chấp…

Cơ chế điều chỉnh quan hệ pháp luật về HĐCV phải bảo đảm sự bình đẳng nhất định giữa các chủ thể. Nhà nước cần phải can thiệp vào quan hệ tín dụng, lợi ích của nó không chỉ để bảo đảm quyền lợi cho riêng chủ thể nào mà nhằm cân bằng quyền lợi hợp đồng. Trong nhiều quy định của pháp luật về HĐCV, có thể nhận thấy: Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể hợp đồng không được thể hiện rõ nét, chưa cân xứng theo nghĩa quyền lợi phải gắn liền với nghĩa vụ nhất định, làm cho vị trí của các bên trong quan hệ hợp đồng, cũng như trong quan hệ tố tụng (khi tham gia giải quyết tranh chấp) không thể hiện rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn.

Có thể thấy rõ nét đặc điểm này trong các giao dịch mua bán nợ, chuyển nhượng HĐCV, luôn bị chi phối bằng các điều kiện của pháp luật, tạo tâm lý áp đặt các bên khi thực hiện, áp lực, trách nhiệm đối với bên cho vay (bên bán nợ) vẫn thường trực, cho dù khoản nợ đã được chuyển nhượng hợp pháp. Bên cạnh đó, đề cao nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng trong một số trường hợp là không phù hợp vì về bản chất, HĐCV là những hợp đồng do TCTD chủ động phát hành, hầu hết các TCTD tự đặt ra nhiều quy định khung bất lợi cho bên vay.

Tóm lại, điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ HĐCV ngoài các nguyên tắc, quy định khung được luật định, các bên phải thỏa thuận bày tỏ ý chí của mình vào hợp đồng, làm căn cứ để thực hiện và giải quyết tranh chấp. Những thỏa thuận trái pháp luật, không bảo đảm quyền lợi hợp pháp, không chính đáng phải bị hủy bỏ. Đây cũng là cơ sở để các bên hợp đồng, các cơ quan nhà nước xác định phạm vi của những thỏa thuận hợp pháp để thực thi.

d) Điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ hợp đồng cho vay tiêu dùng

Tựu chung, các quy định về hợp đồng vay đều hướng đến các mục đích sử dụng tiền vay nhất định. Nếu như quan hệ vay tiêu dùng, tiền vay được dùng để thanh toán chi phí cho mục đích tiêu dùng, thì hành vi vay vốn kinh doanh của các cá nhân (bao hàm cả các nhu cầu vốn của hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó làm chủ) chỉ nhằm mục đích sinh lợi (khoản 4, 5 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN). Do vậy, cho vay tiêu dùng có cơ chế pháp lý điều chỉnh riêng biệt, phù hợp với chủ thể là bên yếu thế, chiếm số đông, như đã được luận án đề cập trong phần khái niệm về HĐCV (điểm b, mục 2.1.1.1).

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đang có hiệu lực một thời gian dài (từ năm 2010 đến nay), nhưng đạo luật này không điều chỉnh các quan hệ tín dụng tiêu dùng, mà tập trung trong các quy định chuyên ngành ngân hàng với các

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


ngành luật liên quan. Theo tác giả, trọng tâm của mối quan hệ này vẫn là quy định của luật dân sự và luật thương mại. Nếu như các quy định khung của luật dân sự sẽ bảo vệ quyền lợi bình đẳng cho bên vay thì trong thương mại, chính sách liên kết tín dụng thương mại của ngân hàng với các chủ thể thương mại, cần thể hiện rõ trong luật để bảo vệ người vay thoát khỏi những rủi ro có thể xảy ra.

Pháp luật Việt Nam về hợp đồng cho vay trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng - 7

Về phương diện lý luận, các luận điểm trong khoa học ngân hàng thường đề cập đến cho vay tiêu dùng có những đặc điểm sau: “Lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất đối với hầu hết các khoản vay khác do quy mô nhỏ và rủi ro lớn….70. Thật vậy, xuất phát từ những đặc thù của cho vay tiêu dùng có rủi ro cao, cộng thêm chi phí tốn kém khi cho vay, áp lực khi đòi nợ, nên chức năng cho vay tiêu dùng đòi hỏi ngân hàng đó phải có năng lực quản lý, tài chính nhất định. Tuy nhiên, theo tác giả luận án, không thể vì lý do cho vay tiêu dùng nhiều rủi ro, tốn kém chi phí quản lý, nên pháp luật phân biệt chủ thể cho vay trái với bản chất cho vay tiêu dùng, hay bên cho vay đơn phương tự đặt ra các điều khoản hợp đồng mang tính áp đặt, lãi suất cao hơn nhiều lần so với các khoản vay có mục đích khác, cùng kỳ hạn…

Cho vay tiêu dùng được phân bổ nhằm đa dạng hóa, tối đa lợi nhuận cho các TCTD. Đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng do mức độ trách nhiệm cho vay thấp hơn, có tác dụng kích cầu tăng trưởng kinh tế71, thường được nhà nước khuyến khích phát triển. Mặc dù vậy, các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này đã từng khuyến cáo về những ảnh hưởng tiêu cực: Sự phát triển tín dụng tiêu dùng dễ dẫn đến tình trạng người tiêu dùng phải gánh chịu khoản nợ vượt quá khả năng chi trả của họ,72 như thực tiễn xét xử ở nước ngoài đề cập. Chẳng hạn, phán quyết Vụ kiện số C565/12 giữa Le Crédit Lyonnais SA với Fesih Kalhan (Tòa án quận Orléans — Pháp), tòa án đã tuyên bố như sau: “…trước khi kết thúc HĐTD, các chủ nợ đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng trên cơ sở thông tin đầy đủ, thích hợp thu được từ người tiêu dùng73. Phán quyết của tòa án còn chỉ ra rằng: Bên vay (ông Fesih Kalhan) không có khả năng thực hiện các cam kết tín dụng, nên phạt quyền được hưởng lãi suất theo hợp đồng đối với TCTD. Đây là ví dụ điển hình về trách nhiệm đánh giá năng lực của TCTD đối với khách hàng vay tiêu dùng, được bảo đảm thực hiện (đối với TCTD) bằng chế tài phạt lãi suất mà lẽ ra TCTD được hưởng khi bên vay có vi phạm.


70 Nguyên văn: “interest rates on consumer loans are higher than are those on most other bank loans because of their small size and the risk involed…”. Nguồn: Edward K. Reed, Edward K. Gill (1989), Sđd (11), tr. 202

71 Theo thống kê, cho vay tiêu dùng phát triển ổn định trên thế giới: Tại Hoa Kỳ, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng từ năm 1950 đến năm 2018 đạt trung bình 4,70 tỷ USD (đô la Mỹ), ở mức cao nhất vào tháng 12/2010 là 118,60 tỷ USD (đô la Mỹ), tháng 1/2018 đạt 13,91 tỷ USD (đô la Mỹ) (xem: Tradingeconomics, United States Consumer Credit Change, https://tradingeconomics.com/united-states/consumer-credit), truy cập ngày 23/1/2019. Tại Việt Nam, năm 2017, cho vay tiêu dùng tăng khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%), chiếm 18% trong tổng tín dụng (năm 2016 tỷ lệ này chiếm 12,3%), dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Đây là lĩnh vực được đánh giá là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của TCTD. Nguồn: Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, tháng 12/2017, tr. 13, http://nfsc.gov.vn/sites/default/files/bccp2017m12_final.pdf, truy cập ngày 08/3/2018

72 Nguyên văn: “there is a danger that heavy promotion of credit may lead consumers to take on more debt than they can realistically afford”. Catherine Elliott and Frances Quinn (2009), Sđd (10), tr. 406

73 Phán quyết vụ kiện số C565/12 giữa Le Crédit Lyonnais SA với Fesih Kalhan. Xem tại: http://www.eulaws.eu/?p=2421, truy cập lúc 19:13 ngày 10/4/2017


Ở một trường hợp khác, các nhà làm luật bảo vệ quyền lợi của người vay tiêu dùng dựa trên những quy định ràng buộc về nghĩa vụ của ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ (có tài trợ cấp tín dụng) không đạt yêu cầu chất lượng xuất phát từ thực tế nhu cầu liên kết, chia sẻ lợi ích, rủi ro với bên cung ứng dịch vụ, hàng hóa thương mại trong nền kinh tế hàng hóa. Nghĩa vụ này này cũng được đề cập như một án lệ khi giải quyết tranh chấp HĐCV tiêu dùng ở các nước.

Ví dụ: Vụ kiện tranh chấp HĐTD tiêu dùng giữa ông Durkin với Công ty CDSG Retail Limited đã được Tòa tối cao (Anh) giải quyết như sau:

Durkin (Nguyên đơn) mua 1 máy tính xách tay PC World ở Aberdeen giá 1499

£ (bảng) vào ngày 28/12/1998. Các bên ký thỏa thuận giữa chủ nợ, nhà cung cấp với Ngân hàng HFC để cho vay tài trợ mua hàng. Sau đó, ông Durkin từ chối nhận máy tính vì không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng. Ông yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán hàng và cả hủy bỏ HĐTD. Ngân hàng HFC yêu cầu ông Durkin truy thu 326,22 £ (bảng), nếu không thanh toán sẽ gặp khó khăn có được một khoản tín dụng khác. Phán quyết tòa án sau đó chấp thuận cho phép ông Durkin hủy bỏ HĐTD với lý do: “… khi con nợ không có quyền giữ lại hoặc sử dụng cho các mục đích khác vốn vay cho các giao dịch cụ thể, người vay cũng có thể hủy bỏ thỏa thuận tín dụng74 (mục 26 phán quyết).

Theo tình huống pháp lý trên, tòa án nhận định rằng: Hợp đồng cấp tín dụng tiêu dùng có quan hệ pháp lý chặt chẽ, ràng buộc với hợp đồng mua hàng. Trường hợp, hợp đồng mua hàng (có sử dụng vốn vay) bị hủy bỏ do sai phạm của bên bán, HĐTD cũng phải được chấm dứt thực hiện. Trách nhiệm pháp lý do lỗi chất lượng hàng hóa không đáp ứng yêu cầu của người mua hàng (người được cấp tín dụng) giữa bên bán hàng với ngân hàng tự giải quyết. Phán quyết đã gợi mở hướng nghiên cứu về trách nhiệm của TCTD khi liên kết với nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ thay vì trách nhiệm này thuộc về bên vay (xuất phát từ quyền quyết định sử dụng vốn vay), đến nay vẫn chưa được các nghiên cứu tại Việt Nam đề cập.75

Như vậy, từ một số kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài điển hình trên cho thấy: Các quan điểm trong khoa học pháp lý Việt Nam vẫn chưa đi sâu đề cập, chưa đánh giá đúng mực quyền lợi của bên vay tiêu dùng về phương diện quan hệ hợp đồng trong mối quan hệ pháp luật liên quan, cũng như nhu cầu phát triển dịch vụ vay trong lĩnh vực này, phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế.76

đ) Áp dụng pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng cho vay



74 Nguyên văn: “As the debtor has no right to retain or use for other purposes funds lent for the specific transaction, the creditor also may rescind the credit agreement.”. Nguồn: JUDGMENT Durkin (Appellant) v DSG Retail Limited and another (Respondents) (Scotland), 2014 http://ukscblog.com/new-judgment-durkin-v- dsg-retail-limited-anor-2014-uksc-21/, truy cập lúc 14:36 ngày 21/3/2017. Xem thêm: Phụ lục 3 (Vụ án thứ 9)

75 Vấn đề này được luận án đề cập giải quyết bằng việc tiếp thu một số kinh nghiệm của nước ngoài tại Mục

4.3.4. Kiến nghị bổ sung một số quy định để bảo vệ quyền lợi bên vay khi vay vốn nhằm mục đích tiêu dùng

76 Xem: Mục 4.3.4. Kiến nghị bổ sung một số quy định để bảo vệ quyền lợi bên vay khi vay vốn nhằm mục đích tiêu dùng


HĐCV là hình thức pháp lý của giao dịch cho vay tiền trong lĩnh vực ngân hàng, trước hết phải chịu sự điều chỉnh của luật các TCTD và các văn bản dưới luật, được cụ thể hóa tập trung tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và các văn bản hướng dẫn liên quan. Quy định này tương tự như pháp luật về HĐCV ở các nước theo hệ thống luật thành văn. Theo đó, pháp luật các quốc gia này cũng được phân chia thành các ngành độc lập, điều chỉnh nhóm quan hệ cho vay ngân hàng có cùng lợi ích xã hội nhất định (Ví dụ: Điều 37 Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc năm 1995; Điều 2, 3 Luật về Ngành tín dụng Đức). Mặt khác, do đặc thù của quan hệ cho vay vốn dĩ là một dạng quan hệ tài sản, nhiều rủi ro nên chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định liên quan. Rải rác trong các quy định của pháp luật ngân hàng đều đề cập hàm ý này. Chẳng hạn, khoản 1, Điều 94 Luật các TCTD năm 2010 quy định trách nhiệm của các TCTD là phải kiểm tra việc sử dụng vốn hợp pháp. Song, để xác định như thế nào là hành vi sử dụng vốn “hợp pháp” thì phải có sự đánh giá theo chiều rộng, trong sự liên hệ với nhiều quy định đan xen của nhiều ngành luật liên quan khác nhau.

Như vậy, quan hệ pháp luật về HĐCV tự bản thân là chế định phức tạp, chịu sự tác động, điều chỉnh của nhiều ngành luật. Luận án khi đánh giá một vấn đề pháp lý của quan hệ này cần làm rõ phạm vi và mức độ ưu tiên khi áp dụng luật để giải quyết.

Trên lý thuyết, các quy định pháp về HĐCV phải do luật chuyên ngành tín dụng ngân hàng điều chỉnh, trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng luật chung hay các quy định liên quan. Vận dụng nguyên tắc này chỉ phát huy hiệu quả trong trường hợp pháp luật chuyên ngành ngân hàng hoàn thiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung trước những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực ngân hàng. Nếu không đáp ứng yêu cầu này, khi đó pháp luật sẽ bị mâu thuẫn, chồng chéo, khó khăn khi thực thi.

Tóm lại, pháp luật về HĐCV là sự giao thoa, đan xen giữa luật chuyên ngành tín dụng ngân hàng, luật dân sự và các ngành luật liên quan. Đặc điểm này làm cho quá trình thực thi pháp luật sẽ không tránh khỏi sự rối rắm, khó hiểu, kể cả áp dụng sai. Nghiên cứu, áp dụng đúng pháp luật về HĐCV là cơ sở để đánh giá chất lượng pháp luật như các tiêu chí “hiệu quả, thống nhất, không bị chồng chéo của văn bản pháp luật” được luận án đề cập giải quyết trong các kiến nghị (Chương 4 của luận án).

2.2.2. Quan hệ pháp luật về hợp đồng cho vay

2.2.2.1. Các yếu tố phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật về hợp đồng cho vay

Quan hệ pháp luật về cho vay nói chung được cấu thành bởi nhiều nhiều tố, ngoài các quy định của pháp luật về năng lực của chủ thể, các sự kiện pháp lý (bao gồm: sự biến pháp lý, hành vi pháp lý) là nhân tố cấu thành, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ này.

Đề cập đến phạm vi của giao dịch vay, có quan điểm cho rằng, nó (sự kiện pháp lý) được thể hiện thông qua các hành vi “cam kết” và hành vi “định đoạt”. Nếu hành vi “cam kết” chỉ tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho các bên thực hiện, thì hành vi “định


đoạt” làm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản (vốn vay).77 Thật vậy, trong suốt “vòng đời” của HĐCV, TCTD có thể thực hiện một hay một vài hành vi tín dụng, giữa các hành vi này có mối liên hệ với nhau. Cam kết tín dụng không đơn thuần chỉ khi ký kết hợp đồng mới ràng buộc, các bên có thể thỏa thuận thực hiện cam kết này ngay từ khi tiếp xúc, thỏa thuận, đánh giá năng lực thực hiện hợp đồng, nhưng mức độ ràng buộc trách nhiệm đến đâu vẫn là vấn đề còn tranh luận.

Mặt khác, với bản chất của một giao dịch có phụ thuộc đáng kể vào lợi ích công (trật tự xã hội), sự biến pháp lý vốn dĩ thường được xem là nhân tố khách quan chi phối hiệu lực, điều kiện thực hiện hợp đồng (thường thấy trong lĩnh vực thương mại) không tác động nhiều đến quan hệ hợp đồng vay.

a) Sự kiện pháp lý do các chủ thể hợp đồng cho vay tạo ra

- Sự kiện ký kết, thực hiện hợp đồng cho vay:

Trước hết, phải kể đến giao kết HĐCV đương nhiên làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ đã được các bên cam kết. Có ý kiến cho rằng: “Hợp đồng là một hành vi pháp lý, hơn thế nữa là một hành vi pháp lý đặc biệt: Sự thỏa thuận giữa các bên78. Các bên trước khi ký kết HĐCV phải tiến hành các bước đàm phán, ghi nhận đầy đủ ý chí của mình trong hợp đồng để khi thực hiện sẽ đạt hiệu quả như mong muốn. Hành vi ký kết hợp đồng chính là biểu hiện đồng thuận giữa các chủ thể hợp đồng, làm cơ sở để thực hiện và giải quyết tranh chấp về sau.

Quá trình hợp đồng vay kéo dài, phát sinh nhiều hành vi, sự kiện tác động khác nhau kể cả chủ quan hoặc khách quan (sự biến pháp lý). Trong chừng mực nhất định, hành vi và sự kiện pháp lý đồng nhất vì có thể xảy ra cùng vào một thời gian, địa điểm. Chẳng hạn: Bên vay không chấp hành quy định kiểm tra việc sử dụng vốn vay là nguyên nhân làm phát sinh sự kiện chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quyết định của bên cho vay; Hành vi không hoàn trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn quyền lợi được các bên tiếp tục giải quyết bằng các hoạt động tố tụng sau đó.

Đối với hành vi chấm dứt thực hiện HĐCV, hành vi này có thể do sự chủ quan: Bên vay vi phạm hợp đồng, không chấp nhận kiểm tra của bên cho vay, không hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay, cung cấp thông tin tín dụng sai sự thật… Hay vì những lý do khách quan: Bên vay chết, mất năng lực hành vi (đối với cá nhân); phá sản, giải thể (đối với doanh nghiệp)…

+ Hành vi mời chào vay vốn của ngân hàng:

Các TCTD trước áp lực cạnh tranh mở rộng thị trường, chủ động đưa ra đề nghị, hoặc mời chào vay vốn như một kênh quảng bá kinh doanh. Điều đó giúp khách hàng dễ dàng nhận diện uy tín, năng lực, nhanh chóng tiếp cận vốn khi có nhu cầu như đã được các nghiên cứu thường đề cập: “đôi khi Ngân hàng còn chủ động đưa ra đề nghị giao kết HĐTD cho khách hàng để tự mình lựa chọn lấy những khách hàng có đủ


77 Nguyễn Văn Tuyến (2004), Các giao dịch thương mại chủ yếu của Ngân hàng thương mại trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 96

78 Corinne Renault – Brahinsky (2000-2002), Tlđd (47), tr. 4


uy tín và năng lực trả nợ. Trong trường hợp này, văn bản đề nghị giao kết HĐTD do phía Ngân hàng đưa ra thường là các thư chào mời được Ngân hàng soạn79.

Vậy, hành vi mời chào tín dụng như trên có được xem là hình thức chào hàng, ràng buộc trách nhiệm của bên mời chào (ngân hàng) cũng như bên nhận chào hàng (khách hàng), cho dù khách hàng không có ý kiến phản hồi hoặc chấp thuận?

Theo tác giả, nếu cho rằng “thư mời chào” như một lời đề nghị giao kết hợp đồng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của hình thức này được luật định (Điều 386 BLDS năm 2015), từ đó cho rằng TCTD phải “chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể” là chưa có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ, không một TCTD nào có thể đưa ra một bản hợp đồng vay được soạn sẵn mà không biết rõ nhu cầu tín dụng của khách hàng, đồng thời áp dụng các biện pháp can thiệp tối thiểu, cần thiết để bảo đảm khoản vay được hoàn trả đúng hạn.

Ví dụ: Mẫu thư ngỏ của một NHTM có ghi: Chương trình “Ngôi nhà đầu tiên với mức thu nhập hàng tháng 15 triệu đồng; Vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7.5%/năm tính trên dư nợ giảm dần; Thời hạn vay lên đến 20 năm80. Kèm theo thông báo, ngân hàng còn đưa ra bảng kê cách tính lãi suất và phương thức thanh toán.

Một số nhận xét, đánh giá (về thư ngỏ trên):

HĐCV bắt buộc phải có đầy đủ nội dung cơ bản về điều kiện vay. Mẫu thư mời chào được đề cập, về bản chất, là văn bản giới thiệu một sản phẩm tín dụng mới, tương tự như hành vi xúc tiến thương mại,81 nhằm mục đích tìm kiếm cơ hội cung ứng dịch vụ vay cho khách hàng. Hình thức này khác với văn bản đề nghị giao kết hợp đồng, theo đó, bên đề nghị (bên cho vay) sẵn sàng chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ phát sinh nếu được bên nhận đề nghị (bên vay) đồng ý những nội dung đã đề nghị.

Bên vay khi tiếp nhận thư mời chào cho vay, việc chấp thuận hay không chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào cũng không ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên. Hay nói cách khác, thư ngỏ của ngân hàng chỉ là tiền đề để các bên tạo niềm tin, tìm kiếm cơ hội, điều kiện tiến hành các bước thủ tục cho vay theo đúng luật định. Vì vậy, thư ngỏ này không được xem là một cam kết cấp tín dụng, có giá trị ràng buộc ngay khi được TCTD phát hành (thư ngỏ), kể cả khi bên vay có ý kiến chấp thuận.

+ Quyết định (hoặc văn bản) chấp thuận cho vay do TCTD phát hành:

Sự tồn tại của các quyết định chấp thuận cho vay trong thực tiễn giao kết HĐCV khá phổ biến. Đó là kết quả của quy trình xét duyệt cho vay đã được các TCTD thực hiện, theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Vậy, quyết định chấp thuận cho vay của TCTD có ràng buộc trách nhiện của TCTD đó đối với khách hàng vay vốn? Tính chất, mức độ ràng buộc trách nhiệm đến đâu?


79 Nguyễn Văn Tuyến (2004), Tlđd (77), tr. 93

80 Thư ngỏ của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) ngày 09/1/2017 gửi khách hàng về việc giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng

81 Theo khoản 10, Điều 3 Luật Thương mại năm 2005: “Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại”.


Có ý kiến cho rằng: “bất luận ý chí cho vay của NHTM được thể hiện hay bày tỏ dưới hình thức nào… thì về nguyên tắc, các văn bản đó đều mới chỉ phản ánh ý chí của một bên là NHTM, do đó chỉ mới có giá trị ràng buộc đối với bên thể hiện ý định cho vay là NHTM…82.

Quan điểm của tác giả về vấn đề này như sau: Nếu dựa trên các nguyên tắc chung của quan hệ hợp đồng cho phép các TCTD tự do, chủ động lựa chọn khách hàng, từ đó cho rằng quyết định chấp thuận cho vay không ràng buộc trách nhiệm đối với các bên sẽ tạo sự tùy tiện trong giao dịch vay. Vì về bản chất, hành vi chấp thuận cho vay có sự khác biệt cơ bản với hành vi mời chào cấp tín dụng. Hành vi này được thực hiện sau khi các bên đã qua quá trình thẩm định cấp tín dụng, đã ý thức tham gia quan hệ cho vay theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Ngày 09/11/2010, Ngân hàng thương mại cổ phần ĐD phát hành văn bản chấp thuận cho bà Trần Thị Ch (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) vay số tiền 3.000.000.000 đồng. Vì bà Ch đã bán căn nhà dự định thế chấp vay vốn nên hai bên không ký kết, thực hiện HĐCV. Ngân hàng sau đó không yêu cầu bà Ch tiếp tục vay vốn hay có bất kỳ yêu cầu khoản tiền bồi thường thiệt hại, mặc dù trước đó hồ sơ vay vốn đã được thẩm định, chấp thuận cho vay.

Từ tình huống này, vấn đề pháp lý được đặt ra: TCTD quyết định chấp thuận cho vay, nếu khách hàng không vay vốn mà không có lý do chính đáng thì có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm. Hoặc ngược lại, TCTD đó có phải chịu mọi chi phí, tổn thất của khách hàng nếu không cho vay?

Tác giả vận dụng lý thuyết giai đoạn tiền hợp đồng đã được các nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện, có giá trị khoa học83 để phân tích, đánh giá. Theo đó, trong giai đoạn tiền hợp đồng này giữa các bên có quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau, ràng buộc bằng các nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể. Bên nào vi phạm là bội ước, không trung thực, nếu gây thiệt hại cho bên kia thì “phải gánh chịu các hậu quả pháp lý mang tính chất bất lợi cho mình84.

Thật vậy, thực tiễn, bên cho vay thường đặt ra nghĩa vụ của bên vay đối với những cam kết trước khi ký kết HĐCV (Ví dụ: Hợp đồng tín dụng số 1601-LAV- 201000349 ký ngày 09/8/2010 giữa Ngân hàng NN & PTNTVN – Chi nhánh quận 1, TP. Hồ Chí Minh với ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị Chí S, tại Điều 9 quy định như sau: “Bên vay và/hoặc Bên bảo lãnh cung cấp thông tin sai sự thật, kể cả những thông tin cung cấp trước khi được cấp tín dụng”). Song, nếu cho rằng cam kết này chỉ dừng lại ở nghĩa vụ cung cấp thông tin về hợp đồng là chưa lột tả đầy đủ hết ý nghĩa về những ràng buộc phát sinh. Bằng các quy định về xét duyệt tín dụng, thỏa thuận


82 Nguyễn Văn Tuyến (2004), Tlđd (77), tr. 94-95

83 Xem thêm: Lê Trường Sơn (2015), Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

84 Xem thêm: Kiều Thị Thùy Linh (2015), Nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC) và bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện quy định pháp luật ở Việt Nam, http://moj.gov.vn/tcdcpl/tintuc/Lists/NghienCuuTraDoi/View_detail.aspx?ItemID=513, truy cập lúc 15:00, ngày 15/10/2015


này làm hình thành mối quan hệ tương tác, trách nhiệm với nhau nếu bội ước, vi phạm cam kết. Nhưng phạm vi mức độ, trách nhiệm của bên vi phạm như thế nào và đến đâu vẫn chưa được pháp luật ngân hàng Việt Nam đề cập. Thiết nghĩ luận án cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những cơ sở lý luận, đưa ra kiến nghị bổ sung, khắc phục lỗ hổng của pháp luật điều chỉnh quan hệ HĐCV ở giai đoạn mở đầu của quan hệ vay.

Tóm lại, những sự kiện pháp lý làm thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật thông qua hành vi ký kết, sửa đổi HĐCV, về nguyên tắc, phải được điều chỉnh của pháp luật. Khác với hành vi mời chào cho vay không được xem như là đề nghị giao kết hợp đồng thì quyết định cho vay cần ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm các bên để bảo đảm quyền tiếp cận tín dụng, tránh sự tùy tiện khi cho vay, duy trì trật tự kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.

b) Sự kiện pháp lý xảy ra nằm ngoài ý chí chủ quan của chủ thể

Nếu hành vi giao kết hợp đồng do các bên chủ động thực hiện là căn cứ phát sinh quan hệ pháp lý từ hợp đồng đó, thì sự kiện xảy ra do tự nhiên, ngoài ý thức chủ quan của bên vay cũng có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt thực hiện HĐCV.

- Sự kiện chủ thể HĐCV chấm dứt hoạt động, tồn tại:

+ Đối với trường hợp bên cho vay là các TCTD giải thể, phá sản:

Trong lĩnh vực ngân hàng, TCTD có dấu hiệu mất khả năng thanh khoản sẽ bị kiểm soát đặc biệt.85 Sau khi áp dụng các biện pháp phục hồi, xử lý (sáp nhập, hợp nhất, chia tách), nếu TCTD đó vẫn không khắc phục được thì bị tuyên bố giải thể hoặc phá sản như các doanh nghiệp bình thường khác. Pháp luật ngân hàng đã ghi nhận cho phép phá sản các định chế ngân hàng, là điểm mới của pháp luật Việt Nam hiện nay.86 Hành vi chấp nhận giải thể, phá sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm chấm dứt thực hiện HĐCV. Đối với trường hợp TCTD phá sản, quyền lợi của bên vay được thực hiện theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc: Thu hồi tiền vay để xử lý theo phương án chi trả tiền gửi của khách hàng.

+ Đối với bên vay là doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do bị giải thể, phá sản:

Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trước khi giải thể. Đối với trường hợp phá sản doanh nghiệp, tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đến doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản phải được giải quyết trong cùng vụ án,87 nhằm bảo đảm lợi ích của người có quyền lợi liên quan.

Đối với bên vay, quy định này còn là quyền lợi về tài sản của bên thứ ba (ví dụ: tài sản thế chấp đang được cho thuê, cho mượn…). Nếu vụ án đã được giải quyết mà doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, xóa tên trên hệ thống đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp đó không thể thực thi phán quyết của tòa án, trọng tài.


85 Kiểm soát đặc biệt là việc các TCTD đặt dưới sự kiểm soát của NHNN khi có dấu hiệu mất khả năng chi trả, nợ không có khả năng thu hồi, nguy cơ mất khả năng thanh toán (theo Điều 6, Điều 8 Thông tư 08/2010/TT- NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với TCTD)

86 Xem thêm: Điều 150, 152b Luật các TCTD sửa đổi năm 2017

87 Xem: Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2010/KDTM-GĐT ngày 06/01/2010 của Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy quyết định của tòa án cấp dưới xét xử một vụ án tranh chấp HĐCV. Lý do, trước đó tòa án đã mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với khách hàng trong vụ án mà ngân hàng đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 09/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí