Trên thực tế hiện nay có hai nguồn thông tin quan trọng nhất làm cơ sở cho việc ra quyết định của nhà đầu tư đó là lấy thông tin từ những hội, nhóm kinh doanh chứng khoán hoặc là thông tin nội bộ tức thông tin không được công bố nhưng bằng những kỹ thuật, chiến thuật riêng mà nhà đầu tư có thể lấy được từ những đầu mối quan trọng, đây được coi là cơ sở để nhà đầu tư đưa ra quyết định của mình.
Tuy nhiên, những thông tin trên không phải là căn cứ thật sự vững chắc để đưa ra quyết định đầu tư. Và đã có nhiều quyết định được đưa ra dựa trên cảm giác của NĐT hay còn gọi là "tâm lý đám đông", với những trường hợp như vậy, rủi ro đối với các NĐT là rất lớn.
Rõ ràng, những hạn chế của thị trường tự do là vì không được quản lý chặt chẽ nên giá chứng khoán thường biến động lớn vì không có biên độ giá người mua bán dễ bị tác động tâm lý mua bán theo đuôi, người đầu tư nói chung không tiện lợi mua bán. Thị trường tự do là một trong những yếu tố bất cập hiện nay của hệ thống TTCK Việt Nam nhưng không phải ở bản thân hoạt động của thị trường mà là ở khía cạnh chưa được quản lý hữu hiệu để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của thị trường. Tuy thị trường có vai trò và vị trí nhất định trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng được phần lớn nhu cầu phát hành và giao dịch chứng khoán cho các công ty và nhà đầu tư nhưng trước mắt và về lâu dài sẽ bộc lộ những tiêu cực như: người tham gia thị trường là nhà đầu tư và công ty phát hành không có môi trường giao dịch thuận tiện và không được bảo vệ quyền lợi.
Môi trường này bao gồm cả môi trường vật chất và phi vật chất. Môi trường vật chất là cơ sở hạ tầng, các hệ thống phục vụ cho việc giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán... nói chung là liên quan đến việc đầu tư vào cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho việc giao dịch chứng khoán, các hoạt động quản lý bảo vệ người tham gia thị trường. Môi trường phi vật chất bao gồm
khuôn khổ pháp lý, cung cấp thông tin có liên quan, điều kiện được pháp luật bảo vệ khi phát sinh vi phạm, tranh chấp.
2.1.2. Nhà môi giới cổ phiếu chưa niêm yết
Nghề môi giới chứng khoán ở nước ngoài không phải là mới xuất hiện nhưng tại Việt Nam đây là nghề mới và rất cần phát triển.
Trước khi Luật Chứng khoán năm 2006 có hiệu lực thì Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 qui định về chứng khoán và TTCK, theo đó chỉ những người làm việc trong CTCK hoặc trong công ty quản lý quỹ có đủ 3 chứng chỉ đào tạo của Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán mới được thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và có chứng chỉ hành nghề thì mới được thực hiện chức năng môi giới chứng khoán.
Từ khi Luật Chứng khoán năm 2006 có hiệu lực, qui định về việc thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán đã có sự thay đổi theo hướng cho phép những người làm việc ngoài CTCK, công ty quản lý quĩ cũng được thi để lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán nếu có đủ chứng chỉ đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay qui chế về người hành nghề chứng khoán tại Việt Nam vẫn chưa được ban hành nên cũng chưa có cách hiểu thống nhất về việc nhà môi giới tự do có phải có giấy phép hành nghề hay không?
Chính vì vậy, nhà môi giới hoạt động trên thị trường tự do là rất lớn bởi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà môi giới được chỉ cần họ có điện thoại, ghép nối được giữa bên mua và bên bán.
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp luật về quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ở Việt Nam - 2
- Phân Biệt Thị Trường Chứng Khoán Chưa Niêm Yết Và Các Thị Trường Khác
- Rủi Ro Đầu Tư Trên Thị Trường Chứng Khoán Chưa Niêm Yết
- Những Bất Cập Phát Sinh Trong Giao Dịch Và Quản Lý Giao Dịch Trong Thị Trường Chứng Khoán Chưa Niêm Yết Và Hướng Điều Chỉnh Pháp Luật
- Bất Cập Trong Xây Dựng Thị Trường Có Tổ Chức
- Pháp luật về quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ở Việt Nam - 8
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
Ngoài ra, hoạt động trên thị trường tự do là các nhà môi giới có giấy phép, tức là những người được cấp phép để môi giới cho các chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung nhưng họ lại tham gia môi giới cả chứng khoán không niêm yết, thu xếp các khoản cho vay, cầm cố chứng khoán. Họ đóng vai trò là đại lý mua bán chứng khoán cho các nhà đầu tư để hưởng hoa hồng.
Bên cạnh đó, với lợi thế của mình, các CTCK còn tham gia trên thị trường này với tư cách là các nhà môi giới. Đồng thời công ty này cũng là người kinh doanh chứng khoán (nghiệp vụ tự doanh), tức họ đứng ra mua chứng khoán của người bán sau đó bán lại cho người mua khác với giá cao hơn giá họ mua vào để hưởng thu nhập chênh lệch giữa giá mua và giá bán. So sánh hai chủ thể này cho thấy những người môi giới chứng khoán không chịu sự tác động của rủi ro biến động thị giá chứng khoán như những người kinh doanh chứng khoán bởi vì họ không nắm giữ chứng khoán. Ngược lại, người kinh doanh chứng khoán có nguy cơ rủi ro cao vì họ trực tiếp nắm giữ chứng khoán trong quá trình kinh doanh. Nếu giá chứng khoán tăng lên thì người kinh doanh có lợi nhuận, nhưng nếu giá chứng khoán sụt giảm thì sẽ bị thua lỗ thậm chí có thể phá sản.
Ngày nay, các công ty chứng khoán thường thực hiện cả hai nghiệp vụ, vừa làm trung gian môi giới mua bán chứng khoán để hưởng hoa hồng, vừa kinh doanh chứng khoán để hưởng chênh lệch giá.
2.1.3. Rủi ro phát sinh trên thị trường OTC
Thị trường OTC hiện nay chưa được quản lý một cách có hệ thống nên khi nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu trên thị trường tự do rất dễ gặp phải các rủi ro sau đây:
Rủi ro do hành vi lừa đảo. Do hoạt động mua bán này là hoạt động mua bán trao tay, người mua thường chỉ nhìn thấy cổ phiếu mà không xác định được đó là cổ phiếu của chính công ty mình sắp trở thành cổ đông là giả hay thật. Chẳng hạn, Công an Hải Phòng đã bắt quả tang một nhóm tổ chức lừa đảo bằng cách dựng lên phiên chợ giới thiệu và bán cổ phiếu phổ thông. Điều tra cho thấy, Lý Hữu Hoàng là một Việt kiều tại Mỹ, về Hải Phòng móc nối với một số người Việt tổ chức làm giả con dấu của một công ty cổ phần rồi tổ chức phát hành cổ phiếu phổ thông với tổng mệnh giá lên đến 800 tỉ
đồng [31]. Rất may là vụ lừa đảo không thành do Công an Hải Phòng sớm phát hiện và tổ chức bắt giữ bọn lừa đảo.
Rõ ràng, trên thị trường tự do có vô số các loại cổ phiếu đang lưu hành. Thông thường thì NĐT sau khi xem xong cổ phiếu sẽ liên hệ tìm hiểu doanh nghiệp phát hành để xác định xem cổ phiếu đó có thật hay không, giá bán trên thị trường bao nhiêu, người mua được những quyền lợi gì. Những NĐT chuyên nghiệp luôn phân tích rất kỹ mọi thông tin về công ty phát hành cổ phiếu, về công nghệ, về thị trường đầu vào và đầu ra, về các đối thủ cạnh tranh. Còn NĐT không chuyên nghiệp do chưa có tiềm lực tài chính, khả năng phân tích không tốt nên mua bán dễ dàng hơn và rủi ro là không tránh khỏi.
Một TTCK tồn tại và phát triển được là nhờ vào lòng tin của NĐT [27]. Khi NĐT có lòng tin vào thị trường thì họ sẽ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, ngược lại khi lòng tin của NĐT bị suy giảm thì sẽ rất khó thuyết phục họ mua chứng khoán, kể cả khi các tổ chức phát hành hoạt động có hiệu quả. Khi đó, các tổ chức phát hành sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, khi có hiện tượng gian lận, lừa đảo trên thị trường CKCNY làm mất niềm tin của NĐT thì có thể dẫn tới sự đổ vỡ của thị trường, thậm chí có thể ảnh hưởng lan truyền cho cả nền kinh tế.
Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều nhà đầu tư dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau đã thất bại khi mua cổ phiếu của người không phải chủ sở hữu mà thông qua "cò" chứng khoán. Trên thực tế, trong thời gian cuối năm 2006 đến đầu năm 2007, thị trường cổ phiếu tự do lên cơn sốt đỉnh điểm.
Tuấn dựa trên mới quan hệ quen biết với Hà khoe rằng mình có rất nhiều cổ phiếu Vinaconex - một cổ phiếu nóng trên thị trường lúc đó, làm chị Hà tưởng thật đã đồng ý mua và đặt cọc tiền cho Tuấn. Sau khi nhận tiền đặt cọc của Hà, Tuấn đã cao chạy xa
bay và thực tế Tuấn không có một tờ cổ phiếu nào như đã nói với chị Hà [31].
Thông thường để đảm bảo giao dịch thành công, người bán luôn yêu cầu người mua cổ phiếu phải đặt cọc một khoản tiền nhất định. Khi đó nếu giá cổ phiếu giảm, buộc người mua phải mua số cổ phiếu với giá đã cam kết, nếu không bị mất tiền đặt cọc.
Ngược lại, khi giá lên, người bán có xu hướng đánh tháo và dễ dàng đánh tháo, còn số tiền đã đặt cọc không phải lúc nào và trường hợp nào cũng lấy lại ngay được.
Ở Việt Nam, Luật Chứng khoán năm 2006 qui định:
Sở giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán của tổ chức phát hành đủ điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán. Trung tâm giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán của tổ chức phát hành không đủ điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán. Ngoài Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán [14, Điều 33].
Như vậy, nếu như thị trường tập trung đã được điều chỉnh bởi một hệ thống các qui định pháp luật thì thị trường CKCNY hiện nay đang bị bỏ ngỏ, một khoảng trống pháp luật đang tồn tại ở đây. Điều đó cho thấy tính cấp thiết của việc cần thiết phải xây dựng khung pháp luật để quản lý thị trường.
Hoạt động phát hành chứng khoán bên ngoài thị trường chứng khoán chính thức đang diễn ra hết sức phức tạp, không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Lý do cơ bản của thực trạng này là vì cho tới hiện nay vẫn chưa có một khung pháp lý đầy đủ qui định việc phát hành chứng khoán. Nhiều công ty chưa đủ điều kiện niêm yết cũng như các công ty đã đủ điều kiện nhưng
chưa muốn tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tiến hành huy động vốn bằng cách tự phát hành chứng khoán. Do đó, việc quản lý việc phát hành chứng khoán đối với các công ty chưa niêm yết là rất khó khăn.
Hoạt động của thị trường tự do hiện tại cũng như về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chính thức, những hoạt động kinh doanh trên thị trường hoạt động trong điều kiện không công bằng gây bất bình đẳng trong việc mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư, hệ quả tất yếu là không đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định của hệ thống TTCK nói chung. Những minh chứng dưới đây sẽ cho thấy cần nhanh chóng có một mô hình quản lý thị trường CKCNY:
Rủi ro do thiếu thông tin. Có thể minh chứng rủi ro thiếu thông tin trong trường hợp bán cổ phần Bệnh viện Bình dân cụ thể là một số cán bộ công nhân viên của bệnh viện Bình dân đã bán quyền mua cổ phần của mình theo thâm niên công tác thông qua giấy tờ viết tay cho các NĐT khi nghe tin có phương án cổ phần hóa bệnh viện nhưng chưa được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua cho đến khi Ủy ban nhân dân quyết định không cổ phần hóa bệnh viện nữa thì người mua cổ phần mới biết mình mua một tờ giấy không có giá trị hay việc thông tin tập đoàn dầu khí rút khỏi danh sách cổ đông trong khi thành lập Ngân hàng Hồng Việt đã gây thiệt hại cho NĐT.
Nhiều người đã bỏ cả trăm triệu để có được quyền mua cổ phần. Có những NĐT trong thời gian qua đã mua cổ phiếu chưa được phép chuyển nhượng. Thực chất, bằng chứng sở hữu cổ phiếu là tờ biên lai thu tiền do đơn vị phát hành cổ phần phát cho nhân viên trong đơn vị. Biên lai ghi rõ số cổ phần được mua, số tiền đã nộp và có dấu của đơn vị phát hành.
Khi xảy ra tranh chấp, người mua sẽ là người "thiệt đơn, thiệt kép" bởi tên trong sổ cổ đông vẫn thuộc về người bán. Nếu vụ việc được đưa ra
tòa án thì tòa án cũng chỉ ghi nhận có tồn tại giao dịch và bên bán chỉ phải trả lại số tiền mà bên mua đã bỏ ra. Nếu giá cổ phiếu lúc đó đã tăng cao thì thiệt thòi đương nhiên thuộc về bên mua.
Như vậy, để bảo vệ mình, các NĐT cổ phiếu trên thị trường tự do cần phải thỏa thuận bằng giấy, bằng hợp đồng chuyển nhượng với người chuyển nhượng cổ phiếu, ghi rõ ràng quyền lợi mua cổ phiếu mới tăng vốn thuộc về ai.
Cổ tức của công ty được chia cho cổ đông dựa trên số lượng cổ phần cổ đông đang nắm giữ. Rủi ro là ở chỗ, khi mua cổ phiếu, người được chuyển nhượng không nắm bắt được thông tin, không thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó người mua mặc dù nắm giữ cổ phiếu đúng tên mình rồi, nhưng không nhận được cổ tức do hạn chế về thông tin.
Về thiệt hại liên quan đến mua cổ phiếu tăng vốn. Trong các đợt phát hành thêm cổ phiếu mới để tăng vốn, cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược, hay cán bộ nhân viên công ty được quyền mua cổ phiếu.
Các đối tượng trên do không huy động được tiền hoặc vì nhiều lý do khác, bán quyền mua cổ phiếu của mình. Giá bán quyền mua thường thấp hơn giá thị trường tự do thời điểm đó. NĐT mới thấy giá thấp, hấp dẫn thường chấp nhận mua.
Nhưng từ khi nộp tiền để mua cổ phiếu cho đến khi nhận được cổ phiếu là cả một khoảng thời gian khá dài, nên đến khi nhận được cổ phiếu thì cổ phiếu vẫn đứng tên chủ sở hữu là người chuyển nhượng. Nếu giá cổ phiếu đứng nguyên, giảm, hay gặp phải người nghiêm túc, đứng đắn, thì công việc làm thủ tục chuyển nhượng không gặp khó khăn. Trong trường hợp gặp phải người không trọng chữ tín, dễ dàng bị đánh tháo và hứa hẹn trả lại số tiền trước kia đã nhận kèm với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Đối với cổ phiếu "giấy tay", người bán phải đưa người mua giấy thông báo trúng đấu giá, chứng minh nhân dân trước khi thực hiện giao dịch.
Tuy nhiên, ngay cả khi có đầy đủ các loại giấy tờ, việc mua bán này cũng có nhiều rủi ro đối với người mua do các thủ tục sang tên chỉ được thực hiện sau khi đóng tiền đầy đủ.
Tóm lại, phương thức giao dịch an toàn nhất đối với CKCNY vẫn là thông qua các nhà môi giới chứng khoán của các công ty chứng khoán. Khi thông qua các chủ thể này, NĐT có thể hạn chế được rủi ro mà còn tránh những trường hợp lừa đảo - hình thức ủy quyền này không chỉ giúp NĐT tránh được rủi ro, mà công ty phát hành cổ phần cũng không phải gánh thêm việc, do mọi giao dịch đều thông qua các CTCK có tính chuyên nghiệp hơn.
Những mặt trái của thị trường CKCNY hiện nay không được kiềm chế và ngăn chặn sẽ gây ra những rủi ro lây lan đối với toàn bộ hệ thống thị trường tài chính nói chung và gây hậu quả tiêu cực khôn lường cho nền kinh tế - xã hội. Thị trường, xét về tổng thể, sẽ không đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ, phù hợp với các lĩnh vực và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác một khi nó nằm ngoài quỹ đạo quản lý và định hướng chung phát triển chung của Nhà nước.
Thị trường CKCNY vốn dĩ lớn gấp rất nhiều lần so với thị trường chính thức và cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn do có nhiều hàng hóa để lựa chọn, giá cả rẻ hơn, cơ hội được mua cổ phiếu với mức giá ưu đãi, cổ phiếu thưởng… khi công ty tiến hành tăng vốn. Thế nhưng, thị trường này lại khắc nghiệt hơn nhiều thị trường tập trung, nguyên nhân là thị trường này chưa được pháp luật bảo vệ và thông tin không minh bạch.
Trong thời gian qua, những tác động của nền kinh tế tới thị trường tài chính tiền tệ đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự vận hành của nền kinh tế nói chung. Chính sách quản lý vĩ mô chưa được hoàn chỉnh và đồng bộ, điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc quản lý các thị trường tài sản và tài chính như thị trường bất động sản, thị trường bảo hiểm, thị trường tiền tệ