TP.HCM, người bảo vệ quyền lợi cho NH Công thương, thì số tiền đó vẫn là tiền của khách hàng198. Theo quan điểm của các nguyên đơn dân sự kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, các công ty này đã mở tài khoản tiền gửi hợp pháp, ký HĐ tiền gửi, HĐ ủy thác đúng luật, v.v...tiền đã hạch toán vào hệ thống kế toán của Vietinbank nên mất tiền là do Vietinbank quản lý không chặt chẽ, không kiểm tra, giám sát kịp thời nhân viên, trách nhiệm bồi thường phải thuộc về Vietinbank199. Nhưng, theo quan điểm của tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Tp.HCM trong bản án phúc thẩm số 291/2018/HS-PT, sau khi thỏa thuận ngoài NH, Huyền Như đã yêu cầu các công ty mở tài khoản thanh toán tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Điều này thể hiện ý thức chiếm đoạt ngay khi Huyền Như nhận thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Từ đó, TAND cấp cao nhận định các nguyên đơn dân sự yêu cầu Vietinbank bồi thường là không có cơ sở và không phù hợp với quy định của pháp luật200. Lập luận của TAND cấp cao là các HĐ tiền gửi, HĐ ủy thác đầu tư do bị cáo Như soạn thảo, các thủ tục, thông tin mở tài khoản do Như thực hiện mở cho các công ty đều là phương thức, thủ đoạn gian dối của Như để chiếm đoạt tiền gửi. Từ đó, TAND cấp cao đồng ý với quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”201.
Theo quan điểm của nghiên cứu sinh, tuy không trực tiếp khẳng định nhưng qua cách thức lập luận của TAND cấp cao và tòa án cấp sơ thẩm thì tiền gửi vẫn là tài sản thuộc sở hữu của các công ty, chưa phải là tài sản của NH Công thương. Điều quan trọng dẫn đến cách hiểu như vậy là do bị cáo Huyền Như đã có hành gi sắp xếp trước để lừa các công ty. Từ đó, vấn đề được chuyển sang một cách hiểu khác. Cách hiểu khác này của TAND cấp cao và TAND cấp sơ thẩm không bị xem là trái ngược với quy định của BLDS năm 2005 và 2015: bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Mấu chốt ở đây là NH Công thương chưa thực sự nhận tài sản đó, đã bị Huyền Như tạo các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt.
Về mặt kế toán, theo Điều 13 Thông tư 133/2016/TT-NHNN202 thì việc hạch toán tiền gửi của khách hàng vào NH tại mục bên nợ của tài khoản 112, tài khoản tiền gửi
198 Nguyễn Văn Trung, “Bài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như”, [http://www.hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?CatPK=4&NewsPK=439], truy cập ngày 20-5-2018, tr.4
199 Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM (2018), Bản án phúc thẩm số 291/2018/HS-PT ban hành ngày 30-5-2018,
tr.19
200 Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM (2018), tlđd 199, tr.21
201 Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM (2018), tlđd 199, tr.22
202 Thông tư số 133/2016/TT-BTC, được ban hành ngày 26-8-2016, hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực khi năm tài chính bắt đầu hoặc từ 1-1-2017
Có thể bạn quan tâm!
- Quy Định Về Việc Sử Dụng Vốn Để Thành Lập, Mua Lại Công Ty Con, Công Ty Liên Kết
- Chế Tài Cho Các Hành Vi Vi Phạm Quy Định Về Hoạt Động Sử Dụng Vốn Để Đầu Tư Của Nhtm
- Nguồn Vốn Của Ngân Hàng Thương Mại Được Sử Dụng Để Cấp Tín Dụng
- Quy Định Về Giới Hạn Sử Dụng Vốn Của Nhtm Để Cấp Tín Dụng
- Các Quy Định Của Pháp Luật Về Các Lĩnh Vực Cấp Tín Dụng Cụ Thể Của Nhtm
- Quy Định Về Cấp Tín Dụng Cho Các Dự Án Đáp Ứng Yêu Cầu Về Môi Trường:
Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.
NH. Tham khảo các báo cáo tài chính ở Phụ lục số 5, chúng ta cũng thấy các NHTM hạch toán nguồn vốn huy động ở khoản mục “Nợ phải trả”. Điều này không có mâu thuẫn giữa quy định về kế toán và quy định trong BLDS năm 2005, BLDS năm 2015. Bởi vấn đề sở hữu trong dân sự khác với vấn đề nghĩa vụ dân sự. Như đã phân tích ở phía trên, về mặt sở hữu trong dân sự, tiền mà NHTM huy động từ công chúng, vay từ công chúng là tài sản của NHTM. Về mặt kế toán, việc NHTM nhận tiền gửi từ công chúng thì NHTM phải có nghĩa vụ trả (tức nghĩa vụ dân sự).
Bộ luật dân sự Pháp cũng có quy định về vấn đề này. Theo đó, nghĩa vụ phát sinh từ HĐ vay tiền bao giờ cũng là nghĩa vụ trả số tiền ghi trong HĐ203. Đó là quy định áp dụng cho việc vay tài sản trong quan hệ dân sự. Đối với việc vay và nhận tiền gửi từ công chúng trong quan hệ NH, Điều L.312-2 của Bộ luật về tiền tệ và tài chính của Pháp (Code monétaire et financier) quy định khoản tiền mà một chủ thể nhận từ bên thứ ba, đặc biệt là dưới hình thức gửi tiền, và được sử dụng vì lợi ích và dưới sự rủi ro của chính mình phải được hoàn trả lại cho công chúng204. Có sự tương đồng trong quy định về tiền gửi tại NH: NH phải hoàn trả số tiền đó cho người gửi. Theo Điều 4 Luật các TCTD năm 2010, nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Thông tư số 48/2018/TT-NHNN giải thích tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được người gửi tiền gửi tại TCTD theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận với TCTD.
Từ các phân tích trên, theo nghiên cứu sinh, không cần thiết phải quy định người gửi tiền được quyền giám sát và khởi kiện đòi bồi thường khi NHTM sử dụng vốn không tuân thủ quy định của pháp luật. Bởi ở đây có 2 quan hệ tách biệt: (i) NH vay tiền của người gửi tiền và trở thành chủ sở hữu, có nghĩa vụ hoàn trả tiền cho người gửi tiền khi khoản vay đến hạn; (ii) NH cho chủ thể khác vay, chủ thể khác trở thành chủ sở hữu tài sản vay và có nghĩa vụ trả tiền cho NH khi khoản vay đến hạn. Cho nên, về nguyên tắc, NH phải trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn của NH sau khi đã vay tiền của người gửi tiền, NH không nên trông chờ vào một chủ thể nào khác để giúp giảm thiểu rủi ro. Dưới góc độ hiệu quả kinh doanh, đây là việc mà chính NHTM phải thực hiện.
Dù là chủ sở hữu đối với vốn chủ sở hữu hay là vốn huy động từ công chúng thì NHTM cũng có những giới hạn nhất định trong việc sử dụng đồng vốn của mình. Giới hạn này được quy định tại Khoản 2 Điều 160 BLDS năm 2015: chủ sở hữu được thực
203 Art. 1895 The obligation which results from a loan of money is always for the numerical sum stated in the contract (Civil Code of France updated on 04/04/2006)
204 Art. L. 312-2. Funds which an entity accepts from a third party, in particular in the form of deposits, with the right to use them for its own account subject to its returning them shall be deemed to be funds received from the public (Code monétaire et financier)
hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đây không phải là điều quá mới vì từ trước đến nay, quyền sở hữu của chủ sở hữu nhà ở vẫn bị giới hạn bởi quyền địa dịch và các quyền khác của chủ BĐS liền kề. Riêng trong hoạt động sử dụng vốn huy động của NHTM, NHTM không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền, lợi ích công cộng. Đây được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt khi phân tích, đưa ra nhận định, đánh giá và định hướng hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM thông qua việc cấp đầu tư và cấp tín dụng.
NHNN Việt Nam đã xác định nội hàm của hoạt động cấp tín dụng tại Điều 3 Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo đó, hoạt động cấp tín dụng được thể hiện ở các nghiệp vụ như: cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của NHNN. Quy định trên chỉ là để cụ thể hóa và quy định chi tiết khái niệm “cấp tín dụng” tại khoản 14 Điểu 4 Luật các TCTD năm 2010. Chính vì để chi tiết và cụ thể hóa quy định của Luật các TCTD năm 2010 về “cấp tín dụng” nên quy định của Thông tư trên đã quy định “cấp tín dụng” còn bao gồm cả nghiệp vụ tái chiết khấu. Có thể nói, “chiết khấu” và “tái chiết khấu” là cùng một nghiệp vụ và “tái chiết khấu” là nghiệp vụ phái sinh từ nghiệp vụ “chiết khấu” trước đó. Bên cạnh đó, trong khi Luật các TCTD năm 2010 quy định cấp tín dụng bao gồm cả bảo lãnh NH thì Thông tư nêu trên chỉ hướng dẫn cấp tín dụng bao gồm bảo lãnh nói chung, không chỉ là bao gồm bảo lãnh NH.
Từ đó, pháp luật hoạt động sử dụng vốn của NHTM thông qua hoạt động cấp tín dụng là toàn bộ QPPL điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ việc NHTM sử dụng nguồn vốn của NHTM để cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, tái chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng và các hoạt động cấp tín dụng khác theo quy định của NHNN. Các quan hệ xã hội này bắt nguồn từ việc giao kết HĐ tín dụng kéo dài đến giai đoạn sau khi giải ngân và chỉ chấm dứt khi đã thanh lý hay chấm dứt HĐ tín dụng. Những QPPL này sẽ điều chỉnh việc cấm sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, chính sách về ưu tiên cấp tín dụng cho một số lĩnh vực, một số chủ thể trong nền kinh tế.
4.2. Những quy định pháp luật để hạn chế rủi ro trong hoạt động sử dụng vốn của NHTM thông qua việc cấp tín dụng
Những quy định sau đây nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sử dụng vốn của NHTM: quy định về cấm sử dụng vốn để cấp tín dụng, về hạn chế cấp tín dụng, về giới hạn cấp tín dụng, quy định về tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Trong các quy định trên, quy định về tỉ lệ dự trữ bắt buộc nhằm để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
4.2.1. Quy định về cấm sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng
Quy định cấm sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng bao gồm các nội dung sau: những chủ thể không được cấp tín dụng; những nhu cầu vốn không được cấp tín dụng; việc cấp tín dụng không được nhận những loại tài sản bảo đảm nhất định.
Về chủ thể không được cấp tín dụng:
Khoản 1 Điều 126 Luật các TCTD năm 2010 có quy định một số đối tượng bị cấm cấp tín dụng bởi chính TCTD đang được đề cập. Các đối tượng này được chia thành 3 nhóm như sau: (i) Nhóm những chủ thể có chức vụ hoặc vị trí quan trọng trong TCTD (như thành viên HĐTV, thành viên BKS, thành viên HĐQT, TGĐ (GĐ), Phó TGĐ (PGĐ) và các chức danh tương đương của TCTD; (ii) Nhóm pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên BKS của TCTD là công ty cổ phần; pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn; (iii) Nhóm người thân của những người có chức vụ và vị trí quan trọng trong NHTM: đối tượng là cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên HĐQT, HĐTV, BKS, TGĐ (GĐ), Phó TGĐ (PGĐ), TCTD.
Điều này cho thấy Luật các TCTD năm 2010 đã mở rộng đối tượng bị cấm cấp tín dụng đến các đối tượng là cha, mẹ, vợ, chồng, con của những chức danh tương đương với các chức danh như thành viên HĐQT, HĐTV, BKS, TGĐ, GĐ, Phó TGĐ, PGĐ. Nhóm thứ nhất là nhóm những chủ thể có thẩm quyền quyết định việc cấp tín dụng của NHTM. Khi một chủ thể vừa là người có thẩm quyền quyết định cấp tín dụng vừa là người đi vay thì sẽ tạo nên tình trạng xung đột lợi ích, tình trạng lạm quyền. Khi đó, họ sẽ tự cho phép mình được hưởng các ưu đãi, nếu họ chưa trả nợ đúng như cam kết thì NHTM cũng chưa chắc dám khởi kiện họ ra tòa vì họ có thể chính là người đang lãnh đạo NHTM đó. Sự không khách quan trong quá trình thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng sẽ tạo ra rủi ro cho nguồn vốn của chính NHTM đó205. Bên cạnh đó, quy định không được cấp tín dụng cho pháp nhân là cổ đông, pháp nhân là thành viên góp vốn được đặt ra để tránh trường hợp NHTM chuyển thêm vốn cho cổ đông, thành viên của TCTD thông qua hình thức cấp tín dụng. Nhóm thứ ba là nhóm người nhà của những người ở nhóm 1, là những người có có khả năng tác động lên các chủ thể có thẩm quyền quyết định việc cấp tín dụng.
Theo Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014, người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
i) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp; i) Người quản lý doanh nghiệp; đ) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em
205 Đại học luật TP.HCM (2013), tlđd 19, tr.212
ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của nhân viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối. Như vậy, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các TCTD năm 2010 nêu trên, việc NHTM nếu có quan hệ cấp tín dụng cho những đối tượng ở nhóm 1, 2, 3 nêu trên thì đó là giao dịch giữa các bên có liên quan.
Kết quả một nghiên cứu được thực hiện với các NH của Bangladesh chỉ ra rằng số lượng giao dịch bên liên quan tăng lên đồng nghĩa với quản trị doanh nghiệp kém hơn và gian lận trong các NH cũng tăng lên206. Các nước đều quy định về đối tượng bị cấm cấp tín dụng và cấp tín dụng ưu đãi cho một số đối tượng. Ví dụ Thái Lan có quy định các NHTM không được ưu ái với GĐ trong việc cấp tín dụng, đảm bảo mọi khoản nợ, chấp nhận, cho vay, hoặc can thiệp thanh toán cho một hối phiếu nào mà GĐ là người ký phát, người tạo ra hoặc người ký kết207.
Tuy nhiên, hiện nay ít nhiều vẫn còn có quan điểm khác nhau về việc có nên cấm cấp tín dụng cho các chủ thể là người điều hành NH không. Theo quan điểm của luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật BASICO208, pháp luật của Ấn Độ không cấm thành viên HĐQT, ban điều hành vay vốn tại NH, pháp luật của các quốc gia khác cũng quy định tương tự. Từ đó, tác giả bài viết cho rằng vấn đề quan trọng không phải là những đối tượng bị cấm đó là người đang quản lý chính NHTM mà họ định vay tiền. Vấn đề chính phải là người vay tiền là người đang điều hành NHTM có đủ tài sản bảo đảm hay không. Theo quy định tại mục 8 (cấm kinh doanh) và Phần IIB (cấm một số hoạt động liên quan đến NH) của Đạo luật về Ngân hàng năm 1949 của Ấn Độ209 không quy định việc cấm cấp tín dụng đối với những người đang điều hành NH.
Về mặt lý luận, quan điểm trên của tác giả bài báo có sự hợp lý nhất định. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi việc đề xuất, xem xét, xét duyệt việc cấp tín dụng cho những đối tượng đang là người quản lý NH được thực hiện theo đúng quy định, quy trình cấp tín dụng. Nếu việc đề xuất, xem xét, xét duyệt việc cấp tín dụng cho những đối tượng đang là người quản lý NH không được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tiêu cực sẽ xảy ra. Điều này lại thường xảy ra trong cuộc sống, khi những người đề xuất, xem xét, xét duyệt cấp tín dụng vì cả nể, vì muốn lấy lòng, vì tư lợi mà
206 Nguyễn Nguyệt Anh (2017), “Thông lệ quốc tế về giao dịch bên liên quan, khuyến nghị đối với các ngân hàng Việt Nam”, International Finance Corporation, World Bank Group, ngày 11-1-2017, [file:///C:/Users/user/Downloads/Documents/Giao%20dich%20ben%20lien%20quanNguyet%20AnhIFC.pdf], truy cập ngày 10-6-2018
207 “Section 12. No commercial bank shall:
(2) in favor of any of its director, grant credits, guarantee any debts, or accept, give aval to, or intervene for honor of any bills which the director is a drawer, a maker or an endorser;” (Secrion 12 of Commercial Bank Act of Thailand)
208 Trần Minh Hải (2018), “Có nên cấm cấp tín dụng với người điều hành ngân hàng?”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 23-4-2018, tr.28
209 Banking Regulation Act in 1949 of India and Part IIB prohibition of certain activities in relation to banking companies, modified on January 7th, 2017.
chấp nhận cấp tín dụng cho chủ thể đang điều hành NH. Lúc bấy giờ, đồng vốn của NHTM sẽ bị sử dụng cấp tín dụng cho đối tượng không phù hợp, không đủ chuẩn, dưới chuẩn. Việc không cấm cấp tín dụng cho những đối tượng đang điều hành NH chỉ có thể được tiến hành khi các quy định về đạo đức được NHTM, những người có thẩm quyền xét duyệt cấp tín dụng tuân thủ. Nhưng trong phần 2.4.5, nghiên cứu sinh đã phân tích xã hội đang có sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức nói chung, trong lĩnh vực NH nói riêng. Nên việc không quy định cấm cấp tín dụng cho những đối tượng đang điều hành NH lại là lỗ hổng pháp lý khiến cho hoạt động sử dụng vốn của NHTM gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, NHTM khác với tiệm cầm đồ. Tại tiệm cầm đồ, các chủ thể muốn vay tiền chỉ cần chứng minh là họ có tài sản bảo đảm, tài sản cầm cố để đảm bảo trả lại khoản tiền vay. Nhưng, đối với các NHTM thì việc bảo đảm tiền vay chỉ là một căn cứ quan trọng chứ không phải là căn cứ duy nhất và bắt buộc để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận việc cấp tín dụng210.
Theo khoản 4 Điều 126 Luật các TCTD năm 2010, TCTD không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát. Khoản 4 Điều 126 này chỉ cấm cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà không phải là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác. Quy định này xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, để tránh sự không minh bạch, khách quan trong việc giải quyết cấp tín dụng cho đối tượng này, đối tượng mà NHTM nắm quyền kiểm soát.
Thứ hai, để tránh việc NHTM thông qua các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán này để lũng đoạn, thao túng thị trường chứng khoán mà trong đó NHTM cũng là một doanh nghiệp, một công ty đại chúng.
Thứ ba, nếu không cấm NHTM cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà NHTM nắm quyền kiểm soát thì NHTM có thể sử dụng vốn huy động từ công chúng để cấp vốn thêm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này là không phù hợp với quy định ở khoản 1, 2 Điều 103 Luât các TCTD năm 2010: NHTM chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần, thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động chứng khoán.
Thứ tư, để bảo vệ chính bản thân NHTM sau đó là bảo vệ người gửi tiền vì hoạt động kinh doanh chứng khoán là một hoạt động đầy rủi ro. NHTM cấp tín dụng cho các
210 Ví dụ, khoản 1 điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ban hành ngày 9-6-2015, hiệu lực ngày 25-7-2015, quy định TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật; Khoản 1 Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định “1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận”; khoản 2 Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN “2. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay”.
doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, nếu sau đó đồng vốn này bị mất từ rủi ro hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán này thì sẽ ảnh hưởng đến NHTM đầu tiên, sau đó là ảnh hưởng cuối cùng đến người gửi tiền vào NHTM.
Bên cạnh đó, theo quy định, hoạt động sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng không hướng dẫn cấp tín dụng cho tất cả các chủ thể. Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì chủ thể vay vốn tại các TCTD là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:
(i) Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; (ii) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài. Để quy định này có thể được thực thi, các chủ hộ kinh doanh, chủ hộ gia đình có thể với tư cách cá nhân được các TCTD cấp vốn, mà không phải với tư cách đại diện cho hộ gia đình, hộ kinh doanh như trước đây. Quy định này của Thông tư cũng như việc thực thi nêu trên được xem là phù hợp với quy định tại Điều 101 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Nếu các TCTD tiếp tục ký HĐ cho vay với đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác sẽ khiến cho HĐ có nguy cơ bị vô hiệu vì chủ thể giao kết không có thẩm quyền đại diện. Từ các phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng việc sử dụng vốn để cấp tín dụng của các NHTM còn được thực hiện theo hướng phải xem xét tư cách chủ thể có nhu cầu được cấp tín dụng.
Tóm lại, trong số các đối tượng bị cấm cấp tín dụng không có đối tượng là các “TCTD khác”.
Những nhu cầu vốn không được cấp tín dụng
Nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn được thể hiện ở việc nhà nước có quy định một số nhu cầu vốn không được cho vay. NHTM không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán trong một số trường hợp.
Chứng khoán gồm có 2 loại là chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Việc dùng vốn của NHTM để sử dụng trong việc mua cổ phần, cổ phiếu là thuộc mảng đầu tư. Việc sử dụng vốn của NHTM để đầu tư vào trái phiếu có bản chất là hoạt động cấp tín dụng. NHTM không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chứng khoán. QPPL cấm đoán này được thể hiện ở Khoản 4 Điều 126 Luật các TCTD năm 2010. Theo đó, NHTM bị cấm cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà TCTD nắm quyền kiểm soát211. Quy định
211 Trước đây, khoản 7 Điều 8 Thông tư 13/2010/TT-NHNN cũng có quy định tương tự
này nhằm tránh việc NHTM cấp thêm vốn cho công ty trực thuộc là doanh nghiệp hoạt động chứng khoán dưới hình thức cấp tín dụng.
Hiện nay, Điều 1 mục 8 Thông tư 06/2016/TT-NHNN và Điều 14 Thông tư 36/2014/TT-NHNN đều quy định NHTM không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính NHTM. Ngày 28/12/2017, NHNN ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Thông tư mới cũng nêu rõ các TCTD không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của TCTD. Quy định cấm NHTM không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính NHTM xuất phát từ những cơ sở sau:
Thứ nhất, phần lớn nguồn vốn của các NHTM là nguồn vốn ngắn hạn, việc cấp tín dụng trung, dài hạn cho khác hàng để kinh doanh, đầu tư cổ phiếu vừa là điều gây khó đối với NHTM, vừa là điều gây bất lợi và rủi ro cao cho NHTM. Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán chưa phát triển như hiện nay, các cổ phiếu lại không có tính thanh khoản cao thì việc khách hàng trả tiền vay cho NHTM là điều khó khả thi. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy NH Bear Stearns bị thất bại năm 2007 - 2008 do không thể tái cấu trúc các khoản nợ ngắn hạn đã dùng để đầu tư dài hạn vào các chứng khoán cầm cố212.
Thứ hai, khi NHTM cấp tín dụng cho khách hàng, khách hàng dùng tiền vay để đầu tư cổ phiếu của chính NHTM. Tình trạng này sẽ tạo ra vốn ảo. Bên cạnh đó, quy định này để tránh trường hợp lẫn lộn tư cách chủ thể, khách hàng vừa là con nợ của NHTM nhưng lại vừa là cổ đông của NHTM khi họ vẫn còn nắm trong tay cổ phiếu của NHTM, chưa bán được cổ phiếu. Với quy định này của Thông tư 19/2017/TT-NHNN, để mua cổ phiếu NH, nhà đầu tư phải có tiền, không được dùng vốn có nguồn gốc vay từ các TCTD. Trong quá khứ, việc vay rồi mua cổ phiếu của chính NHTM, sau đó thế chấp chính lượng cổ phiếu để tiếp tục vay đã tạo nên những vòng quay vốn, tạo nên vốn ảo trong hệ thống NH.
Mục 8 Điều 1 Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định NHTM không được cấp tín dụng ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của chính NHTM để (i) đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, (ii) cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc là NHTM không được trực tiếp kinh doanh chứng khoán nói chung, mua bán cổ phiếu nói riêng theo Điều 103 Luật các TCTD năm 2010 thì NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của chính NHTM để thực hiện các hoạt động đó. Nguyên tắc đại diện và ủy quyền đòi hỏi bản thân chủ thể phải có quyền thực hiện một số hoạt động thì mới được ủy quyền, ủy thác cho các chủ thể khác thực hiện các hoạt động đó. Quy định trên đã trở nên bị thừa.
212 Đỗ Thiên Anh Tuấn, “Khủng hoảng tài chính”, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, niên khóa 2011- 2013, tr.5