Pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn ở Việt Nam - 10

kiến, thực dân Pháp; sau năm 1953 nước ta đã xóa bỏ được chế độ chiếm hữu của thực dân, phong kiến; đến năm 1954, Nhà nước chia ruộng đất cho nông dân; năm 1957, Nhà nước lại xóa bỏ chính sách chia ruộng đất cho nông dân, chính việc này đã làm cho quỹ đất của Nhà nước bị xáo trộn; nhưng đến năm 1958, ruộng đất được coi là tư liệu sản xuất chung, tập thể; ngày 30/04/1975 Nhà nước hợp tác hóa xây dựng lâm trường, đất đai một lần nữa lại bị đảo lộn, đất đai ngày càng bị chia nhỏ.

Thứ hai, hệ thống quản lý đất đai còn chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ xét xử vẫn còn một số Thẩm phán có trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu kinh nghiệm xét xử, có khi còn hiểu sai tinh thần điều luật dẫn đến việc áp dụng không đúng, không chính xác. Thậm chí, một số cán bộ vì lợi ích kinh tế, tranh thủ thời gian đương chức đã cố tình vi phạm chính sách pháp luật đất đai để trục lợi. Ngoài ra, một số các cơ quan đại diện cho dân chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát trong giải quyết tranh chấp trong khiếu kiện của dân.

Thứ ba, trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân còn thấp, ý thức tìm hiểu pháp luật chưa cao dẫn đến hiện tượng khiếu kiện không có cơ sở pháp lý xảy ra còn khá phổ biến. Nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, xong cố tình không chấp hành những quy định đã giải quyết đúng pháp luật. Một số khác thì bị kích động hoặc bị lợi dụng để kích động khiếu nại đông người, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước.

Một số nguyên nhân nữa đó là tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường với những ưu điểm của nó đã làm cho xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt… nhưng kéo theo là sự tăng lên đáng kể của một số tệ nạn xã hội, đặc biệt là sự gia tăng của hiện tượng ly hôn.

Theo quy định của pháp luật thì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng phải ghi tên cả vợ và chồng. Tuy nhiên, do phong tục, tập quán, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao nên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường chỉ ghi tên một người. Điều này gây khó khăn cho

Tòa án trong việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng.

2.2.3.3. Một số nguyên nhân đặc thù khác

*Về đặc điểm tranh chấp quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn

Quyền sử dụng đất là một loại tài sản mang những nét đặc thù riêng, thông thường quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn hoặc đem lại thu nhập chính cho vợ chồng. Nó thường có giá trị lớn nhất trong khối tài sản chung của vợ chồng và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống gia đình. Việc phân chia quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn có ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của vợ, chồng và các thành viên khác trong gia đình. Do đó, các tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn thường rất gay gắt và quyết liệt. Khi còn tình cảm thì họ sống hòa thuận, hết lòng với nhau, không phân biệt đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng nhưng khi ly hôn thì hàng loạt những mâu thuẫn, bất đồng phát sinh.

Trong một số trường hợp cá biệt như: quyền sử dụng đất là tài sản riêng, nhưng nhà ở là tài sản chung của vợ chồng hay quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng nhà ở lại là tài sản riêng của vợ, chồng…thì Tòa án gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi giải quyết tranh chấp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Việc giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn rất phức tạp. Tòa án phải xác định nhiều loại quan hệ cũng như phải thu thập, điều tra, đánh giá chính xác chứng cứ, tài liệu…liên quan tới quyền sử dụng đất để có thể đưa ra được cách thức, biện pháp giải quyết phù hợp.

*Về các bên tranh chấp (vợ - chồng)

Pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn ở Việt Nam - 10

Do người dân hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên mặc dù đã có quy định: Nếu tài sản riêng của vợ, chồng là quyền sử dụng đất thì khi nhập vào tài sản chung của vợ chồng phải bằng văn bản, có chữ ký của hai vợ chồng hoặc phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống xã hội, các cặp vợ chồng thường không thực hiện đúng quy định của pháp luật, do đặc điểm của các quan hệ hôn nhân là luôn xuất phát từ tình cảm, sự thương yêu gắn bó cùng nhau trong gia đình; vì vậy, vợ chồng thường tự nguyện sử dụng chung các loại tài sản chung và tài sản riêng, miễn sao bảo đảm quyền lợi của gia đình. Điều đó đã dẫn tới hậu quả khi

có tranh chấp thì việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay là tài sản riêng của vợ chồng gặp nhiều khó khăn.

Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng là điều rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi bên vợ chồng sau khi ly hôn, đặc biệt là đối với người phụ nữ, người vợ. Khi hôn nhân không còn tồn tại, cuộc sống của người phụ nữ sẽ bị đảo lộn, không những bị tổn thương về mặt tinh thần, mà còn mất thăng bằng trong cuộc sống. Do vậy, người phụ nữ khó có thể ổn định, thích nghi kịp với điều kiện mới. Nhiều khi do phong tục, tập quán hay trình độ hiểu biết pháp luật mà quyền lợi của người phụ nữ thường bị xâm phạm. Điều này là một khó khăn đối với cơ quan tư pháp trong việc xác định quyền lợi của mỗi bên nếu như một bên lợi dụng sự kém hiểu biết hay sự yếu đuối của bên kia mà che đậy hành vi xâm phạm tài sản của người khác, đặc biệt là việc ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, khiến cho tòa án khó xác định được đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng để phân chia cho công bằng.

CHƯƠNG 3

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI VỢ CHỒNG LY HÔN

Sự hội nhập nhanh vào cơ chế kinh tế thị trường, tạo đà để phát triển kinh tế, tất yếu nảy sinh nhiều mặt trái, đặc biệt trong quan hệ hôn nhân, tình trạng ly hôn diễn ra ngày càng phổ biến. Điều cốt yếu là làm sao để giải quyết tốt mối quan hệ hai chiều, biện chứng đó. Có ý kiến cho rằng: “Trong phát triển, mâu thuẫn là phổ biến. Điều cần thiết là phải giải quyết tốt các mâu thuẫn bằng sự kết hợp hài hòa và khoa học giữa truyền thống và hiện đại, cố gắng duy trì phần bất biến quý giá của các giá trị truyền thống gia đình, coi trọng phát triển có phủ định phần khả biến cho hợp với yêu cầu với cách mạng và thời đại”.

Chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không đơn thuần là quan hệ giữa các công dân, mà đó là những quan hệ bắt nguồn từ những liên hệ máu mủ, ruột thịt được hình thành trên cơ sở tình và nghĩa, trong sự đùm bọc và hy sinh cho nhau giữa các thành viên nhằm vun đắp cho sự êm ấm hòa thuận của gia đình. Đó là những quan hệ được xây dựng từ sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình, không có sự so đo, tị nạnh hơn kém, được thua giữa các thành viên, mà là khuyết điểm, sai lầm, lầm lỡ, “chín bỏ làm mười”. Trong gia đình, khi gặp mâu thuẫn, người ta không đem những điều khoản của pháp luật ra đấu lý, mà vận dụng tình và nghĩa để thu xếp cho ổn thỏa.

3.1. Kiến nghị về hoàn thiện quy phạm pháp luật

Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng làm cơ sở để tòa án có thể giải quyết tranh chấp một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện mà vẫn đảm bảo được lợi ích của các đương sự là một ưu tiên hàng đầu. Bởi khó khăn hiện nay cho tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn là một số quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; tài sản là quyền sử dụng đất của vợ chồng còn chưa cụ thể.

Một nguyên tắc bất di bất dịch khi tòa án xét xử đó là khi chia tài sản vợ chồng thì tài sản để chia đó phải là tài sản chung, nếu không phải là tài sản chung thì không chia.

Vấn đề ruộng đất luôn là một vấn đề phức tạp từ rất lâu trong quá khứ do nhiều năm đất nước ta bị chia cắt, đến khi Nhà nước được thống nhất, vấn đề ruộng đất cũng không vì thế mà ít phức tạp hơn. Đặc biệt từ những năm đổi mới đến nay. Thực tế còn quá nhiều loại giấy tờ liên quan đến đất đai còn tồn tại, bên cạnh đó còn có các vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Chính vì thế cần phải đổi mới pháp luật kịp thời và phù hợp với thực tế để giải quyết được phần nào những tình trạng trên.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn, các tòa án thường phân biệt hai loại đất khác nhau, đường lối giải quyết có khác nhau.

- Đối với đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản.

Trước hết, tòa án cần xác định vợ chồng có hay không có quyền sử dụng chung loại đất nông nghiệp. Được coi là vợ chồng có quyền sử dụng chung loại đất này trong trường hợp vợ chồng được cơ quan Nhà nước có thực chất là không cho người con dâu (hoặc con rể) được chia làm nhà, đất hoặc được chia giá trị quyền sử dụng đất đó. Trong các trường hợp này, nếu đòi hỏi phải có chứng cứ về việc bố mẹ đã cho đất mới công nhận vợ chồng người con có quyền sử dụng chung về đất đó thì không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó có thể thống nhất đường lối giải quyết như sau:

Đối với trường hợp bố mẹ giao đất cho vợ chồng người con làm nhà ở mà khi vợ chồng người con xin ly hôn, bố mẹ đòi lại đất, nếu không có chứng cứ về việc cho mượn, cho sử dụng nhờ hoặc có sự thỏa thuận nào khác, thì cần xác định là bố mẹ đã cho vợ chồng người con diện tích đất đó và quyền sử dụng chung về diện tích đất đó được tính cùng với các tài sản chung khác của vợ chồng để chia khi xử cho vợ chồng ly hôn.

- Đối với đất được cấp để giãn hộ thì từ thực tế do dân số tăng nhanh nhu cầu sử dụng đất để cấp cho các hộ gia đình có nhân khẩu tăng nhanh. Chính vì vậy, Nhà nước có chính sách cấp để giãn hộ. Từ thực tế trước đây, theo điều 38 Nghị định số 30/CP ngày 23/03/1989 thì khi “trong gia đình có thêm một cặp vợ chồng” và có nhu cầu về đất ở thì có thể được giao đất ở.

Trong thực tế, có trường hợp chính quyền địa phương giao đất cho hộ gia đình, nhưng cũng có trường hợp giao đích danh cho một cặp vợ chồng (Ví dụ: Vợ chồng A) sau đó trong nội bộ gia đình có sự thỏa thuận để cho vợ chồng B sử dụng diện tích được cấp. Khi vợ chồng A hoặc vợ chồng B xin ly hôn thì xảy ra tranh chấp đất đai.

Đường lối giải quyết loại tranh chấp này chưa thống nhất. Chúng tôi đề nghị hướng giải quyết như sau:

Một là, nếu Ủy ban nhân dân giao đất cho hộ gia đình, sau đó trong nội bộ gia đình thoả thuận để cho cặp vợ chồng đó có quyền sử dụng chung đối với đất được giao, nếu họ ly hôn thì coi quyền sử dụng đất đó là tài sản chung để chia, nếu có người khác tranh chấp thì bác yêu cầu tranh chấp đó.

Hai là, nếu mảnh đất đó được giao đích danh cho vợ chồng A thì vợ chồng A nhường cho vợ chồng B mảnh đất đó, trên quyết định giao đất đó vợ chồng A là người sử dụng hợp pháp. Vợ chồng A sau khi nhường cho vợ chồng B mảnh đất đó thì ở lại trên mảnh đất bố mẹ thì vợ chồng B có quyền sử dụng chung đối với đất được giao. Khi có tranh chấp xảy ra, giải quyết vụ việc theo hướng được nêu ở trên. Bởi lẽ, vợ chồng A do có sự thỏa thuận trước đây giữa họ với bố mẹ, nên bố mẹ có trách nhiệm đảm bảo đất ở cho họ. Nếu vợ chồng ly hôn thì bố mẹ có trách nhiệm tạo điều kiện về đất ở (hiện vật hoặc giá trị) tương đương với khoảng trên dưới một phần hai diện tích trước đây họ được cấp. (Nếu B làm tăng giá trị của đất thì A sẽ bồi thường cho B với giá trị tương đương)

3.2. Kiến nghị về tổ chức thực hiện giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn

Thứ nhất, trên phạm vi toàn quốc, cơ cấu tổ chức theo địa giới hành chính hiện nay có 678 tòa án nhân dân cấp huyện, 63 tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao. Nếu theo thẩm quyền xét xử, hệ thống tòa án nhân dân có thể phân thành 741 tòa án cấp sơ thẩm; 66 tòa án cấp phúc thẩm; 69 tòa án có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm [7, 59-71]. Số lượng thì có vẻ nhiều nhưng cơ cấu, tổ chức được cho là chưa hợp lý.

Một khó khăn khác là tòa án nhân dân được thành lập theo địa giới hành chính nên bị dàn trải khó thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là tòa án cấp huyện tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tòa án nhân dân tối cao còn nặng về công tác xét xử hơn là công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Các tòa án nhân dân cấp tỉnh, tuy là cấp dưới nhưng có vai trò vừa là tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm; do đó, áp lực công việc đối với tòa án nhân dân cấp tỉnh là rất lớn. Đối với tòa án nhân dân cấp huyện thì số lượng tòa án nhiều, dàn trải, có nơi thì quá nhiều vụ án, có nơi thì lại quá ít.

Ngày 02.06.2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-TƯ về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng thể là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.

Có một thực tế là, trên thế giới không có một mô hình thống nhất. Tuy nhiên, mô hình tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, theo đó việc thiết lập và xác định số lượng toà án mỗi cấp được dựa trên cơ sở phân định địa hạt tư pháp của mỗi Toà án không trùng hợp với đơn vị hành chính cùng cấp là phổ biến. Tác giả Nguyễn Quân có đưa ra nhận định của ông Đặng Quang Phương như sau: “Đối với nước ta, quyền lực tập trung thống nhất, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp; do đó, việc nghiên cứu mô hình tổ chức tòa án cần phải đảm bảo nguyên tắc này” [23].

Tại “Hội thảo chính sách cấp cao về cải cách pháp luật, tư pháp” tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức từ ngày 04 đến ngày 05/02/2009, ông Đặng Quang Phương cho biết, ngành tòa án đang hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân theo hướng tổ chức hệ thống toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: toà án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc

một số đơn vị hành chính cấp huyện; toà án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; toà thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập toà chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp toà án, từng khu vực.

Thứ hai, việc xây dựng năng lực đó bao gồm: cung cấp kiến thức, các khái niệm cơ bản về ly hôn, tranh chấp đất đai…; phát động các chiến dịch tuyên truyền giáo dục về pháp luật; đào tạo cán bộ làm công tác trong việc hòa giải và giải quyết xung đột những mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng khi họ ly hôn. Kinh nghiệm Nhóm Công tác của Liên hiệp quốc về quản lý đất đai ở Đông Âu đã minh họa cho việc có thể đạt được những tiến bộ lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nếu cán bộ được bồi dưỡng những kỹ năng kỹ thuật, kiến thức về xã hội, pháp luật và kinh tế.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng xét xử của tòa án, còn cần phải nâng cao phẩm chất đạo đức, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ngành tòa án. Cần phải quan tâm đến chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của cán bộ xét xử để họ yên tâm công tác. Có như vậy, hiệu quả công việc mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân hiện nay.

Thứ ba, chính lãnh đạo ngành tòa án cũng nhìn nhận thấy rằng, đội ngũ cán bộ tòa án nói chung vẫn còn thiếu về lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ. Gần đây còn có hiện tượng cán bộ tòa án vi phạm kỷ luật công vụ, phẩm chất đạo đức, cá biệt có cả vụ vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Trong năm 2009, tòa án các cấp đã giải quyết 100% số đơn tố cáo cán bộ, chuyển cơ quan điều tra xem xét 7 trường hợp, cảnh cáo và buộc thôi việc 45 trường hợp…[40].

Qua những con số thực tế kể trên, chúng ta có thể thấy được cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp để sao cho kịp với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, đặc biệt là vấn đề bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, trình độ tin học và kiến thức pháp lý quốc tế.

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 18/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí